Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn đến bến đò lúc 3 giờ chiều, giữa lúc nắng gay gắt. Hắn ở trên chiếc ô tô chạy than bước xuống, chiếc ô tô chở khách từ thị xã về bến đò rồi lại từ bến đò ngược về thị xã, mười ngày một bận. Chiếc ô tô sơn đen cà khổ, lèn chặt được mười sáu người cùng với đồ đạc, ống khói xả than gò bằng tôn ở dưới đuôi xe dựng đứng lên trời

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn đội chiếc mũ cát trắng rộng vành, chiếc mũ đã cũ ngả màu cháo lòng. Hắn không có đồ đạc gì cả ngoài một chiếc hộp sắt tây đựng bánh bích quy đã cũ, sơn đỏ trên có vẽ hình một cô gái mặc váy đang múa balê. Hắn cắp chiếc hộp ở nách như ông thầy bói vẫn cắp tráp sơn.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn đứng tần ngần một lát ở giữa ngã ba như để nhận đường rồi đi la cà dọc dãy phố chợ. Hắn hỏi một ông đứng trước cửa tiệm thuốc bắc.

– Thưa ông, đây có phải là bến đò Vân không?

Ông này trả lời

– Vâng, bến đò Vân.

Hắn cám ơn ông ta rồi quay đi. Chừng như không yên tâm, hắn lại hỏi bà bán trầu cau ngồi cách đấy một đoạn:

– Thưa bà, đây có phải bến đò Vân không?

Bà này trả lời:

– Vâng, bến đò Vân.

Hắn cám ơn rồi quay đi, hắn gật gật đầu, cười tủm tỉm. Hắn rẽ vào một quán ăn ven đường. Giờ này quán ăn vắng khách, chẳng có ma nào. Bà chủ quán đang ngồi ngủ gà ngủ gật ở trên một chiếc ghế gỗ đặt nơi góc nhà. Hắn đằng hắng. Bà chủ quán giật mình tỉnh dậy, tươi cười chạy ra đón khách. Hắn hỏi lại câu hỏi cũ:

– Thưa bà, đây có phải bến đò Vân không?

– Vâng bến đò Vân.

– Bà cho tôi mượn một cút rượu, lạc rang, thuốc lào, một tờ giấy trắng, một chiếc bút chì.

Hắn ngồi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ. Hắn để chiếc hộp sắt tây đựng bánh bích quy trước mặt.

– Thưa ông, rượu của ông đây! Lạc rang, thuốc lào… giấy với bút chì thì cháu không có…

Bà chủ quán rụt rè mang các thứ bày lên mặt bàn.

– Thế nhà ta không có ai đi học cả à?

– Thưa ông, chẳng cứ nhà cháu… ở đây toàn người thất học. Người ta chỉ có biết mỗi tiền thôi!

Hắn cười như mếu. Ở đây đều thất học. Người ta chỉ biết mỗi có tiền thôi.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn nói:

– Hôm trước, tôi đã đến bến đò này. Hồi ấy quang cảnh vùng này còn thưa thớt lắm. Tôi nhớ chỗ này ngày xưa là một vườn cải?

– Vâng vườn cải nhà Tư Sửu. Nhà Tư Sửu bán đất cho nhà cháu, nhà cháu mở quán bán hàng đuợc ba năm nay.

Bà chủ quán đi. Hắn thở dài. Hắn đã nếm trải bao nhiêu thay đổi trên đời.

Hắn rót rượu. Hắn lấy ngón tay chấm vào ly rượu rồi hắn viết lên mặt bàn mấy chữ nắn nót. Ngón tay hắn run run.

Hắn viết:

“Chén ứa men lành, lạnh ngón tay”1

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Vừa lúc ấy có mấy chiếc xe tay dừng trước cửa quán. Trên xe bước xuống là ba mẹ con nhà kia. Bà mẹ trạc 50 tuổi, rõ ràng là bậc mệnh phụ phu nhân. Hai đứa con đi theo mẹ là cô con gái 18 tuổi mặc áo dài trắng và cậu con trai 14 tuổi mặc quần soóc, áo cộc tay. Người lão bộc lặc lè xách vào hai chiếc va-ly.

