Thời của các ông tướng địa phương

Nhiều bạn bè và người nước ngoài hỏi: Việt nam hiện có nhiều tướng giỏi không? Xin được trả lời: có chứ! Tướng giỏi không ít. Nhưng họ bị “rơi rụng” hết? Như trên đã kể, vào những năm từ 1963 đến 1967, Cục bảo vệ quân đội theo lệnh của Bộ nội vụ và Trưởng ban tổ chức trưng ương Đảng bắt giữ hàng loạt cán bộ ở Bộ quốc phòng, Bộ tổng tham mưu, được coi là thân cận nhất của tướng Giáp. Tất cả số ấy đều xuất thân từ học sinh, sinh viên, gia đình tiểu tư sản thành thị. Không ai xuất thân từ bần cố nông cả. Đó là những sĩ quan xuất sắc. Đại tá Đỗ Đức Kiên nguyên là Kỹ sư canh nông, sang Liên xô học trường quân sự cấp cao được bằng đỏ, là cục trưởng tác chiến tài ba: Đại tá cục trưởng quân báo Lê Trọng Nghĩa vốn là sinh viên luật kloa, rất thông minh xuất sắc. Họ không đụng được đến đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông tỉnh táo, chặt chẽ, cẩn thận, giữ rất “kín võ”, không để “hở sườn”, lại được chủ tịch Hồ Chí Minh quý và tin cậy, thì họ cắt chân tay của ông. Từ sau 1975, đặc biệt là mấy năm gần đây, những cận thần thân tín của ông Giáp thưa thớt dần. Số đông về hưu, một số đã chết. Cái chết của hai ông Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn làm ông đau buồn khôn xiết. Tôi đã được thấy khá nhiều lần sự tin yêu của ông Giáp với hai ông đại tướng này. Ông Hoàng Văn Thái ở gần ông Giáp từ dạo còn ở bên Trung Quốc, và sau đó ở căn cứ Việt Bắc từ cuối năm 1944. Về Hà nội, chính ông Giáp đã chọn ông Hoàng Văn Thái làm Tổng tham mưu trưởng. Ông Thái ở Bộ Tổng tham mưu từ đó cho đến khi đột tử tháng 6 năm 1986! Trong 30 năm liền ở Bộ Tổng Tham mưu ông hàng ngày làm việc với ông Giáp với lòng quý mến nhau không suy suyển. Văn phòng Bộ quốc phòng ở ngay sát Bộ Tổng tham mưu, cùng chung một Sở chỉ huy tác chiến. Từ năm 1957 trở đi, tuy ông lui xuống làm Tổng tham mưu phó thứ nhất, “nhường” cho ông Văn Tiến Dũng làm Tổng tham mưu trưởng nhưng trên thực tế ông vẫn là linh hồn của Bộ tổng tham mưu, cán bộ tham mưu toàn quân được đào tạo lớp này đến lớp khác đều công nhận vai trò không thể thiếu được của ông trong sự trưởng thành của mình. Như đã biết, ông với ông Giáp còn thông gia với nhau. Ông là người bạn tri kỷ mà ông Giáp có thể thổ lộ tất cả tâm tình. Mỗi lần ông Thái đến, ông Giáp lại nói: Anh Thái đấy à, vào đây? Vào đây! Với tất cả sự thân yêu.

Đúng nửa năm sau, ông Giáp lại khóc một lần nữa sau cơn đột tử vẫn lại đột tử, chết bất thần, nguyên nhân không thật rõ, của đại tướng Lé Trọng Tấn, một cán bộ quân sự có đức có tài. Trong toàn quân, ông Tấn có uy tín cực lớn, ông là lão tướng xông xáo, có mặt ở mọi nơi nóng bỏng nhất. Là sư trưởng sư đoàn Công Pháo (Công binh – Pháp binh) ở chiến dịch Điện Biên Phủ, ông còn có mặt ở chiến trường Lào, ở chiến địch Sầm Nưa, rồi năm 1966 đến 1969 ở Trung ương Cục miền Nam, rồi tư lệnh cánh Duyên Hải tiến công từ Đà Nẵng qua Cam Ranh, Bà Rịa, Biên Hòa, để vào Dinh Độc Lập… mùa xuân 1975. Ông nhớ hết mọi diễn biến, đặc điểm của các trận đánh lớn, những kinh nghiệm xử trí của người chỉ huy. Có thể nói ông không có một ham mê nào, không uống rượu, không uống bia, luôn suy nghĩ về các trận đánh. Biết rằng ông vốn xuất thân từ một “anh đội tàu bay” ở sân bay Bạch Mai thời Pháp, lên đến Đại Tướng, sắp nhận chức Bộ Trưởng Quốc Phòng chỉ 10 ngày trước khi khai mạc Đại hội đảng lần thứ 5 (tháng 12-1986), ta sẽ hiểu rằng ông đã phải phấn đấu ra sao. Ông Giáp và ông Tấn rất quý mến nhau vì rất hợp rơ (jeu) nhau trên các bản đồ quân sự. Ông Giáp đã có lần nói: ở trận nào mà anh Tấn có mặt để đốc chiến (đôn đốc tác chiến) là mình có thể yên tâm đến hơn 50 phần trăm rồi!

