Làm thế nào để in được tiểu thuyết?

Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết. Tôi phải mất cho nó hai tháng trời. Ngồi viết suốt ngày đêm.

Cuốn tiểu thuyết rất khá, không xấu hổ khi nói thế. Tôi mang bản thảo đến toà soạn một tờ báo.

– Chúng tôi không đăng những tiểu thuyết trong nước.

– Nhưng dù sao các anh cũng nên đọc qua!

– Không cần, dân chúng không thích những tiểu thuyết trong nước!

Tôi lại mang bản thảo đến gặp nhà xuất bản. Tôi chưa kịp nói: “Tôi mang đến cho các ông…” thì đã được trả lời ngay: “Chúng tôi chỉ in những tiểu thuyết dịch”.

Tôi lại mang đến một nhà khác. Cả nhà này cũng không nhận:

– Nếu anh có cái gì dịch của nước ngoài thì hãy mang lại, những tác phẩm trong nước người ta không mua.

Đi đến bất cứ chỗ nào tôi cũng đều được trả lời như vậy. Vậy là cuốn tiểu thuyết mà tôi viết ròng rã hai tháng trời, viết suốt ngày đêm không nghỉ, và đặt bao nhiêu hi vọng vào nó, cuối cùng vẫn còn lại trong tay như kết quả của một tình yêu tội lỗi, như đứa bé bị vứt bỏ ở cửa nhà thờ. Bỗng một ý tưởng chợt loé lên trong đầu tôi. Chẳng phải nhiều đồng nghiệp của tôi đã mượn các truyện ngắn của các nhà văn Pháp, Đức, Anh, Italia và các nhà văn nước ngoài khác, đổi tên các nhân vật như Giônxơn, Mart Fatmam, sau đó kí tên mình vào rồi cho đăng trên các tạp chí đó sao! Vậy thì sao mình không thể làm ngược lại?

Tôi ngồi vào bàn và bắt đầu sửa lại tất cả các tên Thổ Nhĩ Kì thành tên Mĩ. Tôi nghiên cứu kĩ sơ đồ thành phố Nữu Ước. Tất cả mọi địa danh cũng được chuyển thành địa danh Mĩ. Bây giờ đến lượt tác giả. Đến đây tôi bèn cho một nhà văn Mĩ là Mark Ô’Braiơn ra mắt.

Sau khi làm xong tất cả những chuyện đó, tôi lại đến toà soạn báo và lại được tiếp đón bằng những lời nói vội vã khó chịu đó:

– Nhưng chúng tôi chỉ đăng những tiểu thuyết dịch thôi!

– Thì tôi mang đến cho các ông tiểu thuyết của nhà văn Mĩ Mark Ô’Braiơn đây!

– Thế à? Thế thì tốt lắm! Cái ông Mark Ô’Braiơn này là ai vậy?

– Các anh không nghe nói về ông ta à? Ông ta là nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay của Mĩ đấy? Truyện của ông ấy đã được dịch sang tất cả các thứ tiếng trên thế giới!

Sau lời tuyên bố đó thì chẳng cần phải đọc tiểu thuyết làm gì nữa, và được tạm ứng nhuận bút ngay lập tức. Người ta chỉ yêu cầu tôi một việc: viết lời giới thiệu cho cuốn sách này và đôi nét về tác giả.

Tôi về viết ngay:

“Kiệt tác cuối cùng của Mark Ô’Braiơn “Cuộc đấu tranh giành phụ nữ”. Cuốn sách gây tranh cãi ở Mĩ. Đã bán hết ngay bốn mươi triệu bản. Đây là một tác phẩm vô giá, đã được dịch sang tất cả các thứ tiếng trên thế giới, và cuối cùng đã được dịch ở nước ta với nhan đề “Đầu lạc đà”.

Vậy Mark Ô’Braiơn là ai?…

Xin các bạn đừng hoài công tìm hiểu làm gì, tôi đã bịa ra cả tiểu sử ngài Mark Ô’Braiơn.

“Là người con út trong một gia đình gồm 19 anh em. Bố là một chủ trại ở Filađenfia, muốn biến Mark thành mục sư, nhưng cậu bé, ngay từ năm mười bốn tuổi, nổi tiếng mưu mẹo, đã tìm được cách bị đuổi học bằng cách đâm kim vào mông thầy giáo thần học. (Nói chung đó là tiểu sử điển hình của nhiều nhà văn Mĩ nổi tiếng). Đã kinh qua các nghề đánh cá, buôn lậu, một thời gian còn là người đi tìm vàng. Cuối cùng, vào năm bốn mươi tuổi đã gửi cho một tờ tạp chí truyện ngắn đầu tay của mình với nhan đề “Hôn nhau đi?”. Ngôn ngữ và văn phong của ông tệ đến nỗi…”

Như các bạn thấy đấy, một tiểu sử khá dài. Hãy cẩn thận đấy, các tiểu thuyết của chúng ta!

Những nhà làm sách đi theo tôi từng bước chân:

– Này, anh hãy dịch cho chúng tôi một tiểu thuyết của Mark Ô’Braiơn.

Nếu còn sống tôi còn dịch nữa. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Như các bạn đã biết, có một thám tử nổi tiếng tên là Giek Lemmer. Những tác phẩm của ông được người ta tranh nhau đọc. Tôi đã dịch sáu cuốn của tác giả này. Thời gian gần đây tôi còn đi xa hơn. Bây giờ tôi dịch cả từ tiếng Hin đi, tiếng Trung Quốc và từ nhiều thứ tiếng khác.

Các bạn độc giả thân mến!… Tôi cần cho các bạn biết rằng, chín mươi chín trong số một trăm các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của Thổ Nhĩ Kì mà các bạn được đọc trong các báo và tạp chí của chúng tôi, than ôi, đều là vay mượn của nước ngoài. Còn những tiểu thuyết người ta mời chào các bạn như các tiểu thuyết dịch, thực ra lại do các nhà văn trong nước viết. Trong các tiểu thuyết này chỉ có tên người, tên địa danh là nước ngoài.

Trong tất cả chuyện này có một điều khiến tôi được an ủi: sẽ đến một ngày khi những người nghiên cứu lịch sử văn học Mĩ buộc phải đọc các tiểu thuyết Thổ Nhĩ Kì. Đến lúc ấy mơ ước thiêng liêng của tôi sẽ trở thành hiện thực – tôi sẽ có vị trí trong văn học Mĩ dưới cái tên Mark Ô’Braiơn.