Khi Trung uý Bảo đến sở thú gặp Đại uý Lễ và xin cho thiết giáp đi theo lên đài, ông Lễ cho biết: “ở đây bọn này làm gì có thiết giáp. Vỏn vẹn có 80 mạng thiết giáp ở đâu ra?”. Trung uý Bảo gọi về bộ chỉ huy xin chỉ thị mới nhưng Thiếu tá Duệ dằn giọng: “Dù không có thiết giáp cũng phải liều mạng mà đi. Phải sống chết với cuộn băng đó”. Cũng giờ phút này trên dinh Gia Long chia ra làm 3 bộ phận. Bộ chỉ huy quân sự đứng đầu là Thiếu tá Lạc, Thiếu tá Hưởng. Bộ phận đầu não vẫn là ông Nhu bên cạnh là ông Cao Xuân Vỹ. Bộ phận bên cạnh Tổng thống Diệm có vẻ bình thường. Theo Đại uý Hoàn: “Bọn tôi vẫn vui như Tết… quây quần quanh Tổng thống có tôi, 3 sĩ quan tuỳ viên khác và ông già Ân”. Lúc đầu thì có y sĩ Đinh Xuân Minh, Trung tá Kỳ Quan Liêm, ông Võ Văn Hải đến thăm ông Diệm rồi ra về, ông Quách Tòng Đức cũng thế. Tổng thống Diệm hút thuốc lá liên miên. Theo Đại uý Hoàn lúc đầu Tổng thống Diệm dao động sau bình tĩnh ngay. Ông Nhu thì trầm ngâm, mặt đen xạm, trán nhăn nheo. Ông gọi điện thoại cho Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu: “Toa liên lạc ngay lại với các ông Bộ trưởng, dặn các ông Bộ trưởng là phải ẩn một nơi đừng lên Bộ Tổng Tham mưu tụi nó đánh 1ừa đó “.
Về việc chiếm Đài Phát thanh thì Trung uý Bảo, Trung sĩ Trí liều mạng vọt xe qua ngã Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhìn từ xa Trung uý Bảo đã thấy nòng một khẩu dại bác đang chúc xuống ở thế bắn ngang… khẩu đại bác này đặt trong vòng thành Nha An ninh quân đội. Bảo biết ý nên ra lệnh cho tài xế rồ hết ga vọt bạt mạng. Một tiếng nổ véo, chiếc xe Jeep của Bảo bị bắn nổ lốp sau. Chiếc xe chao đi chao lại như con hổ bị thương. Nhờ tài xế vững tay lái nên xe không bị lật, Bảo và Trí nhảy xuống xe và chạy thục mạng về phía Đài Viễn thông. Hai người leo qua tường nhảy bắn vào cây chuối, ông Bảo té nhào nằm ngất xỉu trong ít phút. Hai người lại hè nhau chạy thục mạng về phía Đài rồi lẩn vào phía cửa sau. Cửa vẫn đóng kín mít. Hai người lại chạy ngược ra cửa trước. Một sự im lặng ghê rợn chết chóc. Một vài người lính của lữ đoàn giơ tay vẫy ông Bảo chạy về phía đó. Trung uý Xuân đang đứng trước cửa tiệm phở 44, phố xá vắng teo.
Một vài cánh cửa sổ hé mở, dân chúng ngấp nghé quan sát. Hai thiết giáp của lữ đoàn đậu phía trước đài khoảng cách khá xa.
Trung uý Bảo chưa hiểu rõ tình hình. Ông Xuân nói: “Tụi nó đang ở trên đó”. Bảo hỏi: “Sao không đánh vô, còn chờ gì?”. Xuân ngập ngừng lắc đầu. Cánh quân của Trung uý Xuân trước đó đã lấy được Đài một cách ngon lành nhưng lại chỉ chiếm được tầng dưới.
Sau này, Đại tá Phạm Ngọc Thảo thuật lại: Lúc ấy ông chỉ có vào khoảng trên một tiểu đội. Khi thiết giáp và lực lượng của lữ đoàn kéo đến lính của ông Thảo rút hết lên lầu. “Thấy các toa đến, tụi này hoảng quá đi. Lúc ấy chỉ cần một trung đội cứ xông vô đại, tụi toa đành khoanh tay chịu chết”.
TRÊN LẦU, DƯỚI NHÀ
Lúc ra đi, Trung uý Xuân cũng như ông Bảo, ông Trí đều được dặn dò:
– “Thay đổi được tình hình hay không là do chỗ chiếm được hay không chiếm được Đài Phát thanh “.