Phu nhân nói:

– Qua đò là về đến nhà. Mấy mẹ con ta vào đây nghỉ đã.

Họ vào quán. Phu nhân có vẻ thông thạo phong thổ vùng này vì đây là quê hương bà. Bà chủ quán chạy ra vồn vã:

– Con lạy chào bà tham… con chào cô, con chào cậu…

Phu nhân tươi cười:

– Chúng tôi chào thím… cho chúng tôi ngồi chờ một lát, đợi lát nữa có người ra đón… thế vợ chồng thím dạo này có khỏe hay không? Làm ăn thế nào?

– Thưa bà… vợ chồng con vẫn khỏe, còn làm ăn thì kém lắm! Bà với hai cô cậu có dùng gì không để chúng con hầu?

– Không… không dùng gì… thím mang cho lão bộc đây một cốc chè xanh là được rồi.

Ba mẹ con ngồi trên chiếc ghế dài kê ở sát tường. Người lão bộc ngồi ở bậc cửa. Họ ríu rít nói truyện đi đường, chuyện về những chiếc xe tay và người kéo xe. Cậu con trai nói một câu tiếng pháp:

Que diable est-ce que tout cela?

Đấy là cậu muốn ám chỉ chiếc hộp bánh bích quy của người khách lạ ngồi bên cửa sổ.

Không hề ai biết hắn là một thi sĩ.

Hắn mở chiếc hộp bánh bích quy và lấy trong đó ra những cánh bướm đã ép khô lần lượt xếp lên bàn thành chữ “L”.

– Ai đấy?

Phu nhân khẽ hỏi bà chủ quán.

– Dạ con không biết.

Cậu con trai không cưỡng nổi tò mò, thốt lên:

– Bướm đẹp quá… Thưa ông, ông là người sưu tập phải không?

– Không, tôi làm thơ!

Hắn trả lời. Hắn ngẩng mặt lên. Phu nhân sợ sệt vì hắn chẳng nhìn ai cả, chẳng có ai đáng nhìn, hắn chỉ nhìn chằm chằm có mỗi cô con gái bà.

Cô gái tán thưởng:

– Làm thơ?

Phu nhân lo ngại, đưa tay kéo hai đứa con sát lại gần mình.

– Thưa ông, nghề nghiệp của ông thật nguy hiểm – người lão bột rụt rè nói.

Hắn mỉm cười. Hắn cười vì nhận ra ở mép cô gái có một nốt ruồi chứ không phải vì câu nói của người lão bộc.

– Sao lại nói thế? – Phu nhân nhẹ nhàng quở trách.

– Thưa bà, con nghe quan chánh cẩm nói với ông nhà là hễ mà loạn là bắt ngay những người làm thơ trước đã.

Phu nhân lặng im. Cảm thấy không ổn, bà hỏi dè dặt:

– Thưa ông, nghề nghiệp của ông có dễ dàng không?

Hắn không trả lời. Hắn lại huyển những cánh bướm từ chữ “L” sang chữ “N”.

Phu nhân hỏi tiếp:

– Thưa ông, tôi muốn hỏi ông kiếm sống có dễ dãi không?

Hắn nói:

– Không, tôi làm thơ!

Cậu con trai cảm thấy thú vị về người khách lạ. Cậu hỏi:

– Thưa ông, làm thơ có khó hay không?

– Khó với người không có tài! – Hắn nói mà không ngẩng đầu lên. Hắn lại chuyển những cánh bướm từ chữ “N” sang hình trái tim.

Cô gái đáo để:

– Thưa ông, người ta nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là thế nào ạ?

Hắn nhìn cô gái và cô đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Cô chợt nhận ra câu hỏi của cô thật sự quá thể vô nghĩa. Nó là thói quen a – dua với thói đời chứ đâu phải câu hỏi mà cô muốn nói, không phải câu hỏi từ đáy lòng cô. Cô xúc động vì nỗi u hoài tê tái trong đáy mắt hắn. Ánh mắt của hắn như muốn nói rằng “Này cô gái, cô trẻ trung trong trắng thế kia mà sao cô lại đi hỏi một câu rắc rối, rỗng tuếch của người lớn như thế làm gì? Đấy là câu hỏi của một cành cây khô héo chứ đâu phải của một bông hoa?”

