Đưa sáo sang sông

Bà Hai Thoan bán nước, lại thêm cả nghề chứa trọ ở cổng sau chợ Niệm. Chợ Niệm đây là chợ Niệm Nghĩa, nằm ở bên sông Cửa Cấm. Chợ Niệm Nghĩa trước chỉ họp mỗi tháng bốn phiên, nhưng gần đây hàng buôn lậu Trung Quốc sang nhiều nên cũng họp lung tung thất thường.
Giáp Tết, chợ ngày nào cũng họp. Phiên sáng, phiên chiều… nếu có tàu trở hàng lậu về đêm thì thêm cả phiên tối. Không có điện thì có máy nổ phát điện, điện giăng như sao sa . . . Trên bến, dưới thuyền, mua mua, bán bán, này anh, này chị, này chú, này cô, “hảo lớ”… hàng Đài Loan, hàng Hồng Kông, hàng Trung Hoa lục địa, hàng Nhật Bản, hàng Sài Gòn… “thượng vàng hạ cám” chẳng thiếu thứ gì .

Bà Hai Thoan mắt kém, hơi lãng tai nhưng được cái khoẻ mạnh. Bà ngồi một chỗ bán nước nhưng dưới “trướng” của bà có hai con bé con giúp việc lúc nào cũng nhanh thoăn thoắt làm đủ mọi việc trên đời, đâu ra đấy, không chê vào đâu được .

Giáp Tết, trời chuyển gió bấc, mưa phùn, rét như cắt ruột. Mưa suốt từ đầu tháng Chạp đến 27 Tết. Sáng 27 Tết nắng ấm dần lên. Hàng về nhiều. Chưa bao giờ chợ Niệm đông như phiên hôm 27 Tết năm ấy. Bà Hai Thoan ngủ dậy, vừa mở cửa hàng thì người đàn ông ấy đến. Ông ta vừa bước vào thì mọi đồ vật trong nhà như ríu cả lên: cái chổi để ở góc nhà tự dưng ngã vật ra, chiếc đồng hồ báo thức hỏng đã nửa năm nay bỗng dưng đổ chuông ầm ĩ, chiếc đèn dầu hở ống muống bỗng cháy đùng đùng… Người ấy như người từ thời thượng cổ bước ra: thô nhám, đơn sơ, rất cồng kềnh. Ông ta mặc áo da, cổ đeo caravat, giày da cá sấu. Ông ta nhìn bà Hai Thoan, chẳng chào hỏi gì. Ông ta nói:

Nhà ta nắng dột vào trưa1

Thế là từ bấy giờ bà Hai Thoan như người lên đồng, người khách lạ như hớp mất hồn, bà chẳng còn “tỉnh táo, lạnh lùng, dứt điểm” giống như ngày thường, giống như cách bình luận bóng đá trên tivi, giống như cách nói của hai con bé con giúp việc cho bà.

Ông khách nói:

– Tôi muốn thuê phòng trọ. Có được không?

Bà Hai Thoan nói:

– Nhà chỉ có một phòng, một giường. Hiện có hai chú “cửu vạn” người Thái Bình trọ. Ông thuê ban ngày thì được, chứ ban đêm thì các chú ấy về đây ngủ .

Ông ta bảo:

– Tốt! Tôi chỉ ở đây đến tám giờ chiều. Tôi trả bà tiền trọ 100 nghìn, tiền ăn trưa 100 nghìn. Tôi có hai người. Hai hai là bốn. Bốn trăm nghìn. Xong chưa.

Bà Hai Thoan cười, gật gật đầu. Bà nghĩ bụng:

– Chắc lái buôn! Chắc mới “trúng quả”? “sộp” ra “sộp”! Trông cái “cà vạt” kìa, lụa tơ tằm hẳn hoi, đúng là “xịn”!

Bà Hai Thoan ngồi tựa lưng vào vách bán hàng. Chỗ vách thủng, bà đã kín đáo “ngụy trang” bằng một tấm lịch Trung Quốc in hình “Vạn lý trường thành”, vì thế dù có ngồi bán hàng nhìn ra đường cái bà vẫn quan sát được trong nhà và trong phòng trọ . Người đàn ông loay hoay ở trong phòng trọ một mình. Ông ta chỉ có mỗi cái cặp số. Chắc đựng tiền. Chắc có nhiều tiền. Bà Hai Thoan thấy ông ta mở khoá cặp ngần ngừ một lát rồi lại khoá lại, lại mở ra, cười một mình, cứ thế mấy lần.

