Hồi thứ ba

Nhờ anh vợ, Như Hải đền được ơn dạy bảo
Đón cháu ngoại, Giả mẫu xót thương trẻ mồ côi.

Vũ Thôn quay lại, thấy Trương Như Khuê, người vùng này, là bạn đồng liêu và cũng bị cách chức như mình. Từ ngày bị cách, y về ở nhà. Khi được tin tòa Trung Thư xin cho những người ấy được phục chức, y liền chạy vạy các nơi. Gặp Vũ Thôn, y vội lại chào và báo tin. Vũ Thôn mừng lắm, nói chuyện mấy câu rồi hai người từ giã chia taỵ Lãnh Tử Hưng biết chuyện, vội hiến một kế, bảo Vũ Thôn nhờ Lâm Như Hải nói giúp với Giả Chính ở trong kinh. Vũ Thôn lĩnh ý, từ biệt về nhà, tìm tờ quan báo xem thì quả có thực. Hôm sau hắn đem chuyện đó bàn với Lâm Như Hải. Như Hải nói:

– May quá! Từ khi nhà tôi mất, nhạc mẫu tôi ở Kinh thường lo cháu gái không ai trông nom, có lần đã cho người nhà mang thuyền đến đón. Nhưng vì cháu hãy còn mệt chưa đi được ơn ông dạy cháu bấy lâu, chưa biết lấy gì cảm tạ. Gặp dịp này lẽ nào tôi lại không hết lòng báo đáp. Xin ông cứ yên tâm. Tôi định viết thư nhờ ông anh vợ giúp đỡ, gọi là tỏ chút lòng thành. Trong thư tôi đã nói rõ cả rồi, có phí tổn gì ông cũng đừng nghĩ đến.

Vũ Thôn vái dài tạ Ơn luôn mồm, lại hỏi:

– Không biết lệnh thân hiện làm chức gì? Chỉ sợ tôi lỗ mãng không dám đến hầu.

Như Hải cười nói:

– Ông anh vợ tôi là cháu cụ Vinh công, kể ra cũng là một họ với ông đấy. Ông anh cả tên là Xá, tên chữ là An Hầu, hiện tập tước nhất đẳng tướng quân. Ông anh thứ hai tên là Chính, tên chữ là Tồn Chu, hiện làm viên ngoại lang bộ Công, là người khiêm cung phúc hậu, phong độ giống các cụ tôi trước, chứ không phải hạng phù hoa khinh bạc, nên tôi mới dám viết thư tiến cử ông. Nếu không, thì không những làm tổn thanh danh của ông, mà tôi cũng không thèm làm.

Vũ Thôn nghe xong, trong bụng tin ngày lời của Lãnh Tử Hưng, lại tạ Ơn Lâm Như Hải. Như Hải nói:

– Ngày mồng hai tháng sau, tôi sẽ cho cháu vào Kinh. Mời ông cùng đi, thật là lưỡng tiện.

Vũ Thôn vâng dạ, trong bụng rất mừng. Như Hải sửa soạn lễ vật tiễn hành.

Đại Ngọc, một cô học trò vừa yếu khỏi, không muốn xa cha, nhưng vì bà ngoại bắt phải vào. Lâm Như Hải dặn:

– Cha năm nay tuổi gần năm mươi, không muốn lấy vợ kế nữa. Vả tuổi con còn bé, ốm yếu luôn; trên không có mẹ dạy bảo, dưới không có chị em giúp đỡ. Bây giờ con vào nương nhờ bà ngoại, có các cậu mợ và các chị em, như thế cho cha đỡ phải lo, sao con lại không muốn đi?

Đại Ngọc nghe xong, gạt nước mắt từ biệt cha xuống thuyền, theo vú nuôi và các người ở Giả phủ đến đón. Vũ Thôn mang theo hai tiểu đồng ngồi ở một chiếc thuyền khác. Khi đến kinh đô, Vũ Thôn chỉnh tề áo mũ, mang theo tiểu đồng đưa danh thiếp vào trong phủ, xưng là cháu họ. Giả Chính xem thư của em rể xong, vội vàng mời vào. Giả Chính vốn quý mến người học thức, kính trọng hiền sĩ, cứu giúp người cùng túng, có phong độ hào phóng của tổ tiên ngày trước, nay thấy Vũ Thôn mặt mũi khôi ngô, ăn nói phong nhã nên ông ta càng biệt đãi và hết sức giúp đỡ hắn. Trong khi có bản đề cử, Giả Chinh cố chạy vạy cho Vũ Thôn được phục chức. Chưa đầy hai tháng, Vũ Thôn được bổ tri phủ Ứng Thiên ở Kim Băng. Vũ Thôn từ biệt Giả Chính chọn ngày đi nhận chức.

Đại Ngọc ở thuyền lên, đã có kiệu và xe chở hành lý của Vinh phủ ra đón. Đại Ngọc thường nghe mẹ kể nhà bà ngoại khác hẳn mọi nơi, nay thấy mấy người đến đón, tuy mới chỉ là người hạng ba, nhưng đều ăn mặc khác thường. Đại Ngọc nghĩ bụng: Ta đã đến đây, càng phải cẩn thận để ý luôn, nếu lơ một lời, sai một bước sẽ bị chê cười. Đại Ngọc lên kiệu vào thành, vén màn rừng ra, thấy phố đẹp, người đông, phồn thịnh rất mực. Đi một lúc lâu, trông thấy đường phía bắc có hai con sư tử đá quỳ, ba gian cổng chính có chạm đầu thú, trước cửa chừng mười người mũ áo chỉnh tề đứng xếp hàng. Cửa giữa không mở. Người ra vào đều đi hai cửa phía đông và tây. Trên cửa chính có một cái biển đề năm chữ to “Sắc tạo1 Ninh quốc phủ”.

