Vào buổi sáng thứ bảy sau phiên họp ngày 5-6 giới chức phủ Tổng thống lại muốn điên đầu về bản thông báo của Hội phụ nữ Liên đới (tất nhiên là do bà Nhu soạn thảo). Trước đó bà Nhu triệu tập Hội đồng ban chấp hành Trung ương để thảo luận và tỏ thái độ về hoà giải trên.
Trong bản thông báo ấy, bà Nhu gay gắt lên tiếng phản đối phương thức giải quyết của ông Diệm và nặng lời công kích một số nhà lãnh đạo Phật giáo. Bà Nhu lấy lí do rằng Phật giáo cũng là một hội đoàn, Phong trào Liên đới cũng là một hội đoàn, và như vậy Phong trào Liên đới cũng có quyền lên tiếng, không có ai có quyền cấm đoán kể cả chính quyền. Cái ý của bà Nhu rất đúng, không ai có thể chối cãi được, vì trong một cộng đồng quốc gia các đoàn thể đều được đối xử ngang nhau trước luật pháp và đều được tỏ thái độ bất bình với một đoàn thể khác, miễn sao không xâm phạm đến an ninh quốc gia. Bà Nhu cho rằng bà lên tiếng công kích Phật giáo theo tư cách Chủ tịch Phong trào Liên đới tức là không dính dáng gì đến chính phủ, và Chính phủ phải coi đó là điều kiện tối cần để ủng hộ. Bởi vì khi Chính phủ đang có chuyện rắc rối với một hội đoàn khác lên tiếng công kích hội đoàn này và hỗ trợ Chính phủ như vậy có còn có cái may mắn nào hơn.
Nhưng thực tế đâu có giản đơn như vậy mà nhất là thực tế xã hội Việt Nam Cộng hòa thì không thể dùng một thứ “lôgíc” nào phân tích được Bà Nhu là em dâu một Tổng thống, uy quyền của bà trên thực tế ai cũng thấy và nhất là bản thông báo của bà lại do một phiên họp tổ chức ngay trong dinh Gia Long thì bản thông báo ấy đã mặc nhiên là tiếng nói bán chính thức của chính quyền, dù cho có biện minh khéo léo đến thế nào thì cũng không ai nghe.
Bà Nhu thường viết diễn văn thông cáo bằng Pháp văn, có nhẽ bản thông cáo do người dịch thiếu sự am tường và tế nhị của Việt ngữ nên bản Pháp văn đã nặng nề dịch ra tiếng Việt lại càng nặng nề hơn.
Bà Nhu quyết định phổ biến bản thông cáo đó trên báo chí.
Cũng vào sáng thứ bảy hôm ấy trong một bài nói về Phật giáo Việt Nam, xướng ngôn viên đã không tiếc lời ca ngợi công đức Tổng thống đối với sự phát huy Phật giáo và đưa ra thống kê: số chùa trong toàn Việt Nam Cộng hòa là 4776. Khi Tổng thống Diệm chấp chính từ 1954 đến 1963 thì Phật giáo xây dựng thêm 1.275 ngôi chùa mới và trùng tu được 1.295 ngôi chùa đã hư hại vì thời gian và chiến tranh.
Sự thực thì Tổng thống Diệm đã giúp rất nhiều tài chính và phương tiện để xây cất chùa. Đó là điều Tổng hội Phật giáo miền Nam Việt Nam đều biết rõ. Thế nhưng khi cao trào tranh đấu đang lên thì dân chúng lại không tin những con số thống kê về thành tích của Chính phủ đối với Phật giáo. Huống chi thông cáo của bà Nhu thì không ai có thể tin rằng đó là thái độ trung thực. Nhất là bản thông cáo ấy lại nói trùm lấp cả một tập thể lớn như Phật giáo. Phương thuật chính trị dùng để phản đối phe “đối lập” không dùng cách này.
Khoảng 10g sáng thứ bảy bác sĩ Tuyến vào Dinh và đến phòng ông Đổng lý Đoàn Thêm thì ông Phan văn Tạo Tổng Giám Đốc Thông Tin bước vào, ông Tổng Giám đốc Thông Tin đang muốn “điên cái đầu” vì bản thông cáo mà bà Nhu làm áp lực phải phổ biến trên báo chí.
