Chương 16

Trước sau như một, với tôi, Nguyễn Thành Long luôn thân thiết. Vào cảnh ngồi chơi xơi nước, tôi gần như ngày ngày đến nhà Long. Như chiều chiều đi bộ với Lê Đạt, Minh Việt. Hôm ấy tôi vừa ngồi xuống thì Long lặng lẽ đẩy đến trước mặt tôi một bức thư đánh máy: “Giữ lấy chơi”.

Thư “nhân danh bốn trí thức” vợ chồng anh, vợ chồng em trai anh, Bích Ngọc và Trà Giang gửi cho Phạm Văn Đồng đề nghị thủ tướng giúp đỡ tôi, một “trí thức có năng lực và kiến thức nhưng bị oan uổng”. Thư nói nếu Đảng và Nhà nước sử dụng, “chắc chắn Trần Đĩnh sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước”.

Tôi cảm động vì tình bạn. Lại hơi ngượng vì thấy Long đã nhờ một vị lãnh đạo tôi ít tin cậy. Tôi không mấy trông đợi hiệu quả ở vị thủ tướng luôn có hai câu quen thuộc trứ danh là “Thế thì làm sao đây? Khà khà khà…” và “Cái này khó lớm, khó lớm, khó lớm, khà khà khà…“ Cái cười rất sảng khoái theo sau cứ khiến tôi nghĩ như là bật ra từ một nhân sư đặt câu hỏi bí ẩn để ăn thịt những kẻ không trả lời được. Mà biết thì ai dám trả lời thật với ông!

Gần đây thủ tướng quan tâm đến Long nhiều hơn. Hình như theo Long nói, ông có người thân ở trước Toà án nên dạo này hay tiện thể đến nhà Long cách đó hơn trăm mét.

Luôn ái ngại lắc đầu kêu nhà văn mà sống chật chội thế này ư? Rồi hỏi lương Long và lại lắc đầu ngán.

Tôi thấy nên kể cho Long chuyện bạn tôi, bác sĩ Hoàn, ở D1 Nguyễn Công Trứ, là “kẻ lao động chân tay nhưng mà oai” theo lời Hoàn tự nhận vì chuyên mát-xa cho các cụ ở Bộ chính trị. Hoàn bảo tôi sợ nhất mát-xa cho cụ Trường Chinh vì cụ hay hỏi sao lại bóp đấy mà mình thì chả nhớ thần kinh số mấy với số mấy làm gì. Người ghét “tẩm quất” là Cụ Hồ. Không cho sờ vào người. Thủ tướng Đồng thích nhất, nhưng khi Lê Đức Thọ kéo Hoàn sang Paris phục vụ thì cũng đành nhịn. Thọ là thủ trưởng chính của Hoàn, thủ tướng lơ tơ mơ có khi Thọ còn… (Hoàn nháy tôi một cái). “Các bố khác phạm cái gì đều không lọt mắt ông này đâu mà…”. Hoàn có lần khẽ bảo tôi. “Tớ là cái thước đo đẳng cấp ở trong mấy cụ Bộ chính trị đấy nhá! Cứ xem đâu được tớ chăm bẵm nhiều!” Dĩ nhiên tôi không nói toạc với Long rằng vị thủ tướng được tiếng quan tâm, sau Cụ Hồ, đến trong sáng tiếng Việt và đời sống vật chất của trí thức, văn nghệ sĩ lại thiên vị kẻ lao động chân tay hơn các anh. Một hôm thủ tướng hỏi Hoàn anh bóp nặn thế này mệt lắm đây nhỉ? – Vâng. Cũng được ạ. – Anh ăn uống thế nào? – Dạ, tôi ăn ở hàng ăn. (Hàng cơm tám cạnh hiệu kem Phố Huế xế chợ Hôm). Trưa hôm sau, vào bàn ăn, Hoàn thấy nhà hàng dọn bốn món cả canh! Bụng nghĩ chắc đầu tháng họ cho ăn vớt những bữa mình bỏ của tháng trước. Nhưng rồi cơm nước vẫn linh đình như vậy, Hoàn chợn phải hỏi. Chủ hàng cơm bảo bác sĩ cứ yên tâm, từ nay trên Thủ tướng phủ thanh toán tiền cơm của bác sĩ. Ít lâu sau, gặp Hoàn thượng xe máy Pơ-giô cá vàng, tôi kêu lên “chà, chà!” thì Hoàn bảo cụ Đồng hôm nọ lại hỏi anh đến tôi bằng gì? – Dạ, xe đạp ạ.

