Chương 15: Cuộc hòa giải âm thầm

Cuộc tranh đấu của Phật giáo đã biến chuyển mau lẹ. Đầu tháng 6, riêng tại Huế và miền Trung phong trào tranh đấu đã lan rộng đến các tỉnh, quận, xã. Thành phần sinh viên, học sinh cũng bắt đầu nhảy vào cuộc, chính quyền Sài Gòn cũng vẫn lạc quan, tin là có thể giải quyết êm đẹp.

Nhưng cái đinh của biến cố vẫn là Huế và chùa Từ Đàm trở thành Tổng hành dinh của cuộc tranh đấu.

Điều rõ rệt là các thượng tọa miền Trung muốn nói chuyện trực tiếp với chính quyền. Khi thấy chính quyền kể từ 8-5 đến 30-6 chỉ tìm cách điều đình với các nhà lãnh đạo Phật giáo tại miền Nam thì các Thượng tọa chùa Từ Đàm bắt đầu lo lắng.

Đầu tháng 6, Thượng tọa Thiện Minh vào Sài Gòn tìm một con đường riêng để trực tiếp nói chuyện với chính quyền. Nhưng về phía ông Ngô Đình Nhu thì cho rằng: Không thể nào điều đình với mấy ông Thượng tọa như Thượng tọa Thiện Minh và Trí Quang được. Trước đây, ông Nhu không quan tâm đến các Thượng tọa vì mọi việc đã có “chú Cẩn” lo liệu. Từ lúc biến cố bùng nổ, ông Nhu bắt đầu mới tìm hiểu nhân sự về Phật giáo. Ông Nhu có định kiến rằng mấy Thượng tọa có hồ sơ khả nghi và có nhiều liên hệ với giáo sư Lê Đình Thám. Qua báo cáo ông Nhu lại có định kiến thêm rằng: Những phương thức tranh đấu từ ngày 8-5 đến đầu tháng 6 đều là những phương thức của một chiến lược trường kỳ tranh đấu với xuất xứ rất khả nghi.

Tại Huế ngày 30-5 chùa Từ Đàm bị cô lập ít ngày sau điện nước cũng bị cúp luôn. Một số đông thanh niên Phật tử rút vào chùa rồi võ trang bằng gậy gộc, đá… để lo việc bố phòng. Số lương thực trong chùa lúc đó chỉ có thể kéo dài được hai tháng. Ngày 4-6 lại có biểu tình xô xát tại Huế, lực lượng an ninh phải dùng lựu đạn cay giải tán, một số chỉ bị thương nhẹ, nhưng vài ngày sau báo chí Mỹ lại làm um lên. Tại Sài Gòn dư luận lại được dịp lan truyền mau chóng và rất khích động như tăng ni bị bắn, bị thương và bị cầm tù bằng những hình thức dã man của nhà cầm quyền địa phương.

Quả thực lúc đó chính quyền Thừa Thiên quá yếu. Trước kia nhận lệnh trực tiếp từ nơi ông Cẩn thì nay phải đợi lệnh từ Trung ương. Ông Nguyễn Văn Hà người thay thế Nguyễn Văn Đẳng lại ôn hoà và có rất nhiều tình cảm với các Thượng tọa bên chùa Từ Đàm cho nên ông không thể mạnh tay đàn áp, dù cuộc biểu tình ngày 4-6 cũng không đông đảo bao nhiêu.

Dư luận báo chí ngoại quốc như thế nào, tờ Công luận tại Đài Bắc liên tiếp đăng tải những bài bình luận lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và cho rằng chính quyền này kỳ thị tôn giáo, đã đặt Thiên chúa giáo lên hàng đầu và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. “Trước khi băng hà Đức giáo hoàng Jean XXIII đã lên tiếng. Nhân loại không thể có quyền kỳ thị: Nhưng đối với tín ngưỡng của anh em Tổng thống Diệm thì lời nói của Đức Giáo hoàng trở thành vô nghĩa” (Công luận l-6-1963). Những tờ báo có uy tín như Express News, China Post, China News đều đăng những hình ảnh bình luận tin tức hoàn toàn bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Báo chí Thái Lan tỏ ra dè dặt hơn nhưng báo Thái ngữ (ngày 23-5-1963) đã lên tiếng nghiêm chỉnh cảnh báo “Biến cố Phật giáo nếu không sớm giải quyết sẽ bất lợi lớn cho chính quyền, vì chắc chắn Cộng sản sẽ nhảy vào lợi dụng sự bất mãn của Công giáo để làm to chuyện “. Tại Miên, Sihanouk lợi dụng ngay vụ Phật giáo để gây rắc rối. Báo chí Miên từ thiên tả đến thiên hữu đều lên tiếng công kích chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ tờ thiên tả La Depêche du Cambodge đến Campuchia và tờ Neak Cheat Niyum (của chính quyền) đều nhất loạt công kích chính quyền Ngô Đình Diệm.

