Bề rộng của nỗi khổ đau

Thoạt nhìn bề nổi thì ở Việt nam, dưới chính quyền cộng sản, hình như không có những vụ thanh trửng nội bộ ác liệt những vụ chủ tâm giết hại hàng loạt người như ở Liên xô thời Stalin, như ở Cam bốt thời Khờ me đỏ. Hơn 10 triệu người bị giết và bị đày ải ở Liên xô. Những vụ xử bắn hàng loạt. Hơn một triệu người bị đập vỡ sọ, bị giết bằng dao, gậy, cuốc, xẻng, bị chôn chung trong những hố đất, bị vứt xuống ao, xuống sông trong những nấm từ 1975 đến 1978 ở Cam Bốt. Năm 1993 ở Liên xô, báo chí Moscou lại đề cập đến vụ án “Những bác sĩ giết người trong điện Kremlin” hơn 40 năm trước. Người ta nhắc lại rằng hồi ấy, báo Pravda đăng thông báo của Bộ nội vụ Liên xô cho biết vừa khám phá ra một vụ án cực lớn của những kẻ mặc áo blu-dơ trắng. Đó là những bác sĩ ưu tú, tài giỏi, làm nhiệm vụ ở bệnh viện đặc biệt trong điện Kremlin chuyên chữa trị cho các cán bộ cao nhất của Liên xô, từ Maxime Gorki, Andréi Jdanov cho đến chính Stalin. Phần lớn họ là người gốc Do Thái. Đó là các giáo sư bác sĩ: Vovsi, Kogan, Fieldman, Grinstein, Elinguer… Về sau người ta mới biết rõ rằng người đứng ra tố cáo vụ án này là nữ bác sĩ Lydia Tymachouk, được Stalin ký ngay lệnh ban thưởng Huân chương Lénin. Chính Stalin mớm lời cho Lydia vu cáo dựng đứng vụ này, tố điêu rằng họ đã cố tình giết Andréi Jdanov, ông trùm tư tưởng tay chân đắc lực của Stalin và đang định ám hại lãnh tụ tối cao Stalin nữa… Tất cả các giáo sư bác sĩ tài giỏi ấy đều bị xử bắn, và từ đó mở ra những cuộc khủng bố tàn sát những trí thức nổi tiếng gốc Do Thái. Tội ác sinh ra từ người lãnh đạo cao nhất như thế đó!

Cũng lại tháng 4-1993 vừa rồi, ở Mỹ, người ta chính thức hồi phục danh dự cho vợ chồng hai nhà bác học Mỹ Ethel và Julius Rosenberg, cũng người gốc Do Thái, bị buộc tội hồi ấy là làm gián điệp cho Liên xô, cung cấp những bí mật về phát minh khoa học liên quan đến qui trình chế tạo bom nguyên tử. Hai vợ chồng nhà bác học bị tòa án liên bang Hoa Kỳ kết tội tử hình vì phản quốc và bị ngồi ghế điện ngây 19 tháng 6 năm 1953, cách đây vừa 40 năm tròn. Vụ giết người này đo cánh cực đoan Mac Carthy trong chính quyền Mỹ đạo diễn, bịa đặt ra nhằm kích động tinh thần chống cộng, chống Liên xô, khủng bố những người Do Thái tiến bộ. Nhân dịp này, báo Mỹ đưa ra lời tuyên bố của phó chưởng lý Tòa án Liên Bang hồi ấy Rơy Cohn, chỉ rõ là không có một bằng chứng nào xác đáng để có thể kết tội hai nhà bác học nói trên. Người ta còn nhớ rằng trong vụ này, giáo hoàng Pie XII, nữ hoàng nước Anh, tổng thống Pháp Vincent Auriol và hàng trăm trí thức cỡ lớn của thế giới lên tiếng đòi hủy án tử hình hai nhà bác học ấy mà không có kết quả! Hiện đang có dư luận mạnh mẽ đòi tổng thống Clinton và quốc hội Mỹ chính thức ra lệnh xét lại hồ sơ của vụ án và chính thức minh oan cho hai vợ chồng Rosenberg, dù cho vụ này xảy ra đã 40 năm.

