Chương 25

Buổi sáng kế theo cuộc giãi bày tai hại đối với Piotr Petrovich đã diễn ra giữa ông ta với Dunia và Punkheria Alekxandrovna, cũng đã có tác dụng làm cho ông ta tỉnh ngộ. Ông ta dần dần buộc lòng phải nhận rằng việc vừa rồi quả là một sự kiện có thật và không sao hoán cái được nữa, mặc dầu ông ta hết sức khó chịu và vẫn thấy đó là một việc hầu như hoang đường, tuy đã xảy ra thật, nhưng vẫn vô lý hết sức, không thể nào tưởng tượng được. Lòng tự ái bị tổn thương cắn rứt tâm can ông suốt đêm hôm ấy như một con rắn độc. Bước xuống giường, Piotr Petrovich lập tức đến soi gương. Ông ta lo sợ không biết đêm qua trằn trọc như vậy, mặt mình có vàng võ đi chăng?

Song về mặt nầy thì hiện không có gì đáng lo ngại: nhìn vào cái dung mạo quý phái, trắng trẻo và hơi phát phì ra trong thời gian gần đây, Piotr Petrovich trong chốc lát lại thấy nguôi lòng, tin chắc mình sẽ lại kiếm được ý trung nhân ở một nơi nào khác, có lẽ lại còn tươm hơn ai kia nữa; nhưng chỉ trong khoảnh khắc ông lại sực nhớ ra và nhổ toẹt sang một bên, khiến ông bạn trẻ cùng trọ một phòng là Andrey Xemionovich Lebeziatnikov phải mỉm cười: một nụ cười lặng lẽ nhưng đầy ý nhạo báng. Piotr Petrovich để ý thấy nụ cười và lập tức ghi vào số ký ức. Trong thời gian gần đây ông ta đã ghi vào số ký ức rất nhiều điều về ông bạn trẻ. Lòng căm giận của ông càng tăng gấp bội khi ông chợt nghĩ ra rằng đáng lẽ không nên cho Lebeziatnikov biết những chuyện xảy ra hôm qua. Đó là việc sai lầm thứ hai ông đã vì nóng nảy mà mắc phải trong ngày hôm ấy: trong cơn tức giận ông đã thỏ lộ quá nhiều… Rồi suốt buổi sáng hôm đó, những chuyện bực mình cứ liên tiếp dồn đến. Ngay như ở Nguyên lão viện, công việc ông đang lo toan cũng thất bại. Nhưng người làm ông bực mình nhất là cái lão chủ căn nhà ông đã thuê để chuẩn bị cưới vợ và chịu xuất tiền tu sửa, một lão thợ thủ công người Đức mới giàu lên: lão ta một mực không chịu huỷ bỏ giao kèo và khăng khăng đòi thực hiện từng khoản một, mặc dầu Piotr Petrovich đã giao lại cho lão căn nhà hầu như đã được tu sửa thành một căn nhà mới. Ở cửa hàng đồ gỗ cũng vậy, họ nhất định không chịu trả lại một rúp nào trong số tiền đặt cọc mua hàng, tuy ông chưa chở về nhà lấy một chiếc bàn, một chiếc ghế nào cả. “Chả nhẽ ta lại ẵm một mụ vợ khác mà cưới để có cơ dùng bàn ghế”.

Piotr Petrovich nghiến răng càu nhàu một mình, nhưng cũng lúc ấy một ý nghĩ tuyệt vọng lại thoáng hiện lên: “Nhưng có lẽ nào việc nầy lại hỏng bét không phương cứu chữa? Lẽ nào lại không cố thử một lần nữa xem sao? Hình ảnh quyến rũ của Dunia một lần nữa lại xói vào tim ông ta nhức nhối. Piotr Petrovich đau khổ sống qua giờ phút nầy, và dĩ nhiên nếu giờ đây có thể ước nguyện cho trời tru đất diệt Raxkonikov, ông ta sẽ khấn to lời ước nguyện đó lên ngay lập tức.

“Ngoài ra mình lại còn phạm một sai lầm nữa là không hề đưa tiền cho họ, – Ông nghĩ thầm trong khi buồn rầu trở về phòng Lebeziatnikov – mẹ kiếp, không hiểu sao mình lại đâm ra bùn xỉn thế? Thậm chí mình cũng không biết tính lỗ lãi nữa. Mình trù tính để cho họ túng bấn ít lâu để rồi họ xem mình như một vị cứu tinh, thế mà lại để họ bay biến đi mất! Xì! Không, giá thời gian qua mình thí cho họ độ một nghìn rưỡi đề mua đồ cưới, mua quà cáp, sắm ít hộp đồ tư trang vụn vặt và ít vải vóc hay những của khỉ gì đấy ở hiệu Knop hay hiệu tạp hoá Anh, thì công chuyện sẽ tươm tất hơn… và vững chắc hơn! Họ sẽ không từ khước một cách dễ dàng như thế nầy! Cái hạng người ấy mà đã từ khước thì thế nào cũng tự cho mình có bổn phận trả lại hết các thứ quà cáp và tiền bạc, mà trả thì khó, tiếc lắm! Mà lương tâm cũng không yên: ai lại đi đuổi một người xưa nay vẫn hào phóng và tế nhị như vậy? Hừm! Mình hớ to rồi? Đoạn nghiến răng kèn kẹt một lần nữa, Piotr Petrovich chửi mình là đồ ngốc… chửi thầm, cố nhiên.

Đi đến kết luận đó, ông ta về nhà cau có và hằn học gấp bội so với khi ông ta đi. Những công việc sửa soạn dọn tiệc tang ở nhà Katerina Ivanovna cùng thu hút trí tò mò của ông một phần. Từ hôm qua ông ta đã có nghe phong thanh về bữa tiệc tang nầy; ông lại còn nhớ mường tượng rằng họ có mời ông thì phải; nhưng vì đang mải lo việc riêng nên ông không chú ý gì đến những chuyện ấy ông bèn vội vàng sang hỏi bà Lippevekzen đang lăng xăng bên chiếc bàn đã trải khăn ăn trong khi bà Katerina Ivanovna còn bận ngoài nghĩa địa: thì được biết rằng bữa tiệc tang sẽ tổ chức trọng thế, hầu hết các khách trọ trong nhà đều được mời đến, ngay cả những người không quen người quá cố, cho chí ông Andrey Xemionovich cũng vậy tuy cách đây không lâu ông ta có chuyện xích mích với Katerina Ivanovna, và cuối cùng là chính bản chân ông Piotr Petrovich không những được mời mà lại còn được mong mời thiết tha nữa, vì ông hầu như là vị khách trọng yếu nhất trọ trong nhà nầy. Đến như bà Amalya Ivanovna cũng được mời mọc một cách kính cẩn, bất chấp những chuyện lôi thôi trước đây, cho nên bây giờ bà ta đang lo lắng dọn dẹp, sai bảo như bà chủ nhà, và hầu như cũng cảm thấy thú vị trong việc nầy. Hơn nữa bà ta lại ăn mặc rất sang, tuy là kiểu áo tang nhưng cũng may bằng lụa mới tinh, ren thùa lộng lẫy, và rất lấy làm hãnh diện với cách trang phục đó. Những tin tức thu lượm được gợi cho Piotr Petrovich một ý định, và ông trở về phòng riêng, tức là phòng của Andrey Xemionovich Lebeziatnikov, trong một tâm trạng có phần đăm chiêu tư lự. Số là ông cũng được biết rằng trong các khách khứa được mời đến dự tiệc có cả Raxkonikov.

