Huyền thoại phố phường

Sinh nhật con gái, bà Thiều làm cơm đãi khách. Dự hôm ấy có hai bà buôn vàng dưới phố, hai ông công chức cùng Sở ông Thiều và dăm thanh niên bè bạn của Thoa. Bà Thiều mặc bộ đồ xoa mỡ gà, trẻ đến mười tuổi. Thoa mặc quần bò, áo phông đỏ, trông lộng lẫy và khá đài các. Vẻ đẹp của cô, theo ý bà mẹ, là do “sức sống tinh thần” mang lại. Điều này đáng ngờ, bởi Thoa mới hai mươi tuổi, thi trượt đại học, rèn luyện trí tuệ chủ yếu thông qua giáo trình của lớp Anh văn buổi tối. Tuy nhiên, chính vẻ trẻ trung, cách đánh hông và cử chỉ tuyệt khéo khi nhăn mũi của cô quả rất ưa nhìn. Câu chuyện xung quanh bàn ăn là thú vị. Bà Thiều gợi lại kỉ niệm của thuở hàn vi. Đây là cách làm sang quen thuộc của người thành đạt. Bài học rút ra ở trường hợp ấy bao giờ cũng là ý chí muôn năm. Khách khứa đều hiểu việc biến đổi một bà bán bún ốc thành nhà triệu phú buôn vàng đâu chỉ đơn thuần là sự vận động ý chí? Nhưng gì thì gì, bởi thức ăn ngon, tất cả những lời chối tai đều nuốt trôi được.

Chuyện đang sôi nổi thì cửa rộng mở và bỗng một người đàn ông huỳnh huỵch bước vào. Bà Thiều reo lên mừng rỡ:

– Cậu Phúc!

Phòng khách linh hoạt hẳn lên. Phúc là em ruột bà Thiều, làm việc ở Xưởng phim truyện. Ông dáng thấp đậm, râu tóc để rất nghệ sĩ. Bó chặt trong bộ quần áo màu ghi cộc tay ba túi trông rất khỏe.

– Xin lỗi vì cậu đến muộn… – Phúc vỗ vai cô cháu gái. – Cậu mắc việc bận. Cậu đi với một người bạn. Anh ấy đang đứng ngoài đường… – Sao lại thế” – Bà Thiều gắt yêu. – Cậu quen cái thói rẻ người từ bao giờ thế? Bạn bè của cậu cũng là bạn bè của chị. Nhà ta xưa nay gia phong giản dị… Cậu gọi anh ấy vào đi.

– Thôi được… Nếu chị đồng ý em sẽ ra mời! – Phúc lại huỳnh huỵch bước ra và chỉ loáng cái dắt vào một người thanh niên còn trẻ.

Cậu Hạnh… – Phúc giới thiệu, – làm việc ở Vụ… Thoa chăm chú nhìn. Người này trạc ba mươi tuổi, đôi mắt sáng rực, khóe mép mím lại trông hơi nghiệt ngã. Y mặc bộ đồ bảo hộ lao động. Bộ trang phục ấy giữa phòng khách này trông hơi chướng mắt. – Vào đây cháu… – Bà Thiều xích ghế lại mời. – Hôm nay sinh nhật em Thoa. Trước lạ sau quen… Khách khứa đều là người nhà người cửa… Hạnh cười bẽn lẽn . Y đi bắt tay lần lượt mọi người với vẻ bối rốí rồi quay lại chỗ ghế ngồi. Bà Thiều hơi ngả sang y để tiếp thức ăn, giống như một thứ cây cao bóng cả độ lượng ngả xuốlg mặt đất tầm thường.

Bữa ăn có Phúc thú vị hẳn lên. Phúc kể chuyện khéo, ông biết nhiều gìai thoại ngộ nghĩnh của giới văn nghệ. Trong một bữa ăn phong lưu, thật chẳng có món gì đáng gia giảm hợp vị hơn là món ấy. Giới này, theo con mắt nghiêm khắc của các vị công chức cùng sở ông Thiều, là bọn người lông bông và vô tích sự, đầu óc rặt những tư tưởng rối ren, nhưng theo con mắt trẻ trung của đám thanh niên thì lại là những thần tượng rất đáng khâm phục. Bà Thiều có vẻ tự hào vể cậu em trai.