ở Việt nam bề rộng và bề sâu của những nỗi khổ đau và oan ức dưới chính quyền của đảng cộng sản không phải là ít. Những người lãnh đạo cố che dấu, ỉm đi, cho qua tất cả. Họ rất sợ dư luận nhân dân và dư luận quốc tế. Đã vậy, họ luôn tự do tự đại, nói lấy được: Không có gì phải xem xét lại hết! Các vụ án cũ đều đã được xử nghiêm minh, chính xác công bằng. Cho đến nay họ vẫn giữ một cách nói trịch thượng: sau 30-4-1975, việc triệu tập những người trong chính quyền và quân đội cũ đi học tập cải tạo là cần thiết, lại còn là quá nhân đạo nữa! Tội họ là tội đáng chết, đáng tù cả? Cho sống là may rồi! Không có truy tố ra tòa án là may rồi? Còn đòi hỏi gì nữa? Nay tất cả đã được ra tự do, còn được cho phép xuất ngoại sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. nữa rồi, thế là quá nhân đạo rồi chớ! Họ vấn còn có thể nói những điều vô lý, ngang ngược như trên là vì dư luận trong nước vẫn còn e dè, nể sợ uy quyền của họ, vì dư luận nước ngoài chưa hiểu rõ và phê phán đến mức cần thiết. Họ vẫn núp sau nguyên lý về chủ quyền quốc gia, người nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ các nước để trốn trách nhiệm.

Các trại học tập ấy có thật là trại học tập không? Hay thật ra là hệ thống trại giam, tất cả đều trực thuộc Cục quản lý trại giam của Bộ Nội vụ, mà thủ trưởng hồi 1975 là thiếu tướng Lê Phú Qua.

Phương pháp học tập ấy ra sao? Nếu là học tập thì người học có quyền tự do tư tưởng, có quyền thảo luận dân chủ. Thế nhưng khi người học không thông, nói ý kiến của mình khác với người lên lớp thì liền bị biệt giam, bị cùm chân, có khi cùm chéo chân một kiểu cực hình tàn ác Đó có thể gọi là học tập bình thường không? Chính quyền thường khoe rằng chế độ học tập cải tạo rất nhân đạo, học viên được gia đình thăm nuôi, được chăm sóc thuốc men, được lao động để tự cải thiện đời sống. Vậy số người chết trong trại do đau yếu không được chăm sóc, như ông Phan Huy Quát như luật sư Trần Văn Tuyên, như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn… là bao nhiêu người? Tỷ lệ nữ… là bao nhiêu? Và có bao nhiêu người bị ốm nặng, gần chết thì được họ cho về nhà để… chết, như ông Hồ Hữu Tường, như nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương? Những người lãnh đạo của đảng cộng sản còn chống chế rằng không thể có cách làm nào khác để giữ gìn trật tự an ninh vì đã có những mầm mống chống đối, gây hỗn loạn, sau đó lại có xung đột với Khờ me đỏ ở Cam bốt, rồi tiếp nữa là chiến tranh với Trung quốc, rồo những âm mưu của các tổ chức Hoàng Cơ Minh, Võ Đại Tôn… nên không thể không có biện pháp quản lý chặt chẽ những mầm mống nổi loạn ấy.

Cần có một cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội để làm rõ vấn đề này: phải chăng có thể có một cách đề cập khác, một giải pháp khác, một cách làm khác, đối với hơn 200 ngàn viên chức và sĩ quan thuộc chế độ cũ đã bị bắt buộc ở tù từ 2,3 năm đến 13, 14 năm?

Cách làm khác ấy có thể tạo nên một cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc rộng lớn được không? Có thể tận dụng sớm được trí thức, hiểu biết, kinh nghiệm của những đối tượng ấy cho công cuộc xây dựng đất nước không? Từ đó có thể tranh thủ sâu sắc hơn số người đông đảo ấy trên tinh thần dân tộc, đoàn kết dân tộc và phục vụ dân tộc được không? Có thể giảm bớt rất nhiều những chết chóc đau khổ, ốm đau, thiệt thòi cũng như nhưng đỗ vỡ có tính chất bi kịch gia đình của số người đông đảo ấy không?

