Mưa Nhã Nam

Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa.

Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn ạ, bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến bốn mươi tuổi chị sẽ trở thành bà lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu câm miệng lại, cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả.

Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa. Chuyện thế này… Một câu chuyện nhỏ về Hoàng Hoa Thám.

Tôi không chắc ông Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, tức Hùm xám Yên Thế trong lịch sử có giống ông Đề Thám mà tôi kể không? Còn ông Đề hám như tôi biết (tôi biết rõ ông ta): Ông ta là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược.

Đấy là khoảng năm…, thời kỳ người Pháp giảng hòa với Đề Thám. Vốn hay đùa nhả trong chính trị, người Pháp thỉnh thoảng có mời Đề Thám về Hà Nội hoặc Bắc Giang chơi. Lần ấy, thống sứ Bắc Kỳ là ông Môren thông qua công sứ Bắc Giang có mời Đề Thám đến Bắc Giang dự một buổi tiếp tân.

Cả Dinh dẫn người đưa thư đến gặp Đề Thám.

– Có nên đi không? – Đề Thám hỏi các thủ hạ của mình.

– Đi chứ! – Những người già quả quyết.

Thế đấy, những người già! Với họ chẳng có việc gì là đáng kể. Trước mặt họ là cái chết. Những cơ hội tốt nhất trong đời họ bỏ lỡ cả rồi.

– Đi làm gì! – Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh cau có trả lời.

Thế đấy, các bác Cả! Các bác Cả thường rất khoảnh. Chúng ta thông cảm với họ, nếu chúng ta tự mình như họ, trần lực như họ, không có ai để bàn bạc, không có ai đáng bàn bạc, họ phải tự gánh lấy trách nhiệm của họ, nghĩa vụ của họ, giá trị của họ.

Thế còn bà? – Đề Thám hỏi bà Ba Cẩn. Bà Ba là người phụ nữ đáng kể nhất trong cuộc đời Đề Thám. Bà là người phụ nữ duy nhất có mặt nơi này, giữa những tên tuổi hào kiệt lừng danh của phong trào nông dân Yên Thế.

– Ông nên làm điều có nghĩa, – Bà Ba trả lời rồi thở dài. Bà có tật như thế khi phải băn khoăn, lưỡng lự điều gì.

Đề Thám bảo mọi người lui ra để ông ngồi lại một mình. Ông nghĩ. Những ý nghĩ của ông bắt đầu phiêu lãng. Thường ý nghĩ của ông bắt đầu từ một vật gì đó cụ thể, tức thời đập vào mắt ông. Thí dụ từ bông hoa hồng.

Này bông hoa hồng
Giá trị của mày là khoảnh khắc
Ai biết mày khi đang hết nụ?
Ai để ý mày khi mày úa tàn?
Ôi hoa hồng, hoa hồng
Phút giây này thật tuyệt vời
May cho kẻ tình nhân gặp mày lúc này
Môi hồng của thiếu nữ cũng thua mày
Hương trầm kia sánh sao được vị thơm nơi nhụy hoa?
Và những cánh mỏng mịn mà kia, khiến tất cả vật khác thành phàm tục
Hoa hồng! Ôi hoa hồng!
Ta tiếc cho kẻ vô tình quên bẵng mày
Và giật mình ghen tị với kẻ vô danh nhanh tay
Không biết ai hái mày hôm qua
Kẻ ấy cư xử ra sao với mày?
Hắn có chôn mày trong tim không?
Trái tim ấy có rộng lượng không
Có đủ chỗ cho mày ngụ không?
Trái tim ấy có đủ máu không?
Ước không có giông bão lọt vào đấy
Rồi mày cũng nát tan thôi, em ạ, cô em ạ,
Hắn không đáng kể gì, hắn không biết cách
“Chơi hoa nào đã mấy người biết hoa”…

Đề Thám không nghĩ như thế, dĩ nhiên rồi. Có điều, hôm ấy trong đồn Phồn Xương ông đã cầm lên tay một bông hoa hồng. Ông nghĩ về điều khác. Ông đặt mình vào vị trí của Môren, vào vị trí của những người Pháp. Ông cho rằng buổi tiếp tân chẳng quan trọng gì và sự có mặt hay không có mặt của ông đều chứa hiểm họa. Ông sẽ mang tiếng hèn nhát nếu ông từ chối. Ông sẽ thành lố bịch nếu ông có mặt. Thế lố bịch hơn hay hèn nhát hơn? – Đề Thám tự hỏi. – Thôi thì lố bịch còn hơn hèn nhát!

