Chai rượu sâm banh (Chuyện của một kẻ vô lại)

Vào cái năm mà tôi bắt đầu câu chuyện, tôi làm trưởng ga xép ở một trong những tuyến đường sắt Tây Nam của nước Nga. Muốn biết tôi ở cái ga xép ấy vui hay buồn, các bạn có thể căn cứ vào điều là quanh đấy hai mươi vécxta1 không có lấy một ngôi nhà, một người đàn bà, một quán rượu nào cho ra hồn, thế mà dạo ấy tôi còn trai trẻ, khỏe mạnh, cường tráng, nông nổi và chẳng nghĩ sâu nhìn xa gì. Món giải trí duy nhất, chỉ là nhìn qua khung cửa sổ những con tàu với lại cái thứ rượu vốtka đáng nguyền rủa mà bọn dân buôn Do Thái thường pha lẫn ít thuốc mê. Có lúc thấy loáng thoáng một khuôn mặt phụ nữ qua khung cửa sổ, thì tôi đứng lặng như pho tượng nín thở mà nhìn theo cho đến khi con tàu chỉ còn là một chấm đen mờ; hay có lúc mặc sức uống cái thứ vốtka tồi tệ kia, uống đến khi mụ đầu và không còn biết ngày tháng dài dằng dặc đang vun vút đi qua. Đối với tôi, một người vốn sinh trưởng ở miền Bắc thì thảo nguyên có tác động như một thứ nghĩa địa heo hút của bọn Tácta. Về mùa hè, với vẻ yên tĩnh nghiêm trang – tiếng côn trùng đơn điệu rên rỉ, ánh trăng trong tỏa xuống khắp nơi không sao tránh được – thảo nguyên gợi cho tôi một nỗi buồn khắc khoải, còn mùa đông thì cái màu trắng tinh khiết của nó, chân trời xa lạnh lẽo, những đêm dài và tiếng chó sói rú đã làm lòng tôi nặng trĩu như một cơn ác mộng.

Ở ga xép này có mấy người: tôi và vợ tôi, một anh điện tín viên nặng tai, bị bệnh tràng nhạc và ba người gác ga. Phó trưởng ga của tôi là một anh chàng bị lao phổi đi chữa bệnh ngoài tỉnh lỵ hàng tháng trời, giao lại công việc cho tôi cùng với quyền được hưởng lương của mình. Tôi không có con cái, khách khứa thì không có cách gì lôi kéo họ đến được chỗ tôi, phần tôi thì có thể đến thăm các bạn đồng nghiệp cùng tuyến đường nhiều lắm là mỗi tháng một lần. Nói gọn lại là một cuộc sống buồn tẻ vô cùng.

Tôi còn nhớ lần tôi cùng vợ tôi sửa soạn ăn mừng năm mới. Vợ chồng tôi ngồi bên bàn, uể oải nhai đi nhai lại và lắng nghe tiếng “tạch tạch tè” đơn điệu phát ra từ chiếc máy của anh điện tín viên nặng tai. Tôi đã uống gần năm chén rượu vốtka pha lẫn thuốc mê, tựa cái đầu nặng trịch lên bàn tay nắm chặt, tôi nghĩ đến sự buồn tẻ không cách gì thoát khỏi được đang bám riết đời tôi, còn vợ tôi thì ngồi bên cạnh, mắt chăm chăm nhìn vào mắt tôi. Cô ta nhìn tôi với cái nhìn của một người đàn bà mà trên đời này ngoài anh chồng điển trai ra không còn gì khác nữa. Cô ta yêu tôi say đắm, như tên nô lệ của tôi, và không phải chỉ yêu vẻ đẹp trai hay tâm hồn, mà yêu cả những lỗi lầm, sự giận dữ, nỗi buồn tẻ và thậm chí cả sự tàn nhẫn của tôi, khi trong cơn say rượu, không biết trút cái giận vào ai, tôi đã làm tình làm tội cô ta bằng những lời quở trách gàn dở.

Mặc dầu sự buồn tẻ mòn mỏi gặm nhấm tôi, vợ chồng tôi cũng sửa soạn đón năm mới đàng hoàng ra trò và nóng lòng chờ đợi đêm giao thừa. Số là chúng tôi có để dành được hai chai rượu sâm banh, rượu sâm banh chính cống, thật rượu sâm banh Pháp; của báu này tôi kiếm được nhờ đã thắng viên trưởng đoàn đường sắt trong lần đánh cược hồi mùa thu, vào dịp lễ rửa tội cho đứa con mới sinh. Có lần trong giờ học toán, khi mà bầu không khí lạnh ngắt đi vì buồn tẻ, một con bướm bỗng bay từ ngoài sân vào lớp; bọn con trai quay đầu lia lịa, đưa mắt tò mò nhìn theo hệt như không phải trước mặt là con bướm mà là một cái gì mới mẻ, lạ lùng; cũng đúng như vậy, chai rượu sâm banh bình thường tình cờ lạc đến cái ga xép buồn tẻ này đã làm chúng tôi vui mừng phấp phỏng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi yên, hết nhìn đồng hồ lại nhìn lên chai rượu.

