Chương 28: Giây phút cuối cùng

Ông Nhu đề nghị lần cuối với ông anh Tổng thống: ông sẽ cải trang để trốn lên Vùng 2 với tướng Khánh còn Tổng thống Diệm sẽ đi Vùng 4, hai người đi hai ngả cho tiện bề lo toan. Tổng thống Diệm không bằng lòng. Theo Đỗ Thọ ông Nhu thấy Tổng thống Diệm có vẻ giận dỗi nên ông… bỏ ra ngoài một lúc lâu mới trở vào phòng và đành theo quyết định của ông anh. Mọi liên lạc đã đứt đoạn. Người nắm kế hoạch để đưa hai ông đi là Trung tá Phước thì ông Phước đã bị phe đảo chính bắt giữ. Gần sáng, Tổng thống Diệm và ông Nhu bất thần thay quần áo. Hai ông đều bận Comple và rời nhà Mã Tuyên lúc 5 giờ. Tự tay Đại uý Thọ lái xe Lanh Rover đưa hai ông đến nhà thờ Cha Tam.

Hơn một giờ sau, dinh Gia Long thất thủ. Trung tá Phạm Ngọc Thảo dò hỏi biết hai ông vào Chợ Lớn và trú ẩn tại nhà Mã Tuyên thế là ông Thảo tức tốc đem quân đi đón hai ông. Tất cả thành bại đối với nhóm ông Thảo là ở chỗ này: Bắt được Tổng thống Diệm và ông Nhu. Theo kế hoạch của nhóm Trung tá Thảo thì phải làm thế nào “nắm” được Tổng thống Diệm để làm điều kiện áp đảo một số phe nhóm khác và lật ngược thế cờ. Đó cũng là lý do dễ hiểu tại sao mà tướng Khiêm vẫn không tiết lộ tin này cho Hội đồng tướng lãnh biết. Có lẽ tướng Khiêm muốn để ông Diệm và ông Nhu có thì giờ lo toan để thoát cơn hiểm nghèo.

Theo kế hoạch dự trù thì đảo chính thành công phải “nắm” được Tổng thống Diệm và để ông Nhu xuất ngoại. Lúc ấy Tổng thống Diệm sẽ trở thành chính nghĩa của nhóm ông Thảo và nhóm ông Thảo sẽ dựa vào uy tín của Tổng thống Diệm để nắm quyền chủ động trong Hội Đồng tướng lãnh, nhờ vậy nhóm các tướng Đôn, Kim, Xuân, Minh sẽ không thể thao túng được. Theo Trung tá Vọng, khi vào nhà Mã Tuyên không gặp được Tổng thống Diệm cũng như không biết tung tích hai ông ở đâu, Trung tá Thảo biến sắc rồi thở dài nói với Vọng:

– Thôi nguy rồi Vọng ơi!

Phe của Trung tá Thảo không có uy thế nhưng có quân. Phe các tướng Đôn, Kim, Xuân, Minh lại không có quân nhưng lại có uy thế, lại được Đại sứ Cabot Lodge hết lòng tán trợ. Theo kế hoạch của nhóm Trung tá Thảo thì với tình trạng mâu thuẫn và xáo trộn trầm trọng kể từ tháng 5-1963 miền Nam không thoát được cuộc đảo chính quân sự để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng vấn đề quan trọng là phe nào, tướng tá nào cầm đầu cuộc đảo chính? Trung tá Thảo vạch ra kế hoạch cuộc “đảo chính hớt ngọn”. Nghĩa là nắm vững các đường dây liên lạc với các đơn vị cấp tiểu đoàn và trung đoàn từ nhảy dù đến thuỷ quân lục chiến, sư đoàn 5 và sư đoàn 7. Nếu phe nào âm mưu đảo chính và có uy thế móc nối thì sáp vô nhưng sẽ ra tay hành động vào phút chót để nắm thế chủ động. Trung tá Thảo chủ trương đảo chính để hoà giải các mâu thuẫn quân bình chính trị và hoà giải các mầm mống chống đối chia rẽ, nhưng vẫn duy trì được chế độ, bảo vệ sự… liên tục chính sách quốc gia và đồng thời tiếp tục phát triển và củng cố ấp chiến lược. Nhóm Trung tá Thảo chủ trương phải giữ Tổng thống Diệm làm một cái thế tinh thần và tiêu biểu cho quyền lực quốc gia. Ông Nhu tạm lánh mặt ra ngoại quốc để giảm áp lực của Mỹ và đồng thời hoà giải với Phật giáo cùng các phe nhóm chống đối… Với một chủ trương như vậy, sự hiện diện của Tổng thống Diệm là một điều tối cần cho nhóm ông Thảo, nhưng Tổng thống Diệm và ông Nhu đã ra đi mất rồi.