Bà nói:

– Cậu ấy – chỉ ông Phúc – có chí lắm! ăn nhằm gì! – ông Phúc phản đối. – ở trong cuộc đời em thất bại rồi! Có chí phải kể lớp trẻ bây giờ. Như cậu Hạnh này, – ông Phúc vỗ vai người bạn của mình. – Mới ba mươi tuổi mà đã khẳng định tài năng. Chỉ tự học thôi mà đỗ được bằng đại học!

– Anh nói thế thôi… Tài năng mà nghèo thì buồn ghê lắm. Nếu đã tài năng thì phải thực giàu! – Hạnh nhìn bà Thiều tìm sự đồng tình. – Cháu nói như thế có phải không cô?

– Cô không biết rõ! – Bà Thiều bối rối vì ánh mắt nhìn khá bạo dạn của người trẻ tuổi. – Các anh các chị bây giờ khác xưa nhiều lắm!

– Cậu ấy chỉ mơ được thành triệu phú! – ông Phúc mỉm cười. Đây là một ước mơ tốt! – Một vị công chức khẳng định như đinh đóng cột.

– Thế anh đã làm cách gì để thành giàu có? – Thoa hỏi chen vào.

Chưa có cách gì! – Hạnh cười ngượng nghịu.

– Cuộc đời đầy những bất ngờ. Tôi chờ thần may mắn đến…

– Ê hê… – ông Phúc cười lớn. – Cậu hãy chịu khó mua xổ số đi! Hai cú độc đắc là thành triệu phú! – Rồi chợt nghĩ ra, ông rút ở túi áo ngực ra hai chiếc vé xổ số. Ông trịnh trọng nói. – Nhân danh định mệnh… Tôi có hai vé xổ số vừa mua… Hôm nay sinh nhật cháu Thoa, cậu xin tặng cháu một vé. Hoan hô những cô thiếu nữ ở tuổi hai mươi! Còn một vé, – ông đút vào túi áo ngực của Hạnh, – tôi xin tặng cậu. Hoan hô những tài năng trẻ còn đang nhú mầm!

– Rõ rởm! – Hai công chức đưa mắt nháy nhau.

– Ông ấy đến là hồn nhiên! – Hai bà buôn vàng khúc khích.

Còn mấy thanh niên bè bạn của Thoa thì vừa ghen tị lại vừa khó chịu. Tỏ ra bất cần, họ tấn công vào món nộm mực một cách điềm đạm.

***

Sau tiệc ăn, bọn trẻ kéo nhau lên gác mở nhạc tưng bừng. Hai ông công chức vội vã xin về, bởi công việc nhà nước bao giờ cũng đều quan trọng và thiếu thì giờ. Hai bà buôn vàng ngồi lại bàn với bà Thiều việc đi lễ chùa. Ông Phúc lim dim ngủ (ông có tật, hễ đã cơm no rượu say là mắt díu lại). Hạnh ngồi với nhóm các bà. Được sự bảo trợ của em bà chủ, y đã trở nên thân thuộc đối với gia đình. Hạnh chăm chú nghe câu chuyện, thỉnh thoảng lại chen vào vài câu đưa đẩy. Sinh ở nông thôn, y ít có dịp tiếp xúc với giới thượng lưu thành thị. Hạnh nhìn cuộc sống của bọn người giàu có với nhiều khao khát thèm muốn. Hạnh nghèo, y sợ những sự thiếu thốn. Chao ôi, nếu y có một căn nhà với đủ tiện nghi! Nếu y có tiền! Y không phải lo đến chuyện sinh hoạt. Y sẽ làm việc, sẽ sáng tạo, có thể y thành một người xuất chúng. Hiện giờ, Hạnh ở nhờ nhà một ông chú họ xa lắc tận mãi ven thành. Chỗ ở của Hạnh chỉ kê vừa cái giường một, tất cả sách vở cộng với nồi niêu xoong chảo nhét dưới gầm giường. Hàng tháng, Hạnh trả cho ông chú họ một khoản tiền nhà. Khoản tiền này cứ tăng lên bất chấp cố gắng cải thiện tình cảm ruột rà mà y cố công vun đắp. Ông chú họ (vốn đạp xích lô) xử thế với y khá là giản dị theo tinh thần câu ngạn ngữ “đã quen, phải lèn cho đau”. Hạnh sống cô đơn. Cuộc sống thành phố với bao lạc thú gây nên nhiều mơ ước. Nhưng Hạnh biết rõ những lạc thú ấy chứa đầy cạm bẫy. Vốn hay quan sát, y đã chứng kiến ở thành phố này các “hoạ sĩ” trẻ, các “thi sĩ” trẻ, các nhà “bác học” tràn đầy hứa hẹn đã bị cà phê, thuốc lá và những cám dỗ tình ái đánh gục thế nào. Một số không bị, những lạc thú ấy quyến rũ thì lại sa vào cơm áo gạo tiền và bị bao nhiêu lo lắng đời thường đánh qụy. Hạnh không sợ những điều ấy. Từ tuổi mười tám, Hạnh đã xây dựng cho mình nếp sống khắc kỷ đặc biệt. Hạnh không hút thuốc, không uống rượu, không phí phạm tiền nong vào các trò cao hứng, ngông cuồng. Dưới một bề ngoài bì nh thản và ít cởi mở, Hạnh dấu trong lòng một tham vọng lớn và trí tưởng tượng hừng hực bốc lửa. Hạnh hiểu giàu có mới là điều kiện để thành đạt. Không có đồng tiền, sự nghiệp lập thân chỉ là chuyện hão.

Dè xẻn, tiết kiệm từng đồng hào một – đấy là điều Hạnh luôn phải nhắc mình. Mấy bà buôn vàng đã hoạch định xong cho chuyến đi lễ ngày rằm. Nào là hương hoa, xin sớ, đặt oản, tiền xích lô, tiền công đức… Sơ sơ, Hạnh nhẩm chi phí lên tới chục nghìn.

Còn nữa… – Bà Thiều bỗng chợt nghĩ ra. – Phải lấy cái vé xổ số cậu Phúc cho con bé Thoa mang đi xin lộc!

– Bà chị phải xếp vào đấy bảy trăm nghìn tiền âm phủ! – Một bà mặc áo phin nõn mỉm cười. – Chứ cứ nghe em cầu thánh đổi tiền âm phủ thành tiền dương thế là xong! Thánh thần bây giờ cũng sòng phẳng lắm. Em xin đánh cược thế nào cũng trúngl

– Thật nhá! – Bà Thiều thú vị. – Cô cược là trúng chứ gì? Cô dám đánh cược một chỉ vàng không?

– Đối với người khác thì em không dám, nhưng với bà chị thì em phải chiều! – Bà khách cười nịnh rồi rút cái nhẫn ở ngón tay út đặt lên mặt tráp.

– Được rồi! – Bà Thiều bắt tay bà khách dứt khoát. – Thế nhưng tôi không có nhẫn một chỉ vàng đâu! – Rồi sực nhớ ra, bà Thiểu đứng dậy gọi với lên nhà. – Thoa ơi! Xuớng dưới này, con! Thoa ở trên gác băng xuống. Mùi nước hoa thơm nồng quện mùi mồ hôi. Gớm! – Bà Thiều nhăn mặt, – nhảy nhót thế nào mà sống với áo ướt đầm đìa thế, con đưa cái nhẫn một chỉ của con ra đây cho mẹ! Cô Duyên cược là cái vé xổ số của con thế nào cũng trúng giải bảy trăm nghìn. Không trúng thì mẹ con mình cũng được chỉ vàng lộc của cô Duyên… Thoa giơ bàn tay ra phía trước mặt rồi bỗng giật mình:

– Thôi chết! Cái nhẫn của con vẫn đeo ở đây mà rơi đâu mất! Buổi sáng ngủ dậy còn thấy cơ mà?

– Cha bố cô! – Bà Thiểu chồm dậy. – Chỉ toàn ăn tàn phá hại! Có đi tìm ngay không bà lại cho một trận bây giờ!

Mọi người rối rít. Ông Phúc tỉnh ngủ. Thoa lục lọi tung cả tủ quần áo. Bà Thiều rền rẫm:

– Con với cái! Từ Tết đến giờ phá hại năm sáu chục nghìn! Nợ ơi là nợ! Bố mày đang ở nước ngoài chứ nếu ông ấy ở nhà thì ông ấy giết!

C ác vị khách nữ thấy chủ bối rối muốn lảng ra về..

Bà Thiều níu lại:

– Cô Duyên… Cứ để nhẫn lại đây. Tôi bù tiền mặt cũng được chứ gì?

– Được thôi… – Bà khách tỏ ra dễ dãi. – Nếu chị trúng giải chị nhớ chia ìộc cho em là được. Chị nhớ chồng bảy trăm nghìn đồng âm phủ đấy nhé!

– Được rồi… – Bà Thiều cố nặn ra một nụ cười.

Bà xin lỗi khách rồi tiễn họ ra ngoài cửa. Quay vào nhà, bà tát một cái bất ngờ làm cô con gái ngã lạng. Thoa bật lên khóc nức nở….

Hạnh đứng lặng im. Ông Phúc vừa lục lọi tung cả đống quần áo vừa can bà chị:.

– Chị nên bình tĩnh mới được, còn bạn bè nó trên gác kia kìa… Thoa này, cháu thử nhớ lại xem có tháo cái nhẫn rồi để đâu không?.

– Có lẽ… – Thoa hơi nhăn trán suy nghĩ. – Có khi lúc cháu làm gà rồi rơi ngoài rãnh…

Mọi người kéo nhau xuống bếp, Hạnh cũng đi theo.. Y bỗng bị lây tâm trạng lo lắng của mọi người .

Thiều lật úp rổ đựng lông gà. Thoa mếu máo khóc. Ông Phúc cầm chiếc que đun gẩy gẩ những con thủy tức ở ránh nước bẩn. Hạnh bảo:

– Anh tìm như thế không được! – y xắn tay áo rồi đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn, lõng thõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người.

Dễ đến mười phút. Bỗng Hạnh reo lên mừng rỡ:

– Đây rồi! – Hạnh giơ cái nhẫn vừa mò được lên cao. Bà Thiều bỗng cười sằng sặc. Thoa mừng đến méo cả miệng. Cô nhìn người khách trẻ trung với sự hàm ơn cảm động. Từ phút ấy, Hạnh đã trở nên hoàn toàn tin cậy đối với gia đình.

Tiễn Hạnh ra về, bà Thiều dặn đi dặn lại:

– Thế nào hôm rằm cũng đến ăn cơm với cô, cháu nhé!

***

Hạnh nằm trằn trọc, y cố gắng ngủ mà không ngủ được. Chuyến đi lễ rằm cùng với mẹ con bà Thiều để lại một ấn tượng mạnh. “Mẹ kiếp… – Hạnh nghĩ. – Bọn người này họ coi đồng tiền như rác. Mỗi kỳ sóc vọng tiêu pha đến mấy chục nghìn… “. Hạnh nghĩ đến số tiền ít ỏi mà mình phải gắng chi tiêu dè xẻn hàng ngày mà rối cả lòng. Thường thường, chỉ những khỉ nào thật đắc ý lắm hoặc thật mệt mỏi y mới dám ăn một bát cháo lòng. Món ăn bình dân này hợp với túi tiền. Hạnh ăn một cách cầu kỳ. Rắc hạt tiêu thật đậm, cho thêm một ít ớt bột lên trên. ăn nhẩn nha, tận hưởng cái thú của từng miếng một. Mỗi miếng có mỗi vị riêng. Miếng dạ dày thú ở vị sừn sựt khi nhai. Miếng lòng non ngọt. Miếng gan bùi. Miếng dồi đậm. Nếu vớ được miếng cổ hũ thì thật tuyệt vời Để ăn bát cháo, Hạnh phải cúp đi một khoản chi tiêu nào đấy, thí dụ một tuần phải bớt đi một món ăn mặn. Đấy là luật Hạnh đề ra nghiêm khắc với mình. Y tin ở sự cơ chỉ. Tiết kiệm! Tiết kiệm một cách ngặt nghèo – đấy là tất cả sức mạnh mà Hạnh có được.

Hôm nay, riêng tiền xích lô của hai mẹ con bà Thiều cũng dến bạc nghìn. Chỉ riêng khoản chi phí ấy cũng gấp ba lần số tiền mà Hạnh kiếm được trong tháng. Hạnh khẽ thở dài, y không xác định được ngay tình cảm của mình đối với bà Thiều cũng như đối với cô con gái. Cả hai mẹ con, Hạnh thấv rõ ràng biểu hiện của thứ căn bệnh của bọn người giàu: bệnh buồn chán. Tình trạng no đủ ngồi rồi đẻ ra bệnh ấy. Cả hai mẹ con đều thấy dấu hiệu của thứ tì vết hư hỏng đạo lý, thứ tì vết mơ hồ; có thể cảm thấy mà khó diễn đạt thành lời. Nó ở ánh mắt, nụ cười, ở ngay trong cách trang phục của họ. A ha! Hạnh tự nhủ, y rất có thể nhồi vào hai tâm hồn ấy một ngọn lửa nhỏ cho nó bùng lên. Hạnh có sức lực, y thừa tài năng để làm việc ấy. Biết đâu điều ấy mang lại cho y những cơ hội tốt. ở họ, họ có khả năng trả giá bạc nghìn để mua lấy một niềm vui hoặc một phép lạ. Hạnh cười gằn:

“Cuộc sống ở thành phố này thiếu gì phép lạ?” Hạnh đưa tay, vớ lấy quyển sách đầu giường.

Từ trong quyển sảch rơi ra chiếc vé xổ số ông Phúc cho y hôm trước. Hạnh giật mình. Tất cả nghi lễ xoay quanh chiếc vé xổ số mẹ con bà Thiều mang đi xin lộc hôm nay sống dậy trong y. Chiếc vé của Hạnh bất hạnh chừng nào. Cũng là chiếc vé cùng một xê ri, hoàn toàn giống nhau vể mặt hình thức, nhưng chiếc vé kia lại được một sự bảo trợ vô hình. Bà Thiều đã đưa chiếc vé đi lễ gần một chục chùa, cuối cùng chiếc vé cùng cả bọc tiền âm phủ được đặt lên tay tượng thần đồng đen trong đền Trấn Vũ. Hạnh thấy ớn lạnh. Mùi hương trầm thơm, không khí lạnh lẽo trang nghiêm trong đền thờ thánh gây nên cảm giác thiêng liêng. Bảy trăm nghìn! Trời ơi, cả một số tiển lớn lao kinh khủng. Cả một cơ nghiệp, cả một gia tài. Đấy là sự nghiệp! Đấy là hạnh phúc mà y mong muốn!” Nhất định trúng… – Hạnh lẩm bẩm. – Chiếc vé trúng giải độc đắc mất thôi! Một sự thành kính đến thế, những chi phí lớn đến thế… Bao nhiêu lễ vật! Liệu thánh thần nào có thể vô tình?” Hạnh khẽ rên lên, y toát cả mồ hôi trán. Hạnh có cảm giác như sốt. Chiếc vé ấy trúng mất thôi. Hạnh đã nghe thấy các tay cao thủ số đề tiên đoán lần này sẽ đổ 36. Chiếc vé ấy đuôi 36! Chiếc vé của y đuôi 37! Như vậy, chiếc vé của y chỉ sai mỗi hàng đơn vị. Thật là chua xót. Hạnh ngủ thiếp đi, tay nắm chặt chiếc vé bất hạnh. Trong giấc ngủ, cứ chập chờn hình ảnh pho tượng đồng đen cao lớn. Pho tượng đứng lên đi lại, bật cười ha hả. Pho tượng đặt thanh kiếm dài xuống ghế, bàn tay có những móng dài xòe trước mặt y những xấp tiền mới. Hạnh nghe rõ cả âm thanh loạt soạt những tờ giấy bạc…

Nửa đêm, Hạnh choàng thức dậy, bỗng một tia chớp lóe lên:

– Nếu ta đánh tráo chiếc vé xổ số bất hạnh của ta với chiếc vé kia thì sẽ thế nào?

***

Bà Thiều nằm trên đi văng, mặc bộ đồ xoa mỏng dính, mắt ngó trông quầy bán đồ mỹ phẩm nữ trang. Chiếc quầy hàng nhỏ thừa sức nuôi sống hai mẹ con bà. Căn nhà tĩnh lặng, nghe rõ tiếng kêu ro ro của chiếc tủ lạnh để ở góc nhà. Bà Thiều lơ đãng lật một tập ảnh khỏa thân nước ngoài. Cách giải trí này bà vẫn ngang nhiên phô ra với khách để chứng minh rằng đầu óc của bà tự do tân tiến và ghét thói đạo dức giả cổ hủ lỗi thời. Có tiếng gõ cửa. Bà Thiều nhỏm dậy nhìn ra.

– Ai đấy?

– Hạnh đây… – Tiếng ho húng hắng có vẻ bồn chồn. Bà Thiều mở của. Hạnh mặc bộ đồ khá diện bước vào. Như thể tiện tay, y cài chốt cửa ra vào.

– Đi đâu mà bảnh thế cháu?

– Nhớ cô quá! – Hạnh cười cầu tài. ánh mắt ve vuốt người đàn bà. – Cô có một sức thu hút mọi người đến khiếp! Em Thoa có nhà không cô?

Em nó đi học tiếng Anh. Ngoài giờ buổi tối, ban ngày thỉnh thoảng nó đi học nhóm. Hạnh nhếch mép cười. Y đã từng biết các nhóm học này. Các cô các cậu thanh niên nhà giàu hoàn toàn có thể học tập ở đấy khá nhiều tri thức, dĩ nhiên – trừ ngoại ngữ. Hạnh hỏi:

– Cô đi lễ chùa về có mệt không cô?

Chẳng mệt tí nào! – Bà Thiều vui vẻ. – Cứ đi lễ chùa là cô lại khỏe như vâm mới lạ. Thần thánh cũng linh thiêng thật! Ngay cả đường đi chùa Hương cheo leo là thế mà năm nào cô cũng đi đấy nhé. Cứ ngậm ít sâm, vừa đi vừa nam mô niệm Phật phù hộ độ trì…

– Phật sẽ phù hộ cô thôi… – Hạnh cười khe khẽ, y đang suy nghĩ rất lung. Thần kinh y căng như sợi giây đàn, những sợi gân xanh hai bên thái dương giần giật. Chiều nay mở số, Hạnh không thể nào chần chừ được nữa. Hạnh đoán chắc chiếc vé ấy trúng. Đây là cơ hội giúp mình thoát khỏi cảnh nghèo. “Dứt khoát… – Hạnh nghĩ. – Ta phải lập tức trở thành tình nhân của mụ dù bằng mọi giá. Thời giờ thật chật chội quá. Cần đổi bằng được chiếc vé lập tức bây giờ… ”

– Cô độc đáo lắm! – Hạnh thả mồi câu. – Những người phụ nữ độc đáo bây giờ rất hiếm!

Thế cô độc đáo chỗ nào? – Bà Thiều thú vị và khép vạt áo ra phía dằng trước.

– Cô độc đáo trên toàn cơ thể. – Hạnh nói và giọng bỗng dưng đổi khác, đôi mắt xoáy vào bờ vai tròn lẳn của người đàn bà, hai bên cơ hàm tự dưng cứng lại. – Trông cô hấp dẫn như một thiếu nữ đương thì.

Bà Thiều hơi thoáng hốt hoảng. Điều này giống như linh cảm của con gà mái bị con gà trống ngổ ngáo săn đuổi. Tuy nhiên, ý thích mơn trớn và thích phiêu lưu háo hức sống dậy trong lòng bà. Dục vọng trỗi lên thành một động tác bất cẩn: chiếc khuy bấm nơi ngực áo tuột ra. Hạnh chồm hẳn dậy và xô người đàn bà ngã xuống đi văng.