Đại Ngọc liền đoán: “Hẳn là nhà chi trưởng của bà ngoại ta đây”. Lại đi sang phía tây một quãng không xa, cũng có ba gian cửa lớn, đây là phủ Vinh quốc. Mọi người cũng không đi cửa giữa mà đi vào phía tây. Đi một lát, đến chỗ rẽ thì hạ kiệu, và lùi ra. Những bà gìa theo hầu đều xuống kiệu, còn Đại Ngọc thì đổi người khác khiêng. Những người khiêng toàn là mũ áo chỉnh tề, trạc độ mười bảy, mười tám tuổi. Các bà hầu già đi bộ theo sau. Đến trước cửa có giàn hoa, kiệu đỗ xuống, bọn con trai đều lui ra, những bà hầu già mở rèm đỡ Đại Ngọc xuống.

Đại Ngọc vịn tay người hầu bước vào cửa hoa, hai bên có hai dãy hành lang, giữa là xuyên đường2. Ngay lối vào có một bức bình phong bằng đá Đại Lý3 đặt trên giá gỗ đàn hương. Qua bức bình phong, có ba gian nhỏ, sau là một tòa nhà lớn năm gian, xà cột chạm vẽ. Hai bên hành lang treo nhiều lồng chim anh vũ, họa mị Trên thềm, mấy a hoàn quần áo xanh đỏ ngồi chực. Thấy Đại Ngọc đến, bọn a hoàn liền đứng dậy niềm nở tiếp đón:

– Cô đến rất đúng, cụ4 vừa nhắc xong.

Rồi ba bốn người tranh nhau vén rèm. Nghe có người nói to: “Cô Lâm đã đến”.

Đại Ngọc vừa bước vào nhà, thấy hai người đỡ một cụ già đầu bạc như tuyết, ra đón. Đại Ngọc biết ngay là bà ngoại, toan sụp xuống lạy, thì bà đã ôm ngay vào lòng kêu lên: “Ruột thịt của ta đây”. Rồi khóc nức nở. Những người đứng hầu ai cũng sa nước mắt. Đại Ngọc cũng khóc, mọi người dần dần khuyên giải mới thôi. Đại Ngọc làm lễ chào bà ngoại, tức là bà mẹ Giả Chính mà Tử Hưng vẫn gọi là Sử thái quân. Giả mẫu trỏ từng người và bảo Đại Ngọc:

– Đây là mợ Cả5. Đây là mợ hai6. Đây là vợ anh Châu, chị dâu góa của cháu.

Đại Ngọc chào từng người một. Giả mẫu lại bảo:

– Đi mời các cộ Hôm nay có khách xa đến, nghỉ học cũng được

Mọi người vâng lời rồi đi.

Một chốc, thấy ba người vú, năm sáu a hoàn dẫn ba cô đến. Cô thứ nhất, người nở nang, tầm thước, nước da nõn nà, má đỏ hồng hào như quả vải tươi, mũi loáng như xoa mỡ, tính nết ôn hòa kín đáo, thoạt nhìn đã thấy mến. Cô thứ hai, vóc dáng tròn trặn, người dong dỏng cao, mặt trái xoan, mắt sắc, lông mày dài, nhìn ngắm tình tứ, thanh tú khác thường, trông như thoát hẳn trần tục. Cô thứ ba, ít tuổi, vóc người còn nhỏ. Ba cô quần áo trang sức đều như nhau. Đại Ngọc vội vàng đứng dậy chào hỏi. Chị em nhận nhau rồi đều về chỗ ngồi. A hoàn bưng nước trà lên. Mọi người thăm hỏi: Mẹ Đại Ngọc ốm đau làm sao, thuốc thang thế nào? Khi mất, tang lễ ra sao? Giã mẫu nghe vậy lại càng thương xót, nói:

– Trong mấy đứa con gái, ta thương nhất là mẹ cháu. Nay nó chết trước, không được gặp mặt, thấy cháu nhẽ nào ta không thương tâm!

Nói xong, lại bế Đại Ngọc vào lòng khóc nức nở. Mọi người vội vàng khuyên giải mới thôi.

Đại Ngọc tuy còn bé, nhưng ngôn ngữ cử chỉ đứng đắn. Người yếu như không mang nổi cái áo, nhưng có một vẻ yêu kiều yểu điệu riêng. Mọi người thấy thế, biết ngay là khi sinh ra khí huyết không đủ. Có người hỏi:

– Thường uống thuốc gì? Vì sao không kíp chữa đi?

