Chương 6

Về sau Raxkonikov tình cờ được biết cụ thể hai vợ chồng lão tiểu thương mời mụ Lizaveta đến để làm gì.

Công việc họ bàn tính với nhau hết sức tầm thường, chẳng có gì đặc biệt cả. Số là có một gia đình mới dọn đến, vì cảnh sa sút phải bán một số áo quần và đồ dùng của phụ nữ. Đem ra chợ bán thì không được giá, cho nên họ muốn tìm người mua lại. Mụ Lizaveta vẫn thường làm những việc chạy hàng, mua đi bán lại như thế và khách hàng mụ cũng khá đông, vì mụ buôn bán rất thật thà và bao giờ cũng trả giá phải chăng, mụ đã nói bao nhiêu là mua bấy nhiêu, không mặc cả gì nữa. Nói chung thì mụ vốn ít lời và, như trên kia đã nói tính mụ vốn hiền lành và nhút nhát.

Nhưng gần đây Raxkonikov đã trở nên mê tín. Tâm trạng mê tín ấy mãi về sau nầy còn để lại những dấu vết hầu như không sao xoá nhoà được. Về sau, chàng cứ có khuynh hướng xem tất cả những việc xảy ra xung quanh vụ nầy như có một cái gì huyền bí, kỳ dị, dường như có những ảnh hưởng và những sự tình cờ đặc biệt can dự vào việc nầy. Từ dạo mùa dông, một sinh viên quen chàng tên là Pokorev, trước khi lên đường đi Kharkov, nhân một buổi chuyện trò có cho chàng biết địa chỉ mụ già Aliona Ivanovna để nhỡ khi chàng có cần cầm cố gì chăng. Trong một thời gian khá lâu chàng không đến đấy vì đang có chỗ dạy học, còn tạm sống được. Cách đây một tháng rưỡi chàng nhớ đến địa chỉ nầy, chàng có hai món có thể đem cầm được: chiếc đồng hồ cũ của cha chàng và chiếc nhẫn vàng nhỏ có giát mấy viên ngọc gì đo đỏ mà em chàng tặng chàng làm kỷ niệm khi chia tay. Chàng quyết định đem cầm chiếc nhẫn, khi đã tìm ra chỗ ở mụ già, mới thoạt trông thấy mụ chàng đã có một cảm giác ghê tởm không sao nén nổi tuy chưa biết gì lắm về mụ ta. Chàng cầm của mụ hai “tờ” và dọc đường về chàng ghé vào một quán rượu tồi tàn. Chàng gọi trà, ngồi xuống cạnh bàn và suy nghĩ mông lung. Một ý nghĩ kỳ dị nảy nở trong óc chàng, như một con gà con sẵn sàng chui ra khỏi vỏ, và khiến chàng hết sức bận tâm.

Hầu như ngay sát cạnh bàn chàng có một người sinh viên lạ mặt cùng ngồi với một viên sĩ quan trẻ tuổi, Họ vừa đánh bi-a xong và đang ngồi uống trà.

Bỗng nhiên Raxkonikov nghe người sinh viên nói chuyện với viên sĩ quan về mụ chủ hiệu cầm đồ.

Aliona Ivanovna, quả phụ của một viên thư lại bậc bảy, và cho hắn biết địa chỉ mụ ta. Chỉ riêng điều đó thôi Raxkonikov cũng đã lấy làm lạ: chàng vừa ở nhà mụ ấy ra, thế mà vừa đúng người ta lại nói chuyện về mụ ấy.

Dĩ nhiên đó là một sự tình cờ, nhưng bây giờ chàng không sao tẩy gột được một ấn tượng rất khác thường, và đến đây dường như người ta lại muốn tô đậm nét thêm ấn tượng đó: người sinh viên bỗng dưng bắt đầu nói cho bạn biết những chuyện ti mỉ về mụ Aliona Ivanovna ấy.

– Mụ ấy khá lắm, – người sinh viên nói, – đến mụ thì bao giờ cũng có tiền. Giàu sụ như một lão Do thái, mụ có thể đưa ra một lúc năm nghìn, nhưng cũng không coi khinh những đồ cầm chỉ đáng giá một rúp. Bọn chúng tớ đã có rất nhiều tay đến đấy. Có điều là mụ ta ghê gớm lắm.

Rồi hắn bắt đầu kể lể những là mụ ta độc ác ra sao, tính khí bất thường ra sao, những là chỉ cần quá hạn chuộc có một ngày cũng đã mất toi đồ cầm rồi. Mụ ta chỉ ứng cho được một phần tư giá tiền, đồ cầm, lấy lãi hàng tháng đến năm phân hay nhiều khi đến bảy phân nữa là khác v.v… Người sinh viên lại còn cao hứng lên nói ba hoa rằng mụ ta có một mụ em gái tên là Lizaveta, và mụ già bé loắt choắt, xấu như hủi ấy luôn tay đánh đập và hành hạ em gái như tôi mọi, xem như đứa con nít, mặc dầu mụ Lizaveta ít ra cũng cao đến thước bảy.

– Cũng là một của lạ đấy! – người sinh viên cười lớn.

Họ bắt đầu bàn tán về mụ Lizaveta. Người sinh viên có vẻ đặc biệt khoái trá khi nói đến mụ ta và cười luôn mồm, còn viên sĩ quan thì nghe rất chăm chú và bảo bạn nhắn mụ Lizaveta ấy đến vá đồ lót cho mình.

Raxkonikov không bỏ qua lấy một câu nào và biết được đủ mọi chuyện: mụ Lizaveta là em cùng cha khác mẹ của mụ già kia, năm nay đã ba mươi lăm tuổi. Mụ làm quần quật suốt ngày đêm cho chị, nấu nướng, giặt giũ khâu áo quần đem bán, đi lau sàn thuê cho người ta, bao nhiêu tiền công kiếm được đều đưa cả cho chị. Mụ không bao giờ dám nhận công việc gì của ai giao nếu không được mụ già cho phép. Mụ già nay đã làm xong di chúc, và mụ Lizaveta cũng có biết việc đó.

Theo tờ di chúc nầy thì mụ em không được hưởng lấy một xu nhỏ ngoài mấy thứ bàn ghế và đồ dùng lặt vặt; còn tiền bạc thì đều cúng cho một tu viện ở trấn N… để làm tiền phí tổn cầu nguyện thường xuyên cho vong linh mụ già. Mụ Lizaveta thuộc hạng tiểu thị dân chứ không phải thuộc giới viên chức. Đó là một mụ gái già xấu xí, người cao lêu đêu, đôi chân vòng kiềng dài ngoẵng, lúc nào cũng đi đôi giầy vẹt gót, ăn ở khá sạch sẽ. Nhưng điều làm cho người sinh viên ngạc nhiên và buồn cười hơn cả là mụ Lizaveta lúc nào cũng có mang.

– Thế sao cậu bảo mụ ta xấu xí lắm kia mà? – viên sĩ quan nhận xét.

– Ừ, nước da thì đen xạm như một thằng lính cải trang, nhưng cậu phải biết là mụ ta trông không đến nỗi. Khuôn mặt và đôi mắt mụ trông cũng phúc hậu. Rất phúc hậu nữa là khác. Chứng cớ là nhiều người ưa mụ lắm. Mụ ta hiền lành, dịu dàng, dễ tính, bảo gì mụ cũng nghe. Với lại mụ cười trông cũng khá xinh.

– Thế ra cậu cũng ưa mụ ta hẳn? – viên sĩ quan bật cười nói.

– Cái kỳ quặc của mụ cũng có chỗ hay hay. Thôi, để tớ nói cái nầy cho mà nghe. Tớ sẵn lòng giết phăng mụ già kia để cướp lấy của cải, và tớ cam đoan với cậu là lương tâm tớ sẽ không mảy may cắn rứt, – người sinh viên hăm hở nói thêm.

Viên sĩ quan lại cười phá lên. Raxkonikov giật mình. Thật là kỳ quặc…

– Nầy, cậu cho phép tớ hỏi một việc nghiêm chỉnh nhé, – người sinh viên hăng lên nói – vừa rồi cố nhiên là tớ nói đùa, nhưng cậu thử nghĩ mà xem: một đằng là một mụ già đần độn, vô nghĩa, độc ác, bệnh tật, chẳng có ích gì cho ai cả, trái lại còn có hại cho mọi người, sống cũng chẳng biết để làm gì, mà dù cứ để mặc cho mụ sống thì chỉ nay mai mụ cùng sẽ chết già chết bệnh, cậu hiểu không, cậu hiểu không nào?

– Ờ thì hiểu, – viên sĩ quan đáp, mắt chăm chú nhìn người bạn đang say sưa nói.

– Cậu nghe tiếp nhé. Mặt khác là những sức lực trẻ trung, cường tráng phải điêu đứng vì vô kế sinh nhai, mà những thứ ấy lại có hàng nghìn, và nơi nào cũng có! Hàng trăm, hàng nghìn việc tốt có thể khai trương và chỉnh đốn được nếu dùng số tiền mà mụ già dành cho tu viện có lẽ hàng trăm, hàng nghìn kiếp sống có thể được đưa vào con đường ngay thẳng; có thể cứu hàng chục gia đình thoát cảnh bần cùng, tan vỡ, truỵ lạc, chết chóc, thoát khỏi nhà thương bố thí chữa bệnh hoa liễu, – và muốn thế chỉ cần lấy số tiền của mụ ấy. Hãy giết mụ ấy đi, và đoạt lấy số của ấy để suốt đời phụng sự nhân loại và sự nghiệp chung: cậu nghĩ sao, hàng nghìn việc thiện há lại chẳng chuộc được một tội ác cỏn con duy nhất ấy sao? Chỉ hy sinh một tính mạng mà cứu được hàng nghìn sinh linh ra khỏi cảnh thối nát và tan rã. Một cái chết đổi lấy hàng trăm cái sống – đúng là một vấn đề số học chứ gì nữa! Vả lại trên cán cân của xã hội có nghĩa lý gì tính mạng của con mụ già ho lao, đần độn và độc ác ấy? Không hơn tinh mạng một con rận, một con gián, không bằng nữa là khác, vì mụ ta có hại hơn. Mụ ta hút máu hút mủ người khác; hôm nọ mụ ta nổi cơn ác khí lên cắn gần đứt ngón tay mụ Lizaveta đấy!

