Chương 30: C’est Comme Ça

Đoàn xe dừng ngay ở sân cờ, Đại uý Nhung từ trên chiếc M113 lẹ chân nhảy xuống trước. Lúc ấy Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân đang đứng trên bao lơn. Nhung chạy theo sau tướng Xuân tiến lên thềm tam cấp của Bộ Tổng Tham mưu. Tướng Minh từ trên cao giơ hai tay, cử chỉ giống như tướng De Gaulle giơ tay lên biểu lộ sự chiến thắng để chào mừng quốc dân. Khi Đại uý Nhung cùng tướng Xuân bước lên bậc thềm Bộ Tổng Tham mưu, một tướng lãnh trông thấy tay áo Nhung dính đầy máu. Ông hất hàm hỏi tướng Xuân “sao vậy” thì tướng Xuân nhún vai và chỉ đáp có vỏn vẹn “C est comme Ça” rồi ông và Nhung lên thẳng lầu để báo cáo tướng Minh công việc mà họ vừa hoàn thành. Mấy tướng lãnh thở dài, quay lưng lên lầu. Một vài tướng lãnh khác và mấy Đại tá kéo nhau xuống sân để coi tử thi. Khi đến nơi, mấy ông đứng khựng lại, rồi ở thế “nghiêm” giơ tay chào từ biệt anh em Tổng thống Diệm. Thiếu tướng Đỗ Mậu vùng vằng nói lớn “Các anh phải chịu trách nhiệm với lịch sử”… Tướng Dương Văn Minh lạnh lùng khẽ nhún vai không nói một câu. Tướng Khiêm sa sầm nét mặt, hiện rõ sự đau thương. Một tướng lãnh khác vào phòng của Tổng Tham mưu trưởng rủ Đại tá Lu Coner ra coi xác chết hai anh em ” Diệm Nhu”. Lu Coner lắc đầu: “Tôi ra sao được, nguởi ta sẽ có lý do cho là người Mỹ có dính dáng vô “.

Xác của hai anh em Tổng thống Diệm được khiêng xuống đặt ngay trên nền đất của sân cờ. Hai anh em ông Diệm nằm chỏng trơ như vậy. Miệng ông Nhu há hốc, mắt nhắm, máu ở miệng trào ra dính hai bên mép và cổ, máu đã trở thành đen. Trời hôm ấy không nắng lắm và nhiều mây, từ lúc ấy sân Bộ Tổng Tham mưu trở nên vắng lặng không một ai được lai vãng trừ một số tướng tá và một số người có phận sự. Người hạ sĩ quan trên chiếc M113 trước khi lên xe rời khỏi sân cờ, ông ta rút chiếc khăn mùi xoa trong túi, phủ lên mặt Tổng thống Diệm. Hai thi thể nằm chơ vơ như thế khá lâu vì Hội đồng Quân nhân chưa có một quyết định nào. Từ cổng Bộ Tổng Tham mưu đã được lệnh canh chừng nghiêm mật nhất là đề phòng các ký giả ngoại quốc.

Tuy nhiên sau đấy không đầy 1 giờ ngoại giao đoàn cũng như báo chí ngoại quốc tại Sài Gòn đều đã nhận được đầy đủ tin tức về cái chết của hai anh em ông Diệm. Ai giết? Tại sao giết?

Theo ký giả Robert Shaplen (tác giả cuốn The Lost Revolution) thì có một luận cứ tin được là Nhung đã ra tay hạ sát theo lệnh của tướng Dương Văn Minh. Song rõ rệt nhất là những viên đạn đó đã được chế tạo tại Hoa Kỳ. Nếu Đại uý Nhung cầm súng nảy cò thì ông ta cũng là người thi hành lệnh của thượng cấp. Một Đại uý như Nhung dù là sĩ quan tuỳ viên của Chủ tịch Hội đồng Quân nhân, ông ta cũng chưa thể “điên” đến độ tự mình bắn hai anh em Tổng thống Diệm. Điều này thật giản đơn và rõ rệt. Và những viên đạn này chỉ là kết quả của một âm mưu đã được sửa soạn từ tháng 5-1963 và tiến hành rất tinh tế, vừa có nghệ thuật, thứ nghệ thuật đảo chính mà Đại sứ Cabot Lodge rất am tường. Những viên đạn kết liễu cuộc đời hai anh em ông Diệm và chế độ của ông không phải là những viên đạn đồng đơn giản mang dấu hiệu USA – Những viên đạn đã được đúc rất công phu từ những trục John Kennedy – Cabot Lodge, Cabot Lodge – Hilsman, CIA Smith – Cabot Lodge và cuối cùng Cabot Lodge đại diện cho những cái trục này để giao tiếp với một số trục bản xứ. Có thể mô tả: Cabot Lodge – tướng Khiêm qua trung gian Harkins và Tướng Đôn – Harkins và tướng Kim, Xuân, Minh – Cabot Lodge qua trung gian Smith… Cuộc đảo chính được châm ngòi phải kể đến ngôi thứ nhất Đôn – Harkins. Vì tướng Đôn với tư cách Tổng Tham mưu trưởng nên ông có dịp giao tiếp hàng ngày với các tướng tá Mỹ. Một số tướng tá này trở thành trung gian giữa Cabot Lodge – Đôn và một số tướng lãnh khác.

