Chương 21

Thình lình Trần Xuân Bách, uỷ viên Bộ chính trị tung thư đòi đa đảng.

Có thể tôi sai. Tôi không tin ông. Ông từng đánh phá xét lại ác liệt, trong có Phạm Viết là đối tượng đả kích ác liệt của ông. Ông là chốn đặc biệt tin cẩn của Sáu Thọ. Tai tiếng ở Nam Hà, ông được Sáu Thọ cho sang Campuchia làm tổng cố vấn bên đó rồi sau nhờ công tích toàn quyền mà vào Bộ chính trị. Kiến Giang kể ông từng sạc Đổng, nguyên thư ký của Sáu Thọ đã không giúp được cho vợ ông vào đảng. Vụ kiện cáo này dính toàn gia nhân nên lên tới tận bà Chiếu, vợ Sáu Thọ. Năm 1988, trong Sài Gòn, Hoàng Yến bảo tôi anh được Chế Lan Viên ốm nằm bệnh viện khoe thư Trần Xuân Bách gửi Bộ chính trị đòi dẹp loạn trong văn nghệ mà trọng điểm là báo Văn Nghệ. Lúc ấy ông đang ở trong Nam giải quyết tình hình nhộn nhạo của nông dân xung quanh vấn đẽ đất. Chính ông gọi Lê Giản là “Nhân văn mới”. Vậy thì sao đùng một cái ông đa đảng? Một cục gọn thế thôi. Không vạch vòi sai lầm gì hết?

Tôi cho rằng đấy là cốt dứ Nguyễn Văn Linh đang được lòng dân với những khẩu lệnh “chống im lặng đáng sợ”, “tự cởi trói”, “tự cứu” nguy hiểm cho độc tài… Nửa nhiệm kỳ đại hội đảng rồi. Muốn cho Linh về thì bày thử thách ra. Nếu đa đảng, lập tức Bách đặt Linh trước cuộc thử vàng. Linh chịu đa đảng thì cũng sẽ là Trần Xuân Bách lên Tổng bí thư, mà chống lại thì Linh lộ ra là dân chủ vỏ. Đòn rất thâm: Linh đã lộ diện. Trở lại ngay với im lặng quý báu.

Tôi có thể đã quá đa nghi. Nhưng năm 2006, Trần Xuân Bách chết, tang lễ long trọng. Đầy đủ công lao nêu lên. Chôn nghĩa trang Mai Dịch. Khác hẳn Trần Độ, người không hề nói tới đa nguyên đa đảng như Bách. Nhưng tôi lúc đầu đã quá tin Nguyễn Văn Linh, một người đã bảo ngoài Bắc xã hội chủ nghĩa làm ăn như “con c”. (tôi khoái lắm, cho là ông đả cả hệ thống chủ nghĩa xã hội rồi!) và tâm sự với đông người rằng trước khi đi ngủ cứ lo sáng mai mở mắt đã thấy Sài Gòn phấp phới cờ nào, người như vậy thì thì sao lại không tin được? Nói Và Làm, Nhảy Vào Lửa cơ mà?

Nên tôi đã vận động cả Trần Văn Trà ủng hộ Linh. Trong những ngày “Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ” hoạt động rầm rộ ở Sài Gòn, với mũi tiêm kích là Nguyễn Hộ; Hoàng Yến dẫn tôi đến dinh thự quá đẹp, đẹp đến ngẩn ngơ người ra của Trà.

Trà phàn nàn Linh rụt rè. Tôi bảo Trà nên bảo vệ cái đầu cầu ấy. Đầu cầu dù chỉ bằng cái mảnh sân cho ta buông ba lô ngòi nghĩ bóp chân thôi cũng vẫn phải cố giữ nó. – Anh Khiêm bảo tôi anh Linh rất hẩu với anh, đi đâu cũng kéo anh cùng đi, anh nên ủng hộ anh Linh và giúp đỡ. Tôi không nói một lần tôi hỏi “thực chất Linh thế nào?” thì Khiêm nói: “Cha này nó khó hiểu đấy!”