Thế là Pơ-giô Cá vàng lượn đến êm ru.

Có lẽ vì Thủ tướng bỗng năng đến Long hơn, năng lắc đầu ngán ngẩm thay cho đời sống không ra làm sao của văn nghệ sĩ mà Long nảy ý đỡ đần tôi. Nhận thư Long, Thủ tướng đã nời cả nhà Long lên ăn cơm. Tối hôm sau, tôi đến Long. Cháu Hoa Hồng, rất vui báo ngay cho tôi: Chú Đĩnh ơi, ông Tám hôm qua nói sẽ giải quyết cho chú đấy!

Ông Tám, tức thủ tướng, coi Hoa Hồng như cháu yêu. Long cho biết trước mặt cả nhà anh, Đồng hứa sẽ “làm cho tới nơi việc của Trần Đĩnh”. Ông ấy nói: ”Tôi gọi dây nói cho báo Nhân Dân nhưng ở đấy im. Các cậu phải có làm sao thì mới im chứ”. Ông Tô (bí danh của ông Đồng – BT) kha kha cười rất vui rồi nói: Tôi sẽ làm tới nơi việc anh Trần Đĩnh!

Tự nhiên tôi đặt trọng âm của câu nói vào hai chữ “tới nơi ” quá quen thuộc. Hồ nghi nhưng nghĩ khéo mà nên chuyện ngoạn mục.

Và ngoạn mục thật.

Tháng sau, Long bảo tôi là anh ớn lắm. Thư ký của Phạm Văn Đồng đến nói với anh rằng: “Anh Tô không giận anh đâu tuy anh đã cho thủ tướng thông tin sai. Anh mắc lừa Trần Đĩnh. Anh Tô đã huy động tất cả bộ máy của riêng thủ tướng để điều tra tới nơi việc Trần Đĩnh. Anh ta là Nhân văn – Giai phẩm”. (Thủ tướng quên Long đã từng bị vạch mặt là Nhân văn – Giai phẩm vì một truyện ngắn buồn buồn).

Long bảo anh chả thiết thanh minh.

– Nhưng tôi thanh minh. Không có chuyện lừa và bị lừa ở ông và tôi. Chính là ở chỗ khác, tôi nói.

Tôi đã thư cho Phạm Văn Đồng. Viết vì “danh dự Nguyễn Thành Long, tôi đành gửi thư làm mất thì giờ thủ tướng”. Tôi xin thanh minh với thủ tướng ba điều: Một, đề nghị thủ tướng giúp tôi là Long làm theo lòng tốt với bạn bè, không nghe ai xui cả. Hai, nếu biết Long xin thủ tướng, tôi đã ngăn ngay vì xin lỗi thủ tướng, tôi không tin thủ tướng giải quyết được. Ba, thời Nhân văn – Giai phẩm, tôi đang ở Bắc Kinh. Tôi đã viết tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ Chủ tịch, viết hồi ký của hai ông Phạm Hùng, Lê Văn Lương và mới đây là Bât Khuât của Nguyên Đửc Thuận. Thủ tướng thừa biết Nhân Văn – Giai Phẩm không được làm những việc này. Tóm lại bộ máy của thủ tướng đã làm tới nơi nhưng không thu nhận tới chốn thông tin về anh Long (bảo anh ấy là mắc lừa tôi) và về tôi (bảo tôi là Nhân văn – Giai phẩm).

Tôi đưa bản sao cho Long. Nói: Tôi hơi tự khoe dớ dẩn vì với các vị phải ca “thành tích” các vị mới nể. Ông Tô nói thác ra thế thôi chứ ông ấy đã húc phải bên ông Sáu Thọ nên đành đánh bài lùi trong danh dự ảo. Trách nhẹ ông đã bị tôi lừa để cho khỏi ngượng với gia đình ông, với Trà Giang thôi. Phải nói là lúc trên An toàn khu, tôi không mấy chịu ông ngoại trưởng Đồng quá chú ý xây đắp khoảng cách lạnh lẽo với cấp dưới. Điều cụ thể đầu tiên làm tôi không thích hẳn Đồng là lần ông trả lời báo Le Monde ngày 1-1-1955 mà tôi đọc ở thư viện Đại học Bắc Kinh: Nước Pháp phải chọn lấy hoặc Hà Nội hoặc Washington!

Tuy cũng đầy tự hào dân tộc – chiến thắng đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ – tôi cứ thấy ngượng. Chả lẽ Đồng tin thanh nam châm Hà Nội sẽ hút được Pháp vào quỹ đạo Việt Cộng mà bỏ Mỹ thật sao?