Từ đầu tháng 6 tại Nông Pênh liên tiếp tổ chức những cuộc mít tinh tại ngôi chùa lớn Onnlum để lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Báo chí Mỹ lại càng công kích mãnh liệt hơn nữa như tờ NewYork Times, Washington Post, NewYork Herald Tribunne, đã đứng hẳn về phía Phật giáo. Tờ NewYork Times 31-5 thì cho rằng cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam đã chứng tỏ dân chúng đã bất mãn sâu xa với chế độ. Ảnh hưởng và uy tín của Hoa kỳ sẽ bị tổn thương và Mỹ không thể đứng ngoài vòng cuộc tranh chấp (có nghĩa là Mỹ phải nhúng tay vào).

Tầm nhìn của báo chí Mỹ cũng không khác bao nhiêu lập luận của các hãng thông tấn UPI, AP, CBS News có nghĩa là hoàn toàn chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và như tờ US News và World Report lại cả quyết rằng: “Các nhà lãnh đạo Phật giáo chỉ yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dút sự kỳ thị tôn giáo nhưng ngược lạiTổng thống Ngô Đình Diệm đã đàn áp mạnh các nhà lãnh đạo Phật giáo. Do đó chính quyền của ông đã tách rời Thiên chúa giáo ra khỏi tập thể đại đa số phật giáo đồ tại miền Nam ( 24-6-196)”. Tờ báo trên còn lên tiếng: “Qua cuộc tranh chấp giữa chính quyền và Phật giáo, Cộng sản sẽ tuyên truyền với dân chúng rằng Diệm tiêu diệt Phật giáo để mở đường cho Đế quốc Mỹ xâm lăng miền Nam Việt Nam “.

Báo chí Mỹ thì như vậy. Giới chức Mỹ tại toà Đại sứ luôn luôn áp lực với Ngô Đình Diệm phải điều đình với Phật giáo, phải mở rộng nội các, phải ban hành dân chủ rộng rãi. Vấn đề quan trọng hơn nữa là phải đẩy vợ chồng Nhu ra khỏi nước.

Khi được biết Tổng thống Diệm tìm cách điều đình trực tiếp với mấy Thượng tọa miền Trung thì ông Nhu không đồng ý. ông cho rằng không thể nhượng bộ được và mấy vị thượng tọa này không “thuần tuý tu hành”.

Tuy vậy Tổng thống Diệm vẫn quyết định theo ý riêng của ông.

Ngày 5-6, bác sĩ Trương Khuê Quan được gọi vào dinh để gặp Tổng thống. Giới thân cận cho biết không khí hôm đó thật nặng nề khó thở.

Trong căn phòng Tổng thống, ông Nhu ngồi riêng trên một ghế bành, nét mặt đăm chiêu khó chịu. Ông mặc chiếc áo sơ mi Hong kong ngắn tay im lặng không nói một lời. Bộ trưởng Bùi Văn Lương đứng bên Tổng thống Diệm, bác sĩ Trương Khuê Quan bước vào chào theo lối nhà binh (ông là một bác sĩ Trung tá). Tổng thống Diệm gật đầu rồi chỉ, cho ông ngồi đối diện với Tổng thống rồi hỏi ngay:

– Tôi nghe Trung tá quen biết với mấy thầy ở chùa Từ Đàm phải không?

Bác sĩ Quan đáp:

– Dạ thưa có, gia đình tôi quen biết các thầy từ lâu.

Tổng thống Diệm nói tiếp:

– Trong lúc khó khăn như thế này tôi muốn nhờ Trung tá giúp cho qua cơn khó khăn với các thầy ngoài đó. Ở ngoài đó mấy thầy ấy cứ tuyệt thực rồi biểu tình này khác. Được biết Trung tá có quen biết, tôi nhờ Trung tá liên lạc với mấy thầy không biết Trung tá có khả năng dàn xếp cho êm được không?

Bác sĩ Quan chưa kịp trả lời thì Tổng thống Diệm nói tiếp:

– Nhờ Trung tá giúp và giải thích xem họ muốn gì?

Bác sĩ Trương Khuê Quan trả lời:

– Thưa Tổng thống, tôi có quen biết với mấy thầy, có làm việc chung với mấy thầy từ năm 1946 cho đến khi nhập ngũ (1956) chuyên lo Phật sự và Hoằng Pháp.

Từ khi nhập ngũ đến nay tôi không có dịp để hoạt động với mấy thầy ấy nữa. Việc giải thích và dàn xếp không biết mấy thầy ấy có nghe không, nhưng Tổng thống đã ra lệnh thì tôi sẵn sàng thi hành.

