Chương 29

Lebeziatnikov có vẻ lo lắng lắm:

– Tôi đến tìm cô đây, Sofia Xemionovna ạ. Xin lỗi tôi cũng nghĩ là sẽ gặp ông ở đây, – Ông ta bỗng nói với Raxkonikov – Nghĩa là tôi không nghĩ gì, như vậy, nhưng tôi lại nghĩ… Ở đằng nhà, bà Katerina Ivanovna phát điên rồi, – Ông ta bỗng bỏ Raxkonikov quay sang Sonya nói.

Sonya kêu lên một tiếng.

– Nghĩa là ít nhất cũng có vẻ như thế. Vả chăng… chúng tôi ở đằng ấy chẳng biết làm thế nào cả, thế mới chết Bà ấy về nhà, hình như đến đâu đấy rồi bị người ta đuổi thì phải, có lẽ còn bị đánh đập nữa… Ít ra cũng có vẻ như thế… Bà ấy chạy đến nhà ông thủ trưởng Xemion Zakharovich, nhưng ông ta không có nhà; ông ta đang dự tiệc ở nhà một ông nào ấy, cũng làm tướng. Cô thử tưởng tượng, bà ấy xông thẳng đến chỗ dọn tiệc có chết không… đến nhà ông tướng kia ấy, rồi, cô thử tưởng tượng mà xem, bà ấy cứ nằng nặc gọi cho được ông thủ trưởng của Xemion Zakharovich ra cho bà ấy gặp, hình như lại bắt ông ta rời bàn tiệc đi ra ngoài mới chết chứ! Cô cũng hình dung được hậu quả ra sao. Dĩ nhiên là họ đuổi bà ấy ra; bà ấy có kể là chính bà chửi ông ta và ném cái gì vào đầu ông ta ấy. Còn có thể ức đoán rằng… tôi cũng không hiểu nỗi tại sao họ không bắt bà ấy! Bây giờ bà ấy đang kể lể cho mọi người nghe, cho cả bà Amalya Ivanovna nữa, nhưng bà nói khó hiểu lắm, cứ vật vã kêu gào luôn mồm… À phải, bà ấy bảo là bây giờ mọi người đều ruồng bỏ bà ấy rồi, thì bà sẽ đem con ra đường quay phong cầm cho chúng múa hát, bà cũng sẽ múa hát để xin tiền, và ngày ngày sẽ đến đứng dưới cửa sổ vị tướng kia… “Để cho thiên hạ đều thấy cảnh con cái một viên chức nhà nước vốn dòng dòi quý tộc mà phải đi ăn xin ở ngoài phố!”. Bà ấy đánh đập mấy đứa, làm chúng khóc inh lên. Bà ấy dạy cho Lena hát bài “Khutorok”, dạy cho thằng bé múa, dạy cho cả Polenka Mikhailovna nữa, bao nhiêu áo quần bà ấy xé hết; bà làm cho bọn trẻ mấy cái mũ gì trông như mũ kép hát; còn riêng bà ấy thì định cầm một cái chậu thau đi đánh, thay cho dàn nhạc… Bà ấy không chịu nghĩ gì hết. Cô thử tưởng tượng xem thế có chết không! Không thể để như thế được…

Lebeziatnikov toan nói tiếp nữa, nhưng Sonya nghe đến đây, thở không ra hơi nữa, bỗng chộp lấy chiếc áo choàng vai và chiếc mũ chạy ra ngoài, vừa chạy vừa mặc áo, Raxkonikov ra theo, Lebeziatnikov nối gót chàng.

– Chắc chắn là điên rồi! – Ông ta nói với Raxkonikov trong khi hai người cùng ra phố, – Tôi nói “có vẻ như thế” chỉ vì không muốn làm cho Sofia Xemionovna sợ đó thôi. Nghe nói đó là những cái u trong phổi người ho lao nó lan lên đến óc đấy; rất tiếc là tôi không biết y học. Dù sao tôi cũng đã cố khuyên can bà ấy nhưng bà ấy một mực không nghe.

– Ông có nói chuyện mấy cái u với bà ấy à?

– Không hẳn là chuyện mấy cái u. Vả lại có nói bà ta cũng chẳng hiểu nào. Nhưng tôi nói thế nầy: nếu dùng logic để khuyên bảo một người nào rằng người đó thật ra không có lý do gì phải khóc cả, thì họ sẽ thôi khóc. Cái đó đã rõ. Thế ông cho rằng người đó sẽ không thôi khóc à?

– Nếu thế thì cuộc sống sẽ dễ dàng quá, – Raxkonikov đáp.

– Xin phép ông, xin phép ông; dĩ nhiên Katerina Ivanovna thì khó mà hiểu được; nhưng ông có biết không ở Paris người ta đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm quan trọng về khả năng chữa bệnh điên mà chỉ dùng cách thuyết phục bằng logic đây. Ở đấy có một vị giáo sư, mới chết cách đây ít lâu, một nhà bác học có uy tín, chủ trương rằng có thể chữa bằng cách ấy. Ý căn bản của ông ta là trong cơ thể của người điên không có sự rối loạn gì đặc biệt, và bệnh điên có thể nói là một sự sai lầm về logic, một sự sai lầm trong cách phán đoán, một cách nhìn nhận sai lầm đối với sự vật ông ta lần lượt bác bỏ những ý kiến của người bệnh và – Ông thử tưởng tượng mà xem – nghe nói ông ta đã đạt một số kết quả? Nhưng vì đồng thời ông ta còn dùng cả biện pháp tắm hương sen nữa, cho nên những kết quả của cách trị liệu đó dĩ nhiên cũng có chỗ đáng nghi ngờ… ít nhất cũng có vẻ như thế…

Raxkonikov đã thôi nghe từ lâu. Về đến ngang nhà, chàng gật đầu chào Lebeziatnikov và rẽ vào cổng. Lebeziatnikov sực tỉnh, ngơ ngác nhìn quanh rồi đi thẳng.

