Chương 8

“Nếu chúng đã khám rồi thì sao? Nếu bây giờ về vừa gặp chúng ngay ở nhà mình thì sao?”.

Nhưng đã đến buồng chàng đây rồi. Không có gì, không có ai hết; không có ai dòm ngó vào đây cả, ngay đến Naxtaxia cũng không hề bén mảng tới. Nhưng trời! Làm sao lúc nầy chàng lại có thể để tất cả những thứ ấy trong cái lỗ thủng kia?

Chàng đâm bổ vào góc nhà, thò tay xuống dưới lần giấy lấy các thứ giấu trong lỗ nhét vào túi. Cả thảy có tám cái: hai cái hộp con đựng hoa tai hay một thứ gì như thế – chàng cũng không nhìn rõ nữa; rồi đến bốn cái bao nhỏ bằng da dê, một sợi dây chuyền bọc giấy báo, và một vật gì nữa không rõ, hình như một tấm huân chương, cũng bọc giấy báo.

Chàng đút hết vào các túi áo khoác, vào túi quần bên phải còn nguyên vẹn, cố sao cho thật khó trông thấy. Cái bóp tiền chàng cũng gộp làm một với các thứ kia. Rồi chàng ra khỏi phòng, lần nầy cứ để cửa mở toang.

Chàng bước nhanh nhẹn, quà quyết, và tuy cảm thấy chân tay rời rã ra, chàng vẫn tỉnh táo. Chàng sợ bị truy bắt, chàng sợ rằng nửa giờ sau, hay mườilăm phút sau đã có lệnh theo dõi chàng; vậy thì phải tìm đủ cách để phi tang trước đi: Cần phải làm cho xong trong khi thân thể hãy còn chút nào sức lực, trí óc hãy còn chút nào minh mẫn… Nhưng đi đâu bây giờ!

Điều đó đã được giải quyết từ lâu: “Vứt tất xuống kênh đào, thế là phi tang, và vụ nầy sẽ kết thúc”. Chàng đã quyết định như vậy ngay từ đêm qua, trong cơn mê sảng, chàng còn nhớ rõ là đúng vào khi chàng toan nhổm dậy mấy lần: “Nhanh lên, nhanh lên, đi mà vứt hết đi”. Nhưng bây giờ mới biết là vứt đi như thế rất khó.

Chàng đi lang thang dọc theo bờ kênh Ekaterina đã nửa giờ rồi, có lẽ còn lâu hơn nữa, và đã mấy lần mỗi khi đi ngang bên chàng lại nhìn những bậc tam cấp dần xuống lòng kênh. Nhưng không thể nào nghĩ đến chuyện thực hiện ý định được: hoặc có những cái bè đỗ ngay ở lối xuống, và trên bè những người thợ giặt đang giặt quần áo, hoặc có những chiếc thuyền buộc vào bờ, và nơi nào cùng nhan nhản những người, vả lại xung quanh đấy, dọc theo bờ kênh, đứng chỗ nào người ta cũng có thể nhìn thấy, có thể chú ý được: tự dưng lại có người cố ý đi xuống bến, dừng lại rồi bỏ một cái gì xuống nước thi khả nghi lắm. Thế rồi nhỡ ra mấy cái hộp kia không chìm mà lại nối lềnh bềnh trên mặt nước thì sao? Mà chắc chắn là phải như thế!

Bất cứ người nào cũng có thể trông thấy. Cứ thế nầy thôi, khi gặp chàng ai nấy cũng đã nhìn ngó như thể xưa nay chỉ chú ý đến chàng. “Không hiểu tại sao họ lại nhìn như thế”. Hay có lẽ đó chỉ là cảm giác của mình – chàng băn khoăn tự hỏi.

Cuối cùng chàng nghĩ có lẽ nên đi ra mạn sông Neva thì hơn. Ở đây vắng hơn, và khó có người trông thấy hơn, dù sao thì ở đấy cũng thuận lợi hơn, và nhất là xa chỗ chàng ở hơn. Rồi chàng bỗng ngạc nhiên: làm sao chàng lại có thể đi lang thang suốt hàng nửa tiếng đồng hồ trong khi đang lo sợ như vậy ở những nơi nguy hiểm nầy mà không nghĩ ra từ trước? Chàng phí mất nửa giờ đồng hồ làm một việc vô lý như vậy cũng chỉ vì trong khi mê sảng chàng đã có lần quyết định như thế! Dạo nầy chàng đâm ra đãng trí, hay quên lạ lùng, và chính chàng cũng biết thế. Nhất định phải làm gấp!