Andrey Xemionovich suốt buổi sáng hôm ấy ở nhà. Giữa ông ta với Piotr Petrovich đã hình thành những mối quan hệ kỳ lạ, song cũng có phần tự nhiên: Piotr Petrovich khinh miệt và thù ghét ông ta không bỏ đâu cho hết hầu như ngay từ hôm đầu đến ở đât, nhưng mặt khác lại dường như có ý sợ ông ta. Lên Petersburg, Piotr Petrovich đến ở nhà Andrey Xemionovich không phải chỉ vì tính tằn tiện bủn xỉn: hình như đó chính là lý do chủ yếu, nhưng ngoài ra lại còn một lý do khác nữa. Hồi còn tỉnh nhỏ ông ta đã có nghe nói Andrey Xemionovich, người trước kia được ông ta làm giám hộ, là một trong những người thanh niên tiến bộ hăng hái nhất và hơn nữa còn đóng một vai trò quan trọng trong một số tổ chức ly kỳ, gần như huyễn hoặc. Điều đó gieo một ấn tượng khá mạnhvào óc Piotr Petrovich. Tất cả những tập đoàn đó, gồm những kẻ có thế lực, biết nhiều, khinh miệt và lên án mọi người, đã từ lâu gây nên trong lòng Piotr Petrovich một mối sợ hãi đặc biệt song cũng hết sức mơ hồ. Dĩ nhiên, nhất là hồi ở tỉnh nhỏ, ông ta không thể nào có một khái niệm chính xác hay dù chỉ gần đúng thôi cũng vậy, về những việc đại loại như thế. Cũng như mọi người, ông có nghe nói có những đảng phải gọi là tiến bộ, hư vô chủ nghĩa, những phải tố cáo v.v, nhất là ở Petersburg; nhưng cũng như nhiều người khác, ông ta phóng đại và bóp méo ý nghĩa những danh từ nầy đến mức quái gở. Đã mấy năm nay ông ta sợ nhất những vụ tố cáo công khai, và đó chính là điều chủ yếu khiến ông luôn luôn lo lắng quá mức, nhất là khi tính chuyện dọn lên Petersbung hoạt động. Về mặt nầy ông phát hoảng lên như trẻ nhỏ thường phát hoảng. Cách đây mấy năm, hồi còn ở tính nhỏ, khi mới bắt đầu xây dựng sự nghiệp, ông đã gặp hai trường hợp những nhân vật khá quan trọng bị tố cáo công khai một cách tàn nhẫn, lại là những người ông ta vẫn bấu víu, nương tựa. Một trong hai vụ đó kết thúc một cách đặc biệt nhục nhã cho người bị tố cáo, còn vụ kia thì thậm chí đã suýt thành chuyện lôi thôi to. Chính vì thế cho nên Piotr Petrovich đã định hễ đến Petersbung là tìm hiểu ngay tình thế, và nếu cần, phải đón trước và lấy lòng “các thế hệ trẻ”. Về mặt nầy ông trông mong vào Andrey Xemionovich và khi đến thăm Raxkonikov chẳng hạn, ông cũng đã tuôn ra được dăm câu học lỏm. Dĩ nhiên chẳng mấy lâu ông ta đã có đủ thì giờ thấy rõ Andrey Xemionovich là một con người hết sức tầm thường và khá ngờ nghệch. Nhưng điều đó không hề mảy may làm cho Piotr Petrovich thay đổi định kiến và vững tâm thêm.

Dù ông có thấy rõ rằng bọn tiến bộ cũng đều là những tay ngốc nghếch cả, thì ông cũng không bớt lo lắng chút nào. Nói cho đúng ra. Ông không hề quan tâm đến những học thuyết, tư tưởng, hệ thống mà Andrey Xemionovich không ngớt nhồi vào tai ông. Ông có một mục đích riêng. Ông chỉ cần biết ngay: càng sớm càng tôi, là tình hình ở đây ra sao? Những con người ấy có thế lực hay không? Bản thân có điều gì đáng sợ không? Nếu ông mưu toan việc nầy việc nọ thì họ có tố cáo hay không, nếu họ tố cáo, thì cụ thể họ sẽ lên án cái gì, và đặc biệt hiện nay họ đang tố cáo cái gì. Thế vẫn chưa đủ: liệu có cách gì ẩn ý với họ và lợi dụng họ, nếu quá họ có thế lực thật? Có cần phải làm như thế không? Chẳng hạn, liệu có thể nhờ chính họ làm trung gian đề ngấm ngầm xây dựng một cái gì trên con đường sự nghiệp không. Nói tóm lại, trước mắt có đến hàng trăm vấn đề.

Andrey Xemionovich là một người công chức khẳng kheo, nước da vàng vọt, người thấp bé, râu và tóc vàng một cách kỳ lạ, rất hãnh diện với bộ ria má tia thành cốt-lét. Hơn nữa ông ta luôn luôn đau mắt. Tính ông ta hơi nhu nhược, nhưng ăn nói thì lại khá chững chạc quả quyết và đôi khi còn rất bạo miệng nữa: lối ăn nói đó bao giờ cũng gây một sự tương phản buồn cười với dáng người loắt choắt của ông ta. Ở nhà bà Amalya Ivanovna ông được liệt vào hạng khách trọ đứng đắn, nghĩa là không rượu chè bê tha và trả tiền nhà sòng phẳng. Tuy có những đức tính đó, Andrey Xemionovich quả nhiên vẫn hơi khờ khạo. Ông ta nhiệt thành hướng theo phái tiến bộ và “các thế hệ trẻ của chúng ta”. Đó là một trong vô số những hạng nhãi con quặt quẹo dốt nát, hợm hĩnh và tầm thường làm thành cái lũ ô hợp bao giờ cũng chộp lấy tư tưởng thời thượng nhất để rồi lập tức làm cho nó hoá ra dung tục, biến tất cả thành một thứ biếm hoạ, mặc dầu cũng có khi họ phụng sự những lý tưởng đó một cách hết sức chân thành.