Tôi sẽ đi, đi một mình, đi ngựa… Sẽ ăn mặc như một chàng rể… – Đề Thám vừa nói với bà Ba Cẩn vừa đội lên đầu chiếc khăn xếp trứ danh thửa mãi tận phố Hàng Lọng Hà Nội, chiếc khăn quái đản: không thể dùng làm mũ, cũng không thể dùng để lau mặt được.

– Ông muốn đi ngựa thì đi… nhưng đến Bắc Giang tôi sẽ cho phu kiệu đón. – Bà Ba nói vậy rồi lại thở dài. Đề Thám bực mình: Ông không thích người ta quan tâm nhiều quá đến mình. Ông bảo:

– Đừng làm phiền tôi.

– Nhưng ông làm phiền mọi người. – Bà Ba bẻ lại.

Sự đời là thế. Bà Ba có lý của bà Ba, cũng như bà Cả có lý của bà Cả vậy.

Đề Thám giật cương, thúc con ngựa ô ra khỏi cổng đồn Phồn Xương. Ông cho ngựa đi bước một, lang thang trong rừng. Ông thích như thế.

Đây là thiên nhiên: cành cây xòa trước mặt, tiếng chim hót, những giọt nước mưa đọng lại trên cây, mùi lá mục ẩm ướt, những con chim xanh, con chim đỏ, con chim vàng, những cánh mối ướt rụi, những con bọ nhảy, tiếng vượn kêu não nùng, bông hoa bé xíu…Tất cả hương vị, màu sắc của thiên nhiên đều chân thực, thanh khiết, đều khiến ta cảm động đến tận đáy sâu tâm hồn.

Đề Thám đi miết. Có thể ông nghĩ gì đấy về tuổi ấu thơ đắng cay tủi nhục, những ngày ông phải đi ở tận mãi Tiên Lữ, Hưng yên. Có thể ông nghĩ về Đề Nắm (Lương Văn Nắm), người đã trao quyền cho ông ở vùng Yên Thế, Nhã Nam này. Có thể ông nghĩ về cái mà ta vẫn gọi là “trường tranh đấu”, sự sống hoặc cái chết.

Đề Thám đi xuyên qua rừng mỡ, rừng dẻ, rừng lim và rừng nhội gai. Ông trông thấy một cọn phượng hoàng bay qua trước mặt. Ông nói:

– Nếu ta nhìn thấy mày hai mươi năm trước thì thích.

Đến giữa trưa thì Đề Thám rẽ vào nhà một người quen ở gần Kế. Đây là nhà ông đồ Hoạt. Ông đồ Hoạt có nhà. Các ông đồ thường chẳng đi đâu cả: các ông ở trong bổn phận mình, trong kiến thức của mình (thực ra là của những con thú to hơn), trong thành kiến của mình, trong giá trị của mình. Ông Đồ Hoạt là người hay chữ, hay thơ. Và như thế, nghĩa là ông chẳng giàu có gì. ở nhà ông đồ, Đề Thám được đón tiếp như người nhà. Thoắt cái, đã thấy bà đồ Hoạt bưng lên một mâm lòng lợn, có cả một đa phèo nõn nà. Mùi mắm tôm chanh, mùi rau húng thơm lừng. Bà đồ Hoạt cười bảo Đề Thám:

– Chị vẫn biết chú thích món này!

Ông đồ Hoạt nói:

– Bà gọi ông Lũy với thằng Hoạt ra đây cùng ngồi.

Ông Lũy là ông hàng xóm, người nổi tiếng về tài ăn trộm trâu bò của bọn hào lý trong vùng. Hoạt là con trai duy nhất của ông bà đồ, bị khoèo tay, tính tình e thẹn.

Bữa rượu vui vẻ, thân mật. Mọi người đều ca thán về nạn sưu thuế, thói nhũng lạm, thái độ mất dạy của bọn quan liêu.

Thời dại chó má!