Đại Ngọc nói:

– Cháu xưa nay vẫn thế. Từ khi mới biết ăn cơm, đã phải uống thuốc rồi. Qua nhiều thầy giỏi, kê đơn bốc thuốc, nhưng đều chưa thấy công hiệu. Nhớ năm cháu lên ba, có một nhà sư chốc đầu bảo cháu nên đi tụ Cha cháu không nghe. Nhà sư ấy lại nói: Đã không chịu rời nó ra thì nó sẽ ốm đau cả đời! Muốn cho nó khỏe, thì từ giờ trở đi, chớ để nó nghe tiếng khóc; trừ bố mẹ ra, những người thân thích bên ngoại đừng cho gặp ai. Như vậy may ra mới bình yên được”. Những câu điên dại như thế chẳng ai buồn nghe cả. Hiện nay cháu đang uống thuốc nhân sâm dưỡng vinh”.

Giả mẫu nói:

– Tốt đấy, ở đây bà cũng đang làm thứ thuốc ấy, bảo làm thêm một tễ cho cháu.

Nói chưa dứt lời đã nghe phía sau nhà có tiếng cười:

– Tôi đến chậm, không được ra đón khách.

Đại Ngọc lấy làm lạ, nghĩ bụng: “Ở đây ai cũng im hơi lặng tiếng, khép nép nghiêm trang, không biết người nào mà lại dám vô lễ, ăn nói bô bô như thế”. Chợt thấy bọn hầu đỡ một người từ phòng sau lại. Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm ngũ phượng Triệu Dương7 đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu, khổ người óng ả, dáng điệu phong lưu, thật là: Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười.

Đại Ngọc đứng lên chào. Giả mẫu cười nói:

– Cháu không nhận được chị này đâu. Nó là một con đanh đá trong nhà này đấy, tiếng Nam kinh gọi là “Lạt tử8, cháu cứ gọi “Phượng lạt tử” là được.

Đại Ngọc không biết xưng hô thế nào, các chị em bảo: “Vợ anh Liễn đấy”.

Đại Ngọc chưa từng gặp mặt, nhưng đã nghe mẹ kể, anh Giả Liễn là con cậu Giả Xá, lấy cháu gái mợ Vương, từ bé thường giả làm trai, đi học, tên là Vương Hy Phượng. Đại Ngọc vội cười và chào bằng chị.

Hy Phượng cầm tay Đại Ngọc, nhìn kỹ một lúc rồi dắt đến cạnh Giả mẫu, cười nói:

– Trong thiên hạ lại có người đẹp như thế này! Bây giờ cháu mới được thấy! Trông hình dáng con người, ai cũng cho là cháu nội của bà, chứ không phải là cháu ngoại. Chả trách ngày nào bà cũng nhắc đến, chỉ đáng thương là em tôi vất vả, sao cô tôi lại mất sớm thế!

Nói xong lấy khăn mặt lau nước mắt. Giả mẫu cười nói:

– Ta vừa mới khuây đi, mày lại còn gợi ra. Em nó ở xa mới đến, người lại yếu, nên an ủi nó, đừng nói chuyện buồn nữa.

Vương Hy Phượng nghe xong, đổi buồn làm vui, nói:

– Phải đấy! Cháu vừa trông thấy, bụng để cả vào cô em, vừa vui vừa buồn, quên hẳn là. Đáng đánh đòn!

Rồi nắm tay Đại Ngọc nói:

– Em bao nhiêu tuổi? Đã đi học chưa? Hiện đang uống thuốc gì? Ở đây đừng nhớ nhà nhé! Muốn ăn gì, chơi gì em cứ bảo chị. Bọn người nhà có hổn láo thì mách chị.

Hy Phượng lại hỏi người nhà:

– Những hành lý của cô Lâm đã mang vào chưa? Cô Lâm mang mấy người theo hầu? Các người hãy dọn hai gian buồng cho họ vào nghỉ.

Đương nói chuyện thì mâm nước trà, hoa quả đã bưng lên. Hy Phượng tự tay bưng lên mời. Lại thấy Vương phu nhân hỏi:

– Tiền tháng đã phát xong chưa?

Hy Phương đáp:

– Xong rồi. Vừa rồi con mang người lên lầu tìm mấy tấm đoạn, mãi không thấy. Hôm qua con thấy mẹ9 nhắc đến, chỉ sợ mẹ nhớ nhầm.

Vương phu nhân nói:

– Có thấy hay không cũng chẳng can chi, nhân tiện lấy ra vài tấm đưa may quần áo cho cháu Lâm. Chiều nay để ta nhớ lại xem rồi sẽ cho người đi lấy.

Hy Phượng nói:

– Con đã nghĩ trước rồi, biết em Lâm trong vài ngày sẽ đến, nên sửa soạn sẵn cả, đợi mẹ xem rồi đưa đi may.

Vương phu nhân cười gật đầu.

Trà nước xong, Giả mẫu sai hai bà già đưa Đại Ngọc đi chào hai cậu. Bấy giờ vợ Giả Xá là Hình phu nhân đứng ngay dậy, cười nói:

– Để con đưa cháu về cho tiện.

Giả mẫu cười:

– Phải đấy! Con đưa cháu đi, không phải trở lại nữa.