Raxkonikov vào đứng ở chính giữa buồng chàng.

“Mình rẽ vào nhà để làm gì?”. Chàng nhìn những tờ giấy dán tường vàng vàng đã sờn rách, lớp bụi, chiếc đi-văng… Từ dưới sân đưa lên những tiếng gõ gì không ngớt, nghe nhói cả tai; hình như có ai đang đóng một cái gì ở đâu đây, một cái đinh thì phải… Chàng đến cạnh cửa sổ, kiễng chân lên và nhìn xuống sân hồi lâu, vẻ hết sức chăm chú. Nhưng dưới sân vắng ngắt, không trông thấy người đóng đinh ở đâu cả. Phía trái, bên dãy nhà ngang, đây đó có mấy khung cửa sổ để ngỏ; trên bậu cửa sổ có mấy chậu hoa dương hải đường xơ xác. Ngoài cửa sổ có vắt quần áo… Tất cả những thứ đó, chàng đã thuộc lòng, chàng quay trở vào và ngồi lên đi-văng.

Chưa bao giờ, chưa có bao giờ chàng cảm thấy mình cô độc ghê gớm đến thế! Phải rồi, chàng lại một lần nữa cảm thấy rằng có lẽ mình căm thù Sonya thật, ngay bây giờ, sau khi đã làm cho nàng khổ sở hơn trước. “Tại sao mình lại đến xin nước mắt của nàng? Tại sao mình lại nhất thiết phải đầu độc đời nàng như vậy? Ôi, hèn hạ quá!

– Ta sẽ cứ một thân một mình! – Chàng bỗng quả quyết thốt lên, – Nàng sẽ không phải vào ngục làm gì?

Dăm phút sau chàng ngẩng đầu lên và mỉm một nụ cười kỳ dị. Một ý nghĩ lạ lùng vừa chợt đến. “Có lẽ trong ngục thích hơn thật” – Chàng chợt nghĩ.

Chàng không nhớ rõ mình ngồi trong buồng bao lâu với những ý nghĩ mơ hồ cứ chen chúc hàng mớ trong đầu như vậy. Bỗng cửa buồng mở và Avdotia Romanovna bước vào. Thoạt tiên nàng dừng lại ở ngưỡng cửa nhìn chàng như lúc nãy chàng nhìn Sonya rồi nàng bước vào và ngồi xuống chiếc ghế trước mặt chàng, chỗ nàng đã ngồi hôm qua. Chàng im lặng nhìn em, vẻ như không có ý nghĩ gì trong óc hết.

– Anh đừng giận, anh ạ, em chỉ đến gặp anh một phút, – Dunia nói. Vẻ mặt nàng tư lự, nhưng không nghiêm khắc. Mắt nàng nhìn trong sáng và dịu dàng.

Chàng thấy rõ rằng cả người con gái nầy nữa cũng đến chàng với lòng yêu thương.

– Anh ạ, bây giờ em biết hết, biết hết rồi. Dmitri Prokofich đã kể chuyện, giảng giải cho em rõ hết đầu đuôi. Người ta đang truy nã đang làm khổ anh vì một mối nghi ngờ ngu xuẩn, khá ố… Dmitri Prokofich có nói với mẹ rằng không có gì nguy hiểm cả và anh hoảng sợ như vậy là hão huyền. Em không nghĩ như thể và hoàn toàn hiểu lòng anh phẫn uất đến chừng nào, em hiểu rằng lòng phẫn uất ấy có thể để lại những dấu vết mãi mãi không xoá mờ được. Em sợ thế lắm. Về việc anh từ bỏ mẹ và em, em không phê phán gì và không hề dám phê phán; xin anh tha thứ cho em đã có lần trách móc anh. Chính em cũng tự nguyện thấy rằng nếu em có một nỗi buồn cay cực như vậy em cũng sẽ xa lánh mọi người. Em sẽ không kể cho mẹ biết gì về việc nầy, nhưng em sẽ luôn luôn nói chuyện với mẹ về anh và thay mặt anh mà nói rằng chỉ ít bữa nữa anh sẽ đến. Anh đừng lo lắng cho mẹ; em sẽ làm cho mẹ yên tâm; nhưng anh cũng đừng làm khổ mẹ, – anh đến lấy một lần thôi cũng được; anh phải nhớ rằng đó là mẹ anh! Bây giờ em đến đây chỉ để nói rằng nếu nhỡ anh có cần đến em hay cần đến… cả cuộc đời của em hay có cần gì nữa… thì anh cứ gọi em, em sẽ đến. Thôi, em đi nhé!

Nàng quay phắt lại và đi ra cửa.

– Dunia? – Raxkonikov gọi giật nàng lại, đứng dậy và lại gần nàng, – anh Razumikhin Dmitri Prokofich ấy, là một người rất tốt.

Mặt Dunia hơi ửng đỏ.

– Thế sao? – nàng hỏi sau một phút chờ đợi.

– Anh ấy là người chí thú, cần cù, ngay thậtt và biết yêu tha thiết… Thôi từ biệt Dunia.

Dunia đỏ bừng mặt lên, rồi bỗng lo lắng hỏi:

– Kìa, làm sao thế anh, chúng ta chia tay nhau vinh viễn thật hay sao mà anh trối trăn như vậy?

– Cũng thế thôi… em đi đi…

Chàng quay mặt đi và ra đứng cạnh cửa sổ. Nàng đứng yên một lát lo lắng nhìn chàng rồi lui ra, lòng bồn chồn lo sợ.

