Các cô cậu 5C (“Con Cháu Các Cụ Cả”)

Tầng lớp đặc quyền đặc lợi có nhà cao, cửa rộng, tài sản ngày một lớn, nhiều quyền thế nên tất nhiên cả gia đình, vợ con và họ hàng đều được chung hưởng phú quý. Tính chất cơ hội của nó thể hiện rất rõ ở chỗ lợi dụng chức quyền, móc ngoặc để cho con cái “thành đạt” bằng những con đường thường được gọi là “cửa sau”. Chỉ có ban tổ chức trung ương mới biết rõ số đi học chui ở nước ngoài là bao nhiêu? Tệ hơn nữa, chỉ họ mới biết số “đè đầu con em dân thường xuống để leo lên trên hay chiếm đoạt chỗ để thay thế số đã đủ điểm (thực tế là ăn gian, phi pháp) là bao nhiêu? Ta chỉ biết “con cháu các cụ chẳng mấy ai đi lính, chẳng mấy ai cầm súng ra trận, chẳng mấy ai bị tử trận cả, trong khi biết bao con em dân thường bị chết nơi chiến trường. Cái chết ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) tại một đơn vị cao xạ, con của vị bí thư tỉnh Hưng Yên Lê Quý Quỳnh được báo chí nhắc đi nhắc lại một thời gian dài chứng minh cho sự hiếm hoi ấy. Đến cuộc chiến tranh Cam Bốt thì tuyệt nhiên các con cháu các cụ đều đã kiếm được chỗ ăn học tốt đẹp cả, nghĩa vụ quốc tế cao cả, đầy gay go và hiểm nguy ấy xin nhường hết cho con em nông dân!

Con vua thời lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Ở chế độ nào chả thế, kể cả ở chế độ gọi là cách mạng!

Ban cán bộ của quân đội nằm trong tổng cục chính trị là nơi các “cụ nhờ vả rất nhiều. Điện thoại, thư tay, gọi và gửi đến đó tới tấp. Các cán bộ ở Ban ấy luôn sẵn sàng “vâng dạ” các “cụ, để thu xếp con cháu các cụ được đào tạo thành cán bộ kỹ thuật, có dịp để xuất ngoại, khi trở về lại được sắp xếp ở những vị trí béo bở, có quyền thế mà không nguy hiểm, ở trong hoặc ngoài quân đội. Ban cán bộ quân đội luôn tự coi mình là một bộ phận của Ban tổ chức trung ương đảng do ông Lê Đức Thọ đứng đầu. Đảng nắm quân đội, đảng lãnh đạo và chỉ huy quân đội là một nguyên tắc của cơ chế.

Cụ “tổng” hiếm hoi, cụ chỉ có một cậu con trai. Cậu cả lại lười học, chẳng đỗ đạt gì ra trò cả. Ngay tốt nghiệp phổ thông cũng đã là “nài ép”. Phu nhân của cụ, bà Thanh, chẳng hiểu biết gì về ngành y, được chiếu cố về nhận nhiệm vụ Bí thư đảng uỷ của bệnh viện C, sau trở thành Viện bà mẹ và trẻ sơ sinh, trên đường Tràng Thi Hà nội, đối diện với Bệnh viện Phủ Doãn nay mang bên Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Chỉ vì cái lý bà là một đảng viên. Mà đảng viên thì làm gì chả được. Bà bận việc “nước” nên không kèm nổi cậu cả. Thật ra, bà không có học vấn để kèm cặp nổi con. Làm sao lo cho cậu cả nối dõi cha, làm nên sự nghiệp?

