Chương 15

Sáng hôm sau, hơn bảy giờ Razumikhin mới thức giấc, ưu tư và trầm lặng, không hiểu sao anh cứ có một cảm giác áy náy mới lạ, bất ngờ. Chưa bao giờ anh nghĩ là sẽ có lần thức dậy trong một tâm trạng như thế. Anh nhớ lại cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những việc xảy ra hôm qua và hiểu rằng đã có một chuyện gì khác thường vừa diễn ra trong lòng anh, một ấn tượng từ trước đến nay anh chưa hề biết, không có chút gì giống những ấn tượng trước đây. Đồng thời anh cùng nhận thức rõ ràng rằng giấc mơ đã nhen nhóm lên trong lòng mình là một ao mộng cực kỳ viển vông, đến nỗi anh phải tự thấy hổ thẹn và hối hả quay sang những chuyện khác, thực tế, cấp thiết hơn mà “cái ngày khỉ gió hôm qua” đã để lại cho anh như một di sản.

Điều khiến anh kinh hãi nhất là hôm qua anh đã xử sự một cách “đê tiện và khả ố”, không phải chỉ vì anh đã say rượu mà còn vì do một lòng ghen tuông ngu xuẩn, anh đã lợi dụng hoàn cảnh bối rối của người thiếu nữ để chửi bới vị hôn phu của nàng trước mặt nàng mà không hề hay biết gì về những mối quan hệ giữa hai người, về hoàn cảnh của họ, hơn nữa cũng không biết rõ người kia thế nào. Vả lại anh có quyền gì xét đoán người ta một cách hấp tấp và bạo phổi như vậy?

Ai khiến anh lên mặt quan toà? Mà chả nhẽ một người như Avdotia Romanovna lại có thể vì tiền mà trao thân cho một con người không xứng đáng? Avdotia Romanovna mà đã thuận lấy hắn thì tất hắn phải có cái xứng đáng… Còn căn nhà trọ? Nhưng hắn làm thế nào biết được đó là loại nhà trọ nào? Dù sao hắn cũng đã tìm cho các bà ấy được một chỗ trọ… Chà! Thật là hèn hạ! Cứ đổ lỗi cho cơn say! Các chống chế dại dột ấy chỉ càng làm hạ phẩm giá mình thêm! Sự thật nó ở trong chất men, và sự thật đã lộ ra trọn vẹn, nghĩa là anh đã phơi bày trọn vẹn “sự nhơ nhuốc của cái tâm hồn đố kỵ, thô lỗ của mình”. Lẽ nào anh, Razumikhin, lại được phép ước mơ một cái gì tương tự như vậy? Mình, cái thằng say rượu khoác lác hôm qua mà lại đem sánh đối với một thiếu nữ như thế ư? Làm sao có thể có một sự so sánh vô liêm sỉ và lố bịch như vậy được? Nghĩ đến đấy Razumikhin đỏ dừ mặt, lên và ngay giây lát ấy, như có ai cố tình nhắc nhở, anh sực nhớ lại rõ ràng tối hôm qua, khi đứng trên cầu thang, anh đã nói rằng bà chủ nhà sẽ ghen với Avdotia Romanovna… Cái nầy thì thật quá lắm? Anh giáng mạnh nắm đấm vào cái lò bếp, bầm cả tay và làm vỡ một viên gạch.

Tất nhiên, – một lát sau anh lại làu bàu, lòng tủi thẹn, tất nhiên không bao giờ mình có thể xoá nhoà, cứu vãn được nhưng điều ô nhục ấy… Vậy, thì thôi, không nghĩ đến nó làm gì nữa, mình cứ lặng thinh mà đến và… cũng cứ 1ặng thinh mà làm tròn bổn phận… cũng không bào chữa, không nói gì cả, và… tất nhiên từ nay thế là hỏng hết!

Tuy vậy, khi mặc quần áo, anh cũng ngắm nghía cẩn thận hơn ngày thường. Anh không có bộ y phục nào khác, và dù có một bộ thứ hai có lẽ anh cũng không mặc, “đúng thế, mình sẽ chủ ý không mặc”. Thế nhưng dù sao cũng không thể cứ phô trương cái vẻ lôi thôi bẩn thỉu của mình ra một cách trâng tráo như vậy được: anh không có quyền xúc phạm đến sự tế nhị của người khác, nhất là khi mà những người khác ấy đang cần đến anh và chính họ lại mời anh đến. Anh chải quần áo một cách cẩn thận. Còn quần áo lót của anh thì xưa nay bao giờ cũng khá tinh tươm, vì anh vốn chú ý đặc biệt đến mặt nầy.

Sáng hôm ấy anh rửa ráy cẩn thận, lấy xà phòng nơi chị Naxtaxia gội đầu, kỳ cổ và nhất là cọ hai bàn tay. Khi đề cập đến vấn đề: nên cạo râu hay không (Praxkopia Paplovna còn giữ lại được những con dao cạo thượng hsro hạng từ nơi mồ ma ông Zarditxyn, chồng bà). Chàng đã dứt khoát giải quyết theo hướng phủ định: cứ để nguyên thế, không họ lại tưởng đâu mình cạo râu để… thế nào họ cùng sẽ nghĩ như vậy! Không, không đời nào?”.

Và nhất là mình lại thô lỗ cục cằn thế nầy, bẩn thỉu thế nầy? Lời ăn tiếng nói sặc mùi quán rượu; và… và cứ cho rằng mình là một người tử tế phần nào đi nữa, – dù sao điều đó cũng có phần đúng thì sao? Chả nhẽ người ta lại có quyền kiêu hãnh khi người ta là một người tử tế. Ai cũng phải là người tử tế, hơn thế nữa ấy chứ. Thế nhưng mình thì lại… (mình nhớ lắm mình thì lại có những chuyện lặt vặt… không hẳn là bất chính, song…) Còn nếu kể những ý định của mình thì, hừm! thế mà lại toan đem xếp sóng đôi với Avdotia Romanovna, đồ quỷ quái Thôi được, ta cứ cố ý giữ như cũ, cứ bẩn thỉu, cáu ghét, sực mùi quán rượu thế nầy thôi, cóc cần. Ta sẽ còn tồi tệ hơn thế nữa kia!”.

Razumikhin đang lẩm bẩm một mình như vậy thì Zoximov vào; đêm hôm qua anh ta ngủ trong phòng khách của bà Praxkopia Pavlovna.

Zoximov trở về nhà và trước khi đi, anh ta đã vội vàng tạt vào thăm bệnh nhân một tí. Razumikhin báo cho bạn biết là Raxkonikov đang ngủ li bì. Zoximov cấm không được thức chàng dậy và hứa sẽ trở lại khoảng mười một giờ.

– Miễn sao hắn ta cứ ở nhà là được. – Zoximov nói thêm, – thật quái không có một tí uy quyền gì đối với bệnh nhân, thì còn chữa chạy cái nỗi gì! Cậu có biết hắn ta sẽ đến đằng ấy hay các bà sẽ đến đây không?

– Tớ chắc là họ sẽ đến, – Razumikhin đáp, hiểu ngay thâm ý của câu hỏi, – tất nhiên họ còn phải bàn việc gia đình nữa chứ? Tớ sẽ rút. Còn cậu là bác sĩ, dĩ nhiên cậu có nhiều quyền hơn tớ.

– Tớ không phải là ông cố đạo; tớ sẽ đến và sẽ đi ngay; tớ cũng bận khối việc ra rồi.

– Mình có thắc mắc một điều, – Razumikhin nhăn mặt, nói tiếp, – chiều hôm qua mình say và dọc đường mình nói nhảm khá nhiều với cậu ấy, nói cả chuyện… là cậu sợ cậu ấy có cơ phát điên.

– Hôm qua cậu nói cả chuyện đó với các bà ấy nữa chứ gì?

– Giờ mới biết là mình ngốc! Cậu cứ nện cho mình một trận cũng được. Nhưng có thật cậu đã nghĩ đúng như vậy không?

– Thì đã bảo là toàn chuyện vớ vẩn mà lại? Nghĩ đúng cái gì? Chính cậu, khi cậu dẫn mình đến nhà hắn, cậu đã nói với mình là hắn có chứng thiên chấp… Và hôm qua nữa, những câu chuyện về thằng thợ sơn của cậu cũng như đổ thêm dầu vào lửa trong khi có lẽ hắn phát điên lên vì chuyện ấy. Giá tớ biết đích xác câu chuyện xảy ra ở sở cảnh sát, và biết có một tay chó má nào đã làm nhục cậu ta với những mối nghi ngờ của hắn. Hừm… thì hôm qua tớ đã không để cho câu chuyện trò như vậy. Những tay mắc tính thiên chấp là hay thổi phồng giọt nước lên thành đại dương lắm, mọi ảo mộng đối với họ đều là sự thực hết. Cứ như tớ nghĩ lại thì câu chuyện của Zamiotov kể cho chúng ta nghe hôm qua nay đã giải thích được một nữa vấn đề rồi. Đúng thế đấy! Tớ còn nhớ lại một ca ưu uất một ông đã bốn mươi tuổi, vì không chịu được những lời che riễu hàng ngày của một thằng bé lên tám trong một bữa ăn, đã cắt cố thằng bé chết tươi. còn đây là một con người khổ sở, rách rưới, bị một viên cảnh sát xấc xược lăng mạ, bệnh thì đã chớm mà lại bị nghi ngờ như vậy! Một con người bị chứng ưu uất trầm trọng lại thêm cái tính sĩ diện quá đáng, ngông cuồng chút ít nữa chứ! Có lẽ đó chính là xuất phát điểm của căn bệnh! Phải rồi! Mẹ kiếp! Mà nầy, cậu nói đúng. Zamiotov là một thằng bé dễ chịu đấy, duy có điều… hừm! Hôm qua hắn kể chuyện kia ra làm gì thế không biết! Thằng cha ba hoa lạ?

– Nhưng hắn kể cho ai nghe?

– Cho cậu với mình nghe chứ còn ai nữa!

– Cho cả Porfiri nữa!

– Thì đã sao?

– Nầy, cậu có uy tín gì đối với họ không? Vôi bà cụ và cô em ấy mà! Hôm nay đối với Raxkonikov nên thận trọng hơn một tí?

– Họ sẽ dàn xếp được với nhau thôi – Razumikhin miễn cưỡng đáp.