Bác sĩ Trương Khuê Quan ngừng lời, Tổng thống Diệm bất thần hỏi:

– Người ta nói ông Trí Quang thân Cộng, ông vẫn thường xuyên hoạt động cho Cộng sản có đúng vậy không?

Bác sĩ Quan đáp:

-Thưa Tổng thống tôi không dám trả lời là có hay không.

Sau đó bác sĩ Quan trình bày đại ý rằng, Thượng tọa Trí Quang có là Cộng sản hay không vấn đề này thực sự quan trọng. Điều cần nhất là phải tìm hiểu sự tiến triển của Hội Phật giáo như thế nào và nhất là kiểm điểm những hình thức và môi trường nào đã đào tạo ra Thượng tọa Trí Quang ngày nay. Tóm lại bác sĩ Quan hoàn toàn dè dặt và không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tổng thống Diệm.

Tổng thống Diệm yên lặng suy nghĩ lao lung.Sau đó, hỏi về môi trường đã đào tạo nên một Thích Trí Quang. Bác sĩ Quan đáp:

– Thầy Trí Quang cũng như một số thầy khác được đào tạo trong một lớp Phật học tại chùa Bảo Quốc mà bác sĩ Lê Đình Thám lúc ấy (1940) là Chủ tịch Hội nghiên cứu Phật học Trung Việt.

Tổng thống Diệm đáp ngay:

– Tôi biết, Lê Đình Thám hiện thời đi ra đằng kia.

– Thưa Tổng thống, có lẽ như vậy e không được rõ. Xin Tổng thống cho tìm hiểu thêm một chút nữa may ra có thể giải quyết được.

Ông Nhu ngồi lim dim, từ nãy giờ ông vẫn im lặng không nói một câu. Khi nghe nhắc đến Lê Đình Thám, ông Nhu nhăn trán rồi bỗng đứng lên với vẻ giận dỗi nói trống không:

– Phải chứ! điều đình với họ phải chắc, nếu không như vậy thì người ta lại đổ thừa cho mình đàn áp.

Đây chỉ là lời nói giận lẫy của ông Nhu, mọi người đều cảm thấy không khí thật nặng nề khó thở. Ông Nhu đứng lên đi thẳng một mạch, không nói thêm một câu. Trong phòng Tổng thống Diệm chỉ còn lại Nguyễn Đình Thuần, Bùi Văn Lương, bác sĩ Quan và bác sĩ Tuyến.

Tổng thống Diệm vẫn bình tĩnh và như không để ý đến thái độ giận lẫy của ông Nhu. Tổng thống Diệm bảo bác sĩ Quan:

– Tôi nhờ Trung tá ra ngoài đó coi xem như thế nào. Trung tá nói với các thầy ấy ngưng tuyệt thực đi và dân chúng đừng có làm gì phiền nhiễu quá đáng. Cứ từ từ rồi mọi việc sẽ được thu xếp ổn thoả.

Cuộc yết kiến Tổng thống Diệm kéo dài trên 40 phút. Sau buổi chiều đó, Bộ Quốc phòng lo giấy tờ cho bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế. Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần trao cho bác sĩ Trương Khuê Quan hai lá thư viết tay phong kín – lá thư gởi riêng cho đại biểu Chính phủ Nguyễn Xuân Phương. Một lá yêu cầu trao tận tay Đại tá Đỗ Cao Trí Tư lệnh sư đoàn I – Nội dung lá thư đó vừa giới thiệu bác sĩ Quan vừa chỉ thị một số điểu căn bản về việc giải quyết vụ Phật giáo tại Huế và Quảng Trị.

Ông Ngô Đình Nhu chống lại phương thức giải quyết của Tổng thống Diệm. Ông vẫn có định kiến: Mấy tay đó tu hành khi được cái này sẽ đòi cái khác… có chiến lược trường kỳ mà…Ai còn lạ gì Lê Đình Thám…Hắn là marxiste mà…Phật giáo nhà nuộc Cộng sản mà”. Tuy vậy ông Nhu không thể chinh phục được Tổng thống Diệm. Tổng thống Diệm cũng có biết ít nhiều về giáo sư Lê Đình Thám. Nhưng có lẽ không được hiểu rõ lắm.

Khoảng năm 1956, trong một cuộc hành quân tại mật khu Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Thừa Thiên (phần đầu đã viết) quân đội có bắt được một tài liệu mật thuộc loại “tài liệu chiến lược”. Tài liệu liên quan đến công tác tôn giáo vận tại miền Nam và những dự định tổ chức những hội đoàn Phật giáo theo công thức và chủ đích của Đảng Cộng sản. Tài liệu này được trao cho ông Cẩn và nó lại dính dáng tới Thượng tọa Trí Quang cũng như Thượng tọa Thiện Minh, sau đó ông Cẩn mời quý thày tới tư thất để tìm hiểu và thông cảm. Ông Cẩn giữ tài liệu này như một bảo bối. Trường hợp ông Cẩn người ta nói rằng “chơi dao có ngày đứt tay” thì quả có đúng như vậy.

