Từ những cách yêu nước khác nhau

Trong các giáo trình lịch sử được dạy ở các trường hiện nay, nhiều sự kiện, nhân vật… cũng bị xuyên tạc. Các giáo trình ấy cho rằng Việt nam Quốc Dân Đảng sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, đã tan rã hoàn toàn. Các tổ chức Việt nam Quốc Dân Đảng sau đó rồi Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân, cũng như cách Mạng Đồng Minh Hội… đều bị coi là những tổ chức phản động, những tổ chức tay sau của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, tay sai của thực dân Pháp, hay của đế quốc Mỹ; nói tóm lại, những tổ chức ấy đều là những tổ chức “Việt gian”, là kẻ thù của dân tộc. Đó là quan điểm chụp mũ nhưng người không chịu theo Đàng cộng sản, nhưng người bất đồng chính kiến về chính trị với Đảng cộng sản là kẻ thù tuốt. Họ tự nhận, chỉ những người cộng sản mới là đấu tranh cho dân tộc, mới là người yêu nước; còn mọi người khác đều là ở trận tuyến đối lập, đều chống lại tổ quốc và nhân dân…

Trong các cuốn sách lịch sử, trên báo chí, đài phát thanh, những nhân vật như Trần Trọng Kim làm Thủ tướng sau cuộc đảo chính 9-3-1945 bị coi là phản động, bù nhìn và tay sai cho đế quốc Nhật; Phạm Quỳnh, nhà văn hóa, nhà báo, chủ nhiệm tờ Nam Phong, sau làm Thượng thư Bộ Giáo Dục rồi Bộ Lại của Nam Triều Bảo Đại cũng bị gán tội là Việt gian, tay sai thực dân Pháp, bị Việt Minh giết đầu tháng 9-1945 ở Huế, Ngô Đình Diệm, Thủ tướng rồi Tổng thống ở miền Nam Việt nam, bị coi là phản động, Việt gian, do CIA Mỹ huấn luyện và đào tạo. Rồi một loạt nhân vật chính trị, văn hóa khác như: Võ Hồng Khanh, Nguỵ Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo,.. cũng bị nhận định là phản động, bán nước, Việt gian, tay sai thực dân và đế quốc…

Ngay ở trong đảng cộng sản, việc chụp mũ cho một số người là phản bội, la “xét lại”, là “chống đảng” trong một loạt vụ án nội hộ cũng rất tùy tiện. Hoàng Văn Hoan, ủy viên bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt nam sau khi bất đồng chính kiến với ban lãnh đạo đảng, trong một chuyến đi ra nước ngoài đã ở lại Pakistan rồi sang Trung Quốc, bị kết tội là phản bội và bị kết án tử hình. Một số nhân vật như: Thượng tướng Chu Văn Tấn Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, ủy viên đảng ủy quân sự Trung ương, Phó chủ tịch Quốc Hội; Trung tướng Nguyễn Vịnh, Trưởng ban Thống Nhất của Trung ương đảng; Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần; Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện triết Học; Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ Tân, Bộ ngoại giao; Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng từng bị nhận định trong nội bộ đảng là phản bội, theo chủ nghĩa xét lại chống đảng và là tay chân của nước ngoài… Việc chụp mũ những người không có cùng chính kiến với Đảng cộng sản là “Việt gian” có thể là một kiểu cách học theo Đảng cộng sản Trung Quốc hồi nội chiến Quốc Cộng: Đảng cộng sản Trung Quốc coi những kẻ hợp tác với phát xít Nhật là Hán gian; coi chính phủ Uổng Tinh Vệ là Hán gian, tay sai Nhật. Về sau chữ Hán gian được dùng rộng rãi, cứ ai không đồng tình và phê phán đường lối của Đảng cộng sản Trung Quốc thì đều là Hán gian cả… Từ hai chứ Hán gian mà sinh ra hai chứ Việt gian. Đã là Việt gian thì đáng tội chết, đáng bị xử tử.