– Mà sao cậu ta lại ghét căi thằng Lugin thế nhỉ? Một con người lắm tiền, mà cũng không đến nỗi mất cảm tình đối với cô ta lắm. Còn họ thì không có nổi một đồng xu nhỏ, phải không?

– Cậu có cái lối hỏi cũng ở đâu thế? Razumikhin bực tức quát lên. – Họ có còn xu nhỏ xu lớn nào không thì tớ biết đâu đấy. Muốn biết thì cậu cứ đi mà hỏi họ.

– Chà! đôi khi cậu cũng ngốc thật đấy? Thôi cậu đi nhé, cảm ơn hộ tớ bà Praxkopia Paplovna đã cho tớ ngủ trọ. Sáng nay bà ta cố thủ trong buồng đóng chặt cửa lại, tớ đứng ở ngoài cửa chào vọng vào, bà ta cùng chẳng thèm lên tiếng, tuy đã dậy từ lúc bảy giờ; người nhà đã đem ấm xamovar từ nhà bếp đi qua hành lang lên cho bà… Tớ không được hân hạnh chiêm ngưỡng dung nhan bà ta.

Đúng chín giờ, Razumikhin đến nhà Bakaleyev.

Hai mẹ con bà Punkheria Alekxandrovna đợi anh ta đã khá lâu, đang nóng điên cả ruột lên. Họ dậy lúc bảy giờ, có lẽ còn sớm hơn nữa. Anh bước vào, vẻ mặt u sầu như đêm tối, cúi chào một cách vụng về, và điều đó lập tức làm anh tức giận, dĩ nhiên là giận mình. Nhưng những nỗi lo sợ của anh đều tỏ ra không đúng: bà Punkheria Alekxandrovna vồ vập nắm lấy hai tay anh, và thiếu chút nữa bà đã đưa lên môi hôn. Anh rụt rè liếc nhìn Avdotia Romanovna, song trên gương mặt trang nghiêm ấy giờ đây không hề có những nét riễu cợt không hề thoáng thấy vẻ khinh bỉ giấu không kín như anh vẫn chờ đợi; gương mặt ấy chan chứa lòng biết ơn và tình trìu mến, chan chứa một niềm tôn kính chân thành và bất ngờ đến nỗi anh nghĩ thà họ cứ sỉ vả mình đi còn hơn, chứ thế nầy thì anh tự thấy xấu hổ quá chừng. May sao, anh đang sẵn có một đề tài nói chuyện, bèn vội vàng bám ngay lấy.

Nghe nói là “Rodia chưa dậy”, song “mọi việc đều ổn”, bà Punkheria Alekxandrovna lại tỏ ý hài lòng hơn vì bà “đang rất cần, rất cần bàn bạc trước với Razumikhin đã”. Kế đến, hai người hỏi anh đã ăn sáng chưa và mời anh cùng uống chén trà; họ cũng chưa dùng trà vì muốn chờ anh một thể. Avdotia Romanovna lắc chuông: một cậu bé bẩn thỉu, rách rưới chạy vào và được lệnh bày ấm chén ra. Mãi một lát sau, khay trà mới được bưng lên, nhưng nó bẩn thỉu và luộm thuộm đến nỗi hai mẹ con bà Punkheria Alekxandrovna cũng phải thấy xấu hổ. Razumikhin toan lên tiếng chửi rủa thậm tệ, nhưng sực nhớ đến Lugin, anh lại nín lặng, lúng túng, và thật là sung sướng cho anh khi bà Punkheria Alekxandrovna dồn dập hỏi anh một tràng liên tiếp.

Anh phải nói trong bốn mươi lăm phút liền để trả lời cho hết những câu hỏi đó, liên tiếp bị ngắt lời và hỏi đi hỏi lại. Anh kể hết những sự kiện chủ yếu và quan trọng mà anh biết được về cuộc sống của Rodia trong một năm nay, và kết thúc bằng một câu chuyện tỉ mỉ về bệnh trạng của Rodia. Tuy vậy anh cũng đã bỏ qua nhiều điều cần phải giữ kín, kể cả cái màn kịch xảy ra ở sở cảnh sát và những hậu quả của nó. Hai mẹ con háo hức nghe anh kể, và khi anh yên trí đã nói cạn lời và đã thoả mãn được thính giả, thì họ lại tưởng đâu anh chỉ mới mở đầu…

– Thế còn anh, anh cho biết ý kiến của anh ra sao! Ồ, xin lỗi, mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa được biết tên riêng và phụ danh của anh! – bà Punkheria Alekxandrovna nói vội.

– Dmitri Prokofich.

– À vâng, đấy, anh Dmitri Prokofich, tôi rất mong, rất mong được biết, nói chung… hiện nay Rodia quan niệm, vấn đề như thế nào, nghĩa là… anh có hiểu ý tôi không, làm thế nào cho anh hiểu được nhỉ, nghĩa là không biết nói thế nào cho rõ hơn. Rodia ưa cái gì và không ưa cái gì? Lúc nào nó cũng dễ cáu bẩn như vậy sao? Nó ham thích gì, Và nếu có thể, anh làm ơn cho tôi biết nó đang mơ ước những gì? Đối với nó thì hiện nay cái gì có ảnh hưởng mạnh nhất… róm lại, tôi muốn biết…

– Ồ mẹ ơi, làm sao có thể trả lời một lúc ngần ấy câu hỏi được? – Dunia nhận xét.

– Lạy Chúa, bởi vì tôi không hề ngờ là khi gặp chúng tôi nó lại như vậy anh ạ.

– Dạ cái đó là lẽ hoàn toàn tự nhiên thôi ạ – Razumikhin đáp – Tôi không còn mẹ nữa, nhưng tôi có một ông chú hàng năm hay đến thăm tôi và hầu như lần nào ông cũng không nhận ra được tôi, ngay cả mặt mũi cũng vậy. Thế mà ông là người thông minh đấy. Còn như bà thì đã xa Rodion từ ba năm nay, bao nhiêu nước đã chảy qua chân cầu! Tôi còn biết nói thế nào bây giờ? Tôi quen Rodion đã một năm rưỡi nay, bao giờ trông anh ấy cũng vẫn buồn bã, lầm lì, kiêu hãnh và tự hào. Gần đây (và có lẽ lâu hơn nữa), anh ấy sinh ra đa nghi, thần kinh suy nhược. Anh ấy vốn cao thượng và tốt bụng. Anh không thích bộc lộ tình cảm, thà làm một việc gì tàn nhẫn chứ không chịu hé môi thổ lộ tâm tình bao giờ. Vả lại đôi lúc anh không phải là yếu thần kinh mà chỉ lạnh lùng dửng dưng đến mức phi nhân tính, cứ như thể trong người anh có hai tính cách đối lập nhau cứ lần lượt thay thế nhau. Đôi khi lại ít nói lạ lùng. Lúc nào anh ấy cũng không có thì giờ, lúc nào anh ấy cũng than phiền là người ta cứ hay phá quấy mình. Tuy anh chỉ nằm dài, không làm gì cả. Anh ấy không hay chế nhạo ai, không phải vì không đủ sắc sảo mà dường như chỉ vì không đủ thì giờ để làm những chuyện nhảm ấy. Ai nói gì, anh ấy không nghe được đến đầu đến đũa đâu. Không bao giờ anh quan tâm đến những việc mà mọi người đều đang chú ý. Anh tự đánh giá mình rất cao, và tôi nghĩ cũng không phải hoàn toàn không có lý. Gĩ nữa nhỉ? … Theo tôi thì bà và cô đến thăm như thế nầy sẽ có một ảnh hưởng rất tốt đối với anh ấy.

– Ôi lạy Chúa, thật thế ư? – Bà Punkheria Alekxandrovna kêu lên, lòng day dứt về những nhận xét của Razumikhin về con trai mình.

Mãi đến bây giờ Razumikhin mới dám mạnh dạn nhìn Avdotia Romanovna. Trong khi nói chuyện, anh cũng có liếc nhìn nàng mấy lần, song chỉ vụng trộm nhìn thoáng qua thôi, rồi lại vội nhìn sang phía khác ngay. Avdotia Romanovna lúc thì ngồi xuống trước bàn chăm chú nghe, lúc thì lại đứng dậy và theo thói quen, dạo bước đi đi lại lại từ góc nầy sang góc kia, tay chắp trước ngực, môi mím chặt, thỉnh thoáng lại cất tiếng hỏi một câu, chân vẫn không dừng bước, vẻ đăm chiêu tư lự. Nàng cũng có cái thói quen không nghe được cho đến hết câu. Sáng hôm ấy nàng mặc một chiếc áo dài mỏng thẫm màu, quanh cổ thắt một chiếc khăn quàng trắng bằng thứ hàng trong mờ mờ. Razumikhin nhận thấy có nhiều dấu hiệu tỏ ra rằng hai mẹ con nàng sống trong một hoàn cảnh nghèo khổ cùng kiệt. Ví thử Avdotia Romanovna phục sức như một bà hoàng, có lẽ nàng sẽ không làm cho anh e dè chút nào; giờ đây có lẽ chính vì nàng ăn mặc tồi tàn và anh đã nhận rõ được cảnh sống nghèo khổ của họ. Razumikhin bỗng thấy e sợ cho mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của mình, và lẽ tất nhiên là tình huống ấy rất khó xử đối với một người đã sẵn thiếu tự tin như anh.

– Anh đã cho chúng tôi biết nhiều chi tiết kỳ lạ và tính tình anh tôi… và anh đã nói một cach vô tư. Thật là tốt, trước đây tôi cứ tưởng là anh sùng bái anh tôi, – Avdotia mỉm cười nhận xét. – Còn có một điều anh nói đúng: thế nào cũng phải có một người con gái bên cạnh anh tôi, – nàng trầm ngâm nói thêm.

– Tôi có nói chuyên đó đâu, song có lẽ cô nói đúng, nhưng…

– Sao kia ạ?

– Anh ấy không yêu ai và có lẽ anh sẽ không bao giờ yêu ai cả – Razumikhin nói giọng dứt khoát.

– Thế nghĩa là anh ấy không biết yêu?

– Cô Avdotia Romanovna ạ, cô giống anh cô lạ lùng, giống về mọi phương diện nữa là khác! – anh ta bỗng thốt lên một cách bất ngờ đến đỗi anh cũng phải tự lấy làm lạ, nhưng nhớ lại những điều mình vừa nói về Rodion, anh đỏ dừ mặt lên và đâm ra lúng túng.