Hình phu nhân vâng lời, chào Vương phu nhân rồi dẫn Đại Ngọc đi. Mọi người tiễn đến xuyên đường. Ra tới cửa hoa, ở đấy đã có mấy người kéo một cỗ xe màu xanh cánh trả chờ sắn. Hình phu nhân dắt Đại Ngọc lên ngồi, mấy bà hầu già buông rèm xuống rồi người hầu đẩy xe đi. Đến chỗ rộng mới đóng ngựa vào. Xe ra cửa tây, rẽ sang đông, qua cửa chính Vinh phủ, vào trong cửa lớn sơn đen, đến trước nghi môn thứ hai thì đỗ lại. Mọi người lùi ra, rèm xe vén lên. Hình phu nhân dắt Đại Ngọc bước vào trong dinh. Đại Ngọc đoán những nhà vừa đi qua tất là vườn hoa trong Vinh phủ. Vào nghi môn thứ ba, quả nhiên thấy phòng chính, phòng bên, hành lang, đều chạm vẽ tinh vi khác với vẻ cao rộng hùng vĩ ở mé ngoài. Trong dinh, chỗ nào cũng có cây cảnh núi non rất đẹp. Khi vào đến nhà chính đã thấy nhiều a hoàn và người hầu ăn mặc lịch sự ra đón.

Hình phu nhân bảo Đại Ngọc ngồi rồi cho người ra thư phòng mời Giả Xá. Một lát, người đi mời trở lại thưa:

– Ông truyền: Mấy hôm nay trong người không được khỏe, nếu gặp cô Lâm thì hai cậu cháu đều thương tâm, nên để sau sẽ gặp. Ông khuyên cô khôn nên nhớ nhà, ở với bà và cái mợ cũng như ở nhà. Các chị em ở đây tuy vụng dại, nhưng làm bầu làm bạn với nhau cũng có thể giải buồn. Nếu có điều gì không vừa ý thì cứ nói, đừng làm như người lạ.

Đại Ngọc vội đứng dậy xin vâng. Ngồi một lúc rồi cáo từ. Hình phu nhân cố giữ lại ăn cơm. Đại Ngọc cười thưa:

– Mợ có lòng yêu cho ăn, cháu không dám tử chối. Nhưng cháu còn phải đi chào cậu Hai, đến chậm sợ thất lễ. Ngày khác cháu sẽ đến hầu cơm, xin mợ lượng thứ cho.

Hình phu nhân nói:

– Thôi được.

Rồi bảo hai bà già đẩy cái xe lúc nãy đưa về. Đại Ngọc chào rồi đi ra. Hình phu nhân đưa đến trước nghi môn, dặn bảo mọi người mấy câu, nhìn xe đi khỏi mới quay vào.

Đi một lúc đến Vinh phủ, Đại Ngọc xuống xe. Người hầu dẫn Đại Ngọc đi quay về phía đông, qua xuyên đường, sau nhà lớn hướng nam, trong cửa nghi môn, có một dinh tọ Đằng trước là nhà chính, có năm gian rộng, hai bên là hai dãy buồng, cửa nách hành lang, từ nhà nọ sang nhà kia thông suốt bốn mặt ngang dọc rộng rãi, tráng lệ nguy nga, khác hẳn chỗ ở của Giả mẫu. Đại Ngọc biết ngay chỗ này là nhà trong. Một con đường rộng rãi, đi thẳng đến cửa lớn. Bước lên thềm, ngẩng trông thấy ngay một cái biển lớn sơn xanh chạm chín con rồng thiếp vàng, trên khắc ba chữ to “Vinh hy đường”10 bên cạnh có một hàng chữ nhỏ đề ngày tháng vua viết ban cho Vinh quốc công là Giả Nguyên, có cả ấn “Vạn cơ thần hàn”11. Trên cái án thư gỗ đàn hương chạm con li, đặt một cái đỉnh đồng cổ, cao gần ba thước, trên treo một bức vẽ long ám lớn có đề bốn chữ “đãi lậu tùy triều”12. Một bên bày cái chậu pha lê, một bên bày cái bình vàng chạm. Dưới đất đặt hai hàng mười sáu cái ghế gỗ nam, có một đôi câu đối khắc chữ vàng:

Chậu ngọc trên lầu trông chói lọi;
Ái xiêm ngoài của bóng huy hoàng.

Dưới có lạc khoản. “Em thế nghị là Mục Thời, tập tước Đông An Quận Vương, tự tay viết”.

Ngày thường Vương phu nhân không hay ở phòng giữa, chỉ ở ba gian phía đông bên cạnh. Vì thế người hầu già dẫn Đại Ngọc vào cửa buồng bên đông. Trên bục lớn, trông ra cửa sổ, rải một tấm thảm nhung đỏ, giữa đặt gối tựa bằng vóc đại hồng, gối đầu bằng vóc màu thạch thanh và đệm vóc màu vàng đều thêu kim tuyến; hai bên đặt một đôi kỷ nhỏ sơn đen kiểu hoa mai; kỷ bên trái bày một cái đỉnh “Văn chương” hộp đựng hương và thìa đũa; kỷ bên phải bảy một cái bình “Mỹ nhân” bằng sứ Như Châu, cắm hoa tươi. Dưới đất phía tây bày bốn ghế tựa to, có đệm vóc hoa, dưới ghế có cái kê chân; hai bên ghế có một đôi kỷ cao, trên có đủ đồ chê, lọ hoa. Còn nhiều đồ trần thiết không kể xiết.

Một bà hầu già mời Đại Ngọc ngồi trên bục, có hai đệm gấm rải đối nhau. Đại Ngọc đoán chừng, ngồi đây không tiện, nên sang ngồi ghế mé đông. A hoàn mời nước trà. Đại Ngọc vừa uống, vừa ngắm bọn a hoàn, thấy trang sức, cử chỉ khác hẳn mọi người.