Không, lòng chàng không lạnh nhạt với em. Có một giây phút, giây phút cuối cùng, chàng thấy thiết tha muốn ôm lấy em thật chặt và vĩnh biệt em, thậm chí còn nói rõ sự thật nữa, nhưng rồi dù chỉ đưa tay ra cho em chàng cũng không dám. “Có lẽ về sau nó sẽ giật mình khi nhớ lại rằng mình đã ôm hôn nó, nó sẽ bảo là mình ăn cắp chiếc hôn của nó!”. “Liệu người con gái nầy có chịu đựng được không”

Mấy phút sau chàng lại tự nhủ:

“Không, không chịu nổi đâu; những người như thế không chịu được đâu! Họ không bao giờ chịu được…”.

Và chàng nghĩ đến Sonya.

Một luồng hơi mát từ cửa sổ lùa vào. Bên ngoài, ánh sáng đã dịu xuống. Chàng bỗng vớ lấy mũ và ra ngoài.

Dĩ nhiên chàng không thể, mà cũng không muốn lo nghĩ đến tâm trạng bệnh tật của mình. Nhưng tất cả nỗi lo lắng liên miên và cơn khủng hoảng tinh thần ấy không thể không để lại những hậu quả. Và sở dĩ chàng không lên cơn sốt li bì thật sự có lẽ cũng chính là vì tâm trạng lo âu không ngớt ấy vẫn còn nâng chàng đứng vững trên đôi chân, vẫn khiến chàng tỉnh táo, nhưng hình như một cách giả tạo, nhất thời.

Chàng đi lang thang không chủ đích. Mặt trời đang lặn. Ít lâu nay, chàng bắt đầu cảm thấy lo âu khác thường. Trong mối lo âu ấy không có gì thật da diết, nung nấu cho lắm; nhưng nó toả ra một cái gì trường tồn, vĩnh cửu, chàng tiên cảm thấy mối lo âu lạnh lẽo đầy tử khí ấy sẽ kéo dài hết năm nầy qua năm khác không cùng, chàng mường tượng đến cuộc sống vĩnh hằng trên “khoảng không gian hẹp có mấy tấc”. Chiều xuống, cảm giác ấy thường lại bắt đầu giầy vò chàng mành liệt hơn nữa.

– Đấy, cứ có những lúc nhu nhược hết sức ngu xuẩn, thuần tuý nhục thể như vậy, lệ thuộc vào một buổi mặt trời lặn nào đấy, thì sao tránh khỏi làm những việc ngu ngốc! Không những đến tìm Sonya, mà lại còn đến tìm cả Dunia nữa cũng nên. – Chàng hằn học lẩm bẩm.

Có ai quát gọi chàng, chàng ngoái lại, Lebeziatnikov đang chạy về phía chàng.

Ông thử tưởng tượng xem, tôi vừa lại đằng ông, tôi đi tìm ông đây. Ông thử tưởng tượng mà xem, bà ấy thực hiện ý định thật: bà ấy dắt con đi rồi! Tôi với Sofia Xemionovna chật vật mãi mới tìm được. Bà ấy đang đánh chiếc soong gõ nhịp bắt lũ trẻ nhảy múa. Chúng nó khóc. Họ dừng lại ở các ngã tư đường và trước các cửa hàng. Một đám đông ngu xuẩn chạy theo họ. Ta đi đi.

– Còn Sonya? – Raxkonikov lo lắng hỏi trong khi rảo bước theo Lebeziatnikov.

– Thật như điên như dại. Nghĩa là không phải Sofia Xemionovna như điên như dại mà là Katerina Ivanovna ấy; vả chăng cả Sofia Xemionovna nữa cũng như điên như dại. Còn Katerina Ivanovna thì điên dại hẳn hoi rồi. Tôi xin nói với ông là bà ta đã loạn óc hoàn toàn. Người ta sẽ bắt họ vào sở cảnh sát. Ông có thể hình dung việc đó sẽ có tác dụng như thế nào… Bây giờ bà ấy đang ở ngoài kênh, ở đầu cầu X, chỉ cách nhà Sofia Xemionovna một quãng. Gần đây thôi.

Trên bờ kênh, cách đầu cầu không xa và chỉ cách chỗ Sonya trọ có hai nhà, có một đám đông đang xum xít lại. Đông hơn cả là những đứa trẻ, trai có gái có.

Đứng trên cầu đã nghe thấy giọng nói khàn khàn: đứt quãng của Katerina Ivanovna. Và quả nhiên đó là một cảnh tượng kỳ quặc có sức thu hút đám đông ở ngoài phố. Katerina Ivanovna mặc chiếc áo dài cũ, choàng khăn san bằng dạ, đầu đội chiếc mũ rơm rách nát vẹo sang một bên trông không còn ra cái hình thù gì nữa.

