Tìm được chỗ của mình

Có người đến tâu với Quốc vương Makhmut:

– Tâu Quốc vương, có một người tự xưng là nhà tiên tri xin yết kiến Quốc vương.

Quốc vương ra lệnh:

– Cho dẫn hắn vào.

Nhà tiên tri tự xưng được dẫn vào: đó là một lão già đầu hói, quần áo rách tả tơi. Chân đi đất, má hóp lại vì đói.

– Dẫn hắn đi – Quốc vương truyền – Nuôi hắn bốn mươi ngày bằng mật ong, bơ, đào và nho, bánh ngọt!

Sau bốn mươi ngày Quốc vương sai dẫn kẻ tự xưng là tiên tri đến.

– Thế nào, – Ngài hỏi, – nhà ngươi vẫn còn là nhà tiên tri chứ?

– Vâng…

– Tốt. Nhà tiên tri thường biết được những lời mặc khải. Nhà ngươi cũng thế chứ?

– Bẩm vâng, qua vị thần Giêbrail.

– Thế thánh Ala truyền đạt cho ngươi điều gì qua thần Giêbrail?

– Thánh Ala nói: “Quốc vương đã tìm được chỗ của mình. Hãy cẩn thận đừng để mất”

*
*  *

Tôi thực sự kinh ngạc vì sự xuất hiện bất ngờ của anh ta. Thoạt tiên tôi tưởng cửa sổ bị vỡ tan và một quả bóng bay vào phòng. Nhưng đó không phải quả bóng, mà là người, và hắn không bay qua cửa sổ, mà tông thẳng vào cửa ra vào, suýt làm tung cả bản lề. Đầu tóc anh ta rối bùm, miệng méo xệch, mắt đỏ vằn những tia máu, nhìn trừng trừng như gã điên.

Lúc đầu tôi không nhận ra anh ta, và thú thật, hơi hoảng. Chỉ sau khi định thần tôi mới nhớ ra là chúng tôi đã có lần gặp nhau. Tôi không biết tên anh ta. Tôi gặp anh ta ở nhà một người bạn, và có thể, thậm chí đã nói chuyện với anh ta.

Tôi giơ tay chỉ chiếc ghế và nói bằng giọng lạc hẳn đi vì sợ:

– Chào anh, mời anh ngồi.

Một tay đấm đấm vào đùi, tay kia đấm đấm vào không khí, anh ta lớn tiếng la như người bị uất ức chất chứa trong lòng.

– Không thể tiếp tục như thế được nữa!… Phải chấm dứt ngay sự bất công này…

Tôi không hiểu anh ta muốn nói gì, nhưng muốn để anh ta nguôi dịu, đành phải hùa theo:

– Anh nói đúng lắm! Nhưng xin anh cứ ngồi xuống đã.

Khuôn mặt ông khách của tôi đỏ rực như lửa.

– Anh uống chút nước mát nhé? – Tôi hỏi. Ông khách dường như không nghe thấy lời mời của tôi.

– Phải lật đổ!… Lật đổ… – Anh ta gầm lên.

Bằng cử chỉ cung kính tôi nắm vai anh ta, ấn anh ngồi xuống chiếc ghế sa lông. Đặt một điếu thuốc lá vào tay anh ta. Mở cửa sổ. Đưa cho anh cốc nước.

– Tôi không muốn uống – Anh ta làu bàu.

– Không sao, anh cứ uống đi.

Cuối cùng tôi dỗ được, và anh máy móc tu cạn cốc nước. Từ lồng ngực anh phát ra ra tiếng thở dài nhẹ nhõm.

Tôi pha cà phê cho anh. Vị khách của tôi đã hơi nguôi dịu.

– Tôi thích những người ôn hòa, điềm đạm. – Bỗng anh thốt lên.

– Anh có thể giải thích rõ hơn ý anh muốn nói? – Tôi hỏi anh.