Mọi người đều thấy đúng là thời đại chó má.

Họ dốc vào họng thứ rượu nấu bằng sắn, thứ rượu mạnh đến nỗi có thể châm lửa đốt cháy được, để hòng làm dịu đi nỗi phiền muộn.

Đề Thám kể cho mọi người nghe chuyện bắt sống chủ bút tờ báo “L ávenir du Ton Kin”1 mấy năm trước, chuyện trung tá Péroz đến đồn Phồn Xương thương lượng để ký khế ước ngừng chiến.

Đang câu chuyện, Đề Thám hỏi ông Lũy:

– Ông có đủ thịt ăn không?

– Nhờ giời, – tay trộm trả lời, – không phải lúc nào cũng ăn thịt bò, nhưng thịt gà thịt vịt cũng ngon.

Đề Thám nói:

– Nếu ông ở chỗ tôi, tay Ba Biều sẽ nện cho ông một trận rồi tống ông vào trại. Tôi không thích trộm cắp vặt vãnh.

Ông Lũy bảo:

– Tôi không đến chỗ ông vì thế, tôi biết tôi chẳng ra gì vì vướng nợ đời. Tôi giành công bằng theo lối trâu bò gà vịt chứ không phải theo lối con người. Chỉ xin ông đừng khinh tôi.

– Tôi không khinh ông, – Đề Thám nói, – nhưng cũng chẳng trọng.

– Đa tạ ông. – ông Lũy đứng dậy chắp tay vái. – Ông và bác đồ cho tôi lỗi phép.

Ông Lũy đi ra. Mâm rượu còn lại ba người. Ông đồ Hoạt nói:

– Anh Đề ạ, cái đầu anh thật kiêu hãnh, thật đáng giá. Toàn quyền Đông Dương2 thật hà tiện khi đặt giá đầu anh 30 ngàn quan.

Đề Thám cười:

– Bác vẫn làm thơ đấy chứ?

– Vẫn làm…Thế mới đê tiện. – ông Hoạt đỏ mặt. – Còn anh, anh cũng làm thơ theo lối của anh phải không?

Đề Thám nói:

– Không…Tôi không biết chữ.

Ông Đồ Hoạt lắc đầu:

– Mặc xác anh! Anh vẫn là một nhà thơ đáng kể nhất! Ai bảo anh sống thế? Anh là một tên thi sĩ ma vương.! Anh làm sao tránh được danh hiệu đáng sợ ấy! Anh đã làm những điều mà bọn văn chương suốt đời thèm muốn. Chúng không làm sao biến được ngọn bút của chúng thành ngọn giáo hay cái câu liêm!

– Giáo hay câu liêm, thì tôi có thừa, – Đề Thám nói, -nhưng tôi khát khao điều ấy.

Điều ấy, nào, bác Cả
bác biết là điều gì không?
Đâu là giá trị tinh thần, vật chát nơi bác?
Chúng ta chỉ vẻn vẹn có mạng sống này thôi
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê
Những con đường chúng ta đi qua
Tất cả đều xám xịt lầm bụi
Mỗi cung đường, mỗi vận hạn
đều xám xịt, lầm bụi
Mà vầng trăng kia xa lắc
Vầng trăng kia lơ lửng trên đáu
Có đôi mắt nào mở to trong tim ta
Và mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng
Sẽ phải khởi nghĩa thôi
phải tranh đấu cùng số phận
Trăm năm trước cũng thế
trăm năm sau cung vậy
Ta phải dấn thân, phải đốt lửa
Ngọn cờ ta phất lên là giá trị cuộc đời
Bác Cả, cuộc chiến này thật khốn nạn
Bác có chối cũng chẳng được
Làm người chỉ có một lần
làm người thật khó…

Đề Thám hỏi:

– Thằng Hoạt bao giờ lấy vợ?

– Chắc nó ở vậy. – ông đồ thở dài. – Không hiểu sao đàn bà chỉ thích những tên đàn ông nhăng nhít, dê cụ, khả ố, đểu cáng…Thằng Hoạt nhà tôi lại đứng đắn quá.

Đề Thám cười:

– Tôi nhớ tôi đã ăn lễ dạm hỏi ở nhà này rồi. Thằng Hoạt sẽ làm rể Chánh Trương cơ mà?