– Năm nay Tết nhất có vẻ “xôm”, phải không bà?

Bà Hai Thoan giật mình. Ông khách đã ngồi ở trước mặt bà từ lúc nào, miệng hỏi, mắt lơ đãng trông ra ngoài đường.

– Vâng, Tết nhất năm nay đông vui hơn mọi năm… Bà Hai Thoan trả lời – Ông làm cốc rượu “cuốc lủi”, cho nó thơm râu, ông nhá!

– Được, bà cứ rót đi… quang cảnh ở đây vẫn cứ như xưa… Cây thì vẫn đứng thế thôi. Hàng thì bán đứng bán ngồi chen nhau…

– Thì nhà quê mà! – Bà Hai Thoan chép miệng – Sống già cả đời mà chẳng thấy có văn minh gì cả. Ông nên xơi thêm quả trứng luộc, ông ạ…

Vì người ta đã dìm thuyền…

– Ai dìm thuyền? ông xơi thêm quả trứng luộc nữa, ông nhá…

– Được! Chốc nữa thế nào cũng giông/ Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa…

– Chẳng mưa được, ông ạ… mưa suốt từ đầu tháng Chạp đến nay còn gì… Thế ông chờ hàng về hay ông đợi ai?

Gọi em một tiếng tưởng xong/ Không ngờ ai nấp trong lòng trộm nghe…

– Chết! Có trộm à? – Bà Hai Thoan hỏi. Hai con bé con giúp việc cho bà Hai Thoan ôm nhau cười ngặt nghẽo.

Một đứa vừa cười, vừa giải thích cho bà Hai Thoan hiểu:

– Đấy là bác ấy đọc thơ… bà chẳng hiểu gì… cứ tưởng bác ấy nói chuyện…

Bà Hai Thoan cũng cười:

– Không hiểu con mẹ mày! Cái gì mà tao không hiểu… Bà cũng thơ văn chứ! Ông ạ… thế ông bảo ai dìm thuyền? Thế ông bảo ai ăn trộm?

Ông khách lạ nháy mắt với hai con bé con:

– Đời! Rồi thời gian! Bà lão ạ… Đời bạc lắm… Người bạc lắm… Dìm đi hết! Trộm đi hết! Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không…

Đứa bé gái giúp việc cho bà Hai Thoan mắt một mí, môi đỏ như thoa son, hỏi ông khách:

– Sao bác cứ lúc lắc đầu , cứ ngoáy tai mãi thế?

Ông khách khổ sở:

– Nó cứ kêu… ở trong tai…

– Cái gì kêu

– Thơ… Khổ thế… Nó cứ kêu trong tai…

Hai con bé con lại cười ngặt nghẽo. Ông khách lạ cũng cười. Bà Hai Thoan cũng cười…

– Cái lão rồ này! Sao lại có thơ bay ở trong lỗ tai như thế? Này ông… Hay là ông bị bệnh xay lúa ? ở Quán Toan có ông Ngọng, lúc nào trong tai cũng ù ù như xay lúa…

– Không… không phải ù ù… Cứ một câu sáu, một câu tám… Đến khổ… Bên nhau sà sã suốt ngày/ Vừa đi nửa bước đã đầy nhớ thương… Cầm lòng bán cái vàng đi/ Để mua những thứ nhiều khi không vàng…

– Vẫn thế thôi , ông ạ… Vàng đâu mà nhiều thế? Có mà mạ vàng! Thế ông đợi hàng về hay ông đợi ai mà cứ ngong ngóng từ sáng đến giờ… có lẽ cũng đến quá Ngọ mất rồi còn gì…

– Quá rồi! Quá rồi . . sắp chiều rồi, sắp đêm rồi! – Ông khách rền rĩ – Tôi già rồi, sắp hết đời rồi! Bà lão đoán tôi năm nay bao nhiêu tuổi nàỏ Đến tuổi tôi là tuổi phải mạ vàng tất cả…

– Chịu, ông ạ… Dễ thường ông phải đầu năm?