Bà ta quả nhiên đã loạn trí hẳn hoi rồi. Bà mệt nhọc thở hồn hển. Gương mặt ho lao thiểu não của bà trông đau đớn hơn bao giờ hết, hơn nữa ở ngoài phố, dưới ánh nắng, người ho lao bao giờ trông cũng đau yếu và tiều tuỵ hơn ở nhà, nhưng bà vẫn giữ trạng thái phấn khích, mỗi lúc một thêm cáu bẳn. Bà xông vào mấy đứa trẻ quát mắng chúng, năn nỉ chúng, bày cho chúng nhảy ra sao, hát những gì ngay trước mặt đám đông, quay ra giảng giải cho chúng hiểu tại sao lại cần phải thế, phát ngán lên trước cái óc chậm hiểu của chúng, đánh đập chúng… Rồi chưa bày vẽ xong, bà đã quay ra nói với đám đông; hễ thấy người ăn mặc hơi kha khá một chút dừng lại xem, bà ta lập tức quay ra phân trần cho họ rõ đây là những đứa trẻ “con nhà quý phái, thậm chí có thể nói là quý tộc thượng lưu nữa” mà bây giờ đến nông nỗi nầy đây! Nếu nghe trong đám đông có tiếng cười hay một câu nói gì có ý khích bác, bà lập tức xấn vào những kẻ xấc xược và bắt đầu chửi nhau với họ. Có mấy người cười thật, mấy người khác lắc đầu; nói chung ai nấy đều tò mò muốn xem cánh người đàn bà điên với lũ trẻ sợ sệt. Cái ông mà Lebeziatnikov có nói đến thì lúc bấy giờ không thấy đâu, ít nhất là Raxkonikov không nhìn thấy, nhưng thay cho tiếng gõ soong Katerina Ivanovna bắt đầu vỗ hai bàn tay khô đét vào nhau đánh nhịp bắt Polenka hát, còn Lena và Kolia thì nhảy múa; đồng thời chính bà ta cũng cất tiếng hát đệm theo, nhưng hễ cứ hát được đến nốt thứ hai là một cơn ho đau đớn lại nổi lên cắt đứt ngay giọng hát khiến bà tuyệt vọng nguyền rủa bệnh ho chết tiệt và thậm chí còn khóc nữa. Làm cho bà bực tức hơn cả là tiếng khóc và nỗi sợ hãi của Kolia và Lena. Quả như Lebeziatnikov nói, bà ta đã cố gắng trang phục cho lũ trẻ theo kiểu những người đi hát rong. Bà cho đứa con trai đội một chiếc khăn làm bằng thứ vải gì đỏ và trắng để làm một người Thổ nhĩ kỳ. Nhà không còn đủ giẻ để trang phục cho Lena; nó chỉ đội chiếc mũ chụp đỏ bằng lông lạc đà của mồ ma ông Xemion Zakharovich, có cắm một mảnh lông đà điểu trắng từ đời bà nội Katerina Ivanovna để lại và lâu nay vẫn cất trong rương, coi là bảo vật của gia đình. Polenka thì mặc chiếc áo dài thường ngày. Nó cứ nhìn mẹ rụt rè và ngơ ngác, không rời mẹ một bước, cố nuốt nước mắt. Nó cũng đoán chừng được rằng mẹ nó điên, và luôn lo lắng đưa mắt nhìn quanh. Đường phố và đám đông làm cho nó sợ khiếp vía đi. Sonya lẽo đẽo theo sau Katerina Ivanovna mà khóc lóc, phút phút lại van xin bà về nhà. Nhưng Katerina Ivanovna không hề lay chuyển.

– Thôi đi Sonya, thôi đi! – bà nói nhanh, giọng hấp tấp, vừa nói vừa ho và thở hổn hển. – Con chẳng biết con van xin cái gì đâu, con như đứa trẻ ấy. Dì đã bảo là dì không trở về nhà con mẹ Đức say rượu ấy nữa đâu mà. Cứ để cho mọi người, cho cả thành Petersbung nầy thấy cảnh con cái một người quý tộc suốt đời trung thành phụng sự Nhà nước, và có thể nói là chết trong khi thừa hành nhiệm vụ, phải đi hành khất ra sao. – Katerina Ivanovna đã có đủ thì giờ để tưởng tượng ra rằng chồng mình “chết trong khi thừa hành nhiệm vụ, và cứ nhắm mắt tin vào chuyện hoang đường đó. – Phải để cho cái tên tướng quèn khốn nạn ấy thấy rõ. Mà con ngốc lắm, Sonya ạ: bây giờ nhà có còn gì mà ăn nữa đâu, con thử xem? Mẹ con dì đày đoạ như thế là đủ rồi, dì không muốn thế nữa đâu! Ồ, Rodion Romanovich, cậu đấy à! – Bà chợt trông thấy Raxkonikov, liền reo lên và lao về phía chàng, – Xin cậu làm ơn giảng giải cho con bé ngốc nghếch nhà tôi hiểu rằng không còn có cách gì nữa đâu! Ngay như bọn hát rong cũng kiếm được tiền; còn như mẹ con tôi thì ai cũng phân biệt được ngay, họ sẽ biết ngay chúng tôi là một gia đình quý phái cô quả, sa cơ lỡ vận phải đi hành khất, rồi cái tên tướng quèn ấy sẽ bị cách chức cho mà xem! Ngày nào chúng tôi cũng sẽ đến hát dưới cửa sổ lão ta, và khi nào hoàng thượng ngự giá, tôi sẽ quỳ xuống, cho lũ trẻ đứng ra trước và chỉ cho Ngài xem: “Lạy Chúa chúng con, xin người che chở!”. Ngài là cha của những kẻ côi cút Ngài rất khoan dung, Ngài sẽ che chở mẹ con tôi, cậu sẽ thấy, còn như viên tướng quèn kia thì Ngài sẽ… Lena! Tenez – vous droitel1. Còn thằng Kolia, chốc nữa mày phải nhảy lại đấy. Sao mày khóc? Lại khóc rồi! Thì mày sợ cái gì, cái gì nào, thằng ngốc kia! Trời ơi! Tôi biết làm ăn thế nào với chúng nó bây giờ, cậu Rodion Romanovich? Cậu không biết chứ chúng nó ngu dại lắm kia Con cái như thế thì còn biết làm ăn thế nào được!

Bà ta suýt khóc (nhưng vẫn không ngớt nói liến thoắng), chỉ cho chàng xem mấy đứa trẻ đang khóc thút thít. Raxkonikov cũng cố thử khuyên giải cho bà ta về nhà. Chàng còn mong tác động vào lòng tự ái, nói rằng bà ta mà lại đi hát rong giữa phố như bọn quay phong cầm thì không tiện, vì bà sắp sửa làm hiệu trưởng một trường ký túc dành cho con gái quý tộc…