– Đúng vậy. – ông đồ gật đầu. – Tôi đã hỏi con bé Xoan cho nó. Trầu cau đưa rồi, cuối năm nay cưới nhưng Chánh Trương lại muốn chạy làng, định gả con Xoan cho lão nghị Trường. Lão ấy góa vợ, nhà giàu nứt đố đổ vách.

– Tôi biết nghị Trường, – Đề Thám nói. – Thằng già ấy lẩm cẩm lẫn lộn, khôn như cáo, nói chuyện với ai cũng chỉ gật đầu.

– Anh Đề! Anh hãy giúp đỡ chúng tôi. – ông đồ năn nỉ. – Anh vốn hào hiệp…Anh đừng để con trai tôi xổng con bé ấy.

Đề Thám nhìn Hoạt. Cậu thanh niên e thẹn thở dài. Ngoài cổng xôn xao, trông ra đã thấy Thống Luận, Bang Kinh và mấy phu kiệu thập thò đứng đón. Bà Ba Cẩn không quên lời hứa. Đề Thám biết rằng bà Ba đã đúng trong trường hợp này: Ông không thể vào dinh công sứ Bắc Giang như một phần tử cực đoan lãng mạn, ông buộc phải tiền hô hậu ủng như một đại diện cho nhiều người.

Đề Thám lên kiệu. Ông bảo ông đồ:

– Tôi sẽ gắng làm hết sức.

Hoạt chào Đề Thám, đôi mắt chứa chan hy vọng.

Đề Thám nói với Bang Kinh:

– Mang con ngựa ô đi theo. Khi về tôi về bằ ng ngựa.

Bảy giờ tối, Đề Thám đến dinh công sứ Bắc Giang. Các quan chức và sĩ quan Pháp đi ra đón ông. Họ ngạc nhiên trước người anh hùng nổi tiếng, người được coi là “đại diện cho tâm hồn An Nam3” trông y hệt một tay địa chủ nông thôn họ vẫn thường gặp: cũng khăn xếp đen, áo lương, quần trắng, đi giày Gia Định. Đề Thám khác người là ở thần thái, ở tinh thần tự chủ cao, nhãn quan bao quát rộng, nếu có kể thêm thì đấy là sự buồn nản thất vọng về phẩm cách con người nói chung thỉnh thoảng lộ ra ở khóe nhìn vô hồn nơi ông.

Đề Thám trông thấy đám quan chức người Việt đứng tụm lại thật hèn hạ. Ông nhận ra nghị Trường, Chánh Trương và cả Xoan, con gái lão, người đã đính hôn với con trai ông đồ Hoạt. Tôi sẽ không kể gì về buổi tiếp tân này. Theo sử sách ghi chép thì người Pháp ở giới thượng lưu thời ấy đều nhẹ dạ, ngông cuồng, xa hoa; đa phần người Pháp “thực dân” còn lại trong các guồng máy cai trị cồng kềnh, lại vừa ngu vừa ác. Bầu không khí tinh thần của thời “thuộc địa nửa phong kiến” ấy đại để như sau: thói ham tiền hám của trộn lẫn với lòng thèm khát khoái lạc vui chơi, chế dộ nô lệ tàn bạo bày ra trắng trợn ở các hầm mỏ, đồn điền; đám nha lại người Việt coi thuế là nguồn thu chủ yếu để xây lợp mái nhà Tổ quốc, có chỗ xây lợp bằng đá thật, có chỗ xây lợp bằng các tờ báo lá cải và chứng từ kế toán giả mạo, “con rồng tre An Nam” tìm cách nhảy chồm lên trong tiếng tom chát ở các ổ chứa và tiếng vỗ tay trong các hội đoàn, thỉnh thoảng lại giật mình co lại bởi tiếng súng kíp hoặc súng hỏa mai tự chế ngoài biên giới…Việt Nam đầu thế kỷ XX là một đất nước nghèo nàn, gần như mọi rợ…

Buổi tiếp tân không làm Đề Thám thú vị chút nào. Lựa dịp thuận tiện, Đề Thám nói với Chánh Trương:

– Tôi muốn nói chuyện với con gái ông.

Tôi không biết Đề Thám đã nói với Xoan những gì hôm ấy, chỉ biết rằng cô rất bối rối xúc động.

