Chương 30

Một tối, tôi nhận điện thoại Dương Thu Hương. “Một nhà báo Mỹ muốn gặp em nhưng tiếng Pháp lão khó nghe quá, anh liên hệ giúp. Hỏi khách sạn Bộ quốc phòng đường Phạm Ngũ Lão ấy. Tên à? Anh hỏi luôn cả hộ em đi… Sáng mai, 11 giờ, hẹn tại đấy nhá…”

Nhà báo Mỹ này và tôi chập tiếng Pháp và Anh của nhau lại thì chuyện trò cũng bén giọt. Tên ông: Brian Eads. Sáng sau tôi đến chỗ hẹn, nhà hàng X., thì vừa lúc một người nước ngoài đăm chiêu đi tới, vẻ canh chừng, kiếm tìm. Nhà báo Mỹ.

– Việt Nam có câu vách có tai, vậy đây thế nào?

Vừa ngồi xuống ghế ông liền nhìn quanh hỏi ngay. Phóng viên nước ngoài chắc đã phổ biến kỹ cho nhau vòng vây của an ninh Việt Nam. Tôi nói:

– Tôi cũng không rõ. Bà Hương mời thì ta cứ đến.

– Thế ở khách sạn của quân đội ông có ống nhòm ở vách không?

– Ai bảo ông đến ở đó?

– Một người bạn.

Mách nhau chui hang hùm. Đúng là Mỹ. Bữa ấy rất vui. Nhà báo xem chừng hết bồn chồn. Dương Thu Hương, người được an ninh chăm sóc kỹ mà vui vẻ, hoạt bát như vậy thì chắc là vách không có tai rồi. (Kỳ thật có! Anh em chạy bàn rất nhiều lần kín đáo nhắc Hương cẩn thận với bàn nào bàn nào, đó… đó…, cô nhá!)

– Tôi biết gặp bà rất khó (khẽ nhún vai như phần bua: điều này ai còn lạ?) nhưng khi báo đề nghị tôi gặp bà phỏng vấn thì tôi rất thích. Bà biết cho là tờ Reader’s Digest có hơn 130 triệu người đặt mua và nó được bán ở hơn một trăm nước trên thế giới. Nếu bà không ngại và bằng lòng thì…

– Tôi không ngại. Thế này đi, chín giờ sáng mai, mời ông đến nhà hàng Bông Sen, phố Thợ Nhuộm. Chỗ ấy sân rộng, thoáng mát và có nhiều người nước ngoài đến.

– Có thể đến khách sạn Quốc phòng không, – Brian Eads ngập ngừng… – Tôi còn ghi âm, quay phim, chụp ảnh…

Thôi thì thế vậy, ăn xong ta cùng đi kiếm phiên dịch. Nếu đến nơi giữa trời của tôi, ông sẽ rất thích.

Gặp người nước ngoài, nhất là cánh nhà báo đàn ông, Hương lại rủ tôi. Tôi có mặt như che chắn kiểu NATO vậy. Những người đến gặp Hương dù chuẩn bị tư tưởng đến đâu vẫn cứ ngây thơ.

Một bà của Hội Văn Bút quốc tế đến từ Hà Lan. Gặp Hương ở Thuỷ tạ một sáng nọ. Bà thoải mái đặt máy ghi âm lên bàn, tay ghi tay micro chú vị hỏi. “Chẳng để ý tới một nguời trẻ tuổi vạm vỡ đến ngồi phịch ngay xuống ở bàn bên, sát vai tôi, mặc dù xung quanh còn nhiều chỗ trống và không ai lại hóng chuyện người khác lộ quá như vậy”. Bà phàn nàn lãnh đạo Hội nhà văn nói chuyện với bà toàn bằng “lưỡi gỗ” giống hệt công báo. Kể cả một nhà văn đang nức tiếng là viết mới, viết dữ cũng cố tránh bà. Ba hôm sau, bà điện từ Bangkok than với Hương rằng đến sân bay Nội Bài bà đã bị công an khám xét và lấy hết băng ghi âm cùng sổ tay bà ghi cái sáng đẹp trời ấy.

– Tôi xin chia buồn với bà. Nhưng thực tế ấy cũng có cái hay: Bà hiểu hơn hoàn cảnh sống của chúng tôi. Công dân Hà Lan hết sức tự do nhưng đến đất nước này cũng bị tước mất hết.