Trong nhật ký, Đỗ Thọ, người tuỳ viên trẻ tuổi trung tín ấy đã ghi lại buổi bình minh cuối cùng của anh em Tổng thống Diệm như sau:

“Trong nhà thờ đèn nến đã sáng trưng. Có lẽ buổi lễ đầu sắp đến, Tổng thống Diệm và ông Nhu quỳ xuống ở hàn.g ghế đầ u. Tôi đứng đằng sau lưng như thường tình của một sĩ quan tuỳ viên trong các lễ Thiên Chúa giáo mà Tổng thống tham dự.

Tôi nghe được tiếng cầu kinh của Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu hợp lại. Nếu tôi không lầm thì Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu khởi đầu kinh xưng tội. Như đã viết, tôi là một Phật tử nên không thông thạo về kinh và các lễ của Thiên Chúa giáo.

Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu lễ sáng khoảng ngoài 15 phút, có lẽ đây là một buổi lễ sáng lâu nhất của Tổng thống Ngô Đình Diệm đối với thường nhật ở dinh Gia Long. Và đây cũng là buổi lễ đầu bất ngờ đối với ông Ngô Đình Nhu trừ những ngày chủ nhật.

Khi Tổng thống Diệm đứng dậy, ông Nhu uể oải đứng dậy theo. Lúc bấy giờ ngoài đường đã có tiếng động của khu vực buôn bán.

Người đi lễ nhà thờ đã đến, tôi thấy vài người đi vào sân, có lẽ nhiều hơn nữa, nhưng vì cánh cửa khép hờ nên tôi không trông được bao quát.

Ông Nhu tiến vào sát Tổng thống Diệm rồi nói “mình vào gặp cha tí xíu” không đợi Tổng thống Diệm trả lời, ông Ngô Đình Nhu đã bước về phía bàn thờ lễ, Tổng thông Diệm và tôi chậm rãi đi theo.

Khi vào gặp vị lãnh đạo tinh thần tôi đứng ngoài nên nghe được câu mất câu còn. Không biết Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu nói những gì. Tói được nghe giọng nói của vị lãnh đạo tinh thần, đại khái khuyên Tổng thông lưu lại ngôi nhà thờ này. An ninh bí mật hoàn toàn bảo đảm.

Cả ba người nói chuyện khá lâu và có lẽ buổi lễ sớm phải bắt đầu nên vị lãnh đạo tinh thần đi ra để làm chủ lễ. Tổng thốg Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đi theo và cũng xem lễ thêm.

Trong nhà thờ đã có một số người dự lễ. Phần nhiều là những người già cả, người Hoa kiều. Tôi đoán chắc là họ không để ý đến Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Vì họ không thể ngờ được Tổng thống Diệm lánh nạn đảo chính đến đây.

Nếu hôm ấy tôi mặc quần áo nhà binh, thì người ta có thể ước đoán. Tuy nhiên tôi bắt gặp được một bộ mặt của một người đàn ông đang ngồi về phía góc trái của nhà thờ. Ông ta không già lắm. Người đàn ông này nhìn chăm chú về phía Tổng thống Ngô Đình Diệm. Có lẽ người này ngờ ngợ tự hỏi: “Đó có phải Tổng thống Ngô Đình Diệm không?” và người đàn ông này tôi đã bắt gặp khi ông ta đứng nhìn Tổng thống Ngô Đình Diệm sửa soạn lên M.113.

Theo tôi nghĩ buổi lễ hôm đó có vẻ rút ngắn, vị lãnh đạo tinh thần trông hấp tấp, lo lắng. Vì ông ta đang đứng trước cảnh biến động của Tổng thống trốn chạy. Vả lại vị Tổng thống còn là người Thiên Chúa giáo, một con chiên ngoan đạo.