Trà cười cười. Chắc đã nhìn thấy cái gì đó ở Linh. Cũng có thể Trà không muốn nhập cuộc. Hay ngờ tôi?

Jean Cathala, nhà văn Pháp bị Liên Xô bỏ tù rồi vào Đảng cộng sản Pháp, đã nói: Nghe Thorez, tôi phân thân thành một Tôi – tin và một Tôi – biết. Tôi – biết thì biết rất nhiều nhưng thằng Tôi – tin nó lại che đi mất hết. Tôi cũng thế. Tin Linh vì tôi để thằng Tôi – tin trong tôi lái dắt. Sau này thay thuỷ tinh thể một mắt, coi thể nghiệm đúng như thế. Nhìn với riêng mắt mới (hay đầy kiến thức) thì sáng, nhìn cả hai mắt lại mờ, mắt cũ hay lòng tin với đặc điểm cố thủ vẫn chỉ đạo. Lạ lùng! Gian nhà có hai ngọn đèn, ngọn mới vừa thay nhiều oát hơn bao nhiêu đi nữa vẫn bị bóng đèn cũ kéo cho tối ngang như nó!

***

Sinh viên Trung Quốc đại náo Thiên An Môn, ngày 4 tháng 6 năm 1989. Đài truyền hình Mỹ CNN quay tại trận đến đâu thì tải ngay đến đại bản doanh ở một khách sạn tại Bắc Kinh và một mặt mời khách mua chương trình đặc biệt một mặt phát lên vệ tinh cho toàn thế giới cùng lúc chứng kiến cảnh xe tăng tiến vào đè bẹp cuộc biểu dương lực lượng đòi dân chủ của sinh viên. Tờ Paris Match đưa lên trang bìa ảnh một sinh viên áo sơ mi trắng đứng chặn đoàn xe tăng Bát Nhất, trước ngay Đại lễ đường nhân dân, nơi tôi đã lao động bảy đêm ở tít trên giàn dáo thứ năm thứ sáu cao ngang mái Thiên An Môn ở bên kia. Tôi ngỡ ngay anh là đồng học cửa tôi ở Bắc Kinh đại học – Alma Mater, nơi từng dấy lên ngọn lửa Vận động Ngũ Tứ, Báo Chữ To thời Mao giương bẫy “trăm nhà lên tiếng” để bóp chết dân chủ. Mới đêm nào anh và tôi cùng đúng cao xấp xỉ mái Thiên An Môn đối diện, giữa lưng chừng trời trăng sáng không mây xây dựng Đại lễ đường kia. Báo nước ngoài nói nghe thấy trong tivi tiếng bánh xích nghiến xương người.

***

Một hiện tượng: Người ta không muốn vào đảng.

Trước đây mười năm, trong một buổi thảo luận về đảng (mà tôi nói không có trí tuệ, đảng thành đảng dân công, đảng lao động chân tay), một biên tập viên, B. H., con gái bộ trưởng Lưu Văn Lợi nói chúng tôi bây giờ có tiêu chuẩn đánh giá khác với đảng. Thí dụ chúng tôi nói chị ấy “đảng viên cơ mà tốt”. Nghĩa là thuộc tính tự nhiên của đảng viên là không tốt. Trước, tôi mong sao thôi thắt khăn quàng đỏ sớm đề được thành đảng viên thì nghe tôi hồi tưởng, em tôi đang quàng khăn đỏ bèn lè lưỡi ra kêu: Leo ôi, có mà một tỉ độ hâm à bà nỡm. Cái gi làm cho trẻ chúng ớn đảng đến thế? Nên mở một đề tài thảo luận trên báo đài để giúp đảng bận trăm công nghìn việc được rửa mặt hàng ngày.

Nay, cũng tại báo Nhân Dân, một nữ biên tập viên cao cấp mới năm mươi tuổi đã dứt khoát về hưu. Chị là người bảo tôi: Tạng anh thế sao lại làm chính trị và rồi hiểu ra rằng tôi chính là chỉ làm đạo đức chính trị – chống gian dối, lừa gạt chính trị.

