Buổi học đạo đức

Trong lớp đang là giờ học về đạo đức.

-Đạo đức, các em ạ, đó là một thứ rất tuyệt diệu. Nếu có ai đó trở thành thiếu đạo đức thì người ấy sẽ rất khổ sở.

-Thưa thầy ạ !

-Cái gì thế ?

-Thầy coi bạn Chêlin…bạn ấy làm gì thế này ! Bạn ấy không biết xấu hổ sao !

-Im nào!…Người ta cần phải có đạo đức. Đạo đức mang lại cho con người biết bao lợi ích, không sao kể xiết được ! Còn nếu con người trở nên thiếu đạo đức thì sẽ rất khổ sở.

-Thưa thầy, khổ sở thế nào ạ ?

-Đủ mọi chuyện có thể xảy ra. Mọi người sẽ gọi kẻ ấy là đồ thiếu đạo đức. Mà đã thiếu đạo đức là một thứ rất tệ hại. Bởi vậy, các em ạ, cần phải có đạo đức. Chao ôi, đạo đức thật tuyệt diệu biết bao ! Chính vì vậy mà người ta giảng dạy nó ở các trường học. Phải vậy không nào ? Lẽ nào chúng tôi lại đi dạy cho các em điều gì đó xấu xa sao ? Ta học tiếp nào . Vậy là, đạo đức…Tôi nói tới đâu rồi nhỉ ?

-Thầy bảo:”Chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao !”

-Chính thế : chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao ! Các em sẽ hỏi : tại sao ? Tất cả các vĩ nhân đều nói về điều này.

-Thưa thầy ạ !

-Lại cái gì ở đó thế ? Chuyện gì vậy ?

-Thầy bảo anh Altan đừng có xô vào lưng em nữa.

-Im nào, các em ! Hãy nghe tôi đọc cho các em về thực chất của đạo đức:”Đạo đức quy định con người sống sao cho không vi phạm các quy tắc xã hội, các truyền thống, lề lối và luật pháp”. Các em có hiểu không ? Các em phải cư xử giống đa số những người xung quanh các em, những người lớn tuổi. Nào, am Xuhai, hãy đứng dậy ! Ta phải coi chợ đen như thế nào ?

-Thưa thầy, chợ đen là rất tốt ạ.

-Rất tốt ư ?

-Tất nhiên rồi ạ ! Bởi vì nó..theo các quy tắc đạo đức, thưa thầy. Đấy ! Cứ thử chống lại đa số xem – như thế là thiếu đạo đức. Phải thế không ạ ? Mà tất cả những người rất có đạo đức đều có dính dáng đến chợ đen !

-Em nói cái gì vậy ?

-Thưa thầy, thật quả đúng như vậy ạ. Thầy coi mà xem : người bán thịt, bán gạo, bán than, bán hoa quả – tất cả đều buôn bán ở chợ đen. Nhà em có một người quen, một người rất giàu có, ông ấy cũng làm ăn ở chợ đen. Cha em bảo thế. Mới đây nhà em lại chơi chỗ ông ấy, chính cái ông ấy đã bảo em: “Hãy tuân theo đạo đức – cháu sẽ được tất cả “. Khi lớn lên, em sẽ là người rất có đạo đức. Em sẽ có nhiều nhà cửa và tiền bạc. Còn một người thiếu đạo đức như là cha em thì thật hiếm thấy !

-Im ngay ! Sao em lại dám nói về cha mình như thế ?…

-Đúng thế ạ! Cha em thiếu đạo đức đến nỗi không trả nổi tiền thuê nhà.

-Ngồi xuống !…Các em đừng bao giờ vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức cả !

-Thưa thầy ạ !

-Hãy nói xem , em Ergun !

-Em có một ông cậu. Cậu ấy lúc nào cũng phàn nàn :”Chỉ vì đạo đức mà tôi cứ phải giật gấu vá vai mãi “.Em cũng sẽ là người thiếu đạo đức.

-Câm ngay ! Khi một người không có đạo đức thì người ta gọi kẻ ấy là gì nhỉ ? Hả ? Nào, các em hãy đồng thanh trả lời, gọi là gì hả ?

-Kẻ thiếu đạo đức !

-Đúng rồi ! Dù cho một người có bạc triệu nhưng nếu người ấy thiếu đạo đức thì còn ra gì nữa ? Người ấy sẽ khổ sở !