Tôi đã kể về Đại hội đảng toàn quân diễn ra 3 tháng trước đại hội đảng toàn quốc lần thứ 5, tại đó bất ngờ cực lớn đã diễn ra, làm cho các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Đặng Vũ Hiệp, Mai Chí Thọ… giật mình như bị điện giật! Bất chấp sự lãnh đạo trên cơ sở dân chủ tập trung, bất chất sự hướng dẫn của đoàn Chủ tịch đại hội, đông đảo đại biểu dù đã được tuyển lựa kỹ từ cơ sở đã dứt khoát không bầu các vị Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Đặng Vũ Hiệp, hai đại tướng và một trung tướng vào danh sách đại biểu chính thức đi dự đại hội đảng toàn quốc. Ông Giáp và ông Tấn được số phiếu cao nhất. Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ trúng là đại biểu dự khuyết; trước khi đại hội khai mạc đúng 10 ngày, ông Lê Trọng Tấn đột tử nên ông Dũng mới được bổ xung vào toàn đại biểu để vừa hân hoan vừa ngượng ngùng lọt vào hội trường Ba Đình? Mấy hôm sau đại hội toàn quân, tôi gặp các bạn cũ ở Câu lạc bộ Ba Đình, mấy viên tướng và đại tá hồ hởi: “Có thế chứ! Đổi mới cũng có khác chứ! Các đại biểu tinh đời thật? Không thể cứ cúi đầu vâng dạ như cũ được nữa!” Các sĩ quan cấp cao đã dám kể cho nhau nghe những bê bối của các quan lớn và các bà lớn, miệng nói không ngớt: vì dân, biết ơn các liệt sĩ chiến lợi phẩm là xương máu chiến sĩ, mà vợ chồng các ngài cứ chở kìn kìn về nhà, hết hòm này đến hòm khác, để dột từ nóc xuống. Chỉ khổ cho anh lính quèn. Đi xe lửa về phép, mang về chiếc quạt máy nhỏ, chiếc máy thu thanh cũ… cũng bị hạch sách, còn các ngài thì tha hồ chồng chất trong khoang máy bay và tàu biển… Mọi người hy vọng: đại hội đảng toàn quốc dân thứ 5 chắc sẽ còn cho thấy nhiều điều mới lạ hơn! Thế mới là đổi mới chứ! Đến Đại hội 5, mọi người chưng hững! Người la lắc đầu, ngao ngán.

Sau đó, ở Bộ quốc phòng, một loạt tướng ở địa phương được gọi về. Các tướng hiện công tác ở Bộ quốc phòng không được tin cậy nữa! Cuộc “mi-ni nổi loạn” ở đại hội toàn quân là từ các đoàn đại biểu ở các cơ quan của Bộ và các học viên, nhà trường trực thuộc bộ, đặc biệt là từ đoàn đại biểu của học viên quân sự cấp cao, nơi tập trung đông nhất những tướng và đại tá có tài, có trình độ, có nhiều kinh nghiệm nhất. Thế là từng đoàn các cán bộ của cục bảo vệ, của thanh tra quân đội, của ban kiểm tra quân uỷ trung ương ương tới tấp lao về Học viện quân sự cấp cao ở phía chợ Bưởi, ngoại ô thủ đô. Cả bộ máy an ninh, tổ chức, tuyên huấn được huy động để kiểm tra từng đoàn đại biểu, từng đại biểu khi cần, để hiện tượng “lỏng lẻo”, “mất cảnh giác”, “dân chủ quá trớn” ở Đại Hội Đảng toàn quán tuyệt đối không được lập lại.

Một cuộc chấn chỉnh lớn trong hàng ngũ sĩ quan cấp cao diễn ra sau đó. Bộ ba quan trọng nhất đều là các tướng từ địa phương rút về: tướng Lê Đức Anh, nguyên là từ quân khu 9 trong thời chiên tranh, nơi tận cùng phía Nam, địa bàn vốn được coi là yên tĩnh hơn cả, ít ác liệt hơn cả vì không có quân Mỹ ở đó, cũng không có các đơn vị thiện chiến nhất của Sài gòn hoạt động, từ 1981 ông là tư lệnh quân Việt nam ở Cam Bốt.