Trần Kiên, phó tổng biên tập đã gặp chị để vận động chị ở lại làm việc đồng thời bằng lòng vào đảng để vào ban biên tập.

Tôi đã nhiều lần từ chối bằng tiếng Việt, chị nói, tức là tiếng mà anh hiểu rõ nhất. Nay tôi nhắc lại lần cuối cùng với anh cũng bằng tiếng Việt, rằng tôi phải về hưu để tôi đỡ đi được một suất đày tớ nhân dân. Đày tớ chồng con đã quá đủ. Và tôi vẫn không vào đảng. Anh nói tôi thuộc gia đình có truyền thống cách mạng – bác tôi là ông Phan Đăng Lưu, bố tôi là ông Phan Đăng Tài, hoạt động cách mạng từ 1929 – nhưng nói thật với anh tôi tụ1 xét thấy truyền thống cách mạng ấy đã chấm dứt ở tôi. Tôi vào đảng chẳng phát huy được cái gì, trừ phát huy cái nhìn của tôi nó khác xa cái nhìn của đảng. Tôi không vào đảng vì tôi chẳng thấy đảng viên nào xứng với danh nghĩa đảng viên trên lý thuyết. Anh tìm giúp cho tôi năm đảng viên thực thụ ở đảng bộ báo ta xem. Có lẽ không ra, tôi xin lỗi anh phải nói thẳng như thế. Về pháp lý thì Điều lệ đảng thiếu một điều theo tôi là vô cùng quan trọng đối với một đảng tự cho phép mình duy nhất cầm quyền. Đó là điều một của Điều lệ phải nêu rõ đảng viên cộng sản trước tiên phải biết liêm sỉ. Bây giờ chẳng thấy ai đỏ mặt.

Có thể tôi sẽ vào, vâng, khi nào bổ xung liêm sỉ vào Điều lệ… Hồi Nghệ Tĩnh giảm tô, mười tuổi, Việt Liên đã phải ra ngồi cùng gia đình xem người ta đấu tố ông nội, tức bố đẻ của Phan Đãng Lưu và Phan Đăng Tài. Cô bé không sao quên được cảnh ông nội bị người ta trói gô bốn chân tay lại rồi lùa vào đòn ống khiêng lủng lẳng đi. Ông nội cứ chửi thằng Lưu theo cộng sản rồi để cho đàn em mày hành hạ làm nhục bố mày thế này đây. Ông cụ bị đem lên núi giam rồi chết, mất xác. Bố chị, Phan Đăng Tài là em của Phan Đăng Lưu, trí thức. Anh chị em báo Nhân Dân quen gọi anh là từ điển sống. Lúc về hưu, lương nhà cách mạng lão thành kiêm trí thức uyên bác này mới được nâng lên chuyên viên 2 để được vào Cửa hàng Nhà Thờ mua thêm ít thịt và nước mắm loại 1 ăn cho bõ tuổi già. Cụ Cao Xuân Huy hình như cũng thuộc vào lứa về vườn thì bỗng được ưu ái cho lên chuyên viên 2. Vào được Cửa hàng Nhà Thờ khó ngang lạc đà chui qua lỗ kim. Thế nên dân vè rằng: Tôn Đản là của vua quan, Nhà Thờ là cửa trung gian nịnh thần, Đầu cầu là cửa quân nhân, Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

Chắc tự ái, nghe tôi đọc, Thép Mới văng lại:

– Mẹ, đứa nào vào cái ghế ấy thì nó lại đ. tổng kết kiểu ấy.

Ngụ ý kể cả mày. Nhưng anh cũng tổng kết đúng con đường lên quan cộng sản là con đường tụt hạng trí thức. Nhiều người thay ngay khẩu khí khi được đảng cất nhắc. Có nguời phá đàn Nam Giao rồi lại Bộ trưởng văn hoá. v.v.

Học Nghị quyết 9, cùng một tổ, Phan Đăng Tài dặn khẽ tôi:

– Nói không lại được với chuyên chính đâu đấy, nhớ nhá…

Một sáng tôi đi với anh một quãng đến đền Bà Kiệu sắp rẽ sang Lò Sũ, tôi hỏi anh: Làm thơ “Anh Lưu, anh Diểu dẫn con đi” (một câu thơ của Tố Hữu – BT) thì có hôi han gì đến em anh Phan Đăng Lưu không?

