Chương 3: Đi Băng Cốc và về Sài Gòn

Việc ông Dương xong rồi tôi nghĩ ở lại Chiêu Nam Ðảo càng đau đớn thêm, tôi bèn viết thư về tư lệnh bộ Nhật ở Sài gòn xin cho tôi và ông Ðặng Văn Ký đi về Băng Cốc còn để ông Trần Văn Ân ở lại Chiêu Nam Ðảo.

Chúng tôi chờ mất 15 ngày mới được tin bên Ðông Dương sang cho chúng tôi đi Băng Cốc. Trước định chờ có tàu bay thì đi ngay. Sau nói tàu bay không có phải đi xe lửa. Chúng tôi nghĩ đi lối nào cũng được, cứ đi cho xong. Ngày khởi hành đã định là mùng 5 tháng giêng năm 1945, rồi lại lần lữa đến ngày 16 mới đi được.

Trưa ngày 16, cơm xong thì xe hơi đến đưa ra nhà trạm xe lửa, chờ đến 3 giờ chiều xe mới chạy. Thảm cảnh của tôi là phải mang cái hộp đựng hài cốt của ông Dương đi theo. Tôi đau phải nằm trên những thùng hàng xếp trong những toa bọc sắt, nóng như cái lò đốt lửa. Khổ thì khổ thật, nhưng nghĩ được ra khỏi cái địa ngục Chiêu Nam Ðảo là mừng rồi. Vả lại chúng tôi thấy những tướng hiệu của Nhật cũng đi như thế cả, thì mình cũng an ủi mà vui lòng.

Một người hạ sĩ quan và ba người lính Nhật đưa chúng tôi đi, đều hết lòng trông nom, đi đến đâu họ lo cơm nước không thiếu thốn gì. Dọc đường lại hay có báo động, mỗi khi như vậy phải chạy nấp vào trong rừng dừa thành ra dự định trước chỉ độ 4 ngày đến nơi, mà chuyến chúng tôi đi phải đến 10 ngày.

Ðất Mã Lai từ Tân Gia Ba đến biên giới nước Xiêm, thấy những thành thị ở dọc đường xe lửa khi xưa rất phồn thịnh, còn ở thôn quê thấy dân cư rất lưa thưa, trông bộ nghèo khổ lắm. Ðất Mã Lai phần nhiều là rừng hoang ít đồng ruộng, chỉ thấy có nhiều khu trồng cao su và dừa. Có một điều lạ, là ở bên ta thấy nói khi quân Nhật đánh lấy đất Mã Lai có nhiều chỗ bị tàn phá, thế mà dọc đường chúng tôi không trông thấy vết chiến tranh đâu cả, chỉ trừ những chỗ bị tàu bay Mỹ mới sang ném bom mà thôi. Thì ra quân Anh lúc đầu không chống giữ gì mấy, chỉ đánh qua loa rồi rút lui.

Xe lửa đi đến chỗ cách Băng Cốc độ 200 cây số, có cái cầu lớn bị tàu bay Mỹ bắn vỡ tan, xe lửa phải dừng lại rồi dỡ hàng hóa xuống để xe cam-nhong chở về Băng Cốc. Ði đến chỗ ấy, người đội và mấy người Nhật ở lại, để một trung úy đưa chúng tôi đi. Ðến trưa ngày 24 tháng giêng thì đến. Xe cam nhong đưa chúng tôi đến tư lệnh bộ Nhật ở Xiêm. Chúng tôi vào đấy, ngồi uống chén nước, rồi có người Nhật đi xe hơi khác đưa chúng tôi đến nhà riêng ở ngoại ô kinh thành.

Cái nhà riêng ấy rộng rãi, mát mẻ, và đã có hai người con của ông Cường Ðể là Tráng Liệt và Tráng Cử ở bên Ðông Dương sang ở đấy từ trước với một sĩ quan Nhật. Từ khi chúng tôi về ở đấy, ăn uống đầy đủ, khác hẳn với cảnh ở Chiêu Nam Ðảo. Sau lại có ông Nguyễn Văn Sâm là một chính khách Việt Nam cũng chạy sang ở Băng Cốc, ngày ngày đi lại chơi với chúng tôi.