Ở phía trận tuyến đối lập, thường gọi là phía quốc gia, trên báo chí hải ngoại, cũng có những người có quan điểm cực đoan, coi những người lãnh đạo cộng sản mới là “phản động”, là “tay sai của Nga xô”, “tay sai của đệ tam quốc tế, là “bán nước cho Nga cộng và Trung Cộng”, là cõng rãn cắn gà nhà, là nguyên nhân của chiến tranh huynh đệ tương tàn, là nguồn gốc mọi đau khổ và tổn thất của đồng bào… Họ không ngần ngại dùng những từ ngữ xấu xa nhất để chụp lên đầu những người lãnh đạo của đảng cộng sản.

Tất cả những điều trên là hậu quả của một thời kỳ lịch sử. Đã đến lúc tỉnh táo nhìn lại và đánh giá một cách điềm tĩnh, khách quan. Có thể nói, ở các bên, chỉ có một số ít người đi làm chính trị để nhằm kiếm chác tiền tài và danh vọng. Phần lớn đi làm chính trị là nhằm giành lại độc lập cho đất nước, tiến bộ cho xã hội. Họ chịu đựng những hy sinh, tổn thất trong dấu tranh, có khi bị bắt bớ, tù đày. Họ nhằm vào những giá trị mà họ tin tưởng, theo đường lối và biện pháp mà họ cho là đúng đắn. Họ lại phải tính đến những thế lực quốc tế, đến cuộc đấu tranh giữa những thế lực quốc tế ấy ở trong khu vực và trên thế giới. Và họ tìm chỗ dựa, tìm sự giúp đỡ và ủng hộ của bên này hay của bên kia, trong cuộc đấu tranh của tổ chức chính trị mà họ dựng lên hay tham gia ấy cho nên cần quan niệm một cách khách quan rằng: ở bên này hay ở bên kia, trong tổ chức này hay tổ chức khác, những người hoạt động chính trị trong thời kỳ lịch sử vừa qua đã có những cách yêu nước khác nhau, dẫn đến đường lối và biện pháp khác nhau. Trong đấu tranh quyết liệt đối địch nhau, họ coi nhau là kẻ thù và có những nhận định quá đáng về nhau. Nay lịch sử đã sang trang, cần nhìn lại với đôi mắt tỉnh táo, quý trọng nhau ở động cơ yêu nước, có thể phê phán nhau về đường lối và phương pháp, không nên giữ mãi hận thù kiểu sống mái và triệt tiêu nhau. Những người cộng sản đã thắng trong chiến tranh, do họ đã dựng được lá cờ yêu nước trong nhân dân, nhưng họ đã thất bại trong xây dựng đất nước do đã không giữ đường con đường tự chủ tự lập. Đó là bi kịch của họ, cũng là bi kịch cửa đất nước do họ độc quyền lãnh đạo. Sớm muộn những thế lực lành mạnh của đất nước vốn ở hai trận tuyến đối lập, sẽ biết tìm thấy nhau, bắt tay nhau, hợp tác vì nghĩa lớn: xây dựng một nước Việt nam độc lập, dân chủ, phát triển và phồn vinh, trong dó luật pháp được tôn trọng và công bằng xã hội được thực hiện, hòa nhập với thế giới ngày nay. Đến lúc ấy danh từ “ngụy” cũng sẽ biến hẳn đi, để trong hồ sơ, lý lịch, lưu trữ của chính quyền, trên sách, báo, trong lời nói, không còn có ai bị xúc phạm, khinh thị, bị phân biệt đối xử là thuộc “ngụy quân” và “ngụy quyền” như từ 1975 đến nay. Đáng lý ra, ngay sau khi ấy, danh từ “ngụy” đã không nên không được dùng đến, cũng như những lớp “học tập cải tạo không nên có; thực tế đó là những trại giam của những người chiến thắng nhằm giam cầm, đầy đọa những người thua trận, làm cho chữ “giải phóng” trở nên một tai họa ghê gớm cho hàng triệu con người, kéo dài oán thù lẽ ra đã có thể sớm nguôi ngoại và chấm dứt.