Đại sứ Cabot Lodge và những người Hoa Kỳ có hay biết gì trước giải pháp “nhổ cỏ tận gốc” không?

Sự thực, thì khi tiếng súng đảo chính bùng nổ, Đại sứ Cabot Lodge đã túc trực tại vân phòng của ông, và theo dõi thường xuyên tin tức “cách mạng”.

Toà Đại sứ Hoa Kỳ và các cơ sở liên hệ như USA, AID sẽ mở rộng cánh cửa để đón tiếp các phần tử thuộc phe đảo chính khi sự mưu đồ bất thành.

CHẾT CHƯA PHẢI LÀ HẾT

Khi xác của hai anh em Tổng thống Diệm nằm chơ vơ dưới sân thì các tướng trong Hội đồng quân nhân bắt đầu ngồi vào bàn thảo luận. Theo tướng Đỗ Mậu, không khí lúc ban đầu thật nặng nề, khó thở. Nhiều ông tướng chỉ cúi đầu không nói một câu. Tướng Mậu mô tả: “Tôi theo Tổng thống Diệm từ năm 18 tuổi bao nhiêu tình cảm sâu xa giữa tình thày trò… Thấy xác hai ông tôi không còn khóc được, đau quá – đau đến cùng độ”.

Vấn đề cấp thiết lúc ấy là làm thế nào biện minh về cái chết của hai anh em Tổng thống Diệm đối với bang giao đoàn, dư luận quốc tế và quốc nội. Có lẽ tướng Minh cho đến lúc đó mới nghĩ đến những hậu quả mà ông đã không lường trước. Riêng tướng Kim là người hiểu rõ uy tín của hai anh em ông Diệm trong giới ngoại giao đoàn nhất là toà Khâm sứ và Đại sứ Anh, dù cách nào Đại sứ Lodge cũng phải kiêng nể.

Tướng Khiêm cũng như tướng Kim là người đã lượng tính trước về uy tín ảnh hưởng của Tổng thống Diệm trong số 2 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo. Từ những lượng tính về hậu quả qua nhiều phía do cái chết này sẽ tạo ra và có thể lật ngược thế cờ hay nếu không thì Hội đồng Quân nhân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn lớn lao. Do đó Hội đồng Quân nhân hội họp trong một không khí dao động bế tắc, đến lúc này mấy tướng “chủ động” trong việc “thanh toán nhanh, thanh toán lẹ” mới ngỡ ngàng không hiểu nỗi giết một Tổng thống lại gặp nhiều rắc rối, lôi thôi đến như thế. Mặt khác tướng Đính đã làm cho mấy ông trong Hội đồng càng thêm bối rối dao động vì tướng Đính ” la hét, chửi thề” tùm lum – “Bây giờ biết làm thế nào”. Đường dây điện thoại giữa Hội đồng Quân nhân cách mạng và Đại sứ Cabot Lodge lại hoạt động liên miên.

Trong khi đó, xác hai anh em Tổng thống Diệm được rời về Bộ chỉ huy thiết giáp trong vòng thành Bộ Tổng Tham mưu. Trên xe có một viên y sĩ Đại uý thuộc bệnh xá Bộ Tổng Tham mưu. Xác không phải chỉ có vết đạn trên đầu mà còn nhiều vết đâm trên ngực. “Có lẽ vì chiếc xe Hồng thập tự đi lắc mạnh nên tôi (lời hạ sĩ Cam) thấy đầu của Tổng thông Diệm nằm trên băng ca cứ lắc lư trông dễ sợ, máu đỏ tươi chảy phọt ra hai bên mép, mặc dầu ông đã chết lạnh khô. Máu ở trên tóc dính bết đổi màu và đã se thâm lại.”

Cùng lúc đó tướng Đính đưa ra điều kiện: Một là phải chôn cất đàng hoàng, hai là phải làm thông cáo như thế nào nhằm trấn an dư luận. Ông Đính nói: “Chết cha tôi rồi… rồi phải ăn nói ra sao đây “.