– Trường ký túc, ha – ha – ha! Rõ khéo hão huyền! – Katerina Ivanovna thét lên. Mấy tiếng cười lại chuỵển thành một cơn ho dữ dội, – Không, Rodion Romanovich ạ giấc mơ ấy qua rồi! Mọi người đều ruồng bỏ mẹ con tôi rồi! Còn cái tên tướng quèn ấy… Cậu ạ, tôi đã ném một lọ mực vào đầu hắn, – Ở đấy, trong căn phòng gia nhân vừa đúng có một lọ mực đặt bên tờ giấy ghi tên những người ra vào: tôi đến ghi tên rồi cầm luôn lọ mực ném hắn, xong tôi bỏ chạy. Ôi, họ đê tiện, đê tiện quá! Nhưng thôi, nhổ toẹt vào, bây giờ tôi sẽ tự tay nuôi chúng, không thèm xin xỏ đứa nào hết? Mẹ con tôi làm khổ nó thế là đủ rồi! – Bà trỏ Sonya – Polenka, mày xin được bao nhiêu nãy giờ, đưa xem nào? Sao? Cả thảy chỉ có hai cô-pếch à? Trời ơi, chúng thật tệ mạt! Chúng chẳng buồn cho, chỉ chạy theo, thè lưỡi ra mà xem! À, cái thằng ngợm kia cười cái gì thế? – Bà chỉ một người đứng trong đám đông – Cũng chỉ vì cái thằng Kolia nó tối dạ quá, đến khổ với nó! Con làm sao thế Polenka? Phải nói tiếng Pháp với mẹ chứ, Parlez – moi francais2. Mẹ đã dạy cho con nói, con đã thuộc được mấy câu kia mà! Nếu không thì lấy gì cho người ta phân biệt được các con là con nhà tử tế, có giáo dục, chứ tịnh không phải như bọn hát rong; chúng ta có đi hát những điệu thô tục gì đâu, ta sẽ hát một bài tình ca cao quý… A phải! Hát gì bây giờ nhi? Các người cứ ngắt lời tôi mãi, trong khi… Ấy, cậu Rodion Romanovich ạ, chúng tôi dừng lại đây để chọn xem nên hát bài gì, – hát bài gì cho thằng Kolia nó cũng múa theo được… vì cậu thử tưởng tượng xem, chúng tôi ra đi thế nầy mà chẳng có chuẩn bị gì cả; phải làm thế nào bàn nhau tập dượt thật chu đáo rồi sẽ ra đại lộ Nevxki: ở đây mới có nhiều người thượng lưu, họ sẽ chú ý đến chúng tôi ngay. Lena biết hát điệu “Khutorok”… Nhưng lúc nào cũng “Khutorok”, “Khutorok”, ai mà chả hát được bài ấy! Chúng ta phải hát bài gì tế nhị hơn nhiều kia… Nào, con có nghĩ thêm được bài gì không, Polenka, ít nhất con cũng phải giúp mẹ với chứ! Chả nhẽ lại đi hát bài “Anh phiêu kỵ chống gươm” hay sao? À, ta sẽ hát bài “Cinq sous3 bằng tiếng Pháp. Mẹ dạy cho các con rồi kia mà, dạy rồi. Cái chính là hát bằng tiếng Pháp thì họ sẽ thấy ngay các con là con nhà quý tộc, như thế sẽ cảm động hơn nhiều… Lại còn có thể hát: “Malborough s’en va-t-en guerre” nữa! Đó đúng là một bài hát trẻ con, các nhà quý tộc nhà nào cũng ru con bằng bài ấy.

Malborough s’en va-t-en guerre
Ne saint quand revienda
4

Bà cất tiếng hát… – Nhưng không, hát bài “Cinq sous” hơn? Nào, Kolia, chống tay cạnh sườn nhanh lên, còn con, Lena, con cũng quay mặt sang phía kia kìa, mẹ với Polenka sẽ vỗ tay hát theo.

Cinq sous, cinq sous
Pour monter notre ménage…
5

– Hì – thì – hì! – Cười được mấy tiếng bà lại ho lên một tràng. – Nắn áo lại, Polenka, vai chảy xuống rồi kia, – bà hổn hển nói qua trận ho. – Bây giờ các con phải ăn mặc cho thật đứng đắn, đi đứng cho thật chững chạc để mọi người thấy rõ các con là con nhà quý phái. Đã bảo là xu-chiêng phải may dài hơn mà phải xấp hai lần vải vào! Thế mà dạo ấy con Sonya lại cứ nói đi nói lại là: “Ngắn nữa vào, ngắn nữa vào”, thành thử bây giờ trông con bé không còn ra cái gì nữa… Kìa, lại khóc cả lũ rồi! Sao mà ngốc thế hả, việc gì mà khóc? Nào, Kolia, bắt đầu đi, nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên! Ồ, thằng bé thật không sao bảo được! Cinq sous, cinq sous… Lại một tên lính! Nầy, anh cần cái gì hả?

Quả nhiên có một viên cảnh binh đang rẽ đám đông len vào. Nhưng vừa lúc ấy có một viên công chức bệ vệ trạc năm mươi tuổi, mặc phẩm phục có choàng thêm áo ca-pốt, cổ đeo huân chương (điều nầy làm cho Katerina Ivanovna rất hài lòng, và cũng có ảnh hưởng đối với người cảnh binh), tiến đến gần và lặng lẽ đưa cho Katerina Ivanovna một tờ giấy bạc ba rúp màu xanh lá cây. Gương mặt ông ta lộ vẻ thương xót chân thành. Katerina Ivanovna cầm lấy tờ giấy bạc và cúi chào ông ta một cách lễ độ, thậm chí trịnh trọng nữa.