Tóm lại có thể có một chính sách khôn ngoan, sáng suốt và nhân đạo hơn là chính sách đã thực hiện hay không? Tôi tin chắc là có, ngay từ những tuần lễ sau 30-4-197 tôi đã đến các trại giam các viên tướng Sài Gòn ở trại Quang Trung. Tôi đã đến trại Long Thành, các trại ở Long An, Cần Thơ, Hàm Tân, Quảng Ngãi, tôi cũng đã đến trại Tân Lập, Tuyên Quang, rồi mấy trại ở Hà Nam Ninh, Thanh Hóa. Tôi đã hỏi chuyện hàng trăm cán bộ quản giáo. Tướng Lê Phú Qua đã mời tôi dự nhiều cuộc họp của cán bộ quản giáo toàn quốc (từ 1978 đến 1983). Tôi cũng đã hỏi chuyện hàng trăm đối tượng cải tạo, từ gần 40 viên tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng, người lãnh đạo các đảng phái cho đến những sĩ quan và hạ sĩ quan… Có người đã nói thẳng với tôi rằng: thà rằng quý ông lập tòa án để xét xử một cách hợp pháp, chớ đày đọa bọn tôi như vầy thì vô lý quá, không ai biết còn ở tù bao lâu nữa! Cũng có người nói: đây là việc rất thất nhân tâm đối với mỗi người chúng tôi, đối với cả gia đình, bè bạn chúng tôi; người thắng trận mà làm thế này thì chỉ nhận được thêm hận thù mà thôi! Có người cho rằng bên Pháp sau khi ông De Gaulle thắng, giải phóng được nước Pháp họ ân xá hết mọi người Collabo (người hợp tác với Đức). Họ xử ông Pétain, tuyên án tử hình mà rồi giảm án, cho ông ta ở cả một lâu đài, vì tuổi cao cho đến khi ông ta chết. Chỉ những kẻ tội phạm giết người mới bị truy tố và xét xử theo luật pháp hẳn hoi…

Có người gặp tôi, chân thành phàn nàn, chúng tôi học đâu có vô. Vì lo ở nhà vợ con cực khổ quá chừng. Cũng có người phàn nàn về mấy cậu quản giáo: có một anh trung úy lên lớp cho chúng tôi, khoe rằng Liên xô tài giỏi, giúp cho Việt nam một thứ tên lửa rất tân kỳ, tên lửa đó nằm phục trong mây, không có màu sắc, khi máy bay Mỹ tới, tên lửa tự động phóng vào máy bay Mỹ, trúng tới cả trăm phần trăm. Tôi có học về nguyên lý tên lửa mà không hiểu nổi. Vậy mà đâu dám hỏi lại. Thì ra mấy cậu lên lớp không được bồi dưỡng, trình độ quá thấp, nói tùy tiện, lại còn có người ba hoa khoác lác đến thế! Sau này có mấy ông H.O. sang Mỹ cũng kể với tôi và phàn nàn y như thế. Một viên trung tá kể rằng một dân ở trại Long Khánh một quản giáo bắt được giấy chép thơ. Đây là mấy bài thơ Đường do anh bạn ở phòng khác chép cho. Thế là anh quản giáo tra hỏi, ai chép thơ này? Đỗ Phủ là ai? Nó ở buồng nào? Khi anh này trả lời, thưa cán bộ, trong di chúc cụ Hồ có nói tới ông này, thì bị cự lại là, nói láo, dám đưa cụ Hồ ra nói giỡn à.

Tôi cho rằng việc đày đọa hàng trăm ngàn con người trong các trại học tập, thực tế là trại giam rất hà khắc, với việc học tập hình thức kiểu nhồi sọ, là một chủ trương thất đức, thật nhân tâm, mang tính chất trả thù, gây không biết bao đau khổ, chết chóc, tật bệnh, có khi cả tan vỡ gia đình, làm đau khổ cả đến vợ con, bố mẹ, thân nhân họ. Đây là một sai lầm lớn từ chủ trương đến thực hiện, xúc phạm truyền thống nhân ái của dân tộc, đầy ải không biết bao nhiêu con người, làm tăng thêm hận thù và cừu oán khôn nguôi. Những người lãnh đạo cộng sản một mực cãi lại nhận định ấy. Cần có những cuộc họp ở trong nước và trên trường quốc tế để làm rõ đúng sai, sáng tỏ, rút ra những kinh nghiệm bổ ích chung cho đất nước.