Khi kim đồng hồ chỉ kém năm phút đầy mười hai giờ, tôi bắt đầu từ từ mở nút chai. Tôi không biết có phải tại tôi đã ngà ngà say vì rượu vốtka, hay chính vì là vỏ chai quá trơn, nhưng tôi chỉ còn nhớ rằng khi cái nút chai nổ bắn lên trần nhà, thì chai rượu tuột ra khỏi tay tôi và rơi xuống nền nhà. Rượu chảy ra ngoài không đến một cốc, vì tôi kịp nắm lấy chai và lấy ngón tay bịt miệng chai đang sùi bọt lại.

– Nào, chúc mừng năm mới, chúc mừng hạnh phúc mới – tôi vừa nói, vừa rót rượu ra hai cái cốc. – Nào, ta uống thôi!

Vợ tôi cầm cốc rượu và nhìn chằm chằm vào tôi bằng đôi mắt sợ hãi. Mặt cô ta tái đi và lộ rõ vẻ kinh hoàng.

– Anh đánh rơi chai rượu đấy à? – cô ta hỏi.

– Ừ, đánh rơi. Nhưng mà thế thì đã sao cơ chứ?

– Không hay đâu, – cô ta vừa nói vừa đặt chiếc cốc xuống, nét mặt càng tái đi hơn. – Đó là điềm không hay đâu. Có nghĩa là năm nay chúng mình sẽ gặp phải chuyện chẳng lành.

– Ồ, mình dớ dẩn quá! – tôi thở dài nói. – Một người phụ nữ khôn ngoan, thế mà ăn nói u mê như một mụ vú em già. Uống đi!

– Thì cứ cho là em ăn nói u mê đi, nhưng mà… thế nào cũng có chuyện chẳng lành xảy ra! Rồi anh xem!

Cô ta thậm chí cũng không chạm môi vào cốc rượu nữa, cô ngồi vào một góc đăm chiêu nghĩ ngợi. Tôi nói mấy câu cũ rích về chuyện mê tín, uống hết nửa chai rượu, đi đi lại lại trong phòng rồi bước ra ngoài.

Ngoài sân, đêm mùa đông lạnh lẽo, yên ắng, lộ hết vẻ hiu quạnh của mình. Vành trăng và hai đám mây trắng xốp bên cạnh cùng nằm yên như dính vào nhau chính giữa bầu trời trên ga xép, và hình như cũng đang chờ đợi một điều gì. Ánh trăng trong suốt dìu dịu tỏa xuống sẽ sàng trải ra trên mặt đất trắng muốt như sợ động mạnh làm mặt đất xấu hổ, trăng chiếu sáng những đống tuyết, nền đường sắt… Chung quanh vắng lặng.

Tôi đi dọc nền đường sắt.

“Thật là một mụ đàn bà đần độn! – tôi vừa nghĩ vừa nhìn lên bầu trời lốm đốm những vì sao sáng. – Ngay cả nếu cứ cho rằng điềm này điềm nọ là có thật đi chăng nữa thì liệu còn điều gì không may có thể xảy ra với bọn ta được? Những điều bất hạnh mà bọn ta đã chịu đựng và đang hiển hiện ra trước mắt nặng nề đến mức khó mà có thể tưởng tượng ra điều gì tồi tệ hơn. Còn có thể làm thêm điều gì ác độc đối với một con cá đã bị đánh vẩy mổ ruột, bị rán lên, rưới nước xốt vào và đặt lên bàn ăn?”

Một cây dương cao phủ tuyết hiện ra trong màn đêm thẫm xanh như một người khổng lồ mặc áo liệm màu trắng toát. Nó đăm đăm nhìn tôi, vẻ khắc khổ, rầu rĩ, hệt như nó cũng hiểu nỗi cô đơn của mình như tôi. Tôi đứng nhìn cây dương rất lâu.

“Tuổi trẻ của mình đã tiêu ma đi, không đáng một đồng trinh, như một mẩu thuốc lá hút dở không thể được hút nữa, – tôi miên man nghĩ tiếp. – Bố mẹ mình chết từ khi mình còn bé, mình đã bị đuổi ra khỏi trường. Mình sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, thế mà chẳng được dạy dỗ, học hành gì sất, kiến thức của mình cũng không hơn gì một tay thợ tra dầu vào máy. Mình chẳng có chỗ ở nào, chẳng có người thân, chẳng có bè bạn, chẳng có nghề nghiệp nào đáng say mê. Mình không biết làm một việc gì và vào cái tuổi cường tráng nhất, mình chỉ đáng để cho người ta lấy mình lấp liếm vào chỗ khuyết một anh trưởng ga xép. Ngoài những điều rủi ro, bất hạnh ra, mình không gặp cái gì khác trong cuộc sống. Vậy thì còn có điều chẳng lành nào xảy đến được nữa?”.