– Cố nhiên là mụ ta chẳng đáng được sống, – viên sĩ quan nói, – nhưng ở đây còn phải kể đến thiên nhiên.

– Chà, anh bạn, thiên nhiên thì người ta vẫn phải sửa chữa, uốn nắn đấy thôi, nếu không thì đành chết ngột trong đống thành kiến mất. Không làm như thế thì không thể nào cỏ lấy một vĩ nhân được. Người ta cứ nói: “Bổn phận, lương tâm”, – tớ không có đả phá bổn phận, lương tâm gì đâu, – nhưng vấn đề là chúng ta quan niệm nó như thế nào? Khoan, để tớ hỏi cậu một câu nữa. Cậu nghe đây!

– Không, cậu khoan hẵng; để tớ hỏi cậu cái nầy.

– Nào thì hỏi đi.

– Nãy giờ cậu thuyết lý nghe hùng hồn lắm; bây giờ cậu thử nói cho tớ nghe xem: liệu cậu có thể “tự tay” giết mụ già hay không?

– Dĩ nhiên là không! Tớ nói là nói trên nguyên tắc công bình… Vấn đề ở đây không phải là cả nhân tớ…

– Thế còn theo tớ, nếu cậu đã không dám làm thì việc nầy cũng chẳng có gì dính líu đến cái công bình ấy! Ta chơi ván nữa đi!

Raxkonikov bồi hồi xúc động đến cực điểm. Dĩ nhiên đây là một trong những câu chuyện và những ý nghĩ hết sức thông thường, quen thuộc của lớp thanh mên lúc bấy giờ mà chàng đã được nghe nhiều lần, duy cách suy luận và đề tài có khác mà thôi. Nhưng tại sao vừa đúng vào lúc nầy chàng lại được nghe câu chuyện ấy và những ý nghĩ ấy, trong khi ngay trong đầu óc chàng cũng vừa nảy ra… “chính những ý nghĩ ấy”. Và tại sao vừa đúng vào lúc nầy, khi chàng vừa ra khỏi nhà mụ già, mang theo mầm mống phôi thai của ý định kia, thì lại gặp ngay một người nói chuyện về mụ ấy? Đối với chàng sự tình cờ nầy bao giờ cũng vẫn có vẻ kỳ quái. Câu chuyện vô nghĩa nơi hàng quán ấy đã có một ảnh hưởng phi thường đối với chàng trong quá trình phát triển của sự việc về sau: hình như đây qua có một cái gì tiền định, một chỉ thị của số mệnh.

Từ Chợ hàng Rơm trở về, chàng buông mình rơi phịch xuống đi-văng và suốt một tiếng đồng hồ ngồi yên không nhúc nhích. Trong khi đó trời sập tối; chàng không có nến, mà cũng không hề thoáng nảy ra ý nghĩ thắp nến lên làm gì. Chàng không bao giờ nhớ lại được trong thời gian ấy chàng có nghĩ gì không. Cuối cùng, chàng lại thấy gây gây sốt như hồi hôm, chàng rùng mình và khoái trá nghĩ ra rằng trên chiếc đi-văng nầy còn có thể nằm được. Chỉ lát sau một giấc ngủ nặng như chì đã trùm lên chàng, dường như đè bẹp chàng xuống.

Chàng ngủ rất lâu và không mộng mị gì cả. Mười giờ sáng hôm sau, Naxtaxia đưa nước trà và bánh mì vào cho chàng, phải lay mãi chàng mới dậy. Lần nầy trà cũng lại loãng thếch và cũng pha trong chiếc ấm riêng của Naxtaxia.

– Cha chả là ngủ! – chị ta bực mình kêu lên, – cứ ngủ mãi thôi!

Chàng khó nhọc nhỏm dậy. Đầu chàng nhức buốt; chàng đứng xuống đất, đi một vòng quanh buồng rồi lại rơi phịch xuống đi-văng.

– Lại ngủ! – Naxtaxia kêu lên, – nhưng cậu ốm hay sao thế?

Chàng lặng thinh không đáp.

– Có muốn uống nước trà không?

– Thôi khoan hẵng, – chàng khó nhọc nói, đoạn nhắm mắt và nằm quay mặt vào tường.

– Dễ ốm thật rồi, – Naxtaxia nói đoạn quay ra.

Đến hai giờ trưa chị ta lại vào, và bưng liễn xúp. Chàng vẫn nằm như lúc nãy. Ấm nước trà vẫn còn nguyên. Naxtaxia giận dỗi lay chàng rất mạnh.

– Sao cậu cứ ngủ tràn ra thế! – chị ta ngán ngấm nhìn chàng quát. Chàng nhổm người lên rồi ngồi dậy, nhưng không nói gì với Naxtaxia, chỉ thẫn thờ nhìn xuống đất.

– Ốm hay sao vậy? – Naxtaxia hỏi, nhưng chàng vẫn lặng thinh.

– Cậu ra ngoài phố một chút thì hơn, – chị ta nói sau một lát im lặng, – đi ra một chút cho thoáng. Cậu ăn dăm miếng chứ?

– Sau hẵng hay, – chàng đáp, giọng yếu ớt, – thôi chị ra đi! – Đoạn chàng khoát tay một cái.

Naxtaxia đứng một lát nữa, ái ngại nhìn chàng rồi bỏ ra ngoài.

Mấy phút sau, chàng ngước mắt lên và nhìn hồi lâu ấm trà với liễn xúp. Rồi chàng với lấy khoanh bánh mì, cầm thìa và bắt đầu ăn.

Chàng ăn chẳng thấy ngon miệng chút nào, chỉ nhắp ba bốn thìa, như cái máy. Đầu đã đỡ nhứx. Ăn xong chàng lại gieo mình xuống đi-văng, nhưng không ngủ được nữa; chàng nằm sấp không động đậy, mặt úp vào gối. Chàng cứ mơ mộng liên miên, và những hình ảnh kỳ lạ cứ chập chờn nối tiếp theo nhau: chàng mơ thấy mình đang ở Ai Cập trên đất châu Phi, trong một khóm cây mọc giữa sa mạc. Đoàn lữ hành đang nghỉ ngơi, mấy con lạc đã nằm yên dưới bóng những cây cọ mọc um tùm quanh đấy, đoàn người đang ăn trưa. Còn chàng thì đang uống nước ở con suối chảy róc rách ngay sát bên cạnh. Khi trời mát rượi, và giòng nước trong xanh kỳ diệu cứ chảy róc rách trên lớp sỏi ngũ sắc, trên làn cát trắng tinh óng ánh lên từng chỗ như có lẫn bụi vàng… Bỗng có tiếng chuông đồng hồ vọng lại.

Chàng giật mình tỉnh dậy, ngẩng đầu lên nhìn ra cửa sổ ngẫm chừng xem sớm muộn ra sao bỗng hoàn toàn tỉnh táo đứng phắt dậy như có ai nhấc bổng chàng lên khỏi đi-văng. Chàng rón rén đến mở hé cánh cửa trông ra cầu thang và bắt đầu nghe ngóng. Trống ngực chàng đập dữ dội Nhưng ngoài cầu thang im phăng phắc, như thế mọi người đều đang ngủ. Nghĩ rằng mình đã có thể ngủ li bì như vậy suốt từ hôm qua, chưa làm gì, chưa chuẩn bị gì cả, chàng thấy nó kỳ quái và vô lý quá. Thế mà, có lẽ vừa rồi chuông đồng hồ vừa đánh sáu giờ cũng nên… và chàng bỗng hối hả cuống quýt lên, không còn chút gì ngái ngủ, đờ đẫn như lúc nãy nữa. Vả chăng công việc sửa soạn cũng không có gì phiền phức. Chàng tập trung hết sức chú ý đề nhận rõ mọi việc và không quên lãng điều gì. Trống ngực chàng cứ đập thình thịch, mạnh đến nỗi chàng thấy khó thở. Trước hết cần phải làm cái quai rìu và khâu nó vào áo khoác, – việc nầy chỉ mất một phút.

Chàng lục đống áo quần nhét dưới gối tìm một chiếc sơ mi cũ đã rách bươm, từ lâu không giặt, xé ra một mảnh dài khoảng ba tấc và rộng khoảng năm phân.

Chàng gấp đôi mảnh giẻ lại, cởi chiếc áo rộng mùa hè bằng vải dày cộp đang mặc trên người đó là chiếc áo ngoài duy nhất của chàng và bắt đầu khâu hai đầu mảnh giẻ rách vào nách áo bên trái phía trong. Trong khi khâu, hai tay chàng run bắn lên, nhưng chàng vẫn trấn tĩnh được, và khi chàng mặc vào, bên ngoài không hề trông thấy đường chỉ. Kim chỉ chàng đã mua sẵn từ lâu và gói giấy cất trong ngăn kéo bàn. Cái quai vải ấy là một sáng kiến rất tinh xảo do chàng tự nghĩ ra: nó dùng đề đeo chiếc rìu. Vì ra đường không thể nào cầm rìu ở tay được, giấu dưới vạt áo thì vẫn phải lấy tay mà giữ, e người ta để ý mất. Còn như bây giờ có cái quai ấy rồi thì chỉ cần luồn cái cán rìu vào là nó sẽ nằm yên dưới nách áo, suốt dọc đường không phải lo lắng gì nữa. Thọc tay vào túi áo, chàng lại có thể giữ đầu cán rìu cho nó khỏi lúc lắc; cái áo khoác lại rộng thùng thình như cái bị, nên nhìn bên ngoài không thể nào nhận thấy chàng đang giữ một vật gì qua lần vải túi. Cái quai rìu nầy chàng cũng đã nghĩ ra từ hai tuần trước.