– Xin đa tạ ngài, – bà ta mở đầu, giọng trịch thượng, những nguyên nhân đã buộc chúng tôi… cầm lấy tiền, Polenka. Con thấy không, vẫn có những người cao thượng và hào hiệp sẵn lòng giúp đỡ một người đàn bà quý tộc đáng thương trong cơn hoạn nạn. Thưa ngài, trước mắt ngài là những đứa trẻ mồ côi, con nhà quý phái, hơn nữa có thể nói là có liên hệ với những nhà quý tộc thượng lưu vào bậc nhất… Thế mà cái tên tướng quèn ấy cứ ngồi ăn chim giẽ… lão ta dẫm chân dẫm cẳng kêu là tôi đến quấy rầy lão ta… “Bẩm quan lớn, tôi nói thế, xin quan lớn che chở cho lũ trẻ mồ côi, vì quan lớn vốn biết rõ mồ mả ông Xemion Zakharovich nhà tôi, và vì một kẻ đốn mạt nhất trong những kẻ đốn mạt đã vu khống con gái của nhà tôi ngay hôm nhà tôi mất…” Lại tên lính kia! Xin ngài che chở cho với! – Bà kêu lên, van xin viên công chức, – sao tên lính kia cứ xấn vào tôi thế ở phố Mesanxkaya chúng tôi đã gặp phải một tên như thế, phải trốn lên đây… thì việc gì đến mày nào, đồ ngốc!

– Vì ở ngoài phố cấm không được thế. Xin dừng làm mất thể thống.

– Chính mày không ra cái thể thống gì thì có! Tao đi thế nầy cũng như những người hát rong thôi, việc gì đến mày?

– Về việc hát rong thì phải có giấy phép, còn như bà thì bộ dạng bà như thế làm phiên nhiễu người qua đường. Bà ngụ ở đâu ạ?

– Giấy phép? – Katerina Ivanovna gào lên. – Tôi vừa mới chôn cất chồng tôi sáng nay thì làm gì có giấy phép!

– Bà ơi, bà ơi, xin bà bình tâm lại! – Viên công chức mở đầu: – Ta đi đi, tôi sẽ đưa bà về. Ở đây đông người thế không tiện… Bà đang ốm…

– Thưa ngài, thư ngài, ngài không biết gì hết – Katerina Ivanovna quát lên, – Chúng tôi sẽ lên đại lộ Nevxki… Sonya! Sonya! Nó đâu rồi thế? Cùng khóc nốt? Kìa các người làm sao cả lũ thế… Kolia, Lena, các con chạy đi đâu? – Bbà bỗng hoàng hốt kêu lên, – Ôi, lũ trẻ khờ dại nầy! Kolia, Lena, chúng nó chạy đi đâu thế không biết?

Số là Kolia và Lena, sợ khiếp vía đi trước đám người hiếu kỳ và những lởi quát mắng của người mẹ điên rồ, rồi cuối cùng lại thấy người cảnh binh đến, hẳn là để bắt chúng mang đi đâu không rõ, bỗng như đã bàn trước với nhau, cầm tay nhau cắm cổ chạy. Bà Katerina Ivanovna khốn khổ vừa kêu khóc vừa đâm bổ theo chúng. Bà ta vừa chạy vừa khóc và thở hổn hển, trông thật kỳ quặc và thương tâm. Sonya và Polenka cũng chạy theo bà ta.

– Bảo chúng nó trở lại đi, Sonya, bảo chúng nó trở lại! Chao ôi, con cái ngu dại, bất hiếu đến thế thì thôi!

– Polenka? Bắt chúng nó lại… Chỉ vì chúng mày, mẹ mới…

Bà đang mải chạy bỗng vấp chân ngã nhoài ra.

– Ngã bật máu ra rồi! Trời ơi! – Sonya cúi xuống người bà, kêu lên. Ai nấy đều chạy lại xúm quanh.

Raxkonikov và Lebeziatnikov ở trong số những người chạy đến trước tiên; viên công chức cùng hấp tấp chạy lại và sau ông ta là viên cảnh binh. Hắn càu nhàu: “Chà, mẹ kiếp!”, và khoát tay bực bội, cảm thấy trước rằng câu chuyện trở nên rầy rà.

– Đi đi Đi đi! – hắn xua đuổi những người đang chen chúc ở xung quanh.

– Sắp chết rồi? – Có ai kêu lên.

– Bà ta điên! – một người khác nói.

– Lạy Chúa cứu chở! – một người đàn bà vừa làm dấu thánh vừa nói. – Đã giữ được hai đứa trẻ nhỏ lại chưa? À dẫn về kia rồi, cô chị bắt chúng lại được rồi… xem kìa, lù nhãi con!

Nhưng khi nhìn kỹ Katerina Ivanovna, họ thấy rõ không phải bà vấp vào đá bật máu ra như Sonya tưởng, vũng máu nhuộm đỏ đá lát đường là máu ộc từ trong ngực bà ra.

– Cái nầy thì tôi biết, tôi đã từng trông thấy, – viên công chức nói nhỏ với Raxkonikov và Lebeziatnikov, – bệnh ho lao đấy: máu cứ ộc ra làm cho người bệnh nghẹn thở. Tôi có người bà con, cách đây không lâu tôi có được chứng kiến, máu cứ thế thổ ra đến một cốc rưỡi… đột nhiên thổ ra… Nhưng biết làm thế nào đây, bà ấy chết ngay bây giờ thì sao?

– Đưa về đây đây, về nhà tôi! – Sonya van lơn, – tôi ở đằng nầy nầy… Kia, nhà tôi kia, cách đây hai nhà… Về nhà tôi, nhanh lên, nhanh lên! – nàng vật vã van nài mọi người. – Mời bác sĩ cho với… Trời ơi!

Nhờ người công chức ra sức giúp đỡ, mọi việc cũng thu xếp được khá ổn, ngay cả viên cảnh binh cũng khiêng hộ Katerina Ivanovna một tay. Khi họ khiêng được vào nhà Sonya, bà ta đã hầu như người hấp hối. Họ đặt bà lên giường. Máu vẫn còn chảy, nhưng bà ta hình như đã bắt đầu hơi tỉnh. Ngoài Sonya ra, cùng bước vào phòng một lúc có Raxkonikov và Lebeziatnikov, người công chức và viên cảnh binh. Trước khi khiêng vào phòng viên cảnh binh đã đuổi đám đông đi – trong số đó có mấy người theo vào đến tận cửa – bắt họ phải giải tán. Polenka cầm tay Kolia và Lena dắt về. Hai đứa bé run cầm cập và khóc thút thít. Ở nhà ông Kapernaumov cũng có người chạy xuống: đích thân ông ta, chân thì thọt, mắt thì chột, hình thù cổ quái, râu má và tóc mọc dựng đứng lên từng chòm tua tủa; vợ ông ta, mặt hình như ngày xưa đã bị một phen hoảng sợ thái quá nên cứ giữ mãi vẻ hoảng sợ ấy, và mấy người con của họ nét mặt đã cứng đờ ra như gỗ vì luôn luôn phải ngạc nhiên, miệng há hốc. Giữa đám công chúng ấy đột nhiên thấy cả Xvidrigailov xuất hiện.