– Không, Tài đáp. Anh không phật ý vì biết tôi nói đến khía cạnh leo lẻo của câu thơ.

– Anh Lưu còn sống thì có giống như họ không, tôi lại hỏi? Đào Phan thường ca ngợi hết lời Phan Đăng Lưu với tôi.

– Không! – Tài nghĩ một lát, đáp.

– Vì sao?

– Anh ấy có học (Vậy là các anh khác ít học, có lẽ đúng, tôi nghĩ ngay).

– Lúc anh Lưu bị bắt anh có biết không?

– Biết. Tôi còn giữ của anh Lưu bức thư anh ấy gửi cho con trai còn bé tí. Thư tiếng Pháp. Văn Pháp rất hay. Vui rúc rích từ đầu đến đuôi cái thư báo con là bố sắp ra trường bắn đây. – Như thế là Tây không khiêng anh Lưu bằng đòn ống về nhà giam và anh Lưu có mồ mả nguyên vẹn.

Tài im lặng nhưng mắt hoe hoe đỏ. Khác bọn thực dân, đảng ưu tiên cho oan hồn bố anh được vô gia cư trong thiên nhiên.

Tôi bóp tay Tài nhìn Hồ Gươm óng ánh ban trưa khẽ nói:

– Tôi xin lỗi… Tôi hỏi vì ghê tởm quá.

Rồi lại im lặng bóp tay anh lần nữa. Tôi vừa nhớ Hồng Đăng bảo tôi hôm nào: ông cụ tôi về hưu, mãi họ mới cho đi thăm “quê hương Lê-nin”. Ở sân bay tiễn ông cụ tôi chợt thấy se lòng vô cùng, ông cụ đi hai chiếc giầy toàn chân trái mượn kho Bộ tài chính! Khố, một nửa đời toàn chân trần. Được cái đảng thì yên tâm: Triệt để với lập trường tất cả đi trái hết của đảng…

***

Giữa năm ấy, Nguyễn Văn Linh bắt đầu gọi Lê Giản và có lẽ cả Trần Văn Trà là “những thằng đĩ đực”. Phải chăng bắt đầu sợ đa nguyên? Lê Giản quắc mắt lên bảo tôi: Cha này hỗn quá… Và hạ giọng lẩm bầm như để nói cho riêng anh: Mình kết nạp hắn vào đảng ở Hải Phòng đấy mà. Ai hay nhờ đổi con mắt nhìn, Linh mới vồ lấy kẻ thù bêu trong Hiẽn pháp được! Để rồi các người đầu đàn của đảng lục tục kéo nhau sang Thành Đô xin liên minh trở lại. Đúng là hăn phải có bùa có bả gì chứ sao lại mê mết hắn thế!

Lúc này theo đà biến động ở Liên Xô tôi đã ngán cộng sản thật lòng. Linh đã hết cái hào quang óng ánh mà cái thằng Tôi – tin ở tôi nó khoác lên ông lâu nay rồi lần đầu tiên bị thằng Tôi – biết hạ xuống, ông có thể thăm hỏi Thế Lữ vì Thế Lữ đã gần đất xa trời. Nếu Thế Lữ cũng nói năng yêu sách đổi mới như Lê Giản thì chắc gì tránh được cái danh đĩ đực?

Tôi sau đó vào Sài Gòn. Tiễn cô em út đi Mỹ đoàn tụ gia đình và đưa con gái vào tìm việc sau khi tốt nghiệp Nhạc viện. Quang Hải, giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh xuýt xoa: Khổ anh Trần Đĩnh, phải lận đận tìm việc cho con thế này. Không giúp anh thì tôi còn giúp ai!

Lần này ở Sài Gòn, tôi có ba cuộc gặp ấn tượng.