Xong đâu đấy, chàng thò mấy ngón tay vào cái khe hở nhỏ giữa chiếc đi-văng “Thổ nhĩ kỳ” của chàng và sàn gỗ, mọi moi ở góc trái một lúc và kéo ra cái “đồ cầm” đã soạn sẵn từ lâu và dấu ở đấy. Cái “đồ cầm” nầy chẳng phải là đồ cầm gì cả; đó chỉ là một miếng gỗ mỏng bào trơn kích thước vừa đúng như một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng bạc. Mảnh gỗ nầy một hôm đang đi chơi chàng tình cờ bắt được trong một cái sân kế bên một xưởng thợ. Về sau chàng ghép thêm một miếng sắt mỏng và trơn nhỏ hơn mảnh gỗ kia một chút – có lẽ là một mảnh sắt vụn ở một đồ dùng gì rời ra, – mà chàng nhặt được ở ngoài đường, cũng vào hôm ấy. Chàng ghép miếng sắt ấy vào miếng gỗ và lấy chỉ buộc lại thật chặt; rồi chàng lấy một tờ giấy trắng thật sạch gói lại cẩn thận, trông rất đẹp mắt, và chằng giây rõ kỹ cho thật khó mở. Như vậy là đề làm xao lãng sự chú ý của mụ già và khi mụ ta đang hí hoáy tháo nút dây có thể chọn lúc thuận tiện. Miếng sắt mỏng ghép vào là để cho thêm nặng, sợ mụ già mới nhấc gói “đồ cầm” lên đã có thể biết ngay nó bằng gỗ. Tất cả những thứ ấy chàng cất dưới đi-văng chờ đến khi cần. Chàng vừa cầm cái gói lên thì bỗng nhiên ở bên ngoài có ai kêu:

– Sáu giờ từ lâu rồi còn gì!

– Trời ơi! lâu rồi ư?

Chàng nhảy chồm ra cửa, nghe ngóng một lúc, vơ lấy mũ và bước xuống ba mươi bậc thang gác một cách thận trọng, lặng lẽ, như một con mèo. Bây giờ còn phải làm cái việc quan trọng nhất: lấy trộm cái rìu trong nhà bếp. Về vấn đề phải dùng rìu thì chàng đã giải quyết từ lâu. Chàng còn có một con dao xếp; nhưng chàng không dám tin vào con dao và nhất là không dám tin ở sức mình, cho nên chàng đã dứt khoát chọn cái rìu.

Nhân thể cũng xin nhận xét qua một đặc điểm chung cho tất cả những điều mà chàng đã quyết định dứt khoát trong việc nầy. Những quyết định ấy có một thuộc tính kỳ dị: nó càng dứt khoát thì chàng lại càng thấy ngay là nó quái gở, vô lý. Tuy trong tâm khám có sự dằng co ray rứt dữ dội, suốt thời gian ấy chàng chưa bao giờ, dù chỉ một giây lát, có thể tin rằng những ý định của mình có thể thực hiện được.

Và dù đến một lúc nào đó mọi việc đều đã được suy tính kỹ càng từng ly từng tí và đã được quyết định dứt khoát không còn nghi ngại phân vân gì nữa, thì có lẽ chàng cũng vẫn từ bỏ hết những ý định ấy như một cái gì điên rồ, quái gở và không thể có được. Thế nhưng những điều chưa giải quyết và những nỗi ngờ vực vẫn còn cả mớ. Còn như làm thế nào để lấy được cái rìu thì đó là một điều vặt vãnh không hề khiến chàng lo ngại, bởi vì không còn có gì dễ hơn nữa. Số là Naxtaxia, nhất là đến tối, cứ vắng nhà luôn: chị ta cứ chạy sang nhà hàng xóm hay sang cửa hiệu bên cạnh, cửa bếp để mở toang. Cũng chỉ vì thế mà bà chủ tiếng bấc tiếng chì với chị. Như vậy chỉ cần chọn lúc lẻn vào bếp và lấy cái rìu rồi một giờ sau khi mọi việc đã xong xuôi trở vào để lại chỗ cũ. Nhưng cũng có những chỗ phân vân: ví thử một giờ sau chàng đem rìu trả lại thì vừa đúng khi Naxtaxia đã trở về. Lẽ dĩ nhiên phải đi thẳng lên buồng đợi khi chị ta lại đi ra ngoài. Thế nhưng nếu lúc ấy chị ta lại tìm đến rìu và kêu toáng lên thì tất người ta sẽ sinh nghi hay ít nhất cũng là một dịp để người ta sinh nghi.

Nhưng đó vẫn là những điều vặt vãnh mà chàng chẳng thèm nghĩ đến nữa, vả chăng cũng không có thì giờ mà nghĩ. Chàng nghĩ đến cái chính, còn những điều vặt vãnh thì chàng gác lại cho đến khi nào chàng đã quyết định dứt khoát. Nhưng điều nầy thì lại có vẻ như không sao thực hiện được. Hoặc ít nhất là chàng cảm thấy thế. Chẳng hạn, chàng không thể nào tưởng tượng được rằng đến một lúc nào đó chàng sẽ nghĩ xong, sẽ đứng dậy và đi đến đấy… Ngay như chuyến đi “duyệt thử” vừa qua tức là chuyến đến thăm với ý định xem xét địa điểm lần cuối cùng chàng cũng chỉ “thử làm” qua thôi, chứ không phải định làm thật. Chàng chỉ tự nhủ “Nào, ta sẽ đi xem thử một chuyến, chứ cứ “mơ tưởng” mãi thế nầy sao?” – rồi lập tức không sao chịu được nữa, chàng đã vứt bỏ hết, tự mình thấy ghê tởm mình. Thế nhưng trong khi đó hình như chàng đã phân tích và giải quyết xong xuôi mặt luân lý của vấn đề: biện luận của chàng đã được mài sắc lên như lưỡi dao cạo và trong thâm tâm chàng đã không tìm thấy những lời phản bác có ý thức nữa. Rồi ngày vừa qua, cái ngày đã đến một cách bất ngờ như vậy và đã quyết định ngay mọi sự trong một lúc, đã tác động đến chàng một cách gần như máy móc: cứ như thể có ai cầm tay chàng lôi đi một cách không sao cưỡng nổi, một cách mù quáng, với một sức mạnh siêu tự nhiên, không để cho chàng cãi lại. Cứ như thể chàng đã bị vướng vạt áo vào guồng máy, và guồng máy cứ thế mà cuốn luôn cả người chàng vào. Lúc đầu – kể cũng đã lâu lắm, – có một vấn đề khiến chảng bận tâm: tại sao tất cả các vụ án mạng đều bị khám phá một cách dễ dàng và dấu vết của hầu hết các thủ phạm đều hiện ra một cách lộ liễu như vậy? Chàng dần dà đi đến những kết luận phong phú và kỳ lạ, và theo ý chàng thì như thế không hẳn là vì thủ phạm không có điều kiện vật chất để che giấu tội ác: nguyên nhân chủ yếu nằm ngay trong tâm lý thủ phạm; bản thân kẻ giết người, hầu như bất cứ kẻ nào cũng vậy, khi nhúng tay vào tội ác thì nghị lực và lý trí suy sụp hẳn đi, nhường chỗ cho một sự nhẹ dạ kỳ quặc như của trẻ con, mà lại đúng vào lúc cần minh mẫn và thận trọng hơn cả. Chàng nghiệm ra rằng tình trạng rối trí và mất nghị lực đó xâm nhập người ta như một cơn bệnh, phát triển dần và lên đến cực điểm trước khi người ta nhúng tay vào tội ác ít lâu; nó giữ nguyên mức độ ấy trong khi diễn ra tội ác và tiếp tục kéo dài một thời gian sau, dài ngắn tuỳ từng người; rồi cũng qua đi như bất cứ một cơn bệnh nào. Còn vấn đề phải chăng bệnh tật đẻ ra tội ác, hay chính tội ác, do ban chất đặc biệt của nó, bao giờ cùng đi đối với một tình trạng giống như bệnh tật, thì chàng càm thấy mình chưa đủ sức giải quyết.

Đi đến những kết luận ấy, chàng tin chắc rằng riêng với chàng, trong việc nầy sẽ không có những sự đảo lộn bệnh tật như thế, rằng chàng sẽ giữ vững được lý trí và nghị lực suốt trong thời gian thực hiện ý định, chỉ vì một lý do duy nhất là việc chàng định làm “không phải là tội ác”… Ta hãy bỏ qua cả cái quá trình đã đưa chàng đến quyết định cuối cùng; cứ thế nầy chúng ta cũng đã đi vượt lên trước nhiều quá rồi… Chỉ xin nói thêm rằng những trở ngại thực tế, thuần tuý vật chất nói chung chỉ đóng một vai trò hết sức thứ yếu “Chỉ cần giữ vững được nghị lực và, lý trí, là sẽ lần lượt khắc phục được tất cả khi cần phải nghiên cứu chi ly việc nầy…” nhưng chàng vẫn chưa bắt tay vào việc, chàng vẫn không tin chút nào rằng mình đã quyết định dứt khoát, và khi giờ đã điểm, mọi việc đâm ra có vẻ lạ lùng, hú hoạ và hầu như bất ngờ nữa là khác.