Nhìn anh, Avdotia Romanovna không nhịn được cười.

– Về Rodia thì có lẽ cả hai người đều nhầm rồi đấy – bà Punkheria Alekxandrovna nói xen vào, hơi phật ý. – Dunia ạ, mẹ không nói đến việc hiện nay. Những điều Piotr Petrovich viết trong thư… và những điều hai mẹ con chúng mình đã dự kiến có lẽ đều không đúng cả, nhưng anh Dmitri Prokofich nầy, anh không thể hình dung được tính nó kỳ quặc và bất thường đến ngần nào. Tôi chưa bao giờ có thể yên tâm về tính khí của nó, ngay hồi nó mới mười lăm tuổi cũng vậy. Bây giờ nữa, tôi tin chắc rằng nó có thể liều lĩnh làm một điều gì mà chưa bao giờ có ai dám nghĩ đến… Đừng nói đâu xa, anh có biết không, mới cách đây một năm rưỡi thôi, nó đã làm tôi kinh hoảng cuống cuồng lên và suýt chết đi được vì ý định lấy cái cô… cô gì nhỉ? Con gái bà Zarnitxyna, chủ nhà của nó ấy mà?

– Anh có biết được ít nhiều chi tiết gì về chuyện ấy không? – Avdotia Romanovna hỏi.

– Anh có tin… – bà Punkheria Alekxandrovna hăng hái nói tiếp – anh có tin là những tiếng khóc, những lời van xin, bệnh tật và có thể là cái chết của tôi, nỗi khốn cùng của mẹ con tôi có thể làm nó từ bỏ ý định đố được không? Nó có thể vượt qua mọỉ trở ngại một cách bình tĩnh vô cùng. Nhưng có thể nào, có thể nào nó lại Không biết thương chúng tôi?

Anh ấy không hề nói gì về chuyện ấy với tôi bao giờ cả – Razumikhin thận trọng đáp – Nhưng tôi cũng có nghe được ít nhiều từ chính miệng bà Zarnitxyna bà ta cũng không hay chuyện lắm, và những điều tôi biết được, có lẽ nghe ra cũng khá kỳ quặc.

– Sao, anh nghe nói những gì? – cả hai mẹ con cùng hỏi một lúc.

– Ồ! Cũng chẳng có gì đặc biệt lắm. Tôi chỉ biết là cuộc hôn nhân đó đã được quyết định và sắp xếp xong xuôi, nhưng sở dĩ không thành chỉ vì cô dâu chết. Bà Zarnitxyna rất không hài lòng về cuộc hôn nhân nầy. Mặt khác, nghe nói cô dâu cũng không lấy gì làm đẹp lắm… xấu xí nữa là đằng khác… lại ốm yếu và, kỳ dị… song dù sao cũng có một vài tính tốt. Chắc phải có, vì nếu không thì thật không thể nào hiểu nổi… Cô ta không có của hồi môn, vả lại anh ấy cũng không đời nào đi nghĩ đến chuyện đó… Nhưng nói chung, trong một trường hợp như vậy khó lòng có thể hạ lời phê phán.

– Tôi tin chắc rằng cô ấy là người tốt – Avdotia Romanovna khẳng định.

– Lạy Chúa tha tội, nhưng quả tình tôi đã mừng trong bụng khi nghe tin cô ta chết, tuy tôi cũng chưa biết rõ trong hai người ai là kẻ sẽ làm hại người kia nếu cuộc hôn nhân ấy thành, – bà Punkheria Alekxandrovna kết luận; đoạn bà lại ngập ngừng lựa lời dò hỏi Razumikhin về tấn kịch xảy ra giữa Rodia và Lugin hôm qua, mắt luôn liếc trộm nhìn Dunia khiến nàng khó chịu rõ rệt. Có thể thấy rõ bà Punkheria Alekxandrovna lo ngại nhất về sự việc ấy, nó còn làm cho bà phải sợ hãi đứng ngồi không yên nữa là khác.

Razumikhin một lần nữa kể lại câu chuyện, đi sâu vào chi tiết, song lần nầy có thêm lời kết luận của mình: anh thắng thắn buộc tội Raxkonikov đã có chủ định sỉ vả Piotr Petrovich; lần nầy anh không đưa bệnh tình của bạn ra để bào chữa nữa.

– Ngay từ trước khi ốm, anh ấy đã nghĩ đến việc nầy – Razumikhin nói tiếp.

– Tôi cũng nghĩ như vậy – bà Punkheria Alekxandrovna nói, vẻ thất vọng. Song bà rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Razumikhin lần nầy nói đến Piotr Petrovich một cách thận trọng mà lại có vẻ như kính nể nữa. Avdotia Romanovna cùng ngạc nhiên không kém.

Thế ý kiến của anh về Piotr Petrovich là như vậy hẳn? – bà Punkheria Alekxandrovna buột mồm hỏi.

– Đối với người chồng tương lai của cô, tôi không thể có kiến gì khác được. – Razumikhin đáp, giọng rắn rỏi và nhiệt thành, – tôi nói như vậy, cũng không phải vì một thứ lễ độ sơ đẳng, mà là vì… bởi vì… có thể chẳng qua vì có Avdotia Romanovna đã thuận lòng chọn người ấy. Hôm qua sở dĩ tôi quá nặng lời như thế: là vì tôi say bí tỉ và hơn nữa… là vì tôi mát cả trí khôn… vâng, mất trí khôn, tôi điên, hoàn toàn điên… và hôm nay tôi thấy xấu hổ quá?

Anh đỏ mặt lặng thinh. Mặt Avdotia Romanovna cũng đỏ bừng lên, nhưng nàng không nói gì. Từ khi hai người nói đến chuyện Lugin, nàng cứ lặng thinh.

Còn bà Punkheria Alekxandrovna, không được con hưởng ứng, cũng đâm ra do dự trông thấy. Mãi lát sau, mắt không ngớt liếc nhìn con gái, bà mới ấp úng nói rằng hỉện nay có một điều khiến cho bà rất bận tâm.

– Ông Dmitri Prokofich ạ, – bà mở đầu. – Mẹ sẽ nói thẳng với Dmitri Prokofich nhé, được không, Dunia?

– Tất nhiên rồi, mẹ cứ nói, – Avdotia Romanovna khuyến khích mẹ.

– Đấy, số là thế nầy, – bà Punkheria Alekxandrovna vội vã nói, dường như được phép bộc bạch nỗi buồn của mình là bà đã cắt bỏ được một tảng núi đang đè nặng trên ngực. – Hôm nay từ sớm tinh mơ chúng tôi có nhận được một mánh giấy của Piotr Petrovich từ Petersburg gửi về phúc đáp bức thư chúng tôi gửi hôm qua đi báo tin đã lên đến đây. Anh xem, lẽ ra anh ta phải ra ga đón chúng tôi như đã hứa. Thế nhưng anh ta lại sai một người đầy tớ ra, cầm theo địa chỉ nhà trọ nầy và chỉ đường cho chúng tôi; còn Piotr Petrovich thì anh ta nhắn là ngáy sáng hôm nay sẽ đến đây. Thế nhưng sáng nay không thấy anh ấy đến, chỉ thấy mảnh giấy nầy gửi lại. Tốt hơn là anh cứ đọc lấy; trong giấy có một điểm làm tôi thắc mắc quá… anh sẽ thấy ngay đó là điểm nào… và anh Dmitri Prokofich ạ, anh sẽ nói thẳng cho chúng tôi biết ý kiến! Anh là người biết tính tình Rodia hơn ai hết, và cũng hơn ai hết anh có thể khuyên bảo chúng tôi. Tôi cũng báo trước để anh biết là Dunia đã quyết định mọi việc ngay từ đầu nhưng tôi thì tôi chưa biết xử trí ra sao cả, thành thử tôi… tôi cứ đợi anh…

Razumikhin mở lá thư đề ngày hôm qua, và đọc được những giòng sau đây:

“Bà Punkheria Alekxandrovna kính mến.

Tôi rất hân hạnh được báo tin để bà biết là vì bận những việc bất ngờ nên tôi không thể ra đón bà ở sân ga được, vì vậy tôi đã cử một người rất tháo vát ra đón hộ tôi. Tôi cũng không được cái vinh hạnh đến thăm bà sớm mai được vì có những công việc cần kíp ở nguyên lão viện đang đợi tôi, và cũng là để khỏi làm phiền đến cuộc gặp gỡ giữa bà với con trai, giữa cô Avdotia Romanovna với anh cô. Vậy tôi sẽ được hân hạnh đến chào hỏi bà ở tại trú quán vào tối mai, đúng tám giờ, và đồng thời nhân đây tôi xin được phép đề đạt một lời yêu cầu mà tôi xin nói thêm là một lời yêu cầu khẩn khoản, – là Rodion Romanovich sẽ không dự vào cuộc gặp gỡ chung của chúng ta, vì anh ấy đã lăng mạ tôi một cách vô lễ chưa từng thấy, nhân dịp tôi đến thăm hôm qua trong khi anh ấy ốm, và ngoài ra vì tôi cần giãi bày riêng với bà một số điểm cần thiết mà tôi muốn được biết ý kiến cả nhân của bà. Ngoài ra tôi có hân hạnh báo trước với bà là nếu trái với lời yêu cầu của tôi, tôi vẫn gặp Rodion Romanovich ở nhà bà thì tôi sẽ buộc lòng phải cáo lui ngay tức khắc, và trong trường hợp đó, bà chỉ nên tự trách mình mà thôi. Tôi viết như vậy là vì Rodion Romanovich, tuy khi tôi đến thăm thì có vẻ đau yếu như thế, song chỉ hai giờ sau đã đột nhiên khỏi bệnh, đã đi ra phố được và do đó, cũng có thể đến thăm bà. Tôi có thể khẳng định được như vậy vì chính mắt tôi trông thấy anh ấy ở trong nhà một lão say rượu vừa bị xe ngựa cán chết; anh ta đã cho con gái lão kia, một cô gái mà ai cũng biết là hư hỏng, đến hai mươi lăm rúp lấy cớ là để trả tiền ma chay, điều đó khiến tôi rất ngạc nhiên vì biết số tiền ấy bà đã tốn bao nhiêu công sức mới gom góp lại được… Với tấm lòng tỏn quý đặc biệt của tôi đối với cô Avdotia Romanovna đáng kính, tôi xin bà nhận ở đây những tình cảm tận tuỵ và thành kính của người đầy tớ hèn mọn của bà.