Từ phía xa hiện ra những ánh lửa màu đỏ. Một đoàn tàu đang chạy ngược về phía tôi. Thảo nguyên nằm yên như lắng nghe tiếng động đoàn tàu. Những ý nghĩ của tôi chua chát đến mức tôi tưởng rằng ý nghĩ của tôi phát ra thành tiếng, rằng dây điện thoại kêu và tiếng động đoàn tàu đang truyền những ý nghĩ của tôi.

“Còn có thể có điều gì chẳng lành xảy ra nữa? Mất vợ chăng? – tôi tự hỏi. – Cả điều này cũng chẳng đáng sợ. Thành thật mà nói không cần giấu giếm gì là mình không yêu vợ. Mình lấy cô ta khi còn ít tuổi. Bây giờ mình còn đang trẻ trung, tráng kiện, thì cô ta đã gầy gò, già đi, đần độn đi, đầu óc chứa đầy những điều mê tín nhảm nhí. Có gì tốt đẹp trong tình yêu quá say mê của cô ta, trong cái ngực lép kẹp và cái nhìn uể oải của cô ta? Mình còn chịu đựng được cô ta, nhưng không yêu. Vậy thì cái gì có thể xảy ra? Tuổi trẻ của mình đang rơi rụng đi hoàn toàn vô tích sự. Phụ nữ chỉ thoáng hiện trước mặt mình qua khung cửa sổ toa tàu, như những vì sao đổi ngôi. Chưa từng biết đến tình yêu, ngày trước cũng như hôm nay. Sự dũng cảm, lòng can đảm, tốt bụng của mình đang héo mòn đi… Tất cả đều héo mòn, thối rữa như mùn rác, và những gì gọi là gia tài giàu có của mình ở đây, trên thảo nguyên này, không đáng giá một đồng xu”.

Đoàn tàu ầm ầm chạy qua trước mặt tôi, những cửa sổ đỏ ánh đèn dửng dưng chiếu lên người tôi. Tôi nhìn thấy đoàn tàu dừng lại bên cột đèn xanh trên sân ga, đỗ lại chừng một phút rồi lại tiếp tục chạy. Tôi lững thững đi chừng hai vécxta rồi quay về. Những ý nghĩ buồn bã vẫn bám riết lấy tôi. Dù tôi cảm thấy cay đắng đến thế nào, tôi vẫn nhớ rằng lúc ấy hình như tôi đã cố làm cho những ý nghĩ của tôi thêm phần buồn bã, ảm đạm hơn. Các bạn có biết không, những người thiển cận, đầy lòng ích kỷ thường hay gặp những phút mà cái cảm giác đau khổ lại đem tới cho họ ít nhiều thích thú, và thậm chí họ còn làm điệu với chính điều đau khổ của mình. Trong suy nghĩ của tôi cũng có nhiều phần đúng, nhưng kể cũng không ít sự quái gở tự phụ, có cái gì trẻ con, đầy vẻ thách thức trong câu hỏi của tôi: “Vậy thì có thể có điều gì chẳng lành xảy ra nữa?”

“Ừ mà cái gì có thể xảy ra nữa? – tôi tự hỏi trên đường về. – Có lẽ mình đã nếm đủ mọi điều. Mình đã ốm đau, đã mất tiền, hàng ngày đã từng bị cấp trên khiển trách, đã chịu đói, sói dữ đã chạy vào trong sân ga xép. Còn gì nữa? Người ta đã lăng mạ, sỉ nhục mình… và trong đời mình, mình cũng đã nhiều lần xúc phạm đến người khác. Có lẽ chỉ có phạm tội là mình chưa bao giờ mắc phải; nhưng hình như mình cũng không đủ khả năng để phạm tội, tuy rằng mình cũng chả sợ gì tòa án”.

Hai đám mây nhỏ đã rời khỏi mặt trăng và đứng tránh ra xa như đang thì thầm với nhau điều gì mà mặt trăng không nên biết. Một làn gió nhẹ chạy qua thảo nguyên, đưa lại tiếng ầm ì mơ hồ của đoàn tàu đã chạy qua.

Vợ tôi đón tôi trên ngưỡng cửa ngôi nhà. Đôi mắt cô ta sáng lên mừng rỡ, cả gương mặt cô lộ rõ vẻ sung sướng.

– Nhà ta có chuyện mới! – cô ta thì thầm. – Anh về phòng mình nhanh nhanh lên, mặc áo veston mới vào: nhà ta có bà khách đến thăm đấy!