Buổi lễ sáng chấm dứt bình thản. Tôi đã nghe những lời thì thầm của một đám người đi lễ. Họ dừng lại ở cửa chính nhìn Tổng thống Diệm và ông Nhu lẫn tôi đang đứng nhìn mặt cha xứ. Trong những người này có cả người đàn ông mà tôi đã nói ở trên.

Tôi viết như vậy để nói lên rằng một số con chiên ở xứ đạo cha Tam đã nhận diện được Tổng thống Ngô Đình Diệm, một điều bất ngờ ngạc nhiên nhất.

Tổng thống Diệm, ông Nhu và tôi theo chân cha xứ vào bên trong. Tồng thống nói với cha xứ là đến đây quá đường đột luỵ phiền cha. Nhưng sẽ đi nữa chứ không lưu lại làm liên luỵ, khổ sở cho nhà thờ, cha xứ trả lời là: “Tổng thống đừng nghĩ đến điều đó. Nhà thờ là nước Chúa ai dám động đến cũng được đâu riêng cho Tổng thống. Tổng thống và ông Cố vấn yên tâm ở lại đây, ra đi lắm phần nguy hiểm”.

Ông Nhu ngồi lặng yên thật lâu rồi nói: “Thưa cha Tổng thống nói vậy nhưng chúng con không đi đâu nữa. Dầu sao cũng liên lạc với các tướng lãnh để bàn về việc ra đi của Tổng thống cho đúng với nghi lễ quốc gia”.

Sau lời nói của ông Nhu, tôi nghĩ ngay đến cuộc dàn xếp giữa Tổng thống Diệm và Hội Đồng tướng lãnh sẽ xảy ra.

Nhưng hiện nay Tổng thông Diệm đang ở trong thế yếu chắc rằng tướng lãnh sẽ ép Tổng thống Diệm với nhiều điều kiện.

Sau vài tách trà ở nhà xứ, bên ngoài trời sáng tỏ Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu quyết đinh liên lạc với Hội đồng tướng lãnh tại Tổng Tham mưu. Tổng thống Diệm ra lệnh cho tôi lấy điện thoại nhà xứ gọi về Tổng Tham mưu và cố gắng gặp cho được tướng Trần Thiện Khiêm.

Tôi cầm điện thoại gọi ngay về Tổng Tham mưu. Bên kia đầu dây xưng danh là Đại tá Đỗ Mậu. Tôi nói ngay: “Thọ đây thưa chú”. Đại tá Đỗ Mậu hỏi: ” Chú mày ở đâu đó? Ông Tổng thống đi đâu rồi “. Tôi đáp lại: “Tổng thống muốn nói chuyện với tướng lãnh”. Đại tá Đỗ Mậu trả lời: “Các tướng chưa ai đến, chỉ có tướng Khiêm thường trục ở đây, chú mày muốn nói gì thì nói “.

Tôi đợi trong nháy mắt thì nghe tiếng của tướng Trần Thiện Khiêm.

Tôi trình bày ngay là tôi được lệnh Tổng thống liên lạc với Hội đồng tướng lãnh và hiện Tổng thống đang ở nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn. Hội đồng tướng lãnh cử đại diện đem xe ra rước Tổng thống về Bộ Tổng Tham mưu.

Tướng Trần Thiện Khiêm đáp: “Được rồi, qua sẽ trình lên Trung tướng Chủ tịch. Nói với Tổng thống yên tâm sẽ có tướng lãnh xuống”.

Tôi gác ống nghe rồi trình lại với Tổng thống Ngô Đình Diệm là đã nói chuyện với tướng Trần Thiện Khiêm và ông ta sẽ cho đại diện tướng lãnh xuống đây.

Tổng thống Ngô Dình Diệm và ông Ngô Đình Nhu cùng cha xứ yên lặng không ai muốn nói gì cả và giờ phút đợi chờ bắt đầu.

Từ giờ phút đó một âm thanh động cơ nào chuyển động bên ngoài cũng làm khuấy động tinh thầm tôi. (Trích trong nhật ký Đỗ Thọ trang 260-265 Hoà Bình xuất bản năm 1970).