Thượng tọa Trí Quang, được Phật giáo miền Trung nhất là Phật tử giới trẻ tôn sùng như thần tượng. Trước vụ Phật giáo 1963, không có một dấu hiệu khả nghi nào về hoạt động chính trị của Thượng tọa Trí Quang. Riêng Thượng tọa Thiện Minh lại có những giao hảo rất tốt đẹp với ông Cẩn.

Bỗng dưng biến cố bùng nổ và mỗi ngày một lớn dần càng lan rộng tại Huế. Giới chức an ninh lại có báo cáo gửi về Sài Gòn cho biết Lãnh sự và Phó Lãnh sự Mỹ tại Huế đã liên lạc mật thiết với các thầy tại chùa Từ Đàm. Sở dĩ biết được như thế vì giới an ninh ở đây đã móc nối với một nhà sư trẻ ở An Cựu, đệ tử của thầy Thiện Minh về sống gần các thầy…cho nên nhiều kế hoạch của Từ Đàm đã bị phát giác trước khi thực hiện.

Chính quyền trung ương mắc một lỗi lầm lớn là chỉ nhìn tình hình qua thông báo của địa phương mà báo cáo của giới chức an ninh thời nào cũng vậy đều bị méo mó nghề nghiệp và bị ám ảnh nặng nề bởi cái bóng ma Cộng sản. Có nhẽ ông Ngô Đình Nhu có định kiến với mấy thầy Trí Quang và Thiện Minh qua những báo cáo của địa phương chăng?

Dù ông Nhu không tán thành việc dàn xếp với mấy Thượng tọa chùa Từ Đàm nhưng ông cũng không ngăn cản (ông Nhu chỉ quyết liệt vào trung tuần tháng 7).

Ngày 6-6-l963, bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế đi chuyến máy bay đầu tiên. Không khí Huế lúc ấy nặng nề lắm. Chùa Từ Đàm bị phong toả thành phố mang vẻ ốm đau. Ông Nguyễn Xuân Khương đã chính thức nhận đại biểu Chính phủ vào ăn ở ngay trong căn phòng thuộc lầu 2 của toà Đại biểu. Cho đến ngày bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế thì ông Nguyễn Xuân Khương có vẻ lạc quan cho rằng chính quyền sẽ thắng thế. Nhất là nhờ biện pháp cúp điện nước và phong toả, chùa Từ Đàm bắt đầu mệt mỏi. Nhưng ông Khương lại không hiểu quy luật tranh đấu và phương thức giải quyết đó phù hợp với những đòi hỏi xuất phát từ quy luật này. Giả như cúp điện nước và phong toả chùa có thể giúp chính quyền thắng thế nhưng chỉ là cái thắng thế nhất thời và chỉ tạo thêm cho phía tranh đấu có cớ để hào quang hoá đối tượng tranh đấu.

Từ đầu tháng 6, Phật tử Sài Gòn càng thêm nôn nao bất mãn về việc chính quyền cúp điện nước và phong toả chùa Từ Đàm. Từ đó, dư luận lại càng thêm sôi nổi và càng được bi đát hoá, báo chí Mỹ-Pháp lại có dịp khai thác và thổi phồng. Nhưng tình hình tại chỗ lại không bi đát như vậy.

Các Thượng tọa chùa Từ Đàm bắt đầu muốn nhượng bộ, nhưng dù sao vẫn còn tự ái và không thể làm mất hào quang cho cuộc tranh đấu được. Trong cái thế kẹt dó thì sự thành lập Uỷ ban Liên bộ để cùng với Uỷ ban Liên phái giải quyết song phương, được coi như một lối thoát tốt đẹp, mà không còn lối thoát nào khác hơn ngoài việc sử dụng biện pháp mạnh.

Bác sĩ Trương Khuê Quan ra Huế thi hành sứ mạng móc nối cho đường lối giải quyết này. Bác sĩ Trương Khuê Quan khi đến Huế thì vội vã gặp ngay ông Nguyễn Xuân Khương. ông Khương còn đang trong phòng riêng với bộ quần áo ngủ tiếp “sứ giả” Sài Gòn. Theo Lương Khải Minh thuật lại thì bác sĩ Quan trao thư của Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần cho ông Khương, ông Khương vừa xem xong đổi sắc mặt, thái độ tức giận, ông đập mạnh lá thư xuống bàn nói với sự đau khổ của người thất bại “Thế này thì Chính phủ thua họ rồi còn gì”. Ông Khương nhăn nhó rồi nói với bác sĩ Trương Khuê Quan: “Ở đây đã giải quyết gần xong rồi, họ đã chịu thua rồi. Họ đã chịu điều kiện tổ chức một buổi lễ mời Tổng thống ra để họ tạ tội rồi.