– Xin lỗi ông – Cô gái bối rối nói – Tôi không muốn hỏi thế! Tôi muốn xin ông một câu thơ được không?

Hắn bảo:

– Được!

Hắn nhỏm người lên. Phong độ cử chỉ của hắn bỗng nhiên hào phóng như một ông hoàng cho tiền bố thí. Tuy vậy, hắn không có giấy bút nên hắn lúng túng. Cậu con trai tinh ý vội mang lại mấy tờ giấy và chiếc bút máy.

Hắn gật đầu, hắn nói:

– Để tặng tiểu thư… tiểu thư tên là Nhi phải không?

Cô gái giật mình:

– Chết! sao ông lại biết tên tôi?

Hắn không trả lời, hắn cười tủm tỉm. Hắn viết:

“Những một mình em uống rượu hồng…”

Cậu con trai tán thưởng:

– Tuyệt vời! Thơ hay quá! Tôi cũng muốn xin ông một câu thơ được không?

Hắn mỉm cười vui vẻ. Hắn viết lên một tờ giấy khác:

“Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”

Cậu con trai sung sướng cầm cả hai tờ giấy giơ lên như giơ hai bông hoa, như hai báu vật. Vẻ hân hoan của cậu làm bà mẹ vốn bản tính dè dặt cũng phải mỉm cười

Cô gái trở nên bạo dạn:

– Thưa ông, sao ông lại nói “những một mình em“? Còn “rượu hồng” có nghĩa là cuộc đời có phải không?

Hắn cắn môi lại. Người con gái này chưa biết thế nào là nỗi cô đơn. Năm nay nàng 18 tuổi. Phải 18 năm nữa nàng mới biết “những một mình em” là thế nào.

Cậu con trai thốt ra một câu tiếng pháp:

I’lnest de bonheur que dans les voies communes. Thưa ông, có phải câu thơ của ông nhắc tôi như thế phải không?

Hắn không nói năng gì.

– Thưa ông – Bà mẹ hỏi – Tôi hỏi khí không phải, ông chắc không phải là người ở đây… Thế ông ở nơi xa xôi đến nơi này làm gì?

Hắn nói:

– Tôi đi đưa dâu.

– Thưa ông, vậy ông có người quen ở vùng này à?

– Không.

– Thưa ông, vậy ông đi đưa dâu ai?

– Một người con gái. Tôi đã hẹn với cô ta từ bảy năm trước… ngày này, giờ này… lát nữa đám cưới cô ta sẽ đi qua đây…

Cậu con trai ngạc nhiên kêu lên:

– Ồ…ồ… thật lạ lùng!

Cô con gái thì thào vào tai cậu con trai: entre nous…lãng mạn quá chừng…

Bấy giờ có mấy người lái đò từ dưới bến sông đi lên có vẻ như muốn tìm ai. Một người đứng ở cửa quán nói vọng vào:

– Thưa các bác, thưa các già… ở đây có vị nào tên là Hồ Điệp, hay Trang Sinh, hay Điệp Lang không?

Hắn nói:

– Có đấy!

Bác lái đò mừng rỡ:

– Thưa ông, có phải ông nhắn người thuê chín chiếc đò ngang để chở đám cưới hay không?

Hắn bảo:

– Phải.

Bác lái đò nói:

– Thưa ông, chúng tôi đã tề tựu cả dưới bến rồi.

Hắn bảo:

– Được, cứ chờ!

Mấy người lái đò kéo nhau xuống bến. Phu nhân và hai người con sửng sốt. Vẻ phấn khích làm cho má cô gái và cậu con trai đỏ ửng như có than hồng. Phu nhân hỏi:

– Thưa ông, tôi lại hỏi khí không phải nữa, thế cái người con gái mà ông hẹn bảy năm trước hình dạng thế nào. Chẳng là tôi người ở vùng này, nói đến ai là tôi biết liền…

Hắn đăm chiêu cau có:

Trắng trẻo, môi đỏ, khô chân gân mặt, trông dáng vẻ như người đĩ thoã. Có cái nốt ruồi ở chỗ này, chỗ này… Hắn chỉ đâu đó lên người cô con gái làm cô đỏ bừng cả mặt.