  1. Lugin”.

– Tôi biết làm thế nào bây giờ, hở anh Dmitri Prokofich, – bà Punkheria Alekxandrovna rơm rớm nước mắt hỏi – tôi làm thế nào bảo Rodia đừng đến đây được? Hôm qua nó một mực đòi phải cự tuyệt Piotr Petrovich, thế mà nay chính Piotr Petrovich lại cấm tôi tiếp nó. Nó mà biết được thì thể nào nó cũng cố ý đến đây không biết rồi sẽ ra sao?

– Bà cứ làm theo như cô Avdotia Romanovna đã quyết định. – Razumikhin điểm tĩnh đáp không chần chừ.

– Ối trời ơi! em nó nói… em nó nói là… có trời biết được ý nó muốn gì, nó không hề nói rõ chủ định của nó với tôi. Theo nó thì tốt hơn hết, không, không, hay là tốt hơn hết mà nhất thiết mà Rodia phải đến đúng vào tám giờ tối hôm nay và cả hai người nhất thiết phải gặp nhau… Tôi thì tôi không muốn đưa cho Rodia xem lá thư nầy, tôi muốn tìm cách nhờ anh thu xếp thế nào cho nó đừng đến…vì tính nó nóng quá… Với lại tôi cũng không hiểu được sao lại có chuyện người say rượu bị chết ở đây, lại còn cô con gái nào kia nữa, và sao nó lại có thể cho cô con gái kia hết số tiền cuối cùng… mà…

– Mà mẹ đã phải chịu khổ sở bao nhiêu mới có được mẹ ạ – Avdotia Romanovna tiếp lời.

– Hôm qua anh ấy không được tĩnh trí, – Razumikhin nói, vẻ đăm chiêu. – Bà không biết chứ hôm qua trong quán rượu anh ấy đã dở quẻ bày ra một trò đùa kỳ quặc, tuy cũng khá tinh khôn… hừm! Quả tình hôm qua trên đường về nhà anh ấy có nói với tôi mấy câu về một người chết và một cô con gái nào đó, song tôi chà hiểu đầu đuôi ra làm sao cả. Vả lại chính tôi, hôm qua tôi cũng…

– Mẹ ơi, tốt hơn hết… là ta cứ đến đằng anh con, con xin quả quyết với mẹ là đến đấy ta sẽ biết ngay cần phải làm gì. Mà trời ơi đã đến giờ rồi đấy, mười giờ hơn rồi? – nàng thốt lên khi liếc nhìn đồng hồ vàng tráng men rất đẹp đeo trên cổ bằng một sợi dây chuyền thanh thanh đánh kiểu Venexy,… tương phản lạ lùng với toàn bộ trang phục của nàng… “Quà tặng của vị hôn phu” – Razumikhin thầm nghĩ.

– Ôi, đến giờ rồi Dunia ạ! đến giờ rồi – bà Punkheria Alekxandrovna nói, vẻ cuống quít, – khéo không thấy chúng ta đến nó lại nghĩ là từ hôm qua đến nay chúng ta vẫn còn giận. Ôi, trời ơi!

Vừa nói bà vừa vội vàng khoác áo choàng và đội mũ. Dunia cùng mặc áo vào. Razumikhin nhận thấy găng tay của nàng không những cũ mà còn bị thủng nữa; tuy nhiên cảnh nghèo nàn lộ rõ trong trang phục của họ lại càng làm tăng cái phong thái chững chạc đặc biệt mà người ta vẫn thường thấy ở những người biết cách ăn mặc những quần áo sờn cũ. Đôi mắt Razumikhin thành kính nhìn Dunia và cảm thấy tự hào khi nghĩ rằng mình sẽ được đi cạnh nàng: “Vị hoàng hậu kia – anh nghĩ thầm – ngay khi ngồi vá bít tất trong ngục tôi chắc hẳn còn uy nghi lộng lẫy hơn cả trong những ngày hội rực rỡ, tráng lệ nhất của cuộc đời đế vương”.

– Trời ơi! – bà Punkheria Alekxandrovna kêu lên, – có bao giờ tôi lại có thể tin được rằng tôi sẽ sợ một cuộc gặp gỡ với con tôi, với đứa con yêu quý, với thằng Rodia của tôi như lúc nầy… Tôi sợ, anh Dmitri Prokofich ạ, – bà nói tiếp.

– Đừng sợ gì cả mẹ ạ – Dunia hôn mẹ, nói. – Mẹ cứ tin ở anh ấy thì hơn: Con thì con tin lắm.

– Ôi lạy Chúa! Mẹ cũng tin ở anh con chứ, tuy thế suốt đêm mẹ cũng không sao nhắm mắt được – người mẹ đáng thương kêu lên.

Họ đi ra phố.

– Dunia ạ: hồi sáng mẹ vừa mới chợt thiếp đi một tí đã mơ thấy bà Marfa Petrovna quá cố… mặc toàn đồ trắng… bà đi đến gần mẹ, cầm tay mẹ rồi bắt đầu nhìn mẹ một cách nghiêm khắc tưởng như oán trách điều gì. Phải chăng đó là một điềm xấu? Trời ơi anh Dmitri Prokofich à, hẳn anh chưa biết: bà Marfa Petrovna mất rồi!

– Vâng, tôi chưa biết, bà Marfa Petrovna nào kia ạ?

– Bà ta chết đột ngột quá. Anh thử tưởng tượng…

– Sau hẵng hay mẹ ạ! – Dunia xen vào, – anh – Ấy đã biết bà Marfa Petrovna là ai đâu.

– Ồ anh chưa biết à? Thế mà tôi cứ tưởng anh đã rõ cả. Anh Dmitri Prokofich, anh thứ, lỗi cho tôi nhé, hai ngày hôm nay, đầu óc tôi cứ rối tung lên. Quả tình tôi coi anh như một vị ân nhân cho nên tôi cứ đinh ninh là anh đã tỏ tường hết mọi chuyện. Tôi coi anh như bà con ruột thịt ấy! Tôi nói thế anh đừng giận nhé! Trời ơi! tay phải anh làm sao thế kia? Anh bị thương?

– Vâng ạ, tay tôi bị dập – anh vui sướng nói lúng búng.

– Tính tôi nhiều khi cứ hay bộc tuệch quá thế đấy thành thử Dunia cứ phải la rầy tôi luôn… Nhưng trời ơi nó ở trong cái xó xỉnh nầy ư? Không biết bây giờ nó đã dậy chưa? Còn cái bà chủ nhà của nó ấy, một cái ổ như thế nầy mà bà ta có thể coi là một căn buồng được ư? Nầy, anh nói là nó không thích thổ lộ tâm tình phải không, thế thì không khéo tôi lại sẽ làm nó bực mình vì những… tình cảm mềm yếu của tôi mất! Anh, Dmitri Prokofich ạ, anh bảo tôi với nhé? Tôi phải ăn nói với nó ra sao đây? Anh biết đấy, tôi cứ như người lạc hướng.

– Nếu bà thấy anh ấy chau mày thì đừng có hỏi nhiều: nhất là đừng hỏi thăm nhiều quá về sức khỏe: anh ấy không thích đâu?

– Ôi, anh Dmitri Prokofich ạ, làm mẹ thật là vất vả! Lại cái cầu thang nầy nữa… Cầu thang gì mà khiếp thế?

– Mẹ ạ, trông mẹ xanh quá, cứ bình tâm, mẹ ạ! – Dunia trìu mến nói với mẹ. – Chắc chắn anh con sẽ rất vui sướng được gặp mẹ, thế mà mẹ lại rầu rĩ lo lắng nàng nói thêm, mắt long lanh sáng.

– Khoan hẵng, để tôi lên trước xem anh ấy đã dậy chưa.

Razumikhin đi lên trước, hai người đàn bà rón rén bước theo sau. Lên đến tầng gác thứ tư, hai người nhận thấy cánh cửa buồng của bà chủ he hé mở và từ trong cái khe hở nhỏ ấy hai con mắt đen sắc chăm chú theo dõi họ trong bóng tối. Mấy luồng mắt vừa gặp nhau thì cánh cửa bỗng đóng lại đánh sầm một tiếng khiến bà Punkheria Alekxandrovna suýt bật lên tiếng kêu hãi hùng.

“Khỏi rồi, khỏi rồi!” – Zoximov vui vẻ reo lên khi thấy họ đến, Zoximov đến đây đã được mười phút và đang ngồi ở chỗ hôm qua, trên chiếc đi-văng đặt ở góc phòng, Raxkonikov ngồi ở góc đối diện; chàng đã ăn mặc chỉnh tề, rửa mặt, chải đầu cẩn thận, một việc mà đã từ lâu chàng không hề nghĩ đến. Phút chốc, căn buồng đã chật ních. Tuy vậy Naxtaxia cũng đã theo các vị khách len được vào buồng hóng chuyện.

Qua nhiên Raxkonikov cũng đã gần khỏi, nhất là nếu so với hôm qua; tuy vậy, chàng vẫn còn xanh lắm, vẻ mặt ủ rũ và bơ phờ, trông chàng tựa như một người bị thương hay một người vừa bị đau đớn ê chề về nhục thế: mày thì cau lại, môi thì mím chặt, mắt đỏ ngầu. Chàng nói ít và miễn cường, tuồng như đang bị ép buộc phải làm tròn một nhiệm vụ, thỉnh thoảng một mối lo âu mơ hồ lộ rõ trong các cử chỉ của chàng.

Giá tay chàng quấn băng, hoặc ngón tay chàng rịt bông tẩm thuốc, thì trông chàng sẽ giống hệt như một người bị thương thật.

Tuy nhiên, gương mặt nhợt nhạt và ủ rũ đó dường như cũng bừng sáng lên trong chốc lát khi mẹ và em chàng vào, như thế chỉ càng làm tăng thêm cái vẻ đau khổ tập trung thay cho vẻ ủ rũ bơ phờ lúc nãy. Ánh sáng ấy vừa lóe lên đã vụt tắt, nhưng nỗi đau khổ thì vẫn còn đọng lại, và Zoximov, con người đã quan sát theo dõi bệnh nhân của mình với tất cả tấm nhiệt tình trẻ trung của một bác sĩ mới vào nghề, cũng không khỏi ngạc nhiên nhận thấy rằng khi hai người thân của chàng bước vào buồng, trên gương mặt chàng không lộ vẻ vui mừng mà lại có cái vẻ âm thầm đau khổ của một người đã quyết tâm chịu đựng một, cực hình không thể nào tranh khỏi, rồi Zoximov cũng lại nhận ra rằng mỗi lời thốt ra trong khi nói chuyện đều như xỉa xói vào một vết thương nào đó của bệnh nhân làm cho nó rớm máu lên, những đồng thời anh cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy con bệnh thiên chấp ấy đã đủ sức tự chủ và che giấu tình cả của mình, chứ không điên cuồng lồng lộn lên vì những lời lẽ nhỏ nhặt như ngày hôm qua nữa.

