Quà tặng giá trị

Anh bạn Đôgan của tôi đã ba năm nay không làm việc, không lao động gì cả, vậy mà sống vẫn sung túc. Nếu anh là người độc thân hay sống một mình thì tôi cũng chẳng để ý, đằng này anh có đến bốn miệng ăn, mà tất cả đều sống rất đàng hoàng.

Cách đây ba năm anh có vay tôi một nghìn lia, chỉ bốn hôm sau anh mang trả ngay. Mà tôi biết rõ anh không làm ở đâu cả, mà dường như cũng chẳng có ai để lại gia sản thừa kế gì.

Hôm kia tôi nói với anh:

– Lẽ ta tôi không nên hỏi, nhưng vì anh là bạn thân của tôi, một người bạn học cũ, nên tôi cứ hỏi thẳng. Anh đang làm việc gì và anh kiếm tiền bằng cách nào?

Đôgan cười phá lên:

– Tôi chẳng làm gì cả. Tôi là một công chức với đồng lương có 250 lia một tháng, anh biết rồi đấy. Và tôi đã từng túng thiếu như thế nào! Bây giờ tôi không làm viên chức nữa, và ơn Chúa, tôi kiếm được khá – sống không phải tằn tiện gì. Thậm chí còn để dành được.

Một ý nghĩ xấu thoáng hiện trong đầu tôi. Nhưng vì anh là bạn học cũ, nên tôi nói:

– Cẩn thận đấy, Đôgan, đừng có làm gì liều lĩnh!…

– Kh-ô-ô-ng! – anh đáp. – Tôi không làm gì trái pháp luật cả. Anh đừng lo. Mọi việc đều hợp pháp.

– Nhưng dù sao thì anh đang làm gì?

– Chuyện là thế này. Mỗi ngày ở nước ta lại xuất hiện những lĩnh vực hoạt động mới. Người ta làm ra tiền đúng là từ không khí. Và tôi cũng tìm được một nguồn kiếm tiền.

Thấy tôi có vẻ rất tò mò, anh bảo:

– Anh về nhà tôi đi, anh sẽ thấy.

Căn phòng rộng trong ngôi nhà của Đôgan bày la liệt những chiếc đèn bàn, những đồ trang sức nhỏ, những khung ảnh, lọ hoa, nhũng cái đế để bày chậu hoa, những cuốn anbom đắt tiền, ví da, chụp đèn và nhiều thứ đồ khác kiểu như vậy.

– Cái gì thế này, Đôgan? Anh bắt người nhà làm những thứ này rồi anh mang đi bán à?

Nhưng những đồ vật xinh đẹp ấy hoàn toàn không giống những sản phẩm do nhà làm. Để trả lời câu hỏi của tôi, Đôgan chỉ cho tôi xem một mẩu thông báo trong báo.

– Anh hãy đọc cái này đi.

“Hãng chúng tôi ở Oocmêđanư hôm nay hân hạnh phục vụ quý khách. Những người nào gửi 100 lia vào chi nhánh ngân hàng của chúng tôi khai trương ngày hôm nay ở Oocmêđanư, sẽ được tặng những món quà hiếm và giá trị. Ngoài ra,…

Tôi đọc xong mẩu thông báo rồi ngạc nhiên hỏi:

– Thế này nghĩa là gì?!

Anh nhìn đồng hồ rồi nói:

– Thôi, ta lấy xe rồi cùng đi đến quảng trường Oocmêđanư. Đến đó anh sẽ hiểu tôi kiếm tiền bằng cách nào.

Chúng tôi đi đến chi nhánh ngân hàng khai trương ngày hôm đó ở Oocmêđanư. Ngân hàng đông nghẹt các khách mời.

Khắp nơi chỗ nào cũng có lẵng hoa. Một chiếc bàn dài bày ê hề bánh xăng uych, bánh qui, nước chanh, và các loại xi rô.

Đôgan nói:

– Lạy Chúa, anh ăn thoải mái đi, đừng ngại!

Chúng tôi đã ăn no căng bụng, nhưng Đôgan vẫn cứ mời:

– Này, anh làm tôi giận đấy, hãy ăn thêm những viên hạt dẻ tẩm đường này đi!

– Tôi no căng bụng rồi, Đôgan!

– Thế thì uống thêm nước anh đào đi. Hay nước táo, nếu anh thích.

– Này, tôi thề với anh là tôi no lắm rồi!

– Không sao, cứ nếm thử nhũng chiếc kẹo sôcôla nhân hạt điều này đi, ngon lắm!

– Anh mời tôi ăn cứ như ở nhà bố anh vậy!

– Nếu đây là nhà bố tôi tôi cũng chẳng mời anh như vậy! Nhưng thế đã ăn thua gì! Tại các buổi lễ khai trương tôi còn đứng ra làm lễ đính hôn cho năm hay sáu cô gái nghèo.