Trước hết nói đến một người hoàn toàn lạ. Sáng hôm ấy, tôi đến Thế Vấn. Một quan chức ngoại giao, vụ trưởng Vụ người Việt ở Thái, từng hoạt động ở Thái Lan (và quen biết Võ Văn Kiệt nhân một lần về nước cùng dự chỉnh huấn với Kiệt) đang ngồi ở đó sau khi được vấn chữa răng, ông đã giải thích thắc mắc của chúng tôi tại sao kiều bào ta ở Thái lại kéo về nước “triệt để, rầm rộ” như cuối những năm 50 để rồi sau khổ quá. Mắc lừa Bắc Kinh, ông nói. Để cho Hoa kiều “thống soái” kinh tế và thị trường Thái Lan (mà đối thủ đáng gờm ở đó là Việt kiều), họ đã xui ta phát động kiều bào đấu tranh toàn diện nhưng trước hết là chống chính quyền Thái Lan về chính trị. Biểu tình, tố cáo, thỉnh nguyện, bãi thị, bãi khoá, không vào quốc tịch Thái, không lấy vợ hay chồng Thái trong khi Hoa kiều cứ tự do nhập quốc tịch Thái, lấy vợ chồng Thái, do đó nhiều lãnh đạo của Thái, mang tên họ Thái nhưng gốc Hoa. Ta làm dữ thì Thái Lan phải trục xuất. Hoa kiều bèn toạ hưởng kỳ thành, một mình một chợ, hết kẻ cạnh tranh.

Hôm ấy tôi hỏi ông có báo cáo với Bộ chính trị việc bạn xúi chống chính quyền Thái không thì ông nói có. Tôi nói: Hay thật. Sau cú Cải cách ruộng đất phải sửa sai ê mặt mới năm sáu năm thế mà rồi Mao xui chống hổ giấy Mỹ, chống Liên Xô lại theo luôn.

Ông cười. Tôi chợt thấy có những cái cười chưa kịp đặt vào môi đã vèo bay đi. Sau tôi hiểu ông mới đầu định cười nhưng rồi giật mình vì kinh ngạc: ừ nhĩ, bao nhiêu cái hố kinh hồn rồi mà sao cứ học, cứ theo nhanh như thế! Hay nó có bùa mê thuốc lú gì đây.

Hai cuộc gặp khác là người quen lâu mới thấy lại.

Đầu tiên là Hùng Văn, anh bạn phóng viên báo Độc Lập bị bắt từ cuối những năm 70 ở Sài Gòn cho tới cuối những năm 80, Anh giỏi tử vi. Đại tá Tần, Bộ công an theo học tử vi anh một dạo. “Đòn công an đánh tù thì nhiều nhưng tôi chỉ kể anh hai trận, Hùng Văn nói. Một lần quản giáo gọi đứng lại ở sân bắt đọc điều phạm nhân hễ gặp quản giáo thì phải “kính chào”. Tôi đọc xong bị vặn luôn: Thế sao không chào tao? – À, vì bị vướng cái chữ kính. Báng súng cứ thế phang vào hai đầu gối. Liệt một dạo. Một lần tù “Nguỵ” nổi loạn, Hùng Văn làm quân sư rồi bị cùm hoài sau đó. Hai đại tá ở Hà Nội vào hỏi chuyện. Nói anh dù sao cũng là cán bộ Nhà nước cớ sao lại về hùa với bọn bán nước phản động làm loạn? Hùng Văn nói: Vì tôi thấy họ mới thật là đồng bào ruột thịt. Chính họ cưu mang lương thực, thuốc men những khi tôi ốm tưởng chết còn Nhà nước các ông là người gieo đau khổ cho tôi thì bỏ mặc. Gần đây lại hai đại tá Hà Nội vào gặp nói nay đảng khoan hồng cho anh tự do nhưng đề nghị hai điều: Làm được gì cho đất nước thì anh hãy cổ gắng, đảng không phụ công, hai là đừng tiếp tục chống đối. Hùng Văn đáp: Các ông có thể cho tôi vào tù lại. Vì tôi không chấp hành nổi hai điều đó. Tôi không làm gì cho đất nước này nữa. Khi tôi bị bắt nó là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay nó đã là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chuyên chính hơn gấp mấy thì tôi tránh sao lại không bị bắt? Hai là tôi không chống vì chống thì giải thoát cho các ông. Trong tù hầu như khắp mặt quản giáo đều thường lén đến xin tôi xem hậu vận có bị nhân dân trừng trị hay không. Chống các ông để các ông hết được cơn nơm nớp hãi hùng ấy à? Tôi không dại. Khi ra tù, người nhà tôi phải cõng. Cùm nhiều quá chân bị liệt”.