Cô gái, lời nói nào làm cô bối rối xúc động?
Những lưỡi dao cứa vào sĩ diện cô ư?
– Không phải!
Những lời tán tỉnh rườm rà hoa mĩ ư?
– Cũng không phải nốt!
Ngôn ngữ trở nên ghê tởm, nhớp nhúa trên miệng bọn tiểu nhân
Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất
Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng
Tựa như tiếng tù v�
Như tiếng kèn đồng
Như tiếng chuông vọng…
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người
Buộc họ soi vào lòng mình như soi mặt xuống lòng hồ
Có thứ ngôn ngữ của người anh hùng, của người chính trực
Nó làm ta bối rối xúc động
Ta không trốn được
Thứ ngôn ngũ không hề phù phiếm, cũng chẳng tân kỳ
Thứ ngôn ngữ của giống nòi truyền lại
Thứ ngôn ngữ của lương tri không bao giờ mất…

Đề Thám ra về trước khi buổi tiệc kết thúc.

Không có bất trắc gì xảy ra cho ông và các thủ hạ đi theo. Đề Thám chia tay với mọi người ở triền đê sông Thương, ông lên con ngựa ô rồi theo con đường mòn rẽ vào rừng, ở đấy có lối đi tắt về Nhã Nam. Đề Thám đến cửa rừng thì thấy Xoan đứng đó. Sự biến động trong tinh thần khiến khuôn mặt vốn trắng hồng của cô gái tái nhợt hẳn đi.

Xoan nói:

– Em van ông… Ông hãy cho em đi theo. Đi đâu cũng được…

– Cô phải về đi, – Để Thám nói. – Cô phải chọn Hoạt.

– Không… – Xoan nức nở.

Đề Thám đón Xoan lên con ngựa ô rồi thúc con ngựa vào rừng. Đêm trong rừng mênh mông và hư ảo lắm. Tiếng côn trùng rỉ rắc. Mùi hương rừng nồng nàn. Bóng tối sẫm đen trên các tán lá cây, sẫm đen nơi hốc đá, sẫm đen eả trên mặt đất. Rừng vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Rừng muôn đời là thế. Thiên nhiên muôn đời là thế: vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn. Tất cả đều đẩy con người về nơi tận cùng ý thức cá nhân chính nó. Con người tự co lại như con sâu, cái kiến, thúc thủ trong phần sinh linh vừa bé mọn, vừa cô đơn, vừa bất lực; nó chớp đôi mắt phấp phỏng lo âu trong tâm hồn nó và tự hỏi mình: là ai? đi đâu? thế nào? làm gì? tiến đến đâu? bao giờ thành tựu? bao giờ kết thúc?

Đề Thám và Xoan đến chỗ có hai ngả rẽ một vào căn cứ Hố Chuối và một về Kế thì mưa. Mưa tháng Tư là thứ mưa đầu mùa ở vùng nhiệt đới. Nhoằng một ánh chớp, một làn gió thoảng qua là mưa liền, không sao lường được. Bắt đầu tưởng là cơn mưa bóng mây không phải ngại gì, bỗng thoắt là mưa đá, sấm rền, sét nổ. Mưa như roi quất, tàn bạo, hung hãn. Mây đen cuồn cuộn, gió giật liên hồi rồi mưa như những thác nước trên cao đổ xuống ào ào. Con ngựa không thể đi được vào trong hẻm núi. Đề Thám gầm lên một tiếng như lời chửi rủa, cũng gần như lời than thở rồi thúc đầu gối vào ức phải con ngựa cho nó chạy xuống cánh đồng, ngả rẽ về Kế. Một lúc sau, hai người đã ở trong nhà ông đồ Hoạt.

– Ta đã biết mà, – ông đồ bảo Xoan. – Ta biết con sẽ là một con người con dâu thảo hiền, tín nghĩa…

Bà đồ cuống cuồng giục Xoan đi thay áo quần kẻo lạnh. Hoạt vung vẩy cánh tay khoèo, khuôn mặt tràn trề hạnh phúc.