Chàng theo đại lộ V., đi ra sông Neva, nhưng dọc đường một ý nghĩ lại vụt hiện đến: “Tại sao lại ra sông Neva, tại sao lại phải vứt xuống nước? Sao lại không tìm một nơi nào cho thật xa, trên các đảo chẳng hạn, và đến một chỗ nào thật vắng: một khóm cây hay một bụi rậm, chôn các thứ ấy xuống rồi đánh dấu vào thân cây chẳng hạn, có phải hơn không”. Và lúc bấy giờ tuy chàng thấy mình không đủ sức suy tính cho rõ ràng và tỉnh táo, chàng cũng có cảm giác rằng đó là một ý nghĩ đúng đắn.

Nhưng rồi rốt cục chàng cũng không đi đến các đảo sự việc xảy ra khác hẳn: khi từ đại lộ V., ra đến một quảng trường, chàng bỗng trông tháy ở bên trái có một lối đi dẫn vào khoảng sân xung quanh có tường rào bao bọc kín mít. Ở bên phải, sát ngay lối vào và kéo dài cho đến tận cuối sân là bức tường của ngôi nhà bốn tầng ở bên cạnh, không trổ cửa sổ, không quét vôi. Ở bên trái, song song với bức tường kín và cũng sát bên cổng vào, có một dẫy hàng rào gỗ chạy sâu vào khoảng hai mươi bước rồi bé quặt sang trái. Đó là một khoảng đất trống ngổn ngang những vật liệu bỏ đi. Xa hơn, mãi tận cuối sân, ở bên kia tường có thể thấy góc mái một cái nhà kho bằng đá thấp lụp xụp, ám khói đen xì, có lẽ thuộc một xưởng thợ nào đấy. Chắc hẳn trước kia ở đây có đặt một xưởng đóng xe, làm khoá hay là một cái gì tương tự; hầu như ngay từ cổng vào, nơi nào cũng thấy đen xì những bụi than. “Đây rồi, phải vứt vào đây rồi bỏ đi”. Raxkonikov chợt nghĩ.

Không thấy ai trong sân, chàng bước vào cổng và chợt thấy ngay sát cổng có một cái ống máng lắp vào tường như vẫn thường thấy ở những nhà có nhiều thợ thuyền, phu xe v.v… và ở khoảng tường phía trên ống máng thấy có mấy chữ viết bằng phấn: “Cấm đứng đái chỗ nầy”. Như vậy càng tốt, chẳng ai có thể nghi ngờ chàng đã ghé vào đây. “Phải vứt hết lại đây thành một đống và bỏ đi”.

Chàng đưa mắt nhìn quanh một lần nữa, và đã định thọc tay vào túi, thì chợt trông thấy ngay ở chân tường ngoài, giữa cái cổng và cái ống máng cách nhau không đầy một thước, có một tảng đá lớn không đẽo gọt gì, có lẽ nặng tới pút rưỡi, đặt sát vào chân hốc tường đá. Bên kia bức tường ấy là hè phố; đứng trong sân có thể nghe thấy tiếng chân bước của những người qua đường thưa thớt; nhưng ở ngoài đường nhìn vào không thể trông thấy chàng được, trừ khi có ai ghé vào đây. Vả chăng điều đó rất có thể xảy ra, cho nên cần phải làm gấp.

Chàng cúi xuống giơ hai tay nắm thật chắc lấy phần trên tấm đá, lấy hết sức lực lật ngửa nó ra. Ở dưới tảng đá đất lõm xuống thành một cái hốc trũng; chàng lập tức trút hết các thứ ở trong túi vào đấy. Cái bóp tiền nằm ở trên cùng, thế nhưng trong hốc vẫn còn chỗ. Xong đâu đấy chàng lại ôm tảng đá lật lại, nó nằm vừa vặn vào chỗ cũ, chỉ hơi nhô cao lên hơn trước một chút. Nhưng chàng bới đất xung quanh và lấy chân đắp vào cạnh rìa hòn đá. Không còn trông thấy gì khả nghi nữa.