Một việc hết sức nhỏ nhặt đã dồn chàng vào thế bí ngay từ khi chàng chưa xuống hết cầu thang. Xuống đến ngang căn nhà bếp của bà chủ trọ cửa bao giờ cũng mở toang, chàng thận trọng liếc mắt nhìn vào xem thử trong khi Naxtaxia đi vắng bà chủ có vào đấy không, và nếu không vào thì cửa phòng bà ta có đóng kỹ không, nhỡ may bà ta có nhìn ra khi chàng vào bếp lấy rìu chăng. Nhưng chàng kinh ngạc biết chừng nào khi chợt thấy rằng lần nầy không những Naxtaxia ở nhà, đang ngồi trong bếp, mà lại còn đang làm việc nữa: chị ta đang lấy áo quần đựng trong giỏ giặt ra treo lên dây. Trông thấy chàng, Naxtaxia ngừng tay, quay lại nhìn theo chàng trong khi chàng đi qua. Chàng nhìn lảng đi nơi khác và cứ đi ngang như thể không trông thấy gì. Nhưng thế là việc hỏng bét: không có rìu! Chàng choáng hẳn người đi “Mình căn cứ vào đâu, – chàng ngẫm nghĩ khi xuống đến cổng – mình căn cứ vào đâu mà trù tính rằng đúng vào lúc ấy chị ta sẽ đi vắng” “Tại sao, tại sao, tại sao mình lại tin chắc như thế?” Chàng lặng người đi thậm chí còn thấy nhục nữa. Chàng muốn tự bêu riếu cho hả giận… Một nỗi hằn học u mê, thú vật sôi sục trong người chàng.

Chàng ngần ngừ dừng chân dưới vòm cổng. Đi ra phố lấy lệ thì chàng thấy khó chịu quá; trở về buồng lại càng khó chịu hơn. “Thế là lỡ mất một dịp may không còn bao giờ tìm lại được nữa?” – Chàng lẩm bẩm trong khi đứng tần ngần dưới cổng, ngay trước căn buồng tối om của người gác cũng đang mở cửa. Bỗng chàng giật mình. Trong căn buồng của người gác cổng cách chàng hai bước, dưới một chiếc ghế dài đặt ở bên phải, một ánh thép loang loáng lọt vào mắt chàng… Chàng đưa mắt nhìn quanh – không có bóng người nào.

Chàng rón rén đến gần căn buồng, bước xuống hai bậc thang và cất tiếng yếu ớt gọi người gác cổng “Đúng thế, đi vắng rồi? Chắc đi đâu gần đây thôi, có lẽ ra quán, vì cửa vẫn mở toang”. Chàng nhảy chồm về phía cái rìu đặt dưới gầm ghế giữa hai thanh củi và rút nó ra. Chàng lập tức đút cán rìu vào cái quai vải, đút hai tay vào túi áo và ra khỏi buồng. Không ai trông thấy cả! “Lý trí không được việc thì ma quỷ làm thay” – chàng nghĩ thầm, miệng nhoẻn một nụ cười quái gở.

Việc vừa xảy ra khiến chàng phấn khởi lạ thường. Chàng đi dọc đường, im lặng và khoan thai, không hấp tấp đề khỏi bị nghi ngờ. Chàng ít nhìn những người qua đường, thậm chí còn cố gắng không nhìn chút nào vào mặt họ và làm sao đừng ai để ý tới mình.

Đến đây chàng sực nhớ tới cái mũ dạ. “Trời ơi! Tiền đã có từ ba hôm nay, thế mà cũng không đổi lấy được một cái mũ cát két?”. Một câu chửi rủa từ trong lòng chàng vụt thốt ra.

Tình cờ liếc mắt nhìn vào một cửa hiệu, chàng thấy chiếc đồng hồ treo tường chỉ bảy giờ mười phút.

Vừa phải đi nhanh lên cho kịp lại vừa phải đi vòng sang phía bên kia rồi quay trở lại cho khỏi lộ hướng…

Trước kia, những khi tưởng tượng đến những việc nầy, cũng có lúc chàng nghĩ rằng mình sẽ sợ lắm! Nhưng đến bây giờ thì chàng chẳng thấy sợ mấy, không sợ chút nào nữa là khác. Thậm chí lúc nầy chàng còn nghĩ đến những chuyện ở đâu đâu, có điều là những ý nghĩ ấy mới hiện lên đã vụt biến mất. Đi ngang công viên Yuxupov chàng lại còn nghĩ khá kỹ đến việc xây những vòi phun nước thật cao: những vòi phun như thế sẽ làm cho không khí ở các quảng trường mát mẻ biết chừng nào! Chàng dần dần đi đến chỗ nghĩ rằng giá mở rộng công viên mùa hè ra khắp quảng trường Chiến thắng hoặc hơn nữa, nối liền nó với công viên Mikhailovxki, thì đó sẽ là một công trình đẹp đẽ và hết sức có ích cho thành phố. Đến đây chàng bỗng lưu tâm đến một vấn đề: tại sao trong tất cả các thành phố lớn người ta lại cứ ở vào những khu vực chẳng có vườn hoa, chẳng có vòi phun nước, ở những nơi bẩn thỉu hôi hám đầy rẫy những rác rưởi thối tha. Như thế không phải chỉ vì hoàn cảnh ép buộc, mà còn có một khuynh hướng đặc biệt gì đây nữa. Chàng nhớ lại những buổi đi dạo ở khu Chợ hàng Rơm, và phút chốc trở về với hiện tại. “Nhảm nhí quá, – chàng nghĩ thầm. – Không, thà đừng nghĩ gì hết còn hơn”.

“Chắc hẳn ý nghĩ của những kẻ bị đưa ra pháp trường cũng bấu víu vào tất cả những đồ vật gặp trên đường đi như thế” – ý nghĩ ấy thoáng nẩy trong óc chàng, nhưng chỉ vụt qua như một tia chớp, chính chàng hối hả dập tắt nó đi. – Nhưng đã gần đến nơi rồi, kia là toà nhà, kia là cái cổng. Bỗng đâu đây có một tiếng chuông đồng hồ đơn độc: “Sao, bảy giờ rưỡi rồi Chả nhẽ; chắc cái đồng hồ ấy chạy nhanh quá!”.

May thay cho chàng, khi đến cổng mọi việc lại diễn ra một cách êm thấm. Hơn nữa, dường như cố ý, vừa lúc ấy trước mặt có một chiếc xe giàn chở rạ to tướng đi vào cổng, che chàng khuất hẳn trong suốt thời gian chàng đi qua vòm cổng, và chiếc xe vừa vào đến sân chàng đã vụt lách mình sang phải. Ở bên kia chiếc xe chở rạ nghe có tiếng mấy người quát tháo, cãi vã, nhưng không ai trông thấy chàng và không thấy ai đi ngược lại phía chàng cả. Lúc bấy giờ trong số các cửa sổ trông ra khoảng sân rộng thênh thang ấy có nhiều cửa sổ đang mở, nhưng chàng không ngẩng đầu lên – chàng không đủ sức. Thang gác dẫn lên buồng mụ già gần ngang cạnh cổng, chỉ rẽ sang phải là đến. Chàng đã bước lên cầu thang…

Chàng thở lại cho đều đặn và lấy tay áp vào lồng ngực đang đánh thình thình, nhân thể nắn lại cây rìu một lần nữa rồi thận trọng và im lặng bước lên thang gác, phút phút lại lắng tai nghe ngóng. Nhưng ngay ở cầu thang lúc nầy cũng vắng tanh: các cửa phòng đều đóng kín, chàng không gập người nào cả. Ở gác hai quả có một phòng bỏ trống cứ mở toang, trong có một tốp thợ sơn đang làm việc, nhưng họ không nhìn ra. Chàng dừng lại nghĩ ngợi một lát rồi tiếp tục đi. “Dĩ nhiên giá không có họ ở đây thì tốt hơn; nhưng… họ cách phòng kia những hai tầng. Nhưng đây đã đến gác tư rồi, đây là, cánh cửa ấy, và đây là gian phòng đối diện bỏ trống. Ở gác ba, gian buồng nằm ngay dưới buồng mụ già cũng bỏ trống: tấm thép ghim vào cửa đã cất đi, như vậy nghĩa là họ đã dọn nhà đi nơi khác!”

Raxkonikov thấy nghẹt thở. Một ý nghĩ vụt thoáng qua óc chàng: “Hay ta về quách?”.

Nhưng chàng không tự trả lời và bắt đầu lắng tai nghe xem trong phòng mụ già có động tĩnh gì không: trong phòng vẫn im phăng phắc. Chàng lại hướng về phía dưới cầu thang lắng nghe hồi lâu, thật chăm chú… Rồi chàng đưa mắt nhìn quanh một lần cuối cùng, xốc lại áo khoác và một lần nữa nắn lại cây rìu giắt vào quai vải. “Mặt mình có tái… quá không? – chàng nghĩ – mình có hồi hộp quá không? Mụ ấy đa nghi lắm… hay là đợi một lát nữa cho tim bớt…?”.

Nhưng tim chàng không hề bớt đập. Trái lại, như cố tình, nó càng đập mạnh hơn, mạnh hơn lên mãi…

Chàng không ghìm được nữa, chậm rãi giơ tay lên cầm dây chuông và giật một cái. Nửa phút sau chàng lại giật lần nữa, mạnh hơn một chút.