– Tôi thích những người có ý chí kiên định. Một khi họ đã nắm giữ một chức vụ gì thì có doạ giết họ cũng không bao giờ rời bỏ nó. Lối sống của những người này hết sức đều đặn. Họ biết trước ở đâu, vào giờ nào, sẽ làm gì, cùng với ai, bàn về chuyện gì. Có thể ví họ như chiếc xe buýt chạy đúng theo lịch. Thậm chí đi toalet họ cũng đi đúng giờ nhất định, không bao giờ rơi vào hoàn cảnh lố bịch, như chúng ta, trên đường phố… Đầu óc và dạ dày họ làm việc rất trơn tru. Dù làm việc ở bất cứ cơ quan nào họ cũng chỉ rời bỏ công việc khi đã về hưu hoặc khi rời bỏ thế giới phù sinh này.

Con người đó nói đúng về tôi! Song, mặc dù anh ta ca ngợi lối sống ôn hòa, điềm đạm, vẫn có cảm giác anh không thích tất cả những ai, mà theo anh, sống quá ư buồn tẻ.

– Tôi rất thích sự yên tĩnh, ngăn nắp – Anh ta kết luận, – nhưng không sao làm được…

– Anh sẽ làm được, thánh Ala sẽ phù hộ. – Tôi an ủi anh ta.

Anh túm vào mớ tóc đã bạc của mình.

– Anh nói sẽ làm được à?! Nhưng đến bao giờ?! Vào tuổi tôi ư? Lấy ví dụ như anh… Anh thường cất tiền lẻ ở đâu?

– Tiền lẻ ấy à?… Trong túi quần bên phải.

– Còn tiền chẵn?

– Trong ví, ở túi trong bên trái áo vét.

– Còn mùi xoa?

– Tôi có hai mùi xoa, một cái ở túi quần bên trái, một cái ở túi áo vét bên phải.

– Còn lược?

– Ở túi quần sau.

– Chìa khóa?

– Túi quần trước.

– Bút máy?

– Túi trong bên phải áo vét.

– Đấy, thấy chưa, anh biết rõ vật gì ở chỗ nào, còn tôi thì không?

– Tại sao?

– Tại vì tôi không có tất cả những thứ đó! Đôi khi nếu có tiền tôi nhét bừa vào bất cứ túi nào. Để cất tiền, khăn tay, lược, bút máy, sổ điện thoại vào các túi khác nhau, trước hết cần phải có tất cả những thứ đó… – Anh ta lại rít lên. – Mà tôi thì suốt đời không lúc nào có tiền! Đã hai hôm nay tôi chẳng có hột cơm nào vào bụng. Anh cứ xem đôi giày của tôi đây này! Thấy chưa?… Há như mõm cá sấu!… Chúng ta đang rơi xuống vực! Trong nước toàn thất nghiệp! Dân chúng nghèo khổ. Đạo đức suy đồi. Mại dâm phát triển. Cờ bạc lan tràn như bệnh dịch. Người bệnh không mua nổi thuốc. Bệnh viện thì thiếu chỗ. – Anh ta ngừng một giây, chống hai cùi tay xuống bàn, dí mặt vào sát mặt tôi. – Cần phải có cách mạng, c-á-c-h m-ạ-n-g!… Anh đồng ý với tôi chứ?

Tôi đờ người không nói được câu nào. Mãi lúc sau, cố lắm tôi mới thì thào:

– Hãy coi như tôi không nghe thấy những lời anh vừa nói. Đó là việc tốt nhất tôi có thể làm vì anh. Anh không nói gì cả, thậm chí anh cũng không đến đây. Hết!…

Anh ta đứng dậy, bối rối.

– Tôi rất tiếc đã xảy ra chuyện như vậy. Vậy mà tôi cứ tưởng có thể trông mong vào anh.

– Anh đừng nói với ai rằng anh đã đến nhà tôi nhé! Còn về phần tôi, tôi hứa sẽ không tố giác anh.

Anh ta ra về trong bòng buồn rầu, ánh mắt lộ vẻ thất vọng.

