Cho một tách trà đặc nhé

Ở những người cùng thế hệ với tôi, nghĩa là những người sinh ra vào cuộc Đại thế chiến thứ nhất và lớn lên đúng vào cuộc Đại thế chiến thứ hai, thì trừ một vài trường hợp rất hãn hữu, còn thì tôi cam đoan anh nào cũng phải có một thói lập dị nào đó. Mà thậm chí đối với nhiều anh, nó còn trở thành một thứ nghiện nữa là đằng khác. Tôi dám đánh cuộc là phần đông những anh nào hễ cứ vừa đi ngoài đường vừa lẩm bẩm nói hay mủm mỉm cười một mình, hay vừa đi vừa nháy mắt hoặc nhún vai, thì đều là chạc tuổi tôi cả.

Riêng về phần tôi, cái thứ nghiện đó là nước chè. Ngày nào mà chưa uống đủ hai ba chục chén là tôi không chịu được. Tất nhiên, sở dĩ tôi chỉ kể ra một cái thói hư dễ tha thứ nhất trong số các thói hư của tôi, chẳng qua là vì tôi độ lượng với mình mà thôi, chứ thực tình tôi còn nhiều tật xấu khác mà thậm chí ngay đối với bản thân tôi, chưa chắc tôi đã dám thú nhận.

Cái bệnh nghiện nước chè của tôi phát sinh là do một hoàn cảnh như thế này. Bấy giờ là vào những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, thời kỳ mà tìm được một mẩu bánh mì khô là đã quý lắm rồi. Một hôm, khi tôi mới được độ chín tháng, không biết ông bố tôi kiếm được ở đâu một ống bơ nước chè to đại. Ông thả vào đấy mấy cái vỏ bánh mì khô, ngoáy lên, rồi cho tôi uống. Thế là vi trùng nghiện nước chè thấm vào máu tôi ngay từ lúc mới lọt lòng.

Thật không ngờ cái sự nghiện nước chè ấy đã khiến tôi nhiều phen khốn khổ, nhất là những lần tôi phải đi xa. Nhưng khổ nhục nhất có lẽ phải nói là cái lần tôi có việc phải dừng chân tại một tỉnh nọ, mà tôi không muốn nói tên ra đây.

Sáng hôm ấy, vì phải đi tiếp đến một nơi xa bằng ô tô buýt nên tôi dậy rất sớm. Ở khách sạn ai cũng biết tôi là anh nghiện chè, nên sáng nào họ cũng mang đến cho tôi một lúc mấy tách. Bởi thế nên trước khi ra khỏi buồng, tôi đã kịp tợp hết bốn tách.

Trong câu chuyện của tôi có đôi chỗ có thể làm các bạn khó chịu vì nó không được văn minh cho lắm, nên tôi phải nói trước. Chắc các bạn đã biết, nước chè có công dụng rất tốt là vì, nói vô phép các bạn, nó rất lợi tiểu. Cứ cho vào bốn tách thì thế nào cũng phải cho ra một tách.

Sợ nhỡ ô tô, nên cứ để nguyên cả bốn tách ở trong bụng, tôi lao vội xuống dưới nhà. Nói của đáng tội bốn tách đối với tôi thì vẫn chưa mùi mẽ gì, vì tôi đã quen rồi.

Ông chủ khách sạn là một con người vui tính và tốt bụng mà tôi mới quen biết. Khi tôi xuống đến dưới nhà ông bảo tôi:

– Từ giờ đến lúc xe chạy hãy còn thời gian. Mời ông xơi tách trà đã!

Tôi uống với ông ta tách thứ năm.

– Tôi biết ông thích uống nước trà lắm, – ông ta nói. – Vậy mời ông xơi thêm tách nữa!

Nước chè của ông ta rất ngon, nên không nói chắc các bạn cũng biết là tôi không thể từ chối nổi. Thế là thành sáu tách tất cả. Sáu tách đối với tôi thì cũng chưa lấy gì làm nhiều lắm, nhưng dù sao cũng cần phải ra ngoài một chút. Tôi đã định xin phép, nhưng thấy chủ nhân cứ thao thao bất tuyệt nên không dám ngắt lời. Vừa lúc đó thì có bà chạc trung tuần bước vào.