Sau này Linh mục Jean đã tiết lộ, Linh mục tìm mọi cách thuyết phục anh em Tổng thống Diệm không nên gặp các tướng lãnh nhưng Tổng thống Diệm nhất định từ chối.

Linh mục Jean: “Tổng thống và ông Cố vấn không nên e ngại, tôi sẽ làm tất cả khả năng của tôi. Tổng thống và ông Cố vấn ra đi lúc này vô cùng nguy hiểm”.

Tổng thống Diệm: “Cảm ơn Cha, tôi thấy không có gì nguy hiểm cả. Cá nhân tôi, tôi dâng trọn cho Chúa và Mẹ Maria nhưng tôi vẫn còn là Nguyên thủ quốc gia, tôi còn trách nhiệm với dân”.

Linh mục Jean: Xin Tổng thống và ông Cố vấn nghĩ lại. Chính tôi sẽ đưa Tổng thống và ông Cố vấn đến một nơi an toàn nhất.

Linh mục Jean có đề nghị Tổng thống Diệm và ông Cố vấn Nhu nếu không muốn ty nạn trong tu viện hoặc nhà thờ thì Cha Jean sẽ tìm cách đưa hai ông đến tỵ nạn tại Toà Đại sứ Pháp hoặc Đại sứ Trung Hoa.

Tổng thống Diệm từ chối lần cuối cùng. “Xin cảm ơn Cha, tôi không có tội gì với dân và quốc gia này, tôi thấy không có lý do gì phải lẩn tránh”.

Trong khi đó, tại Bộ Tổng Tham mưu, khi nhận được tin hai anh em ông Diệm đang ở nhà thờ Cha Tam thì nhóm tướng Đôn hết sức vui mừng nhưng cũng vô cùng lo ngại. Phải làm thế nào bây giờ?

NHỔ CỎ TẬN GỐC

Thiếu tướng Đỗ Mậu cho biết là quyết định thanh toán ngay hai anh em ông Diệm không phải do toàn thể Hội đồng Quân nhân và riêng tướng Mậu cũng như tướng Khiêm, tướng Đôn chỉ tán đồng giải pháp đẹp nhất là cho hai ông ra ngoại quốc. Riêng tướng Đôn đã cho sửa soạn căn phòng cạnh Văn phòng Tổng Tham mưu Trưởng dể hai ông nghỉ tạm. Tuy nhiên, ngay từ sáng 1-11, Hội đồng này đã phân hoá và nghi ngờ nhau, vì không thể biết ai thực tâm với ai. Tuy nhiên, có bốn tướng lãnh tạm đoàn kết với nhau hơn cả, đó là các tướng Kim, Minh, Xuân, Đôn, tướng Đính còn bị chôn chân ở trại Lê Văn Duyệt, để điều động các cuộc hành quân. Tuy nhiên không có sự hiện diện của tướng Đính ở Bộ Tổng Tham mưu quả là một điều rất hay cho phe đảo chính, vì tướng Đính vốn ăn nói bạt mạng. Chính điều này đã làm cho tướng lãnh “ngán” ông Đính. Cho nên tướng Đính đã không được mời tham dự vào cuộc biểu quyết cho số phận anh em Tổng thống Diệm. Nói là cuộc biểu quyết thì không đúng, đây chỉ là những ý kiến “rỉ rả”, không một tướng lãnh nào dám công khai đưa ra đề nghị.

Trước hết, Thiếu tướng Lễ cho rằng “tận gốc”. Ông còn kề cà dẫn chứng một số thí dụ trong truyện Tầu. Ý kiến trên được tướng Xuân tán đồng.