Rồi 1961, ông nói với trí thức: “Phương Đông cao quý, chú ý tinh thần, phương Tây vật chất, khốn nạn, khốn nạn, khốn nạn”. Hồng Linh dự bữa đó về bảo tôi là nghe rất khó chịu: “Thế sao lại dùng hơi nước và điện của phương tây”, Linh cáu nói với tôi.

Một chiều sau hôm tôi gửi thư cho Đồng, Hoàng Tuệ, bố Bảo Ninh, tình cờ gặp tôi ở vườn hoa Con Cóc. Anh nhảy xuống xe giữ tôi lại. Mặt nhăn rút: Chết chưa, sao đế báo đảng đăng tệ như thế?

– Đăng sao?

– Bài làm trong sáng tiếng Việt của anh Phạm Văn Đồng thế nào lại tương ra câu “Bình Ngô Đại Cáo là áng văn bất hủ của văn học Việt Nam”.

Gần đây tôi có hỏi Việt Phương là cụ Đồng loà thì chữ các bài ỏng viết cho cụ ấy đọc phải to bằng thế nào? Việt Phương chỉ vùo chữ Tam Đảo trên bao thuốc lá của tôi. Hoàng Tuệ lắc đầu. Không rõ lắc cái gì.

Lần tôi hỏi Việt Phương về cỡ chữ viết cho thủ tướng đọc là ờ nhà Nguyễn Khải. Rồi chính tối ấy, lại gặp Việt Phương ở nhà Đặng Đình Áng, chung cư đầu Duy Tân ăn uống cùng Nguyễn Linh, Thiết Vũ, mấy bạn học Bưởi của Áng. Thiết Vũ giới thiệu Việt Phương là “chuyên viên kinh thế” của thủ tướng, Nguyễn Linh là phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Sợ thật. Vì quan tọng như vậy (tọng vì toàn là phải đảng tọng vào vị trí) cho nên hai oanh đều là đoảng viên thăt sắc của đoảng ta toài ghê.

Tất cả đều phá ra cười. Không cười được ắt là thần kinh có vấn đề.

Tối ấy Việt Phương đọc khẽ cho mình tôi nghe bài thơ . Đại khái “rác rưởi đầy hai vai, tôi hú”. Anh bảo anh là marginal aucentre, – ấn sĩ giữa triều đình. Tôi đùa: Et moi, toncontraire, un Centre en marge – Và tôi, trái lại, một trung tâm ở ngoài lề.

Áng bảo tôi anh vừa đi dạy ba tháng ở Mỹ về. Đi Mỹ chuyến này anh được xem hai cái thích. Phim Trung đội (Platoon, đạo diễn Oliver Stone) và quyển The brother and enemies (Huynh đệ Tương tàn) của Nayan Chanda, nhà báo nhà văn tên tuổi gốc Ấn Độ hồi đó hay lui tới Việt Nam. Anh cũng nói có gặp ba bạn Mỹ nay là thượng nghị sĩ. Cả ba đều nói họ muốn làm ăn buôn bán với Việt Nam nhưng dân Mỹ lại không chịu, lý do là Việt Nam hàng ngày chửi Mỹ dữ quá. Dân Mỹ thắng xong Nhật, Đức là khép ngay quá khứ, không có ngày ngày mang kẻ thù xưa lên tụng bài vinh quang và thù hận. Lại còn giúp hai kẻ thù cũ tiến lên thành hai đại cường quốc cạnh tranh lại ngay chính với Mỹ. (“Ngu thế” – tôi đùa). Ở Mỹ, thượng nghị sĩ phải theo ý dân, không theo thì mất phiếu. Việt Nam nên bớt chửi Mỹ đi để dân Mỹ cho phép họ đề cập chuyện làm ăn. Áng bảo tôi, ta hình như quên rằng, như dân ta, dân Mỹ cũng yêu nước, ông về Hà Nội thử nói với các cụ đi.

– Nhiệm vụ chôn đế quốc chưa xong thì ai dám thò tay vặn cho cái nồi súp de căm thù này hạ nhiệt chứ, tôi nói. Sau 30-4, Áng đến trường dạy lại đã thấy trong hòm thư một viên đạn. Nó cảnh cáo trí thức nguỵ hãy cẩn thận đấy thôi. Với ta, càng yêu chủ nghĩa xã hội càng yêu nước thì càng căm thù đế quốc, thằng nào ít căm thù là sẽ bị căm thù cho nên chả miệng nào dám dịu căm thù. Căm thù đã trở thành phù hiệu rực rỡ trên ngực người cách mạng.