– Đúng thế, bây giờ chính con cùng cảm thấy gần khỏe hẳn rồi – Raxkonikov vừa nói vừa âu yếm ôm hôn mẹ và em, khiến gương mặt bà Punkheria Alekxandrovna rạng rỡ hẳn lên – Và tôi nói đây không phải như kiểu hôm qua nữa đâu, – Raxkonikov ngoảnh mặt về phía Razumikhin nói, và thân mật xiết chặt tay anh.

– Tôi cũng rất ngạc nhiên thấy anh ấy được như thế nầy, – Zoximov mở đầu, rất mừng khi thấy khách đến, vì trong mười phút qua, câu chuyện giữa anh với bệnh nhân đã bắt đầu cạn dần. – Bốn hôm nữa, nếu không có gì thay đổi thì mọi chuvện sẽ trở lại như trước, nghĩa là như cách đây một tháng, hay hai… hay có lẽ ba tháng gì đó? Vì chứng bệnh nầy đã phát sinh và chớm nở từ lâu rồi, phải không? – rồi dường như vẫn còn sợ bệnh nhân tức giận, anh ta nói thêm với một nụ cười dè dặt, – bây giờ anh có thừa nhận là có lẽ cũng tại cả anh nữa không nào?

– Rất có thể. – Raxkonikov lạnh lùng đáp.

– Tôi khẳng định như vậy. – Zoximov hăng lên nói tiếp, – kể từ nay anh có hoàn toàn bình phục hay không chủ yếu là tuỳ ở bản thân anh. Bây giờ đã nói chuyện được với anh, tôi muốn khuyên anh một điều: phải xoá bỏ những nguyên nhân ban đầu, nghĩa là những nguyên nhân căn ban đầu làm anh sinh bệnh. Có như vậy anh mới khỏi được, nếu không nó còn có thể trầm trọng thêm nữa là khác. Những nguyên nhân ban đầu ấy tôi không biết rõ, nhưng anh thì chắc phải biết. Anh là người thông minh, và lẽ tất nhiên anh vẫn thường tự quan sát. Theo tôi, hình như lúc khởi đầu chứng bệnh của anh có phần ăn khớp với việc anh ra khỏi trường Đại học. Anh không nên cứ nằm im, không hoạt động gì cả; vì vậy theo tôi phải làm việc, phải có mục đích nhất định; điều đó ắt sẽ có lợi cho sức khỏe của anh.

– Đúng, đúng, anh nói hoàn toàn có lý… Nay mai tôi sẽ trở lại trường Đại học, và thế là mọi việc cứ tuồn tuột như trên bánh xe.

Zoximov đưa ra những lời khuyên nhủ khôn ngoan ấy một phần cũng cốt để gây ảnh hưởng với hai người đàn bà. Anh ta không khỏi băn khoăn khi vừa dứt lời và liếc mắt nhìn Raxkonikov, anh thấy một nét mỉa mai rõ rệt trên gương mặt chàng, song cũng chỉ thoáng qua trong chốc lát. Bà Punkheria Alekxandrovna lập tức cảm ơn Zoximov, đặc biệt là về việc anh đã đến thăm hai mẹ con tối hôm qua.

– Sao kia? Tối hôm qua anh ấy đến đằng mẹ ấy à? – Raxkonikov hỏi, tựa hồ như có ý lo âu… – Thế là sau một cuộc hành trình dài như vậy, mẹ cũng không ngủ được tí nào.

– Ồ, Rodia ạ, lúc ấy đã đến hai giờ sáng đâu! Ở nhà mẹ và Dunia cũng không bao giờ ngủ trước hai giờ sáng cả. Tôi cũng không biết lấy gì cảm ơn anh nữa –

Raxkonikov mặt bỗng sa sầm xuống, cúi đầu nói tiếp với Zoximov. – Nếu không kể đến việc tiền nong – tôi xin lỗi vì đã đề cập đến vấn đề đó – tôi thật không hiểu tại sao lại được anh quan tâm đến thế. Quả thật tôi không hiểu… và… và tôi còn thấy khổ tâm nữa là khác, vì không thể hiểu được… tôi xin thú thật như vậy – Nhưng anh đừng cáu chứ! – Zoximov cười gượng đáp anh cứ tự coi như bệnh nhân đầu tiên của tôi: anh cũng biết là những người mới vào nghề như chúng tôi thường hay chiều chuộng bệnh nhân như con mình đẻ ra, có người lại hầu như phải lòng họ nữa. Với lại, tôi cũng không lấy gì làm đông khách lắm.

– Ấy là tôi chưa nói đến cậu nầy nữa đấy, – Raxkonikov trỏ Razumikhin nói tiếp, – cậu ta chỉ nhận được của tôi những mối lo âu và những lời sỉ vả.

– Rõ vớ vẩn! Hôm nay sao tâm hồn cậu đa cảm thế? – Razumikhin quát lên.

Giá Razumikhin tinh ý hơn, anh sẽ thấy bạn anh không hề có một tâm trạng đa cảm, thậm chí còn ngược lại nữa là khác. Song điều đó không thoát khỏi cặp mắt của Avdotia Romanovna đang chăm chú và lo lắng quan sát anh nàng.

– Còn về mẹ thì con không dám nói đến nữa mẹ ạ – chàng nói tiếp như đọc một bài đã học thuộc từ sáng – mãi đến bây giờ con mới hình dung được phần nào là hôm qua mẹ đã đau khổ biết bao nhiêu trong khi mong ngóng con về.

Nói đến đây, chàng bỗng lẳng lặng mỉm cười đưa tay ra cho em gái. Song lần nầy, trên nụ cười của chàng lóe lên một mối xúc cảm sâu sắc, chân thành. Dunia lập tức nắm lấy tay anh xiết thật chặt, lòng vui sướng và cảm khích. Kể từ câu chuyện lục đục hôm qua, đây là lần đầu tiên chàng lại ôn tồn với em. Gương mặt bà mẹ rạng rỡ lên vì hân hoan và hạnh phúc khi thấy cảnh dàn hoà im lặng và dứt khoát đó giữa hai anh em.

– Ồ chính vì thế mà tôi mến anh ấy! – Razumikhin vừa xoay mạnh người trên ghế vừa thì thầm; tính anh bao giờ cũng hay phóng đại – Anh ta có những cảm xúc đẹp đẽ như lê đấy

“Nó xử sự mới khéo làm sao! – bà cụ nghĩ thầm – Nó có những cảm xúc thật là cao thượng, và nó chấm dứt chuyện hiểu lầm với em nó một cách đơn giản mà tế nhị biết bao nhiêu: nó chỉ cần chìa tay ra và nhìn thẳng vào mặt em nó… Và đôi mắt nó, cả khuôn mặt nó nữa, mới đẹp làm sao. Người nó còn thanh tú hơn cả Dunia nữa… Nhưng, trời ơi, quần áo gì mà tệ thế, nó ăn mặc thật quá tồi tàn. Đến như Vaxia, đứa hầu xe của Aphanaxi Ivanovich ăn mặc cũng còn khá hơn? Ôi tôi muốn lao đến ôm lấy cổ nó mà hôn mà khóc vì sung sướng! Nhưng mà tôi sợ, tôi sợ lắm, nó thật là… Trời ơi, tính khí nó làm sao ấy? Vừa rồi nó nói năng thật dịu dàng âu yếm, thế nhưng tôi vẫn sợ. Tôi sợ cái gì thế nhỉ?”.

– Ôi, Rodia – bà thốt lên, hối hả đáp lại điều nhận xét của con – Con không thể tưởng tượng được hôm qua mẹ và em… khổ tâm đến nhường nào! Bây giờ, mọi chuyện đã qua, đã chấm dứt và mẹ con ta đã lại vui vầy sung sướng nên mẹ mới dám nói. Con hãy tưởng tượng là mẹ và em vừa xuống tàu đã vội chạy ngay đến đây để ôm hôn con, và cái chị ấy – à đây! chị ấy đây rồi! Chào chị Naxtaxia. Chị ấy nói ngay là con sốt nóng, mà lại trốn bác sĩ lẻn ra đường trong lúc đang mê sảng, người ta đã phải chạy đi tìm con. Con không thể tưởng được là mẹ và em đã hốt hoảng lên như thế nào!

Mẹ nhớ ngay đến cái chết bi thảm của trung uý Potanshikov, một người quen nhà ta, bạn của ba con – con chắc không nhớ ông ta, Rodia nhỉ – Ông ta cũng bị sốt nóng và lẻn ra ngoài rồi rơi xuống giếng, đến hôm sai mới kéo lên được. Dĩ nhiên mẹ và em con còn tưởng tượng nhiều chuyện bi đát hơn nữa. Hai mẹ con toan đi tìm ngay Piotr Petrovich để nhờ anh ta đến giúp đỡ… vì, con biết đây, chỉ có mẹ với em, tứ cố vô thân, – bà mẹ nói tiếp, giọng ai oán, rồi bỗng im bặt vì sực nhớ ra rằng Piotr Petrovich vẫn còn là một đề tài nguy hiểm, mặc dầu “bây giờ mọi người đều đã lại vui vầy sung sướng”.

– Phải! phải, những chuyện ấy thật đáng tiếc, Raxkonikov lẩm bẩm đáp, song vẻ mặt chàng hờ hững và lơ đãng đến nỗi Dunia phải kinh ngạc đưa mắt nhìn chàng.

– Con còn định nói gì với mẹ nữa nhỉ – chàng nói tiếp, cố sức nhớ lại – À phải… thưa mẹ, con xin mẹ và Dunia đừng nghĩ rằng hôm nay con không muốn đến thăm mẹ và em trước mà lại có ý đợi cho mẹ và em đến đây đã, không phải thế đâu.

– Sao con lại nói thế, hở Rodia, – bà Punkheria Alekxandrovna cũng kinh ngạc kêu lên.