Phu nhân băn khoăn.

– Hay nhà Dung? Hay nhà Oanh?

Bà chủ quán nói:

– Thôi chết… đúng cô Oanh rồi… Thưa ông, có phải ngày xưa cô ấy chít khăn mỏ quạ, mặc quần nái đen phải không?

Hắn bảo:

– Phải.

– Có phải ông bảo người ta chân quê hay không?

Hắn bảo:

– Phải.

Bà chủ quán khóc òa lên:

– Ông ơi, nó chết ba, bốn năm rồi, còn đâu mà đón đưa dâu… hồi ở tỉnh về là nó chết liền… Nó tự vẫn… Nó đắm đò… Câu thơ ông viết cho nó, nó xé ở vạt áo ra để lại đây này…

Bà chủ quán lôi trên bàn thờ xuống chiếc ống quản, chiếc ống sơn đã cũ vẫn dùng để cất gia phả hay văn tự mua bán. Bà ta lôi ra một miếng vải lụa nhỏ bằng bàn tay.

– Thưa ông, có phải là chữ của ông đây không?

Cô gái và cậu con trai xúm lại.

Hắn thở dài nói:

– Đúng!

Cậu con trai đọc:

“Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi”

Tất cả mọi người lặng đi. Tiếng kể của bà chủ quán xen lẫn với tiếng nức nở:

– Năm nó chết, nó 25 tuổi… nó tuổi quý sửu… tuổi con trâu… ba ngày sau người ta mới mò được xác của nó ở dưới chợ xuôi…

Hắn bước ra ngoài. Mọi người tránh đường cho hắn đi ra. Bóng chiều xuống dần. Sẽ không có đám cưới nào qua bến đò Vân hôm ấy. Mấy người lái đò khi nãy trở lại quán ăn:

– Cái vị tên là Hồ Điệp, hay Trang Sinh hay Điệp Lang còn ở đây không? Sao có đám cưới mà chờ đến tối cũng không có nhỉ? Vậy ai trả tiền đò cho chúng tôi đây?

– Tôi xin trả! – Phu nhân nói.

Bà quay ra bảo người lão bộc lấy tiền rồi mang valy xuống bến. Cô gái và cậu con trai chạy ra ngoài đê. Họ thoáng thấy có người vừa phất tay áo chấm một nét lẻ loi nghiêng lệch góc trời. Vừa chớp mắt lại đã chẳng thấy bóng người ấy ở đâu nữa. Vừa chớp mắt đã lại thấy chỗ ấy có một cánh hạc vừa bay lên. Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt.

Về sau này, cậu con trai khi ấy đã thành một giáo sư văn học đã viết như sau trong một ghi chép của mình:

Với một quãng thời gian không dài lắm ở ta trong thế kỷ XX phiền muộn và tàn nhẫn này may có dăm ba thi sĩ tài năng gắng gỏi xây nên một lâu đài văn học nhì nhằng bằng những câu thơ tuyệt vời in dấu sâu đậm trong tâm hồn người Việt vốn chẳng lấy gì làm đặc sắc, nhiều phần ngơ ngẩn hẹp hòi. Thi sĩ là người thế nào? Tiếc thay một số ít lại là những vị thánh bị bôi bẩn trong đám đông phàm phu tục tử mạnh mẽ lịch sử, nhiều tri thức và đầy kiều hãnh. Chúng tôi bán tín bán nghi về những cuộc đời bê bối, vớ vẩn và thê thảm của đôi người nhưng những cái gì thiếu mập mờ và khẳng định được đâu có phải là thơ?

Je ne peux plus vous faire d’autres cadeaux que ceux de cette lumiére sombrre…2

Hà Nội, tháng 4 năm 1998.


  1. Các câu thơ trong truyện được mượn của Nguyễn Bính. 

  2. Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy… (Louis Aragon).