Những người gác cổng cần mẫn

Có một dạo những cán bộ tuyên huấn và an ninh văn hóa được phân công theo dõi các sách xuất bản và báo chí nhằm phát hiện những “lệch lạc”, “sai lầm”, tìm ra những “tên thủ phạm” chống đảng, mơ hồ đấy tranh giai cấp, dùng biểu tượng hai mặt để nói xấu lãnh đạo (vì lãnh đạo có thể có gì là xấu được!) đả kích vào cơ quan lãnh đạo nhằm trừng trị thẳng tay. Họ được đặt cho cái tên vinh dự(?), “những người gác cổng canh giữ an toàn cho đảng”. Từ đó đẻ ra những sự tô vẽ: đó là người lính canh cẩn mật, tỉnh táo, đó là “tiêu binh” sáng suốt sớm phát hiện âm mưu của chúng từ trong trứng? Họ là lính gác luôn thức để đảng và nhân dân ngủ ngon! Và khi đảng dạy rằng kẻ thù luôn ở quanh ta, luôn luồn lách vào hàng ngũ của ta, có khi ranh ma chui sâu, luồn cao… thì đáu cũng có thể có, cũng có thể là kẻ thù cả. Mà đã là địch thì không còn là dân, phải đánh “không thương tiếc. Căm thù địch đã được dạy từ bé, trong các lớp mẫu giáo, phải bắn chúng, giết chúng không chút do dự. Căm thù phải nằm trong các nội dung học. Dạy căm thù đã được nâng lên thành khoa học, thành nghệ thuật!

Nhà thơ Việt Phương suýt chết chỉ vì dám nói mỉa mai rằng “trăng của ta” luôn tròn hơn “trăng của địch!”. Rằng đồng hồ Trung Quốc tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Nói mỉa chế độ đó chứ không phải mỉa mai vài người lẩm cẩm! Nói sỏ “đảng ta” đó chứ đâu phải đả một vài hiện tượng giáo điều cái kiểu suy luận của những ông “lính gác” xem ai cũng có thể là địch thật là dễ sợ! ở quân khu 4, tôi đã dự một buổi lên lớp chính trị của một chính trị viên cấp tiểu đoàn, xuất thân từ bần cố nông ở đất Nghi Lộc, vùng rất nghèo ven biển Nghệ An, giọng nói anh nặng trịch, nghe quen lắm mới hiểu. Anh nói con cá với quả cà không khác gì nhau. Anh lên lớp cho một đại đội lính mới. Thế rơi có hai chú ngủ gật. Thế là anh dừng lại phân tích! Chính trị viên nguyên là cố nông, mới thoát mù chữ, lính thì số đông là lớp 8, lớp 9 phổ thông! Anh càng phân tích, linh càng bấm nhau cười, cười mà không thành tiếng. Anh càng bực, càng làm ra vẻ nghiêm trang và có trình độ cao! Anh phân tích rằng ngủ gật là thiếu tinh thần kỷ luật, là thiếu ý chí. Làm cách mạng thì phải có ý chí. Địch muốn ru ngủ ta, ta ngủ gật là mắc mưu địch, là làm hại sự nghiệp cách mạng, là làm giảm sút ý chí của quân đội, làm giảm sức chiến đấu của quân đội, rồi còn là thiếu tinh thần thi đua tập thể…

Chính tướng Chu Huy Mân hồi ấy là Chính uỷ Quân khu 4, xuất thân từ cố nông đi gặt thuê ở vùng Nam Đàn, Thanh Chương, sau này nổi tiếng về một “thư viện trong nhà luôn bóng lên vì hầu như không hề động đến, chỉ để trang trí… đã khuyến khích việc đào tạo chính trị viên từ bần cố nông. Anh emn ấy có khổ có căm thù bóc lột, sẽ là chính trị viên giỏi cho mà xem.

Theo suy luận của những người như chính uỷ Mân và anh chính trị viên tiểu đoàn “Cà” thì ngủ gật có thể là “tội ác, là một sai lầm có hại cho hòa bình thế giới…

Quả tình tôi nói không ngoa. Tôi còn nhớ ở báo Quân Đội Nhssn Dân, có một vị phó tổng nguyên là thừa phái ở một huyện miền Trung hồi 1944. Anh ta giấu kỹ thành phần xuất thần này, cố leo lên đến chức bí thư đảng uỷ kiêm phó tổng biên tập đặc trách nội bộ. Anh ta luôn lên gân về lập trường giai cấp. Cứ cách một tuần anh ta lại duyệt các bài báo, duyệt trình bày báo một tuần. Năm 1969, một hôm trình bày báo ở trang nhất, trên cùng ở góc trái là ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách. ở góc dưới cùng bên phải là ảnh một đơn vị pháo cao xạ 37 ly vừa tham gia trận chống máy bay Mỹ. ở giữa hai bức ảnh ấy là 6, 7 bài báo khác, là 5 cột báo và một bức ảnh về một nhà máy! Vị phó tổng nhà ta trong khi duyệt khám phá ra một “sai lầm lớn” của anh đại uý ở Ban Thư Ký tòa soạn và của anh họa sĩ trình bày báo. Kéo dài bảng bút chì đỏ nòng súng cao xạ từ góc dưới chéo lên góc trên thì vết chì ấy đụng đến… chân chủ tịch Hồ Chí Minh! Anh đại uý tái mặt nhận ra “tội” của mình Anh họa sĩ sợ quá vội tẩy gấp chỗ trình bày hai bức ảnh, rút tờ giấy khác ra để thay hẳn cách trình bày! Chuyện cứ như đùa, mà là có thật! Có thật hoàn toàn, được vị bí thư đảng uỷ kiêm phó tổng nêu lên thành bài học hẳn hoi! Thế là từ đó mọi bức ảnh có súng đều được kéo dài bằng nòng súng trong tưởng tượng ra xem có ai bị trúng đạn không?