Và chăng, Lebeziatnikov tuy là người rất tốt bụng, nhưng cũng bắt đầu thấy khó chịu với người cùng trọ và là người giám hộ cũ của mình: Piotr Petrovich. Cả hai bên đều đâm ra có ác cảm với nhau như vậy một cách tự phát. Tuy Andrey Xemionovich quả có khờ khạo thật, nhưng dần dần cũng bắt đầu thấy rõ Piotr Petrovich lợi dụng mình và trong thâm tâm vẫn khinh miệt mình, rằng “con người nầy có một cái gì không thật”. Andrey Xemionovich đã thử trình bày cho ông ta nghe về hệ thống của Fourier và học thuyết Darwin, nhưng Piotr Petrovich, nhất là ít lâu nay, bắt đầu có thái độ quá ngạo nghễ trong khi nghe, và mấy ngày vừa qua lại còn lên tiếng chửi bới nữa. Số là do bản năng ông ta đã bắt đầu hiểu ra rằng Lebeziatnikov không những là một kẻ tầm thường và ngốc nghếch, mà có lẽ lại còn là một tay khoác lác nữa, và không hề có thế lực gì đáng kể ngay trong tập đoàn của hắn cũng vậy, chẳng qua chỉ được người ta mớm lại cho thôi: hơn nữa, ngay cả cái nghề của hắn ta là nghề tuyên truyền, có lẽ hắn cùng không biết cho đến nơi đến chốn, cho nên thường hay lúng túng quá mức, còn nói gì đến chuyện hắn có thể tố cáo ai. Nhân tiện cũng xin nói qua rằng mươi ngày gần đây, nhất là hồi đầu, Piotr Petrovich vui lòng nhận những lời tâng bốc khá kỳ quặc của Andrey Xemionovich, nghĩa là ông ta lặng thinh không cãi lại khi Andrey Xemionovich gán cho ông cái sẵn sàng góp phần vào việc xây dựng một “công xã” mới sắp tổ chức ở một nơi nào trên phô Mesanxkaya; hay là không cản trở Dunia, nếu ngay trong tháng đầu chung sống, cô ta nảy ra ý bắt nhân tình chẳng hạn; hoặc giả không rửa tội cho con cái sau nầy v.v… và v.v… đại loại như thế. Theo thói thường, Piotr Petrovich không cải chính những đức tính mà người ta gán cho mình, dù nó có kỳ quặc như thế nữa thì ông cũng để yên, vì bất cứ lời tâng bốc nào cũng đều làm cho ông thích thú.

Sáng hôm ấy Piotr Petrovich vừa đi đổi mấy xấp giấy bạc về, đang ngồi trước bàn đếm lại. Andrey Xemionovich, xưa nay hầu như không bao giờ có tiền, đang đi lại trong phòng và vờ làm ra vẻ như nhìn những xấp giấy bạc ấy một cách dửng dưng, thậm chí còn khinh bỉ nữa. Ngược lại, Piotr Petrovich không đời nào có thể tin rằng Andrey Xemionovich thật tình có thể nhìn mớ tiền ấy một cách thản nhiên; về phần mình Andrey Xemionovich lại chua chát nghĩ rằng quả nhiên Piotr Petrovich có thể nghĩ về mình như vậy, có lẽ lại còn hài lòng vì có dịp trêu thêm ông bạn trẻ với mấy xấp giấy bạc bày la liệt trên bàn, nhắc cho ông bạn nhớ đến cái thân phận hẩm hiu của mình và thấy hết sự khác nhau rõ rệt giữa hai người.

Lần nầy Andrey Xemionovich thấy Piotr Petrovich có vẻ cáu bẩn và lơ đãng hơn hẳn mọi khi, tuy ông ta đã bắt vào câu chuyện ưa thích nhất là việc thành lập một “công xã” đặc biệt. Những câu nhận xét và bắt bẻ nhát gừng mà Piotr Petrovich thốt lên trong khi thấy những hòn xâu kêu lách cách trên chiếc bàn tính, lộ rõ ý giễu cợt vô lề và cố tình. Nhưng Andrey Xemionovich vốn là người “nhân đạo”, nghĩ rằng tâm trạng Piotr Petrovich là do cuộc đoạn tuyệt với Dunia hôm qua mà ra, và nóng lòng muốn chuyển câu chuyện sang vấn đề ấy; ông ta có những ý kiến rất tiến bộ và có tác dụng tuyên truyền để đem nói về việc nầy, có thể an ủi ông bạn đáng kính, và “chắc chắn” sẽ giúp cho ông ta tiến bộ thêm.

– Ở nhà cái mụ… cái bà quả phụ ấy dọn tiệc tùng gì thế? – Piotr Petrovich bỗng ngắt lời Andrey Xemionovich ở đoạn lý thú nhất.

– Làm như thể ông không biết ấy? Hôm qua tôi đã trình bày cho ông nghe ý kiến của tôi về các thứ lễ nghi ấy rồi mà… Bà ta cũng có mời cả ông nữa, tôi nghe nói thế. Hôm qua chính ông cũng có nói chuyện với bà ta…

– Tôi không thể ngờ cái con mẹ ngốc nghèo kiết ấy lại đem hết số tiền của cái thằng ngốc kia cho ra dọn tiệc. Ngay lúc nãy đi ngang qua nhà mụ, tôi cũng vẫn lấy làm lạ: sửa soạn nhặng xị cả lên, lại có cả rượu riếc nữa! Mụ ta đã mời được mấy người có ma nó biết là hạng người nào! – Piotr Petrovich nói tiếp, luôn luôn đặt câu hỏi và gợi cho Lebeziatnikov nói, hình như đang có một chủ ý gì trong đầu. – Sao? Ông bảo mụ ta mời cả tôi à? – Ông bỗng ngẩng đầu lên hỏi. – Lúc nào? Tôi không nhớ. Dù sao tôi cũng không đến. Tôi đến làm gì? Hôm qua tôi chỉ nhân tiện nói qua với mụ là với tư cách quả phụ của một người công chức đang túng bấn, mụ có thể nhận được một số tiền trợ cấp tạm thời chi dụng trong một năm. Có lẽ vì thế mà mụ ta mời tôi chăng? Hê – hê!

– Tôi cũng không có ý định đến dự, – Lebeziatnikov nói.

– Còn phải nói! Đã thẳng tay đánh người ta còn đến làm gì: cũng ngượng chứ, hê – hê!

– Ai đánh? Đánh ai? – Lebeziatnikov bỗng sửng cồ lên, mặt đỏ gay.

– Thì tháng trước ông đánh cái mụ Katerina Ivanovna chứ còn ai nữa! Hôm qua tôi có nghe nói… Tư tưởng của các ông là thế đấy? Cứ nói bênh vực phụ nữ mãi. Hê – hê – hê!

Và Piotr Petrovich có vẻ như hả dạ, lại bắt tay vào gẩy bàn tính.

– Chỉ là chuyện nhảm, chuyện vu khống! – Lebeziatnikov lồng lên (ông ta rất sợ nhắc đến chuyện nầy) – hoàn toàn không phải như thế! Việc xảy ra khác hẳn… Ông nghe nhầm đấy; chuyện đồn bậy? Hôm ấy tôi chỉ tự vệ mà thôi. Chính mụ ta giương nanh giương vuốt ra xông vào tôi trước… Mụ ta vặt mất của tôi cả một bên ria má… Tôi thiết tưởng người ta có quyền bảo vệ thân thể mình chứ. Hơn nữa tôi không cho phép ai hành hung tôi hết… Nguyên tắc của tôi là như vậy. Vì thế kia là lộng hành. Ông bảo tôi phải làm thế nào: cứ đứng ì ra đấy cho mụ ta đánh à? Tôi chỉ ấy mụ ta ra thôi!

– Hề – hê – hê! – Lugin vẫn cười hằn học.