Cái hộp đựng di hài của ông Dương Bá Trạc thì để trong phòng ngày đêm hương đèn thờ phụng. Song được độ chừng mươi ngày, người trung úy ở với chúng tôi về Sài gòn. Tôi nghĩ mình ở đây chưa biết ra thế nào, chi bằng nhờ người Nhật ấy đem hài cốt của ông Dương về Sài gòn, rồi sẽ giao lại cho con ông ấy ở Chợ Quán để chôn tạm chỗ nào đó, sau này sẽ hay. Tôi ngỏ lời với người trung úy Nhật, ông ấy vui lòng nhận giúp ngay. Thế là việc ông Dương tạm yên.

Khi chúng tôi còn ở Chiêu Nam Ðảo định xin đi Băng Cốc, ông Dương Bá Trạc nói ông có hai người bạn đồng chí người bắc là ông Vũ Mẫn Kiến, chủ một đồn điền lớn, và ông Phạm Ðình Ðối đi tu làm sư coi một cái chùa. Ðến Băng Cốc, tôi liền nhờ ông Sâm đi tìm hai người ấy để gặp nói chuyện. Ðược mấy ngày, ông Sâm đưa tôi đến một tiệm trà gặp ông Vũ Mẫn Kiến. Ông là người trạc ngoài 60 tuổi. Ngồi nói chuyện mới rõ ông không phải là chủ đồn điền nhưng có thuê được mươi mẫu ruộng để vợ con lần hồi làm ăn. Tôi trông ông Vũ Mẫn Kiến giống ông lão nhà quê ta. Ông nói có theo ông Cường Ðể và ông Phan Bội Châu ra ngoài, rồi sau về Xiêm tìm cách sinh nhai. Nói đến việc chính trị thì ông chẳng có ý kiến gì. Hỏi tin ông Phạm Ðình Ðối thì nói ông ấy đi tu ở một chùa và nay đã mất rồi.

Vậy mà ở xa nghe nói, tưởng là các ông ấy có tổ chức, có thế lực, kỳ thực chẳng có gì đáng kể. Cũng như là sau tôi thấy những người cách mệnh Việt Nam ta ở bên Tàu, nghe tuyên truyền thì tưởng là họ có cơ sở chắc chắn, lúc biết rõ sự thực, thật là buồn. Tôi kể câu chuyện ra đây cốt để người ta biết rõ sự thực, đừng có nghe nhảm tin lầm. Mình là người một nước hèn yếu, ra ngoài không biết nương tựa vào đâu, thành ra thường hay bị cực khổ mà không làm được việc gì ra trò.

Thành Băng Cốc, xưa kia thường gọi là thành Vọng-Các là kinh đô của nước Xiêm, một thành thị rất lớn, có thể lớn gấp năm gấp bảy lần Hà Nội, dân cư rất trù mật có đủ các thứ người, nhưng phần nhiều là người Tàu ở lâu đã nhập tịch nước Xiêm. Hạng người ấy rất hoạt động về đường kinh tế và chính trị.

Trừ khu nhà vua, các cung điện làm theo lối cổ, nhà một tầng, mái dốc, nóc nhọn, có các kiểu trang sức đặc biệt của Xiêm. Còn phố xá ở ngoài thành nhà vua trông giống như thành Quảng Châu hay thành Thượng Hải bên Tàu.

Cả nước Xiêm, hình như chỉ ở kinh đô là có sự sinh hoạt rất náo nhiệt mà thôi, ngoài ra ở vùng thôn quê, theo dọc đường xe lửa đi từ Tân Gia Ba đến Băng Cốc, không thấy có thành thị lớn nào cả. Ði đến đâu cũng thấy rặt những đồng áng mênh mông cùng những ruộng vườn và rừng cây. Thỉnh thoảng thấy những hàng dừa lưa thưa với những đàn trâu ở ruộng, hoặc ở nơi ven rừng cây thì thấy năm bảy con trâu kéo gỗ.