Uống nước trà xong, có một a hoàn mặc áo lụa đỏ sau vai viền chỉ xanh, chạy lại cười nói:

– Bà Hai13 mời cô vào trong này.

Bà hầu già dẫn Đại Ngọc vào ba gian phòng phía đông. Trên giường đặt một cái kỷ; trên mặt kỷ để cỗ đồ chè, mấy bộ sách; ở sát tường phía đông có đặt một cái gối tựa bằng đoạn, xanh hơi cũ.

Vương phu nhân ngồi cuối mé bên tây, nệm ngồi và gối tựa lưng đều bọc đoạn xanh, hơi cũ. Thấy Đại Ngọc đến, Vương phu nhân mời ngồi lên nệm bên đông. Đại Ngọc đoán đó là chỗ ngồi của Giả Chính. Nhân thấy cạnh bục có một hàng ba cái ghế phủ vóc hoa hơi cũ bèn ngồi ngay xuống. Vương phu nhân hai ba lần kéo lên ngồi trên bục, Đại Ngọc mới chịu lên ngồi cạnh Vương phu nhân. Vương phu nhân nói:

– Cậu cháu hôm nay bận trai giới. Hôm sau sẽ gặp. Mợ có một điều dặn cháu: ba chị em cháu ở đây đều tốt cả. Từ nay về sau, các cháu ở một chỗ với nhau, đọc sách, tập viết, học khâu, học thêu, hoặc lúc chơi đùa, chúng nó điều biết điều cả. Chỉ có một việc là mợ không được yên lòng: mợ có một đứa con ngỗ nghịch, nó là ma vương nhà này. Hôm nay nó ra miếu lễ chưa về, chiều cháu gặp nó sẽ biết. Có điều gì cháu cứ mặc kệ nó. Các chị em ở đây không ai dám dây với nó cả.

Đại Ngọc vẫn thường nghe mẹ nói: có một anh ngoại con mợ Hai, khi mới đẻ ra ngậm hòn ngọc, ngỗ nghịch lạ thường, rất ghét đọc sách, chỉ hay quấy rối đám đàn bà con gái; bà lại quá nuông, nên không ai dám động đến. Nay thấy Vương phu nhân dặn thế, Đại Ngọc hiểu ngay, liền cười nói:

– Mợ vừa nói đây, có phải là anh mới sinh ra đã ngậm ngọc không? Ở nhà mẹ cháu thường nhắc đến, anh ấy lớn hơn cháu một tuổi, tên là Bảo Ngọc, tính bướng bỉnh, nhưng đối với chị em lại rất tốt. Vả cháu đến đây, tất nhiên là cùng các chị em ở chung một chỗ, còn các anh thì ở phòng khác, chắc không thể xảy ra chuyện gì.

Vương phu nhân cười nói:

– Cháu chưa biết rõ, nó khác hẳn mọi người. Từ bé nó được bà yêu, cho ở chung với các chị em, được nuông chiều quen rồi. Các chị em cứ để mặc nó, thì nó mới chịu ngồi yên. Dù nó có buồn, chẳng qua chỉ ra đến cửa ngoài, ngấm ngầm bực dọc với mấy đứa trẻ, lủng bủng một lúc là xong. Nếu các chị em bắt lời, nó vui lên thì sinh nhiều chuyện lắm. Vì thế mợ dặn cháu trước cứ mặc kệ nó. Nó lúc thì nói ngon nói ngọt, lúc thì coi trời bằng vung, lúc thì điên điên dại dại, cháu đừng tin nó.

Đại Ngọc nhất nhất xin vâng. Chợt một a hoàn đến nói:

– Bên cụ đã gọi ăn cơm chiều.

Vương phu nhân vội dắt Đại Ngọc ra cửa buồng sau. Qua hành lang rẽ sang mé tây ra khỏi cửa bên là con đường rộng. Mé nam có ba gian nhà nhỏ vòng quanh nhà lớn mé bắc có một bức tường quét vôi trắng; phía sau là một cái cửa khá to và một ngôi nhà nhỏ xinh xắn. Vương phu nhân cười bảo Đại Ngọc:

– Đây là nhà chị Phượng. Lúc trở về, cháu vào chơi có cần cái gì, cứ bảo chị ấy.

Đến ngoài cửa dinh, có mấy tiểu đồng tóc để trái đào, chắp tay đứng hầu. Vương phu nhân dắt Đại Ngọc đi qua xuyên đường, từ đông sang tây, thì đến nhà trong của Giả mẫu, rồi vào cửa buồng sau. Ở đây đã có nhiều người chờ. Thấy Vương phu nhân đến, họ mới dọn bàn ghế. Vợ Giả Châu là họ Lý rót rượu, Hy Phượng so đũa, Vương phu nhân dâng đồ ăn. Giả mẫu ngồi một mình trên sập, hai bên có bốn ghế bỏ không, Hy Phượng vội dắt Đại Ngọc ngồi ghế thứ nhất bên trái, Đại Ngọc nhất định từ chối, Giả mẫu cười bảo:

– Các mợ và các chị dâu cháu đều không ăn cơm ở đây. Cháu là khách, nên ngồi chỗ ấy.

