Cuộc xuất hành bí mật

Đầu năm 1950, trước khi biên giới phía Bắc mở rộng, các binh đoàn Le Page và Charton bị tiêu diệt trên đường số 4 từ Cao Bằng về Lạng Sơn, ông Hồ lên đường đi Moscou. Một chuyến đi bí mật, đi nhanh, về nhanh, ở lại Moscou có vài ngày. Va ông gặp Stalin. Khi đi qua Bắc Kinh, ông Ngũ Tu Quyền và cả ông Mao cũng lên xe lửa đi cùng một chuyến sang Moscou. Do đó hồi ký công khai của Ngũ Tu Quyền cũng như của Khrushchev đều có nói đến cuộc du hành của ông Hồ sang Liên xô và nói đến cuộc gặp gỡ giữa Staline và ông Hồ.

Stalin không lạ gì ông Hồ, Nguyễn ái Quốc hồi ở các cơ quan của Đệ Tam Quốc Tế. Mối quan hệ giữa hai người chẳng êm đẹp gì. Cả một thời gian dài, Stalin coi Nguyễn ái Quốc là một cán bộ không có lập trường vô sản vững vàng, có vẻ coi nặng vấn đề dân tộc hơn là vấn đề giai cấp. Từ năm 1931 đến 1940, hồi ký của ông Hồ lờ tịt về thời kỳ này. Ông ở đâu và làm gì trong 10 năm ấy? Có những biểu hiện cho thấy Stalin và cơ quan lãnh đạo đệ tam quốc tế hồi đó tin cậy Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập hơn là Nguyễn ái Quốc. Cái khẩu hiệu đả trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ của Hà Huy Tập, xem ra hợp khẩu vị Stalin… Có tin nói rằng Nguyễn ái Quốc còn “được” cữ đi học tập (lớp học cải tạo?) ở Trường Đào Tạo Cán Bộ của Đông Phương Bộ, với danh hiệu học sinh trung cấp! Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn hồi ấy là “giáo sư đỏ” ở Moscou có lúc kể rằng: “Bác rất khiêm tốn, xuống học lớp dưới, chan hòa với các sinh viên các nước thuộc địa khác ở Châu á để tìm hiểu tình hình…” chính là nói khéo đến thời kỳ Nguyễn ái Quốc bị thất sủng này.

Có lần Trần Phú gửi thư báo cáo cho Ban Lãnh Đạo Đệ Tam, ghi rõ: xin đưa thẳng cho Quốc Tế Ba, không qua bất cứ một người trug gian nào, chính là để chẳng qua tay Nguyễn ái Quốc, người không cùng chính kiến về chiến lược cách mạng Việt nam với Trần Phú. Cũng có lúc Trần Phú và Hà Huy Tập có chân trong Ban Chấp Hành Đệ Tam Quốc Tế, mà Nguyễn ái Quốc thì không. Một cán bộ công tác ở Bảo Tàng Cách Mạng Việt nam nằm bên Nhà Hát Lớn Hà nội, trông ra bờ sông Hồng, kể rằng hồi cuối 1959 khi chuẩn bị khai mạc Bảo Tàng, ông Hồ có đến xem để duyệt nội dung thuyết minh; khi thấy ảnh Hà Huy Tập treo cạnh ảnh Trần Phú, ông mỉm cười thốt ra với số cán bộ đi cùng: “Chú này đây hồi trước chú ấy phê bình bác dữ lắm đó! Rồi như sực nhớ ra đó là chuyện cũ cần giữ kín, ông vội đi sang phòng khác… Một tài liệu của Quốc Tế cộng sản gần đây được khui ra ở Moscou cho biết: Nguyễn Quốc còn bị đưa ra trước hội đồng kỷ luật của Quốc Tế và một ủy viên của hội đồng là Khang Sinh, một Béri của Đảng cộng sản Trung quốc, phụ trách an ninh!

Phải chăng sự hoài nghi dai dẳng của Stalin đối với Nguyễn ái Quốc là lý do để Stalin chần chừ, chậm công nhận nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa thành lập từ 2-9-1945, để đến tận năm 1950, gần 5 năm sau, chính phủ Liên xô mới chính thức công nhận, sau Trung Quốc vài tuần lễ.

Theo kể, Stalin trong cuộc gặp riêng ông Hồ Chí Minh trong điện Kremlin đã nhặn ngay ra ở ông già phương Đông gần 60 tuổi này anh thanh niên Nguyễn ái Quốc hơn 20 năm trước. Ông đi thẳng vào vấn đề, chất vấn ông Hồ hai điểm: vì sao giải tán Đảng cộng sản Đông Dương? vì sao chưa tiến hành Cải cách ruộng đất? ông Hồ đã trình bày với Stalin là việc giải tán Đảng cộng sản cuối năm 1945 chỉ là giải tán giả, trên thực tế là đảng lùi vào bí mật, với một bộ mặt giả, công khai là Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Hai là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rất gay gắt nên cải cách ruộng đất phải chậm lại và đã làm cuộc vận động giảm tô, giảm tức. Stalin nghe, và, với bản chất thô bạo vốn có, chắc chắn đã cao giọng ra chỉ thị, phải sớm đưa đảng cộng sản ra công khai mà hoạt động, lúc này không còn là lúc người cộng sản phải giấu mình trong bóng tối; chính kháng chiến gay gắt lại cần làm cải cách ruộng đất để huy động tinh thần và lực lượng vật chất của nông dân vào cuộc chiến đấu, cần nhớ đấu tranh giai cấp và liên minh công nông, là hai nguyên lý cơ bản của cách mạng vô sản… Ông Hồ trở về.