Tướng Kim dè dặt mặc dầu ông là một tướng lãnh bị chế độ Ngô Đình Diệm “bỏ quên” trong 9 năm. Các tướng lãnh khác không công khai tỏ thái độ. Tướng Dương Văn Minh vẫn im lặng một cách khó hiểu. Sau một hồi bàn bạc rỉ rả và cuộc đối thoại của tướng Nguyễn Ngọc Lễ, tướng Xuân, tướng Dương Văn Minh… “tiêu lệnh” nhổ cỏ nhổ tận gốc đã dược quyết định với đa số 7/9 (2/9 không tán thành là phiếu của tướng Đỗ Mậu và tướng Trần Thiện Khiêm? Và đây cũng chỉ là lá phiếu tuỳ hứng mà thôi). Một quyết định hết sức mơ hồ cho nên chính người đồng ý giải pháp này cũng không hiểu giải pháp được thi hành như thế nào? Sẽ bắt ông Diệm, ông Nhu rồi đem ra toà xử hay đem ra ngoại quốc? Song không ai nói lên thắc mắc của mình cả. Hội đồng quân nhân vẫn bao trùm một không khí nghi kỵ và đề phòng lẫn nhau. Vị tướng lãnh kể trên cho biết rằng kể cả tướng Dương Văn Minh với tư cách Chủ tịch Hội đồng quân nhân vẫn không dám đơn phương quyết định hoặc thi hành quyết định của Hội đồng quân nhân mặc dù với tư thế của ông, ông có toàn quyền quyết định. Song, tướng Minh đã không thực thi quyền hành tối thượng đó và có thể nói việc gì ông cũng phải tham khảo ý kiến Đại sứ Mỹ. Nếu ông Lodge quyết tâm bảo vệ sinh mạng cho hai anh em Tổng thống Diệm thì sự việc đã khác. Thái độ của Lodge lúc đó rất lờ mờ với luận cứ “không can thiệp đến nội bộ Việt Nam ” (?) Thái độ của ông Lodge trái hẳn với thái độ của tướng Harkins. Ngay từ khi ông Lodge nhận chức tại Việt Nam, mối bất hoà giữa Lodge, Harkins càng ngày càng rõ rệt. Harkins có cảm tình với ông Nhu hơn là Tổng thống Diệm, tướng Harkins đã dùng uy tín của ông ta đối với tướng Đôn để làm cách nào phe tướng lãnh bảo vệ tính mạng cho hai anh em Tổng thống Diệm.

Đại sứ Lodge không tỏ thái độ rõ rệt. Tướng Minh thì im lặng một cách khó hiểu, trong khi đó lại có một số tướng lãnh khác chủ trương thanh toán ngay hai anh em ông Diệm và sẽ coi như “sự đã rồi” đối với người Mỹ, và đối với quốc dân sẽ tìm cách nguỵ tạo dư luận. Mọi việc đâu sẽ vào đấy miễn sao hai anh em ông Diệm “vắng mặt” vĩnh viễn. Mấy tướng lãnh này quan niệm đơn giản như vậy. Kể từ sáng 2- 11 phe đảo chính coi như đã làm chủ tình hình. Sự phân hoá lại càng trở nên rõ rệt với nhiều phe nhóm: Phe mạnh với mặc cảm tự tôn cho rằng mình chính là thành phần chủ chốt, có công đầu đối với “cách mạng”. Phe này gồm tướng Đôn, Đính, Minh, Kim, Xuân. Phe “yếu” với mặc cảm chạy theo vào phút chót nên hoàn toàn thụ động và chờ đợi ân huệ của cách mạng. Phe ôn hoà gồm tướng Khiêm và tướng Mậu.

Tất nhiên là phe mạnh đã hoàn toàn khuynh loát, nhiều quyết định mật của phe này mà phe kia không được biết.

Cho nên đã quyết định “diệt thảo trừ căn” tuy có đặt thành vấn đề để thảo luận chung, nhưng cũng chỉ để thảo luận mà thôi. Quyết định tối hậu vẫn do nơi tướng Dương Văn Minh. Người có nhiều ảnh hưởng đến tướng Minh về giao tế và chính trị, là tướng Kim. Người được tướng Minh tin cậy về mưu kế và phép thuật đối nội là tướng Xuân. Nếu tướng Đính hăng say thì sự hăng say đó chỉ có tính cách trình diễn với ảo tưởng anh hùng lãng mạn nào đó. Nhưng sự hăng say của tướng Xuân kể từ sáng 2-11 có tính cách đe doạ, vì ông muốn tỏ cho mọi người biết là ông quyết hệt và có thể ra tay làm được tất cả, đồng thời ông muốn có dịp cho mọi người thấy biện pháp cực mạnh sẽ như một lời cảnh cáo quyết hệt nhất để hiểu rằng “đừng có ai cựa quậy”. Có thể đó cũng là lý do khiến tướng Xuân tình nguyện đến nhà thờ Cha Tam đón hai anh em Tổng thống Diệm?