Đại Ngọc mới xin phép ngồi. Giả mẫu bảo Vương phu nhân ngồi. Ba chị em Nghênh Xuân xin phép ngồi. Nghênh Xuân ngồi ghế thứ nhất bên phải; Thám Xuân ngôi ghế thứ hai bên trái; Tích Xuân ngồi ghế thứ ba, bên phải, A hoàn đứng bên cầm phất trần, ống nhồi khăn taỵ Lý Hoàn, Phượng Thư đứng cạnh bàn tiếp thức ăn; bên ngoài tuy nhiều người hầu, nhưng đều im lặng không có một tiếng họ Ăn xong mỗi người có một a hoàn dâng trà. Ngày thường nhà họ Lâm dạy con giữ gìn sức khỏe, ăn cơm xong một lúc mới uống nước, để khỏi hại tỳ vị. Bây giờ Đại Ngọc thấy cách ăn uống ở đây khác với nhà mình, nhưng cũng phải theo, vừa cầm chén trà, đã có người bưng ống nhổ đến. Đại Ngọc súc miệng, rửa tay xong, lại có ngươi bưng trà lên, lần này mới là nước uống.

Giả mẫu nói:

– Ai ở đâu về đấy, để bả cháu ta trò chuyện.

Vương phu nhân đứng dậy nói mấy câu rồi dẫn Lý Hoàn, Hy Phượng đi ra. Giả mẫu hỏi Đại Ngọc học sách gì? Đại Ngọc thưa: “Mới học tứ thư”. Đại Ngọc hỏi các chị em ở đây học sách gì: Giả mẫu nói: “Đã học được gì đâu, chẳng qua mới biết mặt mấy chữ”.

Nói chưa dứt lời, thấy bên ngoài có tiếng người đi. A hoàn vào báo: “Cậu Bảo Ngọc đã về”. Đại Ngọc nghĩ bụng: “Chả biết cái anh Bảo Ngọc này là người bướng bỉnh hồ đồ thế nào, thà chẳng gặp của ngốc ấy còn hơn”. Khi vào, thoạt nhìn thì thấy một thanh niên công tử: đầu đội mũ kim quan dát ngọc, khăn bịt trán có đính hai con rồng bằng vàng vờn hạt châu, mặc áo chẽn màu đại hồng thêu trăm con bươn vờn hoa, thắt lưng dây tơ ngũ sắc tết hoa, áo khoác ngoài bằng đoạn hoa màu thạch thanh, đi đôi hài bằng đoạn xanh, đế trắng, mặt như trăng rằm mùa thu, sắc như hoa xuân buổi sớm, mái tóc bằng như dao xén, lông mày rõ như mực kẻ, má như cánh hoa đào, mắt như làn sóng gợn. Lúc giận cũng như cười, dù trừng mắt vẫn có tình tứ. Cổ đeo khánh vàng chạm con ly và một dây ngũ sắc buộc viên ngọc.

Đại Ngọc trông thấy, choáng người lên, nghĩ bụng: “Lạ thật! Hình như ta đã gặp ở đâu rồi, sao quen mặt thế!”.

Bảo Ngọc vào chào, Giả mẫu liền bảo:

– Hãy về chào mẹ cháu đã.

Bảo Ngọc quay ra ngaỵ Một lúc trở lại, đã thay cả mũ áo. Xung quanh đầu, tóc ngắn tết thành búi nhỏ buộc dây tơ đỏ, tất cả vấn lên đỉnh đầu trở xuống cài bốn hạt châu lớn, phía dưới lại đeo bát bảo bằng vàng dát ngọc, mình mặc áo hoa màu ngân hồng hơi cũ, cổ đeo vòng vàng, ngọc quý, khóa ký danh14 và bùa hộ thân, mặc quần lụa hoa màu lá thông, đi bí tất gấm viền đen, hài đỏ đế dày; lại rõ ra mặt phấn môi son, nhìn liếc có duyên, nói năng tươi tỉnh, đầu mày cuối mặt, có một vẻ thiên nhiên, trông rất tình tứ. Bề ngoài nhìn rất đẹp, nhưng không biết bên trong thế nào. Người sau có hai bài từ Tây giang nguyệt15. Bình luận Bảo Ngọc rất xác đáng.

Bỗng chốc mua sầu chuốc não.
Lắm khi như dại như ngây.
Ngoài mặt mặc dù thanh tú,
Trong lòng rác rưởi chứa đầy.
Đần độn học hành lười biếng,
Việc đời chẳng biết dở hay.
Việc làm ngang trái, tính ương gàn,
Quản chi miệng người chê trách!
Nghèo khó không quen vất vả,
Giàu sang chỉ thích ăn chơi.
Đối với người nhà, vô ích,
Tiếc thay bỏ phí một đời.
Thiên hạ vô tài bậc nhất,
Xưa nay bất tiếu không hai.
Nhắn cùng con cháu bọn giàu sang.
Nhìn đấy chớ nên bắt chước!

Giả mẫu thấy Bảo Ngọc đến, cười bảo:

– Chưa chào khách đã thay quần áo, sao cháu không ra chào cô em đi?

Bảo Ngọc trông thấy một cô gái, đoán ngay là con cô mình, vội vàng đến chào. Ngồi xuống nhìn kỹ, khác hẳn các cô gái. Chỉ thấy:

Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu; Người hơi mệt trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can16 hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tứ17 trội vài phân.

