Có khủng hoảng chính trị không?

Báo chí và các tài liệu chính trị ở Việt nam bị cấm nói đến khủng hoảng chính trị. Hồi trước, ngay đến chữ khủng hoảng cũng bị coi là chữ “húy”. Từ 1986, đã được nói đến khủng hoảng, nhưng chỉ được dùng các khái niệm: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng niềm tin… chứ không được phép nói đến khủng hoảng chính trị ở Việt nam.

Vẫn là một kiểu không muốn, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng toàn diện và ở mọi nơi. Nó phá sản và sụp đổ ở Liên xô, Đông Âu. Nó không tránh khỏi phá sản ở Việt nam. Vì chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng ở ngay những vần đề cơ bản về lý luận của nó, vì những điều nó chủ trương: năng xuất cao, công bằng xã hội, nàng cao nhân phẩm… đều xa vời, và thực tế diễn ra đều trái ngược với những mục tiêu của nó.

Ở Việt nam, chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng nặng nề về chính trị. Thiếu sản phẩm, năng xuất cực thấp, thiếu dân chủ, người công dân thiếu tự do ngôn luận và tư tưởng, thiếu tự do hội họp và tổ chức, không có tự do báo chí… trí thức không được quý trọng, trí tuệ bị coi thường… là những biểu hiện của khủng hoảng chính trị. Điều quan trọng hơn là: chủ nghĩa Mác Lênin được coi là nền tảng lý luận của chế độ chính trị không tìm ra sức sống; đó là một biểu hiện nghiêm trọng của khủng hoảng chính trị. Niềm tin ở đảng cộng sản giảm sút nghiêm trọng vẫn tiếp tục giảm sút thêm ngay cả sau khi đảng đề ra chính sách “đổi mới”, vì đổi mới thiếu nhất quán (không đổi mới rõ rệt về chính trị), đổi mới về kinh tế cũng vẫn còn chưa đủ liều lượng (như chưa công nhận dứt khoái quyền tư hữu tư nhân về ruộng đất bất động sản và quyền tự do kinh doanh; cứ giữ hoài cái sở hữu toàn dân lạc lõng, cứ coi mãi sở hữu quốc doanh là chủ đạo…) Thêm nữa, trước đây, đảng cộng sản Việt nam luôn coi “phe xã hội chủ nghĩa”, “hệ thống xã hội chủ nghĩa” thế giới mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là một thành viên, là nguồn thế lực chính trị, kinh tế, xã hội, là chỗ dựa cơ bản của nước ta. Nay phe đó, hệ thống đó đã sụp đổ, tất nhiên dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở nước ta; đó là lẽ đương nhiên, không có cách gì che dấu được.

Việc lãnh đạo của đảng cộng sản chủ trương ôm chặt lấy chủ nghĩa Mác Lênin, ôm chặt lấy chủ nghĩa xã hội… càng làm cho cuộc khủng hoảng ấy trầm trọng thêm và đi vào bế tắc đi vào ngõ cụt. Hai năm trước, đã có nhiều đề nghị nên để chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội sang một bên, có thể chưa cần phê phán, lên án gay gắt làm gì, trở về với lập trường dân tộc, xây dựng một chế độ độc lập), dân chủ, quan tâm đến quyền tự do của công dân và công bằng xã hội, xây dựng một xã hội công dân, hòa nhập thật lòng với cộng đồng thế giới, tiếp nhận sự giúp đỡ, hợp tác của mọi nước. Đề nghị tỉnh táo, hợp thời này chính là một sự đổi mới cơ bản về chính trị, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị. Lãnh đạo đảng cộng sản đã tỏ ra bảo thủ, giáo điều nặng nề về điểm cơ bản này; họ đã để tuột mất thời cơ, bị những quan điểm chính trị lạc hậu cũ kỹ cầm tù và bắt cả xã hội phải chịu cảnh bế tắc triền miên về chính trị. Không giải quyết điểm mấu chốt này thì đất nước la không sao thoát khỏi khủng hoảng chính trị, không sao hòa nhập với thế giới được và những kết quả rõ rệt trong đổi mới về kinh tế sẽ bị đe dọa triệt tiêu, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh, cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoảng về nhem tin vẫn không sao có lối thoát dứt khoát được. Giải quyết thật sáng suốt, thật quả đoán cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề hiện nay là một yêu cầu cơ bản, là mệnh lệnh của tình thế, là thử thách to lớn nhất về chính trị của lực lượng lãnh đạo đất nước. Nhắm mắt lại, che dấu cuộc khủng hoảng ấy là có tội. Không giải quyết nó là giam giữ cả đất nước ta trong bế tắc.