Trở lại chuyện Brian Eads phỏng vấn. Theo hẹn, Hương và anh phiên dịch đến khách sạn Quốc phòng. Gặp nhau mới đôi hồi vài câu xã giao thì công an ập vào. Khá đông. Brian Eads đã đưa cảnh này lên đầu bài báo sau đó đăng trên Reader’s Digest. Người ta nhè phá một cuộc phỏng vấn nhưng chính bản thân sự chặn phá đã là đề tài hấp dẫn của một bài báo. Bài báo có kèm mấy ảnh chân dung Hương. Một nhà báo Mỹ khác, Vogel chụp sau vụ phỏng vấn bị phá. Tôi chưa thấy ai chụp lẹ bằng Vogel. Một nhoáng hết bay bốn cuộn phim. Trước đó, đi ngược chiều với ông ở gần chỗ hẹn gặp nhau, tôi đã ngạc nhiên thấy một người nước ngoài kênh càng quanh người toàn máy ảnh và bao túi, một Tartarin (nhân vật truyện của Alphonse Daudet – BT) hiện đại. Ngỡ nghe thấy cả quân nhạc rầm rộ phát ra ở người ông. Khi bắt tay nhau, tôi thốt lên là tôi đã nghĩ ông tay không đến. Ông cười thích thú: Eads không biết rằng người ta đâu có lạ ông ta là nhà báo, tên tuổi đã lên các báo khá nhiều, thế nhưng lại đi khai là người du lịch và đó là chỗ an ninh nắm lấy mà ngăn chặn. Sau vụ này chừng nửa tháng, một hôm Hương đưa tôi xem một số báo Văn Hoá của Bộ Thông tin Văn hoá. Một tác giả đàn bà, có thể là mạo nhận để cho nồi bật lên hơn khía cạnh sa đoạ đạo đức mà bài báo nhắm gợi đến. Việc Hương gặp nhà báo Mỹ biến ra thành như sau: Sau lần bị bắt năm 1991, Dương Thu Hương đã “ngoan ngoãn ngồi nhà” nhưng gần đây “ả” (chữ của bài báo) lại “ngứa nghề” (cũng chữ của bài báo) mon men gặp một nhà báo nước ngoài, do Phan Huy Đường, “một tên phản động ở Paris” mách mối. Ả đến để “làm trò bậy bạ” nhung không may cho ả, “an ninh ta đã lập thời can thiệp”. Bí mật chụp hình, quay phim cho đầy đủ các màn cụp lạc, đô la cả xấp trao tay với sự chứng kiến chắc là mê dại đi của người phiên dịch rồi hãy đột nhập thì hay biết bao, sao hấp tấp quá thế? Thời gian này, Hương cho tôi quen một cô gái Mỹ, Nina McPherson đến Hà Nội học lấy thạc sĩ tiếng Việt. Nina đã làm báo cho AFP ở Trung Quốc. Đọc Những thiên đường mù của Dương Thu Hương thế là mến tác giả rồi dịch nó ra tiếng Anh, cộng tác với Phan Huy Đường, một dịch giả và một nhà nghiên cún.

Tháng 6-1998, một hội nghị Việt Nam học được triệu tập tại Hà Nội. Người chi tiền là Quỹ Fulbright hay Ford gì đó tôi không nhớ. Trong quan khách đến có Marr và Tonnesson, hai nhà Việt Nam học uyên bác của Úc và Thuỵ Điển. Tôi đã đọc tác phẩm hai ông về Cách mạng Tháng Tám. Tôi còn đọc Dân chủ hoá ở Việt Nam của Tonnesson. Theo ông thế nào cũng có dân chủ ở Việt Nam – ông chỉ không khẳng định hỉnh thái của nó – bỏi vì bốn tiền đề: đảng phải nói đổi mới tức là đã cũ hay đã sai; có máy tính, giá đỡ vật chất cửa tin học; có cách mạng tin học và cuối cùng sẽ có một giai cấp trung lưu ra đời. Giai cấp trung lưu sẽ không cho phép ai bắt nó phải bỏ phiếu bầu ai. Thập niên 60 giai cấp trung lưu ra đời ở Nhật và Nhật dân chủ hoá thật sự từ đấy.