Tôi nghe chuyện Hùng Văn mà trọng lòng gan dạ. Anh đã chở tôi một: tua xe mảy kềnh càng và lấp lánh như cỗ kiệu bay ở trên đường phố Sài Gòn sau khi ra tù. Cho xe nằm rạp gần sát mặt đường để rẽ, cái chống xe cào xuống đất tóe lửa ở ngay dưới chân tôi, ngay trước dinh Thống nhất. Tôi kêu lên thì anh cười: Đi thế họ mới sợ mà tránh mình chứ.

Những năm đầu 1960, Hùng Văn ở trong đội xe mô tô ba bánh biểu diên ở Quảng trường Ba Đình những ngày lễ lớn.

Hôm ấy tôi bảo Hùng Văn là viết đi, viết những ngày ở tù. Anh nói: Để làm gì? Để ra cầm quyền rồi lại thành những đứa tàn bạo mới ư?

Hùng Văn là người đầu tiên dựng tử vi cho tôi. (Thuở bé mẹ tôi đã nhờ thày lên nhưng tôi không biết). Cứ coi như anh chả cần xem gì thêm nữa. “Lý Quảng bất phong hầu và Hình ngục nan đào”, công cốc với cộng sản và cộng sản khéo lại cho nằm ấp, Văn dặn tôi.

Năm 55 tuổi không thấy ấp áp gì, tôi hỏi Hồng Đăng “hay là đi xe máy đâm phải người mà sẽ vào ấp chăng?”

Hỏi tôi có nằm bệnh viện hàng tháng bao giờ không, có bị điên không, tôi đều lắc, Hồng Đăng bèn hỏi: Có bao giờ miễn cưỡng đi xa nhà không? – Có, tôi đáp. Đi mấy tháng kiểm điểm xa Hà Nội với Vụ bảo vệ. Hồng Đăng cười khoái trá:

– Bị giam lỏng thế là tù rồi ông ơi. Hình ngục nan đào, Hùng Văn nói đúng đấy.

Thì ra tôi vẫn cứ xài ngon tiền giả.

Tôi mến Hùng Văn thông minh, thích bông phèng. Chắc anh cũng mến tôi. Sau khi vào Sài Gòn ở, tự nhiên một tối tôi nhận đươc diện thoại Hùng Văn ở Anh quốc cho hay nay anh viết ký tên Việt Thường. Cố nhiên chúng tôi rất vui. Hùng Văn hay gọi tôi từ đấy. Anh gửi biếu tôi ảnh anh bế đứa cháu thứ chín. Anh thấy Hùng Văn “giề chưa?” Tôi thích tấm ảnh. Nó minh hoạ được cho tình yêu con cháu của Victor Hugo. Anh nhờ tôi gửi cho anh một bức ảnh văn nghệ sĩ đi tàu thuỷ xuôi sông Hồng xuống Thái Bình, chuyến đi anh tổ chức. Nhưng rồi tôi biết anh lên án hầu như mọi người ở trong nước. Kể cả Lê Đạt trước kia anh rất quý mến, anh nói thẳng ra với tôi.