Ngay sau khi được tin anh em Tổng thống Diệm bị thảm sát, toà Đại sứ Pháp có thông cáo ngay cho Khâm sứ Toà thánh tại Sài Gòn (vị Khâm sứ lúc ấy là Niên trưởng ngoại giao đoàn). Một viên chức cao cấp của toà Khâm sứ đã điện thoại hỏi Đại sứ Cabot Lodge, không gặp. Nhân viên Tam vụ trả lời rằng Hội đồng Quân nhân cho biết hai anh em Tổng thống Diệm đã tự sát. Vì đó là trọng tội đối với Thượng đế và sẽ mất hết mọi ân phước, nên một người công giáo như ông Diệm thì chuyện này không thể xảy ra.

Một lát sau, viên Tham vụ này điện thoại cho toà Khâm sứ báo là ông Đại sứ Cabot Lodge cho biết anh em ông Diệm đã chết như trường hợp ngộ nạn. Một Đại uý vô kỷ luật đã bắn ông Diệm. Sau đó Hội đồng quân nhân ra thông cáo là anh em ông Diệm đã tự sát.

Sau đây chúng tôi ghi lại bản phúc trình của giới hữu trách quân đội mang tên “Tài liệu sơ lược về hai ông Ngô Dình Diệm và Ngô Đình Nhu sau khi chết ngày 2-11-1963 lúc 11g15 đến ngày an táng 8-11-1963 lúc 21g”. Nguyên văn:

TÀI LIỆU SƠ LƯỢC VỀ HAI ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NGÔ ĐÌNH NHU SAU KHI CHẾT NGÀY 2-11-1963 LÚC 11G15 ĐẾN NGÀY AN TÁNG 8-11-1963 LÚC 21G 00

I, Ngày 2-11-1963 vào lúc 11g15, đoàn xe hộ tống đưa hai xác của ông NGÔ ĐìNH DIỆM và ông NGÔâ ĐÌNH NHU nằm trên hai chiếc brancard để trong chiếc xe M113 vào Bộ Tổng Tham mưu đặt tại sân bộ chỉ huy thiết giáp binh trại Trần Hưng Đạo từ 11g15 đến 17g00. Y sĩ trưởng bệnh xá Tổng hành dinh Tổng Tham mưu đến khám nghiệm tử thi của hai ông Diệm và Nhu và thành lập hồ sơ khai tử do Phòng Tổng quản trị Tổng Tham mưu phụ trách.

Trong khoảng thời gian kể trên chờ ông bà Trần Trung Dung, cựu Bộ trưởng phụ tá Quốc phòng, cư ngụ tại số 123 đường Đoàn Thị Điểm Sài Gòn, xin xác hai ông Diệm và Nhu đưa về tư thất.

Lúc 17g30 ngày 2-11-1963 do Thiếu tá đại đội Tổng hành dinh Tổng Tham mưu đảm nhận việc di chuyển xác của hai ông Diệm và Nhu ra bệnh viện Saint Paul bằng 1 chiếc xe hồng thập tự với hai chiếc quan tài do Thiếu tá đại đội trưởng đại đội Tổng dành dinh Tổng Tham mưu của hãng Tobia, giao lại cho hai ông bà Trần Trung Dung nhờ hãng hòm Tobia lo việc liệm và an táng.

Khi tẩm liệm xong, hai quan tài để tại một phòng riêng trong nhà xác bệnh viện Saint Paưl thì Trung tướng Tổng trấn đô thành Sài Gòn và Uỷ viên quân vụ thị trấn Sài Gòn theo sự yêu cầu riêng của hai ông bà Trần Trung Dung, sắp đặt tổ chức việc an táng hai ông Diệm và Nhu tại nghĩa trang của người Pháp tại đường Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn, vào ngày 3-11-1963 vào khoảng 12g trưa, chôn tại lô đất số 3, nơi đây đã đào sẵn hai huyệt đã xây kim tĩnh.

Trong khi ông bà Trần Trung Dung nhờ Tổng trấn tổ chức việc mai táng thì học sinh và dân chúng đô thành cũng tổ chức ban chỉ đạo đền nhà xác bệnh viện Saint Paul hoặc đến đất thánh ở đường Mạc Dĩnh Chi để cướp hai quan tài của hai ông Diệm và Nhu để tế các vị sư đã tử vì đạo cho thoả dạ dân chúng và học sinh.

II- Vào khoảng 20g00 ngày 2-11-1963, theo yêu cầu của ông bà Trần Trung Dung nhờ Hội đồng Quân nhân cứu nguy và cho gởi hai quan tài của hai ông Diệm và Nhu sang một bệnh viện của quân đội để tránh sự cướp phá nói trên.

