Vụ án 48 năm trước

Tháng ba 1993 vừa qua, trên đài RFI (Pháp), ông Hoàng Khoa Khôi thuộc tổ chức đệ tứ quốc tế (Troskýt) đã nói đến vụ ám sát nhưng người lãnh đạo troskyt ở Việt nam hồi 1945. Ông nhắc đến cái chết của các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… và mong rằng các vụ án này sẽ được đưa ra ánh sáng. Đã có hơn 100 nhân vật chính trị và khoa học, văn hóa ký tên đòi phục hồi danh dự cho Tạ Thu Thâu, vì khi ông bị Việt Minh giết hại trong một nhà tù tại vùng ven biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi) vào tháng 9-1945, ông bị kết tội là Việt gian, tay sai của phát xít Nhật! Hai ông Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch cũng đều bị Việt Minh bắt và giết tại Dĩ An (Thủ Đức- Sàigòn) cùng một thời gian ấy.

Tạ Thu Thâu sinh năm 1906 ở Long Xuyên, Nam Bộ, học tại trường Chasselup-Laubat Sài Gòn, đậu tú tài Pháp năm 1925. Ông sang Pháp năm 1927 để học chương trình cử nhân toán học. Ông tham gia thành lập Việt nam Độc Lập Đảng, ra báo La Résurrection (Nổi Dậy), tổ chức phong trào sinh viên Việt nam ở Pháp. Năm 1929 ông tham gia phong trào Trốt kýt Pháp, phê phán chính sách hẹp hòi của Đảng cộng sản Pháp trong vấn đề thuộc địa. Ông bị trục xuất về Sài gòn sau khi tổ chức cuộc biểu tình trước điện Elysées, Paris, ngày 2 tháng 5 năm 1930, lên án việc chính phủ Pháp hành quyết những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Về nước ông lập phong trào Tả đối lập, rồi lập ra tờ báo La Lutte (Tranh đấu). Tháng 5-1935 ông được bầu vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn, trở thành nhân vật lãnh đạo nổi bật nhất các cuộc đình công và biểu tình lớn trong hai năm 1936 và 1937. Cùng với hai ông Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch, ông được bầu vào Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ tháng 4 năm 1939. Trong cuộc đàn áp lớn khi chiến tranh thế giới nổ ra, ông bị bắt tháng 4 năm 1940 và bị đày ra Côn Đảo tháng 10 năm 1940. Ông ra tù cuối năm 1944. Giữa năm 1945 ông lên đường ra Bắc, giữa đường thì Cách mạng tháng 8 nổ ra, ông quay về Sài Gòn thì bị Việt Minh bắt.

Điều rất mỉa mai là Tạ Thu Thâu, nhà trí thức Trôi kýt xuất sắc đã chủ trương bắt tay chặt chẽ với nhưng người cộng sản thuộc đệ tam quốc tế, lập mặt trận chung chống đế quốc. Ông là bạn thân của Nguyễn Văn Tạo (1908-1972) vốn là ủy viên trung ương đảng ông Sản Pháp, của Dương Bạch Mai (1904-1965) đảng viên đảng cộng sản Đông Dương. Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đều trúng cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn tháng 5-1935 vả cũng là linh hồn của tờ báo La Lutte (Tranh Đấu) rất có ảnh hưởng hồi ấy.

Chính sự hợp tác chặt chẽ giữa những người Trốtkyt và những người cộng sản theo tinh thần rộng rãi của Mặt trận Bình dân Pháp đã làm cho phong trào cách mạng mở rộng, tổ chức các công đoàn phát triển. Đến cuối năm 1937, Mặt Trận Bình dân suy yếu, Đảng Xã Hội Pháp đi ngược lại cương lĩnh của họ trong ván đê thuộc địa, đảng cộng sản bị Stalin hóa, nhóm La Lutte tan vỡ.

Cuộc đấu tranh trở nên gay gắt về đường lối và biện pháp cách mạng giữa Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh và Hà Huy Tập, Tổng bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương khi Mặt Trận Bình Dân tan rã. Đảng cộng sản Đông Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa Stalin và bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mao, đề xướng việc hình thành Mặt Trận Dân Chủ, trong đó Đảng cộng sản giữ độc quyền lãnh đạo. Việc hình thành Mặt Trận Việt Minh năm 1941 là theo tinh thần biệt phái như thế.

Đến năm 1939 qua những cuộc vây ráp rộng lớn của mật thám, phong trào cách mạng đi vào thoái trào. Những người cộng sản và những người trôtkýt gặp nhau ở Côn Đảo, tiếp tục tranh luận về đường lối cách mạng Việt nam. Các cuộc tranh luận, cãi vã đôi khi dẫn đến xô xát và thanh toán lẫn nhau? Những vụ án Moscou nổ ra, Stalin kết tội Trốt-kyt là phản bội! Những người theo Trôt-kyt bị Stalin tàn sát với danh hiệu: phản bội đảng, làm gián điệp cho phát xít Đức. Cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi quốc tế cộng sản chỉ rõ: “Đối với bọn trốtkýt, không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”. Sau đó, từ Trung Quốc ông gửi thư về nước, chỉ rõ: “Bọn trốtkýt là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế.”

Xin nhớ trên số báo Pravda ở Moscou, ra ngày 14 tháng 3 năm 1937, Staline đã viết: “Chủ nghĩa Trôt-kýt dùng phương pháp đấu tranh hèn hạ nhất, nhơ bẩn nhất, khốn nạn nhất. Nấp trong bóng tối, đàn chó Trốtkyt tụ tập những kẻ không còn tính người, sẵn sàng gây mọi tội ác… Khủng bố cá nhân là phương pháp hành động của bọn chó săn Trốtkýt”.

Nguyễn Ái Quốc còn nhắn về nước: “Tôi khuyên ai chưa đọc thì nên tìm đọc bản xử án bọn Trốt kýt ở Liên xô và làm cho bạn bè cùng đọc. Nó sẽ giúp cho thấy bộ mặt đáng ghê tởm của chủ nghĩa Trốtkyt và bọn Trốtkýt” (Hồ chí Minh Toàn Tập, tập 3, trang 97).

Vu khống, chụp mũ những người trốtkýt Việt nam, ám sát, thủ tiêu những người lãnh đạo trốtkýt như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch là những người bạn chiến đấu một thời của những người cộng sản, những người lãnh đạo đảng cộng sản Đông Dương đã thực hiện chủ nghĩa Stalin, đã phạm một tội ác trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Yêu cầu của những người troskyt Việt nam hiện nay được các trí thức quốc tế ủng hộ là khôi phục danh dự cho những người bị sát hại với cái tội là “Việt gian” là một yêu cầu chính đáng, không thể bỏ qua được.