– Thưa ngài, tôi là người hôm qua được hầu chuyện ngài bằng điện thoại đấy ạ! – Bà ta tự giới thiệu.

– Ồ, rất hân hạnh được gặp bà.

Người đàn bà ấy hóa ra vừa là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, nhà viết tiểu thuyết kiêm nhà viết kịch. Bà ta đã đưa tặng tôi bốn tác phẩm của mình.

– Xin lỗi, bà dùng trà hay cà phê ạ? – Tôi hỏi.

– Xin ông nước trà ạ!

Không hiểu sao, tôi cảm thấy nếu chỉ gọi nước trà cho mình bà ta thôi, thì thật là bất lịch sự. Nên tôi lại phải uống với bà ta một tách nữa là thành bảy tách.

Sau tách thứ bảy, tôi đã bắt đầu thấy hơi khó chịu, tuy chưa đến mức khó chịu lắm. Nhưng lẽ nào vừa làm quen với một người phụ nữ đã vội đứng dậy xin phép đi ra. Đã mấy lần tôi định nói: “Xin lỗi bà, tôi chạy về buồng một phút, tôi để quên một thứ ở đấy” hoặc “Xin phép bà, tôi chạy ra chỗ máy điện thoại một phút”. Nhưng bà khách đang cơn cao hứng bàn luận về thơ ca, nên tôi không sao nói xen được câu nào.

– Cuộc sống ở đây mới buồn làm sao – Cuối cùng bà ta thở dài nói.

– Vâng, nhất là lúc này tôi lại càng cảm thấy buồn… – Tôi đáp.

– Nhưng ngài còn có thể trút bỏ nỗi buồn của mình.

– Đấy là bà tưởng vậy thôi, chứ giá mà tôi có thể trút bỏ được nỗi buồn này…

– Thế cái gì làm ngài khó chịu ạ!

– Đó là cái ước muốn không thực hiện được… Tôi thấy… khó diễn đạt quá.

– Vâng, ngài nói đúng. Không phải bất cứ tình cảm nào ta cũng có thể diễn đạt thành lời được, vì ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn quá!

– Dạ không. Kể ra diễn đạt thì cũng có thể diễn đạt được, nhưng tôi cứ cảm thấy khó nói thế nào ấy…

Bà khách hơi tỏ vẻ ngạc nhiên.

– A! Thế ra ngài…

Nhưng bà ta chưa kịp nói hết câu thì vừa lúc có ba người đàn ông tiến lại phía chúng tôi. Một người đã có tuổi, còn hai người kia chạc trung niên. Đó là ông bác sĩ của tỉnh và hai ông luật sư.

Họ mới biết tin là tôi đang ở đây.

– Rất hân hạnh được làm quen với các ông.

Các vị khác mới này cũng cần phải tiếp đãi. Nhưng ngoài trà và cà phê ra thì không còn cái gì khác. Vì thế tôi sẽ lại phải cùng uống với họ.

– Ồ, không đời nào – Ông bác sĩ tuyên bố, – Ngài là khách của chúng tôi thì chúng tôi phải đãi ngài chứ! – Rồi ông quay sang bảo người hầu bàn: – Cho năm tách trà nhé!

Tách thứ tám đã cạn mà tôi vẫn chưa tìm được cớ gì để ra ngoài một lát. Lúc này tôi đã thấy khó chịu thực sự rồi chứ không còn nói đùa nữa. Nhưng vừa làm quen với họ xong, chả lẽ… Hơn nữa, cả ba vị khách này đều là những người có tư tưởng tiến bộ cả.

– Theo ý ngài thì có cách gì để giảm nhẹ gánh nặng cho dân chúng không ạ? – Viên luật sư hỏi.

– Trời ơi! Làm sao có thể nghĩ đến chuyện giảm nhẹ gánh nặng cho người khác, trong khi chính tôi đang cần được trút bỏ gánh nặng trong người!

– Tôi thấy cần phải đi ra ngoài.

– Ngài định nói gì ạ? – Ông bác sĩ không hiểu.