Không có tiếng thưa: Giật chuông nữa cũng vô ích: mà lại không tự nhiên. Dĩ nhiên mụ già đang ở nhà, nhưng tính mụ vốn đa nghi, và chắc hẳn mụ chỉ có một mình. Chàng biết được ít nhiều những thói quen của mụ… và một lần nữa chàng áp tai vào cánh cửa. Không biết vì giác quan của chàng đã trở nên nhạy bén đến thế cũng khó lòng mà giả thiết như vậy hay vì những tiếng động ấy nghe quá rõ, nhưng chàng chợt nghe dường như có tiếng một bàn tay thận trọng nắm lấy quả nắm và như có cả tiếng áo dài chạm sột soạt vào cánh cửa. Có ai lặng lẽ đứng sát ngay ở ổ khoá và cũng như chàng, đang áp tai vào cánh cửa nghe ngóng từ bên trong…

Chàng cố ý cựa quậy và lẩm bẩm một câu gì đề mụ già khỏi nghĩ là chàng có ý lén lút; rồi chàng kéo chuông lần nữa, nhưng kéo khẽ, từ tốn và không lộ vẻ gì sốt ruột. Về sau nhớ lại những giây phút nầy, chàng thấy nó đã vĩnh viễn khắc sâu vào trí nhớ của chàng thành từng nét rõ mồn một; chàng không hiểu nổi làm sao chàng lại có thể xảo quyệt đến thế, nhất là trong khi trí thông minh của chàng cứ mờ đi từng lúc, còn thân thể thì hầu như đã mất hết khả năng cảm giác… Một lát sau nghe có tiếng rút chốt cài cửa…

Cũng như lần trước, cánh cửa hé mở ra thành một khe hở nhỏ xíu, và từ trong bóng tối, hai con mắt sắc lại ngờ vực soi mói chàng. Đến đây Raxkonikov mất bình tĩnh và suýt phạm một sai lầm lớn.

Sợ mụ già đâm hoảng vì thấy chỉ có mình mụ với chàng, và không dám trông mong rằng dáng vẻ của mình sẽ làm cho mụ yên tâm, chàng nắm lấy cánh cửa kéo về phía mình đề cho mụ già không thể nghĩ đến chuyện đóng lại nữa. Thấy thế, mụ ta không kéo cánh cửa trở lại, nhưng cũng không buông quả nắm ra, thành thử suýt bị chàng lôi ra ngoài cầu thang cùng với cánh cửa. Còn Raxkonikov thấy mụ già đứng chắn ngang cửa không cho chàng vào, liền bước thẳng về phía mụ ta. Mụ ta hoảng sợ nhảy lùi lại, toan nói gì nhưng dường như líu lưỡi lại không nói được, chỉ giương to mắt nhìn chàng.

– Chào bà Aliona Ivanovna, – chàng lên tiếng, cố nói cho thật ung dung, nhưng giọng nói không chịu tuân theo ý chàng, cứ run lên và đứt từng quãng, – Tôi đem… một thứ… đến cầm… thôi tốt hơn ta hãy vào trong kia… cho sáng… – Nói đoạn chàng cứ để mụ đứng, đấy đi xồng xộc vào phòng, không đợi mời mọc gì cả. Mụ già tất tả chạy theo chàng; lưỡi mụ đã đỡ líu lại.

– Trời? Ông muốn gì?… Ông là ai?… Ông hỏi có việc gì?

– Xin lỗi bà… tôi là chỗ quen biết đây mà… Raxkonikov… đây, tôi mang đồ lại cầm như đã hứa lần trước… – Chàng đưa gói giấy ra cho mụ. Mụ già liếc nhìn qua gói giấy rồi lập tức đưa mắt nhìn thẳng vào mắt người khách đường đột. Mụ nhìn chăm chú, đôi mắt hằn học và hồ nghi. Một phút trôi qua; chàng còn có cảm giác là trong đôi mắt mụ có một vẻ gì như giễu cợt tựa hồ mụ đã đoán biết được mọi việc. Chàng cảm thấy mình bối rối, gần như hoảng sợ, hoảng sợ đến nỗi nếu mụ cứ lặng thinh nhìn chàng như thế chừng nửa phút nữa thì chàng sẽ bỏ chạy mất.

– Ơ kìa, sao bà lại cứ nhìn tôi như thể không nhận ra ấy? – chàng bỗng lên tiếng, giọng cũng có vẻ hằn học. – Bà có bằng lòng thì lấy, không thì thôi, tôi đi chỗ khác, tôi đang vội đây.

Chính chàng cùng không nghĩ là mình sẽ nói như thế; mấy câu ấy cứ thế tự nó tuôn ra.

Mụ già trấn tĩnh lại, và hình như giọng nói quả quyết của ông khách đã làm cho mụ yên tâm.

– Ồ, thế như cậu đến bất thình lình quá – cái gì thế – mụ nhìn gói giấy hỏi.

– Chiếc hộp đựng thuốc lá bằng bạc, lần trước tôi đã nói qua.

Mụ chìa tay ra.

– Nhưng sao cậu xanh thế? Tay cậu run kìa? Cậu sợ hay sao?

– Sốt – chàng đáp xẵng – Không có gì ăn thì gì mà chả xanh… – chàng phều phào nói thêm.

Sức lực chàng lại tiêu tan đâu mất hết. Nhưng câu trả lời có vẻ có lý; mụ già cầm lấy gói giấy.

– Đó là chiếc hộp thuốc lá… bằng bạc… bà xem thử.

– Xem chừng cứ như không phải bằng bạc… Chà, buộc gì mà kỹ quá thế?

Trong khi hí hoáy tháo nút dây và quay mặt về phía ánh sáng, cạnh cửa sổ, các cửa sổ trong phòng mụ đều đóng kín, tuy khí trời ngột ngạt mụ để chàng đứng đấy và quay lưng về phía chàng trong vài giây. Chàng mở cúc áo khoác và tháo cái rìu ra khỏi quai, nhưng chưa rút hẳn ra ngoài, chỉ cầm ở tay phải dưới lấn áo khoác Hai tay chàng bủn rủn, chính chàng cảm thấy chúng mỗi lúc một tê dại và cứng đờ ra. Chàng sợ sẽ buột tay đánh rơi cây rìu… bỗng chàng thấy đầu óc choáng váng lên.

– Chà, buộc gì mà rắc rối thế! – mự già bực bội kêu lên và nhích về phía chàng.

Không thể bỏ lỡ lấy một giây nào nữa. Chàng rút hẳn rìu ra, cầm cả hai tay giơ cao lên, người như tê dại hẳn đi, và, hầu như không phải ra sức, như một cái máy, chàng bổ sống rìu xuống đầu mụ. Chàng dường như đã kiệt sức. Nhưng ngay sau khi chàng bổ rìu xuống rồi thì sức lực vụt trở lại, cũng như mọi khi, đầu mụ già để trần. Mái tóc thưa lốm đốm bạc xức dầu nhầy nhụa tết thành bím đuôi chuột và cài một miếng lược sừng gãy nhô lên ở phía trên gáy. Nhát rìu trúng ngay giữa đỉnh sọ, một phần cũng vì người mụ vốn thấp bé. Mụ ta kêu lên một tiếng, nhưng rất khẽ, và bỗng ngồi thụp hẳn xuống sàn nhà, tuy cũng còn đủ thì giờ đưa hai tay lên đầu.

Một tay mụ hãy còn giữ gói “đồ cầm”. Raxkonikov liền lấy hết sức giáng sống rìu xuống một lần nữa, rồi một lần thứ ba, cũng đều nhằm đúng vào đỉnh sọ.

Máu tuôn ra như từ một cái cốc đổ, và cái thân hình ngã sấp xuống. Chàng lùi lại một bước để cho mụ ngã và lập tức cúi xuống sát mặt mụ. Mụ già đã chết. Hai con ngươi mở trừng trừng như muốn vọt ra khỏi hốc mắt, cái trán và khắp khuôn mặt đều nhăn nheo và co rúm lại.

Chàng đặt rìu xuống sàn, bên cạnh xác chết, và lập tức thọc tay vào túi áo bên phải của mụ, cố cho máu đừng dây vào tay. Túi áo bên phải là tút đựng chìa khoá của mụ: lần trước chàng thấy mụ rút chìa khóa ở đấy ra; chàng hoàn toàn tính táo, không hề cảm thấy choáng váng hay chóng mặt gì nữa, nhưng tay chàng vẫn run. Về sau chàng nhớ lại là lúc ấy chàng rất chăm chú, thận trọng, luôn có ý tứ giữ cho tay đừng dây máu… Chàng rút chìa khoá ra được ngay; cũng như trước, bao nhiêu chìa khoá đều xâu thành chùm vào một cái khâu bằng thép. Chàng lập tức cầm chùm chìa khoá chạy sang buồng ngủ. Đó là một căn buồng rất nhỏ, với một chiếc trang thờ to tướng bày đầy tượng thánh. Sát bức tường đối diện kê một cái giường lớn rất sạch trải chiếc chăn bông, áo chăn làm bằng nhiều mảnh lụa vụn khâu lại. Ở tường bên kê một chiếc tủ ngăn. Thật là kỳ lạ: ngay khi chàng vừa mới bắt đầu thò chìa khoá vào ngăn tủ, vừa nghe thấy tiếng lách cách của chùm chìa khoá chạm vào nhau, chàng bỗng thấy rùng mình. Chàng lại nảy ra ý muốn vứt hết và bỏ đi. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua trong giây lát: bây giờ mà bỏ đi thì đã muộn. Chàng còn đang cười nhạt chế nhạo mình, thì bỗng nhiên một ý nghĩ hãi hùng khác lại đập mạnh vào dầu chàng. Chàng bỗng mường tượng như mụ già hãy còn sống và có thể tỉnh dậy. Chàng bỏ chùm chìa khoá vào cái tủ ngăn ở đấy, chạy trở ra phòng ngoài, nơi cái xác đang nằm sóng soài cầm lấy rìu và một lần nữa giơ cao lên trên người mụ già, nhưng không bồ xuống. Không còn hồ nghi gì nữa, mụ chết thật rồi. Cúi xuống nhìn sát hơn nữa vào xác chết, chàng thấy rất rõ ràng cái sọ đã bị bổ toác ra, xương đỉnh đầu còn lệch đi một chút nửa là khác. Chàng toan lấy ngón tay sờ thử, nhưng rồi lại rụt tay về. Không sờ cũng đã đủ rõ chán. Trong khi đó máu đã chảy loang ra thành một vũng. Chàng chợt thấy trên cổ mụ già có sợi dây; chàng kéo ra, nhưng sợi dây bền lắm không sao giật đứt được; hơn nữa nó lại thấm máu. Chàng thứ kéo sợi dây qua đầu, nhưng có cái gì vướng chặt không kéo được. Chàng sốt ruột toan giơ rìu lên chặt đứt sợi dây ngay trên người mụ già, nhưng rồi không dám, và sau mấy phút hì hục vất vả làm dây bẩn cả tay lẫn rìu, chàng cưa đứt được sợi dây, không cần chạm vào người mụ già, và lấy nó ra; quả chàng không nhầm: đó là một sợi dây đeo bóp đựng tiền. Ở đầu dây có hai cái thánh giá, một bằng gỗ huyền bá, một bằng đồng, ngoài ra còn có một bức tượng nhỏ tráng men. Bên cạnh các thứ đó là một cái bóp nhô bằng da lộc cáu ghét có khoá bấm bằng thép. Cái bóp nhét tiền chật cứng;