– Anh Đề! – ông đồ nắm lấy vạt áo Đề Thám. – Anh hãy ở lại đến mai hãy về…

Không! – Đề Thám lắc đầu. Những giọt nước mưa mặn chát ướt đầm trên khuôn mặt ông. Ông nhảy lên ngựa rồi phóng thẳng vào trong màn mưa dày đặc, màn đêm dày đặc.

Mưa như thế, bắt đầu từ lâu rồi
Trên mặt đất, những con bọ cử bò lổm ngổm
Tôi không biết con người khát khao điều gì trong cõi sống này.
Hình như điều thiện bắt đầu từ tình yêu phải không?
Điều thiện buồn tẻ vì nó nhạt nhẽo
Điều thiện tầm thường vì nó an toàn
Điều thiện tệ hại vì nó giết đi đam mê
Anh có sợ điều thiện không?
Chị có sợ điều thiện không?
Và em nữa?
Em có bao giờ ghê tởm điều thiện bằng như điều ác?
Rồi mưa cùng với thời gian sẽ xóa đi thôi, xóa hết
Xóa tất cả, rửa đi tất cả
Người ta sẽ rửa chúng ta đi như rửa xương khi bốc mộ
Trong đêm không có ánh mặt trời
Chúng ta bị rửa đi như rửa xương khi bốc mộ
Tất cả xương người đều như thế.
Tất cả đều rời rạc, đen đúa, khô khan
Chúng ta bị rửa đi như rửa xương khi bốc mộ
Có cơn mưa nào
Có đôi mắt nào nhòa ướt cho anh?

Đề Thám phóng ngựa vào rừng. Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc. Ông òa khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người. Đề Thám sụt sùi như một người thường: một anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, một viên công chức quèn, một chàng thợ bạc vụng về, một ông giáo nghèo… Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa. Ông khóc như chưa bao giờ là một anh hùng, một người khởi nghĩa.

Đề Thám đi suốt đêm mưa trong rừng. Người ta kể rằng sáng sớm hôm sau ông cầm đầu một toán quân đánh dồn binh Pháp ở Kép, tất cả binh sĩ trong đồn đều bị gíết sạch. Từ đấy chấm dứt thời kỳ hòa hoãn giữa ông và người Pháp.

Mấy năm trước tôi gặp bà cụ Xoan ở huyện lỵ Yên Thế gần đồn Phồn Xương, nơi bây giờ trở thành một phố chợ sầm suất. Bà cụ giờ 84 tuổi, tóc bạc trắng, trông rất hiền lành. Tôi hỏi bà cụ về cuộc đời bà cụ trải qua, bà cụ kể lể khống biết bao nhiêu những điều cơ cực nhọc nhằn xảy ra trong cuộc đời mình: nào người chồng tính nết dở hơi thô bạo, nào đói kém, nào con, nào cháu, nào tật bệnh, nào chiến tranh…

Tôi đứng trên quả đồi khô cằn toàn sỏi nơi bà cụ phát hoang để xây dựng cơ nghiệp cho gia đình mình, trong lòng vô cùng cảm động thương xót. Tôi hỏi điều gì đã làm bà cụ vượt qua được hết nhọc nhằn gian khó trong bao nhiêu nẩm tháng ấy, bà cụ cười móm mém để lộ hai hàm lợi không còn một cái răng nào rồi vạch áo cho tôi xem tấm ngực trần hom hem với đôi vú teo tóp răn reo. Bà cụ nói:

– Ông ấy muốn thế… Tôi không phụ lời tôi hứa… Ông ấy là nguồn an ủi suốt cuộc đời tôi…

– Ông ấy là ai hả cụ?

– Ông ấy kia kìa…

Bà cụ chỉ về bức tượng xi măng cốt thép đứng trên đỉnh đồi ở gần di tích Phồn Xương.

– Ông ấy chẳng hề nói năng gì cả…

Tôi biết Đề Thám đã không hề nói năng gì cả từ năm 1913, hơn 80 năm rồi…

Hôm tôi ở Nhã Nam trời cũng mưa, nhưng là cơn mưa bóng mây, một thứ mưa xoàng.

Tôi kể chuyện này đến đây là hết.


  1. Tương lai xứ Bắc kỳ. 

  2. Pôn Đume (Paul Doumer). 

  3. Lời của nghị sĩ Metsimy ở nghị viện Pháp ngày 18-11-1909.