Chàng ra phố và đi về phía quảng trường. Một niềm vui sướng mãnh liệt, hầu như không sao chịu nổi, lại tràn vào lòng chàng trong giây lát. “Thế là phi tang! Ai lại có thể nảy ra cái ý đến tìm ở dưới tảng đá ấy bao giờ? Có lẽ nó nằm đấy từ hồi mới xây nhà, và sẽ còn nằm đấy bấy nhiêu lâu nữa. Mà dù có tìm thấy, thì có ai đi ngờ cho mình? Thế là xong! Mất hết tang chứng!” – và chàng phá lên cười. Phải, về sau chàng nhớ lại rằng lúc ấy chàng đã rũ ra cười nấc lên từng cơn lặng lẽ ngắn hơi và cười mãi hồi lâu, suốt trong thời gian chàng đi qua quảng trường. Nhưng khi chàng rẽ vào đại lộ K, nơi mà hôm kia chàng gặp người con gái say rượu, trận cười của chàng vụt tắt. Những ý nghĩ khác len vào đầu chàng. Chàng lại chợt có cảm tường rằng mình sẽ thấy ghê tởm khi đi qua chiếc ghế dài mà chàng đã ngồi suy nghĩ sau khi người con gái bỏ đi, và cùng sẽ thấy khó chịu hết sức nếu gặp lại người cảnh binh có bộ ria mà hôm ấy chàng đã trao cho hai mươi cô-pếch. “Ma bắt nó đi cho raảh!”.

Chàng bước đi, mắt nhìn hai bên một cách lơ đãng và hằn học. Bấy giờ bao nhiêu ý nghĩ của chàng đều xoay quanh một điểm chính nào đó, chàng cũng cảm thấy rằng đó quả là điểm chính, và bây giờ, chính lúc nầy đây, chàng còn lại một mình đối diện với cái điểm chính ấy, lần đầu tiên trong suốt hai tháng vừa qua.

“Thôi kệ mẹ nó! – chàng bỗng nghĩ trong cơn tức giận điên cuồng. – Đã bắt đầu rồi à, thì cứ bắt đầu; cuộc sống mới ư? Mặc cho nó đi về nhà mà! Trời ơi, sao lại có những chuyện ngớ ngẩn đến thế!… Hôm nay mình đã nói dối và làm những việc thật hèn hạ! Mình đã quỳ gối một cách ô nhục trước mặt cái thằng Ilya Petrovich đê mạt ấy! Nhưng đó cũng toàn là chuyện nhảm hết! Nhổ toẹt vào tất cả bọn chúng nó, mà cũng cần quái gì nghĩ đến chuyện mình có quỳ gối hay không quỳ gối. Vấn đề không phải ở đấy! Không phải ở đấy chút nào!…

Bỗng chàng dừng lại; một câu hỏi mới, hoàn toàn bất ngờ và hết sức đơn giản chợt nảy ra, khiến chàng rối trí và kinh ngạc một cách chua xót: “Nếu quả tất cả những việc đó đều làm một cách có ý thức chứ không phải làm hú hoạ, nếu mày quả có một mục đích rõ ràng và vững chắc, thì làm sao mãi cho đến bây giờ mày vẫn không hề nhìn vào cái ví tiền và không biết việc nầy đã đưa lại cho mày những gì, Vì đâu mà mày chịu khổ chịu sở và bắt tay vào một việc hèn hạ, xấu xa, bỉ ổi như thế? Vừa rồi mày muốn vứt hết xuống nước, cả cái ví tiền lẫn các thứ khác mà, thậm chí mày cũng chưa mở ra xem nữa… sao lại có thể như thế?”

Phải, đúng như thế, hoàn toàn đúng như thế. Vả chăng trước kia chàng cũng đã biết thế, và đây hoàn toàn không phải là một vấn đề mới mẻ gì đối với chàng; thế mà đêm qua, khi quyết định vứt xuống nước, chàng đã quyết định không hề phân vân, lưỡng lự, cứ như thể tất nhiên phải như thế, không thể nào khác đi được… phải, chàng biết hết những điều đó và nhớ hết; mà hầu như việc đó đã được quyết định ngay từ hôm qua, ngay khi chàng ngồi bên cái rương lấy các thứ ở trong rương ra… Ra thế đấy…

“Đó là vì mình đang ốm nặng, – cuối cùng chàng quả quyết tự nhủ, – chính mình dày vò, hành hạ mình, và chính mình không biết mình đang làm gì… Cả ngày hôm qua, hôm kia, suốt cả một thời gian ấy mình đã tự dày vò… Mình sẽ khỏi và sẽ không làm khổ mình nữa… Thế nhỡ không khỏi chút nào thì sao? Trời ơi! Chán ngấy lên rồi?…” Chàng bước đi, không dừng chân.

Chàng háo hức muốn tìm cách khuây khoả, nhưng không biết nên làm gì. Một cảm giác mới mẻ, không sao cưỡng được mỗi phút một tràn ngập lòng chàng: đó là một cảm giác ghê tởm không bờ bến, hầu như nhục thể, đối với tất cả những gì chàng gặp, tất cả những gì ở xung quanh chàng, một cảm giác kiên trì, ác liệt, cay cú.