Raxkonikov đút nó vào túi, không mở ra xem, còn hai cái thánh giá thì chàng vứt lên ngực mụ già, và vẫn không quên cầm lấy chiếc rìu, chàng lại chạy trở vào buồng ngủ.

Chàng vội vã cuống cuồng lên, bắt đầu hí hoáy mở khoá. Nhưng không hiểu sao mở mãi chẳng ra: chìa khoá không vặn được. Không phải vì tay chàng run mạnh đến thế, nhưng chàng cứ lầm lẫn mãi: chẳng hạn có khi chàng cũng thấy là chìa nầy không phải, thế nhưng cứ đút vào. Chàng chợt nhớ lại và suy ra rằng cái chìa khoá to, đầu có răng cưa chắc hắn không phải chìa mở tủ ngăn lần trước chàng cũng đã nghĩ như thế mà phải dùng để mở một cái tráp nào đấy, và cái tráp ấy mới chính là nơi mụ già cất giấu tất cả của cải của mụ. Chàng rời chiếc tủ ngăn và lập tức bò xuống gầm giường, vì biết rằng các bà già thường cất tráp ở đấy Quá nhiên dưới gầm giường có một cái rương khá to chiều dài đến hơn bảy tấc, nắp khum lên, bọc da để đỏ nẹp từng hàng đinh thép. Cái chìa khoá răng cưa vừa khớp với ổ khoá. Chàng mở ra. Phía trên, dưới một tấm vải trắng, có một, chiếc áo choàng lông thỏ lót vải đỏ dưới nữa có một chiếc áo dài lụa, rồi đến một tấm khăn san. Có thể tưởng chừng như cái rương đựng toàn quần áo. Trước hết Raxkonikov chùi hai bàn tay vấy máu lên lần vải đỏ lót áo lông. “Vải đỏ, thế thì chùi máu vào đây, sẽ khó thấy hơn” – chàng suy nghĩ, rồi bỗng sực tỉnh: “Trời ơi! Ta điên rồi hay sao thế nầy” – chàng kinh hãi nghĩ thầm.

Nhưng chàng vừa nhấc mấy thứ quần áo lên thì từ dưới chiếc áo lông buột ra một cái đồng hồ vàng. Chàng lập tức xáo hết lên. Quả nhiên, giữa các lớp áo quần đều có những đồ bằng vàng – chắc đều là những đồ cầm không chuộc lại, – vòng, xuyến, trâm, dây chuyền, hoa tai và nhiều thứ khác. Có cái đựng trong hộp, có cái chỉ gói giấy báo, nhưng gói rất cẩn thận bằng hai lần giấy, ngoài lại buộc dây rất kỹ. Không chần chừ lấy một giây, chàng bắt đầu đút hết thứ nầy đến thứ khác, vào túi quần và túi áo khoác, không chọn lựa không mở ra xem. Nhưng chàng chưa có thì giờ bỏ túi được bao nhiêu…

Bỗng nghe có tiếng chân bước ở phòng ngoài, nơi có xác mụ già. Chàng ngừng tay và lịm đi. Nhưng mọi vật vẫn im lặng, chắc chàng mê sảng. Chợt chàng nghe rõ một tiếng kêu khe khẽ, hay dường như có ai kêu lên một tiếng ấm ức rồi ngưng bặt. Xung quanh lại im phăng phắc trong khoảng một hai phút. Chàng ngồi xổm bên cạnh chiếc rương và chờ đợi, hơi thở rối loạn, nhưng bỗng nhiên chàng vụt chồm dậy, vơ lấy rìu và chạy ra.

Mụ Lizaveta đang đứng ở giữa phòng, tay cầm một gói vải lớn, sững sờ nhìn xác mụ chị, mặt trắng nhợt như tờ giấy và dường như không có đủ sức để kêu lên nữa. Trông thấy chàng chạy ra, mụ run lên cầm cập và mặt mụ như rúm ró lại; mụ giơ tay lên bưng lấy miệng, nhưng vẫn không kêu, rồi từ từ đi thụt lùi về phía góc phòng, lặng lẽ giương mắt nhìn chàng trừng trừng, như thể không còn đủ hơi sức mà kêu nữa. Raxkonikov cầm rìu lao tới; môi mụ mếu xệch đi như môi của trẻ nhỏ khi kinh hãi nhìn chăm chăm vào vật gì đang làm chúng sợ và sắp sửa khóc oà lên. Người đàn bà khốn nạn kia ngờ nghệch và hoáng hốt đến nỗi thậm chí cũng không còn đủ trí khôn để đưa hai tay lên ngang mặt mà đỡ, mặc dầu đó là cứ chỉ tự nhiên và tất yếu nhất trong giây phút nầy, vì cây rìu đang giơ lên ngay phía trên mặt, mụ chỉ hơi nhấc tay trái lên cách mặt một quãng và từ từ giơ về phỉa trước như để ẩy chàng ra. Lưỡi rìu dáng thẳng xuống sọ và bổ đứt cả phần phía trên trán, gần sát đến đỉnh đầu. Thế là mụ ngã nhào xuống; Raxkonikov hoàn toàn rối trí. Chàng vớ lấy cái tay nải của mụ, rồi lại bỏ xuống và chạy ra phòng ngoài.

Chàng mỗi lúc một thêm hoảng hốt, nhất là sau vụ giết người thứ hai hoàn toàn bất ngờ nầy. Chàng muốn trốn khỏi nơi nầy cho thật nhanh. Và ví thử lúc ấy chàng có đủ sức nhìn và suy luận một cách đúng đắn hơn, ví thử chàng có thể thấy hết được cái tình cảnh khó khăn, tuyệt vọng, quái gở và vô lý của mình, hiểu rõ mình còn phải làm bao nhiêu việc gian phi nữa mới có thể thoát ra khỏi nơi nầy và lần về đến nhà, thì rất có thể là chàng đã bỏ hết đây và lập tức đi tự thú, và như vậy cũng không phải vì lo sợ cho bản thân mình, mà chỉ vì kinh hãi và ghê tởm trước việc mình vừa làm. Nỗi ghê tởm mỗi lúc một trỗi dậy và dâng lên dữ dội trong lòng chàng. Bây giờ không còn có gì trên đời có thể bắt chàng trở vào chỗ cái rương, thậm chí trở vào trong hai gian phòng kia cũng vậy.

Nhưng một tâm trạng lơ đãng, hầu như mơ mộng, dần dần xâm chiếm lấy chàng: có những lúc chàng như quên hẳn mình đi, hay nói cho đúng hơn, quên mất điều chủ yếu, và cứ để tâm vào những chuyện vụn vặt.

Tuy vậy, khi liếc nhìn vào gian bếp và trông thấy một xô nước đặt trên chiếc ghế dài, chàng cũng nghĩ đến việc rửa tay và rửa rìu. Hai tay chàng nhầy nhụa những máu. Chàng thả cây rìu vào xô nước, cầm lấy miếng xà phòng đựng trong cái đĩa va đặt trên bậu cửa sổ và bắt đầu rửa tay ngay trong xô. Rửa tay xong, chàng lấy cái rìu ra, rửa lưỡi rìu, và một hồi lâu, trong khoảng ba phút đồng hồ, chùi cọ những vết máu trên cán rìu, có lúc còn lấy cả xà phòng xát thứ nữa. Đoạn chàng lấy những thứ áo quần phơi trên sợi dây căng qua giàn bếp lau tay và rìu, rồi đưa cây rìu ra đứng cạnh cửa sổ xem xét hồi lâu. Vết máu đã chùi sạch, chỉ có cái cán hơi ướt. Chàng cẩn thận bỏ rìu vào cái quai khâu dưới áo choàng, rồi trong ánh sáng mờ mờ lọt vào gian bếp, chàng xem xét chiếc áo khoác, cái quần, đôi ủng.