Người Xiêm cùng một nòi giống với người Tàu, tiếng nói cũng hơi giống nhau. Vì người Xiêm và người Tàu xưa kia ở mé tây tỉnh Vân Nam và mé đông Tây Tạng, đã từng lập thành nước Nam Chiếu vào khoảng đệ thất đệ bát thế kỷ. Sau vì người Tàu xâm lăng mới theo sông Cửu Long xuống miền nam, lập ra các bộ lạc ở xứ Tàu và nước Xiêm ngày nay. Tính người Xiêm cũng gần như người Tàu, đàn ông ưa hoạt động lắm, làm gì được đủ ăn rồi thì thích chơi bời, cờ bạc chớ ít cố gắng làm lụng. Gần hầu hết dân trong nước theo Phật giáo tiểu thặng như Cao Miên và Tàu.

Ở vùng thôn quê có nhiều người Xiêm gốc tích là người Việt Nam. Phần nhiều theo đạo Gia Tô rồi, vì xưa bên ta có sự cấm đạo họ chạy sang bên Xiêm. Ðã mấy đời nay lập thành làng thành ấp ở với nhau, giữ phong tục của ta và vẫn nói trọ trẹ tiếng Việt Nam, họ tự xưng là An Nam cũ. Những người Xiêm An Nam cũ ấy có đến ba bốn vạn ở rãi rác các miền gần biên giới chớ không có mấy người ở kinh đô.

Hiện nay ở mé ngoại ô thành Băng Cốc có một khu gọi là làng Gia Long, tức là chỗ chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn đánh chạy sang trú ngụ ở đây. Chỗ ấy nay có cái chùa và có một pho tượng rất lớn để lộ thiên.

Vì chúng tôi sang Băng Cốc một cách bí mật, thường phải ở trong nhà ít khi đi ra ngoài, nên chỉ biết qua loa thế thôi.

Chúng tôi ở Băng Cốc, bốn người ở một nhà đang vui vẻ, đến ngày mùng 6 tháng hai thì xảy ra một việc không ngờ, làm chúng tôi lại phải chạy vào bệnh viện nhà binh của Nhật. Số là ông Nguyễn Văn Sâm từ khi người Nhật đem sang ở Băng Cốc, có tụ hợp những thiếu niên Việt Nam chạy sang đó, lập thành một tổ chức tiểu công nghệ làm đinh để bán cho nhà Ðại Nam công ty của người Nhật, lấy tiền chi dụng. Cái tiểu công nghệ ấy đang tiến hành, thì có một thiếu niên Việt Nam tên là Tân, nhập tịch dân Xiêm, cũng làm đinh nhờ ông Sâm đem bán hộ. Mỗi khi đến cuối tháng có tên Thuận đi lãnh tiền, rồi về của ai bao nhiêu thì đến lấy. Lần cuối cùng số tiền của tên Tân có hơn ba vạn bạc, tên Thuận lĩnh món tiền được hơn bốn vạn rồi mang cả trốn đi mất. Chuyện ấy, mấy hôm trước đã thấy ông Sâm nói nhỏ cho chúng tôi biết, nhưng vẫn tưởng là tên Thuận đi chơi đâu chưa về, chứ nó không nỡ lấy tiền của cả bọn. Ðến khi tên Tân đi tìm mãi không thấy tên Thuận, lại có ý ngờ cho ông Sâm đồng tình với tên Thuận rồi đem dấu chỗ nào. Tên Tân thấy ông Sâm đang đi lại chỗ chúng tôi ở, nó tưởng là tên Thuận trốn vào đó mới đi trình hiến binh Xiêm đến bắt tên Thuận. Song cứ như chúng tôi biết thì ông Sâm không có dính dáng gì đến việc tên Thuận lấy tiền trốn đi, mà tên Thuận cũng không bao giờ đến nhà chúng tôi.

Chiều ngày mùng 6 tháng hai, bốn chúng tôi với ông Sâm đang ngồi nói chuyện, có cả viên đại úy Nhật ở nhà, thấy mấy người hiến binh Xiêm vào xin phép tìm tên Thuận. Viên đại úy Nhật ra tiếp một lúc rồi thấy hai người hiến binh Xiêm và tên Tân vào chỗ chúng tôi ngồi, nói đi tìm tên Thuận. Họ nói thế rồi đi ra.

