Cách tìm thủ phạm

Các viên chức cảnh sát của nước Panacôrigia đang thực tập tại khóa huấn luyện của Cục điều tra liên bang Mỹ. Tháng cuối cùng của đợt huấn luyện ở 6 tháng này, dành để thực tập sử dụng một thành tựu mới nhất của khoa hình phạm học, gọi là “Máy phát hiện nói dối”. Ngài Hari Oenxơ, giảng viên của lớp học, nói với sáu viên cảnh sát Panacôrigia đang lắng nghe ông một cách hết sức chăm chú:

– Thưa các ông! Đề tài buổi học hôm nay của chúng ta là “Máy phát hiện nói dối”, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát trong việc điều tra, phát hiện. Chiếc máy do các nhà khoa học Mỹ sáng chế này sẽ làm cho công việc của chúng ta được giảm nhẹ đi rất nhiều. Chẳng hạn, có 10 người chúng ta tình nghi là thủ phạm gây ra tội ác. Khi gần chiếc máy này lần lượt vào từng người và tiến hành hỏi cung, máy sẽ phát hiện được những lời khai dối trá, và do đó, giúp ta tìm ra đúng thủ phạm.

Ngài Hari Oenxơ ra lệnh mang “Máy phát hiện nói dối” đến rồi nói tiếp:

– Như các ông thấy đấy, chiếc máy nhỏ này gồm có bốn đồng hồ kiểm tra. Bây giờ chúng ta sẽ thí nghiệm chiếc máy này với một phạm nhân.

Người ta dẫn một người đàn ông cao khoảng 1m92, ăn mặc hết sức sang trọng vào phòng, cho ngồi vào một chiếc ghế. Giảng viên Hari Oenxơ giải thích:

– Một cái đồng hồ ta sẽ cắm vào rốn phạm nhân, cái thứ hai nối vào tim, cái thứ ba vào đầu, và cái thứ tư vào xương cụt. Ta đã biết rằng các phản ứng của con người được biểu hiện rõ nhất là ở bốn điểm đó. Nếu phạm nhân khai không đúng thì vùng rốn của y sẽ có mồ hôi toát ra và máy sẽ phát hiện được ngay lập tức, vì nó có khả năng phản ứng rất nhạy đối với bất kỳ hiện tượng chảy mồ hôi nào, dù rất ít và kín đáo, kể cả những trường hợp chảy mồ hôi mà mắt thường không thể quan sát được. Đồng thời kim của đồng hồ đo tim sẽ nhảy lên, kim máy đo não sẽ vạch ra một đường vòng cung, còn chuông của máy nối với xương cụt sẽ reo khi phạm nhân bị kích thích mạnh. Bằng cách đó ta có thể kết luận một cách chính xác kẻ bị tình  nghi có tội hay vô tội.

Thưa các ông! Bây giờ ta bắt đầu tiến hành thí nghiệm. Tội nhân mà chúng ta sẽ dùng để thử chiếc “máy phát hiện nói dối” này là Fara Puasinô, một công dân Mỹ gốc Ý. Bố đẻ ra cụ cố ông ta, bị kết án về tội ăn cướp tàu biển, tội đồng lõa với các âm mưu của bọn cướp và tội cưỡng bức ba đồng bọn của mình ngồi lên một cái cọc nhọn, sau đó đã bỏ chạy sang Mỹ và được công lý và pháp luật ở đây che chở. Con người hăng hái ấy, sau khi đã giết tám người bạn cùng đi tìm vàng với mình thì bị hạ sát bởi tay người thứ mười, có để lại một người con trai, tức ông nội ngài Fara Puasinô của chúng ta đây, khiến cảnh sát Mỹ vẫn còn có việc làm. Fara Puasinô phạm tội ác đầu tiên năm 13 tuổi trong một vụ ăn cướp nhà dây thép. Sau khi bị giam hai năm ở trại cải huấn, bị cáo tham gia hoạt động trong các đảng cướp Ancapôn và Đilinbghe, mở một sòng bạc, rồi chuyển sang hoạt động một mình, trở thành thủ lĩnh của một đảng cướp có mạng lưới tay chân rải khắp bang Chicagô. Tính đến nay Fara Puasinô đã bắt cóc 4 trẻ em và 20 phụ nữ, ăn cướp gần 100 nhà băng, buôn hàng lâu, gây ra hai vụ án mạng, chuyên buôn bán phụ nữ da trắng. Trở về già, lúc đã mệt mỏi vì các hoạt động làm ăn bất chính và sau khi đã nghỉ ngơi bốn năm ở trại giam Xing Xing, Fara Puasinô bước vào con đường làm ăn lương thiện và trở thành một trong những nhà kinh doanh nổi tiếng của Mỹ. Ông có hẳn văn phòng riêng ở phố Uôn, làm chủ một tờ báo và ba tạp chí, làm giám đốc hãng chế tạo thép từ sắt tây và là hội viên của bốn ông ty khác. Ngoài ra ông còn có cổ phần trong nhà băng mà trước đây ông đã từng ăn cướp.