Ông Tổng Giám đốc Thông Tin cho biết bà Nhu có gọi điện thoại thẳng cho ông hỏi tại sao không phổ biến thông cáo ấy vào các số báo xuất bản sáng thứ bảy. Ông Tạo phải tìm cách nói khéo để có thể kéo dài thời gian hòng có thể tiếp xúc thẳng với Phủ Tổng thống. Với nội dung bản thông cáo ấy ông Phan Văn Tạo cũng cảm thấy sẽ gây nên phản ứng bất lợi trong dư luận.
Từ ông Đoàn Thêm đến bác sĩ Tuyến đều đồng ý như vậy. Nhưng làm thế nào để ngăn chặn nổi khi bà Nhu muốn. Quyết định sao chỉ có Tổng thống Diệm mới quyết định được.
Thời nào cũng vậy, đảm trách ngành thông tin ở một xứ chậm tiến quả thực vạn phần khó khăn nhất là khi gặp biến cố lớn.
Khoảng 11g30, ông Thuấn trở về văn phòng. Xem xong bản thông cáo thì ông cũng phải đồng ý là không thể phổ biến ngay được và phải trình lên Tổng thống Diệm.
Khi lên yết kiến Tổng thống và trình bày lợi hại, Tổng thống Diệm cũng đồng ý với ông Thuần không thể phổ biến bản thông cáo này được.
Chiều hướng giải quyết nhưng tranh chấp nội bộ bao giờ cũng đòi hỏi sự tế nhị khôn khéo và nhất là phải tránh ngộ nhận, một khi đã tạo nên ngộ nhận thì khó lòng có thể giải quyết êm xuôi, giải quyết những tranh chấp không thể sử dụng những hình thức thông cáo, tuyên ngôn khi mà những hình thức này chỉ tạo thêm sự rắc rối.
Bà Nhu lý luận rằng: Bà không chống lại Phật giáo mà bà chỉ chống lại những phần tử lợi dụng phật giáo. Nhưng vì không có căn bản và kinh nghiệm chính trị nên bà đã quên yếu tố này:Dù là một thiểu số cá nhân nhưng những cá nhân đó khi tạo được danh nghĩa để nhân danh tập thể thì những cá nhân đó tự nhiên và mặc nhiên đại diện cho danh dự và chính nghĩa mà họ đang lôi kéo quần chúng ủng hộ.
Nếu quần chúng phê bình thì chỉ phê bình một chiều và do một thiểu số lãnh đạo quần chúng chỉ dẫn sách động. Bản thông cáo của bà Nhu chỉ cần xén bớt một vài câu vài lời cũng đủ vốn liếng để phẫn nộ trong quần chúng (thực tế đã xảy ra như vậy).
Khi được biết ý kiến của Tổng thống Diệm và ông Bộ trưởng Thuần, ông Tổng Giám đốc Thông tin yên trí có thể dẹp bản thông cáo của bà Nhu. Nhưng bà Nhu đâu có chịu thua một cách dễ dàng như vậy.
Bà Nhu lại gọi điện thoại cho Phan Văn Tạo một lần nữa và cật vấn tại sao không cho phổ biến.
Ông Tạo thực tình trình bày, sở dĩ không cho phổ biến là ý nghĩ của Tổng thống. Với giọng nói tức giận bà Nhu bảo ông chờ máy để bà hỏi lại Tổng thống. Cuộc hội kiến giữa bà Nhu và Tổng thống Diệm như thế nào không được rõ, nhưng sau đó, bà Nhu cho ông Tạo biết là Tổng thống đã đồng ý. Tuy vậy ông Phan Văn Tạo vẫn chưa tin nên không dám phổ biến ngay. Ông lại thỉnh thị ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần.