Tôi đã đọc Huynh đệ Tương tàn. Vùng này quả là toàn anh em thịt nhau. Trước hết anh em Rồng Tiên; rồi anh em thuỷ chung, trong sáng, mẫu mực Việt – Miên, roi anh em môi răng lạnh Hoa – Việt. Một bạn trí thức nghe tôi thuật lại sách xong khẽ lắc đầu: Một lò anh em đều đô tể háo sát thật.

Nhiều chuyện quá hay trong sách. Làm bù nhìn của Pol Pot sang New York dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, Sihanouk đã lén nhét vào tay vệ sĩ Mỹ trong thang máy bức thư xin Mỹ giúp ông thoát khỏi cộng sản Khơ-me Đỏ. Mỹ giúp ông nhưng bảo ông về Pháp sống, có con ông chứ không được ở Mỹ do ông không thân thiện với Mỹ. Hay là chuyện Nguyễn Cơ Thạch, thứ trưởng ngoại giao gặp Richard Holbrooke, thứ trưởng Mỹ, đòi Mỹ bồi thường mấy tỷ đô la nhưng chẳng có vãn bản pháp lý làm bằng nên tét. Thạch bèn mời ăn tối, hạ thấp yêu cầu xuống xin Mỹ viện trợ nhân đạo. Như ông cha đã ca dao:

Anh hùng như thế khúc lươn,
Khi co thì ngắn, khi vươn thì dài!

Phía Mỹ nói viện trợ phải qua quốc hội Mỹ phê chuẩn mà hiện không phải phiên họp của quốc hội. Tối ấy, Thạch mời Richard Holbrooke ăn món đặc sản dân tộc là chả rán nhưng Nayan Chanda người lõi Trung Quốc lại viết nỏ là roll spring, xuân quyến, cuốn mùa xuân, tên gốc Trung Quốc. (Nhân thể nói thêm, chữ chả rán cũng là nòi Trung Quốc. Chữ nhục trên chữ hoả).

Trong sách này, Nayan Chanda viết hơn mười dòng về vụ án xét lại. Tôi dịch đoạn ấy cho Hoàng Minh Chính.

Xin trở lại Nguyễn Thành Long. Anh hay bị “đánh” ở văn chương. Đòn cuối cùng làm anh đau đớn là vụ người ta phê phán truyện ngắn Cái Gốc anh ca ngợi phụ nữ ta nhân hậu, đảm đang, theo đúng phương hướng tuyên truyền của đảng và Hội phụ nữ. Thì đùng người ta bảo truyện anh bêu xấu ta hết đàn ông, trăm nợ đổ vào đầu đàn bà, điều khiến cho Mỹ – Nguỵ tưởng bở sẽ ra sức chống trả ta kịch liệt. Long buồn nhất là các báo hồi ấy hay đăng anh đều quay lại phê phán anh. “Mặt người sấp ngửa là mô hình ban đầu, – prototype của con súc sắc”, tôi bảo anh.

Bây giờ, hôm nay viết đến đây, tôi mới ngợ có lẽ người ta nghi anh bị tôi xúi giục! Tôi là xét lại “trông coi” mặt trận văn nghệ! Tôi thân với anh trong khi thân với đám Lê Đạt, Trần Dần mà! Phải nói từ khi nghĩ như thế tôi không khỏi đôi hồi cảm thấy ân hận.

Căn phòng gia đình Long mười sáu mét vuông. Sàn gỗ, đến đúng giữa nhà thì gồ lên như một sườn núi hay một con sóng, tuỳ tưởng tượng, tất cả nồi niêu, xe đạp, sách vở, giường chiếu, xô chậu, sân chơi, trạn xếp rau củ và bốn nhân mạng nhà anh chia nhau chiếm lĩnh hai sườn núi hay con sóng vừa dựng lên thì chết cứng. Ở một cửa sổ của phòng anh có treo một gáo dừa trong mọc một cây phong lan bé tí teo. Một sáng tôi đến, cây lan nhú ra một bông trắng tinh, nhỏ như một khuy áo hạt trai nhỏ xíu, cánh hết sức mong manh. Chiều lại ghé qua, tôi tần ngần nhìn nó. Nó đã xun lại và tôi hiểu ra là nước mắt cũng già, cũng nhăn nheo như nỗi buồn của con người vậy.