-Thưa thầy, không phải thế đâu ạ. Người ấy sẽ sống yên ổn.

-Các em ạ, các em phải hiểu rằng lương tâm con người cần phải được yên ổn. Tất cả những người lớn lao đều có đạo đức.

-Thưa thầy, đó là thời trước ạ. Đấy, ở khu phố nhà em có một ông lớn quê ở Ađana. Ông ấy có ba xe “Cađilăc”, ông ấy là vua bông. Ông ấy có đủ thứ quý giá nhưng đạo đức thì…ông ấy không có !

-Tôi nói với các em về các vĩ nhân kia :các nhà bác học vĩ đại, các nhà tư tưởng vĩ đại, các họa sĩ vĩ đại. Như Xôcrat chẳng hạn…

-Thưa thầy, em biết ông Xôcrat ạ.

-Tất nhiên rồi, các em phải biết ông ấy.

-Ông ấy có xưởng thợ ở gần nhà em, ông ấy tẩy hấp quần áo. Chỉ có điều ông ấy không giàu mấy. Còn một người đạo đức như ông ta thì thật khó kiếm được.

-Tôi nói về nhà triết học cổ Hi Lạp Xôcrat kia. Hãy trở thành những người có đạo đức như Xôcrat, Arixtôt, Galilê !

-Thưa thầy, nhà em có một người quen buôn bán sắt tên là ngài Ahmed. Vậy thì cái ông Xôcrat ấy có đạo đức nhiều hơn ông này sao ?

-Các em ạ, đạo đức hoàn toàn không giống như tiền bạc. Trong lịch sử có những người đạo đức rất cao, thà bị chết đói chứ không làm hoen ố lương tâm của mình.

-Thưa thầy, vậy cái đạo đức ấy cũng là một thứ tốt phải không ạ ?

-Một thứ tuyệt hảo. Con người có đạo đức thì sẽ nói thẳng ra sự thật, không sợ hãi.

-Vậy mà em có một người cậu bị khai trừ ra khỏi đảng vì cậu ấy đã nói thẳng ra sự thật.

-Đó là chuyện khác. Tôi không nói với các em về chính trị, tôi nói về đạo đức. Nào, Ôguz, em sẽ nói được gì về sự dối trá ? Chúng ta phải đánh giá sự dối trá như thế nào ?

-Thưa thầy, dối trá là một thứ rất tuyệt. Nếu khéo nói dối thì rất tốt. Em mà không nói dối ở nhà thì ngày nào em cũng đã bị đòn rồi.

-Đừng nghe bạn ấy, các em ạ. Các em hãy nhớ rằng các em phải noi gương những người lớn.

-Thưa thầy ạ ! Nhưng chị em cũng nói dối mẹ em, còn mẹ em lại nói dối cha em. Còn cha em, khi người ta đến đòi nợ, lại sai người bảo rằng cha không có nhà.

-Xéo ngay khỏi lớp ! Bước ra ngay ! Một đứa trẻ hư hỏng !

-Thưa thầy, chẳng phải là thầy đã nói:”Người có đạo đức phải nói sự thật” đó sao? Vậy là em..

-Ngồi xuống !…Các em ạ, đạo đức – đó là một thứ rất tuyệt diệu. Tất cả các em phải là những người có đạo đức. Chẳng hạn nếu các em đã hứa với ai điều gì thì các em phải giữ lời, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.

-Thưa thầy, nhưng cha em kể rằng có một người, em quên mất tên ông ta, đã nói :”Tôi sẽ làm sao cho cuộc sống không bị tốn kém…”

-Im ngay ! Đừng có dây vào chuyện người khác!…Các em ạ ! Không có gì tuyệt diệu hơn đạo đức cả. Khi nào các em đọc các sách về đạo đức, các em sẽ phải kinh ngạc. Ngay cả những nhà tiên tri cũng đề cao đạo đức. Đạo đức là một thứ rất tốt, thậm chí tốt nhất nữa. Tốt đến nỗi là…Đạo đức thật tuyệt. Tuyệt lắm kia ! Xin thề với các em là nó rất tuyệt.

-Reng…reng! – Chuông báo giờ ra chơi. Thầy giáo lau mồ hôi trán và thổ hắt ra. Ơn trời, buổi học đạo đức đã xong.