Từ dinh Gia Long ông Nhu bóp đầu nhăn trán vì Đài Phát thanh vẫn chưa chiếm được. ông bảo một sĩ quan tuỳ viên:
“Phải tìm mọi cách chiếm cho bằng được… Nếu không các địa phương sẽ mất hết tinh thần. Cứ để đài Phát thanh nói mãi như thế thì các đơn vị rồi đây sẽ theo bọn nó hết”.
Trung uý Xuân gọi về thành Cộng hoà cho biết: “Bọn nó rút hết lên lầu rồi. Tầng dưới bỏ không”. Một sĩ quan đề nghị dùng hoả lực tấn công trước, bắn cho sập lầu hai. Trung uý Bảo không đồng ý: “Mục đích của mình là chiếm Đài để cho phát thanh ngay lời hiệu triệu của Tổng thống. Bắn sập, hư hết máy móc thì còn làm được cái gì”.
Mọi người cứ dùng dằng mãi, ông Nhu thì trông ngóng. Giữa lúc ấy tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Phan Đình Phùng có hai ba xe Jeep của Trung tâm Vạn Kiếp (Vũng Tầu) thuộc quyền Trung tá Vĩnh Lộc. Trung uý Bảo thấy khả nghi, tiến lại hỏi: “Trung uý Thơm phải không? Đi đâu mà coi bộ quân lương mang theo đầy đủ vậy?”. (Thơm là sĩ quan phòng IV của Trung tá Vĩnh Lộc). Ông Thơm nói:
“Bọn này đi công tác…”. Sau này Trung uý Bảo mới biết, toán quân của Thơm cũng có phận sự về chiếm Đài Phát thanh. Lúc ấy tại Bộ chỉ huy thành Cộng hoà, Thiếu tá Duệ nhận được lệnh tại dinh Gia Long: “Phải hết sức bình tĩnh tránh đổ máu với thuỷ quân lục chiến.. Phải chờ lệnh Tổng thống…đang thu xếp, điều cần là phải lấy lại được Đài Phát thanh”. Bộ chỉ huy thành Cộng hoà gọi về dinh Gia Long: “Xin Tổng thống qua dinh Độc Lập… Tránh pháo kích… Nếu Tổng thống cho lệnh xin bỏ ngỏ thành Cộng hoà và rút hết về dinh Độc Lập”.
Đại uý Lê Cung Hoàn tại dinh Gia Long cho Thiếu tá Duệ biết: “Kể từ 5 giờ chiều trong dinh không còn một nhân vật dân sự nào. Theo lời Tổng thống mấy nhân vật dân sự đều rút hết sau khi vấn an Tổng thống”.
TRONG CƠN ĐAU
Đại uý Hoàn hỏi Đại uý Thọ: “Ông chú của cậu (Đại tá Đỗ Mậu) đã theo đảo chính rồi mà…cậu tính thế nào? Thọ còn ngơ ngẩn chưa biết nói sao thì Đại uý Hoàn lên tiếng: “Việc đó đã xảy ra như thế, thôi bây giờ mày về nhà đi. Nếu đảo chính thành công thì không nói làm gì. Nếu thất bại mày yên trí có tao ở trong này đảm bảo cho mày”. Đại uý Đỗ Thọ suy nghĩ một lát rồi mới nói: “Tôi chả đi đâu hết sống chết cũng ở bên cạnh Tổng thống. Chú tôi, ông ấy phản Tổng thống thì mặc ông ấy, tôi đâu có dính dấp gì. Mỗi người mỗi phận”. Thọ nói tiếp với Hoàn: “Chị ruột tôi theo Cộng sản tôi còn chả bị Tổng thống nghi ngờ huống chi ông Đỗ Mậu… Tôi không làm chính trị, cũng chẳng đảng phái chi hết. Tôi theo Tổng thống là tôi theo trung thành đền phút chót”. Đỗ Thọ mồ côi mẹ, chỉ có hai người anh em trai mà anh ta phải nuôi dưỡng. Chị ruột Đỗ Thọ là một người có nhan sắc thì đã theo Cộng sản.
Lúc đầu, khi nổ súng, người trong dinh đã có ý nghi ngờ Đỗ Thọ nhưng sau đó thì không ai quan tâm. Thọ tâm sự với Hoàn: “Nếu tôi theo phe đảo chính thì tôi ở nhà chứ mang thân vào đây làm gì?”.