– Còn các cô bé? Các cô đầu mấy?

Hai con bé con lại ôm nhau cười ngặt nghẹo:

– Đầu một! Chúng cháu đầu một!

Đầu một là đầu một ơi/ Có chung giọt nước mắt rơi xuống lòng/ Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm… Các cháu ạ, chúng mày chẳng biết gì về thời gian! Cứ cười đi! Đồ nỡm! Đồ giặc cái! Bao giờ cho đến đầu năm rồi mới biết nhau… Thôi đành bầu rượu nắm nem/ Nghiêng trời uống cạn để xem chiều tà/ Vẫn còn ngòn ngọt tiếng gà/ Chưa chi tóc đã tà tà sương phai…

Có bóng ai mặc áo hoa đỏ thấp thoáng chen ở giữa chợ . Ông khách nhớn nhác đứng dậy . Hai con bé con dọn đám vỏ trứng luộc cho vào thùng rác . Bà Hai Thoan hỏi:

– Chúng mày đếm xem mấy quả ?

Hai con bé con lại cười ngặt nghẹo:

– Những sáu quả bà ạ!

Bà Hai Thoan lắc đầu:

– Có tuổi mà lại ăn tham như mõ thì cho chết! Tao bán hàng bao nhiêu năm nay, chưa thấy ai ăn sáu quả trứng vịt luộc một lúc bao giờ .

Xế trưa, khách vào hàng của bà Hai Thoan tấp nập . Uống nước, ăn quà… chuyện tầm phào . Giá vàng xuống, từ 480 nghìn đồng một chỉ hạ so với ngày hôm trước 2 nghìn đồng . Bà Hai Thoan mải bán hàng, cũng chẳng để ý ông khách lạ đi đâu… Mãi, nghe tiếng thì thào ở trong phòng trọ, bà mới vén tấm lịch “Vạn lý trường thành” để ngó mắt xem . Trong phòng trọ, ông khách lạ đang ngồi với một cô gái mặc áo hoa đỏ, dáng vẻ nhà quê . Gớm! Cái lão ma bùn này, cũng giai gái ra trò! Để xem họ nói những gì!

– Chờ suốt từ sáng… mỏi cả mắt . Đã bảo ở cổng sau mà lị . Tớ đã định bỏ về… !

– Khổ, ai biết đâu… cứ tưởng người nào thơ văn thì phải “quang minh chính đại” chứ, nếu có chờ thì chờ ở cổng trước chứ sao lại ở cổng saủ Em cứ loay hoay ở cổng trước đến mấy tiếng đồng hồ…

– Đấy là thời thế, giời ạ “Quang minh chính đại” có mà mất xơi… Thế chồng con rồi đằng ấy thế nàỏ

– Cũng bình thường… như người ta thôi… Còn anh, anh vẫn làm thơ đấy chứ…

– Khổ… vẫn không bỏ được cái nghề ấy… Vẫn nhì nhằng, một câu sáu, một câu tám…

– Buồn cười… Hồi nào có anh gì trên Hà Nội bảo anh vốn liếng có 600 từ…

– Làm gì được 600… chỉ có ngót nghét 500… Bí lắm! Hồi nhỏ có được học hành đâu . ít chữ nên phải vất vả hơn người . Cứ xào xáo từng ấy từ, nhiều khi cũng ngượng… thiếu lương thiện…

– Làm thơ cũng giống như đi buôn nhỉ? “Buôn tài không bằng dài vốn”…

– Thôi! không nói chuyện ấy nữa… Thế là mấy năm mới gặp lại nhau . Hồi đưa sang sông bảo đi về quê lấy chồng cũng giáp Tết như thế này đây… Chiều nay Hồ Tây có giông…

– Buồn cười! Cứ như thông báo thời tiết…

– Không phải thông báo thời tiết mà là thông báo thơ… thông báo hoàn cảnh và tâm trạng thơ… Thơ là xúc cảm cá nhân trong một hoàn cảnh, là kinh nghiệm cộng đồng trong một tình huống . Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm…Ngồi trên sóng” đấy là thơ! Đấy là xúc cảm… là sự tê tái cao nhã, là kinh nghiệm xót xa của một cộng đồng đàn ông đa tình đa cảm . Đại để thế… Cũng “nhặm” lắm! Phiền lắm!