– Ông gây chuyện với tôi là vì chính ông đang cay cú còn như cái chuyện nhảm ấy thì quyết không dính dáng gì đến vấn đề phụ nữ? Ông hiểu sai rồi; tôi còn nghĩ rằng nếu đã cho là phụ nữ dính dáng với nam giới về mọi phương diện, ngay cả về thể lực nữa, như người ta đã khẳng định, thì trong trường hợp nầy cũng phải bình đẳng chứ. Dĩ nhiên sau đó tôi nghĩ ra rằng kỳ thực không thể đặt vấn đề đó ra, vì ẩu đả là không được rồi, và trong xã hội tương lai không thể có ẩu đã… và dĩ nhiên trong chuyện ẩu đá mà cũng đòi hỏi bình đẳng thì thật chướng, tôi không đến nỗi ngu như thế… tuy vẫn có ẩu đả, nghĩa là sau nầy sẽ không còn, nhưng bây giờ thì vẫn còn… Xì! Quỷ thật! Nói với ông thật khó? Tôi không đến dự tiệc tang không phải vì chuyện ấy Tôi không đến chỉ vì muốn giữ nguyên tắc: để khỏi tham gia vào một hủ tục, chỉ có thế! Vả chăng cũng có thể đến để cười cho vui thế thôi… Nhưng tiếc là không có mấy ông cố đạo. Giá có thì thế nào tôi cũng đến.

– Nghĩa là ông định ngồi vào bàn của người ta mà ăn rồi nhổ vào đĩa và nhổ luôn vào mặt những người đã mời ông ăn chứ gì?

– Tuyệt nhiên không phải là phi nhổ, mà là phản đối! Vì một mục đích tốt. Như vậy tôi có thể gián tiếp góp phần tuyên truyền cho tư tưởng tiến bộ. Mọi người đều có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tiến bộ, có lẽ càng mạnh càng tốt, tôi sẽ có thể gieo rắc một tư tưởng, một hạt giống. Và từ hạt giống ấy sẽ nẩy ra một sự kiện. Như thế thì có gì xúc phạm đến họ? Lúc đầu họ sẽ mếch lòng nhưng về sau chính họ sẽ thấy là tôi giúp ích cho họ. Đấy như người ta buộc tội cho cô Terebieva (cô ta bây giờ đã vào “công xã”) vì khi cô ta bỏ gia đình ra đi và… trao thân cho kẻ khác. Cô ta đã viết thư cho cha mẹ nói là không muốn sống giữa những thành kiến cũ và muốn tự do kết hôn; người ta bảo như thế quá thô bạo đối với cha mẹ, lẽ ra nên nương nhẹ họ, viết cho dịu dàng hơn. Theo tôi thì đó toàn là chuyện nhảm, quyết không cần dịu dàng gì cả, mà trái lại, trái lại, đây chính là nơi cần phản đối thật mạnh. Kìa như bà Varentx chung sống với chồng bảy năm, bỏ hai con lại rồi viết thư nói dứt khoát với chồng: “Tôi đã nhận thức rằng sống với ông tôi không thể có hạnh phúc được. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông đã lừa dối tôi, giấu giếm không cho tôi biết rằng có một cơ cấu xã hội khác mà phương tiện tổ chức là công xã. Cách đây không lâu một con người hào hiệp đã cho tôi biết điều đó, tôi đã trao thân cho người ấy và sẽ cùng người ấy xây dựng công xã. Tôi nói thẳng ra như thế, vì tôi cho rằng lừa dối ông là bất lương. Ông muốn thu xếp cho bản thân như thế nào thì tuỳ ông. Ông đừng hòng kéo tôi trở lại, ông lạc hậu quá rồi. Tôi muốn được hạnh phúc”. Đấy, viết loại thư nầy là phải viết như thế!

– Cái cô Terebieva ấy chính là người mà dạo trước ông có nói là đã tự do kết hôn đến lần thứ ba đấy phải không?

– Xét cho đúng ra thì chỉ mới lần thứ hai! Mà dù có đến lần thứ tư, lần thứ mười lăm đi nữa thì cũng có can hệ gì. Và nếu có lúc nào tôi tiếc rằng cha mẹ tôi đã mất đi thì đó chính là lúc nầy, dĩ nhiên. Tôi lại còn có mấy lần mơ ước rằng nếu họ còn sống, tôi sẽ phản kháng cho họ một mẻ ra trò! Tôi sẽ cố ý làm như vậy… Tôi sẽ cho họ biết tay, chà! Tôi sẽ cho họ thấy! Họ sẽ được một mẻ kinh ngạc. Thật tiếc là tôi chẳng còn còn ai!

– Để cho họ kinh ngạc chứ gì? Hê – hê! Thôi được, ông muốn làm gì thì cứ làm: – Piotr Petrovich ngắt lời, – nhưng nầy, ông thử nói tôi nghe một chút: ông có biết con gái người quá cố thì phải, cái cô gầy gầy ấy mà! Những điều họ đồn về cô ta hoàn toàn đúng đấy chứ?

– Thì đã sao? Theo tôi, nghĩa là theo quan điểm riêng của tôi, đó chính là một tình trạng hết sức bình thường của phụ nữ. Sao lại khờng? Nghĩa là distinguons1. Trong xã hội hiện thời dĩ nhiên nó không phải là bình thường lắm, vì đó là một tình trạng bất đắc dĩ, chứ trong xã hội tương lai thì nó hoàn toàn binh thường, vì đó là một cách sống tự do. Mà ngay bây giờ cô ta cũng có quyền: cô ta đã từng đau khổ, và đó là cái vốn của cô ta, có thể nói là cái tư bản mà cô ta có toàn quyền sử dụng. Dĩ nhiên trong xã hội tương lai sẽ không cần có vốn gì nữa; nhưng vai trò của người gái điếm sẽ được xác định theo một hướng khác, sẽ được xác định một cách công bằng hợp lý. Còn riêng cả nhân Sofia Xemionovna thì hiện nay tôi coi hành vi của cô ta như một sự phản kháng cụ thể và kịch liệt chống lại cơ cấu xã hội và do đó tôi hết sức kính trọng cô ta; thậm chí nhìn cô ta tôi còn thấy hả lòng hả dạ nữa.

– Thế mà người ta kể với tôi rằng ông đuổi cô ta ra khỏi nhà trọ nầy!

Lebeziatnikov nổi khùng lên.

– Đó lại là một lời vu khống – Ông ta thét lên. – Hoàn toàn, hoàn toàn không phải thế? Đó là cái mụ Katerina Ivanovna mụ ấy nói bậy như thế, vì mụ chẳng hiếu gì sất! Mà tôi cũng không hề đeo đuổi cô Sofia Xemionovna. Chẳng qua tôi chi muốn giúp cô ta tiến bộ thôi, một cách hoàn toàn vô tư, nhằm cổ vũ tinh thần phản kháng trong cô ta… Tôi thì tôi chỉ cần sự phản kháng, còn bản thân Sofia Xemionovna thì lẽ tự nhiên không thể trọ ở đây được nữa rồi?

– Ông rủ cô ấy tham gia công xã chứ gì?