Thế là cụ Tổng gặp may. Chả là ông Lê Thanh Nghị vốn là phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, uỷ viên Bộ chính trị từ năm 1960 (qua đại hội đảng lần thứ 3); ông Nghị là cán bộ cộng sản chuyên nghiệp, bị tù từ những năm 1941 thời thực dân Pháp; ông từng là thợ xếp chữ thủ công ở một nhà in từ thời xưa và thế là được cái “mác” công nhân. Ông là bí thư khu uỷ Liên khu 3 (bao gồm vùng hữu ngạn sông Hồng bao quanh Hà nội). Là phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, nhiệm vụ chính của ông trong suốt thời gian chiến tranh là xuân thu nhị kỳ, đi Bắc Kinh và Moscou cùng tất cả các thủ đô các nước “anh em” khác để… xin viện trợ. Tôi quen với người bí thư của ông, cũng quen vớ nhiều người tham gia đoàn đàm phán của ông. Gọi là đàm phán, thật ra là chỉ đưa ra đơn xin viện trợ. Đó là những xấp dày cộm liệt kê hàng hóa đủ loại, từ xe tăng, máy bay, tàu chiến, xăng dầu… cho đến đồ dùng thường ngày như giấy in báo, thuốc cảm cúm, sữa, đường, vải vóc! Có những tập liệt kê hàng vài trăm trang! Đó là tổng hợp từ những tập liệt kê của tất cả các bộ, tổng cục, các tỉnh, huyện cả miền Bắc, gửi lên Phủ thủ tướng. Tôi cũng từng gặp các phóng viên báo Pravda của đảng cộng sản Liên xô theo dõi các cuộc đàm phán. Cái tài của ông Lê Thanh Nghị là ghi nhận những lời ca ngợi của các vị lãnh đạo cao nhất của bạn đối với cuộc chiến đấu của Việt nam, và từ đó để nài xin cho được nhiều nhất ở các cơ quan lo việc chi viện cho Việt nam. Ở Hà nội, cứ gần cuối năm (quãng tháng 10) và gần giữa năm (tháng 3, tháng 4), cán bộ lại kháo nhau: Cụ Nghị sắp quang gánh lên đường đây! Và chờ xem lời lẽ các bài diễn văn ra sao thì biết ngay là xin được nhiều hay ít. Cuộc sống toàn xã hội ăn nhờ vào “thúng” nặng hay nhẹ cụ gánh về! Tôi xin lỗi về sự dông dài trên đây. Ông Nghị có con trai; cụ muốn cho con sang học ở một nước đế quốc, nước Pháp chẳng hạn. Cụ đi nhiều, hiểu khá rộng, nên tính được nước cờ xa! Thế là Bộ đại học sẵn sàng chiều lòng cụ. Sứ quán Pháp cũng tỏ ý vui vẻ. Sứ quán Việt nam ở Paris thì rất mừng là có dịp làm hài lòng vị phó thủ tướng. Và qua con đường êm ái, nhẹ nhàng, không ồn ào, anh Lê Thành Nhơn được sang Pháp học. Anh đỗ về ngành tin học, lấy vợ Pháp; thành đạt theo kiểu cách riêng, mà trong nước bàn tán rằng chỉ có ông Nghị mới tạo được cho con một tương lai đến thế. Một chuyến về thăm quê hương, anh Nhơn được cụ “tổng” mời đến chơi. Chẳng phải để hỏi gì về nền giáo dục của nước Pháp, mà để yêu cầu anh giúp cho con trai cụ có được một tương lai tương tự. Thế là cậu cả Dũng lên đường sang Pháp, có học bổng hẳn hoi, cũng theo một con đường tắt, không chính thức và tất nhiên là có phần kém đàng hoàng. Cậu vào lớp học tiếng Pháp ở một thành phố nhỏ phía Nam, ở Montpellier. Quen sống an nhàn ở thủ đô, cậu không sao học nổi. Đã vậy, hạnh kiểm của cậu bị điểm đen. Ở nhà trường, có nhà ở tập thể, cậu thường hay giải trí bằng cách nhòm qua các chỗ hở của phòng tắm các nữ sinh! Sau tập thể thao, các cô nữ sinh thường tắm với nhau, không cần che dấu gì! Các cô hô hoán lên, mắng mỏ kiểu miệt thị, cậu không chừa. Đến lần thứ 3, cậu bị tóm cổ quả tang đưa lên nhà trường. Chuyện này, ở một nước văn minh là một tội kinh khủng: mất hết nhân phẩm? Anh Nhơn đau khổ, không sao bênh vực được chú em, liền buộc phải nhận về nhà và báo cáo cho sứ quán. Cụ Tổng được tin con, lo buồn chút ít, rồi cụ ra chỉ thị: chú Nhơn và sứ quán lo cho em nó một nơi khác ở bên đó học hay tạm làm gì cũng được. Anh Nhơn lại phải tìm cho chú em làm tạm ở một labo (phòng thí nghiệm), lau rửa các ống nghiệm. Chú em chỉ ngoan ngoãn được có 2 tháng rưỡi! “Con nhà nòi” có khác! Không giống con của thường dân! ở trong “labo” cán bộ đến làm thường thay quần áo treo trong tủ để mặc áo quần lao động. Bỗng nhiên người ta thấy mất vài thứ lặt vặt, chuyện chưa từng xảy ra. Rồi một lần người ta thấy “cậu ấm nhà ta” thọc nhầm tay vào túi quần người khác treo ở trong tủ và ngăn tủ riêng của họ bị lục lọi. Cậu ta không còn cãi được. Và anh Nhơn lại đau khổ nhặn cậu ấm về.