– Ôi dào, chẳng hiểu gì…

– Thì hiểu làm gì. Thế đằng ấy hàng ngày làm những việc gì?

– Nhì nhằng… toàn việc không tên. Làm ruộng. Nuôi lợn… Thả tôm giống… Đầu tắt mặt tối… chẳng như ngày xưa… Lại thằng bé con… gấu lắm… Cũng khổ… Nhưng mà là khổ một bề… Hồi trẻ chưa lấy chồng thì khổ nhiều bề.

– Hồi ấy, đằng ấy cứ như con chim sáo ấy… Bây giờ chim sáo sang sông mất rồi…

– Bây giờ thành mẹ mướp rồi…

– Chưa… vẫn còn giòn lắm. Này! Lên giường đi! Cứ ngồi thế này khó chịu quá…

– Xin anh… em xin anh… Đừng làm như thế… Em có chồng rồi, con sáo đã sang sông rồi…

– Mẹ khỉ! Có chồng càng dễ chơi ngang…

– Không được… Anh là người thơ văn, anh phải biết chứ… Con sáo đã sang sông rồi!

– Hay là tôi già?

– Chết thật! Đừng nói thế… Em kính trọng anh… Em kính trọng ông cơ mà…

– Vứt cái kính trọng của cô đi… Nhưng em đã bỏ đi rồi/ Cái mênh mông ấy vừa rơi vừa chìm…

– Không phải bỏ đi… là chuyện phải thế… không xuống âm phủ giời bắt tội cho, khổ lắm…

– Thôi! Không nói nữa! Em bỏ chồng về ở với tôi không?

– Đấy là thơ… làm thế sao được…

– Vứt thơ đi! Em bỏ chồng về ở với tôi không?

– Em lạy anh… Em lạy ông… cho em về nhà. Chiều rồi, tối nay nhà em còn luộc bánh chưng…

– Thế nhất định không lên giường à?

– Không… không được! Không làm thế được!

Bà Hai Thoan cười thầm. Con mẹ này! Gan quá! Có khí tiết đây! Phải! Mày làm thế là phải, con ạ. Không có sợ gì… Thế mới là bậc tiết phụ, nghĩa phụ chứ!

– Hôm nay tôi chết ở chợ Niệm Nghĩa… Có ai đi chôn tôi không… Chỉ mong ngày âý mưa to/ Bước chân em có ngại đò đường trơn…

– Sao cứ ác khẩu mãi thế… Anh ơi, anh buông ra đi. Anh phải nhắm mắt lại, phải buông xuôi tay dần đi…

– Thế là phải bạc tình đấy chứ gì? Cô khuyên tôi phải chết chứ gì? Mẹ khỉ! Mười năm tỉnh giấc Dương Châu/ Nổi tiếng làng chơi khách bạc đầu… Thôi! Bai bai! Cầu chúc cho em mọi sự tốt lành… Này! Cầm lấy ít tiền. Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ rồi mới biết trong có tiền có tâm2.

– Thôi… sao nhiều thế…

– Cứ cầm lấy… Thế là đưa sáo sang sông… Đi đi… cút đi… Xéo đi! Xéo về với trật tự đạo lý của các người đi! Rồi cô sẽ phải khóc trong sung sướng cho mà xem!

– Em xin anh… xin ông…

– Xéo đi ra khỏi mắt ta… Về với tổ ấm của mi đi! Thưa các ông, thưa các bà… Chúng ta trằn trọc trên cái giường bổn phận của chúng ta. Chúng ta ca hát, làm thơ trên ấy… Cao thượng cái nỗi gì… Ta đã tóm được mi rồi, hôm nay, trong căn phòng trọ tồi tàn ở một nơi chốn hẻo lánh, nhơ nhuốc này… Em ơi, may mà em ít chữ và ngu dốt… Ta cũng ít chữ và ngu dốt chẳng kém gì em… Nếu không, hôm nay ở đây sẽ phải xảy ra một án mạng…

Ông khách nằm vật xuống giường, sùi cả bọt mép như thể động kinh. Người con gái mặc áo hoa ngồi nép một chỗ sợ hãi, tay cầm món tiền rấm rứt khóc.