– Ông cứ nhạo báng mãi, mà nhạo báng một cách vụng về nhạt nhẽo, xin nói rõ như thế. Ông không hiểu gì hết? Trong công xã không làm gì có những vai trò như thế. Công xã lập ra chính là để đừng có những vai trò như thế nữa. Trong công xã vai trò đó thay đổi hẳn thực chất của nó, và cái gì ở đây là ngu xuẩn thì ở đấy lại là thông minh, cái gì trong hoàn cảnh hiện nay là phi tự nhiên thì trong công xã lại sẽ thành ra hoàn toàn tự nhiên. Tất cả đều tuỳ ở chỗ con người sống trong hoàn cảnh nào và môi trường nào. Tất cả đều do môi trường, bản thân con người chẳng là cái gì hết. Còn đối với Sofia Xemionovna thì cho đến nay tôi vẫn là chỗ thân tình: điều đó là một bằng chứng có thể cho ông thấy rõ rằng cô ta chưa bao giờ xem tôi là một kẻ thù, một người đã xúc phạm đến cô ta. Phải! Ngay bây giờ tôi cũng đang lôi kéo cô ta vào công xã, nhưng trên những cơ sở khác hẳn, khác hẳn! Có gì mà ông cười! Chúng tôi muốn thành lập một công xã riêng, đặc biệt, nhưng trên những cơ sở rộng rãi hơn trước. Chúng tôi cải tiến thêm các (quan điểm của chúng tôi. chúng tôi phủ nhận nhiều hơn! Giá Dobroliubov sòng lại, tôi sẽ tranh luận với ông ta! Còn như Bielinski thì tôi sẽ trị cho một mẻ. Trong khi chờ đợi, tôi tiếp tục giáo dục Sofia Xemionovna. Bản chất cô ta hết sức tốt đẹp!

– Ấy thế là ông lợi dụng cái bản chất tốt đẹp ấy chứ gì? Hê – hê!

– Không, không! Ồ, không Ngược lại ấy chứ?

– Làm gì có chuyện ngược lại! Hê – hê – hê… Nói thế mà nghe được!

– Ông phải tin mới được chứ! Vì lý do gì tôi lại đi che giấu ông, ông thử nói xem! Trái lại, chính tôi cũng lấy làm lạ: đối với tôi cô ta có vẻ trình bạch và cả thẹn đến mức sợ sệt quá mức ấy!

– Còn ông thì dĩ nhiên là ông giáo dục… hê hê! Ông chứng minh cho cô ta thấy rằng e thẹn như thế là ngớ ngẩn chứ gì?

– Hoàn toàn không phải, hoàn toàn không phải như thế! Sao ông lại hiểu chữ giáo dục một cách thô thiển và – nói vô phép – ngu xuẩn như thế? Ông không hiểu gì hết? Trời ơi, ông còn… lạc hậu quá? Chúng tôi đi tìm tự do cho phụ nữ, còn ông thì trong óc chỉ rặt một chuyện ấy… Trong khi gạt hẳn sang một bên vấn đề trinh tiết và tính cả thẹn của phụ nữ, xem đó là những chuyện vô ích, thậm chí là những thành kiến hủ lậu, tôi vẫn hoàn toàn, hoàn toàn dung thứ thái độ e dè của cô ta đối với tôi, vì đó là ý chí, là quyền của cô ta. Dĩ nhiên nếu cô ta tự nói với tôi: “Em thèm khát anh”, thì tôi sẽ tự cho mình là người diễm phúc, vì tôi rất thích cô gái nầy; nhưng hiện nay, ít nhất là hiện nay không có ai cư xử với cô ta một cách lễ độ và kính cẩn hơn tôi, không có ai coi trọng nhân phẩm của cô ta hơn tôi… tôi đợi chờ và hy vọng – Chỉ có thế thôi!

– Tốt hơn ông nên tặng cô ta một cái gì, tôi cuộc là ông chưa nghĩ đến việc ấy đấy.

– Ông không hiểu gì hết, tôi đã nói mà! Dĩ nhiên tình cảnh cô ta là như thế, nhưng đây là một vấn đề khác! Khác hẳn! Chẳng qua ông khinh miệt cô ta. Vừa trông thấy một việc mà ông tưởng lầm là đáng khinh, ông đã không chịu nhìn một con người bằng một con mắt nhân đạo nữa. Ông chưa biết bản chất cô ta ra sao! Tôi chỉ bực mình là gần đây cô ta chẳng đọc gì cả và không mượn sách của tôi nữa. Trước kia cô vẫn mượn đấy. Cũng đáng tiếc là mặc dầu cô ta có một tinh thần phản kháng mạnh mẽ và cương quyết, như hành động của cô, ta đã cho thấy một lần, cô ta vẫn dường như ít tính độc lập? Ít sức phủ nhận, cho nên không dứt hẳn được ra khỏi một số thành kiến và… tư tưởng ngu xuẩn. Tuy vậy, có một số vấn đề cô ta hiểu rất rõ. Chẳng hạn, cô ta hiểu rất thấu đáo vấn đề hôn tay, nghĩa là nếu một người đàn ông hôn tay một người đàn bà, tức là đã có một quan niệm bất bình đắng xúc phạm tới phụ nữ. Chúng tôi có thảo luận vấn đề nầy, và tôi đã lập tức truyền đạt lại cho cô ta. Về các hiệp hội công nhân ở Pháp cô ta cũng nghe khá chăm chú. Hiện nay tôi đang giải thích cho cô ta hiểu vấn đề tự do vào phòng người khác trong xã hội tương lai.

– Lại chuyện gì nữa thế?

– Gần đây chúng tôi có thảo luận vấn đề: một thành viên công xã có quyền vào phòng một thành viên khác không, dù là đàn ông hay đàn bà, bất cứ vào lúc nào… rốt cục chúng tôi đã giải quyết là có quyền…

– Thế nếu lúc ấy người kia đang thoả mái những nhu cầu thiết yếu thì sao, hê – hê!

Andrey Xemionovich nổi giận lên.

– Ông thì cứ nói mãi đến những “nhu cầu” chết tiệt ấy! – Ông ta hằn học quát lên, – Chà, tôi thật bực mình vì khi trình bày cho ông nghe quan điểm tôi đã nhắc quá sớm đến những nhu cầu chết tiệt ấy! Mẹ kiếp! Đó là một vấn đề gay go nhất đối với những người như ông, và tệ hơn cả là các ông chưa biết đầu đuôi ra sao đã chế nhạo rồi! Cứ như thể mình đúng lắm ấy! Cứ như thể dáng lấy làm tự hào lắm! Xì! Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng đối với những người mới tập tõm thì không có cách nào khác là trình bày vấn đề nầy sau cùng, khi họ đã tin chắc vào hệ thống, khi họ đã có trình độ kha khá và có định hướng. Ấy, ông thử hỏi xem ông thấy có gì đáng thẹn và đáng khinh trong cái hố vệ sinh chẳng hạn? Tôi thì tôi sẵn sàng tiên phong đi dọn bất cứ hố vệ sinh nào! Thậm chí ở đây cũng không có gì là hy sinh cả! Đây chỉ là một công việc, một hoạt động cao quý, hữu ích cho xã hội, không thua kém bất cứ hoạt động nào khác, mà lại còn hơn mọi hoạt động của một Raphaen hay một Puskin nào đó chẳng hạn, vì có ích hơn.