– À, chắc là ngài muốn nói phải đi ra khỏi biên giới nước ta. – Ông luật sư trả lời thay tôi. – Phải, chúng ta phải cho thanh niên đi du học nước ngoài thật nhiều mới được, vì có nhiều cái chúng ta phải học hỏi ở họ lắm!

Nói vô phép các bạn, lúc này tôi đã.. buồn… cứng cả người, không thể nhịn được nữa. Thôi kệ? Chả lịch sự thì đừng! Tôi nghĩ thầm như vậy rồi bảo họ:

– Xin lỗi các vị một chút…

Nhưng chưa kịp đứng lên thì một nhân vật mới đã xuất hiện. Đó là một thương gia trẻ mà tôi mới quen biết cách đây hai hôm. Ông này đối với tôi cũng có rất nhiều cảm tình thân thiện.

– Ô tô sẽ khởi hành từ trạm giao thông. – Ông ta báo cho chúng tôi biết.

Tôi vội vàng đứng dậy, định tìm cách chuồn khỏi họ một chút. Nhưng không kịp. Ông thương gia đã kẹp chặt một bên nách tôi, còn nách bên kia ông luật sư. Tôi không nỡ xúc phạm đến cử chỉ thân thiết của họ, nên đành chịu cứng. Có hai người xốc nách hai bên, tôi bước ra khỏi khách sạn như một tên tội phạm. Tám chén nước trà cứ ùng ục trong bụng, may mà có hai người đỡ hai bên, chứ không thì có lẽ tôi không đi nổi.

– Ngài khó chịu ạ?

– Vâng, hơi khó chịu.

– Ngài làm sao thế?

– Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi thấy trong người hơi khó chịu, y như có cái gì nó…

– …Đè nặng trong người phải không?

– Vâng, hình như thế.

– Thì tình cảnh nước nhà thế này ngài bảo ai mà không thấy đau lòng?!

Chúng tôi đi hết một quảng trường, rồi lại vượt qua hai dãy phố. Trời ơi! Tôi chỉ mong sao đến trạm cho nhanh! Đến đó rồi, thì có ngượng đến mấy cũng mặc, tôi phải chạy đi tìm ngay cái chỗ cần thiết.

Nhưng không ngờ, trạm to thế mà cái chỗ tôi cần tìm thì lại không có.

– Ngài uống trà hay cà phê ạ?

– Không, cảm ơn! Tôi không uống gì đâu!

– Ấy chết! Sao lại thế ạ! Muốn gì ngài cũng phải uống với chúng tôi một chén đã!

Người ta mang trà đến. Tôi uống vội uống vàng hết ngụm này đến ngụm khác để tranh thủ thời gian. Cứ mỗi ngụm tôi lại thấy bụng đau nhói. Uống hết tách thứ chín, tôi bắt đầu vã mồ hôi. Nhưng có khi ra mồ hôi thế lại hóa hay, vì có thể tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thấy mặt tôi lấm tấm mồ hôi, viên luật sư hỏi:

– Ngài khó chịu ạ?

– Vâng, tôi thấy khó chịu lắm!

– Tôi có thuốc đây! Uống vào sẽ hết ra mồ hôi ngay!

– Ấy thôi! Tôi không uống thuốc đâu!

Nhưng người thư ký vẫn mang đến cho tôi mấy viên thuốc và một cốc nước. Mọi người đồng thanh bảo:

– Ngài uống đi ạ!

Giá như được lựa chọn, thì có lẽ tôi xin được nuốt ngay một tấm bọt biển hay một tờ giấy thấm còn hơn! Mọi người gần như phải dùng vũ lực ép tôi uống mấy viên thuốc và cốc nước.

– Tôi không chịu nổi nữa đâu – Uống hết cốc nước tôi bảo họ – Tôi phải đi ra ngoài đây!…

– Ngài vẫn thấy khó chịu ạ?

– Tôi khó chịu lắm!

Tôi lảo đảo đứng dậy, định đi ra, thì có một người bước vào nói:

– Ô tô sắp chạy. Xin mời các vị lên xe cho!

Tình trạng mỗi lúc một nguy ngập: gần hai chục vị trí thức của tỉnh mà tôi mới quen biết ra tiễn tôi. Người nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau kể. Làm thế nào tôi thoát khỏi tay họ được!