– Những giọt nước mắt ấy sẽ làm cho con già đi trước tuổi mất thôi, con ơi – Bà Hai Thoan nghĩ – Con ạ, con cứ khóc đi… Đàn bà chúng ta làm gì an ủi được bọn đàn ông mông muội này

Ông khách đã ngồi nhỏm dậy:

– Nào! Về đi chứ? Về với tổ ấm của cô đi chứ… Con sáo sang sông, con sáo sổ lồng, con sáo bay xa…

– Em xin ông… Hay là em lên giường bây giờ một lúc… Để em cởi áo ra vậy…

– Không… Em đừng làm thế… Em hiểu sai tôi mất rồi… Thi nhân… Người thơ… Một thi nhân sa đà ngày tháng3. Em đi đi hãy giữ gìn mình! Em đi đi, nếu không tôi sẽ đập đầu vào cột cho xem…

Ông khách đẩy cô gái ra khỏi cửa một cách khá thô bạo. Bà Hai Thoan ngậm ngùi nhìn người thiếu nữ mới có một con mà tóc đã bơ phờ, hông và chân đã lệch cả đi vì phải làm quá nhiều việc nặng. Tội nghiệp. Bóng áo hoa phấp phới ở trong chiều mưa rét. Cô gái đi về phía bến sông, bước thấp bước cao, vừa đi vừa ngoái đầu lại mà mắt ướt nhoè.

Bà Hai Thoan gọi hai con bé con giúp việc lại bảo:

– Chúng mày cầm hộp mứt Tết đuổi theo cái cô mặc áo hoa kia đưa cho cô ta tận tay cho bà.
Đứa bé con mắt một mí, môi đỏ cứ như thoa son, hỏi xỏ bà lão:

– Đưa cho hộp mứt rồi lấy tiền một cách “tỉnh táo, lạnh lùng, dứt điểm”, phải không bà?

Bà Hai Thoan cười:

– Mẹ cha mày! Ranh con! Đây là quà của bà cho khách đa tình đấy, con ạ… ! Chúng mày có hiểu gì đâu!

Hai đứa bé con dắt tay nhau, vừa cười ngặt nghẹo, vừa đuổi theo cô gái về phía vệ đê. Bà Hai Thoan quay vào phòng trọ. Ông khách lạ đã bỏ đi từ lâu rồi, có mỗi cái cặp số vứt lại. Bà Hai Thoan mở cặp, thấy trong ấy có một đôi quần lót phụ nữ để trong hộp giấy bóng kính loại 30 nghìn đồng một đôi, hàng chợ của Thái Lan mới nhập vào trước Tết ít ngày.

– Chắc cái lão ma bùn này định làm quà nhưng quên mất – Bà Hai Thoan cười độ lượng – Thôi thế là hai đứa bé con giúp việc cho bà cũng có quà Tết rồi đây…

Bà Hai Thoan quay ra dọn nhà. Bà đã ở độc thân trên bến sông này ở chỗ chợ quê này bao nhiều năm rồi. Bao nhiêu nước sông đã chảy, bao nhiêu người đã qua đây.

Phải! Bao nhiêu nước sông đã chảy, bao nhiêu người đã qua đây! Đã bao nhiêu xuân về! Mà Tết nào cũng vui như Tết… Lẻ loi ấy một cánh chim/ Viết câu thơ để sống nghìn năm sau/ Mải mê tính chuyện không đâu/ Gió thương tình đội lên đầu vầng trăng…

Ngoài sông gió xuân thổi. Kìa gió xuân thổi bơ phờ trên mặt sông xanh ơi là xanh.

Hà Nội, 1999


  1. Tất cả những câu thơ trong truyện này đều là mượn của Đồng Đức Bốn. 

  2. Thơ Nguyễn Bảo Sinh: “Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm“. 

  3. Thơ Vũ Toàn: “Một thi nhân sa đà ngày tháng/ Thấy xuân về lai láng hồn thơ…“