Ông Thuần đem tự sự trình với Tổng thống Diệm thì ông Tổng thống tỏ vẻ khó chịu lắm và vẫn ý kiến cũ là không cho phổ biến bản thông cáo này. Thảng hoặc tìm cách phổ biến một cách hạn hẹp. Trùng vào ngày các báo Việt ngữ nghỉ hàng tuần nên bản thông cáo ấy chỉ phổ biến trên bản tin của Việt Tấn xã (ấn bản ngoại ngữ) và tờ Journal Extrême Orient, Time of Việt Nam đăng.
Trước đó, trưa thứ bảy khi ông Thuần vào gặp Tổng thống ông Thuần tỏ vẻ buồn phiền nói với bác sĩ Tuyến và ông Đoàn Thêm: “Phổ biến bản thông cáo này thì bất lợi cho cuộc hoà giải lắm. Bà Nhu bảo Tổng thống đã đồng ý như vậ ykhông hiểu Chính phủ dứt khoát vấn đề như thế nào? “.
Nhưng Tổng thống Diệm đã xác định rõ với ông Thuần: “Chính sách của Chính phủ không có gì thay đổi cả “.
Chiều chủ nhật, ông Bộ trưởng Thuần một lần nữa lại vào dinh xin gặp Tổng thống nhưng ông Diệm mắc bận.
Cuối cùng ông Tạo đành phổ biến và nói với bác sĩ Tuyến: “Không biết làm sao hơn”. Cũng như trước đó, ông phải trả lời bà Nhu: “tổng thống đã đồng ý như vậy thì tôi xin tuân theo ý Tổng thống “.
Sáng thứ hai, thông cáo trên được phổ biến, từ chiều đã được đăng tải trên hầu hết các báo Việt ngữ (ra vào thứ ba).
Kết quả đúng như sự tiên liệu: Bản thông cáo với lời lẽ cứng rắn (nếu không muốn nói là lớn tiếng cao ngạo cùng lập trường chống lại phương thức hoà giải qua Uỷ ban Liên bộ và Liên phái) đã tạo nên một phản ứng mạnh về phía Phật giáo. Dư luận cũng tỏ ý bất mãn. Nghĩa là bản thông cáo của bà Nhu hoàn toàn bất lợi cho chính quyền và đối với cuộc tranh đấu Phật giáo. Nó như một thùng dầu lớn đổ vào ngọn lửa chưa cháy to.
LỬA ĐÃ THỰC SỰ BÙNG LÊN.
Hoà thượng Quảng Đức là nhà tu, tự nguyện mở đường cho giai đoạn này. Sáng ngày thứ ba 2-6 Hoà thượng Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng. Một tiếng sét lớn. Cơn giông tố thực sự bắt đầu. Tiếng sét làm rung chuyển con người Tổng thống Diệm. Cuộc hy sinh tự thiêu để hiến thân cho dân tộc và Đạo pháp của Hoà thượng Quảng Đức có phải là một phản ứng đột ngột trước bản thông cáo của bà Nhu không? Sự hy sinh của Hoà thượng thực sự được sửa soạn bố trí nhiều ngày.
Sáng 2-6 hồi 9g30, một lễ cầu siêu được tổ chức tại chùa Phước Hoà với hàng trăm tăng ni tham dự.
Sau đó, các tăng ni tiến về phía ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng và ở đây Hòa thượng Quảng Đức đã tự thiêu.
Hoà thượng đi trên một chiếc xe Austin (chiếc xe này của ông Trần Quang Thuận rể của cụ Tôn Thất Hối)…
Cũng vào giờ này, Tổng thống Ngô Đình Diệm đang dự lễ cầu hồn cho Đức Giáo hoàng Gian XXIII tại vương cung thánh đường do Đức cha Nguyễn Văn Bình làm chủ lễ đại triều. Tham dự lễ đó có đông đủ bá quan văn võ từ Phó Tổng thống Thơ đến Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao đoàn và đặc biệt giới Ngoại giao Pháp cũng có mặt đông đủ.
Khi vừa tan lễ thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương đến bên Tổng thống Ngô Đình Diệm báo cho ông biết về vụ tự thiêu tại đường Phan Đình Phùng. Tổng thống Diệm đứng khựng lại mặt đỏ bừng rồi biến sắc, ông nói “Có gì mà phải làm như vậy”, Tổng Thống Diệm lật đật về dinh.