Vì lơ sợ, tôi không thể ngồi nhà, phải ra phố. Tôi quay kim đồng hồ cho sớm lên một tiếng rưỡi, rồi đi đến vài người bạn. Khi nói chuyện với người nào thỉnh thoảng tôi lại xem đồng hồ và nói to đã mấy giờ rồi. Tôi làm như vậy vì quá hoảng sợ. Trường hợp nếu anh bạn tôi có ba hoa thì tôi có chứng cớ ngoại phạm. Tôi sẽ lôi mấy người bạn đến làm chứng.

Khi về nhà tôi không tìm thấy trong ví tờ một nghìn lia. Có lẽ do quá sợ khi trả tiền tắc-xi tôi đã đưa nhầm tờ nghìn lia thay cho tờ mười lia!

Tôi ngẩn ngơ cả người. Đối với người lương không lấy gì làm nhiều như tôi, một nghìn lia là cả số tiền lớn. Cả đêm tôi không sao ngủ được. Sáng ra trên đường đi làm tôi lại gặp ông khách hôm qua. Tôi đi cùng với một anh bạn. Tôi ngoảnh mặt đi, hi vọng ông khách có tư tưởng tự do kia không nhìn thấy tôi. Nhưng anh ta đã nhìn thấy và tiến lại gần.

– Khỏe không, ông bạn?

Tôi lạnh nhạt đáp:

– Cám ơn.

– Thời tiết đẹp quá phải không?

Tôi phải nói với các bạn là trời mưa rả rích suốt từ sáng.

– Có gì mà đẹp? – Tôi làu bàu. – Mưa dầm dề…

Hắn ta mỉm cười.

– Tôi lại thích thời tiết thế này. Trời này vào rạp xem phim là thú nhất. Ăn trưa xong tôi sẽ đi xem bộ phim mới. Thôi tạm biệt.

– Chúc anh may mắn.

Hắn bỏ đi. Anh bạn tôi nhìn theo hắn, nói thầm với tôi:

– Con người ta là sinh vật kì lạ. Khi có tiền trong túi thì thời tiết xấu cũng coi là đẹp.

– Hắn có tiền à?

– Trước kia không lúc nào hắn có tiền cả, nhưng bây giờ thì có. Chiều qua hắn đi với một người bạn trên phố Bâyôglơ. Bỗng có vật gì từ một cửa sổ tầng cao rơi xuống. Một cái ví chật cứng tiền rơi trúng đầu thằng cha may mắn này, còn cái chậu hoa thì rơi trúng đầu người bạn bất hạnh của hắn. Anh bạn kia phải đưa vào nhà thương, còn trong lúc hỗn độn thằng cha kia lỉnh đi mất cùng cái ví tiền.

Một tuần sau, trên xe buýt tôi bị một kẻ cắp rạch túi áo vét và lấy đi cái ví tiền, trong đó là toàn bộ lương tháng tôi vừa lĩnh, cộng thêm ba nghìn lia tiền để dành mấy năm nay của tôi.

Hôm sau đang ngồi trên tàu thủy tôi nhìn thấy cái gã tư tưởng tự do kia đi đến gần tôi. Hắn mặc quần áo mới tinh, râu xén tỉa gọn ghẽ, tóc chải rất mượt. Hắn hỏi:

– Sao trông mặt anh buồn thế?

– Không, cũng chẳng buồn lắm. – Tôi đáp.

Mặt hắn rạng rỡ lên.

– Anh đánh giá tình hình kinh tế nước ta như thế nào? – Hắn hỏi.

– Về những vấn đề này tôi dốt lắm, nhưng theo tôi, nền kinh tế nước ta chưa được cao lắm.

Bỗng nhiên hắn nghiêm mặt, nói:

– Lạy Chúa, tình hình đang được cải thiện. Càng ngày càng khá hơn. Người nào thực sự muốn làm việc đều có việc làm. Chỉ có đừng lười!…

Khi hắn ta rời tàu, một trong các hành khách đưa mắt nhìn theo bảo với người ngồi cạnh:

– Anh có thấy người ấy không? Hôm qua hắn bị ô tô tông phải. Hắn bị ngã và chỉ hơi xây xước mũi. Người chủ xe ô tô là một nhà triệu phú nổi tiếng không muốn để chuyện ầm ĩ trên báo chí, đã bồi thường cho hắn ba nghìn lia để hắn đừng kiện ra tòa.