Chàng thấy tất cả những người qua đường đều có những bộ mặt, những dáng đi, những cử chỉ khả ố. Giá có ai lên tiếng nói gì với chàng, chàng sẽ nhổ thẳng vào mặt họ, có lẽ còn xông vào cắn họ nữa,…

Chàng bỗng dừng chân khi ra đến bờ sông Neva Con, trên đảo Vaxili, cạnh cái cầu. “Hắn ở đây, trong ngôi nhà nầy đây. – chàng thầm nghĩ. – Sao thế nhỉ, mình loay hoay thế nào rồi rốt cục lại dẫn xác đến nhà Razumikhin! Lại y như hôm ấy… mà kể cũng lạ thật; mình cốt đi đến đây hay chẳng qua tình cờ đi ngang, thì cũng thế thôi; hôm kia… mình nói… là một ngày sau khi việc ấy đã xong xuôi mình sẽ đến hắn, thế thì cứ đến thôi! Làm như thể bây giờ mình không thể ghé nhà ai được nữa!”

Chàng lên phòng Razumikhin ở gác năm.

Razumikhin có nhà. Lúc ấy anh đang ngồi viết hí hoáy trong căn buồng chật hẹp. Nghe tiếng gõ cửa; anh ra mở. Đã bốn tháng nay hai người không gặp nhau.

Razumikhin mặc một chiếc áo dài ngủ rách bươm, chân đi giầy vải, đấu tóc rối bù, râu không cạo, mặt không rửa. Gương mặt anh lộ vẻ ngạc nhiên.

– Cậu đấy à? – Anh kêu lên, mất chăm chăm nhìn bạn từ đầu đến chân; nhưng rồi anh im bặt và huýt lên một tiếng. – Bi đến thế kia à? Cậu mặc còn bảnh hơn cả tớ nữa rồi đấy! – anh nhìn mấy tấm giẻ rách của Raxkonikop nói thêm. – Ngồi xuống chứ, hình như cậu mệt lắm thì phải.

Và khi Raxkonikov đã buông mình rơi phịch xuống chiếc đi-văng Thổ Nhĩ Kỳ lót vải sơn còn tồi tệ hơn cả chiếc ghế của chàng, Razumikhin bỗng nhận ra rằng bạn mình ốm.

– Nhưng cậu ốm hẳn hoi rồi, cậu không biết à? – Nói đoạn anh cầm lấy tay bạn để bắt mạch. Raxkonikov giật phắt tay ra.

– Không cần, – chàng nói, – tôi đến… Thế nầy, tôi không có chỗ nào dạy học cả… tôi muốn… vả chăng tôi cũng cóc cần chỗ dạy…

– Nầy, cậu mê sảng rồi còn gì! – Razumikhin chăm chú, quan sát chàng và nhận xét.

– Không, tôi không mê sảng… – Raxkonikov rời đi-văng đứng dậy. Khi lên nhà Razumikhin, chàng không nghĩ đến việc mình sẽ phải mặt giáp mặt với bạn. Mãi đến bây giờ, do kinh nghiệm thực tế, chàng mới vụt nghĩ ra rằng giờ phút nầy không có gì có thể làm cho chàng khó chịu hơn là phải mặt giáp mặt với bất cứ ai trên đời. Một nỗi hằn học dữ dội đấy lên trong lòng chàng. Vừa bước qua ngưỡng cửa phòng Razumikhin, chàng đã thấy căm tức bản thân mình đến nghẹn cổ.

– Thôi chào cậu? – chàng bỗng nói và đi ra cửa.

– Kìa khoan đã, khoan đã, cậu nầy gàn quá?

– Thôi! – Raxkonikov giật tay ra nói.

– Đã thế thì cậu đến đây làm quái gì! Cậu phát điên rồi chắc? Thế kia có tức không chứ. Tớ không để cậu ra về như thế đâu.

– À thế thì cậu nghe đây, tôi đến cậu là vì ngoài cậu ra tôi không biết ai có thể giúp tôi… bắt đầu… vì cậu tốt hơn hết thảy bọn họ, nghĩa là cậu thông minh hơn, có thể bàn bạc được… Nhưng bây giờ tôi lại thấy rằng tôi không cần gì nữa hết, cậu nghe ra chưa, hoàn toàn không cần gì nữa hết… không cần ai giúp đỡ, cảm thông gì hết… Tôi sẽ tự liệu lấy… một minh… Thôi thế đủ rồi! Cứ để mặc xác tôi!