Cụ “tổng” được tin, liền chỉ thị sang, nhẹ nhàng: “Mong các anh ở sứ quán thu xếp, cho em về ở sứ quán ta, làm việc gì cũng được”. Bà đại sứ rất sốt sắng bàn với ông đại sứ: hay cho em nó làm thường trực, tiếp khách! Cả sứ quán dãy nãy lên: tư cách, trình độ áy mà làm thường trực và tiếp khách thì chết. Bà đại sứ đành thôi. Bà luôn sốt sắng chấp hành mọi chỉ thị của các cụ ở bên nhà. Vốn là một thứ trưởng về hưu, ở trong cái sứ quán bà luôn tự cho là cao hơn chồng, và tự cho “quyền” đừ các cuộc giao ban hàng ngày, hàng tuần của sứ quán, và cũng tự ban phát “chỉ thị” cho anh chị em. Có người của sứ quán than rằng: cách làm việc ở đây thật lộn xộn, gia trưởng, vô nguyên tắc, nhưng không dám nêu lên để nhận xét hay phê bình. Thế rồi “cậu ấm” ở chơi thêm vài tháng ở Pháp rồi về nhà. Để đỡ mất danh dự cho cả gia đình và đất nước, đã có sáng kiến nói rằng: cậu ta bị yếu thần kinh. Có bệnh thần kinh thì mọi việc đều có thể tha thứ!

ở Hà nội, có lần tôi tới khám bệnh ở quân y viện 108, nơi có khoa A 10 và A 11 dành riêng cho bệnh nhân cấp ca, các tướng trong quân đội và các vị uỷ viên ban bí thư, uỷ viên bộ chính trị của đảng và phó thủ tướng trở lên của chính phủ. Các bác sĩ thân quen kể rằng ông Đỗ Mười thường vào khám sức khỏe ở đây. Ông vốn bị đau thần kinh khá nặng, từng nằm điều trị mấy tháng hồi 1969, 1970 và một lần sau nữa hồi 1976. Ông mất ngủ kéo dài, có lúc lên cơn thần kinh, đi lang thang cả đêm ngoài sân, có lần leo lên cả cây bàng ngồi. Các cô y lá đi theo phát hoảng lên, sợ ông ngã, đến dưới cây bàng dụ dỗ ông xuống: “Bác ơi, xin bác xuống, bác mà ngã, có làm sao thì chúng cháu chết!” Có nước quy định những người từng bị đau thần kinh không thể ra ứng cử những chức vụ quyết định của đất nước. Mong rằng ông đã khỏi hẳn bệnh cũ.

Ông nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng chỉ có một con trai. Rủi cho ông bà, các con học hành không xuất sắc đủ điều kiện thuận lợi hơn biết bao nhiêu người mà cũng chẳng bằng ai. Cậu đã tự kết thúc cuộc đời ở thành phố trong nỗi niềm đau buồn của ông bà. Cuộc tự vẫn của anh ta do những lý do cá nhân, trong quan hệ với bạn bè. Có người bảo anh ta tự chọn cái chết để tránh mất thể diện và danh dự cho mình và cho gia đình. Con các “cụ cũng có những bi kịch chứ đâu phải chỉ có “thành đạt” kiểu quan tắt. Dù cho thành đạt chăng nữa thì thường cũng là một kiểu bi kịch…