Người ta nói đúng: Họa vô đơn chí. Chẳng bao lâu sau cái hôm trả nhầm tờ một nghìn lia cho gã lái xe tắc xi, rồi bị ăn cắp mất cái ví trên xe buýt, tôi lại bị thằng cháu gọi bằng bác nó lừa.

– Bác ơi, chúng ta mua ô tô đi – Cái thằng xỏ lá ấy xui tôi – Rồi xin đăng kí làm xe tắc xi, sẽ tha hồ mà hốt bạc!

Hóa ra, nếu bỏ ra tám nghìn lia tiền mặt và kí hối phiếu hai mươi nghìn nữa thì có thể kiếm được một chiếc ô tô đã dùng rồi nhưng vẫn còn khá tốt. Mơ ước kiếm lại được số tiền bị mất, tôi nghe lời thằng lừa đảo đó và rút ở nhà băng về tám nghìn lia mà vợ chồng tôi ki cóp suốt cả cuộc đời vợ chồng. Ngoài ra, tôi còn kí vay nợ hai chục ngàn lia. Và kết quả thế nào? Ông cháu giời đánh của tôi biến mất cùng chiếc ô tô! Thế là tám nghìn lia của tôi đi tong!… Thêm vào đó là món nợ hai chục nghìn đeo trên cổ.

Cuộc sống của tôi hoàn toàn bi đát. Đúng lúc đó tôi lại gặp con người kia. Đó là trong xe tắc xi tuyến. Hắn ta tâm trạng rất phấn khởi, cười rất tươi.

– Thật trớ trêu, lúc cần thì không sao tìm được tắc xi. Đành phải đi tắc xi tuyến… – Sau khi im lặng một lát, hắn hỏi:

– Anh thấy tình hình nước ta thế nào?

– Thật tình tôi không biết… – Tôi luống cuống. – Có vẻ như không được tốt lắm…

– Tôi lại nghĩ khác! Không nên than phiền! Dân chúng bắt đầu có nhiều tiền hơn. Việc làm cũng dễ tìm. Nếu đòi hỏi hơn nữa thì đúng là vô ơn!…

Rồi hắn xuống xe tắc xi.

Ông khách ngồi cạnh người lái xe tức tối:

– Anh thấy cái thằng cha bẻm mép nói gì không? Dân chúng nhiều tiền hơn… Tôi biết hắn từ lâu. Mới cách đây thôi, hắn còn đói nhe răng. Nhưng cách đây một tuần hắn vớ được một bọc tiền gói giấy báo. Bây giờ hắn đang rủng rỉnh tiền. Và nói năng nghe rất lạc quan! Đúng là lưỡi lắt léo!

Để hoàn thiện thêm tất cả những tai họa của chúng tôi, một bọn ăn trộm đã lẻn vào nhà tôi và cuỗm đi bao nhiêu đồ trang sức của vợ tôi – nhẫn, chuỗi hạt, hoa tai, tóm lại là tất cả những thứ gì có giá.

Chiều chiều tôi lại ghé qua đồn cảnh sát xem họ đã bắt được tên trộm chưa? Một hôm đang trên đường tới đó tôi gặp gã kia. Trong lòng tôi đang đau khổ mà hắn cứ luôn mồm kể về hắn.

– Anh biết không, nhiều người cứ phàn nàn kêu ca giá sinh hoạt đắt đỏ. Nhưng ai là người có lỗi? Chính họ chứ không phải ai. Sống một cách bừa bãi không có ngăn nắp. Người thực sự phải biết sống có kế hoạch, đúng không?

– Đôi khi có kế hoạch cũng hỏng.

– Ấy đừng nói thế. Những lời của anh nghe như giọng tuyên truyền chống chính phủ.