– Thì khoan tí đã nào, đồ dở hơi! Cậu điên thật rồi! Tớ thì cậu muốn thế nào cũng được, cậu xem, tớ cũng không có chỗ dạy học, mà tớ cùng đếch cần; nhưng ở chợ tầm tầm có một lão lái sách tên là Kheruvimov, lão nầy cùng đáng giá một chỗ dạy học chán. Bây giờ thì có đổi lão ấy lấy năm chỗ dạy học ở các nhà buôn tớ cũng không đổi. Lão ta xuất bản cả sách và hiện đang cho in những tập sách nhỏ về khoa học tự nhiên, bán đắt như tôm tươi! Chỉ riêng cái đầu đề không thôi cũng đáng đồng tiền rồi! Cậu thì bao giờ cũng bảo tớ ngốc: thế mà có kẻ còn ngốc hơn tớ nữa, tớ nói thật đấy! Bây giờ lão ấy cũng đang lao theo phong trào, tuy một chữ cắn đôi cũng không biết: lẽ dĩ nhiên tớ khích cho lão lao mạnh nữa vào. Đây có hai tập gần bốn chục trang tiếng Đức – theo tớ thì chỉ là thứ văn bán thuốc ê ngớ ngẩn nhất đời, đề tài nói tóm lại là: đàn bà có phải là người hay không phải là người? Và cố nhiên tác giả chứng minh một cách trịnh trọng rằng đàn bà quả là người thật. Kheruvimov chuẩn bị xuất bản quyển sách nầy để đáp ứng với phong trào thảo luận về vấn đề phụ nữ, tớ thì dịch, lão ấy thì làm cái việc kéo dài bốn chục trang nầy ra thành một trăm trang, chúng tớ sẽ viết một cái dầu đề cho thật kêu dài đến nửa trang giấy và đem bán năm hào một quyển. Chu lắm! Tiền công dịch của tớ là sáu rúp mỗi tập mười sáu trang, vị chi cả thảy được chừng mười lăm rúp, tớ đã lĩnh trước sáu rúp rồi đấy. Xong cái nầy thì sẽ dịch sang một tài liệu nói về cá voi, rồi thì trong phần sau quyển “Confessions”1 cũng thấy có nhiều đoạn nói nhảm hết sức vô vị, cho nên cũng dịch nốt; có một thằng cha nào nói với Kheruvimov rằng Rousseau cũng là một thứ Radisev, lẽ dĩ nhiên ta cứ ầm ừ, kệ mẹ nó. Thế nào, cậu lấy tập 2 quyển “Đàn bà có phải là người không?” về mà dịch nhé. Nếu cậu bằng lòng thì lấy ngay nguyên bản, bút giấy đây – toàn là của công đấy – và cầm lấy ba rúp: tớ đã lĩnh tiền ứng trước cho cả hai tập, thế nghĩa là phần cậu ba rúp. Dịch xong cậu sẽ nhận nốt ba rúp nữa. Nhưng cậu đừng có nghĩ là tớ giúp đỡ gì cậu nhé. Ngược lại, vừa trông thấy cậu tớ đã tính chuyện nhờ cậu ngay. Trước hết là tớ viết hay sai chính tả, thứ đến là tiếng Đức của tớ đôi khi cũng schwach2, thành thử phần nhiều tớ cứ tự ý bịa ra mà viết và tự an ủi rằng làm như vậy sách chỉ có thể hay thêm mà thôi. Thế nhưng biết đâu được, có lẽ nó không hay thêm mà lại càng tồi thêm thì có… Cậu có lấy không?

Raxkonikov lặng lẽ cầm lấy tập giấy in tiếng Đức cầm lấy ba đồng rúp và đi ra, không nói lấy một lời. Razumikhin ngạc nhiên nhìn theo chàng. Nhưng ra đến góc phố, Raxkonikov bỗng quay phắt trở lại, lên phòng Razumikhin, đặt lên bàn cả xấp giấy lẫn ba đồng rúp, cũng vẫn không nói lấy một lời, rồi đi ra.

– Kìa cậu sốt thật rồi? – Razumikhin rốt cục cũng điên tiết gầm lên. – Cậu làm cái trò gì thế? Đến tớ cũng phải lộn ruột lên với cậu… Đã thế thì đến làm gì, đồ quỷ?

– Tôi không cần… dịch… – Raxkonikov lẩm bẩm trong khi bước xuống thang gác.