Raxkonikov ngạc nhiên nhìn hắn, không hiểu hắn từ đâu xuất đầu lộ diện ra và không nhớ là có thấy hắn đứng trong đám đông.

Họ nói chuyện mời bác sĩ và linh mục. Người công chức tuy có thì thầm với Raxkonikov rằng mời bác sĩ bây giờ hình như cũng vô ích, nhưng vẫn ân cần cho người đi mời. Chính Kapernaumov lĩnh lấy việc đó.

Trong khi đó Katerina Ivanovna đã thở lại được đều máu đã tạm cầm. Bà đưa đôi mắt đau đớn, nhưng chăm chú và soi mói nhìn Sonya đang lấy khăn tay lau những hột mồ hôi trên trán bà, mặt tái mét, người run lẩy bẩy; cuối cùng bà nhờ nâng người dậy. Họ đỡ hai bên đặt bà ngồi trên giường.

– Mấy đứa bé đâu? – bà nói, giọng yếu ớt. – Con đưa chứng về rồi chứ Polenka? Ôi con cái ngốc quá? Tại sao các con lại bỏ chạy… ôi!

Máu lại ứa ra trên dôi môi khô héo của bà. Bà đưa mắt nhìn quanh một lượt.

– Thế ra phòng con ở như thế nầy đây, hở Sonya! Dì chưa đến con lần nào… dì đã phải… – Bà nhìn Sonya, đau đớn – Mẹ con dì đã hút hết máu của con rồi Sonya ạ… Polenka, Lena, Kolia, lại đây… Ấy, chúng nó đây, Sonya ạ đông đủ cả đây, con nhận lấy chúng… dì trao cho con… còn dì thì hết rồi… vũ hội đã mãn! Ha!… Các người buông tôi ra, ít nhất cũng cho tôi chết cho yên…

Họ lại để bà nằm lên gối.

– Cái gì? Linh mục à? Không cần… Tiền đâu mà thừa thãi thế? Tôi không có tội gì! Không rửa tội thì Chúa cũng phải tha cho tôi… Chính Chúa cũng biết tôi đau khổ đến thế nào… Còn Chúa không tha thì cũng chẳng cần!

Katerina Ivanovna mỗi lúc một lâm vào trạng thái mê sảng vật vã. Thỉnh thoảng bà giật mình, đảo mắt quanh phòng, nhận ra mọi người trong khoảng một phút, nhưng tỉnh được một lát rồi lại mê man ngay. Bà thở khò khẽ khó nhọc, nghe như có cái gì lục xục trong cổ.

– Tôi nói với lão ấy: “Bẩm quan lớn…” – bà thét lên, cứ mỗi tiếng lại dừng lại thở, – Cái mụ Amalya Ludvigovna ấy… Chao ôi, Lena; Kolia! Hai tay chống cạnh sườn, nhanh lên, nhanh lên, glissé – glissé, pas-de-basque!6. Cộp gót giầy xuống… Phải cho duyên dáng con ạ. Du hast Diamanten und Perlen…7. Thế nào nữa nhỉ? Giá hát đước bài nầy…

Du hast die shousten Augen
Madchen, was wilist du mehr
8

Phải rồi, chứ còn gì nữa! Was wilist du mehr, – rồi nó phải nghĩ ra chứ, cái thằng đần ấy. À phải, thế nầy nữa chứ:

Dưới nắng trưa oi ả!
Trong một thung lũng… miền Dagetxtan
9

Ôi hồi xưa mẹ yêu quá… Mẹ yêu đến mê say bài tình ca nầy, Polenka ạ! con biết không, cha con… hồi sắp lấy mẹ, vẫn hát… Ôi, những ngày ấy! Giá bây giờ mẹ con mình hát bài nầy! Nào, sao nhỉ, sao nhỉ… mẹ quên đi mất… kìa các con thử nhớ lại xem nào, thế nào nhỉ? – Katerina Ivanovna xúc động đến cực điểm; bà cố sức nhỏm dậy. Cuối cùng, bà cất giọng khàn khàn, đứt đoạn the thé lên nghe mà rợn cả người, cứ hát được một tiếng lại thở hổn hển, vẻ như mỗi lúc một thêm sợ hãi.

Dưới nắng trưa oi ả!
Trong một thung lũng… miền Dagetxtan
Một mảnh chì trong ngực…

Bẩm quan lớn! – bà bỗng thét lên một tiếng xé ruột xé gan, nước mắt chảy ròng ròng, – Xin quan lớn che chở lũ trẻ mồ côi! Ngài còn nhớ sự tiếp đãi ân cần của mồ ma ông Xemion Zakharovich… Có thể nói quý tộc thượng lưu nữa là khác! Chà! – bà giật mình, chợt tỉnh lại và đưa mắt nhìn mọi người vẻ như kinh hãi, nhưng rồi bà nhận ngay ra Sonya.

– Sonya, Sonya! – bà nói, giọng dịu dàng và âu yếm, như thể lấy làm lạ sao lại có nàng ở trước mặt. – Sonya yêu quý, con cũng ở đây ư?

Họ lại đỡ bà ngồi dậy.