Thế là Đảng cộng sản Việt nam mở Đại hội đảng cần thứ hai vào tháng 12-1951 ở Việt Bắc, đảng ra công khai với tên Đảng Lao Động Việt nam, cùng lúc với việc lập nên Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào và Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt..

Theo cuốn hồi ký của Nikita Khrouchtchev bản tiếng Pháp: Mémoires inédits đo Pierre Girard dịch từ tiếng Anh, xuất bản năm 1991, thì trong chuyến ông Hồ sang Moscow, Staline đã tỏ ra rất trịch thượng. Khrouchtchev viết: “Tôi nhớ lại khi Hồ Chí Minh đến Moscow xin viện trợ về vật chất vũ khí cho những người Việt nam đang chiến đấu chống sự chiếm đóng của Pháp, Staline đã không cho người Việt nam một cơ hội nào cả. Staline đối xử với Hồ Chí Minh như một sự phỉ báng. Trong một cuộc gặp, ông Hồ rút từ trong cặp ra cuốn họa báo LURSS en construction (Liên xô trong công cuộc xây dựng) và xin chữ ký. Staline xử sự theo cách luôn hoài nghi và kiểu bệnh hoạn của ông ta, nhìn thấy đâu cũng là những kẻ phản bội và do thám. Ông ta liền ký lên tờ báo nhưng ra lệnh cho công an mật thu hồi lại một cách bí mật? Sau đó Staline còn khôi hài với tôi: ông ta chắc vẫn còn ra sức tìm kiếm tờ báo ấy, nhưng chỉ phí công!

“Trong các cuộc gặp ông Hồ, việc Liên xô công nhận nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa đã được quyết định. Thế nhưng sau đó Staline cứ tiếc mãi: “Chúng ta đã quá vội vàng trong việc ấy!

Vẫn chưa hết chuyện, Khrouchtchev còn kể tiếp: “Ông Hồ rất muốn cuộc đi thăm được công bố chính thức và ông ta được đón tiếp với tư cách là Chủ Tịch nước Việt nam. Staline đã bác bỏ yêu cầu ấy:

– Chúng ta đã bỏ mất thời cơ ấy rồi; đồng chí đã đến một cách lặng lẽ (incognito) nên không thể công khai được nữa.

Ông Hồ vẫn đề nghị Staline cho một chiếc máy bay và chuẩn bị một bài diễn văn đón tiếp. Staline cười khi kể lại:

– Đó, ông ta muốn cả những chuyện ấy, nhưng tôi đã đáp lại là Không!…

Đó, tinh thần quốc tế vô sản của Staline là như thế!… Còn cải cách ruộng đất? Cần thấy rõ ông Hồ vẫn cố trì hoãn cải cách ruộng đất sau khi ở Moscou về. Cuộc kháng chiến rất khẩn trương, quyết liệt. Stalin ở xa… Tất cả cho chiến thắng. Chiến thắng sẽ làm rõ tất cả, sẽ biện minh cho chính kiến ông. Tôi có gặp một số bạn ở nước ngoài đặt vấn đề rằng: chính ông Hồ đã chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất, cố tình phạm sai lầm trong cải cách (những sai lầm có tính toán), phá nát hết đình chùa miếu mạo, diệt hết các phong tục tập quán ở nông thôn, đảo lộn hết mọi quan hệ xã hội trong xóm làng, gia đình… nhằm xây dựng một hệ thống quan hệ hoàn toàn mới: chỉ có chi bộ đảng, các đoàn thể của đảng, mọi người dân buộc phải dựa vào đảng và tuân theo chỉ thị của đảng trong nhận thức, lao động cũng như tình cảm… Họ cho rằng sửa sai cũng chỉ là bùa phép xoa dịu khi ý đồ đã đạt được rồi! Tôi đã cố nhớ lại và suy nghĩ, và tôi cho rằng không phải vậy Không nên phỏng đoán, suy luận và gán ghép. Cần thật tỉnh táo và công bằng. Theo tôi, ông Hồ không mặn mà lắm với cải cách ruộng đất. Trong việc này, ông bị sức ép của Mao, của Stalin. Ông có những tính toán riêng của mình. Thật ra trách nhiệm trực tiếp về cải cách ruộng đất là ở những người khác, tuy rằng ông là Chủ tịch nước và Chủ tịch đảng lúc ấy, ông phải chịu phần trách nhiệm rất lớn. Hồi ấy ông vẫn muốn để chậm lại công cuộc cải cách ruộng lất kháng chiến thắng lợi rồi sẽ hay…

Thế nhưng…