– Thế thì cậu cần cái quái gì nào? – Razumtkhin trên gác quát chõ xuống. Raxkonikov lặng thinh bước thẳng.

– Nầy! Nhà cậu bây giờ ở đâu thế hả?

Không có tiếng trả lời.

Thôi mặc x… xác cậu!

Nhưng Raxkonikov đã ra phố. Trên cầu Nikolaevxki chàng lại phải sực tỉnh, lần nữa, vì một sự việc xảy ra khiến chàng rất khó chịu. Một người xà ích đánh xe song mã đã quất roi vào lưng chàng vì chàng suýt đâm đầu vào chân ngựa, tuy hắn đã ba bốn lần quát chàng tránh ra. Nhát roi làm cho chàng giận điên lên. Chàng nhảy vụt ra thành cầu không hiểu tại sao chàng cứ đi nghênh ngang ở giữa cầu, khoảng dành cho xẹ cộ, nghiến răng kèn kẹt. Mấy người đứng quanh cười rộ lên.

– Đáng đời!

– Chắc là một thằng kẻ cắp.

– Ai còn lạ gì, già vờ say rượu rồi chui đầu vào bánh xe để lĩnh tiền bồi thường chứ gì?

– Cũng là một cách xoay tiền ông ạ, cũng là một cách xoay tiền.

Nhưng trong khi chàng còn đứng bên thành cầu, vừa nhìn theo cỗ xe song mã đang xa dần với đôi mắt giận dữ và ngây dại vừa xoa lưng, chàng bỗng cảm thấy có ai dúi tiền vào tay chàng. Chàng nhìn lại thì thấy một người đàn bà đứng tuổi, trông chừng là hạng buôn bán, đầu trùm khăn, chân đi giầy da dê, cùng đi với một người thiếu nữ đội mũ dạ, cầm ô xanh, chắc là con gái bà ta. “Anh cầm lấy, vì Chúa”. Chàng cầm lấy đồng tiền, và họ đi thẳng. Có là một đồng hào đôi. Trông dáng vẻ và cách ăn mặc của chàng họ rất có thể tưởng chàng là một người ăn mày vẫn thường ngứa tay xin từng đồng xu trên hè phố. Chàng được bố thí như vậy chắc hẳn cũng là nhờ nhát roi kia đã làm cho họ động lòng trắc ẩn.

Chàng nắm chặt đồng hào đôi trong tay, đi độ mươi bước và quay mặt ra sông Neva, về phía hoàng cung. Bầu trời không một gợn mây, và màu nước xanh biếc hầu như lẫn với màu trời, một điều rất ít thấy trên sông Neva. Không có nơi nào có thể nhìn rõ những đường nét của mái nhà thờ Isaac như chỗ chàng đang đứng, trên cầu, cách nhà thờ chừng hai mươi bước. Chiếc mái vòm khum ánh lên trên nền trời, và qua làn không khí trong vắt còn có thể thấy rõ từng nét trang hoàn trên mái. Chỗ bị roi quất đã hết đau và Raxkonikov đã quên khuấy nó đi; bây giờ chỉ có một ý nghĩ lo âu mơ hồ khiến chàng bận tâm. Chàng đứng yên hồi lâu nhìn đăm đăm vào không gian xa thẳm; nơi nầy đối với chàng rất quen thuộc. Hồi chàng còn lui tới trường đại học, nhất là trên đường về nhà, chàng thường dừng lại hàng trăm lần đúng ở chỗ nầy, nhìn đăm đăm vào bức toàn cảnh tráng lệ nầy và cứ mỗi lần như thế chàng lại lấy làm lạ về cái ấn tượng mơ hồ và khó hiểu nhóm lên trong lòng chàng. Bao giờ cái quang cảnh tráng lệ ấy cũng như thở vào người chàng một luồng hơi lạnh buốt kỳ lạ; và chàng cứ cảm thấy bức tranh lộng lẫy ấy có một cái gì ghẻ lạnh, dửng dưng… Cứ mỗi lần như vậy chàng lại lấy làm lạ với cái ấn tượng âm u, huyền bí nhóm lén trong lòng mình, và không dám tin rằng mình có thể hiểu thấu được: chàng lại tự hứa sẽ tìm cách lý giải sau. Bây giờ chàng bỗng sực nhớ lại những nỗi băn khoăn, thắc mắc trước kia, và cảm thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà mình nhớ lại như thế. Chỉ riêng một điều nầy thôi chàng đã thấy nó có vẻ kỳ quái và huyền bí, là chàng đã dừng lại đúng ở chỗ cũ, dường như chàng thật sự tưởng rằng bây giờ mình cũng có thể suy nghĩ như trước kia, cũng có thể quan tâm đến những vấn đề và những quang cảnh mà… trước đây không lâu chàng vẫn quan tâm đến. Thậm chí chàng còn thấy gần như nực cười nữa, tuy lòng chàng sẽ lại đến đau nhói cả ngực lên. Ở một nơi nào sâu thẳm phía dưới kia, dưới chân chàng, mờ mờ hiện lên tất cả cái dĩ vãng ấy; những ý nghĩ, những vấn đề, những nỗi băn khoăn, những ấn tượng cũ, và cả bức toàn cảnh nầy, và cả bản thân chàng nữa, tất cả, tất cả… Chàng có cảm giác như mình đang bay bổng lên, chơi vơi ở một nơi nào cao ngất, và mọi vật đều tan biến đi trước mắt chàng…