Theo sĩ quan tuỳ viên Lê Công Hoàn, từ sáng hôm ấy Tổng Thống Diệm bắt đầu cho một chuỗi dài những ngày lầm lì ít nói, có khi ngồi lặng thinh hút thuốc lá lâu hàng giờ đồng hồ.
Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần vào yết kiến Tổng thống ngay sau đó. Tổng thống Diệm lừ đừ, mặt cúi gầm.
Ông ngồi lặng thinh cả nửa giờ, hút hết điếu thuốc này qua điếu khác, ông thả vài đợt khói rồi lại dụi tàn. Một lát sau, Tổng thống Diệm bảo ông Thuần: “Việc gì rồi thu xếp, có gì mà phải làm như vậy (ý nói vụ tự thiêu)”.
Giới thân cận nhất của Tổng thống Diệm đều xác nhận: Thái độ của Tổng thống Diệm lúc ấy thật bàng hoàng. Nét mặt ông đau xót trông thấy. Tại sao như vậy? Điều dễ hiểu ông là một tín đồ Thiên Chúa giáo rất ngoan đạo, lại là một nhà Nho, cho nên trước biến cố như vậy tự nhiên là ông xúc động. Lương tâm Thiên Chúa giáo cũng dày vò ông vì Giáo lý không cho phép tự huỷ mình, ông là kẻ gây nên sự tự huỷ mình của người khác cũng là một trọng tội. Tổng thống Diệm chắc chắn bị xúc động từ một mặc cảm này mặc dù người trong cuộc ai cũng biết ông không có trách nhiệm nhưng ở phương vị lãnh đạo với quan niệm nho gia thì tự ông thấy mình có trách nhiệm.
Ngay buổi chiều đó, Tổng thống Diệm cho soạn thảo một bản hiệu triệu quốc dân, trong đó Tổng thống Diệm nói rõ với quốc dân rằng “Sự hoà giải đang tiến hành tốt đẹp thì sớm nay do sự tuyên truyền quá khích che giấu sự thật gây sự hoài nghi về thiện chí của Chính phủ khiến một số người bị đầu độc gây ra một án mạng oan uổng làm tôi rất đau lòng”( nguyên văn).
Phía Phật giáo bước qua một giai đoạn mới. Trước vụ tự thiêu thì chỉ có một số Phật tử ruột của các Thượng tọa tích cực tham gia cùng với các thành phần đảng phái quốc gia đối lập nhưng sau vụ tự thiêu khối quần chúng trầm lặng đông đảo vốn tiêu cực trong bao lâu nay cũng bị xúc động mạnh và bắt đầu nghiêng hẳn về hàng ngũ tranh đấu.
Dầu cứ đổ thêm vào lửa…Phía tranh đấu khai thác triệt để bản thông cáo của bà Nhu…Như trên đã viết đọc đầy đủ bản văn đó thì không có gì nặng nề, nhưng quả tình có những từ ngữ rất dễ gây nên sự bất mãn.
Dạo năm 1963 người Việt Nam mọi giới chưa có kinh nghiệm về người Mỹ. Lúc ấy có 16.000 cố vấn Mỹ thì hình bóng của người Mỹ còn chưa có lớn lao đến sinh hoạt của quốc gia và xã hội. Người Việt cũng chưa bị ám ảnh về tổ chức CIA và cũng chưa hiểu rõ sức mạnh của tổ chức này. (Ngoại trừ giới chính khách và quân nhân cao cấp). Thế nên khi bà Nhu nói rằng các nhà sư bị ngoại bang xúi giục thì đối với quần chúng còn quá mơ hồ và người ta tự hỏi ngoại bang là ai? Nếu nói là Mỹ thì quần chúng sẽ không tin vì Mỹ đang ủng hộ chính quyền, do đó sự tố cáo của bà Nhu dù cho là thực thì dân chúng vẫn cho là điều vu cáo. Dân chúng Việt Nam lại không bao giờ chấp nhận một người đàn bà (dù ở địa vị nào) lớn tiếng vu cáo các nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo. (Bằng chứng bà Nhu đã mất nhiều cảm tình của tín đồ Thiên chúa giáo khi công kích một số linh mục bà cho rằng chuyên môn chạy affaire). Cũng trước đó năm 1954, giáo dân Phát Diệm di cư dù ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tỏ ra phẫn nộ khi Đài phát thanh công kích cha Hoàng Quỳnh và gọi cha Quỳnh là “Đại úy Hoàng Quỳnh”.