Người thứ hai là trung tướng Đoàn Khuê, quê ở Quảng Trị, nguyên là thượng tá chính uỷ lữ đoàn giới tuyến đóng ở huyện Vĩnh Linh từ năm 1955 đến 1962, giáp với giới tuyến quân sự tạm thời. Năm 1963 ông vào chiến trường Quân khu 5 làm Phó chính ủy Quân khu, lấy tên là Trình. Sau 1975 ông lên làm Tư lệnh Quân khu 5 với quân hàm thiếu tướng rồi trung tướng. Tôi đã ghé qua quê ông, làng Gia Đẳng ven biển huyện Triệu Phong, cha ông là chánh tổng, giàu nhất làng, có rất nhiều đồ đồng ở trong nhà cũng như chôn dấu dưới những đụn cát cao. Ông đi hoạt động sớm, mới học đến lớp hai trung học thời Pháp, rồi bị bắt, đi tù ở Quảng Trị và Ban Mê Thuộc. Cha ông từ ông vì sợ liên lụy. Em ruột ông là thiếu tướng Đoàn Chương, giám đốc nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Cán bộ cấp cao quân sự đều biết ông Đoàn Khuê là cán bộ chính trị, hiểu biết về quân sự và kinh nghiệm chỉ huy còn ít, không hề được đào tạo về chỉ huy. Ông nổi tiếng là phát biểu cứng rắn, cực đoan, theo công thức khô khan và máy móc, tiêu biểu cho một viên chính uỷ ít học nhưng lại luôn thuộc lòng các công thức, ăn nói “đúng” lập trường kiểu lên gân mà không hề ngượng. Người thứ ba là thượng tướng Nguyễn Quyết, nguyên là chính uỷ quân khu 3, đóng bản doanh ở Kiến An, gần Hải Phòng. Ông người nhỏ nhắn, mặt thư sinh, tham gia tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 ở Hà nội, vào chiến trường miền Nam một thời gian ngắn ngay sau đó. Ông vốn là cán bộ chính trị, là một chính uỷ thành nghề, đúng như hình ảnh được phác họa theo kiểu văn học dân gian hiện đại:

Ngang lưng thì thắt lập trường
Đầu đội chính sách vai quàng chủ trương
Mở miệng là nói huyên thuyên
Hết niệm cụ Mác lại truyền kinh Mao
Đời là kinh, tướng mãi cao.

Sau đại hội 6, ba ông tướng địa phương rút lên trung ương, đánh bạt tất cả hàng mấy chục tướng giỏi, tướng có văn hóa, có thực tài chỉ vì một đường lối chính trị cũ kỹ đến cổ hủ, run chân trước ý thức dân chủ vừa manh nha, ôm giữ quyền lực đến cùng vì lợi riêng. Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm tổng cục chính trị luôn là một bộ ba quyền lực lợi hại nhất nắm lực lượng quân đội. Đến Đại hội 7 (tháng 6-1991), bộ ba có thay đổi chút ít để thành bộ bốn, theo hướng củng cố cho vững thêm hạt nhân cứng rắn: Bộ trưởng Lê Đức Anh lên nắm chức vụ chủ tịch nước; chắc chắn hàng trăm vị tướng vốn là cấp trên ông phải nhún vai lắc đầu! Năm 1964 ông mới là một cục phó loại trung bình trong cục tác chiến của Bộ tổng tham mưu với cấp trung tá. Thời đánh Pháp, ông còn là một cán bộ vô danh. Nay ông ôm cả một mảng lớn quốc phòng, an ninh, ngoại giao, nội trị. Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê lên thế ông ở chân Bộ trưởng quốc phòng, cuối 1974 ông còn là một phó chính uỷ với cấp đại tá, lúc ấy ở Bộ quốc phòng đã có hơn 30 ông tướng! Tướng lài, tướng giỏi lên vượt cấp là chuyện bình thường, nhưng đây chỉ là tướng “thông suốt” với đường lối bảo thủ, thế thôi! Tổng tham mưu trưởng mới là trung tướng Đào Đình Luyện, lại mới lên thượng tướng cho tương xứng với chức vụ. Đây cũng là chuyện không bình thường, vì tướng Luyện là tướng không quân, mà thường tổng tham mưu hay tham mưu trưởng các quân đoàn, quân khu đều là tướng bộ binh, để chỉ huy hợp đồng binh chủng, lấy bộ binh làm chủ. Tướng Luyện là một trong những người lái máy bay quân sự đầu tiên của miền Bắc Việt nam, tốt nghiệp lái máy bay ở Trung Quốc hồi 1957, đến 1960 lại đi tu nghiệp thêm ở Liên xô. Ông chăm chỉ, cán thận, anh em cấp dưới mến, sống giản dị, người cao to, da ngăm đen, vốn quê vùng chiêm Thái Bình nhưng tính tình có nét khác lạ là “như con gái” trong quan hệ với bạn bè, gặp phụ nữ là đỏ mặt, và rất “sợ” cấp trên. Suốt trong cuộc chiến đấu chống không quân Hoa Kỳ ném bom bắn phá miền Bắc, ông là tư lệnh không quân. Có lẽ ông được chọn vào chức vụ mới tổng tham mưu trưởng là vì tính kỷ luật rất cao, trên bảo gì là “Rõ rõ!” ngay, một tinh thần viên chức cao lấn át hết tinh thần công dân. Bảo làm gì là làm nấy, như một cỗ máy hoàn hảo, không cần suy nghĩ băn khoăn làm như thế vì sao? Để làm gì? Khi quân đội rất có thể được dùng cho một mục tiêu chính trì chống lại phong trào dân chủ của quần chúng thì cần người chỉ huy như thế. Xin đọc những lời huấn thị của bộ trưởng Đoàn Khuê thì rõ: “Quân đội ta phải sẵn sàng bảo vệ chế độ, thẳng tay trừng trị những mưu đồ diễn biến hòa bình” được bọn đế quốc và phản động giật dây…” Tôi quen biết tướng Luyện khá rõ vì hồi chiến tranh thường lui tới sở chỉ huy không quân để theo dõi cuộc chiến đấu của anh em lái trẻ.