Việc ấy xảy ra xong, chúng tôi có bảo viên đại úy Nhật rằng chúng tôi ở đây là phải dấu kín mà nay cho hiến binh Xiêm vào trông thấy như thế, nhỡ có việc gì thì sao. Ông nên đi đến tư lệnh bộ mà nói rõ như thế. Viên đại úy Nhật ngồi nghĩ một lúc, rồi mặc quần áo ra đi, nói đến 6 giờ về ăn cơm. Ðến bữa cơm chúng tôi ngồi chờ không thấy về. Mãi đến 9 giờ tối mới thấy viên ấy về với ba người hiến binh Nhật đến canh nhà. Chúng tôi thấy thế bảo nhau: có một tí việc như thế làm gì mà phải cho lính đến canh nhà. Ðoạn đến giờ chúng tôi đi ngủ.

Vào khoảng 2 giờ sáng ngày mùng bảy chúng tôi đang ngủ, chợt nghe tiếng xe hơi và tiếng nói xì xào, không biết rõ việc gì. Một lát thấy viên đại úy ở với chúng tôi vào đánh thức cả dậy, nói có sự nguy cấp, phải đi ngay. Hỏi đi đâu, viên ấy không nói. Ai nấy mắt nhắm mắt mở vội vàng mặc quần áo, rồi lên xe hơi, đi một cách bí mật đến sở hiến binh. Nghỉ ở đấy đến 8 giờ tối, họ đem chúng tôi đến bệnh viện nhà binh của Nhật ở ngoại ô. Bấy giờ người Nhật đem cả ông Sâm vào ở với chúng tôi trong một cái phòng khá rộng.

Từ đó, năm chúng tôi ở đấy cho đến khi về, không được đi ra ngoài phố như trước. Chúng tôi không hiểu tại sao người Nhật lại dùng cách phòng bị bí mật như thế. Chúng tôi ở đấy với một đời sống tẻ ngắt, quanh quẩn trong phòng riêng, chiều chiều ra vườn dạo chơi một lúc rồi lại về nằm, hễ có báo động tàu bay thì chạy ra chui xuống hố.

Ðến sáng ngày 10 tháng ba năm 1945 được tin người Nhật đã đánh quân Pháp ở Ðông Dương. Chúng tôi lúc ấy chẳng nghĩ gì cả, chỉ mong người Nhật cho chúng tôi về nước. Nhưng mãi chẳng thấy tinh tức gì khác. Chúng tôi thấy cách người Nhật đối đãi với người bản xứ làm chúng tôi thất vọng. Ai cũng mong chóng được về nhà cho yên phận mà thôi.

Vì cớ gì sau cuộc xung đột ở Lạng Sơn người Nhật đã vào đóng đô ở Ðông Dương từ cuối năm 1940 đến bây giờ, và đã được người Pháp giúp đỡ cho mọi sự tiện lợi mà lại đánh quân Pháp? Chúng tôi xét ra là lúc đầu theo kế hoạch của người Nhật muốn bắt ép người Pháp ở Ðông Dương phải hợp tác với họ để thu mọi điều tiện lợi về việc chiến tranh. Họ tính rằng nếu lúc cuối cùng mà họ được thắng lợi, thì tình hình chính trị ở Ðông Dương tự nhiên sẽ giải quyết theo ý định của họ. Vì thế cho nên trong hơn bốn năm quân Nhật đóng ở Ðông Dương vẫn không khiêu khích gì với quân Pháp. Song từ khi quân Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương đã tấn công lấy lại được các đảo mé ngoài biển và đất Phi Luật Tân, tình thế nước Nhật đã nguy ngập lắm rồi. Người Nhật lúc ấy phải tìm cách đề phòng quân Ðồng Minh có đổ bộ lên Ðông Dương chăng. Vả bấy giờ người Pháp ở Ðông Dương ngấm ngầm tổ chức sự kháng chiến để tiếp ứng quân Ðồng Minh. Người Nhật biết mưu ấy, bèn quyết ý đánh quân Pháp để thu quyền phòng giữ cả dãy đất Ðông Dương là địa thế rất quan trọng về đường hành binh ở cả vùng Nam Á.