Tôi không phản đối anh – dân chủ mà, vả chăng tranh luận trên điện thoại sao được, nhưng cũng không tán thành cái nhìn xoá sạch mà Trung Quốc gọi là “một gậy chết tươi” của anh. Một dạo anh nói trong trí thức trong nước, anh quý tôi nhất. Tôi cười to. Hùng Văn không phải dân nịnh, vậy sao anh lại “mắt xanh” với tôi đến thế? Dần tôi hiểu hay là anh muốn tôi đừng nói, đừng viết gì, kẻo khi ấy vạch tội tôi, Việt Thường là anh sẽ khó xử… Lâu rồi Hùng Văn không gọi cho tôi. Con gái tôi thỉnh thoảng lại hỏi chú Hùng Văn khéo ốm nặng bố ạ, không thấy gọi cho bố nữa. Nó mến chú Hùng Văn, người đã xem tử vi rất sớm cho nó và bảo nó sẽ giàu lạ lùng, đột ngột, kiểu như trúng số vậy. Một lần nó hỏi chú ơi sao cháu U40 rồi vẫn nghèo, vẫn khổ thì Hùng Văn từ trời Anh quốc nói về rằng cháu sẽ sung sướng. Tôi nghĩ anh an ủi cháu.

Người thứ hai tôi gặp là Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn, tác giả cuốn “Gửi Mẹ Và Quốc Hội – BT), người trí thức cộng sản nhưng ngay thẳng, trung thực. Ung Văn Khiêm có ưu ái nói đến Trấn.

Không thể quên được hình ảnh một Nguyễn Văn Trấn, mấy lần bí thư xứ uỷ Nam Kỳ, xoay trần, quần xà lỏn cúi rạp xuống sàn thổi cho đượm cái bếp lò than hoa gần sát ban công của căn phòng nho nhỏ trên gác, đường Ngô Thời Nhiệm, quận Ba. Sắc sảo, châm biếm, nhiệt tình là những nét nổi bật ở anh. Tôi đùa, tiền bối báo chí cách mạng nằm khoèo thế này ư? Nói đùa thôi chứ nghe đâu anh chuẩn bị viết một cái hay lắm (Gửi Mẹ và Quốc hội, song lúc ấy tôi chưa biết tên). Anh đã gặp nhiều người?

– Phải nhiều chứ.

– Chẳng hạn?

– Chẳng hạn anh Ba Khiêm nói Cụ Hồ than ở Hội nghị 9 khoá 3 câu: Yêu nhau củ ấu cũng tròn, bồ hòn cũng méo hay lúc biểu quyết thì tẩy chay mà ra đứng hút thuốc ở ngoài hiên.

Trấn rất thích perestroika glasnost. Theo anh thì Trường Chinh học của Gorbatchev cho nên Đại hội 6 mới nói: Lời nói không đi đôi với việc làm (như Gorbatchev lúc mới lên nói chúng ta nói một đằng làm một nẻo). Hay quy nguyên nhân của mọi nguyên nhân vào hai thằng Tư tưởng và Tổ chức.

Trấn rất kính trọng Dương Bạch Mai. Nói là học Mai nhiều lắm. Học nhiều cả tiếng Pháp. Nhớ hết đời Mai dạy hai chữ ablationablution khác nhau. – Mình viết báo tiếng Pháp choang lầm “cắt bỏ” thành “tắm rửa”, may ông Mai bảo.

Trấn cũng nói với tôi như Hoàng Minh Chính đã nói: Họ cho anh Mai uống bia có thuốc độc, chết chưa kịp buông cốc, ngay tại Quốc hội. Lúc ấy, Hoàng Minh Chính nhờ Mai đưa lên Quốc hội thư đề nghị ta nên tham gia vào lưới điện toàn phe của Comecon, tay phụ trách mạng lưới này tên là Frantisek, tôi còn nhớ mà, Trấn nói. Mai đưa xong thì phó chủ tịch Hoàng Văn Hoan chỉ ngay tay vào mặt phó chủ tịch Mai chửi “thằng phản động!” Ta lúc ấy đang hăng hái quyết một lòng nghe Trung Quốc mà, ông chắc nhớ quá. Viết gì thì viết, thế nào cũng phải có đoạn nói về xét lại các ông, Trấn nói. Anh Mai bị mưu sát là cái chắc. Mai chết, Tuân Nguyễn ở Đài phát thanh làm bài thơ khóc Mai thì rồi bị bắt luôn. Có lẽ là người tù xét lại đầu tiên ở ta.