Người thay tướng Nguyễn Quyết ở cương vị chủ nhiệm Tổng Cục chính trị quân đội nhân dân là một bộ mặt mới, gần như không ai biết đến trước năm 1986. Đó là tướng Lê Khả Phiêu, mới ở cấp trung tá cuối năm 1974. Một cán bộ “trẻ”, hơn 50 tuổi, lại mang bản chất thuần túy nông dân. Ông là chủ nhiệm chính trị quân đoàn, cũng từ địa phương, được điều về Bộ, nhảy cóc lên thiếu tướng năm 1979, lên trung tướng năm 1989, lên thượng tướng cuối năm 1992, sau khi được bổ xung vào ban bí thư trung ương đảng. Một viên tướng “vâng dạ địa phương về triều đình do yêu cầu chính trị mới. Trong khi ở Bộ Quốc Phòng, không thiếu các tướng tài hơn 4 vị nói trên khá nhiều. Như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên là sư trưởng sư đoàn 304 từ khi mới thành lập năm 1951, thông minh, có học vấn, đọc được cả sách tây, tàu, mới đây là viện trưởng học viện quân sự cấp cao; ông rất quý đại tướng Giáp, và đầu năm 1989 bị một tai nạn xe hơi bất ngờ, may mà thoát chết? ở học viện này còn có tướng Hồng Sơn sinh viên năm 1945, em luật sư Nguyễn Thành Vinh, tên thật của ông là Nguyễn Thành Chính, là con rể nhà học giả Đặng Thai Mai, anh em cọc chèo với đại tướng Giáp; trung tướng Đỗ Trình phó viện trưởng, có trình độ nghiên cứu khá cao về lý luận và chiến lược quân sự; trung tướng Mai Trọng Tần có bằng toán học cao cấp năm 1945, rất xông xáo, lại có trình độ tổng kết…

Xuất sắc hơn cả có thể là Trung tướng Nguyễn Hữu An, hồi 1975 là tư lệnh quân đoàn 2, sau về làm Tổng Thanh tra quân đội, từ năm 1988 ông nhận chức giám đốc trường đào tạo cán bộ chỉ huy ở Đà lạt; Ông có đầy đủ các đức tính của một viên tướng, có trình độ văn hóa, sống giản dị, đàng hoàng, mực thước và chân thật, sức khỏe tốt, ông được đại tướng Giáp tin cậy giao cho nhiệm vụ đánh trận mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ chiếm căn cứ “Độc Lập” ở phía Bắc, khi còn là trung đoàn trưởng giỏi nhất của sư đoàn 312. Trình độ quân sự và đức độ của ông vượt xa cả tướng Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Đào Đình Luyện… tín nhiệm trong quân đội cũng vượt xa các ông tướng kể trên. Thế nhưng những người lãnh đạo hiện nay cần đến những viên tướng trình độ trung bình, kém cỏi nữa, miễn là họ thuận theo một đường lối chính trị giáo điều, bảo thủ, bảo vệ một chế độ độc đoán đã đánh rơi hết niềm tin của quần chúng, bị quần chúng coi thường, không còn sợ như trước, lại còn bị khinh thường nữa.