Một cảnh sát Panacôrigia hỏi ngài Hari Oenxơ:

– Thế bây giờ ông Fara Puasinô bị kết tội gì?

Ngài Hari Oenxơ đáp:

– Ông ta phạm tội đã phóng ô tô với tốc độ 121 cây số giờ ở đoạn đường cấm phóng nhanh quá 120 cây số giờ.

Các cảnh sát Panacôrigia háo hức đợi nghe thuật lại một tội ác gì rùng rợn, nghe nói đến cái tội quá nhỏ nhặt như vậy thì đưa mắt nhìn nhau chưng hửng. Ngài Hari Oenxơ lại nói tiếp:

– Cảnh sát không tìm được thủ phạm, nên chúng tôi cho bắt tất cả những người bị tình nghi đến đây. Nhờ chiếc máy này người ta đã xác minh được là họ không có tội. Bây giờ chúng tôi sẽ làm thí nghiệm cuối cùng với ngài Fara Puasinô này.

Nói đoạn, giảng viên đưa phích cắm vào ổ điện, bật công tắc rồi quay sang hỏi bị cáo:

– Ông Fara Puasinô? Hôm thứ năm, 19 tháng ba, hồi 14 giờ 31 phút 13 giây, ngồi sau tay lái chiếc “Rôn Roixơ” màu xám, bên cạnh cô nhân tình thứ mười bốn của mình là Ana, trong bộ quần áo thể thao màu xanh da trời, với chiếc cà vạt đỏ chấm trắng mà hiện ông đang thắt đây, trên đoạn đường số 159, ông đã phóng nhanh với tốc độ bị cấm là 121 kilômét giờ, có đúng không?

– Không!

Khi Fara Puasinô trả lời “không”, thì lập tức kim của máy đo rốn nhảy lên, kim máy đo tim vạch ra một đường cong, kim máy đo não ghi lại một đường ký hiệu và chuông của máy nối với xương cụt reo vang. Ngài Hari Oenxơ quay lại nói với các cảnh sát Panacôrigia:

– Đấy, các ông thấy không? Fara Puasinô nói dối và máy đã phát hiện ra sự dối trá của ông ta.

Tất cả cảnh sát Panacôrigia đồng thanh bảo:

– Máy này mang sang nước chúng tôi sẽ mất hiệu nghiệm ngay! Hơn nữa các phương pháp điều tra cổ truyền của dân tộc chúng tôi còn tốt hơn cái máy này nhiều?

– Không thể thế được! – Ngài Hari Oenxơ nói. – Máy này dùng ở bất cứ nước nào cũng đều hữu hiệu như nhau hết!

– Nhưng ở nước chúng tôi nhất định nó sẽ mất công hiệu? – Các cảnh sát Panacôrigia vẫn khăng khăng cãi.

Thái độ quả quyết của họ khiến ngài Hari Oenxơ nổi máu tò mò. Ngài bèn xin Cục điều tra liên bang cho nghỉ phép và lên đường sang Panacôrigia. Tại Cục an ninh quốc gia, người ta dẫn một người đến trước mặt ngài Hari Oenxơ. Đúng như cách ngài Hari Oenxơ đưa Fara Puasinô ra giới thiệu với họ, cảnh sát Panacôrigia cũng đưa một tội phạm của mình ra giới thiệu với nhà chuyên gia Mỹ:

– Tên này biệt hiệu là “Sói” Hakiđiki, hắn giết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người hàng xóm. Đây là lời tự thú của hắn…

Ngài Hari Oenxơ chăm chú đọc lời khai của kẻ sát nhân. Quả thực y thú nhận đã giết năm mạng người. Chính tay y đã ký vào bản tự thú.

Các cảnh sát Panacôrigia nói với ông bạn người Mỹ:

– Bây giờ ông hãy dùng cái máy hỏi cung của ông để thử xem hắn khai thế nào?

Ngài Hari Oenxơ bật máy, rồi hỏi phạm nhân:

– Có đúng anh là “Sói” Hakiđiki đã đâm chết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người láng giềng không?

– Không!

Ồ lạ quá! Mấy cái kim đồng hồ không cái nào nhúc nhích. Chuông cũng chẳng thấy kêu.

– Đ..u..ú..ng! – Ngài Hari Oenxơ kéo dài giọng – Quả thật sang nước các ông chiếc máy này không còn công hiệu nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ?