Bảo Ngọc nhìn rồi cười nói:

– Hình như tôi đã được gập cô em lần nào rồi.

Giả mẫu cười:

– Lại nói nhảm, đã gặp lần nào đâu?

Bảo Ngọc cười nói:

– Tuy chưa gặp, nhưng trông mặt quen lắm, cũng coi như đã gặp nhau rồi.

Giả mẫu cười nói:

– Tốt lắm! Thế thì lại càng tử tế với nhau.

Bảo Ngọc chạy đến ngồi cạnh Đại Ngọc, ngắm nghía lần nữa, rồi hỏi:

– Cô em đã học sách chưa?

– Em chưa đọc sách, mới học một năm, biết mấy chữ thôi.

– Tên cô em là gì?

– Tên là Đại Ngọc.

– Tên chữ là gì?

– Em không có tên chữ.

Bảo Ngọc cười nói:

– Anh đặt tên cho em là Tần Tần nhé, hai chữ đó rất hay.

Thám Xuân hỏi:

– Hai chữ ấy xuất xứ ở đâu?

Bảo Ngọc nói:

– Cổ kim nhân vật khảo có câu: Phương tây có thứ đá tên là đại, có thể dùng để kẻ lông mày. Huống chi cô em đầu lông mày nhìn như cau lại, đặt cho cái tên ấy chẳng đẹp lắm sao.

– Chỉ sợ lại bịa ra thôi.

– Trừ Tứ Thư ra, còn phần nhiều là bịa cả, chẳng phải một mình tôi.

Lại quay hỏi Đại Ngọc:

– Em có ngọc không?

Mọi người không ai hiểu tại sao Bảo Ngọc lại hỏi thế, Đại Ngọc trong bụng đoán ngày: “Chắc anh ấy có ngọc, nên mới hỏi mình”, liền trả lời:

– Em không có ngọc. Thứ ngọc của anh là vật rất hiếm, phải đâu người nào cũng có.

Bảo Ngọc nghe vậy, nổi ngay cơn điên, dứt viên ngọc vứt phăng đi, la ầm lên:

– Vật này hiếm gì mà hiếm! Không phân biệt được người hơn kém, thế thì bảo nó thiêng hay không thiêng! Tôi không cần cái thứ vô dụng này

Mọi người sợ hãi, xô nhau lại nhặt viên ngọc. Giả mẫu vội vàng lôi Bảo Ngoé lại mắng:

– Của nợ này! Mày có nổi hung lên, muốn đánh ai, mắng ai thì cứ việc đánh, cứ việc mắng, làm gì phải vứt cái bản mệnh của mày đi!

Bảo Ngọc nước mắt giàn giụa nói:

– Các chị em trong nhà không ai có; chỉ một mình cháu có cũng chẳng thú gì. Ngay cô em mới đến đây, người đẹp như tiên mà cũng không có, càng biết cái này chẳng quý hóa gì.

Giả mẫu nói dối:

– Em cháu ngày trước cũng có. Vì lúc cô cháu sắp mất, thương em cháu quá, không biết làm thế nào, mới lấy viên ngọc mang đi, một là chôn viên ngọc theo để hết cái lòng hiếu của em cháu, hai là nhờ có viên ngọc mà âm linh cô cháu cũng xem như được thấy em cháu luôn. Vì thế em cháu nói không có ngọc là có ý không tiện khoe khoang đấy thôi. Cháu bì sao được với em cháu. Nếu cháu không đeo tử tế vào, mẹ cháu biết thì coi chừng đấy.

Giả mẫu nói xong, cầm lấy viên ngọc ở trong tay a hoàn đeo cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc ngẫm nghĩ một lúc thấy cũng có lý nên không nói gì nữa.

Ngay lúc ấy, người vú lại hỏi dọn buồng nào cho Đại Ngọc ở Giả mẫu nói:

– Dọn cho Bảo Ngọc đến ở Noãn Các18 với ta; để cháu Lâm tạm ở buồng Bích Sa, chờ hết đông sang xuân sẽ thu xếp lại.

Bảo Ngọc nói:

– Thưa bà, để cháu ngủ cái giường ở bên ngoài buồng Bích Sa thì hơn, việc gì phải đến ngủ gần bà, làm bà không được yên tĩnh.

Giả mẫu nghĩ một lúc, nói:

– Thôi cũng được.

Mỗi người có một vú già và một a hoàn phục dịch, còn thì ở cả bên ngoài trực đêm. Hy Phượng đã sai người mang cỗ màn màu cánh sen, nhăn gấm và đệm đoạn đến.

Đại Ngọc chỉ mang có hai người theo hầu: vú nuôi họ Vương và con bé mười tuổi tên là Tuyết Nhạn. Giả mẫu thấy Tuyết Nhạn bé quá, vú Vương già quá, sợ Đại Ngọc không vừa ý mới cho thêm một a hoàn hạng nhì của mình tên là Anh Ca, cũng như chị em Nghênh Xuân, trừ vú nuôi ra, mỗi người có bốn bà già giúp việc. Ngoài hai a hoàn theo hầu bên cạnh để trông nom trâm, vòng, tắm rửa, còn bốn, năm người quét dọn và sai vặt. Vú Vương cùng Anh Ca hầu Đại Ngọc phía trong buồng Bích Sạ Vú Lý nuôi Bảo Ngọc cùng a hoàn lớn là Tập Nhân hầu Bảo Ngọc ở bên ngoài.