Cạnh cây phong lan, ghếch lên thành cửa sổ là một cái thang đồ chơi mậu dịch làm bằng hai khúc thước kẻ một đỏ một vàng và bậc thang là những đoạn que tính của lớp 1. Một lần tôi chỉ nó hỏi Long: “Định leo đi đâu? Ôi, lối thoát cho một giấc mơ lớn!”

Khi Long đã mệt, tôi đến thế nào anh cũng bắt tôi đưa anh đi dạo một vòng phố. Từng bước nhích rất chậm, kiểu như đi dè cho được ngâm mình lâu trên đường.

Một bữa đến đầu Dã Tượng ra Lý Thường Kiệt, anh nhìn vào toà biệt thự bên trái mà có lần anh bảo ông Đồng có người quen, thân thiết ở đây, rồi nói khẽ với tôi: Tôi đến ông Đồng, ông ấy thường kéo tôi ra vườn nói chuyện. Nghe nói mũ của trung uý Dương con ông ấy cũng bị gài rệp nghe trộm ở ngôi sao đằng trước mũ.

Tôi sững nhìn Long. Long biết thì ông Đồng tất biết! Sao biết mà cam nhẫn chịu cho đồng chí của mình dò la, nghe trộm mình? Ôi, các lãnh tụ của phong trào giải phóng đất nước và loài người mà không phá nổi vòng kiểm soát của đồng chí. Bữa ấy tôi hiểu cả tại sao Võ Nguyên Giáp chịu đắng cay tủi hổ như thế mà im! Các vị tại sao tự nguyện phục tùng tội ác?

Một lần vào khỏi cổng nhà 9 Dã Tượng, Long dừng lại ở sân trước cái bảng vôi trắng to bằng tấm chiếu lớn có đề năm nhiệm vụ của các hộ trong tập thể. Long hất đầu vào đó nói: Có hôm bà nhà thơ Bulgaria đến thăm mình lại cứ đòi đứng ở đây chuyện, mắt nhìn đúng vào dòng thứ 5 đề: “Gia đình tôi không giao thiệp với người nước ngoài”. Thú thật lúc ấy mình sợ phạm luật hơn là ngượng với bà bạn quá giàu tinh thần quốc tế vô sản.

Còn tôi thì nhìn nó mà nghĩ đến câu ông tham tán thương mại Ba Lan nói với tôi ở bệnh viện Việt – Xô: “Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn”. Tỏi đã có lúc hàm hồ coi đó là một loé sáng của thiên tài trí tuệ chính trị.

Long chết, tôi không biết. Ở quá xa, không ai bảo, không đọc báo, không có điện thoại. Tôi đến, Hoa Hồng ngơ ngẩn nói mỗi câu: “Bố cháu mất rồi! Cháu ngồi với Hoàng, chú ruột, ở bên sườn trái con sóng gỗ. Mẹ Nguyệt làm chuyên gia ở Algeria không về kịp. Chị ở Mỹ cũng không về.

Mẹ hớt hải về thì điên. Thường nằm bệnh viện. Lúc ấy, Hoa Hồng tiến sĩ vật lý nguyên tử đã sang Nhật. Rồi mẹ chết. Đám ma mưa trắng trời. Hai chị em nghẹn ngào bảo tôi dưới mưa xối xả: Thế là chúng cháu hết cả bố lẫn mẹ.

Quê Hương, chị cả, tiến sĩ vật lý nguyên tử lý thuyết nay dạy ở đại học Mỹ, bang West Virginia. Hoa Hồng, tiến sĩ vật lý nguyên tử ứng dụng ở Pháp.

Tôi rất cảm động mỗi khi nghe hai chị em giới thiệu với mọi người rằng tôi là bạn thân nhất của bố Nguyễn Thành Long.

Một lần Thảo Nguyên, con dâu út Thế Lữ, người sưu tầm và nghiên cứu giới thiệu Phong Hoá – Ngày nay “meo” về hỏi tôi: Em gặp cô Quê Hương, con gái nhà văn Nguyễn Thành Long nói anh là bạn thân nhất của bố cô? Tôi trả lời: Rất đúng!

Bạn thân có sức cổ vũ nhau rất lớn. Tôi nhớ không quên lời Long bảo tôi – có lẽ vào hôm cuối cùng tôi đưa Long đi vòng quanh khối phố, tới dẫy tường Hoả Lò, sắp về 9 Dã Tượng, Long dừng lại, đầu khẽ ngúc ngắc: Trần Đĩnh đã thành công! Đúng đấy… Thành công bảo vệ sự tồn tại trước sau như một của bản thân, dù bùn lầy và cay đắng ngập mình.