Cứ chuyện trò kiểu như vậy chúng tôi đến gần đồn cảnh sát và chia tay nhau.

Một viên cảnh sát đưa mắt nhìn theo hắn, nói:

– Có nhiều người may thật!… Tuần trước tại cuộc cá ngựa tay này đặt mười ba lia vào một con và trúng ngay hai mươi bẩy nghìn lia.

Chúng tôi chưa kịp mất hi vọng sẽ tìm được tên trộm thì lại gặp tai họa khác. Ngôi nhà do bố tôi để lại cho tôi bị cháy. Đám cháy bắt đầu từ căn nhà bên cạnh, tất cả có bốn nhà bị thiêu ra tro, trong đó chỉ có mình nhà tôi là không có bảo hiểm. Trong lúc rối trí vợ tôi vớ lấy cái chậu hoa, còn tôi thì ôm cái điếu chạy ra đường – đó là tất cả những gì chúng tôi cứu được từ đám cháy.

Chúng tôi phải đến ở nhờ nhà họ hàng. Từ sáng đến tối tôi phải đi khắp thành phố tìm thuê nhà.

Một hôm khi đi ngang qua ngôi nhà cao tầng tôi nhìn thấy thông báo: “Căn hộ cho thuê”. Tôi đến gặp chủ nhà – và không tin ở mắt mình: Vẫn lại con người đó! Hắn ta mời tôi vào căn hộ của hắn và bắt đầu hót:

– Thánh Ala rộng rãi đối với ai tích cực lao động. Chỉ có đừng lười biếng! Đúng thế không, anh bạn? Phải hi vọng vào thánh Ala. Ví dụ như tôi chẳng hạn…

Sau đó hắn hỏi:

– Anh đánh giá tình hình chính trị nước ta thế nào?

Tôi nói:

– Tôi dốt về chính trị lắm, nhưng tôi thấy tình hình có vẻ căng thẳng.

– Anh nhầm rồi! Đất nước chưa bao giờ phồn vinh như bây giờ. Ơn thánh Ala, ban lãnh đạo đất nước đáng tin cậy. Quả thật, vài phần tử chống đối âm mưu gây ra sự hỗn loạn, tung những tin đồn thất thiệt.

Lời phê phán rõ ràng nhằm vào tôi.

Chúng tôi không thỏa thuận được về giá cả, tôi cáo từ.

Ra đến cổng tôi nói với người gác cổng:

– Sáu trăm lia cho ba buồng. Điên thật!

– Ông bạn ơi – Người gác cổng thở dài, – những chủ nhà như ông này là người không có trái tim. Điều đó dễ hiểu thôi. Vì tiền kiếm được là tiền bất chính. Hắn trúng sổ xố được nửa triệu lia và đã mua ngôi ngà này.

Vài tuần sau khi chúng tôi thuê được một căn hộ ba buồng ở tầng hầm giá bốn trăm lia, thì nhà máy nơi tôi làm việc phải đóng cửa, và tôi bị mất việc. Chủ nhà máy tuyên bố phá sản. Chúng tôi thậm chí không được tiền trợ cấp mất việc.

Ngày hôm đó tôi trở về nhà trong tâm trạng buồn rầu, suy nghĩ không biết làm gì. Bỗng một chiếc ô tô sang trọng đỗ ngay cạnh tôi.

Người ngồi sau tay lái bảo tôi:

– Anh lên đây, tôi chở đi.

Tôi nhìn: hóa ra lại hắn.

Tôi bước lên ô tô.

Anh bạn tôi trông béo hẳn ra, cằm bắt đầu có ngấn, bụng bắt đầu chảy sệ. Lúc nói chuyện với tôi thỉnh thoảng hắn ta lại cười hô hố.