Nguyên Tập Nhân là người hầu của Giả mẫu, tên là Trân Châu. Giả mẫu vì quá yêu Bảo Ngọc, sợ những người hầu khác không được vừa ý, thấy Tập Nhân hiền lành, làm việc chăm chỉ, mới cho sang hầu Bảo Ngọc. Bảo Ngọc biết Tập Nhân họ Hoa, lại từng nghe cổ nhân có câu thơ: “Hoa khí tập nhân”19, mới trình Giả mẫu cho đổi tên là Tập Nhân.

Tập Nhân xưa nay vốn có tính ngây thợ Khi hầu Giả mẫu, thì trong bụng chỉ biết Giả mẫu; đến nay sang hầu Bảo Ngọc, lại chỉ biết có Bảo Ngọc. Vì tính tình Bảo Ngọc ngang trái, mỗi khi Tập Nhân can gián, thấy Bảo Ngọc không nghe, trong bụng rất lo lắng. Tối hôm ấy, Bảo Ngọc và vú Lý đã ngủ rồi, Đại Ngọc và Anh Ca ở tròng buồng hãy còn thức, Tập Nhân cỡi trang sức ra, khe khẽ đi vào, cười hỏi:

– Cô sao chưa đi ngủ?

Đại Ngọc vội cười nói:

– Mời chị ngồi.

Tập Nhân ngồi ghé bên giường. Anh Ca cười nói:

– Cô tôi đang buồn rầu, gạt nước mắt nói: “Hôm nay mới đến đã làm anh ấy phát cáu lên. Nếu đập vỡ viên ngọc, há chẳng phải là lỗi ở ta sao?” Tôi khuyên giải mãi mới thôi.

Tập Nhân nói:

– Cô đừng vội như thế, sau này còn nhiều việc kỳ quặc đáng buồn cười hơn nữa kia. Nếu vì việc này mà cô để tâm thì có lẽ sau không bao giờ hết buồn đâu. Thôi xin cô đừng nghĩ nhiều quá!

Đại Ngọc nói:

– Chị nói tôi xin nhớ. Nhưng không biết viên ngọc đó lai lịch như thế nào mà có cả chữ nữa.

Tập Nhân nói:

– Cả nhà chẳng ai biết rõ lai lịch cả. Nghe đâu khi mới đẻ, trong mồm cậu ấy đã ngậm viên ngọc và bên trên có lỗ đeo. Để tôi lấy ra cho cô xem.

Đại Ngọc vội ngăn lại:

– Thôi! Đêm khuya rời, mai lấy xem cũng chưa muộn.

Hai người nói chuyện một lúc mới đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau Đại Ngọc thức dậy, vào thăm Giả mẫu rồi sang nhà Vương phu nhân. Gặp lúc Vương phu nhân cùng Hy Phương đang bóc thư ở Kim Lăng gởi sang, lại có hai bà già của anh và chị dâu Vương phu nhân sai đến. Đại Ngọc tuy không biết đầu đuôi câu chuyện, nhưng bọn Thám Xuân thì đều biết là con nhà dì tên gọi Tiết Bàn ở Kim Lăng, cậy giàu cậy thế đánh chết người, việc này đã đưa lên phủ Ứng Thiên, đến nay em Vương phu nhân là Vương Tử Đằng mới biết tin, sai người sang báo, ý muốn gọi Tiết Bàn vào Kinh.


  1. Theo chiếu chỉ của nhà vua cho xây nên. 

  2. Nhà để đi qua bốn mặt không có cửa. 

  3. Tên một huyện thuộc tỉnh Vân Nam có thứ đá hoa rất đẹp. 

  4. Tức Giả mẫu. 

  5. Tức Hình phu nhân. 

  6. Tức Vương phu nhân. 

  7. Năm chim phượng đậu núi Triệu Dương. 

  8. Tay sắc sảo, đanh đá. 

  9. Vương phu nhân là cô Phượng Thư, về họ nhà chồng, bà ta là thím Phượng Thư nhưng Phượng Thư lại sang ớ trông coi bên nhà Vương phu nhân, nên thườn gọi bà ta là thái thái. Chúng tôi tạm dịch là mẹ. 

  10. Hưởng phúc sung sướng. 

  11. Vạn cơ là muôn việc. Thần hàn là chữ của vua viết. 

  12. Chờ đợi giờ để theo các quan vào chầu. 

  13. Tức Vương phu nhân. 

  14. Theo tục ngữ ngày xưa, muốn cho trẻ con khôi chết non, người ta thường đem cúng vào đền chùa xin làm con nuôi thần phật và đeo cái khóa ở cổ để Bản mệnh trường sinh. 

  15. Tên một từ chức đặt ra từ đời Đường. 

  16. Ti Can là chú vua Trụ đời Ân, đời đồn tim ông có chín khiếu. 

  17. Tích Tây Thi, một cô gái nước Việt. Vua Việt Câu Tiễn dâng lên làm vợ vua Ngô. 

  18. Nhà gác xây kín có lò sưởi ấm. 

  19. Mùi hoa thơm trùm phủ cả người.