Bây giờ thế nầy thì Chính phủ thua rồi…chúng tôi còn làm gì được nữa”.

Bác sĩ Quan chỉ có nhiệm vụ thi hành chỉ thị của Tổng thống Diệm. Ông không góp thêm một ý kiến nào. Khi Bác sĩ Trương Khuê Quan đến gặp Đại tá Đỗ cao Trí trao thư của ông Thuần, Đại tá coi thư xong cũng lộ vẻ giận dỗi, hoàn toàn không đồng ý. Đại tá Trí than trời: “Thế này thì làm sao mà dẹp cho êm được”. Ông Trí tâm sự với bác sĩ Trương Khê Quan: “Anh nghĩ coi…khó lắm anh ơi. Mấy cái ông thày đó ngang ngược còn hơn…anh ơi” Ông Trí lại than vắn thở dài: “Nhưng thôi mình là nhà binh thì thượng cấp chỉ đâu làm đó, biết sao bây giờ”. Đại tá Đỗ cao Trí hứa với bác sĩ Quan: “Trong khả năng của tôi, tôi xin giúp cho anh mọi phương tiện mà anh cần”. Vẫn theo Lương Khải Minh sau đó Đại tá Đỗ cao Trí tự tay lái xe đưa bác sĩ Quan đến chùa Từ Đàm và tự tay ông nhắc hàng rào kẽm gai để bác sĩ Quan vượt qua “bức tường” phong tỏa.

Bên trong các thanh nữ Phật tử đang lo phận sự bố phòng canh gác. Không khí rất yên tĩnh. Các tu sĩ vẫn sinh hoạt bình thường.

Khi vào nhà trai thì Thượng tọa Trí Quang đang ngồi đánh cờ. Vừa trông thấy bác sĩ Quan Thượng tọa Trí Quang đã tươi cười “ À chào sứ giả Hòa Bình và từ Sài Gòn ra”. Sau khi thi lễ vấn an bác sĩ Quan đi thẳng vào câu chuyện. Ông trình bày thiện chí giải quyết của Tổng thống Diệm với Thượng tọa Quang và mấy Thượng tọa chủ chốt khác. Không khí thật vui vẻ hòa hoãn. Thượng tọa Trí Quang yêu cầu bác sĩ Quan can thiệp để nhà cầm quyền ngưng cúp điện nước, nhưng lúc đó thì ông Nguyễn Xuân Khương đã ra lệnh giải tỏa vấn đề điện nước, bây giờ chỉ còn hàng rào kẽm gai phong tỏa.

Buổi tối hôm ấy, bác sĩ Trương Khuê Quan lưu lại chùa Từ Đàm sau khi từ Quảng Trị trở về. Đây là một sứ giả duy nhất của Sài Gòn có dịp gần mấy Thương tọa trong thời gian 2 ngày để tìm sự thông cảm từ hai phía. Bác sĩ Quan cho Thượng tọa Trí Quang biết rõ ý của Tổng thống Diệm là muốn các sư sãi ngưng ngay tuyệt thực và trở về nếp sống bình thường, sau đó Phật giáo sẽ cùng chính quyền giải quyết. Thượng tọa Trí Quang yên lặng một cách khó hiểu. Tuy nhiên ông cũng viết một lá thư trao cho bác sĩ Quan đưa ra Quảng Trị chỉ thị cho chùa Tỉnh Hội ở đây ngưng tuyệt thực.

Từ Huế ra Quảng Trị, Đại tá Đỗ Cao Trí phải cho xe gắn đại liên hộ tống bác sĩ Quan mặc dù đường Huế-Quảng Trị lúc ấy vẫn còn an ninh, xe cộ có thể đi lại suốt ngày đêm nhưng chuyến hành trình của bác sĩ Quan có vẻ gian nan và ông cũng linh cảm thấy sự ngột ngạt, khó chịu, khi đến Quảng Trị không khí còn ngột ngạt hơn.

Tại Quảng Trị, tình hình trong mấy ngày 4, 5, 6 càng trở nên sôi bỏng. Chùa Tỉnh Hội cũng như tại Từ Đàm Huế đều bị phong toả. Các tăng ni vẫn tiếp tục tuyệt thực. Không khí hết sức dao động.

Nhưng khi bác sĩ Quan trao thư tay của Thượng tọa Trí Quang thì cuộc tuyệt thực được chấm dứt ngay. Sứ giả Sài Gòn đã làm xong nhiệm vụ. Nhưng tình hình có thay đổi không chỉ là tạm thời an bình để sửa soạn cho một kế hoạch mới?