“Sao thế nhỉ? Anh ấy chỉ vì bất đắc dĩ mà trả lời hay sao ấy? – Dunia suy nghĩ. – Anh ấy dàn hoà rồi xin lỗi, tuồng như làm cho xong một thủ tục hay đọc một bài học”.

– Vừa thức dậy, con đã toan đến đằng ấy ngay, nhưng cứ loay hoay mãi về chuyện quần áo, hôm qua con quên bảo Naxtaxia… giặt sạch chỗ máu ấy đi… Bây giờ con mới vừa mặc xong quần áo…

– Máu? Máu nào? – bà Punkheria Alekxandrovna hoảng hốt hỏi lại.

Không có gì đâu, mẹ đừng lo. Có máu là bởi vì hôm qua trong lúc hơi mê sảng, con có chạm phải một người bị xe chẹt… Một người công chức…

– Trong cơn mê sảng? Thế nhưng cậu lại nhớ hết cơ mà? – Razumikhin ngắt lời.

– Chính thế – Raxkonikov đáp một cách đặc biệt sốt sắng, – tôi nhớ rõ cho đến từng chi tiết nhỏ, thế nhưng không hiểu tại sao tôi lại làm như thế? Tại sao tôi lại đến đằng ấy? Tại sao tôi lại nói thế kia? Thật tôi không tài nào giải thích rõ được.

– Hiện tượng đó cũng dễ hiểu, – Zoximov xen vào đôi khi cách hành động thì cực kỳ khéo léo, tinh xảo, nhưng cái động cơ, cái xuất phát điểm của hành động thì lại rối loạn và tuỳ thuộc vào những ấn tượng bệnh tật nào đó. Một cái gì tựa như một giấc mộng.

“Cũng còn may là hắn coi mình gần như một thằng loạn óc” – Raxkonikov nghĩ thầm.

– Thế thì những người khỏe mạnh cũng vậy thôi, – Dunia nhận xét, mắt lo âu nhìn Zoximov.

– Một lời nhận xét khá đúng! – Zoximov đáp – quả nhiên tất cả chúng ta cũng nhiều khi hành động gần như người điên, duy chỉ có khác là những người “mắc bệnh điên” họ điên hơn ta một tí; cho nên ở đây phải vạch một đường ranh giới. Còn người hoàn toàn sáng suốt thì có thể nói là hầu như không có, có lẽ trong hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người, may ra mới tìm được một người như thế, mà cũng chưa hẳn là hoàn toàn sáng suốt…

Nghe đến chữ “điên” mà Zoximov vô tình thốt ra trong khi đang say sưa với vấn đề anh thích thú, mọi người đều cau mặt. Raxkonikov dường như không để ý, chàng ngồi yên, vẻ đăm chiêu tư lự, một nụ cười kỳ lạ in lên đôi môi nhợt nhạt của chàng. Chàng vẫn tiếp tục nghiền ngẫm một điều gì.

– Thế cái người bị xe chẹt ấy, rồi ra sao? Cậu kể tiếp đi – Razumikhin vội hỏi to.

– Gì cơ? – Raxkonikov như sực tỉnh – A! phải… thế rồi người tôi dính dầy máu khi tôi giúp họ khiêng ông ta về nhà… Nhân thể, mẹ ạ, hôm qua con đã làm một việc không thể tha thứ được, quả là con không còn trí khôn nữa. Số tiền mẹ gửi cho con, con đem cho… vợ ông ta hết… để lo việc ma chay. Bà ấy nay đã thành người góa bụa, lại ho lao, thật đáng thương, lại có ba đứa bé mồ côi, đói khát… mà nhà chẳng có tí gì… Ở nhà ấy còn một cô con gái nữa… Giá mẹ trông thấy, có lẽ mẹ cũng sẽ làm như con… con cũng biết là con không có quyền làm như vậy, nhất là khi biết mẹ đã vất vả thế nào mới kiếm ra món tiền đó. Muốn giúp đỡ, trước hết phải có quyền đã, bằng không thì “Crevez, chiens, si vous n’êtes pas contents?”1) – Chàng cười – có phải thế không Đunya?

– Không, không phải thế! – Dunia đáp, giọng rắn rỏi.

– Chà, thôi, cô… cô cũng có dụng ý gì hẳn! – chàng lẩm bẩm nhìn em gái gần như căm hờn, môi mỉm một nụ cười ngạo nghễ. – Lẽ ra anh phải tính đến chuyện đó mới phải… Thôi, cũng đáng khen đấy? Càng tốt cho cô… rồi cô sẽ đi đến một giới hạn nào đó nầy nếu không bước qua, cô sẽ khổ sở, còn nếu bước qua, có lẽ cô còn sẽ khổ hơn nữa. Vả chăng, do toàn là chuyện nhảm. – Chàng bực dọc nói tiếp, giận mình đã quá nhiều lời. Mẹ ạ, con chỉ muốn nói rằng con xin lỗi mẹ, chàng kết thúc, giọng xẵng và ngắc ngứ.

– Thôi, Rodia, mẹ tin chắc ràng việc gì con đã làm thì cũng đều tốt đẹp cả – bà cụ mừng rỡ nói.

– Mẹ đừng tin như vậy, – chàng đáp, môi méo xệch thành một nụ cười gượng gạo.

Một khoảng im lặng tiếp theo sau. Trong suốt câu chuyện vừa qua có một cái gì căng thẳng, từ những phút im lặng cho đến cách giảng hoà, lời xin lỗi, và mọi người đều cảm thấy thế.

“Cứ như thể họ sợ mình” – Raxkonikov nghĩ thầm trong khi ngước mắt nhìn trộm mẹ và em. Quả nhiên, bà Punkheria Alekxandrovna càng im lặng lại càng đâm ra rụt rè.

Khi vắng họ hình như mình vẫn yêu quý họ kia mà – ý nghĩ ấy thoáng hiện trong trí chàng.

– Rodia ạ, bà Marfa Petrovna chết rồi đấy! – bà Punkheria Alekxandrovna bỗng thốt lên.

– Bà Marfa Petrovna nào?

– Trời ơi! Bà Marpha Petrovna, vợ ông Xvidrigailov ấy mà. Mẹ đã viết khá nhiều về bà ta trong bức thư vừa gửi cho con đấy thôi?

– À, à! phải… con nhớ ra rồi… thế bà ấy chết rồi? Thật ư – Chàng bỗng rùng mình như lại sực tỉnh dậy. – Bà ta chết rồi ư? Sao vậy.

– Con thử tưởng tượng xem; bà ta chết thật bắt ngờ! – bà Punkheria Alekxandrovna được thể, vội nói thêm – Ấy, đúng lúc mẹ gửi thư cho con, đúng cái ngày ấy! Con thử tưởng tượng: hình như chính vì con người ghê tởm kia mà bà ta chết. Nghe nói cái lão ấy đã đánh đập bà ta hết sức tàn nhẫn.

– Trước họ cũng sống như vậy sao? – chàng quay lại hỏi em.

– Không, ngược lại nữa là khác! Đối với bà lúc nào ông ta cũng tỏ ra rất kiên nhẫn lễ độ nữa ấy. Nhiều khi ông ta lại còn quá khoan dung với tính nết của vợ nữa; và như thế đã mấy năm ròng… Đến nay ông ta bỗng mất kiên nhẫn thế nào đấy.

– Thế nghĩa là ông ta tuyệt nhiên không đến nỗi ghê tởm lắm, vì cũng đã nén được báy năm kia mà?

– Dunia, hình như cô bênh vực ông ta thì phải?

– Không, không, đó là một con người ghê tởm, em không thể tưởng được còn có cái gì ghê tởm hơn nữa – Dunia đáp, gần như run lên, nàng cau mày, trầm ngâm suy nghĩ.

– Câu chuyện đó xảy ra ở nhà họ vào một buổi sáng, bà Punkheria Alekxandrovna vội và nói tiếp. – Sau đó bà ta lập tức ra lệnh thắng xe để sau bữa cơm trưa sẽ lên tỉnh, vì trong nhưng trường hợp như vậy, lúc nào bà ta cũng lên tỉnh. Nghe đâu trưa hôm ấy bà ăn ngon lành lắm.

– Sau khi bỉ đánh nhừ tử?

– Đối với bà ta… đã thành một thói quen như thế, và để khỏi chậm trễ, ăn xong bà ta đi tắm ngay… Con ạ, bà ta vẫn chữa bệnh bằng cách tắm đấy. Ở nhà họ có một con suối nước lạnh, ngày nào bà ta cũng đến đấy tắm rất đều. Nhưng vừa lội xuống nước bà ta bị một cơn động kinh.

– Tất nhiên phải như thế! – Zoximov nói. – Thế bà ta bị đánh đau lắm phải không?

– Mà thôi, có can hệ gì đâu. – Dunia lại xen vào.

– Hừm! Mẹ ạ, sao mẹ cứ kể lể những chuyện vớ vẩn ấy làm gì? – Raxkonikov bỗng buông ra một giọng gắt gỏng bất ngờ.

– Ôi! Con ạ, chỉ vì mẹ không biết nói chuyện gì hơn, – bà Punkheria Alekxandrovna buột mồm nói.

– Sao! Các người đều sợ tôi cả hay sao? – Chàng lại mỉm một nụ cười nhăn nhó.

– Quả đúng như thế. – Dunia nói, mắt nghiêm khắc nhìn thẳng vào mặt chàng. – Khi bước chân lên cầu thang, mẹ còn làm cả dấu thánh nữa, vì mẹ sợ quá.

Bộ mặt Raxkonikov nhăn rúm lại như thể bị chuột rút.

– Ôi! Dunia, con nói gì thế! Rodia, con đừng giận, mẹ van con! Sao con lại nói thế, hở Dunia? – bà Punkheria Alekxandrovna luống cuống nói. – Thật quả suốt dọc đường ngồi trên xe lửa, mẹ cứ nghĩ: gặp nhau mẹ con ta sẽ kể cho nhau nghĩ không biết bao nhiêu là chuyện… Lúc ấy mẹ sung sướng đến nỗi không còn chú ý gì dọc đường nữa. Nhưng mẹ vừa nói gì thế nhỉ? Bây giờ mẹ cũng vẫn sung sướng chứ… Dunia, con nhầm rồi đấy? Khi được gặp lại con thôi mẹ cũng đã sung sướng lắm rồi, Rodia ạ.