Một cảnh sát Panacôrigia đáp:

– Vì giá sinh hoạt đắt đỏ, dân nước tôi phải thắt bụng chặt quá, nên rốn của họ không thể toát mồ hôi được nữa. Còn tại sao tim không thể đập mạnh hơn được, thì cũng dễ hiểu thôi: dân chúng đã quá quen với ý nghĩ là bất cứ lúc nào cũng có thể được ăn bánh ô tô, tàu điện, hay thậm chí đang ngồi trên tàu, trên xe cũng có thể được về chầu giời, vì đường xá vừa hẹp lại vừa xấu, nên chả còn gì có thể khiến họ sợ. Các câu hỏi của ông đối với họ thì có mùi gì! Họ đâu có thèm hồi hộp! Bây giờ tôi sẽ giải thích để ông hiểu tại sao cái máy đo não lại không hoạt động được! Vì người ta nói dối nhau nhiều quá, nói dối nhau suốt ngày, vợ dối chồng, chồng dối vợ, người bán nói dối người mua, người mua đánh lừa người bán, người thuê nhà nói dối chủ nhà, rồi chủ nhà lại dối người thuê nhà, nghĩa là nói dối nhau tuốt tuồn tuột, người nọ nói dối người kia, thành thử có nói dối thêm một lần nữa trước cái máy của ông thì họ cũng trơ ra… Còn cái xương cụt của họ thì khỏi cần nói! Cứ xô đẩy chen lấn nhau để vào sân vận động, cứ ngồi ê đít xem đá bóng, cứ đấm đá nhau túi bụi để chen vào rạp hát, cứ nhấp nha nhấp nhổm trên ghế băng các công sở để chờ xin việc hết ngày này sang ngày khác, nên xương cụt của họ đã mất hết cảm giác, không còn có phản ứng gì nữa. Nhất là lại đối với các kích thích nhẹ như thế!

Nghe xong những lời giải thích, ngài Hari Oenxơ quay sang hỏi “Sói” Hakiđiki:

– Vừa nãy anh quả quyết rằng anh không có tội. Thế sao trong tờ khai anh lại thú nhận là đã giết năm người, mà lại còn ký tên hẳn hoi?

“Sói” Hakiđiki đáp:

– Cứ để người ta hỏi cung ông xem ông có khai không nào!

Ngài Hari Oenxơ hỏi mấy viên cảnh sát:

– Làm sao các ông tóm được hắn?

– Có gì đâu! – Các cảnh sát trả lời. – Người ta báo cho chúng tôi biết ở một ngôi nhà nọ, trước đó một tuần, có năm người bị giết. Nửa tháng sau khi nhận được tin, chúng tôi lập tức cho người đến điều tra ngay. Lục soát qua loa một hồi, chúng tôi tìm được ngay những cái xác đã thối rữa trên nền nhà. Nhưng hung thủ đã không còn ở đấy. Bởi vì có năm người bị giết, nên chắc chắn phải có người giết họ. Chúng tôi ra thông cáo: “Yêu cầu kẻ nào giết người đến ngay Sở cảnh sát”. Nhưng vẫn không thấy hắn đến. Cho đăng báo: “Truy nã hung thủ” nhưng vẫn không tìm ra. Chúng tôi lại cho dán yết thị khắp nơi: “Ai tìm được hung thủ sẽ được trọng thưởng”, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. “Chúng tôi đã thi hành mọi biện pháp có thể thi hành rồi! Bây giờ thì đừng có ai oán trách chúng tôi nữa nhé!” – Chúng tôi bảo như vậy, rồi ra lệnh tóm cổ tất cả những tên nào hơi có vẻ giống thủ phạm. Trong số đó cố nhiên là phải có kẻ giết người. Vì hắn có bay đi đằng trời! Sau đó chúng tôi tiến hành hỏi cung theo phương pháp riêng của chúng tôi. Cuộc hỏi cung chưa kết thúc, nhưng đến hôm nay đã có mười tên thú nhận là đã can tội giết người. Tên này là một trong số đó.

Ngài Hari Oenxơ tròn xoe mắt.

– Các ông có thể thử phương pháp của các ông với tôi được không – Ngài hỏi.

– Tất nhiên là được chứ! – Các cảnh sát trả lời. – Xin ngài chờ một phút. Xin mời ngài? Đây là 8 phòng tra khảo của chúng tôi.

Ngài Hari Oenxơ bước vào căn phòng đầu tiên người ta chỉ. Mười phút sau, từ căn phòng đó vọng ra những tiếng la hét, van xin, khóc lóc, rên rỉ ầm ĩ, xen lẫn những tiếng rắc! Bốp! Chát! Rồi người ta thấy ngài Hari Oenxơ lao ra khỏi phòng như một mũi tên, miệng kêu váng:

– Thôi, khỏi cần vào các phòng khác!

Nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ vừa thú nhận rằng: chính ông là tên “Sói” Hakiđiki đã đâm chết năm người, và đã ký tên vào bản tự thú.

Các cảnh sát nói với nhà chuyên gia Mỹ:

– Thế là chúng tôi đã tìm được 11 tên giết người. Ông chính là tên thứ mười một!

…Khi chia tay với ngài Hari Oenxơ, các cảnh sát Panacôrigia nói với ông:

– Tìm thủ phạm đối với chúng tôi không khó. Cái khó là làm sao tìm được tội để gán cho họ. Giá các ông phát minh được loại máy có thể giúp chúng tôi tìm ra cho mỗi thủ phạm, dù chỉ một tội gì đó, thì hay quá!

Thái Hà dịch