Giới chức Huế lúc bấy giờ không tin rằng phía các Thượng tọa có đủ lực lượng để làm lớn chuyện và cũng tin rằng có thể thu xếp xong bằng biện pháp mạnh. Tất cả đều chú ý đặc biệt đến Thượng tọa Trí Quang vì cho rằng vị Thượng tọa này mới là người chủ động, là linh hồn của cuộc tranh đấu. Nhưng sự thực Thượng tọa Thiện Minh mới là người chủ chốt hành động. Thượng tọa Trí Quang chỉ là khuôn mặt có tính cách tiêu biểu cho lãnh đạo Phật tử về mặt nổi, mặt chìm với phương tiện và người hành động đều do Thượng tọa Thiện Minh với tất cả phương thức tranh đấu của một người thâm sâu, bí hiểm lãnh đạo.

Khi được Tổng Thống Diệm chấp thuận hoà giải trực tiếp với các Thượng tọa Từ Đàm, phía Thượng tọa Thiện Minh đã thắng được hiệp đầu và gỡ được lối thoát cho các nhà lãnh đạo Phật giáo tại Huế đang bị bế tắc.

Khi Bác sĩ Trương Khuê Quan từ Quảng Trị trở lại Huế, ông ngủ lại chùa Từ Đàm một đêm. Trước đó, đại biểu Nguyễn Xuân Khương có đưa ông lại tư thất Đức Cha Ngô Đình Thục, ông Quan ngồi đợi tại phòng khách.

Đại biểu Khương vào trình bày với Đức Cha Thục đến 2 giờ đồng hồ về những chỉ thị hoà giải của Sài Gòn. Nhưng ông Quan vẫn không được Đức Cha Thục tiếp kiến và cũng không cho biết ý kiến của Đức Cha Thục như thế nào. Sau đó bác sĩ Quan cùng Đại biểu Khương đến tư dinh ông Cẩn và ở đây ông Quan cũng phải chờ đợi lâu cả giờ đồng hồ mà vẫn không được ông Cẩn tiếp.

Tuy vậy, cho đến lúc ấy ông Cẩn vẫn một lòng bênh vực giải pháp điều đình trực tiếp với Huế.

Điều mà trước đây ông đã thỉnh thị với Sài Gòn và chính ông đã cho chuyển lá thư tay của Thượng tọa Trí Quang lên Tổng Thống Diệm, lá thư ấy được viết ngay tại nhà ông Cẩn với lời lẽ hết sức khiêm nhường và chỉ yêu cầu giải quyết hai nguyện vọng mà thôi. Đến nay, Tổng thống Diệm chấp thuận điều đình thẳng với Thượng tọa Từ Đàm tức là ông Cẩn đã toại nguyện, vì từ 7, 8 năm qua, ông Cẩn tự hào về mối liên hệ chặt chẽ giữa ông và các Thượng tọa Trí Quang, Thiện Minh cho nên biến cố xảy ra ngoài ý muốn của ông, ông cũng một lòng bênh vực các Thượng tọa cũng là điều dễ hiểu.

Bác sĩ Quan đã thành công một phần nhiệm vụ nhưng Sài Gòn lại đánh điện gọi ông Quan về gấp.

Trong thời gian bác sĩ Trương Khuê Quan ở Huế có nhiều truyền đơn được tung ra “tố cáo một Trung tá từ Sài Gòn đã âm mưu với các Thượng tọa chùa Từ Đàm”.

Không khí thật ngột ngạt. Ông Quan nhờ chiếc xe Cammontette của Chi cuộc quân tiếp vụ để ra phi trường Phú Bài cùng với Thượng tọa Thiện Minh về Sài Gòn. Viên Thượng sĩ chỉ cho ông mượn xe mà không dám tự lái xe vì trên xe có Thượng tọa Thiện Minh, ông cho mượn xe rồi chuồn lẹ. Lúc ấy, kể cả xe đò, xe ca của Air Việt Nam đều không chịu chở các Thượng tọa nhất là Thượng tọa Thiện Minh. Tình cờ, bác sĩ Quan gặp ông Cao Xuân Vỹ và Trung tá Huỳnh (Phó Giám đốc Nha An ninh quân đội) ra công cán tại Huế và cùng về Sài Gòn một chuyến với ông Quan. Hai ông đi nhờ xe của quân tiếp vụ ra Phú Bài. Nhưng mặc dù cùng phục vụ một chế độ nhưng mỗi người lại thi hành cho một đường lối khác nhau.

Trên chuyến xe đó có cả Thượng tọa Thiện Minh. Nhịp cầu Phật giáo Huế và Sài Gòn bắt đầu bắc nhịp.