– Và cao quý hơn, cao quý hơn, hê – hê…

– Thế nào là cao quý hơn? Tôi không thể quan niệm rằng từ nay có thể dùng để đánh giá hoạt động của con người được “cao quý hơn”, “hào hiệp hơn”, toàn là chuyện nhảm nhí, chuyện vô lý, những từ cũ kỹ đầy thành kiến, mà tôi nhất định phủ nhận! Cái gì có ích cho nhân loại thì cái ấy cao quý. Tôi chỉ hiểu có một từ: có ích. Ông muốn cười thì cứ cười, nhưng sự thật nó như thế đấy!

Piotr Petrovich cười ha hà. Ông ta vừa đếm tiền xong và đem cất đi nhưng vẫn còn để lại một phần ở trên bàn, không biết để làm gì. Cái vấn đề “hố vệ sinh” nầy tuy tầm thường như vậy, song cũng đã mấy lần làm cho Piotr Petrovich và ông bạn trẻ xung đột với nhau.

Sở dĩ những cuộc xung đột ấy đâm ra ngớ ngẩn, ngu xuẩn cũng chỉ vì Andrey Xemionovich nổi giận thật sự.

Lugin thì nhân dịp đó để giải khuây, và lúc nầy ông ta đặc biệt thấy muốn trêu gan Lebeziatnikov.

– Chỉ tại hôm qua ông bị thất bại cho nên ông mới cáu kỉnh và nhiễu sự thế! – Cuối cùng Lebeziatnikov thốt lên. Nói chung, tuy có tính “độc lập” và nhiều tinh thần “phản kháng” như vậy, không hiểu sao ông ta vẫn không dám chống chọi với Piotr Petrovich và vẫn giữ một thái độ kính nể hình như đã quen từ mất năm trưức.

– Tốt hơn là ông thử nói xem. – Piotr Petrovich cắt ngang, giọng trịch thượng và bực dọc, – Ông có thể… hay nói cho đúng hơn: có thật ông thân với người con gái nói trên không, và ông có thân với cô ta đến mức có thể mời cô ta vào đây, trong phòng nầy, ngay bây giờ không? Hình như họ ra nghĩa địa giờ đã về cả rồi thì phải… Tôi nghe tiếng họ đi lại rộn rịp lắm… Tôi có việc cần gặp cô ta một tí.

– Nhưng ông gặp làm gì? – Lebeziatnikov ngạc nhiên hỏi.

– Tôi cần gặp thế thôi. Nay mai tôi sẽ đi, cho nên tôi muốn nói cho cô ta biết… Vả chăng cũng xin ông ngồi đây trong khi tôi nói chuyện. Như thế lại còn tốt hơn nữa là khác. Nếu không, có trời biết ông sẽ nghĩ những gì.

– Tôi chẳng nghĩ gì sất… Tôi chỉ hỏi thế thôi, và nếu ông có việc cần, thì không có gì dễ hơn là gọi cô ta lên đây nữa. Tôi xuống ngây đây. Còn tôi thì xin ông tin chắc cho rằng tôi sẽ không làm phiền hai người đâu.

Quả nhiên, chừng năm phút sau Lebeziatnikov trở lại với Sonya. Nàng bước vào với một vẻ ngạc nhiên đến cực độ, vẫn như thường lệ, nàng đâm ra luống cuống. Trong những trường hợp như vậy bao giờ nàng cũng luống cuống, nàng rất sợ những người mới gặp, những cuộc làm quen; trước kia, hồi còn bé đã thế, bây giờ lại càng sợ hơn… Piotr Petrovich tiếp đón nàng một cách “ân cần và lễ độ”, song vẫn có một sắc thái thân mật cợt nhả nào đấy. Vả chăng theo ý Piotr Petrovich thì đó là một thái độ rất ổn đáng đối với một người bệ vệ đáng kính như ông ta khi đứng trước một con người trẻ tuổi và cod phần thú vị như vậy.

Ông vội vàng “khuyến khích” cho Sonya vững tâm, mời nàng ngồi trước bàn, đối diện với ông. Sonya ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh – nhìn Lebeziatnikov, nhìn mớ tiền để trên bàn, rồi lại nhìn Piotr Petrovich và không rời mắt ra nữa, như thể mắt nàng đã dán chặt vào ông ta. Lebeziatnikov đi ra phía, cả Piotr Petrovich đứng dậy, ra hiệu cho Sonya cứ ngồi và ra cửa chặn Lebeziatnikov lại.

– Cái thằng Raxkonikov có đấy không? Đến chưa? – Ông ta hỏi thì thầm.

– Raxkonikov đến rồi đấy. Sao? Phải, đến rồi… Mới vừa vào, tôi có trông thấy! Sao?

– Ấy, nếu thế tôi tha thiết xin ông ở lại đây với tôi, đừng để tôi ngồi một mình với cái cô gái nầy. Chuyện thì chẳng có gì, nhưng nhỡ người ta dị nghị nầy nọ. Tôi không muốn Raxkonikov mách lại với họ rằng… Ông có hiểu tôi muốn nói gì không?

– À, tôi hiểu, tôi hiểu! – Lebeziatnikov chợt đoán ra. – Phải, ông có quyền… Dĩ nhiên theo ý riêng tôi thì ông lo ngại như vậy cũng hơi quá, nhưng… dù sao ông cũng có quyền. Tôi ở lại cũng được. Tôi sẽ đứng đây, cạnh cửa sổ, và sẽ không làm phiền ông… Theo tôi thì ông có quyền.

Piotr Petrovich trở lại ngồi trên đi-văng, đối diện với Sonya, chăm chú nhìn nàng, rồi bỗng làm ra mệt vẻ mặt cực kỳ trang trọng, lại có phần nghiêm khắc nửa như muốn nói: “Nầy cô, đừng có nghĩ xằng đấy nhé”. Sonya đâm ra luống cuống hẳn hoi.

– Cô Sofia Xemionovna, trước hết xin cô chuyển lời cáo lỗi của tôi cho mẹ cô… Hình như bà Katerina Ivanovna là người thay thế cho mẹ cô phải không ạ?

Piotr Petrovich mở đầu một cách trang trọng nhưng cũng khá ôn tồn. Có thể thấy rõ ông ta có những ý định hết sức thân thiện.

– Vâng ạ, đúng thế đấy ạ, thay cho mẹ tôi đấy ạ, – Sonya đáp hấp tấp và sợ sệt.

– Ấy đã thế thì cô chuyển hộ lời cáo lỗi của tôi, là vì những hoàn canh không tuỳ thuộc ý tôi, tôi buộc lòng phải vẳng mặt trong bữa chén… và trong bữa tiệc tang, tuy mẹ cô đã có nhã ý mời.

– Vâng ạ, tôi sẽ xin nói lại ngay bây giờ, – đoạn Sonya vội vã đứng dậy.