Chúng tôi đã đến trạm giao thông. Nhưng té ra người ta chưa bơm lốp xe. Viên thư ký trạm cũng là một anh chàng sính chuyện văn chương. Anh ta nói:

– Tất nhiên là ngài không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi thì biết ngài rất rõ. Trong khi chờ bơm xe, xin mời ngài uống với chúng tôi chén trà đã!

– Cám ơn anh, tôi vừa uống xong!

– Ấy chết! Xin ngài đừng từ chối!

Chao ôi! Thử hỏi trên đời này còn có thứ cực hình nào hơn thế nữa! Uống hết tách thứ mười, tình trạng tôi đã hoàn toàn nguy kịch: Tim tôi đập mạnh, tai ù lên. Tôi không còn nghĩ gì đến chuyện xấu hổ nữa. Tôi phải hỏi thẳng xem nhà vệ sinh ở đâu để tôi chạy đi mới được.

– Chỗ đi tiểu ở đâu nhỉ? – Tôi nhăn nhó hỏi.

– Nhà vệ sinh ấy ạ?

– Phải.

– Ở sân nhà thờ lớn kia ạ! Cách đây khá xa.

Đúng lúc đó, người tài xế đã bơm xong lốp xe bước vào:

– Xin mời các vị lên ô tô cho!

Cái bộ dạng của tôi lúc này đã thảm hại lắm, ấy thế mà tôi vẫn phải cố gượng cười với những người đi tiễn thì không biết trông cái mặt tôi nó ra làm sao? Tôi phải cố gắng nhếch mép làm một nụ cười méo xẹo, ô tô bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi vẫy tay chào nhau.

Đi được một lúc thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cỏ lẽ những cái xóc ô tô đã làm cho cái bụng đầy nước của tôi nó xẹp đi chăng? Xe cứ tiếp tục chạy.

– Bao giờ thì đến nơi nhỉ?

– Khoảng hai tiếng rưỡi nữa!

Kể ra, cứ ngồi yên một chỗ như thế thì cũng chưa sao, tôi thấy vẫn còn có thể chịu được. Đi chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì ô tô bắt đầu tiến vào một thị trấn và dừng lại trước một quán cà phê.

Tôi vội nhảy ngay xuống, hai tay ôm lấy bụng. Đưa mắt nhìn xung quanh, tôi hi vọng tìm được một nơi nào khuất vắng. Nhưng chết rồi, lại có bốn người nào đang vừa tiến về phía tôi vừa mỉm cười!

– Chào bác ạ! Xin giới thiệu, chúng tôi là những giáo viên ở đây. Chúng tôi được người ta gọi điện báo cho biết là bác sẽ đến đây.

Chắc các bạn đã hình dung được tình cảm thảm hại của tôi lúc này. Tôi trả lời họ mà mặt thì nhăn nhó:

– Rất hân hạnh!

– Ô tô còn đỗ ở đây chừng dăm, mười phút. Vậy mời bác xơi nước đã!

Nghe nói đến “nước”, tôi bủn rủn cả chân tay. Người ta kéo tôi vào tiệm cà phê.

– Tôi không muốn uống trà đâu!

– Nếu vậy bác xơi cà phê nhé

– Không, cà phê cũng chịu thôi!

– Thế thì bác phải uống một chút gì, chứ không thì thật tủi cho chúng tôi!

Rồi họ vẫn cứ mang trà đến. Nhưng trà nào có ra trà! Uống xong tách thứ mười một, bụng tôi đau quặn.

– Ở đây nhà đi tiểu ở chỗ nào nhỉ? – Tôi đành hỏi thẳng.

Bỗng có tiếng người tài xế kêu to:

– Yêu cầu hành khách lên xe thôi!

– Nhà vệ sinh ấy ạ? Ở trường học đằng kia cơ ạ! – Một vị giáo viên nói rồi chỉ về phía tít ngọn đồi trước mặt. Nhưng tôi còn hơi sức đâu mà leo lên được đến đấy!

– Yêu cầu hành khách lên xe! – Người tài xế lại giục một lần nữa.

– Không có ai quan tâm gì đến khó khăn của chúng tôi cả. – Một vị giáo viên nói.