Khi trở về, bác sĩ Quan mới giật mình về chuyến đi quá nguy hiểm của ông mà chính Bộ Quốc phòng cũng không tiên liệu được. Không hiểu những tính toán như thế nào của giới chức tại Huế nhưng đã hoàn toàn bất lợi cho bác sĩ Quan.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần phải đánh điện khẩn cấp gọi bác sĩ Quan về ngay, vì e ngại “có thể nguy đến tính mạng”.

Riêng Thượng tọa Thiện Minh, khi vào Sài Gòn lần này ông lại tiếp xúc một lần nữa với Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần. Bác sĩ Tuyến cũng đến thăm Thượng tọa Minh tại nhà một người quen. Qua cuộc mạn đàm với bác sĩ Tuyến, Thượng tọa Minh tỏ ra rất cởi mở và ôn hoà, có thể nói Thượng tọa Minh đã mềm dẻo ngoài sự mong đợi của chính quyền.

Ngày 5-6- 1963, Uỷ ban Liên bộ cùng Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo nhóm họp lần thứ nhất tại hội trường Diên Hồng. Về phía Chính phủ có Phó Tổng thống Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và Bùi văn Lượng. Về phía Phật giáo có các Thượng tọa Tâm Châu, Thiện Minh, Thiện Hoa, Huyền Quang, Đức Nghiệp, Đại đức Đức Nghiệp là phát ngôn viên của phái đoàn Phật giáo.

Phiên họp đầu tiên mới chỉ có tính cách giới thiệu và nghi lễ cùng thảo luận một số vấn đề liên quan đến thủ tục và phương thức thảo luận.

Cho đến ngày 5-6, hiệu lực của Uỷ ban Liên phái chưa có gì đáng kể, nếu không muốn nói là quá lỏng lẻo. Ngay trong Uỷ ban Liên phái cũng có 3 khuynh hướng. Khuynh hướng Phật giáo trong Nam vẫn còn dè dặt, e ngại vì sự hiện diện của Thượng tọa Thiện Minh, mà khuynh hướng này vẫn có định kiến là “Người của ông Cẩn”.

Khi Thượng tọa Thiện Minh vào Nam lãnh một vai trò quan trọng như vậy nhưng vẫn chưa có hậu thuẫn quần chúng, chưa có cán bộ, phần lớn cán bộ trong giai đoạn này đều thuộc ảnh hưởng của các Thượng tọa Châu, Thượng tọa Tâm Giác, Đức Nghiệp. Mà những cán bộ này ( nói cán bộ không đúng danh nghĩa) hầu hết thuộc thành phần đảng phái Quốc gia có kinh nghiệm hành động và vốn bất mãn với chính quyền. Tuy không phải là Phật tử thuần thành nhưng cũng vẫn có danh nghĩa Phật tử và nhân cơ hội ngàn năm có một này thì họ tạm thời đứng cùng với Phật giáo để tranh đấu.

Đáng kể nhất là một số cán bộ thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng (thuộc thế hệ trẻ) miền Bắc di cư, cũng như hai miền Nam Ngãi, giai đoạn đầu đã góp công không nhỏ làm hậu thuẫn cho các Thượng tọa trong Uỷ ban Liên phái. Sau nữa là một số nhỏ trong hàng ngũ Đảng Duy dân.

Lớp cán bộ trẻ này, vì nhiệt huyết vì lòng trung kiên với lý tưởng và đồng thời cũng bị thúc đẩy bởi khát vọng làm thay đổi tình hình (họ có biết đâu đó chỉ là ảo tưởng)…cho nên nhân cơ hội “biến cố Phật giáo” thì vùng dậy.

Hầu hết lớp trẻ đã hết tin vào lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, tan tác mỗi người một nơi không tổ chức nhưng vẫn còn truyền thống để kết hợp. Mà Phật giáo với hình ảnh một Tiêu sơn tráng sĩ cũng là động cơ làm sống động truyền thống của Đảng…Với những lãnh tụ già nua hủ bại, đã không kết hợp được giới trẻ cho một công trình tranh đấu lớn lao. Bỗng nhiên một số Thượng tọa đứng lên lãnh đạo tranh đấu lần thứ nhất trong lịch sử Việt Nam sau nhà Lý. Chính các Thượng tọa này đã trở thành thần tượng thu hút hầu hết các đảng viên trẻ của Việt Nam Quốc dân Đảng cũng như Đại Việt (nhóm Tư Quyết và Ba Lòng) và một số nhỏ đảng viên Đảng Duy dân.

Giới đảng viên kỳ cựu cũng tích cực dấn mình vào cuộc tranh đấu như nhóm Việt quốc của cụ Bạch Vân (Công giáo) nhóm ông Đĩnh (tự Đĩnh cụt Công giáo) nhóm Việt quốc miền Nam, nhóm Đại Việt Nguyễn Tôn Hoàn, nhóm Việt quốc Như Phong, Nguyễn Hoạt (từ Tự Do).