– Nhưng hết ạ, – Piotr Petrovich ngăn nàng lại, miệng mỉm cười, vì thấy nàng ngờ nghệch, lại không biết phép lịch sự, – Cô Sofia Xemionovna thân mến ạ, nếu cô nghĩ rằng chỉ vì một việc nhò mọn chỉ liên quan đến tôi như vậy mà tôi lại dám phiền đến cô và mời một thiếu nữ như cô đến phòng tôi, thì cô quả không biết rõ tôi mấy. Tôi có một mục đích khác.

Sonya hấp tấp ngồi xuống. Những tờ giấy bạc ngũ sắc còn bày ngổn ngang trên bàn lại lấp loáng trước mắt nàng, nhưng nàng vội vã quay mặt đi, ngẩng lên nhìn Piotr Petrovich: nàng chợt thấy rằng nhìn tiền bạc của người khác là một việc tối bất chính, nhất là đối với một người như nàng. Nàng đã toan nhìn vào đôi kính tay gọng vàng của Piotr Petrovich đang cầm ở tay trái và chiếc nhẫn to bản rất đẹp mặt hố phách, đeo ở ngón giữa bàn tay ấy, nhưng rồi nàng lại đột nhiên quay đi, và không biết nhìn đi đâu cho ổn, nàng lại nhìn thẳng vào mắt Piotr Petrovich. Ông ta im lặng một lát, vẻ còn bệ vệ hơn trước nữa, rồi nói tiếp.

– Hôm qua, nhân đi qua nhà, tôi có dịp trao đổi mấy lời với bà Katerina Ivanovna bất hạnh. Chỉ cần hai câu cũng đủ cho tôi thấy rằng bà đang ở trong một tình trạng… phi tự nhiên, nếu có thể nói như thế…

– Vâng ạ… phi tự nhiên, – Sonya vội vã tán đồng.

– Hay nói cho đơn giản, dễ hiểu hơn, là một tình bệnh hoạn.

– Vâng, đơn giản và để… vâng ạ, bệnh hoạn.

– Thế đấy. Cho nên, vì lòng nhân đạo và – à – à… có thể nói là vì lòng trắc ẩn, tôi có ý muốn về phần mình làm một việc gì có ích, vì đã thấy trước số phận khốn đốn không sao tránh khỏi của bà. Mà hình như cả gia đình bây giờ cũng chỉ biết trông vào cô nữa thôi.

– Xin phép ông, – Sonya bỗng đứng dậy, – Cho tôi được hỏi: hình như hôm qua ông có nói chuyện với dì tôi rằng có thể được một số tiền trợ cấp phải không ạ! Vì hôm qua dì tôi có bảo là ông sẽ lo cho dì tôi được hưởng trợ cấp. Có phải thế không ạ?

– Hoàn toàn không phải như thế, và về một phương diện nào đó, lại còn vô lý nữa là khác. Tôi chỉ muốn ám chỉ đến chế độ trợ cấp tạm thời cho quả phụ một công chức chết trong khi thừa hành nhiệm vụ, ấy là nói nếu có người che chở cho. Nhưng hình như ông thân sinh cô không những làm việc chưa đủ thời hạn, mà gần đây lại không làm gì cả nữa. Nói tóm lại, tuy cũng có thể hy vọng đấy, nhưng rất mong manh, vì trong trường hợp nầy thật ra không hề có quyền được trợ cấp, mà trái lại nữa là khác… Thế mà bà ta đã nghĩ đến tiền trợ cấp, hê – hê – hê! Bà ta kể cũng nhanh nhảu nhật!

– Vâng ạ, về số tiền trợ cấp… Vì dì tôi vốn cả tin và tốt bụng, mà người tốt bụng thì cái gì cũng tin, và… và trí óc dì tôi lại như thế… vâng ạ… xin phép ông…, – Sonya nói đoạn lại đứng dậy để đi ra.

– Xin cô ngồi lại, cô chưa nghe hết.

– Vâng ạ, tôi chưa nghe hết, – Sonya lắp bắp.

– Thế thì cô ngồi xuống.

Sonya hết sức lúng túng ngồi xuống, lần nầy là lần thứ ba – Thấy tình cảnh bà ta với lũ con thơ côi cút như vậy tôi… cũng muốn, như tôi đã nói, giúp đỡ phần nào gọi là trong chừng mực có thể, chứ không hơn được. Chẳng hạn có thể tổ chức lạc quyên, hay gọi là xổ số gì đấy trong những trường hợp như thế nầy, những người thân, hay những người lạ có thiện ý muốn giúp đỡ cũng thế, thường làm như vậy. Đây tôi muốn nói với cô chuyện ấy may ra có thể.

– Vâng ạ, được ạ… Xin Chúa ban phúc cho ông đã… – Sonya nói lắp bắp, mắt nhìn Piotr Petrovich đăm đăm.

– Có thể, nhưng… sau ta sẽ bàn, nghĩa là cũng có thể bắt đầu ngay hôm nay. Đến tối ta sẽ gặp nhau bàn bạc và có thể nói là đặt một cơ sở cho việc nầy. Bây giờ tối xin mời cô cứ ghé lại đây. Tôi hy vọng rằng Andrey Xemionovich cũng sẽ… tham dự, nhưng… ở đây có một việc cần phải bàn trước và bàn kỹ. Chính vì thế mà tôi đã phải phiền đến cô, Sofia Xemionovna ạ. Cụ thể là theo tôi, nếu đưa tiền cho bà Katerina Ivanovna thì nguy hiểm không thể làm như thế được. Chính bữa tiệc tang hôm nay cũng chứng tỏ điều đó. Có thể nói là không có lấy một miếng bánh để dành đến ngày mai và… đấy, một đôi giầy cũng không có, thế mà lại mua cả rượu Rom Yamaik, rượu Madera và cả cả-phê nữa thì phải. Khi đi ngang tôi có trông thấy. Đến mai tất cả sẽ đổ lên đầu cô, kể cả việc kiếm miếng bánh qua bữa, thật là vô lý. Cho nên theo ý riêng tôi, cuộc lạc quyên phải tiến hành sao cho bà quả phụ khốn khổ đừng biết là có tiền, mà chỉ có cô biết thôi chẳng hạn. Có đúng không?

– Tôi không biết ạ Chỉ có hôm nay dì tôi mới thế… cả đời chỉ có một lần… dì tôi rất muốn nhắc nhở, cho hương hồn… dì tôi rất thông minh ạ. Vả chăng cũng tuỳ ý ông: tôi sẽ rất, rất… cả nhà sẽ đội ơn ông… Và Chúa sẽ… cả lũ trẻ mồ côi cũng sẽ…

Sonya không nói hết được. Nàng khóc oà lên.

– Được! Thế thì cô lưu ý cho; còn bây giờ xin cô vui lòng nhận tạm cho số tiền nhỏ mọn nầy, của cá nhân tôi gửi để giúp mẹ cô. Tôi thiết tha mong rằng tên tôi sẽ không được nhắc đến. Đấy… vì chính tôi cũng đang có nhiều việc phải lo, nên tôi không thể giúp nhiều hơn.