– Vâng. – Tôi đáp – Chẳng ai muốn lâm vào tình cảnh của người khác làm gì. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình.

– Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ nữa?

Chân tôi lúc này muốn khuỵu xuống.

– Tôi chỉ mong sao chóng đến khách sạn thôi. Đến đó tôi sẽ dễ chịu ngay!…

Mọi người không hiểu tôi muốn nói gì, nhưng vẫn cười ầm lên, vì tưởng tôi khôi hài.

Tôi lên ô tô ngồi.

– Chúc bác lên đường bình an!

Thế là lần này chúng tôi không kịp chuyện trò gì với nhau. Thôi được, để đến lúc về vậy.

Nhớ những cái xóc của ô tô nên tôi lại thấy dễ chịu hơn. Hay là nói với tài xế cho xe dừng lại? Không biết có nên không nhỉ. Trong xe có đến năm, sáu chục hành khách, cả đàn bà trẻ con. Mọi người sẽ tập trung nhìn tôi mà cười mất! Lúc ấy thì biết chui vào đâu? Thôi, tốt nhất là cứ quên đi, đừng nghĩ đến nữa thì sẽ thấy dễ chịu thôi! Tôi nghĩ thầm như vậy.

Đúng lúc đó, có một chú bé bỗng kêu lên:

– Mẹ ơi! Con muốn đi tè!

– Cố nhịn đi một tí con!

Một hành khách kêu to bảo bác tài xế.

– Bác tài ơi! Cho xe dừng lại một chút nhé? Có người muốn đi tiểu?

– Phải tính trước từ nhà chứ? – Người tài xế càu nhàu. – Cứ mỗi người dừng lại một tí thì kiếp nào mới đến nơi được?

Tôi đang mừng thầm, nghe nói thế lại cụt hứng. Lại phải cố bóp bụng mà chịu vậy.

Ba tiếng rưỡi sau, chúng tôi mới đến nơi. Mọi người xuống xe. Khách sạn đã ở ngay trước mặt. Tôi chạy vội ngay về phía đó. Nhưng có ba thanh niên bỗng chặn tôi lại. Cùng đi với họ có hai đại biểu của phái đối lập.

– Chúng tôi đang họp hội nghị.

Té ra cả hai vị đại biểu này đều quá tha thiết muốn gặp tôi, nên đáng lẽ phải đi từ sớm, nhưng họ đã nán lại đến tận chiều để chờ gặp tôi. Biết làm thế nào bây giờ?

– Xin lỗi các vị một phút đã…

– Xin ngài để sau hẵng hay, chúng tôi đang đợi ngài.

Chúng tôi bước vào một gian phòng đầy người ngồi.

Hội nghị chưa khai mạc.

– Mang trà ra đây nhé!

Tôi uống tách thứ mười hai. Có người hỏi:

– Không biết đến bao giờ mới chấm dứt những thủ tục này?

– Xin lỗi, ở đây có nhà vệ sinh không ạ?

– Sao ngài lại hỏi thế ạ?

– A, tôi chỉ muốn biết thế thôi!…

– Mang thêm trà nhé!

– Thôi cảm ơn, tôi đủ rồi.

– Đủ là thế nào ạ! Chúng tôi được biết là ngài thích uống trà lắm mà!

Tôi lại uống tiếp tách thứ mười ba.

– Ngài bảo liệu đến bao giờ mới chấm dứt tất cả những cái trò này?

– Riêng về phần tôi thì tôi thấy thật là nhục nhã!

– Trà gì mà loãng thế. Bảo pha đặc vào nhé! Này anh bạn! Cho thêm nước trà nhé! Mà thật đặc vào!

Tôi lại cạn chén thứ mười bốn.

– Thật không chịu đựng nổi nữa!

– Vâng, đúng là như vậy! Thì ngài bảo nỗ lực đến hết sức mình mà vẫn không đạt được nguyện vọng, thì ai còn đủ kiên nhẫn mà chịu đựng nữa?!

– Xin lỗi các vị, tôi đến khách sạn một chút rồi quay lại ngay!

Tôi muốn chạy, nhưng không chạy nổi nữa, mà phải khom người đi ra ngoài.