Chàng bất giác xua tay một cái, và chợt thấy có đồng hào đôi trong lòng bàn tay nắm chặt. Chàng ngả tay ra, nhìn đăm đăm vào đồng tiền một lát rồi đang tay ném xuống nước. Đoạn chàng quay lại đi về nhà. Chàng có cảm tưởng như mình vừa lấy kéo cắt đứt hẳn bản thân mình ra khỏi mọi người và mọi vật.

Chàng về đến nhà thì trời đã chiều, như thế nghĩa là chàng đã đi lang thang sáu tiếng đồng hồ. Chàng về nhà ra sao và đi lối nào thì chàng không hề nhớ tí gì hết. Người run bắn lên như con ngựa mệt lừ, chàng cởi áo nằm lên đi-văng, kéo chiếc áo khoác đắp lên người và lập tức thiếp đi…

Khi trời đã tối mịt, chàng sực tỉnh giấc vì một tiếng gào khủng khiếp. Trời ơi, tiếng gào gì mà gớm guốc thế Chàng chưa bao giờ nghe thấy những âm thanh quái gở như vậy, chàng chưa từng nghe thấy những tiếng rú, những tiếng quất, những tiếng rít, những tiếng khóc, những tiếng đấm đá và chửi rủa như vậy bao giờ. Chàng cũng không thể hình dung nổi một cái gì hung dữ, thú vật như vậy. Chàng kinh hãi nhỏm dậy và ngồi trên đi-văng, phút phút lại lặng người đi vì sợ hãi và đau đớn: Những tiếng đấm đá, la hét mỗi lúc một thêm dữ dội. Và chàng bỗng vô cùng kinh ngạc nhận ra tiếng bà chủ nhà. Bà ta gào thét, rú rít lên, khóc lóc kể lể cuống quít, có khi líu lưỡi lại nói không ra tiếng nữa, thành thử không tài nào nghe ra được bà nói những gì. Chỉ biết là bà đang kêu van, chắc là đang van người ta đừng đánh đập mình nữa, vì có một người nào đang đánh đập bà tàn nhẫn trên thang gác. Người đang đánh tức giận điên cuồng, gân cổ lên quát mắng khủng khiếp đến nỗi khản cả giọng, thế nhưng cũng đang nói gì rất nhanh, cứ được mấy tiếng lại sặc sụa lên không còn nghe ra cái gì nữa. Bỗng Raxkonikov run bắn lên: chàng đã nhận ra giọng nói nầy; đó là, giọng của Ilya Petrovich, Ilya Petrovich đang ở đây, và đang đánh đập bà chủ nhà! Hắn lấy chân đá vào bà ta, cộc đầu bà vào bậc thang, – cứ nghe những tiếng ồn ào những tiếng la hét và đấm đá cũng đủ rõ! Làm sao thế trời dất đảo điên cả rồi hay sao? Khắp, các tầng trên gác dưới, suốt dọc cầu thang người ta đổ ra đông nghịt: có thể nghe thấy những tiếng nói xôn xao, những tiếng kêu í ới, những tiếng chân chạy thình thịch, những tiếng cửa đóng ầm ầm. “Nhưng có chuyện gì thế, tại sao, và làm sao lại có thể như thế được!” – chàng cứ nghĩ đi nghĩ lại, thạt sự lo sợ rằng mình đã phát điên hẳn hoi rồi. Nhưng không, chàng nghe quá rõ!… Nhưng nếu đã thế thì họ sắp đến phòng chàng ngay tây giờ, bởi vì… chắc đầu đuôi cũng đều do chuyện hôm qua… mà ra cả… Trời ơi!” Chàng định chốt trái cửa lại, nhưng tay chàng cứ rũ xuống… vả lại cũng vô ích! Nỗi hãi hùng như một tảng băng trùm lấy tâm hồn chàng, khiến chàng đau buốt, co quắp lại… Nhưng rồi cuối cùng tiếng ồn ào inh ỏi, kéo dài đã được đến mười phút, bắt đầu im ắng dần. Bà chủ nhà luôn mồm rên rỉ và thở dài sườn sượt; Ilya Petrovich vẫn còn hăm doạ và nguyền rủa… Nhưng rốt cục hình như chính hắn cùng lặng đi; không còn nghe thấy tiếng hắn nói nữa; “hay là hắn đi rồi! Lạy chúal”. Phải, đây, bà chủ nhà cũng đi ra, mồm vẫn rên rỉ và khóc thút thít… và đây, cửa phòng bà ta đã đóng sập lại… Đám đông đã rời thang gác tản về các buồng; họ xôn xao bàn tán, gọi nhau í ới, tiếng nói khi to lên thành tiếng quát, khi nhỏ lại chỉ còn nghe rì rầm. Chắc là đông lắm; gần như cả nhà đều đổ ra xem thì phải. “Nhưng trời ơi, chả nhẽ lại có thể như thế được! Mà tại sao, tại sao hắn lại đến đây làm cái gì?”