– Bà khách nào?

– Cô Natalia Pêtơrốpna vừa mới đến trên chuyến tàu vừa rồi.

– Natalia Pêtơrốpna nào?

– Vợ ông chú em, Xêmiôn Phêđorứts. Anh không biết cô ấy đâu. Cô rất đẹp và tốt bụng…

Chắc là tôi có cau mày lại nên vợ tôi mới nghiêm sắc mặt lại và thì thầm nói nhanh:

– Cô ấy đến đây quả thật cũng là điều lạ lùng, nhưng anh đừng cáu giận và hãy độ lượng nhìn bà cô. Vì cô ấy cũng khổ. Chú Xêmiôn Phêđorứts quả thực là một người độc đoán, dữ tợn, khó lòng mà sống chung được với ông ấy. Cô ấy nói là sẽ chỉ ở nhà chúng ta ba ngày thôi, cho đến khi nhận được thư của người em.

Vợ tôi còn thì thầm nói lảm nhảm khá lâu về cái ông chú độc đoán, về sự mềm yếu của con người nói chung và của các bà vợ trẻ nói riêng, về nghĩa vụ của chúng tôi phải đối xử tử tế với tất cả mọi người ngay cả với những kẻ lầm lỗi v.v… Chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì hết, tôi đi mặc chiếc áo veston mới rồi ra gặp mặt “bà cô”.

Một người đàn bà nhỏ nhắn, đôi mắt đen to, đang ngồi bên cạnh bàn. Chiếc bàn của tôi, những bức tường màu xám, cái đivăng thô kệch… tất cả hình như đều trẻ trung ra, mừng rỡ hẳn lên với sự có mặt của người phụ nữ mới mẻ, trẻ trung, xinh xẻo đầy vẻ tội lỗi này, từ người phụ nữ này toát ra một vẻ gì đầy bí ẩn. Tôi nói người đàn bà này đầy vẻ tội lỗi là vì tôi nhận thấy điều đó qua nụ cười, qua mùi hương, qua cách nhìn, cách chớp chớp hàng mi, qua giọng nói chuyện của cô với vợ tôi – một người phụ nữ đứng đắn… Cô không cần phải kể lại với tôi rằng cô đã bỏ chồng mà đi, rằng chồng cô vừa già vừa độc ác, rằng cô ta rất tốt bụng và vui tính. Tất cả những điều này tôi hiểu từ phút đầu, ừ mà liệu ở khắp Âu châu này còn có người đàn ông nào không nhận ra ngay từ cái thoáng nhìn đầu tiên một người phụ nữ tính tình sôi nổi?

– Thế mà tôi không biết rằng tôi có một người cháu to lớn như thế này! – bà cô vừa nói với tôi, vừa mỉm cười chìa tay ra cho tôi bắt.

– Tôi cũng không biết là tôi có một bà cô xinh đẹp thế này! – tôi nói.

Bữa ăn tối lại bắt đầu. Chiếc nút chai lại bắn lên khỏi chai rượu thứ hai, và bà cô của tôi uống một hơi hết nửa cốc rượu, và khi vợ tôi đi ra ngoài một lát thì bà cô đã không còn giữ ý tứ gì nữa mà uống hết cả một cốc rượu. Tôi ngà ngà say vì rượu và vì có người đàn bà ấy bên cạnh. Các bạn còn nhớ bản tình ca này không?

Đôi mắt đen tuyền, đôi mắt đắm say,
Đôi mắt cháy bỏng, tuyệt vời,
Ta yêu đôi mắt em làm sao,
Ta sợ đôi mắt em làm sao!

Tôi không nhớ chuyện gì xảy ra sau đó. Ai muốn biết tình yêu bắt đầu thế nào thì mặc họ tìm tiểu thuyết, truyện dài mà đọc, còn tôi thì chẳng nói nhiều lời, cứ quanh đi quẩn lại mấy câu trong bản tình ca ngu ngốc kia:

Ta biết, ta đã gặp đôi mắt em
Vào giờ phút chẳng lành…

Tất cả đều đảo lộn, tan thành mây khói. Tôi còn nhớ cơn lốc kinh khủng dữ dội cuốn tôi đi như một chiếc lông chim. Nó cuốn tôi rất lâu và xóa sạch khỏi mặt đất cả vợ tôi, cả bà cô và cả sức lực của tôi. Từ một ga xép nơi thảo nguyên, các bạn thấy đấy, nó đã quăng tôi đến cái phố tối tăm này.

Bây giờ thì các bạn hãy nói đi: còn có thể có điều gì chẳng lành xảy đến với tôi được nữa?


  1. Vécxta – một đơn vị đo chiều dài cũ ở Nga, bằng 1,06 ki-lô-mét.