“Có chuyện này, Trấn đã hạ giọng nói khẽ: Này, ngay từ 1947, Duẩn đã chê Cụ Hồ ký Hiệp định sơ bộ mồng 6-3-1946 để cho quân Pháp vào miền Bắc. Duẩn đã có thư gửi Trung ương phản đối hẳn hoi Hiệp định”. Tôi có cảm giác nói đến Duẩn, Trấn hơi giữ gìn. Vì lẽ gì? Không rõ. Nhưng Duẩn ghét Giáp thì chắc chắn hơn cả. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám. Cho là Giáp chẳng hề Trung ương bao giờ mà lại lên to hơn Duẩn.

Trấn thích chuyện trò về nghề báo. Anh hỏi tôi đọc Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng chưa. Được dự và đưa tin vụ toà án Pháp xử Nguyễn Thái Học, tờ báo tường thuật cả lời cãi của Nguyễn Thái Học. Anh cười hóm hỉnh: Vụ xét lại các ông mà được đem ra toà xử rồi được các báo tường thuật thì đúng là đảng dân chủ gấp triệu triệu lần dân chủ tư bản thật. Cụ Huỳnh có một câu về nghề báo mà nếu đem treo lên trụ sở Hội nhà báo ta thì khéo khối đứa xấu hổ thắt cổ chết. Cụ nói: Họ không cho ta có quyền tự do nói nhưng ta lại cho ta quyền tự do giữ ta không nói những cái họ bắt ta nói. Nay làm được như cụ dạy thì phúc tổ.

Trấn tiễn tôi ra đầu đường, gần nhà bà Vân Nga (Nguyễn Thụy Nga) vợ hai Lê Duẩn, xưa là người tình của anh. Trời loáng thoáng mưa. Anh vẫn quần đùi xà lỏn, vẫn trơ những giẻ xương sườn và cái bụng lép kẹp đứng nắm tay tôi. Tôi bỗng thấy anh là một tượng La Hán chùa Tây phương “moong” nơi tôn nghiêm trốn vào đây đi nhảo. Tôi chỉ về phía nhà bà Vân Nga nói: Khi tôi sắp rời Bắc Kinh về nước, bà Nga vài ba lần hỏi tôi bà có nên học báo hay không? Lúc ấy tôi bảo nữ làm báo thì vất vả, đến nay chuyện với anh mới thấy có lẽ bà ấy mê làm báo là qua anh.

Nói thế xong tôi vui: Ít ra người đàn ông đã để lại cho người đàn bà sự đam mê.

Chia tay Trấn xong, đến ngã tư đường tôi ngoái lại. Tượng La Hán chùa Tây Phương đang chui vào cái vùng sáng đèn của khung cửa con hình chữ nhật.

Tôi chợt nảy một ý rồ: nếu áo quan chúng ta mỗi khi chúng ta nằm vào đó nó lại tự động sáng quắc lên hay tối xầm lại, căn cứ vào cái đời đã qua của ta tốt hay xấu, như bình giá bằng ánh sáng và bóng tối vậy? Trấn thế này là sáng đây! Còn ai có khi tối mịt tối mù nhỉ? Vừa nghĩ đến một loạt ứng viên vừa tủm tỉm…

Khi quẹo Nguyễn Thông qua trước Bệnh viện Da liễu, tôi lại rồ thêm một ý. Nếu những lời nói của ta ra khỏi miệng liền cũng như phún thạch khô cúng lại thành tầng thành dòng đỏ đen trên cơ thể để có thể dọi laser vào cho vang lên được quá khứ trung thực hay gian dối. Mỗi tuần cả nước, bất kể ai, đều phải đi soi một suất laser gọi là chạy thành tâm kế. Không gian vang lên những tiếng nói giấu trong gan ruột.

Tối ấy khả năng rồ dại trong tôi bỗng khá trội. Qua Bệnh viện Mắt chợt lại a! Nếu mắt các nạn nhân cũng để lại tia hoá thạch như ánh sáng vũ trụ thì trong đường phố đây, ta sẽ đọc được biết bao ánh mắt oan khổ. Thế là Hội nhân quyền thế giới sẽ không bị lên án ngược lại là “thiếu khách quan, có thành kiến” và “không có cơ sở”.