Một thời kỳ hấp dẫn đối với các nhà sử học

Nhà sử học Pháp Daniel Hemery chuyên nghiên cứu lịch sử Việt nam vừa viết một bài báo dài nhan đề “Sài Gòn Đỏ”, kể lại tình hình ở đó trong những năm trước chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đã dựa vào một số tư liệu mới lấy từ kho lưu trữ của Bộ Thuộc Địa Pháp và Sở Mật thám Dông Dương hồi ấy. Những điều ông viết rất khác với nội dung mà sách xuất bản ở Hà nội từng nói về phong trào đấu tranh trong những năm ấy. Theo Daniel Hemery, trong những năm 30, Sài gòn trở nên một địa bàn đấu tranh sôi động nhất. Phong trào đòi dân chủ của Việt nam khởi đầu tại đó. Đó là một cuộc nổi dậy vừa chống Khổng giáo, vừa chống chế độ thuộc địa. Chế độ thuộc địa ở Nam kỳ, khác với chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh. Hội đồng Thành phố Sài Gòn và Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ được bầu, tạo nên một đời sống chính trị và công luận vì cùng với công dân Pháp, một số người bản xứ cũng có quyền bầu cử. Báo chí tiếng Pháp và tiếng Việt phát triển rất mạnh, hơn hẳn ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đó là La Dépeche dIndochine, LImpartial, La Tnbune Indochmoise, Echoannamite của Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan Long; Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Phan Long. Tờ Le Bulletin Socialiste de la Cochinchine của cánh xã hội cũng được phát hành.

Phong trào cải cách xã hội được Nguyễn An Ninh (1900- 1943) mới đậu cử nhân luật, đề xướng vào cuối năm 1923, vừa phê phán Khổng giáo, vừa phê phán cái gọi là sứ mệnh khai hóa của nước Pháp, đòi quyền tự do của công dân và cải tạo xã hội. Ông chỉ rõ: nền văn minh phương Đông có thể kết hợp với nền văn minh phương Tây. Ông mạnh dạn đề xướng việc cải cách văn hóa và nếp sống, không nên quan niệm chữ hiếu một cách cổ hủ, bố mẹ bắt buộc con cái phải tuyệt đối cúi đầu vâng lời cũng như quan niệm áp bức người phụ nữ. Báo Phụ Nữ Tân Văn ra mắt từ năm 1929 ở Sài Gòn theo tinh thần ấy. Nguyễn An Ninh cũng ra tờ báo La Clochc fêlée (Cái Chuông Rè) từ đầu năm 1924, gây thêm tiếng vang sâu rộng

Sự kiện Nguyễn An Ninh bị bắt vào tháng 3 năm 1926, rồi ngày 4 tháng 4 năm đó lễ tang Phan Chu trinh đã tạo nên những cuộc đấu tranh qui mô lớn. Riêng ở Sài Gòn, hàng chục nghìn lao động, tập họp theo ngành: thợ may, thợ giày, thợ cắt tóc, thợ nề, thợ mộc, kéo xe, công nhân cảng, cùng đội ngũ học sinh biểu tình và tuần hành. Một số học sinh bị bắt, thế là bãi khóa diễn ra rộng khắp. Nguyễn An Ninh liền lập ra Việt nam Cao Vọng Đảng, hoạt động chủ yếu gồm thanh niên, học sinh, công nhân… trong hai năm 1927 và 1928.

Hồi ấy Sài gòn đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt nam, với 50 ngàn thợ thuyền như xưởng đóng và sửa tàu (1500 thợ), xí nghiệp thuốc lá, xay xát gạo, đường sắt, cảng…, trong đó đã có một số thợ kỹ thuật có tay nghề khá cao. Phong trào công nhân tác động mạnh đến các vùng nông thôn và đồn điền. Tháng 2-1930, 3000 phu đồn điền Phú Riềng bãi công và chiếm đoạt một phần cơ sở trong đồn điền rộng lớn này. Theo thống kê của Sở Mật Thám Đông Dương, chỉ trong mùa hè 1930 đã có 125 cuộc đấu tranh ở 13 tỉnh trong tổng số 21 tỉnh Nam Bộ. Ở Sài gòn, viên thanh tra cảnh sát Legiand bị giết chết trong cuộc đấu tranh bởi anh thanh niên Nguyễn Huy mới 14 tuổi; Cậu thanh niên dũng cảm này bị án chém. Cuộc đàn áp diễn ra rất tàn bạo, đồng thời ở Nam Kỳ và ở Nghệ An. Tháng 4-1931 hầu như toàn bộ Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Đông Dương bị bắt, Tổng bí thư Trần Phú chết trong khi bị tra tấn ở Sở mật thám. Chỉ riêng ở Sài Gòn 3500 chiến sĩ cách mạng bị đưa ra tòa án. Riêng phiên tòa đại hình Sài Gòn diễn ra từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 5 năm 1933 xử 131 người; 8 người bị kết án tử hình, tòa kêu án tổng cộng 900 năm tù cho 101 người. Thoái trào bắt đầu từ đó.

Cũng chính từ Sài Gòn, phong trào cách mạng được hồi phục nhanh và mạnh khi xuất hiện phong trào Mặt Trận Bình Dân ở Pháp. Vai trò đầu tàu của cuộc hồi phục thuộc về nhóm Trốtkýt Việt nam từ Pháp trở về. Họ vừa bắt tay với những người cộng sản vừa phê phán Đảng cộng sản Đông Dương về tinh thần quốc gia có phần hẹp hòi, ít tinh thần giai cấp công nhân, cũng như về xu hướng theo Stalin của Đảng cộng sản. Nhóm La Lulte hoạt động mạnh, như phần trên đã nói; điều cần nói thêm là thế lực Trốtkýt lên khá mạnh trong trí thức, sinh viên, học sinh, thợ thuyền Sài Gòn, với lá cờ búa liềm đỏ mang số 4 (đệ tứ). Phong trào Đông Dương Đại Hội lên mạnh, có tới 600 ủy ban hành động ở Sài gòn và vùng lân cận, trong đó thế lực của nhóm Trốt kýt vẫn ở hàng đầu. Hồi đó thế và lực của Đảng cộng sản lại là ở Bắc Kỳ, ở Trung Kỳ (chủ yếu là vùng Nghệ An, Hà tĩnh), ở Hoa Nam và một số vùng Thái Lan.

Tất cả những nét đấu tranh trên đây chưa được phản ánh đúng trong các cuốn lịch sử phong trào cách mạng và công nhân do những người cộng sản chỉ đạo việc soạn thảo. Cái khuynh hướng viết sử để tự đề cao tổ chức của mình, hạ thấp các tổ chức khác, thậm chí chụp mũ “Việt gian” bừa bãi cho những người không theo mình, làm cho sự thật bị xuyên tạc, bóp méo, là thái độ không khoa học. không lương thiện. Nhiệm vụ các nhà sử học chân chính viết cho thật đúng lịch sử còn rất nặng nề vậy.