Thương nhớ Mười Hai – Vũ Bằng

Vũ Bằng (3 tháng 6, 1913 – 7 tháng 4, 1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký… Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, ông còn ký với các bút hiệu khác: Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm…

Thuong nho Muoi Hai Vu Bang

Thương nhớ Mười Hai – Vũ Bằng

Trong số trước tác của Vũ Bằng, Thương nhớ Mười Hai là tác phẩm tiêu biểu cho tâm tư và phong cách viết của ông. Nội dung sách ông viết về hình ảnh người vợ tên Quỳ bên kia vỹ tuyến. Ông khởi sự viết từ tháng Giêng 1960, ròng rã mười một năm mới hoàn thành tác phẩm dày khoảng 250 trang vào năm 1971.

GS Hoàng Như Mai đánh giá:

Dù phải thích nghi với hoàn cảnh chính trị như thế nào đấy, cuốn sách vẫn bày tỏ rất rõ tâm sự của một người con miền Bắc nhớ da diết quê hương ở bên kia “giới tuyến”. Chính tấm lòng ấy đã cùng với ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng làm nên giá trị văn chương của tác phẩm này. Nó hấp dẫn chúng ta từng dòng, từng trang…

Nhà văn Triệu Xuân ca ngợi:

Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: “Sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?”. Tôi trả lời ngay: “Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng!…

Bởi viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông…

Và trong Từ điển văn học (bộ mới):

Văn hồi ký của ông là loại văn trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế. Cùng với Thương nhớ Mười Hai, Miếng ngon Hà Nội…đã góp phần định hình kiểu hồi ký trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của Vũ Bằng vào thể ký nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung.

Tự ngôn

Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt

Tháng Hai, tương tư hoa đào

Tháng Ba, rét Nàng Bân

Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường

Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng

Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên

Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân

Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu

Tháng Chín, gạo mới chim ngói

Tháng Mười, nhớ gió bấc mưa phùn

Tháng Một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng

Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết

Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh…