Cánh buồm nâu thuở ấy

“Hôm qua dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”
(Nguyễn Bính)

I

Cứ chừng dăm ngày một bận là chiếc thuyền chở hàng của ông Cả Giao lại ngược sông. Được gió là thuyền căng buồm lướt sóng. Bọn trẻ xóm chài chạy ùa ra hò reo. Dù bận thế nào, Nhi cũng chạy theo chúng đến đứng ở gốc cây gạo trên đê ngóng nhìn. Cánh buồm nâu lừ lừ trôi ngược. Đến chỗ ngoặt sang làng Cổ Am thì nó mất dạng vào sau lũy tre, rặng nhãn. Nhi ngơ ngẩn quay về. Bà Hân nhìn con gái, thương, bảo con:

– Nhi này, đàn ông bạc lắm, con ơi…

Ông Hân mắng:

– Cái bà này! Đàn ông có dăm bảy loại chứ!

Nhi chạy vào buồng, úp mặt vào đống mền chăn, nước mắt ứa ra ràn rụa.

Thuyền chở mắm của ông Cả Giao cất từ những lò nấu cốt ở tận Cát Hải. Khi nào gío bấc về, cánh buồm nâu no gió, mùi mắm cốt sực nức bay là là ở trên mặt sông, len vào ngõ. Nhi đứng ở bên cửa tò vò trông ra, thấy tấm lưng trần của Bằng quẫy ở trước mặt. Bằng gác sào, giơ tay lên vẫy. Nhi chạy dọc trên đê. Bằng nhảy tùm xuống nước bơi vào.

– Dại giai thì khổ con ơi… – Bà Hân ngồi bên cạnh vỗ về con gái – Nó đi, nó lại về. Dăm bữa nửa tháng chứ lâu la gì…

– Nó bảo lần này nó đi Thổ Hà chở hàng cho ông Tị phải không?

Ông Hân thập thò ở cửa, vọng vào.

– Tị nào? Làm gì có Tị nào? – Bà Hân quát.

– Thì ông Tị Ngoám chứ còn Tị nào?

Ông Tị vẫn bán hàng nước ở chợ Cổ Am. Trẻ con gọi đùa Tị Ngoám là “ngọam tí”(!)

– Nhà Tị Ngoám làm gì có tiền mà hàng với họ! – Bà Hân mắng chồng – Đã không biết gì lại còn hay nói!

Ông Hân lụi cụi quay lưng ra ngồi ở hè đan sọt.

– Ừ… Mà thuyền ông Cả Giao từ xưa chở tuyền mắm cốt chứ chở gì đâu?

Ông Hân nghĩ bụng. Ông Hân chỉ nghe tiếng ông Cả Giao chứ chưa gặp mặt bao giờ. Ông ấy ở bên Hải Thịnh, có tiếng là người nghĩa khí. Bằng là con út, chẳng hiểu thế nào đi lại với Nhi.

– Số con khổ lắm u ơi…

– Phỉ phui! – Bà Hân mắng con – Cô thử xem thầy u nuôi cô thế nào? Có đói không? Có rét không? Chị em trong xóm có ai bằng cô không nào?

Nhi nức nở:

– Con lạy u…

Bà Hân dỗ dành:

– Mới tí tuổi đầu đã than khổ người ta cười cho… Nghe lời u, dậy ăn cơm tối rồi hai mẹ con sang bên Cổ Am xem bói. Cô đồng Xuyến ở trên tỉnh về đang trọ ở nhà dì Thảo, nghe nói bói giỏi như thần.

Ông Hân nghe thấy tiếng được tiếng mất cằn nhằn:

– Dào ôi… già rồi còn dại, bói với toán gì!

– Thì mặc u con chúng tôi! – Bà Hân làm ra vẻ giận – Ông thì biết gì, cái đồ gàn dở kia!

– Ừ thì tôi gàn! Tiền mất tật mang. Không khéo mua lo vào mình.

– Thì ai lấy tiền của ông! Đồ keo kiệt… Mà cái ngữ ấy làm gì có nổi được đồng cắc nào trong người.

– Thì có đồng nào bà đều lột sạch lại còn già mồm gì nữa.

Bà Hân cười chảy nước mắt. Nhi nghe hai thầy u cãi nhau cũng thấy buồn cười. Ông Hân nổi tiếng thật thà, hiền lành. Lúc nào cũng bị bà vợ bắt nạt. Nhi biết, cả hai thầy u tuy thế rất hợp tính nhau.

– U bảo thầy dọn cơm rồi hai u con mình ra ăn cơm… Nghe u đi nào!

– Thôi, con không ăn đâu, con không đói…

– Cha bố cô! – Bà Hân kéo con gái dậy – Định nhịn à? Tương tư thì cũng phải ăn phải uống… Lão già kia! Bỏ đấy rồi đi dọn cơm đi chứ! Cứ dỏng tai ra nghe trộm cái gì?

– Ai nghe? Ai nghe? – Ông Hân vội bỏ cái sọt đan dở, vội vội vàng vàng lủm củm xuống bếp, vừa đi vừa lẩm bẩm – Nóng như lửa! Đúng là cái đồ giặc cái!

II

Bà Hân với Nhi vừa ra khỏi nhà một lúc thì gió bấc về. Tiếng gió thổi sáo ở đầu cột hiên thào thào. Ông Hân sốt ruột đi ra đi vào:

– Bảo mặc thêm cái áo bông thì cứ đẩy ra… Lại còn mưa phùn nữa chứ! Con bé tong teo chỉ thổi một cái là bay… Đêm hôm thế này mà đi đường đê thì có rồ không?

Ông Hân đẩy cửa ra ngoài để đóng chuồng gà thì con chó mực sủa nhặng cả lên. Ông Hân xô phải một bóng đen lù lù trước mặt. Sợ hãi, ông định kêu lên thì người kia xua tay, đẩy ông lùi lại.

Trước mặt ông Hân là một người cao lớn, mặc bộ đồ chàm như ở mạn ngược, ông ta đội chiếc nón dấu rộng vành sụp mặt, chéo lưng là cái tay nải với chiếc đao ngắn bên trong, chỉ thò ra cái chuôi đao bịt đồng xỉn bóng.

– Xin đừng sợ! – Người kia thì thào – Tôi là Cả Giao ở bên Hải Thịnh! Tôi đến vì chuyện cháu Bằng nhà tôi với con cháu Nhi…

Ông Hân thở phào, khêu ngọn đèn dầu cho sáng. Ông Cả Giao cởi tay nải, cởi đao đặt lên chõng, hai tay ôm ngực. Ông cởi cúc áo để lộ ra một vết chém máu đã đông lại. Nằm vật xuống, ông Cả Giao bảo:

– Phiền ông lấy cho cái gì băng giùm vết thương, mỗ xin đa tạ…

Ông Hân cuống quýt lấy nước nóng, lấy muối rửa vết thương rồi băng bó lại. Vị khách thều thào:

– Tôi đi suốt ngày suốt đêm đã mấy hôm rồi, không có một hột cơm nào vào bụng. Tôi ở tận trên Móng Cái…

Vị khách nói xong thì cứ thế ngủ thiếp đi, có lẽ không làm sao chế ngự được mình. Ông Hân thương hại, lấy tấm dạ mỏng đắp cho khách rồi kéo cái tay nải kê đầu, để thanh đoản đao bên cạnh. Xong xuôi, ông đi xuống bếp bắt gà làm thịt, nấu cho ông khách nồi cháo để chờ khi dậy thì ăn.

Khoảng sang giờ Hợi thì bà Hân về. Cả hai mẹ con rét run cầm cập. Ông Hân ra tận ngoài ngõ đón vào.

– Khổ! – Ông Hân rền rẫm – Bói toán có được gì không?

Bà Hân xuýt xoa vì lạnh, răng đánh vào nhau lập cập:

– Hay quá ông ơi, con Nhi nhà này phúc lộc như giời như biển… Vào nhà rồi tôi kể cho mà nghe…

– Nhà đang có khách – Ông Hân kéo hai mẹ con xuống bếp, sung sướng, đắc ý – Có biết ai không? Ông Cả Giao đấy!

– Cả Giao nào? – bà Hân ngẩn ra ngờ vực.

– Cả Giao chứ Cả Giao nào! Cả Giao ở bên Hải Thịnh!

Nhi giật mình, mắt long lanh sáng. Ông Cả Giao là thầy anh Bằng, chắc là có chuyện…

Ba người xuống bếp. Ông Hân chất rơm để lửa bùng lên cho hai mẹ con sưởi ấm. Ông Hân kể chuyện, chẳng câu nào vào với câu nào:

– Cái con chó mục cứ sủa nhặng lên, nó đi giật lùi ra ngõ… Nó biết nó gặp anh hùng nó phải biết thân…

– Nào, nào! – Bà Hân điên tiết – Đầu đuôi xuôi ngược làm sao? Ông ấy nói gì?

Chẳng nói gì! Tí nữa bà cứ lên cầm cái đao ông ấy mà xem, nặng ơi là nặng… Sức tôi mà cũng phải cử bằng cả hai tay… Như đao Quan Công…

Mùi cháo gà thơm sực. Bà Hân nhìn quanh quất:

– Thôi chết! Cái lão già này mất nết! U con tôi vừa đi vắng là bắt trộm gà làm thịt đánh chén tì tì… Con cái Nhi! Mày thử mở vung xem còn cái xương nào không?

Ông Hân khổ sở, giấu hai bàn tay to tướng sau lưng:

– Con mẹ này! Chỉ tuyền vu oan giá họa… Ông ấy bị thương, đã mấy ngày rồi không ăn uống gì…

– Sao lại bị thương? Con mực nhà này có cắn người bao giờ đâu? Thế ông ở đâu mà để nó cắn người ta hở giời?

– Không phải chó cắn! – Ông Hân dỗi vợ, bỏ đi ra ngòai – Cứ sồn sồn lên! Đã thế tôi chẳng nói nữa cho xong!

Bà Hân lấy thìa nếm thử nồi cháo, cười:

– Cái lão gàn này! Nấu ngon ra phết! Chỉ được mỗi cái ăn chơi là giỏi! Con cái Nhi! mày ra ngoài vườn nhổ ít hành vào đây cho u!

– Hành đây! – Ông Hân cầm nắm hành đi vào, người ướt lướt thướt – Chỉ được cái hay sai vặt! Càng già tính khí càng ác.

III

Ông Cả Giao ngồi dậy. Bà Hân bưng nồi cháo gà thơm phức lên mời khách. Nhi múc cháo ra bát, hay tay bưng lên. Ông Cả Giao chẳng khách khí gì, húp một lúc hết ba bát cháo nóng hổi rồi khà một tiếng. Dọn dẹp xong xuôi, ông Hân định đốt thêm ngọn đèn dầu nữa cho sáng thì ông Cả Giao gạt đi:

– Đa tạ ông, mỗ đang rất vội. Xin mời ông bà ngồi đây mỗ xin thưa chuyện.

Ông Cả Giao mở tay nải, lấy ra một vuông vải điều đặt lên bàn, trong đó đựng đầy vàng bạc. Xong xuôi, ông quỳ xuống đất trước mặt hai ông bà Hân, tay chắp vào nhau cung kính:

– Xin nhị vị nhận của mỗ này một lạy!

Ông Hân luống cuống, đỡ khách:

– Không dám! Không dám! Sao ngài làm thế?

Ông Cả Giao đứng lên, đĩnh đạc ngồi xuống rồi nói:

– Thưa ông bà, chẳng là cháu Bằng nhà tôi với con cháu Nhi hai đứa vốn có duyên phận với nhau. Nhẽ ra nhà tôi phải sang hầu chuyện với hai ông bà đã từ lâu rồi. Chẳng may nhà tôi gặp hạn, bọn cướp đốt nhà, cướp của, người còn người mất. Cháu Bằng bị thương, bây giờ vẫn đang lưu lạc ở xa. Cháu chỉ tâm niệm một điều làm sao có được cháu Nhi bên cạnh… Tôi phải phá vây về đây, cũng là thương con, đường đột dâng lễ, muốn đón cháu Nhi nhà ta đi ngay bây giờ. Nhà tôi có hơn mấy chục mạng người, kể cả người làm người ở, tất cả đều bị giặc kia chém sạch, nay còn có mỗi giọt máu này thôi! Xin hai ông bà với con cháu Nhi cứu nó! Cứu một mạng người phúc đẳng hàng sa…

Nói xong ông Cả Giao lại sụp xuống lạy. Ông Hân, bà Hân không biết nói sao cứ lặng người đi. Ông Cả Giao phủ phục dưới đất, không hề nhúc nhích. Tiếng gà trong xóm bắt đầu gáy dạo canh tư.

Tiếng gà gáy! Thế nào là tiếng gà gáy ở một xóm nhỏ ven sông hả giời? Này nhé:

Canh một là gà lên chuồng. Một ngày bận bịu đã qua. Những con gà trống nhảy lên cao ngó xuống những con gà mái đang lục cục dọn chỗ ngủ đêm. Nó đứng trông chừng mắt nhắm mắt mở. Con chó mực đi qua. Con gà trống cảnh giác đập cánh ào ào, gáy lên một tiếng lấy lệ, báo hiệu bình yên. Canh hai thì cô chủ nhà lẻn ra ngoài ngõ đi chơi với bạn. Những con gà mái đã thiêm thiếp ngủ bỗng rộ cả lên, đảo chỗ cho nhau phành phạch. Con gà trống gáy một tiếng cộc cằn thiết lập kỷ luật trong chuồng. Nó đi đi lại lại trên cái gióng tre gừ gừ cho đến khi nào tất cả trở lại yên bình. Sang đến canh ba, con gà trống choàng tỉnh giấc vì nghe thấy ở bên sông bỗng có tiếng gáy hỗn hào của một chú gà trống choai mới lớn. Mặt trăng khuyết tỏa ra trên sông ánh trăng lăn tăn như thể dát bạc. Có lẽ chú gà trống choai tưởng sáng? Giống như một sự ngộ nhận thiên tài, các chú gà trống choai khác cứ thế hòa theo gáy vang inh ỏi. Đến cả con gà trống cụ lẩm cẩm cũng bắt giọng cùng cục gáy theo. Bực mình, chú gà trống nhà ta, chú gà có bộ lộng sặc sỡ với vẻ kiêu hãnh hiếm thấy, phành phạch vỗ cánh rồi cất lên tiếng gáy dữ dội, nao lòng, mê sảng, khinh bạc và buồn rầu, tiếng gáy sâu thẳm như thể ánh trăng sâu thẳm, như dòng sông kia sâu thẳm, như lòng người và cả bóng đêm kia nữa… Những con gà trống khác trong xóm thẹn thùng, gáy thêm vài tiếng đãi bôi lấy lệ rồi im thin thít. Thôn xóm chìm vào giấc ngủ mê man, nặng nhọc. Tiếng khóc của một đứa trẻ khát sữa ngàn ngạt cất lên. Bà mẹ trẻ vụng về vừa dỗ vừa mắng con. Tiếng chó sủa dồn dập ở mấy bụi tre cuối xóm. Những con đom đóm bay vụt trong ánh sáng lân tinh. Sang đến canh tư, đã thấy thấp thoáng nhà ai nổi lửa làm hàng. Tiếng dội nước, tiếng cối xay bột ở lò đậu phụ nghe như xa xăm ở tận đâu. Chú gà trống cất lên tiếng gáy đĩnh đạc bắt đầu cho dàn hợp xướng đón chào ngày mới. Vài ba bóng trắng của các cô hồn ở ngòai nghĩa địa vội vàng biến mất. Hơi sương xuống nặng, trĩu trên lá cây, ngọn cỏ. Tiếng gà gáy vang náo nức, giục gĩa. Dưới sông, oàm ọap những tiếng chèo thuyền của vài cái mủng đi đánh cá mòi. Những chiếc đèn chai thấp thoáng lập loè rồi lịm dần bấc, tắt phụt lúc nào chẳng hay. Phía chân trời đằng đông, bắt đầu hừng lên một vầng sáng gắt gao. Sang đến canh năm, chú gà trống đứng ở cửa chuồng, ngó nghiêng, lựa thế bay vọt một cái ra tận hàng rào, đứng đấy gân cổ gáy vang một hồi lanh lảnh. Những con gà mái cũng bắt đầu lục tục đi ra khỏi chuồng rất là thứ tự. Chú gà trống dõi theo một ả mái tơ của nhà láng giềng rồi sà xuống ve vãn giống như một tên trai điếm đàng. Những con gà mái khác liếc mắt, khinh bỉ đàm tiếu với nhau: mới bảnh mắt ra đã thế, dù hắn gáy hay đến mấy cũng phải tìm ra một kẻ thay thế, không thể để cho phong hóa ngày một suy đồi… “Ò ó o! Đời là thế!”. Chú gà trống trừng mắt xua đám gà mái rồi gian manh dụ ả mái tơ ra góc đống rơm vàng óng cuối vườn.

IV

Đến canh tư, khoảng đầu giờ Dần thì ông Cả Giao với ông bà Hân cũng đã bàn định xong xuôi mọi việc. Trong buồng, Nhi vừa sụt sịt khóc vừa xếp áo quần vào trong tay nải. Bà Hân khóc ròng, vừa dỗ dành con vừa than thở:

– Con mẹ đồng Xuyến nói cấm có sai! “Vội vàng như chẳng kịp”. Nó bảo về nhà là có “hắc long tiếp dẫn” thì đúng còn gì! Ông ấy mặc quần áo đen… Thế là “hắc long” chứ còn gì nữa…

Bà hân cởi chiếc áo bông trần đang mặc trên người giúi vào tay Nhi:

– Mang cả đi! Ở nhà u sắm cái khác! Trên ấy rét lắm con ơi…

Nhi lắc đầu, ôm cái tay nải vào lòng:

– Không! Con có rồi. U cứ để nhà mà mặc!

Bà Hân mếu máo:

– Phải! Cha bố cô! Cô chê chứ gì! Có chồng, chồng lo cho hết… thiết gì đến u…

Nhi nức nở, sà vào lòng mẹ:

– U ơi! Con đi rồi, chỉ còn thày u ở lại… con biết lấy gì báo đáp thầy u?

Bà Hân khuyên nhủ:

– Đừng lo cho thầy u! Thầy con tuy thế nhưng còn mạnh chán… Con cứ đi đi, phụng sự nhà chồng. U thấy cốt cách bên ấy khác người u cũng mừng thầm, chỉ hiềm cái hạn người ta lớn quá, chẳng biết thế nào… Con đi đi, dăm bữa nửa tháng phải đánh tin về cho thày u biết…

Bên ngoài, ông Cả Giao đã nai nịt xong xuôi gọn gàng, bồn chồn giỏng tai lắng nghe động tĩnh. Có tiếng cú rúc ba lần giục gĩa. Ông Cả Giao đứng lên, cầm chắc đoản đao trong tay. Ông Hân vội vội vàng vàng ngó vào cửa buồng:

– U con mày đã xong chưa? Làm gì lâu thế?

Bà Hân khép hờ cửa buồng, quát khẽ:

– Đi ra! Đi ra! Tôi còn cho nó cái này!

Bà Hân đi vào góc buồng, chỗ để mấy cái nồi đất chỏng chơ, với ta lên xà nhà lấy ra một cái gói nhỏ giúi vào tay con gái:

– Đây là đôi hoa tai bạc bà ngoại cho u hồi u mới đi lấy chồng – Bà Hân cười – U giấu ở ngay dưới mũi lão già mà lão ấy chẳng biết gì. Con cầm lấy, nó là hồi môn của u cho con. Nhớ nhé! Lên đấy thế nào con phải đánh tin về ngay cho thầy u biết.

Bà Hân đưa con gái ra khỏi cửa buồng. Nhi đội khăn vuông, mặc áo bông, khoác tay nải, rực rỡ như một đóa quỳnh trong đêm. Bà Hân gói cả gói vàng bạc sính lễ mà ông Cả Giao mang đến giúi vào tay nải cho cô con gái. Nhi òa khóc, quỳ xuống trước mặt hai ông bà Hân:

– Con lạy thầy u… con bất hiếu… Thầy u ở lại giữ gìn… tha lỗi cho con…

Ông Hân bỗng khóc tu tu. Tiếng khóc vỡ òa ra đột ngột khiến con chó mực ngoài sân cũng giật thót mình, sủa lên mấy tiếng ai oán. Ông Cả Giao xốc Nhi đứng dậy, gỡ tay bà Hân. Mấy người dắt díu nhau ra bến sông. Ông Cả Giao bắt chước tiếng cú rúc. Một chiếc thuyền nhỏ neo ở giữa sông sáp vào đón họ. Ông Cả Giao đỡ Nhi lên thuyền rồi quay lại chắp tay chào ông bà Hân. Mặt sông lạnh. Gío bấc cứ hun hút thổi. Tiếng chèo khua mạnh lạnh lùng. Vầng trăng khuyết cuối trời nhoè đi trong dòng nước mắt.

Thuyền ai trôi, thuyền ai trôi rồi?
Kìa con thuyền trôi, con ơi, nước trôi
Kìa con sông đời, lạnh toát, xa vời
Mênh mông bể cả mưa nguồn xa xôi
Ngẫm sự đời…
Tang thương ngẫm những sự đời
Phù hoa muôn nẻo phương trời
Ai luống ngậm ngùi
Thế gian ai luống ngậm ngùi tình si?
Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Để cho ai nhớ khắc ghi trong lòng?
Chân trời góc biển mênh mông
Hỏi ai, ai biết cho không
Não ruột trong lòng
Mẹ cha não ruột trong lòng năm canh
Đêm năm canh, giấc ngủ chẳng thành
Con lấy chồng gần, con lấy chồng xa
Xót lòng nẫu ruột mẹ cha
Những muốn khóc òa
Thương con những muốn khóc òa đêm nay
Nơi xa con hỡi có hay
Thấu gan ruột này?
Trăm đắng ngàn cay
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Xứ người trăm nỗi tái tê
Nào ai biết được đường về nông sâu?
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều…

V

Nhi đi rồi, ngôi nhà tranh vách đất bên sông tiêu điều như thể không có hồn vía. Bà Hân ốm lử khử đến mấy tháng ròng. Lúc đầu, hai ông bà còn hay nói chuyện với nhau:

– Con mẹ đồng Xuyến nó bảo số của con Nhi phải lấy chồng xa. Tướng nó ích phu, lợi tử, tiền của đầy nhà…

– Ừ – Ông Hân ngậm ngùi – Tôi chỉ sợ nó dát nước mà nhà người ta làm nghề sông nước…

Bà Hân lặng đi, bùi ngùi:

– Hồi nó ba tuổi, ông còn nhớ đận dì Thảo bị trâu húc chột mắt không, nó lên sởi, chỉ bị tí nước té vào mà người đỏ rực như than hồng, nó sốt đến bốn năm ngày…

– Cũng chỉ tại bà để cái gáo nước thẻo đảnh mới ra cơ sự thế chứ?

– Vâng! Tôi vụng, tôi ngu, tôi dại!

Hai ông bà ngồi ôn lại ký ức về cô con gái. Họ cãi cọ nhau, hờn dỗi…

Ba tháng trôi qua, không hề có tin tức gì của Nhi.

– Thôi chết! – Một hôm bà Hân bảo chồng – Hóa ra mình cho không con gái người ta. Chẳng cưới cheo gì, có tủi không? Bây giờ chẳng biết ở phương trời nào.

– Thì cứ bảo số nó tốt mãi đi! Cứ nghe con mụ đồng Xuyến rồi bán cả nhà…

– Hay là ông đi Hải Thịnh một chuyến xem sao – Bà Hân dụ chồng – đi ngóng tin túc nó xem thế nào?

– Nhưng bà đang ốm, tôi đi làm sao được?

– Ốm đau gì? Ông cứ đi đi. Tôi mạng lớn, không chết được đâu…

Hai hôm sau, ông Hân tìm đường đi sang Hải Thịnh. Đây là lần đầu ông lão xa nhà. Bà Hân nằm trên ổ rơm, đắp chiếu, ngóng từng giờ một. Con chó mực nhịn đói, nằm ở gốc hè cứ rên ư ử. Sang ngày thứ sáu thì ông Hân về, phờ phờ phạc phạc, hai con mắt lõm sâu vào ở trong hốc mắt, trông lạ hẳn đi.

Bà Hân hốt hoảng, chỉ thốt ra được một tiếng hỏi chồng:

– Sao?

Ông Hân ngồi im, thẫn thờ, không nói câu gì. Bà Hân đâm sợ, cũng không dám hỏi.

Ông Hân ngồi im một lúc, bỗng òa lên khóc:

– Bà nó ơi, mình mất con bé Nhi rồi…

Bà Hân căn vặn một lúc, chắp nối những câu rời rạc trong tiếng nấc nghẹn của chồng, cuối cùng hiểu ra được đầu đuôi câu chuyện. Ông Hân đi khắp cả vùng Hải Thịnh hỏi han nhưng không ai biết về ông Cả Giao. Ông Hân đi sang Cát hải, người ta cũng nói đến một ông Cả Giao nào đó chuyên cất mắm cốt nhưng nửa năm nay bặt không thấy đến.

Hai ông bà gìa bàn định, bán tín bán nghi. Ông Hân tính đi Móng Cái nhưng không đủ tiền, đủ sức.

Rồi một năm nữa trôi qua, cũng không có tin tức gì của Nhi. Ông Hân, bà Hân gìa sọm hẳn đi, mọi việc trong nhà bỏ hết. Cuối năm đó, con chó mực bỗng lăn ra chết trước hiên nhà. Tết năm đó là một cái tết hiu quạnh buồn thiu ở trong ngôi nhà trống vắng, nơi mà ngày xưa dù có nghèo túng đến mấy nhưng không hề dứt tiếng cười.

Bà Hân mắt đã mờ đi vì khóc. Ông Hân trở nên lẫn lộn, cứ hay ra ngồi bên sông một mình, lúc nhớ lúc quên.

Sang năm dậu, nạn dịch tả lan tràn khắp nơi, có nhiều người chết. Nạn dịch lan đến làng Cổ Am, lan sang làng Hạ. Ông bà Hân cũng chết về dịch tả, ông đi trước, bà đi sau, chỉ trong một ngày. Khi còn sống, bà Hân vẫn hay đùa chồng:

– Thế nào lão cũng chết trước cho xem? Số lão vẫn sướng, chẳng là vẫn quen có người hầu hạ ngồi mát ăn bát vàng. Chỉ có tôi đây là khổ! Giời không có mắt, những người gàn dở thì giời lại cứ bênh vực là nghĩa lý gì?

Những khi ấy, ông Hân chỉ cười tủm tỉm. chắc là ông nghĩ:

– Cái con mẹ này quái ác! Đã chết thì còn sướng nỗi gì mà còn phân biệt trước sau. Đã gàn dở lại mắng người ta gàn dở!

VI

Tôi sẽ là một người kể chuyện nhẫn tâm nếu tôi không thêm vào một cái kết ra trò cho câu chuyện ấy. “Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm”. Nhiều khi ngòi bút vẫn cứ lạnh lùng không theo ý của chủ nhân, dẫu rằng thực ra có hậu hay không có hậu với một kiếm khách hay một văn nhân đôi khi cũng không có ý nghĩa gì quan trọng. Khi lưỡi kiếm đã vung lên rồi cũng như khi ngòi bút đã vung lên thì ai đó trách rằng vô tình cũng đành chịu vậy. Nhưng mà thôi, đây là một câu chuyện giản dị và tôi cũng muốn có một nụ cười giản dị để dành cho bạn khi kết thúc câu chuyện này.

Khoảng mười năm sau, sau khi hai ông bà Hân chết thì một hôm có một chiếc thuyền buồm nâu ghé vào bến sông giữa làng Cổ Am và làng Hạ. Hôm ấy đang có hội làng. Người ta rước kiệu từ đình làng Cổ Am xuống làng Hạ rồi lại quay về. Khách thập phương kéo đến xem hội đông như kiến cỏ.

Lúc đầu, cũng không có ai chú ý đến người thiếu phụ với sáu đứa con bụ bẫm vừa trai vừa gái ở trên thuyền vừa bước lên bờ. Hai cô hầu gái loay hoay với lũ trẻ con nghịch như quỷ sứ. Thiếu phụ bồn chồn, chân như ríu lại. Thiếu phụ hỏi thăm mấy người đi hội:

– Thưa các bác, ở đây có ai người làng Hạ không? Có ai biết nhà ông bà Hân không?

– Có tôi đây! – Một bà cụ gìa đang ngồi bán củ ấu cho bọn trẻ con vồn vã – Ai hỏi ông bà Hân đấy? Có đúng bà Hân tính hay đùa nhả nhà gần cây gạo phải không?

Thiếu phụ reo lên mừng rỡ:

– Phải! Cụ ơi, cụ biết ông bà Hân chứ? Cháu là Nhi đây, cháu là con gái ông bà Hân đây?

Bà cụ dừng tay gói nắm củ ấu cho một người đàn ông có vẻ như người mới ở tỉnh về, ngạc nhiên:

– Con cái Nhi! Con nỡm! Thế mày không nhận ra dì mày à? Dì Thảo mày đây!

Nhi như quỵ xuống trước mặt bà cụ. Người đàn ông mặc bộ vét-tông màu trắng đã ngả vàng đang mua củ ấu vội vã đỡ lấy cô.

Bà cụ Thảo kể cho cô cháu nghe chuyện cũ. Mọi người xúm xít lại nghe. Nhi òa lên khóc nức nở khi biết tin thầy u mình mất đã chục năm rồi. Cô xua hai người hầu gái với mấy đứa con đi vào xem hội rồi một mình đi về nền ngôi nhà cũ. Người ta chỉ đường cho cô ra mộ hai ông bà Hân. Người đàn ông trên tỉnh lững thững đi phía sau cô, vừa đi vừa lơ đãng nhìn xuống dòng sông nơi có chiếc thuyền buồm nâu neo đợi.

Nhi loay hoay bên hai ngôi mộ, cô ngồi nhổ cỏ rồi phủ phục ở đấy rất lâu. Người đàn ông lạ lùng kia lặng lẽ mang đến cho cô thẻ hương và đặt nắm củ ấu vừa mua lên mộ.

– Cám ơn ông! Nhi lau nước mắt – Thế ông cũng có người thân chôn ở nghĩa địa này à?

Người ấy gật đầu.

– Thưa ông, ông đã nghe câu chuyện của tôi, vậy ông có khinh tôi là đứa con bất hiếu, phụ bạc cha mẹ mình không?

– Sao cô nghĩ thế? – Người đàn ông tỏ vẻ không vui – Cô nghĩ sai rồi! Cô hạnh phúc, thế là thầy u cô dưới suối vàng mừng lắm còn gì!

– Cám ơn ông… Được ông nói thế, thật tình tôi như trút được gánh nặng trong lòng.

Người đàn ông quay ra đứng ở ngoài đường. Nhi thắp hương, khấn vái một lúc rất lâu rồi về. Cô ngạc nhiên khi thấy người đàn ông kia đứng đó.

– Phong cảnh ở đây rất tuyệt – Người ấy nói – Những cánh buồm nâu là thứ mà tôi thích nhất.

– Tôi phải về thuyền – Nhi nói – Mấy mẹ con tôi phải về Móng Cái. Chồng tôi là chủ hãng buôn ở đó. Khi nào ông lên Móng cái mời ông ghé chơi. Tôi tên là Nhi, chồng tên là Bằng, hỏi ai cũng biết.

– Có phải Bằng là chữ bằng trong câu “chim bằng bay rợp trời xanh không cùng” không?

– Thưa ông, tôi không biết, tôi dốt lắm. Thưa ông, tôi khó nghĩ quá, việc này tôi không muốn nhờ cậy ai, tôi muốn đường đột nhờ cậy ông liệu có được không?

– Được!

– Thưa ông, ông còn ở đây, tôi muốn nhờ ông khắc giùm cái bia đặt lên trên mộ thầy u của tôi để mà đánh dấu, như thế liệu tôi có phiền ông quá hay không?

– Không sao! Tôi cũng muốn có bia ở vùng đất này.

– Đa tạ ông nhiều. Thầy tôi tên Hân, u tôi tên Lành, cả hai mất vào năm Dậu.

Nhi và người đàn ông kia trở về đám hội. Nhi vào đình làng gửi tiền công đức rồi mấy mẹ con ríu rít xuống thuyền. Cánh buồm nâu quay đầu, lặng lẽ xuôi dòng tìm đường ra biển.

Nhi không biết người đàn ông lạ lùng mà Nhi nhờ cậy hôm ấy là một nhà thơ nổi tiếng. Người ấy đã tìm được một tấm đá khắc bia. Chỉ có điều, người ấy không làm sao nhớ nổi tên hai ông bà già xấu số. Cuối cùng, người ấy đã khắc lên tấm bia đá hình một cánh buồm làm dấu. Bây giờ, nếu ai đến nghĩa địa của làng Cổ Am và làng Hạ, nhìn chếch phía bên phải cây gạo ven sông, vẫn thấy ở đấy có một ngôi mộ đôi trên gắn tấm bia đá sứt sẹo. Trên tâm bia ấy có một cánh buồm. Dưới cánh buồm sau này bọn trẻ chăn trâu nghịch ngợm có khắc thêm hình mấy cái mũi tên xuyên qua trái tim. Người ta gọi đó là mộ “trái tim tan nát”. Bài thơ về những cánh buồm vẫn được lưu truyền ở trong dân gian như một chuyện kể về tình yêu trai gái. Mà tình yêu, bạn biết không – cái món quà tuyệt vời mà Thượng đế hào phóng ban tặng cho con người đời ấy, bao giờ cũng phải trả giá bằng những giọt nước mắt nghẹn ngào, dù muốn hay không cũng vậy.