Nina chuẩn bị tốt nghiệp xong về nước. Cô rất muốn dự hội nghị này. Nhưng mai khai mạc thì hôm nay Đại học Sư phạm, nơi cô học, cho hay cô không được phép dự. Nina bần thần ra nói lại với tôi. Tôi nói: Quyền lợi công dân Mỹ bị vi phạm thì chính phù Mỹ can thiệp. Đại sứ Mỹ Douglas Pete Peterson liền có một công hàm gửi Bộ ngoại giao và Bộ công an nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhắc lại rằng hội nghị này do một hội Mỹ chi tiền, nguyên tắc hội nghị mà Việt Nam đã tán thành là người nước ngoài ở Việc Nam hội nghị diễn ra đều được dự vậy tại sao lưu học sinh Nina McPherson Mỹ kiều không được dự, “xin quý ngài trả lời cho hay lý do cấm họp”. Đọc chỗ này tôi ngớ ra: không ngờ nổi Nhà nước ta lại quên được chính cái nguyên tắc mình vừa cam kết. Chết thôi, người ta dễ bảo là chỉ cân lấy tiền và mau xổ lồng cong đuôi! Nina cho tôi công hàm này. “Làm kỷ niệm. Nhờ anh gợi ý cho mà có nó chứ còn em thì đầu óc cứ rối cả lên”. Dự hội nghị xong, Nina chuẩn bị về nước. Hương mời một bữa tối tiễn bạn rồi sáng sau Hương và Bình, cô giáo dạy tiếng Việt của Nina cùng sang Nội Bài với Nina. Hai hôm trước ba chúng tôi ăn trưa tại một nhà hàng, về gần tới nhà, Nina nói: Em nhờ anh xem (gãi gãi đầu, ngúc ngắc đầu) xem cho em mấy chương Lưu Ly của chị Hương em dịch để giới thiệu trước với nhà xuất bản. Mấy hôm nay cái đầu em hỏng quá, dịch không thú. Chẳng hiểu cái gì đã khiến tôi sau một ngày một tối mà trao lại nối cho Nina ba chương tiểu thuyết Nina dịch sang tiếng Anh với một số hiệu đính có lẽ khá giả cầy của tôi. Nina cẩn thận hỏi mai kia sách in rồi em cảm ơn anh và vài người nữa ở lời nói đầu, anh có thấy làm sao không? – Sao thì sao chứ sao? – Tôi đáp. Thị phạm một tỉnh tế tiếng Việt “ba sao”.

Chiều sau, ở Nội Bài về, Hương gọi tôi. Hẹn sáng đến Hanoi Daewoo Hotel – Khách sạn Đại Vũ Hà Nội. Tôi đến. Hương vả Nina đã ở đại sảnh. Tôi nghĩ thầm: Cậu chụp ảnh trộm đang đứng ở đâu đây. Rồi được Nina cho hay sáng qua ở Nội Bài, công an giữ Nina lại khám xét cho đến quá trưa, liền mấy tiếng đồng hồ, tịch thu hết các tư liệu trong laptop của Nina. “Thế là bao nhiêu cái em làm việc với chị Hương mất hết cả rồi. Từ sáng mai em còn phải làm việc với công an văn hoá”. Hương nói ngày “làm việc” đầu tiên, tham tán đại sứ quán Mỹ đi cùng Nina đến. Rất nhã nhặn, công an văn hoá nói đây chỉ là để làm rõ vài việc, xin ngài chớ bận tâm. Làm rõ vài việc bằng hỏi thượng vàng hạ cám. Tại sao đang ở Trung Quốc lại sang Việt Nam? (Sang học thêm tiếng Việt Nam mờ) Sao ở Việt Nam nhiều người tốt không chơi lại đi chơi với phần tử xấu? (Ai là phần tử xấu?) Dương Thu Hương, Trần Đĩnh là phần tử xấu! (Tôi thấy hai người rất tốt. Chị Hương là nhà văn mà tôi yêu và dịch tác phẩm. Anh Trần Đĩnh là người nhiều hiểu biết ở Việt Nam). – Không, hai phần tử ấy chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội. Nói hẳn ra thể đấy.

– Muốn thế thì nói thế chứ mình thì thế nào cũng thế. Tối hôm ấy tôi cho cô bạn Mỹ thấy tinh tệ tiếng Việt “bốn thế”. Hỏi hơn mười ngày. Mỗi chiều “làm việc” xong, Nina lại cho biết nội dung “làm việc”. Họ hỏi em trắng trợn: chị có biết đẹp như chị mà làm gián điệp thì nguy hiểm không? Bình, cô giáo dạy Nina cũng bị công an gặp hỏi. Hương và tôi không. Ba năm sau, một lần đến tôi, Tuấn, an ninh chính trị văn hoá A25 chuyên đi với các đoàn làm phim Mỹ – như Một người Mỹ thầm lặng – bảo tôi Nina là gián điệp cỡ đấy anh ạ. Đã hoạt động ở Trung Quốc, dính líu sâu vào vụ Thiên An Môn rồi cả ở Tây Tạng, bị Trung Quốc đuổi mới sang ta. Tôi phì cười. Cười thật tình:

– Thảo nào tôi không làm được an ninh. Tôi chỉ thấy cô ấy là một cô gái rất hồn nhiên và giống như nhiêu người Mỹ khác rất bênh vực dân chủ và nhân quyền. Thế sao ngày ấy không túm lấy mà làm to ra?