Raxkonikov bủn rủn gục xuống đi-văng, nhưng không sao nhắm mắt lại được nữa; chàng nằm yên khoảng nửa tiếng đồng hồ, với một cảm giác sợ hãi đau đớn không sao chịu nổi, mà xưa nay chàng chưa hề biết.

Bỗng phòng chàng sáng rực lên: Naxtaxia vừa bước vào tay cầm nến, tay bưng xúp. Chị ta chăm chú nhìn chàng, và khi thấy chàng đang thức, chị đặt cây nến xuống bàn và bắt đầu bày các thứ ra, bánh mì, muối, đĩa, thìa.

– Chắc từ hôm qua chưa ăn gì. Đi lang thang suốt cả ngày vả lại sốt hầm hập lên chứ có phải không đâu.

– Naxtaxia nầy… tại sao họ đánh đập bà chủ thế?

Naxtaxia nhìn chàng chằm chặp.

– Ai đánh bà chủ?

Vừa rồi ấy… cách đây nửa giờ ấy mà, Ilya Petrovich, viên phó quận trưởng, trên cầu thang… Tại sao hắn lại đánh bà ấy, và… hắn đến đây làm gì?

Naxtaxia cau mày lặng thinh nhìn chàng chăm chú một hồi lâu. Chàng thấy khó chịu trước cái nhìn ấy thậm chí còn thấy sợ nữa.

– Naxtaxia, sao chị cứ làm thinh? – mãi lát sau chàng mới rụt rè cất tiếng hoi, giọng yếu ớt.

– Máu đấy, – sau một lát im lặng, Naxtaxia đáp khẽ như nói một mình.

– Máu!… Máu nào?… – chàng lắp bắp, mặt tái nhợt đi, và bất giác né người về phía vách. Naxtaxia vẫn lặng lẽ nhìn chàng.

– Không có ai đánh bà chủ cả, – chị lại nói, giọng nghiêm nghị và quả quyết.

Raxkonikov nhìn chị ta, thở không ra hơi nữa.

– Chính tôi nghe mà… tôi không ngủ… tôi ngồi nghe, – chàng nói, giọng còn rụt rè hơn nữa… – Viên phó quận trưởng đến… người ta chạy hết ra thang gác, buồng nào cũng ra…

– Chẳng có ai đến hết. Đấy là máu nó xông lên đấy. Máu ứ lại mà không thoát ra được là nó dồn vào gan, thế mới sinh ra mê sảng… Cậu ăn đi dăm ba miếng chứ?”

Chàng không đáp. Naxtaxia vẫn đứng cạnh giường, nhìn chàng đăm đăm không lui ra.

– Cho tôi xin tí nước, Naxtaxia.

Naxtaxia đi xuống nhà và khoảng hai phút sau mang lên một cái ốc bằng đất sét trắng; nhưng chàng không còn nhớ nhưng việc tiếp diễn về sau nữa. Chàng chỉ nhớ rằng mình nuốt một ngụm nước lạnh và đánh đổ nước trong cổ ra ngực. Sau đó chàng mê man đi.


  1. “Tự thú”, tác phẩm của J.J. Russeau. 

  2. Yếu, kém (tiếng Đức.)