Quân Pháp lúc ấy cũng đã dự bị cả mọi đường, nhưng vì thế lực không đủ và lòng dân bản xứ không theo Pháp, nên thành ra thất bại. Quân Nhật lại biết xếp đặt mọi việc chu đáo hơn, nên việc tấn công của họ được thắng lợi chỉ trong khoảng mấy ngày toàn thể đất Ðông Dương vào tay họ.

Chúng tôi lúc ấy cứ chờ đợi ở Băng Cốc, chợt đến ngày 29 tháng ba có một viên trung úy ở Sài gòn sang Băng Cốc, đến bảo chúng tôi rằng có tàu bay sang đón về. Sau hỏi ra thì chỉ có một mình tôi về. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao chỉ có một mình tôi?” Viên trung úy nói: “Tư lệnh bộ ở Sài gòn mời ông về hỏi việc gì về lịch sử.” Chiều hôm ấy tư lệnh bộ Nhật ở Băng Cốc đặt tiệc đãi tất cả mấy người chúng tôi và mới nói chuyện hôm mùng 7 tháng hai trước phải đưa chúng tôi đến ở bệnh viện là vì có tin đồn có thích khách định đến giết chúng tôi. Nghe nói thế chúng tôi cho là một sự tưởng tượng thôi, chứ chúng tôi có làm gì mà người ta phải dùng đến thủ đoạn ấy.

Tiệc xong về ngủ, sáng sớm dậy, đi ra trường bay đến 9 giờ 15 máy bay cất cánh. Mười ba giờ 15 tới trường bay Tân Sơn Nhất rồi về Sài gòn vào hàng cơm ăn cơm trưa, chờ đến giờ vào tư lệnh bộ của Nhật gặp viên đại tá coi về việc chính trị. Ngồi nói chuyện một lúc rồi sang gặp bên trung tướng tham mưu trưởng của bộ tư lệnh Nhật.

Trung tướng nói: “Ông Phạm Quỳnh và các ông thượng thư cũ đã từ chức cả rồi. Vua Bảo Ðại điện mời mấy người này về Huế để hỏi ý kiến”.

Trung tướng đưa tôi xem tờ giấy kê tên những người ấy là ông Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Oánh, Trịnh Bá Bích, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩm và tên tôi mà lại không thấy tên ông Ngô Ðình Diệm. Tôi lấy làm lạ sao lại có tên tôi đứng vào đấy.

Tôi nói với trung tướng rằng: “Tôi không có hoạt động gì, và không có phe đảng nào cả. Gọi tôi về Huế không có ích lợi gì. Xin cho tôi ra Hà Nội thăm nhà và uống thuốc”. Lúc ấy tôi còn đau, người gầy ốm, chỉ mong về nhà yên nghỉ, dưỡng bệnh.

Trung tướng nói: “Ðó là ý của vua Bảo Ðại muốn hỏi ông về việc lập chính phủ mới, ông cứ ra Huế rồi sẽ biết”.

Tôi thấy trong những người gọi về Huế có tên ông Hoàng Xuân Hãn, tôi quen lâu, có thể rõ sự tình, vả lại ra Huế rồi ra Hà Nội cũng một con đường. Tôi bèn nhận lời ra Huế.

Ngồi nói chuyện với trung tướng và đại tá Nhật, có người trung úy Nhật thông ngôn bằng tiếng Pháp, độ hơn một giờ về tình thế nước Việt Nam. Tôi cứ thành thực nói thẳng, không kiêng dè, vì tôi không có mưu cầu gì thành ra trong lòng thản nhiên.

Trung tướng hỏi tôi rằng: “Ông có quen ai ở Sài gòn về ở tạm vài ngày trước khi đi ra Huế không?” Tôi nói: “Đây tôi không có quen ai. Khi tôi ở Hà Nội vào có đến ở nhà của Ðại Nam công ty, nếu không có điều gì bất tiện, thì cho tôi ra ở đấy vài hôm”.