– Thôi! Đã đến lúc… Vĩnh biệt cuộc sống đoạ đày! Con ngựa khổ đã kiệt sức rồi! Nó chết to – o – oi rồi! – bà thét lên, giọng tuyệt vọng và hằn học, rồi buông đầu rơi phịch xuống gối.

Bà lại mê man, nhưng cơn mê cuối cùng nầy không lâu. Khuôn mặt võ vàng, khô héo của bà bỗng ngảa hẳn ra phía sau, miệng há hốc ra, hai chân rướn thẳng đờ. Bà thở hắt ra một tiếng dài dằng dặc và tắt nghỉ.

Sonya gieo mình lên xác bà, đang hai tay ôm chầm lấy và lặng người đi, đầu nép vào lồng ngực khô héo của người chết. Polenka sụp xuống hôn chân mẹ, khóc nức nở. Kolia và Lena, vẫn chưa hiểu việc gì vừa xảy ra, nhưng cũng linh cảm thấy một điều gì rất khủng khiếp dang cả hai tay ôm lấy nhau, mắt nhìn trừng trừng vào mặt nhau, và bỗng nhiên cùng một lúc há miệng ra và cùng cất tiếng hét lên. Cả hai đều vẫn ăn mặc như phường trò: một đứa đội khăn Thổ, đứa kia dội mũ chụp cắm mánh lông đà điểu.

Không biết làm thế nào mà tấm “bằng khen” kia lại bỗng dưng ở trên giường, bên cạnh Katerina Ivanovna, nó nằm ở đấy, ngay ở bên gối; Raxkonikov trông thấy. Chàng ra đứng ở cửa sổ. Lebeziatnikov vội vã ra theo.

– Chết rồi! – Lebeziatnikov nói.

– Rodion Romanovich, tôi có câu chuyện nhỏ cần nới với cậu, – Xvidrigailov lại gần nói. Lebeziatnikov lập tức nhường chỗ cho hắn và lịch thiệp lảng đi.

Xvidrigailov dìu Raxkonikov đang ngạc nhiên ra một góc xa hơn nữa.

– Tất cả những món phiền phức nầy, nghĩa là việc chôn cất nầy nọ, tôi sẽ lo liệu hết. Cậu cũng biết đấy, việc nầy sẽ tốn tiền, mà tôi thì đã có lần nói với cậu là tôi có một số tiền thừa. Hai đứa nhóc kia với con Polenka thì tôi sẽ cho vào một cô nhi viện nào kha khá và cho mỗi đứa một số vốn là một nghìn rưỡi rúp chờ cho đến khi chúng thành niên, để Sofia Xemionovna có thể yên tâm hoàn toàn. Với lại tôi cũng sẽ kéo cô ta ra khỏi cảnh lầm than, vì cô ta là một người con gái tốt có phải không nào? Ấy đấy, thế thì xin cậu nói lại với Avdotia Romanovna rằng tôi đã sử dụng số tiền một vạn rúp của cô ấy như thế đấy?

– Ông ra tay làm một việc nghĩa như thế có mục đích gì? – Raxkonikov hỏi.

– Chà – à! Thật là người đa nghi! – Xvidrigailov cười xoà. – Thì tôi đã bảo là số tiền ấy tôi không cần đến mà lại. Thế sao, cậu không thể tin rằng tôi có thể chỉ vì nhân đạo, thế thôi, hay sao? Vì bà ta đâu phải là một “con rận” (lão giơ ngón tay chỉ vào góc phòng nơi người chết đang nằm) như một mụ già cho vay lãi nào đấy. Đấy cậu cũng phải thừa nhận rằng, đấy, thật thế “để cho Lugin sống mà làm những việc bị ổi, hay để cho bà ta phải chết?”. Và nếu tôi không giúp, thì Polenka chẳng hạn, cũng sẽ đi theo con đường đó thôi mà…

Lão nói mấy câu đó với một vẻ cười cợt ranh mãnh, như một người đang nháy mắt ra hiệu, trong khi vẫn nhìn Raxkonikov không rời mắt. Raxkonikov tái mặt đi người lạnh toát ra, khi nghe chính những câu mình đã nói với Sonya. Chàng hấp tấp lùi lại và ngây dại nhìn Xvidrigailov.

– Tạ – tại sao… Ông lại biết? – Chàng thều thào, thở không ra hơi nữa.

– Thì tôi ở đây, bên kia vách, tôi trọ ở nhà madame Resslich mà lại. Bên nầy là ông Kapernaumop, bên kia là madame Resslich một người bạn cũ rất tận tuỵ với tôi. Tôi là chỗ láng giềng đấy ạ.

– Ông?

– Tôi, – Xvidrigailov nói tiếp, cười rung cả người lên, – và tôi có thể lấy danh dự mà nói với cậu, cậu Rodion Romanovich thân mến ạ, rằng tôi thấy cậu có những cái thú vị lạ thường. Tôi đã bảo là chúng ta sẽ kết thân với nhau mà, tôi đã nói trước với cậu như thế. Và đây chúng ta đã kết thân. Rồi cậu sẽ thấy tôi là người dễ tính nhường nào. Cậu sẽ thấy rằng với tôi cậu còn có thể sống được lắm…


  1. Đứng cho thẳng (tiếng Pháp). 

  2. Cô hãy nói tiếng Pháp với tôi (tiếng Pháp). 

  3. Năm xu (tiếng Pháp). 

  4. Malborough đi đánh giặc không biết bao giờ sẽ về 

  5. Năm xu, năm xu, để chúng tôi thu xếp nhà cửa. 

  6. Những danh từ vũ đạo (tiếng Pháp), chỉ hai bước nhảy. 

  7. Cô có kim cương và ngọc trai (tiếng Đức). 

  8. Cô có đôi mắt đẹp nhất đời. Cô gái kia ơi, cô còn muốn gì hơn nữa (tiếng Đức) – Thơ của Henrich Heine (sao không được đúng). 

  9. Thơ của Lermontov.