Bà Thiều rên rỉ. ý thức phẩm giá khiến bà có những cử chỉ chống cự yếu ớt. Bà Thiều nhắm mắt, hoàn toàn mất vẻ tự chủ. Hạnh thở khò khè, y hỏi bằng một giọng nói gần như van lơn.

– Chiếc vé xổ số đâu rồi?

Bà Thiều khựng lại, bà không hiểu ngay được câu hỏi ấy..

– Chiếc vé xổ số đâu rồi? – Hạnh hơi quát lên, giọng đanh lại như tiếng klm loại va đập vào nhau. Phải đến mấy phút bà Thiều mới hiểu ra được câu hỏi của Hạnh và hiểu ra được tình thế bi kịch của bà.

– Con Thoa để trong chiếc ví xách tay của nó!

Bà Thiều nói như nghẹn ngào và nỗi xấu hổ ê chề choán lấy người bà khi bà thấy Hạnh rời khỏi đi văng, đứng lên thẫn thờ như người mất trí. Vừa may lúc ấy, ngoài cửa vang lên tiếng gọi và tiếng đập cửa dồn dập của Thoa. Thoa ngơ ngác, ngạc nhiên khi cửa mở ra thấy bà mẹ mình nước mắt ròng ròng đang rúm người lại trên chiếc đi văng. Cửa sập ngay sau lưng cô và Hạnh đứng chắn ngay cạnh, nét mặt lạnh lùng, đôi mắt của y như hai cục lửa:

– Đừng có gào lên! – Hạnh quát khe khẽ. – Cô lấy chiếc vé xổ số trong ví xách tay ra đây! Thoa run bắn người, cô nhìn bà Thiều, nhìn Hạnh bằng một đôi mắt thất thần, hốt hoảng.

Bà Thiều nói nghẹn ngào:

– Con lấy chiếc vé ra đưa cho nó!

Thoa run bần bật, cô hấp tấp mở cái ví xách tay. Chiếc vé xổ số của cô rơi ngay xuống đất. Hạnh chồm nhặt lấy, nhét chiếc vé xổ số ấy vào người rồi thong thả lấy chiếc vé của mình ném vào người bà Thiều. Mọi việc diễn ra chỉ trong nháy mắt. Hạnh sửa quần áo rồi luồn ra ngoài không nói năng gì. Thoa khóc nức nở rồi ngã vật ra như một thân cây mảnh dẻ vừa bị đốn khỏi mặt đất.

Bà Thiều đứng dậy lấy quần áo mặc vào người rồi quát tướng lên:

– Khóc cái gì? Cha bố cô! Có im đi ngay không bà lại cho cái tát bây giờ!

Lặng im một lát rồi nhận thấy mình vô lý, bà bỗng kéo cô con gái đang lả người đi, mềm nhũn vào lòng bà, rồi nói với giọng tỉnh táo không ngờ:

– Cứ sống đi con, rồi con sẽ hiểu cuộc đời. Khốn nạn! Khốn nạn vô cùng! Con phải biết rằng chính mẹ của con cũng là một con đàn bà khốn nạn!

Đoạn kết

Buổi chiều hôm ấy, xổ số đặc biệt giải bảy trăm nghìn rơi vào con số 20437, đúng vào chiếc vé xổ số của Hạnh ném trả bà Thiều… Nghe nói Hạnh đã phát điên. Ông chú họ vốn đạp xích lô đã phải đưa y đi viện tâm thần. Bà Thiều trúng giải xổ số. Bà mất một chỉ vàng cho cô Duyên. Cuối năm ấy, chồng bà cùng cậu con trai du học nước ngoài về nước. Thoa đã lấy chồng, chồng cô làm việc ở Xưởng phim truyện củng với ông Phúc. Trong một thời gian, ở trong thành phố lưu truyền một bài đồng dao mà rất ít người hiểu được xuất xứ:

Xổ số đặc biệt
Giải bảy trăm nghìn
Món quà phẩm hạnh
Lộc của thần linh
Số trời may mắn
Đâu đến chú mình
Đỏ đen nhân thế
Hữu sự hữu tình…