Chuyện không dừng lại ở đó! Vê sau, ông phó tổng ấy còn mở cả hai trang báo ra để xem mối liên quan giữa các bức ảnh ở trang 1 và trang 4 cũng như ở trang 2 và trang 3 có xâm phạm gì nhau không? Nghĩa là nếu ảnh ở trên cao bên phải trang 1 có các vị lãnh đạo mà ở trang 4 góc dưới bên trái có khẩu súng lớn nhỏ nào thi cũng phải coi chừng vì đạn có thể “bắn từ xa”, vượt qua hàng chục cột báo, để trúng vào người các cụ thì thật là nguy tai! Phải là người lính cần mẫn, bảo vệ các vi lãnh tụ ngay từ những nguy cơ hoàn toàn tưởng tượng đến oái oăm như thế mới thật là có tinh thần cảnh giác cao.

Tôi còn nhớ có lần ông phó tổng ấy còn xạt muối” một vị thiếu tá ở thư ký tòa soạn về chuyện: trang 1 đăng ảnh và hai lại có bài thơ đả kích chống bệnh quan liêu! Khi dơ lên trời để soi thì mới thấy hai bài ấy dính vào nhau, dựa lưng vào nhau! Không thể thế được. Kẻ địch chúng ta nó thâm tắm. Không thể để chúng nó dán một bài đả kích trên lưng các cụ được. Từ đó, các ông thư ký tòa soạn còn phải soi lên trời xem mặt sau các bài và ảnh có các vị lãnh đạo có dính với một bài thơ đả kích hay một bài châm biếm nào không? Cho đến cái đuôi tiếp sang trang 4 cũng vậy, không thể để cho bài của các cụ hay là bài nói đến hoạt động của các cụ đứng sát bên một bài nói đến một hiện tượng tiêu cực nào đó… Có ở trong nghề và có hiểu trách nhiệm người lính gác mẫn cán như vậy mới thấy hết cái ngóc ngách đến oái oăm như kể trên. Tôi cũng chưa thấy báo của Đảng cộng sản Liên xô hay Trung Quốc có những kinh nghiệm độc đáo dị kỳ như thế. Thế mà vị nguyên phó tổng ấy hiện lại là phó tổng thư ký của Hội nhà báo Việt nam, tội nghiệp cho cả làng báo. Có một thời, bệnh sính chức tước của các cụ lãnh đạo được thể hiện một cách nặng nề và lộ liễu trên mặt báo. Trong một tin có khi chức tước của các cụ phô ra dài hơn nội dung của hoạt động. Có khi trong một số báo có đến 6, 7 tin tức hoại động của các vị, như khi tiếp một đoàn đại biểu quốc tế nào đó, tin đón ở sân bay, tin đến nhà khách chính phủ, tin hội đàm, tin chiêu đãi, tin mít tinh… tất cả chức tước của chủ và khách đều phải đưa ra bằng hết trong mỗi một tin! Chỉ khổ cho anh chị em ở ban thư ký tòa soạn, phải có một bảng liệt kê đủ mọi chức tước của các cụ để tỉnh táo dò lại cho thật kỹ. Một người đọc, một người dò, rồi nghe cứ như là tụng kinh lắp đi lắp lại không biết chán vậy! Người đọc báo, người nghe đài cứ như là bị tra tấn ở mắt, ở tai, ở thần kinh bởi: biết rồi khổ lắm, cứ nói lắp đi lắp lại hoài!

Có lần tin hoạt động của ông Nguyễn Thanh Bình thiếu một chức trong 3 chức của ông, thế là văn phòng thành uỷ Hà nội gọi điện sang báo Nhân Dân “thăm hỏi” tại sao? Thủ trưởng chúng tôi bị mất chức trong ban bí thư rồi sao? Họ không thể chịu được rằng hai chức của ông là uỷ viên bộ chính trị trung ương đảng và bí thư thành uỷ Hà nội lại không đi kèm với chức bí thư trung ương đảng nữa! Thật là một kiểu kỳ mục cũ phải kể cho hết mọi chức và tước: ông Nguyễn Văn A, nguyên chánh tổng, đương kim chánh hương hội, hàn lâm thị độc, Kim tiền hạng 3, tòng cửu phẩm văn giai… Còn chuyện thứ bực cũng thật phiền toái. Trong Bộ Chính Trị phải theo đúng trật tự từ số 1 đến số 13. Khi xếp hàng tiếp khách và khi in trên báo cũng thế. Dạo sau Đại hội 4 (năm 1976) ông Võ Nguyên Giáp bỗng nhiên lùi xuống sau ông Lê Đức Thọ. Thông tấn xã điện hỏi báo Nhân Dân ai quy định vậy. Báo Nhân Dân trả lời: đây là chỉ thị của trên, từ nay cứ như thế. Rồi đột nhiên ông Tố Hữu đầu năm 1982 được xếp trên ông Nguyễn Văn Linh, lại được giải thích: đây là quy định của trên, ông Linh sắp ra khỏi Bộ Chính Trị rồi, chỉ còn phụ trách Tổng công đoàn thôi?

Sự xếp đặt tôn ti trật tự kiểu kỳ mục cũ, ngồi chiếu trên, chiếu dưới, an phần tiên chỉ ở đình làng, không phải chỉ áp dụng cho người vẫn sống mà còn dùng cho những người chết, cho những thây ma nữa?