Ngoại trừ mấy nhóm đảng viên kỳ cựu như đã viết ở trên còn các nhóm khác, hoạt động lẻ tẻ ủng hộ cuộc tranh đấu bằng tinh thần và hỗ trợ theo cách riêng. Hầu hết thành phần trẻ tạm thời tự động thoát ly Đảng để tự đặt mình trong công cuộc tranh đấu với hy vọng cuộc tranh đấu thành công thì họ sẽ là những thành phần cốt cán chủ động phục hồi đảng.

Vốn lãng mạn từ bản chất, tinh thần cách mạng tự lực, lớp trẻ này lại không được đào tạo theo một kỹ thuật đấu tranh, cũng không biết về quy luật đấu tranh, cho nên vô hình họ trở thành con tốt trong một ván cờ, mặc dầu khi dấn thân vào cuộc họ dâng cả trái tim, cả bầu nhiệt huyết, cả cuộc đời. Những Uyên, Thao, Vy, Ý là một thí dụ.

Qua văn thư của Chính phủ Mỹ do Phó Đại sứ Truhert trao cho Bộ trưởng Thuần để trình lên Tổng thống Diệm thì Chính phủ Mỹ nóng lòng thúc đẩy Tổng thống Diệm giải quyết vụ Phật giáo, vì cho rằng báo chí và dư luận Mỹ đang bất lợi cho Chính phủ Việt Nam Cộng hoà và riêng Tổng thống Kennedy đang gặp khó khăn tại quốc nội do cuộc khủng hoảng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam. Từ Ngoại trưởng Mỹ đến Tổng thống Kennnedy đều cùng một lập trường, thúc đẩy Chính phủ Việt Nam Cộng hoà giải quyết mau lẹ vụ phật giáo. Đại sứ Nolting vẫn là người bạn tri giao của ông Nhu và rất cảm phục Tổng thống Diệm. Quan điểm của ông lúc ấy là tế nhị và dè dặt nhưng tích cực ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm.

Nhưng trong toà Đại sứ Mỹ lại có một khuynh hướng tích cực chống đối chế độ Ngô Đình Diệm. Khuynh hướng này được ngấm ngầm hỗ trợ, bởi ông Phó Đại sứ Truhert. Phía CIA (mặt nổi) đại diện là Đại tá Richarson lại cũng là người ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng phụ tá của ông tức Smith lại có nhiều liên lạc ngầm với một số chính khách thuộc nhóm Phan Huy Quát, lại muốn nhân cuộc khủng hoảng Phật giáo để làm áp lực đòi Tổng thống Diệm cải tổ nội các và thay đổi một số cơ chế trong guồng máy công quyền.

Phía CIA chìm (đây mới là yếu tố quan trọng) đã tìm mọi cách móc nối với một vài nhân vật thuộc phe tranh đấu Phật giáo (Đại đức Đức Nghiệp với tư cách phát ngôn viên, giao tiếp với ký giả Mỹ và CIA đã trá hình móc nối qua ngả này). Do đó, ngay khi phía Phật giáo và chính quyền ngồi vào bàn hội nghị thì đã có những bàn tay thứ ba quấy phá. Vì nếu như chính quyền và Phật giáo ñi đến một ổn thỏa tốt đẹp thì họ không được lợi gì.

Từ cuối năm 1962 tại Mỹ đã có một khuynh hướng hỗ trợ nhóm Phan Huy Quát và đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải cải tổ; đặt thêm chức Thủ tướng với quyền hạn rộng rãi. Phan Huy Quát và xa hơn là Vũ Quốc Thúc có nhiều triển vọng được giới chức Mỹ áp lực với Tổng thống Diệm đặt vào chức vụ Thủ tướng này.

Nhưng với một người ngang bướng và cương quyết như Diệm thì không bao giờ Mỹ có thể thành công trong những toan tính như vậy. Sự hiện diện của ông Nhu lại càng thêm khó khăn, vì không thể nào Ngô Đình Nhu có thể chấp thuận một Thủ tướng có quyền hành rộng rãi như kiểu Thủ tướng Phan Huy Quát, cho nên từ Harriman đến Hilsman và Truhert đều cho rằng muốn cải tổ nội các và cơ chế dân chủ tại miền Nam Việt Nam thì phải trục xuất vợ chồng ông Nhu. Tổng thống Diệm sẽ không thể làm gì khác hơn là cai trị trên uy quyền tượng trưng. Nhưng toan tính đó không qua nổi cặp mắt của ông Nhu.

Cuộc hoà giải giữa chính quyền và Phật giáo qua Uỷ ban Liên bộ và Liên phái đang tiến hành tốt đẹp thì bỗng nhiên gặp trở ngại.