Cùng vào khoảng giờ này (5 giờ ngày 1-11) Bộ chỉ huy tiểu đoàn 34 biệt động quân đang tập trung ở bến Tầu Sài Gòn đợi lên đường đi Dục Mỹ, bất ngờ nhận được lệnh của dinh Gia Long phải cấp tốc đem quân về bảo vệ Tổng thống. Nhằm vào ngày lễ, đơn vị lại ở trong tình trạng chờ ngày lên đường nên các sĩ quan không có mặt tại Bộ chỉ huy ngoài Chuẩn uý Anh. Nhận được lệnh chuẩn uý Anh hoàn toàn bối rối vì không biết phải làm như thế nào? Tiểu đoàn trưởng là Đại uý Sơn Thương lại không có mặt tại đơn vị. Rồi muốn tiến quân thì xe đâu mà chuyển. Dinh Gia Long lại ra lệnh: “Phải tìm mọi cách, hãy trưng dụng tất cả xe cộ của thông tin vận binh hiện đang có mặt tại bến tàu. Nếu không thì trưng dụng taxi, xe tải… “. Chuẩn uý Anh vác súng đến thông tin vận, mặt khác cho tiểu đoàn tập họp.
Do một tình cờ hiếm hoi, ông Anh là một Chuẩn uý lại trở thành đơn vị trưởng “tạm thời” của Tiểu đoàn. Chuẩn uý Anh cảm thấy vô cùng hào hứng vì bỗng nhiên Anh lại có cơ hội ngàn vàng để thi thố tài năng. Sau khi đã trưng dụng được xe và tập hợp xong Tiểu đoàn, chuẩn uý Anh gọi lên dinh Gia Long xin cho thiết giáp xuống mở đường.
Khoảng 6 giờ, lính biệt động quân của tiểu đoàn 34 đã lố nhố quanh vùng Catinat, Lê Lợi cho đến lúc ấy Đại uý tiểu đoàn trưởng và các sĩ quan đã có mặt đầy đủ tại đơn vị và tiến hành cuộc hành quân tiếp ứng dinh Gia Long. Sơn Thương nguyên là một sĩ quan nhảy dù và rất quen với chiến trận, cho nên, cuộc tiến quân đối với ông ta coi như cuộc đi chơi dạo. Viên Hạ sĩ cận vệ của đại đội trưởng, tay cầm súng, chạy lao lên hàng đầu.
Cánh quân đang lặng lẽ nép hai bên hè phố tiến về phía đường Lê Thánh Tôn. Viên hạ sĩ nói với Trung uý đại đội trưởng: “Lần này cứu được Tổng thống thế nào thày trò mình cũng có cái mề đay đeo chơi”. Cánh quân được lệnh dừng lại. Hai người ngồi dưới gốc cây chuyện trò như không có gì quan trọng.
Hạ sĩ Bồng tâm sự: Làm lính trong Dinh cực lắm anh ơi. Người anh tôi cũng ở trong đó.. chỉ muốn xin ra đơn vị chiến đấu mà không được.
Mỗi tháng cho tôi thêm mấy ngàn tôi cũng xin chịu… Ai dại gì chôn chân trong bốn bức tường. Lại không được ân huệ gì. Tôi thí dụ trường hợp anh chàng Thượng sĩ Vệ người bạn của anh tôi”: “Cái luật gia đình của bà Nhu gì mà kỳ cục quá. Thượng sĩ Vệ trong lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống lại là nạn nhân của luật gia đình. Nhân dịp biệt phái ra Huế anh chàng Vệ tằng tịu với một cô gái sông Hương… Nói đúng hơn anh ta bị người đẹp cho vào mê hồn trận. Sau đó, gia đình nàng bắt lập hôn thú nếu không sẽ làm lớn chuyện. Lính trong dinh rất sợ những vụ đó sẽ đến tai Tổng thống cho nên anh chàng Thượng sĩ Vệ phải nhắm mắt. Rồi ít lâu bị đổ bể, anh ta bị truy tố ra toà án quân sự Huế về tội song hôn. Toà phạt 3 tháng tù và bị giam ở quân lao Mang Cá Nhỏ. Mãn tù trở về lực lượng phòng vệ, lữ đoàn cho giải ngũ lập tức. Hiện giờ Vệ đang bị thất nghiệp, giải ngũ lại mang án thì làm sao kiếm được công việc!”. Hạ sĩ Bồng đang chuyện trò thì có lệnh di chuyển, một toán biệt động quân tiến lên… rẽ vào đường Lê Thánh Tông để tiếp ứng dinh Gia Long. Bỗng một loạt đại liên nổ vang. Bốn biệt động quân ngã quỵ.
Thấy lính trong dinh nổ bất tử làm thiệt 4 mạng, Đại uý Sơn Thương nhào lên vẫy tay. Phía biệt động quân hô lớn “Quân mình đó đừng có nổ súng, biệt động quân về cứu Tổng thống”. Lúc ấy lính trong dinh mới vỡ lẽ.
Tiểu đoàn của Sơn Thương được chỉ định về bố trí tại vùng bưu điện. Cả đêm 1-11 tiểu đoàn này bất động vì không có lệnh đánh ai cả. Phía quân đảo chính cũng không tấn công. Phía dinh Gia Long cũng chỉ cho biết “cứ nằm đó đợi lệnh”. Phe đảo chính được mật báo có tiểu đoàn 34 biệt động quân đang án ngữ vùng bưu điện nên tờ mờ sáng ngày 2-11, tướng Đôn viết một thư tay gởi cho Đại uý Sơn Thương. Đại ý chiêu hồi Sơn Thương đứng về phe đảo chính. Dĩ nhiên lúc ấy tiểu đoàn biệt động quân theo ngay vì mọi sự đã xong. Sau này, các tướng tá tham gia đảo chính đều được tưởng thưởng mỗi người một cấp. Sơn Thương thì không. Trong thư gởi cho Đại uý Sơn Thương tướng Đôn có hứa tưởng thưởng cho biệt động quân nếu tiểu đoàn này theo đảo chính do đó Sơn Thương khiếu nại. Đại uý Sơn Thương được thoả mãn ngay để gọi là công lao đảo chính được chia đều. Riêng có Chuẩn uý Anh thì lao đao… Sau phải lãnh mấy chục ngày trọng cấm vì tội dùng khí giới để áp đảo và trưng dụng xe của thông vận binh.
8 giờ tối, Thiếu tá Duệ ở thành Cộng hoà nhận được cú điện thoại của Tổng thống Diệm. Đại ý Tổng thống ngỏ lời cảm ơn sự trung thành của các quân nhân thuộc lữ đoàn. Tổng thống Diệm nói: “Vào giờ phút quyết liệt này Tổng thống mới rõ ai là người tốt, ai là người xấu. Tổng thống hêí lòng cảm ơn các con đã bảo vệ Tồng thống”. Sau đó thành Cộng hoà nhận được tin Tổng thống Diệm và ông Nhu đã ra đi.
Bây giờ thì như rắn mất đầu, biết nghe lệnh ai? Trước đây sĩ quan cao cấp trong lữ đoàn đã hỏi Tổng thống Diệm nếu khi có biến, gặp đến lúc không có Tổng thống và ông Nhu thì hỏi lệnh ai, họ được chính Tổng thống Diệm căn dặn: “Khi có biến nếu không có Tổng thống hay ông Nhu thì xin lệnh của tướng Đính hay tướng Khiêm “.
Khoảng 9 giờ thành Cộng hoà bị pháo kích như mưa. Con số bị thương đã lên đến 30 người tức là gần nửa quân số chiến đấu. Thượng sĩ Nguyễn cho biết: “Thiếu tá Duệ cho họp các sĩ quan tại bộ chỉ huy và hỏi ý kiến nên giữ thành hay bỏ thành?”. Một số thì yêu cầu rút lên dinh Gia Long. Nguyễn thì cho rằng: “Cứ ở mãi trong thành sẽ chết hết vì pháo kích “.
Một sĩ quan phòng II lên tiếng: Nếu ở lại cố thủ chiến đấu thì cũng được, nhưng cho đến giờ phút này có đạo quân nào của phe đảo chính tấn công mình đâu? Vậy thì đánh với ai, chi bằng “chém vè” để tránh pháo kích. Hơn nữa Tổng thống đã đi rồi còn giữ thành làm chi”. Mấy hạ sĩ quan khác lại cho rắng: “Tuy Tổng thống đã ra đi nhung vẫn chưa có lệnh cho bọn mình rút lui, xin Thiếu tá cứ để chúng tôi cố thủ”.
Vào khoảng 11 giờ, thành Cộng hoà đã hứng chịu khoảng 400 trái 105 ly.
Con số bị thương tăng lên 40 người. Bộ chỉ huy quyết định: “Bỏ ngỏ thành Cộng hoà tìm cách di tản thương binh, còn ai muốn đi đâu thì đi. Nếu tìm cách lên được dinh Gia Long là tốt nhất”. Lúc ấy mọi người đã kiệt sức vì chưa ăn gì và không có cả nước để uống.
Bộ chỉ huy gọi lên dinh Gia Long yêu cầu Thiếu tá Lạc gởi mấy chiếc thiết giáp xuống để mở đường rút lui. Nhưng dinh Gia Long cho biết: “Không thể xuống được, các lối đều bị thiết giáp của phe đảo chính chặn hết rồi”…
Khoảng 12 giờ, thành Cộng hòa bỏ ngỏ. Từng tốp, nối đuôi nhau chạy thoát thân dưới làn đạn… trọng pháo. Duy chỉ có bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cùng mấy y tá, một số thương binh ở lại. Cũng có một số quân nhân và hạ sĩ quan gan dạ nhất định không chịu ra đi. Tổng kết từ 1 giờ 30 đến 9, 10 giờ tối có khoảng 45 quân nhân bị thương và 6 người chết vì trọng pháo.