– Thôi đừng bốc phét

– Tôi thề đấy, tôi đã đứng ra đính hôn thật mà! Tôi dẫn tất cả khách khứa đến dự lễ. Họ ăn uống no say xong tôi đeo nhẫn cưới cho đôi vợ chồng trẻ. Hoa thì đã có sẵn rồi. Rồi tôi còn nhờ anh thợ ảnh chụp cho đôi trai gái đứng giữa các lẵng hoa nữa. Và mọi chuyện rất tốt đẹp. Anh nghĩ xem, tôi đã đem niềm vui cho bao nhiêu chàng trai cô gái! Họ cứ thử đứng ra tự tổ chức lấy xem, tốn hai nghìn lia cũng chưa chắc tổ chức nổi. Sự việc là như thế đấy, anh bạn ạ. Đã ba năm nay tôi hoàn toàn không đi nhà hàng nữa. Anh cứ thử tính xem, mỗi ngày lại có lễ khai trương ít nhất hai, ba chi nhánh ngân hàng mới. Và tại các buổi lễ này tôi tha hồ ăn uống no say. Thậm chí đôi khi tôi còn đưa cả vợ con đến đây cho ăn. Chúng tôi được ăn thỏa thích đến nỗi tối về không buồn ăn cơm nữa. Có lần tôi còn dẫn bạn bè đến ăn nữa.

– Được rồi, nhưng không có ai nói gì với anh sao?

– Làm sao họ nói được? Vì tôi là khách hàng của tất cả các ngân hàng.

– Nhưng dù sao anh đã kiếm tiền bằng cách nào?

– Khoan đã, đừng vội. Anh có ăn bánh kem không?

– Mec-xi!

Có lẽ chúng tôi đều đã ăn và uống quá nhiều. Đôgan dẫn tôi đến góc phòng khách.

– Anh nhìn đi – Anh nói.

Tôi nhìn. Đập vào mắt tôi là chính những đồ vật như tôi đã nhìn thấy ở nhà Đôgan: chụp đèn, bút máy, các đồ trang sức nhỏ, khăn quàng cổ… Người nào gửi vào ngân hàng 100 liađều được đại diện chi nhánh tặng cho những đồ vật rất đẹp ấy làm kỉ niệm.

Đôgan rút trong ví ra mười bảy ngàn lia.

– Ngày mai sẽ lại khai trương chi nhánh mới, – anh nói. – Tôi sẽ giữ lại mười ngàn cho nó.

Rồi anh gửi vào ngân hàng bảy ngàn lia, và cứ mỗi một trăm lia anh lại nhận được một món quà, tổng cộng anh nhận được bảy mươi món quà.

– Thôi! Ta đi thôi

– Khoan đã! Tôi vẫn chưa hiểu gì cả! – Tôi nói.

Anh bắt đầu tính cho tôi nghe giá trị từng món quà:

– Cái lọ hoa này giá mười lia.

– Ai bán cho anh mười lia, – tôi nói. – Thậm chí hai mươi lia cũng chẳng mua nổi.

– Đó là khi anh mua, còn khi anh bán phải tính một nửa giá thôi. Hơn nữa tôi bán không mặc cả. Hai chiếc khăn len này mỗi cái được mười lăm lia – tổng cộng ba mươi lia. Còn những chiếc ví này, nếu mỗi cái bán hai lia rưỡi sẽ được bảy lia rưỡi.

Anh định giá cho mỗi món quà rồi cộng lại.

– Tổng cộng tôi sẽ được lãi 280 lia từ đống quà này. Còn sáng nay tôi đã đến dự lễ khai trương một chi nhánh mới. Ở đó tôi kiếm được 130 lia. Vị chi một ngày tôi kiếm được 410 lia. Hôm nay vẫn còn là ít. Có hôm tôi còn kiếm được sáu, bảy trăm lia.

– Thôi được, cứ cho là anh sẽ bán được số quà này, nhưng anh lấy đâu ra tiền để gửi vào mỗi chi nhánh mới mở hàng bảy, tám nghìn lia một lúc?

– Không cần phải có nhiều tiền như thế! Cả thảy tôi có hai mươi ngàn lia. Tôi gửi tiền vào một ngân hàng. Ba ngày sau tôi đến và rút nó ra. Còn tiền bán các món quà coi như là tôi được lãi. Sau đó tôi lại dùng số tiền mới rút ra ở một chi nhánh, gửi vào một chi nhánh mới khai trương.

– Một công việc dễ dàng.

– Không đâu, ông bạn ơi, không dễ dàng chút nào. Nhiều lúc, có ba, bốn ngân hàng cùng khai trương một lúc… và tôi không kịp!

– Nhưng nếu người nào cũng làm theo cách của anh thì tất cả mọi ngân hàng sẽ sập tiệm hết!

– Sẽ không xảy ra chuyện gì cả. Hơn nữa tôi đâu có rút toàn bộ số tiền. Làm như vậy sợ không tiện, nên tôi để lại một lia trang tài khoản. Nói ví dụ, ngân hàng này có ba mươi chi nhánh ở Stambul, và ở mỗi chi nhánh tôi để lại một lia. Thế là các ngân hàng khi cho quay vòng những đồng lia ấy họ sẽ thu lợi rất nhiều. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ biết quay vòng đồng tiền. Bây giờ tôi phải đem những thứ này ra chợ Capalư bán. Phải giải phóng bớt đống hàng này.

Khi tôi đang chuẩn bị bước ra khỏi tăcxi, chiếc đài ở trong xe phát đi lời quảng cáo của một ngân hàng nào đó:

“Ngày mai chúng tôi khai trương chi nhánh mới ở Karadjaakmêđê. Mỗi khách hàng gửi vào ngân hàng 100 lia sẽ được tặng một món quà giá trị. Xin mời! Xin mời!”