– Thôi, mẹ ơi, – chàng siết tay mẹ nói lắp bắp, có chiều bối rối, mắt nhìn đi nơi khác – Chúng ta còn đủ thì giờ nói chuyện nhiều.

Nói xong, chàng bỗng đâm ra luống cuống và tái mặt đi: cái cảm giác lạnh buốt kinh hoàng lúc nãy lại dâng ngập tâm hồn chàng; chàng lại thấy rõ mình vừa thốt ra một lời nói dối kinh khủng, và không những từ nay chàng sẽ không bao giờ còn có thể chuyện trò cởi mở với mẹ chàng nữa mà cũng không bao giờ còn có thể nói với ai bất cứ chuyện gì. Cái cảm giác chua xót ấy mạnh đến nỗi chàng hầu như mất trí trong chốc lát. Chàng đứng dậy và không nhìn ai, toan đi thẳng ra cửa.

– Cậu làm sao thế? – Razumikhin nắm lấy cánh tay chàng, kêu lên.

Chàng lại ngồi xuống va đưa mắt lặng lẽ nhìn quanh; mọi người đều bỡ ngỡ nhìn chàng.

– Ôi! Sao tất cả các người chán thế? – Chàng bỗng kêu lên một cách thật bất ngờ – Nói chuyện gì đi chứ! Sao các người lại ngồi trơ ra thế? Nào, nói đi chứ! Chúng ta nói chuyện nào… Đã sum họp thế nầy mà lại lặng thinh… Nào, nói chuyện đi.

– Lạy Chúa! Tôi cứ tưởng lại lên cơn như hôm qua. – Vừa noỉ bà Punkheria Alekxandrovna vừa làm dấu thánh.

– Anh làm sao thế? – Avdotia Romanovna hỏi, vẻ ngờ vực.

– Chả sao cả, anh vừa nhớ lại một chuyện không đâu – chàng đáp và đột nhiên cất tiếng cười.

– Được, nếu là chuyện không đâu thì tốt, nếu không chính tôi cũng nghĩ là… – Zoximov lẩm bẩm rời đi-văng đứng dậy. – Giờ thì tôi phải đi, có thể tôi sẽ trở lại nếu gặp cậu ở nhà…

Anh ta cúi chào và lui ra.

– Con người mới đáng quý làm sao! – bà Punkheria Alekxandrovna nhận xét.

Phải, đáng quý, tuyệt diệu, có học thức, thông minh, – đột nhiên Raxkonikov nói liến thoắng một thôi với vẻ khích động từ nãy đến giờ chưa từng thấy chàng có. – Con không nhớ là trước khi bị bệnh, con đã gặp anh ấy ở đâu… Hình như đã có gặp anh ta ở đâu rồi thì phải… Đây cũng là một người đáng quý nữa! – Chàng hất đầu về phía Razumikhin, – Dunia, em có thích anh ấy không? – chàng hỏi em rồi bật cười, chẳng hiểu tại sao.

– Rất thích, Dunia đáp.

– Chà, đồ quỷ…! – Razumikhin ngượng chín cả người, mặt đỏ dừ lên lúng túng đứng dậy. Bà Punkheria Alekxandrovna mỉm cười dịu dàng, còn Raxkonikov thì cười phá lên.

– Kìa, cậu đi đâu đấy?

– Mình cũng… có việc cần.

– Cậu chẳng có việc gì sất, ở lại đây! Zoximov đi rồi thì cậu cũng muốn bước đấy hẳn? Không đi đâu hết, mà mấy giờ rồi nhỉ? Mười hai giờ rồi phải không? Dunia, em có chiếc đồng hồ xinh quá nhỉ! Nhưng tại sao các người lại cứ lặng thinh thế? Vẫn chỉ có tôi nói mãi thôi!

– Đây là món quà của bà Marfa Petrovna, – Dunia đáp.

– Đắt tiền lắm đấy – bà Punkheria Alekxandrovna đệm theo.

– A – a – a! Nhưng là đồng hồ nữ thì hơi to.

– Em thích cỡ nầy – Dunia nói.

– Thế ra không phải của vị hôn phu?. – Razumikhin nghĩ và chợt thấy mừng thầm, chẳng hiểu vì sao. Thế mà anh cứ tưởng là tặng phẩm của Lugin. – Raxkonikov nói.

– Không phải, anh ta chưa tặng Dunia cái gì cả.

– Á – à – à! Mẹ ạ, mẹ còn nhớ không, con cũng đã từng yêu và đã từng muốn lấy vợ. – chàng nhìn mẹ nói, khiến bà kinh ngạc vì cách chuyển hướng bất ngờ của câu chuyện và giọng nói của chàng.

– Ôi, con yêu quý ạ, mẹ có nhớ! – bà Punkheria Alekxandrovna vừa nói vừa liếc mắt nhìn Dunia và Razumikhin.

– Hừm! đúng! Nhưng con biết kể chuyện gì với mẹ bây giờ? Chính con cũng không còn nhớ được bao nhiêu. Đó là một cô bé ốm yếu? – chàng nới tiếp, đầu cúi gầrn, dường như vụt trở lại với tâm trạng đăm chiêu ban nãy, – rất ốm yếu; cô ta thích bố thí cho ăn mày và chỉ mơ ước được vào tu viện; một hôm, cô khóc sướt mướt khi nói với con chuyện đó; phải… con nhớ ra rồi, con nhớ lò lắm, cô ta lại còn xấu xí nữa. thật quả con cũng không hiểu sao con lại gần với cô ta hình như vì cô ta bao giờ cũng ốm yếu. Giá như cô ấy lại thọt hay gù nữa thì chắc là con còn yêu cô gấp bội (chàng tư lự mỉm cười)… Thế đấy một cơn mê sang của tuổi xuân.

– Không, không phải chỉ là một cơn mê sảng của tuổi xuân! – Dunia nói, giọng nhiệt thành.

Chàng chăm chú nhìn em, tinh thần căng thẳng, song không hiểu em mình nói gì và thậm chí cũng không nghe thấy gì nữa. Rồi, vẫn chìm sâu trong tâm trạng đăm chiêu tư lự, chàng đứng dậy, đến hôn mẹ rồi trở lại ngồi chỗ cũ.

– Giờ con vẫn còn yêu cô ta? – bà Punkheria Alekxandrovna mủi lòng nói.

– Cô ấy… Bây giờ ấy à? À, phải… mẹ nói đến cô ấy phải không? Không. Bây giờ đối với con những việc ấy đều như đã sang thế giới khác rồi… đã xa xưa lắm? Và tất cả những việc xung quanh con cũng dường như đang diễn ra ở một nơi nào xa lạ.

Chàng đăm đăm nhìn họ.

– Như các người đây cũng thế, tôi nhìn các người như từ một nơi nào cách xa hàng nghìn dặm… Nhưng sao chúng ta lại nớl những chuyện ấy nhỉ, có ma nó biết và tại sao các người lại hỏi tôi? – chàng bực bội nói thêm rồi im bặt, cắn móng tay, vẻ lại trầm ngâm như cũ.

– Rodia, chỗ ở của con tệ quá, thật như cái quan tài – bà Punkheria Alekxandrovna bỗng lên tiếng để chấm dứt phút im lặng nặng nề. – Mẹ chắc con buồn buồn phần nào cũng do chỗ của con.

– Chỗ ở? – Chàng đáp vẻ lơ đãng – Vâng, chỗ ở của con cũng có dính dáng nhiều đến việc ấy… Con cũng đã nghĩ đến điều đó. Song ý nghĩ vừa rồi của mẹ thật là kỳ lạ, mẹ ạ – chàng nói thêm với một nụ cười quái gở. Chỉ thiếu chút nữa thì chàng không còn hơi sức nào chịu đựng được cuộc họp mặt nầy, chịu đựng những người thân mà sau ba năm xa cách, chàng mới được gặp lại, cũng như cái giọng thân mật gia đình của câu chuyện bất đắc dĩ trong khi chàng không thể nào nói được bất cứ chuyện gì. Tuy vậy chàng có một việc khẩn cấp cần phải quyết định ngay hôm nay không trì hoãn: sáng nay lúc ngủ dậy chàng đã có ý định dứt khoát như thế. Chàng thấy hài lòng vì đã nghĩ đến công việc để tìm một lối thoát.

– Dunia ạ, đây, vấn đề nó như thế nầy, – chàng mở đầu, giọng khô khan và nghiêm nghị, – tất nhiên anh phải xin lỗi em vì những chuyện xảy ra hôm qua, nhưng anh tự thấy có bổn phận nhắc cho em nhớ là anh không hề thay đổi ý kiến. Hoặc anh, hoặc Lugin. Anh có thể là một con người hèn mạt, nhưng em không thể thế được. Chỉ một người thôi cũng đủ. Nếu em kết hôn với Lugin, thì ngay tức khắc, anh sẽ không còn coi em là em nữa.

– Rodia! Rodia! thế thì lại như hôm qua rồi! – Bà Punkheria Alekxandrovna chua chát thốt lên, – mà tại sao con cứ gọi mình là người hèn mạt, mẹ không thể chịụ được. Hôm qua cũng thế…

– Anh à – Dunia đáp giọng rắn rỏi và cũng khô khan không kém – Chuyện nầy trước sau đều do một ý nghĩ sai lầm của anh mà ra cả. Đêm qua, em đã suy nghĩ và đã tìm ra được chỗ sai lầm đó. Hình như anh cho rằng em vì một người nào đó mà đem hiến mình cho một người nào đó. Hoàn toàn không phải như vậy, em đi lấy chồng chỉ vì bản thân em mà thôi, bởi vì em thấy khó sông một mình: rồi sau đó lẽ tất nhiên em cũng lấy làm sung sướng có thể giúp đỡ được cho những người thân, song đó không phải là động cơ chủ yếu trong quyết định của em.

“Nói dối, – Raxkonikov vừa nghĩ thầm vừa cắn móng tay một cách giận dữ. Con bé kiêu ngạo thật! Nó không muốn nhận là nó thích đóng cái vai ân nhân! Ôi, những nhân cách ti tiện! Họ yêu cũng chăng khác gì họ ghét! Ôi! ta… căm thù tất cả bọn họ!”.

– Tóm lại, em sẽ lấy Piotr Petrovich, – Dunia nói tiếp, – vì trong hai nỗi khổ, em chọn lấy nỗi nhẹ nhất. Em sẽ trung thực làm tròn tất cả những gì người ấy chờ đợi ở em; vì vậy em sẽ không lừa dối người ấy. Sao anh lại cười?