Và Piotr Petrovich cẩn thận vuốt thẳng một tờ giấy mười rúp, đưa cho Sonya. Sonya đỏ mặt cầm lấy, đứng phắt dậy lẩm bẩm câu gì không rõ và hối hả cúi chào. Piotr Petrovich trang trọng đưa nàng ra cửa. Nàng bước vội ra ngoài, lòng bồi hồi day dứt, và trở về phòng Katerina Ivanovna, hết sức bối rối.

Suốt thời gian hai người nói chuyện, Andrey Xemionovich khi thì đứng ở cửa sổ, khi thì đi bách bộ trong phòng, không muốn phá ngang câu chuyện; khi Sonya đã ra khỏi, ông ta vội đến cạnh Piotr Petrovich và long trọng chìa tay ra:

– Tôi đã nghe hết và trông thấy hết, – Andrey Xemionovich nói, đặc biệt nhấn mạnh hai chữ “trông thấy” – Thật là cao quý, và tôi muốn nói là nhân đạo! Ông muốn tránh cảm ơn, tôi thấy rồi! Và tuỳ theo nguyên tắc tôi thú thật là không thể đồng tình với lối ban ơn cá nhân, vì không những nó không thể tiêu diệt cái ác tận gốc mà còn nuôi dưỡng thêm, tuy vậy tôi cũng không thể không thừa nhận rằng tôi rất thích khi thấy hành động của ông, vâng, vâng, rất thích.

– Chà; chỉ là chuyện vặt! – Piotr Petrovich lẩm bẩm, vẻ hơi bối rối, mắt nhìn Lebeziatnikov có chiều lấm lét.

– Không, không phải là chuyện vặt! Một người đã bị lăng nhục và đang bực bội vì chuyện hôm qua như ông mà, lại có – thể nghĩ đến nỗi khổ của người khác… tuy hành động vừa rồi của ông là một sai, lầm về mặt xã hội, – một người như vậy cũng rất đáng kính phục! Thậm chí tôi không ngờ ông có thể hành động như thế, ông. Piotr Petrovich ạ, hơn nữa là vì những quan niệm của ông… Ồ! quan niệm của ông cản trở ông nhiều quá! Như câu chuyện hôm qua chẳng hạn, đã làm ông xúc động quá đáng. – Ông Andrey Xemionovich thật thà kêu lên, và ông ta lại thấy có thiện cảm với Piotr Petrovich lạ lùng. Mà tại sao, tại sao ông lại nhất thiết phải bám lấy cuộc hôn nhân ấy, cuộc hôn nhân hợp pháp ấy, hở ông Piotr Petrovich rất nhã nhặn, rất cao thượng của tôi? Việc gì ông cứ phải cần đến cái tính chất hợp pháp ấy trong hôn nhân? Ấy. Ông có đánh tôi cũng được, nhưng xin nói rằng tôi rát mừng, rất mừng khi thấy cuộc hôn nhân không thành, Và ông vẫn được tự do, đối với nhân loại, ông vẫn chưa phải, là người bỏ đi? Tôi rất mừng…ông thấy không, tôi đã nói hết ý nghĩ của tôi ra rồi đấy!

– Sở dĩ tôi cần đến hôn nhân hợp pháp như thế là vì tôi không muốn tự do kết hôn như các ông để rồi phải mọc sừng và nuôi con kẻ khác, – Lugin đáp lấy lệ. Ông ta đang mải bận tâm nghĩ một, điều gì lung lắm.

– Con cái à? Ông đề cập đến con cái? – Andrey Xemionovich giật mình như con chiến mã nghe thấy tiếng kèn trại – Con cái là một vấn đề xã hội và là một vấn đề quan trọng vào bậc nhất, tôi đồng ý như thế: nhưng vấn đề con cái phải giải quyết cách khác, thậm chí có một số người hoàn toàn phủ nhận con cái cũng như bất cứ cái gì có dính dáng đến gia đình. Tôi sẽ nói chuyện con cái sau, còn bây giờ, hẵng bàn đến chuyện mọc sừng đã. Xin thú thật đấy là nhược điểm của tôi. Cái danh từ tục tĩu, sặc mùi trại lính, đầy tính chất Puskin nầy thậm chí cũng không thể nào có được trong vốn từ vựng tương lai. Mà sừng là cái gì? Ờ, thật là sai lạc! Sừng nào? Sao lại sừng? Thật là nhảm nhí! Trái lại trong chế độ hôn nhân tự do không thể có chuyện mọc sừng được! Mọc sừng chỉ là hậu quả tự nhiên của bất cứ cuộc hôn nhân hợp phảp nào, có thể nói là một sự chỉnh lý, một sự phản kháng, cho nên hiểu theo nghĩa nầy mỏc sừng không có gì là nhục nhã. Và giả sử tôi sẽ kết hôn một cách hợp pháp – ấy là nói giả dụ một chuyện vô lý như thế – thì tôi sẽ còn lấy làm mừng khi được mang cặp sừng chết tiệt của ông, lúc đó tôi sẽ bảo vợ tôi: “Mình ạ, trước nay tôi chỉ yêu mình, nhưng đến bây giờ thì tôi lại còn kính phục mình nữa, vì mình đã biết “phản kháng”. Ông cười à? Chỉ vì ông không đủ sức gạt bỏ các thành kiến cũ? Mẹ kiếp, tôi cũng hiểu nỗi khó chịu của kẻ bị lừa trong hôn nhân hợp pháp; nhưng đó chỉ là cái hậu quả bỉ ổi của một sự việc bỉ ổi, trong đó cả hai người đều bị hạ phẩm giá. Còn đến khi sừng cắm công khai như trong hôn nhân, tự do thì nó không còn nghĩa lý gì nữa và thậm chí không, còn gọi là sừng nữa. Ngược lại, vợ ông có làm như vậy thì cùng chỉ chứng tỏ cho ông thấy rằng bà ta kính trọng ông, cho rằng ông không đời nào đi cản trở hạnh phúc của bà ta, và ông tiến bộ đến mức không nghĩ đến chuyện trả thù chỉ vì bà ta đi lấy chồng khác. Mẹ kiếp, đôi khi tôi mơ ước là nếu tôi đi lấy chồng… Chậc! nếu tôi cưới vợ (theo chế độ hôn nhân tự do hay hợp pháp cũng thế thôi), thì tôi sẽ thân hành dẫn một tình nhản đến cho vợ tôi, nếu vợ tôi mãi không bắt được nhân tình, tôi sẽ nói: “Mình ạ, tôi yêu mình, nhưng tôi lại còn muốn hơn thế nữa: tôi muốn mình kính trọng tôi đấy!” Tôi nói thế có đúng không, có đúng không nào? Piotr Petrovich vừa nghe vừa cười hềnh hệch, nhưng không có vẻ chăm chú lắm. Thậm chí ông cũng chẳng nghe mấy đỗi nữa. Quả nhiên ông ta đang suy nghĩ một điều gì khác, và cuối cùng Lebeziatnikov cũng nhận thấy thế. Thậm chí Piotr Petrovich còn có vẻ bứt rứt, hai tay cứ xoa vào nhau, vẻ mặt tư lự. Tất cả những điều đó, sau nầy Andrey Xemionovich sẽ suy xét và nhớ lại…


  1. Ta phải phân biệt (tiếng Pháp).