Theo giới thân cận thì trong mấy ngày liền ông Tổng thống vẫn lầm lì, đôi lúc không có chuyện gì đáng kể ông Tổng thống vẫn “quắc mắt nhìn lừ đừ” rồi lại cúi xuống dụi tàn thuốc lá liên miên.
Điều làm cho Tổng thống Diệm tức giận hơn cả là vụ chiếc xe Austin của Trần Quang Thuận. Lúc ấy, Trần Quang Thuận đang là một quân nhân. Ông Tổng thống nổi giận gọi Tôn Thất Thiết, Chánh Sở Nội dịch lên rầy rà (mặc dù ông Thiết không dính dáng gì đến nội vụ). Và biểu Tôn Thất Thiết nói với cụ Tôn Thất Hồi (coi nhau như người trong nhà). Cụ Hối vẫn tỏ lòng thầm phục vị cựu Thượng thư của triều Nguyễn. Tuy Trần Quang Thuận bị thượng cấp gọi lên rầy rà nhưng cũng không sao cả (sau này ông ta mới bị bắt). Ông Thuận thanh minh rằng tình cờ cho người ta mượn xe mà thôi.
Cái xe của Trần Quang Thuận cũng là một trong những vết thương nội tâm của Tổng thống.
Ngoài ra khí báo chí Mỹ càng công kích chính quyền bao nhiêu thì Tổng thống Diệm càng dao động vì bản tính của ông trong bấy lâu rất thận trọng và e ngại các vụ “sì căng đan…”. Mặt khác ông Nhu đã thầm cảm thấy rằng bang giao Việt Mỹ đang rạn nứt trầm trọng. Nắm chính quyền trong tay hẳn nhiên ông Nhu biết rõ thực lực của Uỷ ban Liên phái. Điều mà chính quyền e ngại lúc ấy là phong trào tranh đấu sẽ bột phát và lan rộng trong giới học sinh, sinh viên vì đây mới là thành phần quan trọng và chính tập thể sinh viên học sinh đã đóng vai trò chủ động trong vụ Phật giáo.
Ông Nhu chủ trương áp dụng biện pháp mạnh đối với thiểu số tranh đấu, sách động, tức là triệt hạ được cái căn bản từ đó mà Mỹ không có đối tượng để khuynh đảo khuấy động.
Phía Tổng thống Diệm lại chủ trương triệt để hoà giải thu xếp sao cho êm đẹp. Bởi vậy trong thời gian thi hài cố Hoà thượng Quảng Đức còn quàn tại chùa Xá Lợi thì Tổng thống Diệm luôn luôn thúc giục ông Nguyễn Đình Thuần phải tìm cách nối tiếp cuộc thương nghị với Uỷ ban Liên phái. Kể từ ngày 13, 14 và 15, Uỷ ban Liên phái đã có đủ thì giờ trắc nghiệm lòng dân đối với cuộc tranh đấu của Phật giáo… Theo sự thoả thuận chung giữa Đại đức Đức Nghiệp, phát ngôn viên Uỷ ban Liên phái và ông Trần Văn Tư Giám đốc nha Cảnh sát đô thành thì Phật tử đến viếng cố Hoà thượng Quảng Đức đều tập trung tại chùa Giác Minh, theo lịch trình luân phiên 9 chùa lớn trong Sài Gòn-Gia Định, sẽ lần lượt từng 400 người được chở đến chùa Xá Lợi do xe cảnh sát hướng dẫn. Những chuyến xe đi lại không ngừng, nhất là trong ngày 14, ước lượng có đến 5.000 Phật tử được chuyên chở đến chùa Xá Lợi.