Trung tướng bảo trung úy đưa tôi đến nhà Tùng Hạ, chủ nhà Ðại Nam công ty. Ðến đấy gặp ông Tùng Hạ, nói tôi mới về và muốn phiền ông cho ở nhờ vài hôm. Ông ta nói: “Trước cửa nhà tôi có đảng Quốc Xã Việt Nam, có cái phòng rộng ở trên lầu, cụ sang nghỉ đấy tiện lắm”. Tôi hỏi thăm ông Ngô Ðình Diệm và ông Nguyễn Xuân Chữ là những người mấy tháng trước Nhật đã đưa vào ở Chợ Lớn. Ông nói rằng: “Ông Diệm về Vĩnh Long ở với anh. Ông Chữ thì về Hà Nội được vài hôm nay rồi”. Tôi nghĩ bụng ông Diệm và ông Chữ là hai người tư lệnh bộ Nhật đã chú ý lâu ngày, và các ông ấy lại có tổ chức và đảng phái, sao người Nhật lại không nói gì hết? Ðang nghĩ ngợi như thế, thì chợt thấy ông Ngô Ðình Diệm đến. Ấy là lần đầu tôi gặp mặt ông Diệm vì trước kia tôi chỉ nghe nói thôi chứ không bao giờ gặp.

Ông Diệm hỏi tôi: “Cụ mới về đây à? Cụ có biết tin gì không?”. Tôi đáp: “Tôi mới về, chưa biết gì cả, chắc có tin gì thì ông biết trước tôi. Người Nhật lạ quá, họ chẳng cho chúng tôi biết gì cả. Tôi vừa thấy trong bộ tư lệnh nói ở Huế các bộ thượng thư đã từ chức rồi. Vua Bảo Ðại gọi ông Hoàng Trọng Phu vào bàn việc lập chính phủ mới”.

“Thế à? Sao người Nhật không cho tôi biết?”

Ngồi nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông Diệm đứng dậy nói: “Tôi phải vào tư lệnh bộ có chút việc, sáng sớm mai tôi lại về Vĩnh Long”.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa hiểu rõ tại sao bọn ông Diệm là người của ông Cường Ðể ủy quyền cho tổ chức việc lập chính phủ khi có đảo chính ở Ðông Dương, và lại có một số người Nhật Bản ủng hộ mà chính phủ Nhật lại bỏ rơi. Chỉ có một cách giải thích cái thái độ ấy là những người Nhật cầm quyền lúc đó, sau khi đánh quân Pháp rồi họ sợ đem ông Cường Ðể về có điều bất tiện, để vua Bảo Ðại về đường chính trị lại có lợi hơn. Ðã không dùng quân cờ Cường Ðể thì tất nhiên phải để bọn ông Diệm ra ngoài cuộc. Ðó là theo ý tôi hiểu, còn lẽ gì khác nữa, tôi không biết.

Tôi ở lại Sài gòn ba ngày, biết có ông Cử Bùi Khải, anh nhà tôi, nhưng tôi quên mất địa chỉ. Ði tìm người hỏi thăm đến nhà luật sư Trịnh Ðình Thảo là người bắc hỏi xem có biết nhà ông Cử ở đâu. Ông Thảo hết lòng tử tế đánh xe hơi đưa tôi đi tìm. Tìm được nhà ông Cử lại gặp cả cậu Bùi Nam và mấy người cháu ở đấy, thật vui vẻ vô cùng. Tôi nhờ cậu Nam đi đánh điện về Hà Nội báo tin tôi đã về cho nhà tôi biết.

Từ hôm ở Băng Cốc về Sài gòn, chiều nào viên đại úy ở bộ tư lệnh Nhật cũng mời đến nhà ông Tùng Hạ, chủ Ðại Nam công ty ăn cơm và nói chuyện, có khi nói chuyện đến một hai giờ khuya. Mấy ngày như thế đến chiều hôm mùng 2 tháng tư, đại úy đưa tôi ra xe lửa còn ngồi nói chuyện đến lúc xe chạy.