– Rất hân hạnh được gặp ngài. Tôi là chánh văn phòng thị chính. Ngài thị trưởng của chúng tôi hỏi thăm ngài từ sáng.

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về phía khách sạn.

– Xin mời ngài vào ạ! Đây là tòa thị chính.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà của Tòa thị chính.

– Xin mời ngài xơi nước!

– Cảm ơn ông, tôi không uống được nước trà.

– Ồ thưa ngài, một chén thì có hề gì đâu ạ!

Thế là lại thêm chén thứ mười lăm.

– Ngài xơi thêm chén nữa ạ!

– Thôi đủ rồi ạ, cảm ơn ông.

Có tiếng chuông điện thoại. Viên giám đốc cầm lấy ống nghe.

– Bẩm ngài, vâng. Đang ở đây ạ! Vừa mới đến xong ạ!

Đoạn ông quay sang bảo tôi:

– Ngài tỉnh trưởng đang chờ ngài.

– Thôi để xin phép ông lúc khác…

– Ồ không được. Ngài là khách của chúng tôi. Chúng tôi không để ngài đi đâu cả!

Chúng tôi bước vào buồng làm việc của ông tỉnh trưởng.

– Xin mời ngài xơi nước.

– Thú thật với ngài là tôi không uống được nước trà. Uống vào tôi bị sặc ngay.

– Dù sao cũng mời ngài xơi một chén. Chả lẽ khách đến chơi mà đến một ngụm nước cũng không có.

– Cám ơn ngài, nhưng tôi không thể uống được!

– Ấy, không được! Có vội gì thì ngài cũng phải xơi một chén.

Uống hết chén thứ mười sáu, tôi bỗng cười phá lên như điên. Viên tỉnh trưởng và chánh văn phòng tòa thị chính thị vẫn đang bàn luận về tình hình đất nước.

– Thưa ngài, quả thật với cung cách làm ăn hiện nay thì đáng cười thật!

– Tôi cảm thấy bị tức lắm.

– Vâng, quả là cái lề lối mòn cũ nó làm ngài khó chịu, nhưng bây giờ chắc ngài đã thấy dễ chịu hơn… Ngài chớ nên quên rằng bây giờ không còn như trước nữa…

– Ôi, lạy Chúa. Tôi không biết! Tôi thấy mỗi lúc một tức…!

Về đến khách sạn, tôi lăng ngay chiếc cặp vào góc phòng và hỏi người gác cửa:

– Chỗ đi tiểu ở đâu?

– Thưa, ngài cần thuê phòng một người chứ ạ?

– Một trăm người cũng được! Nhưng chỗ đi tiểu đâu?

Anh ta chìa cho tôi ba tờ khai.

– Trước hết xin ngài điền vào ba tờ khai đã!

– Anh muốn viết gì vào đấy thì viết, nhưng nhà đi tiểu ở đâu?

– Thưa ngài, đã có lệnh của cảnh sát, ai không có đủ giấy tờ thì không được thuê buồng ạ!

Tôi đặt trước mặt anh ta tờ giấy khai sinh và bảo:

– Đây, anh giữ lấy làm kỷ niệm! Anh nói ngay cho tôi, nhà đi tiểu ở chỗ nào?

– Thưa, ngài từ đâu đến ạ?

– Tôi van anh!

– Ngài sẽ ở lại mấy ngày và sau đó sẽ đi đâu ạ?

Phải cố sức lắm tôi mới mở bật được cánh cửa và leo lên cầu thang.

Ở phía cuối hàng lang, tôi nhìn thấy một cánh cửa có ghi số: 00. Tôi đập cánh cửa, nhưng hoá ra cửa lại khóa từ trong.

Tôi mở cánh của bên cạnh. Đó là phòng ngủ. Nhưng thôi cũng đành. Vì tôi không thể nhịn thêm một phút nào nữa.

Ôi, thật là nhẹ nhõm. Người nào chưa từng phải chịu đựng như tôi, thì không thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Tôi thanh thản bước xuống cầu thang. Tầng dưới là tiệm cà phê. Tôi khoan khoái ngả người xuống một chiếc ghế và dõng dạc gọi người hầu bàn:

– Ê, này! Cho một tách trà nhé! Thật đặc vào!

Thái Hà dịch