Mặt nàng cũng đỏ bừng và trong khóe mắt nàng lóe lên một tia giận dữ.

– Em sẽ làm tròn tất cả đấy chứ? – chàng hỏi với một nụ cười hiểm độc.

– Đến một mức độ nào đó. Cách thức cầu hôn của Piotr Petrovich cũng đã làm cho em thấy ngay ông ấy muốn gì. Quá ông ta đánh giá mình quá cao, song em hy vọng ông ta cũng sẽ coi trọng em… Sao anh lại cười?

– Thế tại sao em lại đỏ mặt? Em nói dối, em ạ, em cố tình nói dối chỉ vì cái tính cố chấp của đàn bà, chỉ vì muốn bắt anh nhìn nhận mọi việc theo ý riêng của em. Em không thể kính trọng Lugin được, anh đã gặp hắn và đã nói chuyện với hắn. Thế nghĩa là em bán mình vì tiền, vì vậy em đã hành động một cách hèn hạ, và anh lấy làm mừng rằng ít nhất em cũng còn biết ngượng vì việc đó?

– Không phải, em không nói dối đâu… – Dunia mất hết tự chủ thét lên. – Em không đời nào lấy ông ta nếu không biết chắc là ông ta quý trọng em, em không đời nào lấy ông ta nếu không biết chắc rằng em có thể kính trọng được ông ta. Cũng may là ngay hôm nay, em sẽ có dịp biết chắc chắn được điều đó. Một cuộc hôn nhân như vậy không phải là một việc đê tiện như anh nói. Mà dù anh có nói đúng chăng nữa, dù em có cam tâm làm một việc đê tiện thì anh nói như thế chẳng phải là quá tàn nhẫn hay sao? Tại sao anh cứ đòi hỏi ở em một bản lĩnh anh hùng mà có lẽ anh cũng không có? Như vậy là áp chế, như vậy là cưỡng bức? Nếu em có làm hại người nào thì người đó chỉ có thể là một mình em mà thôi… Em cũng chưa giết người nào kia mà! Sao anh lại nhìn em như thế? Sao anh lại tái mặt đi thế? Rodia, anh làm sao thế? Rodia, anh yêu quý!

– Trời ơi! Nó làm anh nó ngất đi kia kìa! – bà Punkheria Alekxandrovna thét lên.

– Không, không… không hề gì… cớ sao đâu. Con hơi chóng mặt một tí thôi. Không ngất đâu… Mẹ thì lúc nào cũng sợ con ngất! Hừm? Phải anh định nói gì nhỉ? À, phải rồi, cô làm thế nào mà ngay hôm nay có thể biết chắc rằng cô sẽ kính trọng hắn và hắn sẽ coi trọng cô, có phải đúng cô vừa nói như vậy không? Hình như cô vừa nói là hôm nay thì phải. Hay anh nghe nhầm?

– Mẹ ơi, đưa cho anh con xem lá thư của Piotr Petrovich, – Dunia nói. Tay run run, bà Punkheria Alekxandrovna đưa thư cho con trai. Chàng cầm lấy, trí tò mò lên đến cao độ. Song trước khi mở thư chàng bỗng quay lại nhìn Dunia như có ý ngạc nhiên.

– Lạ thật! – chàng nói chậm rãi, tuồng như vừa có một ý nghĩ mới mẻ vụt hiện đến. – Sao tôi lại nhặng xị thế nhỉ? Sao tôi lại có thể làm toáng lên như thế? Cô muốn lấy ai thì cứ lấy thôi!

Chàng như tự nhủ một mình, nhưng lại nói to lên, rồi sững sờ nhìn em một lát, vẻ như băn khoăn không hiểu.

Cuối cùng, chàng giở thư ra, vẫn giữ một vẻ ngạc nhiên khác thường; rồi chàng thong thả và chăm chú đọc đi đọc lại bức thư hai lần.

Bà Punkheria Alekxandrovna lo ngay ngáy; và mọi người đều chờ đợi một sự kiện khác thường sắp xảy ra.

– Kể cũng lạ thật, – sau một lát suy nghĩ chàng trả lại bức thư cho mẹ và cất tiếng nói trống không, – hắn làm luật sư, quen giao thiệp, nói năng nghe cũng có vẻ trau chuốt, thế mà thư thì viết như người vô học.

Ai nấy đều xôn xao lên: nầy giờ họ chờ đợi một cái gì khác hẳn.

– Họ đều viết như thế cả đấy, – Razumikhin nói, giọng ngắc ngứ.

– Cậu đọc lá thư nầy rồi à?

– Rồi.

– Mẹ và em có đưa cho anh ấy xem, Rodia ạ, lúc nãy mẹ… có hỏi ý kiến anh ấy, – bà Punkheria Alekxandrovna đỡ lời, vẻ bối rối.

– Đó chính là lối văn tố tụng – Razumikhin cắt ngang, – xưa nay các giấy tờ ở toà án vẫn viết lối văn tố tụng như vậy đấy.

– Văn tố tụng? Đúng, đúng là văn tố tụng, văn sự vụ Không hẳn là cách viết của kẻ vô học, cũng không phải là lối viết văn hoa gì đúng là văn sự vụ. Piotr Petrovich không hề có ý giấu là mình ít được học hành, hơn nữa còn tự hào là đã tự xây dựng lấy cuộc đời mình. – Avdotia Romanovna nhận xét, hơi phật ý vì giọng nói của anh.

– Được rồi, nếu hắn tự hào thì chắc cũng có lý do, anh không phản đối. Em ạ, hình như em bực mình vì cả một lá thư như vậy mà anh chỉ rút ra được có mỗi một lời nhận xét nông nổi, và em nghĩ là anh cố tình nói những điều không đâu như vậy để trêu tức em. Không, trái lại, về lời văn, anh vừa nảy ra một nhận xét mà trong trường hợp nầy có lẽ không thừa chút nào. Trong thư có câu: “bà chỉ nên tự trách mình”, thật hàm súc và rõ ràng; ngoài ra lại có lời đe doạ là sẽ đi ngay lập tức nếu anh đến. Lời đe doạ đó cũng có nghĩa là đe doạ sẽ bỏ rơi mẹ và em, và bỏ rơi đúng vào lúc nầy, sau khi đã gọi hai người lên Petersburg! Đấy, cô nghĩ sao, ví thử không phải Lugin viết ra câu văn ấy mà là anh nầy chẳng hạn (chàng trỏ Razumikhin), hoặc Zoximov, hoặc một người nào trong mẹ con chúng ta viết ra thì người đọc có thấy mình bị xúc phạm như vậy không?

– Kh… không, – Dunia hăm hở đáp. – Em hiểu rất rõ rằng viết như vậy là quá vụng về, song có lẽ ông ta không làm chủ được ngòi bút của mình. Anh phê phán đúng, anh Rodia, chỉnh em cũng không ngờ là…

– Thư viết bằng lối vẫn tố tụng, mà dùng lối văn tố tụng thì không có cách nào viết khác được, cho nên giọng văn đâm ra thô lỗ hơn là vì hắn muốn thì phải. Ngoài ra, anh buộc lòng phải làm cho em tỉnh ngộ một chút: trong thư, còn có một câu khác, vu khống anh một cách khá đê tiện. Hôm qua, anh đem tiền cho một người đàn bà goá, ho lao, tuyệt vọng, không phải lấy cớ là để “trả tiền ma chay” mà chính là để lo việc ma chay thật, và không phải đưa cho con gái ông ta, một người con gái mà như hắn viết, “ai cũng biết là hư hỏng” (hôm qua anh mới gặp cô ta lần đầu) mà trao cho chính người quả phụ. Anh thấy ở đây có một dụng tâm quá ư vội vàng định bôi nhọ anh và làm cho anh xích mích với mẹ và em. Tất cả những chuyện đó, một lần nữa, cũng được diễn đạt băng lối văn tố tụng, nghĩa là có một dụng ý quá rõ ràng và hấp tấp một cách quá ngay ngô. Hắn là một người thông minh, song chỉ riêng trí thông minh thôi thì chưa đủ để hành động một cách thông minh. Tất cả những chuyện đó vẽ nên con người… và anh cũng không tin là hắn coi trọng em lắm đâu Anh nói điều đó cốt chỉ để giúp đỡ em thôi, vì anh thành thật cầu mong điều lành điều tốt cho em.

Dunia không đáp, nàng đã quyết định xong xuôi từ lúc nầy nàng chỉ muốn đợi đến chiều.

– Vậy thì con định thế nào hơ Rodia? – Bà Punkheria Alekxandrovna hỏi, lòng càng lo âu hơn vì câu chuyện bỗng nhiên chuyển sang giọng “sự vụ” – “Con định thế nào” nghĩa là thế nào?

– Đấy Piotr Petrovich bảo là con đừng đến đằng nhà chiều nay, và nói là sẽ bỏ đi, nếu con đến. Vậy thì con… có đến không? Tất nhiên việc đó không thể do con quyết định, mà trước hết là do mẹ, nếu yêu sách đó của Piotr Petrovich không mếch 1òng mẹ, hai nữa là do Dunia, nếu nó cũng không cảm thấy bị xúc phạm. Còn con, con sẽ làm theo ý mẹ, – chàng nói thêm, giọng cộc cằn.

– Dunia đã quyết định rồi, và mẹ cùng hoàn toàn thuận theo nó, – bà Punkheria Alekxandrovna vội đáp.

– Em quyết định, anh Rodia ạ, là tha thiết mời anh đến đằng nhà dự buổi họp mặt nầy, – Dunia nói. Anh đến chứ?

– Anh sẽ đến.

– Cả anh nữa, tôi cũng xin mời anh tám giờ đến dằng chúng tôi, – nàng quay về phía Razumikhin nói. – Mẹ ơi, con mời ca anh ấy nữa đấy.

– Rất tốt, Dunia ạ Được – Bà Punkheria Alekxandrovna nói thêm. – Các con quyết định ra sao thì mẹ cũng ưng như thế. Đối với mẹ như thế lại càng nhẹ nhõm, mẹ không thích giả vờ và nói dối; tốt hơn cả là nói hết sự thật… Piotr Petrovich có giận hay không cũng mặc.

 


  1. “Không bằng lòng thì cứ chết tiệt đi, đồ chó má!” (tiếng Pháp trong nguyên văn