Mới thoáng trông thì nhìn bên ngoài chẳng thấy gì cả; chỉ có một vệt máu dính ở ủng. Chàng nhúng ướt một mảnh giẻ và lau sạch chiếc ủng. Vả chăng chàng cũng biết là không thể xem thật kỹ được, và có lẽ còn một dấu vết gì rõ rệt mà chàng không để ý. Chàng phân vân đứng ở giữa phòng. Một ý nghĩ đen tối, day dứt đấy lên trong lòng chàng: chàng nghĩ rằng mình đang phát điên và lúc nầy đã không đủ sức suy luận, không đủ sức tự vệ nữa, và có lẽ những việc chàng đang làm đây lại chính là những việc không nên làm… “Trời ơi! Phải trốn đi, trốn đi!” – chàng lẩm bẩm rồi lao ra phòng trước. Nhưng đến đây chàng đã phải một phen kinh hoảng mà dĩ nhiên chàng chưa có lần nào trải qua.

Chàng đứng ngẩn người ra nhìn và không còn dám tin ở mắt mình nữa: cánh cửa ngoài mở ra thang gác, chính cánh cửa mà chàng đã bước vào lúc nãy sau khi giật chuông, bây giờ đang để ngó, thậm chí còn hở đến một gang tay nữa là khác: không khoá, không cài then; nó đã bị để ngỏ như thế suốt cả thời gian, suốt cả thời gian ấy! Mụ già vào xong không đóng cửa lại, chắc là để đề phòng chuyện bất trắc. Nhưng trời ơi! Sau đó còn có mụ Lizaveta vào nữa kia mà? Làm sao chàng lại không nghĩ ra rằng mụ phải có lối nào mà vào? Chả nhẽ mụ lại đi xuyên qua tường được!

Chàng nhảy chồm ra cửa và móc chốt lại.

– Nhưng mình lại lẩn thần rồi! Phải bỏ đi mới đúng, phải đi…

Chàng nhấc chốt lên, mở cửa và lắng nghe những tiếng động ở ngoài cầu thang.

Chàng nghe ngóng hồi lâu, xa xa đâu ở phía dưới, có lẽ ở ngoài cổng, có tiếng hai người đang cãi cọ chửi bới lẫn nhau rất to, giọng the thé. “Họ nói những gì thế…” Chàng kiên nhẫn chờ một lát. Cuối cùng tiếng léo nhéo im bặt như bị cắt ngang: họ bỏ đi rồi. Chàng đã muốn đi ra, nhưng bỗng ở tầng dưới có tiếng cánh cửa mở ra thang gác đánh sầm một cái, và có ai bắt đầu bước xuống cầu thang, mồm ê a hát một câu gì không rõ. “Sao họ lại cứ làm ồn suốt đi thế!” – chàng thoáng nghĩ. Chàng khép cửa lại và đứng chờ… Cuối cùng mọi vật đều im phăn phắc, không còn ai đi lại gì nữa, chàng đã đặt một chán ra ngoài thì bỗng nghe có tiếng chân bước.

Tiếng chân bước nghe rất xa, mãi tận cuối cầu thang thì phải, nhưng chàng nhớ rất rõ ràng lúc ấy không hiểu tại sao vừa nghe tiếng bước đầu tiên chàng đã nghĩ ngay rằng chắc chắn người ta đang đi lên đây, lên buồng mụ già ở tầng bốn. Tại sao? Những tiếng động ấy có gì đặc biệt, đáng chú ý chăng? Những tiếng chân bước ấy nặng nề, đều đặn, thong thả. Và đây, hắn đã lên đến gác hai, và vẫn còn lên nữa, tiếng chân mỗi lúc một rô thêm, có thể nghe thấy tiếng thở hen suyễn nặng nhọc của hắn, hắn đã bắt đầu đi qua gác ba…

Hắn đã đến đây! Và Raxkonikov chợt thấy như mình cứ đờ ra, chàng có một cảm giác y hệt như trong giấc chiêm bao, khi mơ thấy có người đuổi đến gần để giết mình, còn mình thì như chôn chặt xuống đất và không sao cựa tay được nữa.

Và mãi cho đến khi người khách lạ bắt đầu leo lên gác tư, chàng mới cuống cuồng lên đóng cửa lại và nhanh nhẹn rời gian phòng ngoài lùi vào trong nhà. Rồi chàng cầm lấy cái móc cửa và nhẹ nhàng cài lại, không một tiếng động. Bản năng đã giúp chàng. Xong đâu đấy, chàng nín thở nép người vào sát cánh cửa. Người khách bất đắc dĩ cùng đã đứng ngoài cửa. Bấy giờ hai người đang đứng sát vào nhau như chàng với mụ già lúc nãy, khi cánh cửa còn ngăn cách họ, và chàng thì lắng tai nghe ngóng.

Người khách thở hắt ra mấy tiếng nặng nhọc.”Chắc phải là một người to béo” – Raxkonikov nghĩ thầm tay xiết chặt cán rìu. Quả nhiên, cứ như trong một giấc chiêm bao, chàng nghe thấy khách cầm lấy dây chuông giật mạnh.

Cái tiếng rè rè như sắt tây của chiếc chuông vừa vang lên thì chàng chợt có cảm giác như trong phòng xôn xao hẳn lên. Trong mấy giây chàng còn lắng tai nghe ngóng thật sự nữa là khác. Người lạ mặt kéo chuông lần nữa, đợi thêm một lát rồi bỗng nhiên sốt ruột ra sức giật quả nắm cửa. Raxkonikov kinh hoàng nhìn cái chốt cửa đang lật bật trong khâu cài và sững sờ đợi lúc cái chốt bật hẳn ra ngoài. Quả nhiên có thể tưởng đâu nó sắp bật đến nơi: người đứng ngoài cửa giật mạnh lắm. Đầu chàng dường như lại choáng váng lên. “Mình ngã xuống đất” – chàng thoáng nghĩ, nhưng người kia đã lên tiếng, khiến chàng lập tức định thần lại.

– Chà hai con mẹ nầy làm gì trong ấy, ngủ tiệt hay có ai bóp chết ngoẻo rồi? Đồ quỷ sứ! – hắn gầm lên, tiếng nghe như trong thùng phát ra. – Ê, Aliona Ivanovna, mụ phù thuỷ già! Lizaveta Ivanovna, nàng giai nhân tuyệt thế! Mở ra chứ? Chà, hai con mẹ chết tiệt ngủ rồi hay sao thế không biết?

Hắn phát khùng lên, lấy hết sức lực kéo chuông hàng chục lần nữa. Chắc hẳn đây phải là một người quen biết lâu ngày và có quyền thế đối với nhà nầy.

Ngay lúc ấy bỗng nghe có bước mau, vội vã, trên thang gác, cách đấy không xa. Lại thêm một người nữa mới đến, lúc đầu Raxkonikov nghe vẫn chưa hiểu ra điều đó.

– Chả nhẽ không có ai ở nhà à? – người mới đến cất tiếng oang oang vui vẻ hỏi người kia lúc bấy giờ đang kéo chuông. – Chào bác Koch!

“Cứ nghe giọng nói thì chắc chắn hắn còn trẻ lắm” – Raxkonikov chợt nghĩ.

– Có ma nó biết, lay đến vỡ ổ khoá ra mà vẫn không thưa, – Koch đáp. – Thế tại sao ông lại biết tôi?

– Ơ kìa? Thì hôm kia ở tiệm “Gambrinus” tôi vừa thắng bác ba ván bi-a liền đấy thôi.

– À – à – à – Thế sao, không có nhà à? Lạ thật. Mà cũng vô lý hết sức. Mụ già ấy thì đi đâu mới được chứ? Tôi đang có việc cần gặp mụ.

– Tôi cũng thế ông ạ!

– Thôi, biết làm thế nào được? Đành phải về vậy.

– Chà. À! Thế mà tôi cứ tính chuyện đến lấy ít tiền! – người trẻ tuổi phàn nàn.

– Đành phải về thật, nhưng đã thế sao lại đi hẹn với người ta? Chính con mụ ấy hẹn giờ hẹn ngày với tôi đấy chứ. Tôi phải đi vòng khá xa mới ghé lại đây được. Nhưng tôi vẫn không hiểu mụ già ấy đi đâu thế? Ngồi ru rú ở nhà suốt năm đến mốc thếch cả người ra, lại đau chân nữa, thế mà nay bỗng dưng lại đi dạo đâu vắng mới lạ chứ.

– Hay thử hỏi lão gác cổng xem.

– Hỏi gì?

– Hỏi xem mụ đi đâu và bao giờ về?

– Hừm, đồ quỷ… hỏi, nhưng mà mụ ấy có đi đâu được kia chứ… – Và một lần nữa hắn lại kéo quả đấm cửa. – Mẹ kiếp, thôi đành về vậy.

– Khoan đã, – người trẻ tuổi bỗng kêu lên, – bác thừ nhìn xem: hễ kéo là cánh cửa hơi bật ra một tí, bác thấy không?

– Thì sao?

– Thế nghĩa là cửa không khoá, mà, chỉ cài chốt thôi, chỉ móc lại thôi mà! Bác có nghe thấy không cái móc kêu lạch cạch đấy.

– Thế thì sao?

– Sao bác lại không hiểu nhỉ? Thế nghĩa là vẫn có người ở nhà. Nếu cả hai mụ đều đi vắng cả thì phải khoá bằng chìa ở bên ngoài, chứ sao lại móc cửa ở bên trong được. Thế nhưng đây thì móc cửa lại cứ kêu cành cạch thế kia kìa, bác có nghe thấy không? Mà muốn móc cửa từ phía trong thì phải ở trong nhà chứ, bác hiểu ra chưa? Thế nghĩa là hai con mụ ở nhà mà vẫn không chịu mở cửa!