– Cái khác nhau giữa con người và con vật là gì? – Hắn hỏi rồi tự trả lời – Con vật ăn khi nào đói còn con người thì kh-ô-ô-ng… Con người cần phải biết khi nào làm và làm cái gì. Ăn phải có giờ giấc. Song có một số người gặp bất cứ cái gì là ăn cái nấy. Tất nhiên là họ sẽ bị hỏng dạ dầy, gan, và đường tiết niệu. Họ có thể đứng đái ngay giữa đường, hoặc chạy như điên tìm nhà vệ sinh công cộng. Những người đứng đắn ai lại làm thế? Anh dạo này làm ăn gì, sống ra sao?…

– Cám ơn, cũng tạm …

– Anh đánh giá tình hình đất nước thế nào?

– Tình hình không được tốt lắm.

Hắn bỗng the thé:

– Sao anh dám nói thế? Anh rõ ràng là kẻ chống đối! Kh-ôô-ng!… Không thể làm vấy bẩn mặt trời được! Lịch sử nước ta chưa bao giờ biết đến thời kì nào thịnh vượng như bây giờ…

– Xin anh cho tôi xuống đây.

Tôi nhảy xuống ngay khỏi xe như bị ma đuổi.

Một người quen đến gần tôi chào, rồi hỏi:

– Anh nghĩ gì vậy? Anh quen hắn đấy à?

– Ai cơ?

– Thằng cha đi ô tô “Cađilắc” ấy. Hắn vừa được thừa hưởng gia tài bốn triệu lia. Hóa ra hắn có ông bác ở Ai Cập, mà hắn không hề biết mặt. Thậm chí còn không biết là có ông bác ấy. Ông bác giàu có ấy chết để lại toàn bộ gia sản cho hắn.

Những hi vọng cuối cùng của chúng tôi gắn với một thương nhân Stămbun. Cách đây một năm chúng tôi bán cho ông ta mảnh đất của vợ tôi. Ông ta còn nợ chúng tôi mười ba nghìn lia. Tôi có giấy biên nợ. Tôi mong nhận được số tiền đó và bắt tay vào làm việc gì. Khi đến thời hạn trả nợ tôi cầm giấy biên nợ đến gặp nhà buôn này, một người thực thà hiếm có. Tôi tin cho dù tôi có đánh mất giấy biên nợ thì ông ta cũng sẽ trả. Nhưng than ôi, ông ta không trả được vì hôm trước ông ta vừa bị phá sản. Bây giờ cái giấy ghi nợ không đáng giá một xu. Mảnh đất mà chúng tôi bán cho ông ta bị gán cho chủ nợ của ông ấy.

Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi vào quán rượu. Trong quán tôi lại gặp hắn! Chính hắn đích thân đến gần tôi. Tôi gọi li vôtka cho hắn.

– Làm sao trông anh buồn thế? – Hắn hỏi.

– Tình hình đất nước tồi tệ quá! Nhân dân thì đói khổ. Không thể cứ tiếp tục thế này được!… Cần chấm dứt ngay tình trạng bất công này!…

Đó là tất cả những gì tôi nói với hắn.

Sau đó hắn đứng dậy ra về.

Người hầu bàn biết rõ hắn, làu bàu:

– Trước đây hắn ngày nào cũng ghé quán nhưng từ khi lấy vợ đâm ra ít thấy đến.

– Sao, hắn mới lấy vợ à? – Tôi hỏi.

– Lấy rồi. Bọn bịp bợm không từ thủ đoạn trục lợi nào. Hắn cưới cô em vợ một nhà tỉ phú, trở thành chủ nhân của mấy đồn điền bông. Bây giờ thì hắn bơi trong tiền.

Khi tôi vừa rời khỏi quán thì có hai người ăn vận thường phục đến bẻ quặt tay tôi rồi dẫn đến đồn cảnh sát. Ở đây tôi lại gặp hắn ta. Hắn giơ ngón tay chỉ vào tôi bảo ngài chánh cẩm:

– Chính hắn đấy!

Khẳng định rằng tôi đã nói xấu chính quyền trong quán rượu, hắn gán cho tôi những lời mà một lần chính mồm hắn đã nói ra ở nhà tôi. Vẻ ngoài của hắn thật đáng tin. Còn tôi thì khiến người ta phải ngờ vực: đôi giày há mõm như mõm cá sấu!

THÁI HÀ dịch