Lúc 21giờ 00 ngày 2-11, do lệnh của quyền Trung tướng Tổng Tham mưu trưởng bảo liên lạc với ông bà Trần Trung Dung lo việc di chuyển hai quan tài về để một nơi trong Bộ Tổng Tham mưu đồng thời Trung tướng Tổng trấn Sài Gòn ra lệnh huỷ bỏ việc an táng hai ông Diệm và Nhu tại nghĩa trang ở đường Mạc Đĩnh Chi, mặc dầu hai huyệt đã đào và xây kim tĩnh rồi.

Lợi dụng trong giờ giới nghiêm, đúng 1 giờ 30 ngày 3-11-1963 ông bà Trần Trung Dung viết thư cho Bà Soeur Supérieure Giám đốc bệnh viện Saint Pual nhận lãnh hai quan tài giao lại cho quân đội chở về Bộ Tổng Tham mưu để tại phòng đại đội Tổng hành dinh Tổng Tham mưu, đúng 2 giờ 00 ngày 3-11-1963. Trong thời gian hai quan tài của ông Diệm và ông Nhu để tại Bộ Tổng Tham mưu, việc canh gác được tổ chức cẩn thận.

Đến ngày 6-11-1963 thì bỗng nhiên chiếc quan tài của ông Anh bị xì hơi bay mùi khó chịu.

Ngày 7-11-1963, vì nhận thấy tình trạng học sinh và dân chúng Đô thành vẫn còn phẫn nộ không thể an táng hai ông Diệm và Nhu tại Sài Gòn hay đưa về Huế được, phần thì một quan tài đã bị xì hơi hôi thối nên ông bà Trần Trung Dung gửi thư yêu cầu Trung tướng quyền Tổng Tham mưu trưởng cho mượn một khu đất trong trại Trần Hưng Đạo đê tạm an táng hai quan tài của hai ông Diệm và Nhu trong một thời gian rồi sẽ đem cải táng sau (bản bức thư đính kèm).

Tiếp theo yêu cầu của hai ông bà Trần Trung Dung đề ngày 7-11-1963, Trung tướng quyền Tổng Tham mưu trưởng chỉ định khoảng đất để tạm an táng hai quan tài của hai ông Diệm và Nhu tại Bộ Tổng Tham mưu, do sự vụ văn thư số 835/ TTM /VP ngày 7-11- 1963.

III, Ngày 8-11-1963 đúng 20g00 hai quan tài của hai ông Diệm và Nhu do quân nhân thuộc đại đội mai táng của quân vụ thị trấn Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Đại uý Đỗ Văn Giương, Đại đội trưởng ñại đội mai táng, được di chuyển bằng hai chiếc GMC, từ phòng họp đại đội Tổng hành dinh Tổng Tham mưu đến đặt trên hai huyệt đã xây kim tĩnh sẵn tại khu làng Võ Tánh, sau chùa Hưng Quốc Tự, phía đông bắc.

Khi đó có sự hiện diện của hai ông bà Trần Trung Dung và Linh mục CLAUDE LARRE, Đại diện Toà Khâm mạng Sài Gòn do ông bà Trần Trung Dung mời đến hành lễ từ 20g00 đền 20g50 ngày 8-11-1963 sau khi Linh mục làm lễ xong, hai quan tài được hạ xuồng hai huyệt đã xây kim tĩnh sẵn, với sự hiện diện của:

– Ông bà Trần Trung Dung

– Linh mục Claude Larre

– Uỷ ban kiểm soát

Tất cả các chi tiết đều chụp ảnh (Trừ lúc chết).

IV- Huyệt:

– Huyệt xây kim tĩnh gạch 10, đổ xi măng, sâu 1 thước 30, ngang 1 thước 20, dài 2 thước 50.

Hai huyệt nằm song song, cách nhau bề ngang 1 thước.

– Khi hai quan tài hạ xuồng hai huyệt xây kim tĩnh, đổ đầy cát, trên miệng huyệt đậy hai tấm đanh gắn xi măng kỹ.

V- Mộ:

– Mộ nằm về phía đông bắc lăng Võ Tánh, mé bên phải mộ ông Lê Văn Phong, bào đệ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đầu hướng về phía Tây sau chùa Hưng Quốc Tự. Chân đưa về phía đông, khu nhà thờ Phát Diệm.

– Hai nấm mộ tô đá rửa, trong lòng mộ dưới đổ cát trên để một lớp sỏi trắng. Nền mộ cao 0 thước 40 dưới đổ đá, trên tráng xi măng, chung quanh nền xây bệ cao 1 thước 80. Bốn góc có 4 trụ. Trước mộ có sân tráng xi măng rộng 1 thước 50, có cửa và bậc thang bước vào mộ. Chu vi dài 7 thước, ngang 6 thước.

– Vòng quanh khu đất mộ nói trên có rào kẽm gai và trụ xi măng, 1 cửa vào, và có đặt thường trực một vọng gác trần.