Ngày ấy ta đang muốn hoà dịu với Mỹ. Muốn hoà dịu để còn được vào WTO (The World Trade Organization – Tổ chức Mậu dịch Thế giới) Còn nay sau khi Lê Khả Phiêu vào ghế Tổng bí thư thì sự căng cứng bắt đầu rộ lên. Có lẽ Phiêu cho rằng bản lĩnh chính của Tổng bí thư thời đổi mởi là thắt chặt an ninh, tăng cường chuyên chính chống diễn biến hoà bình. Ồng lên một cái liền bất quản thúc trở lại Hà Sĩ Phu. Tỏ thái độ gay gắt với nước ngoài, nhất là với Mỹ, như trường hợp Brian Eads và nay Nina. Terry McCarthy của tờ Time phủ tin Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam nói với Hương và tôi là công an hiện theo bám nước ngoài gắt lắm. Anh này đạp xe như thi giành áo vàng trên đường phố Hà Nội. Ngày 30-4-1998, tờ Asiaweek viết các nhà ngoại giao và nhà báo nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam cảm thấy công an và an ninh theo dõi họ siết sao, ngặt nghèo hơn trước. Có chuyện kỳ! Phiêu chuyên chính cao độ để nắm quyền cho chắc mà nửa nhiệm kỳ đã phèo! Tên Phiêu thì khó bền. Một cái hẩy bay vèo! Quanh quẩn thời gian đó, đại sứ Mỹ Peterson ở một cuộc phỏng vấn nói: “Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam mở cửa làm bạn với thế giới. Nhưng làm bạn có pháp luật của làm bạn, tức là quy tắc chơi mà hễ là bạn thì phải tuân thủ. Quy tắc chơi này là chúng tôi không làm ăn với khu vực quốc doanh, chúng tôi đòi công khai, minh bạch, chẳng hạn về ngân sách, tài chính, chúng tôi yêu cầu ngân hàng là một định chế kinh doanh chứ không phải ngân khố Nhà nước…” Luật chơi này dần “đi vào cuộc sống” rồi “trở thành hiện thực” Việt Nam. Pete Peterson bị bắn rơi ở bắc Hà Nội ngày 10-6-1966 rồi bị tù sáu năm: “Cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời tôi”. Khi rời Hoả Lò, ông đã (theo lời ông) “giận dữ, ngập tràn hận thù và tự nhủ: ta sẽ không bao giờ trở lại nơi kinh tởm này nữa”. Nhưng rồi ông học được rằng không nên bao giờ nói không và ông đã làm đại sứ Mỹ đầu tiên ở Hà Nội. Một lòng vun đắp cho hữu nghị Mỹ-Việt. Chủ nghĩa tư bản mở hơn chủ nghĩa cộng sản. Nó tự tin, cộng thì co lại cố thủ.

***

Tôi đọc quá thích The voice of hope – Tiếng nói của hy vọng, Nina cho. Đàm thoại giữa Aung San Suu Kyi, chiến sĩ dân chủ người Miến Điện được giải Nobel Hoà bình và Alan Clements, nhà báo, nhà văn, nhà Phật học từng tu ở Ấn Độ tám năm. Báo chí ta hầu như không bao giờ nhắc đến tên bà. Xin kể qua tên vài chương sách: Chân lý là một vũ khí hùng mạnh (chân lý tạo ra sức mạnh, chân lý không bao giờ tách khỏi thành tâm và thiện ý, tìm kiếm chân Ịý là quá trình khắc phục chủ quan); Làm việc cho dân chủ, dân chủ là một đại nghĩa xứng đáng để gắng chịu đau khổ vì nó; Các thánh nhân là những người có tội đang trên đường gắng gỏi; Tôi không thù ghét những người bắt giữ tôi; Bạo lực không phải là cách làm đúng; Ngoài tôi, không ai làm nhục được tôi v.v…

Một đàm đạo tràn ngập trí tuệ và nhân ái. Dựa trên chữ “ngộ”: gạt bỏ chủ quan, đạt tới khách quan. Chì khi khách quan mới có thể không thù hận người đã hành hạ đày ải ta. Mới có thể mong gỡ bỏ nỗi sợ cho dân và người cầm quyền, nhất là cho người cầm quyền, để đi tới khoan nhường, hoà hợp. Bà không biết đến phẫn nộ thần thánh, cái cho phép ta ngỡ có thể xúc phạm mọi điều, nhất là người khác. Bà đứng bên những nhà nhân văn lớn Martin Luther King, Nelson Mandela, Mẹ Teresa… những người có thể nói đã tiếp nhận giáo huấn của Mahatma (nghĩa là Tâm hồn vĩ đại) Gandhi không đề xướng hận thù và bạo lực, cốt lõi tinh thần Luther King ở trong “Chúng ta có một giấc mơ”: chớ tìm cách thoả man khát vọng tự do bằng uống vào cốc chua cay, hận thù… và thoái hoá ra thành bạo lực vật chất. Tuyên huấn Việt Cộng đã ghép da anh hàng thịt cho ông để đánh tráo ông thành người ca ngợi Việt Nam thạo uống vào cốc chua cay thù hận và giỏi bạo lực đổ máu để thoả mãn khát vọng tự do.