– Ờ mà thật! – Koch ngạc nhiên kêu lên – Thế thì hai con mụ làm gì ở trong ấy? – và hắn lại giận dữ kéo cửa.

– Khoan! – người trẻ tuổi lại nói, – đừng kéo nữa? Có cái gì không ổn đây rồi… bác kéo chuông, giật cửa như thế mà vẫn không mở: thế nghĩa là hai mụ phải chết giấc đi ở trong ấy hay là…

– Hay là thế nào?

– Bây giờ thế nầy nhé: ta xuống gọi bác gác cổng lên để cho bác ấy đánh thức hai mụ dậy.

– Phải đấy?

Cả hai người cùng đi xuống.

– Khoan đã! Bác cứ đứng đây một chút, tôi sẽ xuống gọi cho.

– Đứng đây làm gì?

– Nhỡ ra có chuyện gì…

– Có lẽ…

– Tôi đang học để ra làm dự thẩm! Ở đây rõ ràng có một cái gì không ổn, r – rõ r – ràng là như thế – người trẻ tuổi hăm hớ nói to, đoạn chạy vội xuống thang gác.

Koch đứng lại, khẽ kéo chuông một lần nữa. Cái chuông kêu lên một tiếng. Sau đó hắn lại im lặng vặn quả nắm, có – vè như đang suy nghĩ và xem xét điều gì, kéo cánh cửa rồi lại buông ra để nghiệm lại một lần nữa, cho chấc bụng rằng cửa chỉ móc lại chứ không khoá. Rồi hắn vừa thở phì phò vừa khom người xuống dòm vào lỗ khoá; nhưng khoá đã đút vào Ồ từ phía trong, cho nên hắn không thể trông thấy gì hết.

Raxkonikov đứng yên, tay lăm lăm cầm cán rìu. Chàng như đang mê sảng. Chàng còn sắp sẵn để đánh nhau với hai người lạ khi họ vào nữa. Trong khi họ gọi cửa và nói chuyện với nhau, đã mấy lần chàng chợt nẩy ra ý chấm dứt quách cho xong và đứng sau cửa lên tiếng quát họ. Có khi chàng muốn chửi bới, trêu tức họ trong khi họ chưa mở được cửa.

“Nhanh lên thôi chứ!” – ý nghĩ ấy vụt thoáng qua óc chàng.

– Mà sao hắn đi lâu thế, đồ quỷ.

Thời gian trôi qua, một phút, rồi một phút nữa – vẫn không thấy ai lên. Koch bắt đầu bứt rứt cựa quậy.

– Quái thật?… – Hắn bỗng sốt ruốt kêu lên rồi bỏ mặc đấy đi xuống nốt, chân bước vội vã và nện ủng thình thình trên thang gác. Tiếng bước xa dần rồi im hẳn.

– Trời ơi, biết làm gì đây?

Raxkonikov nhấc chốt, hé mở cửa ra. Xung quanh không có lấy một tiếng động. Và bỗng nhiên chàng bước ra, đầu óc tuyệt nhiên không còn nghĩ ngợi gì nữa hết, đóng cửa lại thật chặt và đi xuống cầu thang.

Chàng vừa xuống được ba bậc thang thì bỗng phía dưới có tiếng động mạnh. Biết nấp vào đâu bây giờ?

Xung quanh không có chỗ nào có thể ẩn được. Chàng chạy lùi lại, quay trở vào phòng.

– Ê quân chết tiệt! Bắt lấy nó!

Ở phía dưới có ai vừa quát tháo vừa từ trong một căn phòng nào đó nhảy xổ ra rồi đâm bổ xuống thang gác, miệng thét thất thanh:

– Mitka? Mitka! Mitka! Mitka! Mitka! Quỷ bắt mày đi thằng nỡm!

Tiếng quát tháo chuyển sang tiếng rú the thé rồi im hẳn; những tiếng sau cùng nghe rõ là từ sâu vọng lên. Xung quanh lại im lặng. Nhưng ngay lúc ấy một tốp người vừa ầm ầm leo lên thang gác vừa nói chuyện ồn ào, tiếng nghe đồn dập. Họ có khoảng ba hay bốn người. Chàng phân biệt được giọng nói oang oang của người trẻ tuổi. “Chính họ đấy rồi!”.

Hoàn toàn tuyệt vọng, chàng đi thẳng xuống phía họ, ra sao thì ra? Họ chặn chàng lại thì hỏng bét, mà họ không chặn nữa, thì cũng thế: họ sẽ nhớ. Hai bên đã sắp chạm trán nhau: giữa chàng với họ chỉ còn một cầu thang nữa, – và bỗng nhiên, lối thoát hiện ra cách chàng vài bậc thang, về bên phải, có một gian phòng bỏ trống cửa mở toang, chính gian phòng ở gác hai nơi bọn thợ sơn đang làm việc lúc nãy, nhưng bây giờ thì họ đã bỏ đi đâu, như cố ý vậy. Chắc hẳn vừa rồi chính họ vừa quát tháo vừa chạy xuống dưới sân.

Sàn nhà vừa mới sơn xong, ở giữa phòng có một cái thùng, một hộp sơn có cắm cái chồi sơn. Trong nháy mắt chàng đã chui tọt vào cửa và nấp vào sau bức tường, và cũng vừa kịp: mấy người kia bấy giờ đã lên đến gác hai ngay trước cửa phòng. Nhưng họ vẫn tiếp tục lên gác tư, vừa đi vừa nói bô bô. Chàng đợi một lát, rón rén ra khỏi phòng và chạy xuống.

Trên thang gác không có lấy một bóng người! Ở dưới cổng cũng thế. Chàng đi nhanh qua vòm cổng và rẽ ngoặt sang trái.

Chàng biết lắm, chàng biết rất rõ rằng lúc nầy đây họ đã vào phòng, rằng họ rất kinh ngạc khi thấy cánh cửa lúc nãy còn móc chốt mà nay đã mở, rằng họ đã trông thấy hai xác chết và chỉ một phút nữa là họ sẽ đoán ngay ra được rằng vừa rồi kẻ sát nhân đang ở trong phòng và vừa mới kịp lén đi, có lẽ họ cùng đoán được rằng chàng đứng trong gian phòng bỏ trống trong khi họ đi lên. Thế nhưng chàng không sao dám rảo bước đi thật nhanh, tuy từ đấy đến chỗ ngoặt đầu tiên còn phải đi đến trăm bước nữa. Hay là ta lẻn vào một cái cổng nào đấy, nấp vào một cầu thang mà đợi? Không được, hỏng bét? Vứt quách cái rìu đi chăng? Hay là gọi chiếc xe ngựa? Không được, hỏng bét, hỏng bét!”

Cuối cùng, chàng đã đến chỗ rẽ vào một ngõ hẻm. Chàng bước vào ngõ, người như chết dở; đến đây chàng gần như đã thoát nạn rồi, và chàng cũng hiểu như thế bây giờ thì khó bị nghi ngờ hơn, hơn nữa người qua lại rất đông, và chàng mất hút vào đây như một hạt cát.

Nhưng những phút khổ ải vừa qua đã làm cho chàng kiệt sức đến nỗi hầu như không nhích chân được nữa.

Mồ hôi đổ hột chảy ròng ròng trên mặt chàng; cổ chàng ướt dầm. “Thằng cha kia say bí tí” – có ai quát chàng khi chàng rẽ ra kênh đào.

Bây giờ chàng cứ mê man đi, càng đi trí óc càng tối sầm lại. Tuy vậy chàng cũng nhớ là khi rẽ ra kênh đào chàng thấy ở đấy vắng quá sợ dễ bị chú ý, nên toan quay trở vào ngõ. Tuy đã suýt ngã khuỵu xuống, chàng vẫn đi vòng một quãng xa để về nhà từ một hướng khác hẳn.

Ngay đến khi chàng đi vào cổng nhà mình, Raxkonikov cũng vẫn chưa tỉnh hẳn. Dù sao chàng lên đến thang gác rồi mới sực nhớ đến cái rìu. Bây giờ còn phải làm một việc rất quan trọng: trả cái rìu về chỗ cũ, và phải làm sao cho thật kín đáo. Dĩ nhiên chàng không còn đủ sức suy tính rằng có lẽ đừng để cái rìu lại chỗ cũ, mà tốt hơn nhiều là nên vứt nó vào một cái sân nào khác, để đến sau nầy rồi vứt cũng được Nhưng mọi việc đều êm thấm. Cửa phòng người gác cổng đang đứng, nhưng không khoá, thế tức là hắn ta có lẽ đang ở nhà. Nhưng chàng mất khả năng suy nghĩ đến nỗi cứ đi thẳng tới và mở cửa ra. Ví thử người gác cổng hỏi chàng: “Ông cần gì?” thì có lẽ chàng sẽ cứ thế cầm cái rìu đưa thẳng cho hắn ta. Nhưng người gác cổng lại vắng nhà, và chàng có đủ thì giờ để đặt cây rìu ở chỗ cũ, dưới chiếc ghế dài; chàng lại còn lấy thanh củi chặn lên như cũ nữa. Trên đường trở về buồng, chàng không gặp lấy một bóng người nào; phòng bà chủ đóng kín. Về đến buồng mình, chàng cứ để nguyên quần áo gieo mình xuống đi-văng. Chàng không ngủ, nhưng cứ thiêm thiếp mê man. Bấy giờ giá có ai đi vào buồng, chàng sẽ lập tức nhảy chồm dậy và kêu rú lên.

Những mảng ý nghĩ đứt đoạn và rối ren cứ loáng thoáng trong đầu chàng; nhưng chàng không thể cầm giữ lấy một ý nào, không thể dõi theo một ý nào, dù có cố sức cũng không được.