Ban ơn và đòi lại

Tôi còn nhớ vào những năm 1964, 1965, gặp các bạn trẻ sinh viên trường đại học sư phạm ở Cầu Giấy Hà nội, một bạn giáo viên đã đọc cho nghe hai câu hài hước sau khi nhà trường công bố bán cho mỗi giáo viên một áo may-ô cụt tay (gọi là áo ba lỗ) và một lốp xe đạp:

Bắt ở trần phải ở trần.
Cho may-ô mới được phần may-ô.

theo kiểu lẩy Kiều (Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh tao mới được phần thanh tao…) Đó là đảng ban ơn, chia phần viện trợ, bán rẻ cho cán bộ, khi thì 2 mét vải, khi thì chiếc quần đùi, chiếc áo may-ô, khi thì chiếc lốp xe đạp, bánh xà phòng, nửa cân đường, cho đến 2 mét vải màn một tháng cho riêng các chị em. Chính sách bao cấp tạo nên tâm lý trông chờ ở sự ban ơn của đảng, và coi đó là công ơn của đảng với mỗi người!

Dưới chế độ lãnh đạo độc quyền của đảng cộng sản, chữ “giải phóng” bị lạm dụng tràn lan, trên thực tế mỗi người dân đều bị coi là “vị thành niên”, là “chưa trưởng thành cần có đảng để nuôi nấng, đay dỗ, chỉ bảo từng ly từng tý một. Người dân hèn mọn, kém cỏi không được ra khỏi nhà (không được ra nước ngoài), không được gặp nói chuyện với người ngoại quốc (có thể bị tù nếu vi phạm). Thật đáng hổ thẹn cho con em nước Việt nam nghìn năm văn hiến cho đến nay vắn còn bị coi là trẻ nít, cần sự dìu dắt trên mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói. Đảng cho gì thì được nấy, cho phép làm điều gì thì được làm điều ấy. Đến nay cũng vẫn đảng quy định người dân được “tự do” làm những gì. Đã đến lúc giải tỏa tâm lý xã hội nặng nề và phi lý áy. Cả xã hội cần hiểu rõ nội đung của các bản tuyên ngôn nhân quyền cũng như Hiến chương về quyền con người của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên. Con người sinh ra đã là một con người tự do, nghiễm nhiên có quyền tự do, không cần ai ban phát cho cả.

Mấy chục triệu nhân dân Việt nam đã bị mất từng phần các quyền iự do là vì đã bị tước đoạt một cách phi lý và bất công. Nay đã đến lúc phải trả lại cho xã hội, cho mỗi công dân quyền có chính kiến riêng, quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Phải trả lại cho mỗi công dân nhân phẩm quan trọng nhất: được suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình. Phải giành lại cho mỗi công dân quyền ngẩng cao đầu lớn tiếng nói lên suy nghĩ của chính mình, không phụ thuộc vào ai, chịu trách nhiệm về điều mình nghĩ và không một công dân nào bị bắt bớ, bị mất tự do, bị tù đày vì chính kiến chính trị của mình. Phải chấm dứt thái độ độc đoán phi lý, khẳng định rằng: yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội (mà lại là kiểu chủ nghĩa xã hội lộn ngược, bất công, áp đặt, nghèo khổ), chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội là phạm pháp, thậm chí “nói xấu lãnh đạo” (ngay khi lãnh đạo quả thật xấu) cũng là phạm pháp luôn?

Chẳng lẽ sắp bước vào thế ký 21 rồi mà người Việt nam chúng ta vẫn còn ở thời kỳ trung cổ, ở vào thời kỳ trước thế kỷ 18 của thế giới!

Người dân chỉ cần làm ăn, không cần đến dân chủ? Không khí làm ăn ở Việt nam hiện nay khá là sôi động. Quang cảnh buôn bán, kinh doanh nhộn nhịp lan rộng trong cả nước, tại Sài gòn-Chợ Lớn cũng như tại thủ đô Hà nội, vùng biên giới phía Bắc cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Người ta sửa nhà, cơi nới thêm diện tích, làm nhà mới, sắm sửa đồ dùng gia đình, ăn mặc tươm tất đẹp và sang hơn trước. Mọi nhà, mọi nơi bàn bạc việc làm ăn, kiếm lãi.

Đây là điều dễ hiểu. Từ mấy chục năm cấm đoán việc làm ăn, hạn chế và cấm đoán mọi cơ sở kinh doanh tư nhân, triệt hạ thị trường tự do, nay đảng và nhà nước buộc phải trả lại quyền làm ăn, kinh doanh, buôn bán cho nhân dân, người dân đang “nghẹt thở” bỗng được luồng “dưỡng khí” tự do về kinh tế, ai cũng muốn tận hưởng. Kinh tế thị trường càng sôi động, đời sống mỗi gia dình dễ chịu, lại càng thấy cái tội lớn của người cầm quyền đã duy trì một chế độ kinh tế bảo thủ, giáo điều, giam hãm toàn xã hội trong cảnh khốn cùng suốt mấy chục năm ròng. Ở Việt nam, từ rất lâu, chưa từng có những cơ quan thăm dò dư luận xã hội. Trong một xã hội dân chủ, những cơ quan thông tin, xã hội của nhà nước và tư nhân làm công việc điều tra, phỏng vấn, thống kê chính kiến của một số lượng thành phần xã hội rồi tính thành tỷ lệ để công bố là những phương tiện không thể thiếu để bắt mạch dư luận xã hội kịp thời và chuẩn xác. Hồi 1986, khi chính sách đổi mới bắt đầu được thực hiện, trong khí thế hăng hái, một số tổ chức thăm dò dư luận được thành lập (được gọi vui hồi ấy là viện Gallup Việt nam); nó nằm ở Ban tuyên huấn trung ương đảng, sau là Ban tư tưởng và văn hóa trung ương. Một số cuộc thăm dò dư luận được công bố, về nguyện vọng đổi mới kinh tế và chính trị, về thái độ đối với thị trường tự do, về từ bỏ chế độ bao cấp, về chính sách Khoán 10 trong nông nghiệp, về từ bỏ cưỡng bức trong Hợp tác hóa nông nghiệp… Cơ quan thông tấn xã Việt nam, các báo Lao Động, Tuổi Trẻ, Hà nội mới cũng làm một số cuộc điều tra dư luận, công bố kết quả trên báo chí và đài truyền hình. Đây là một biểu hiện đáng mừng theo hướng dân chủ hóa thông tin.

Thế nhưng những việc làm đáng khuyến khích ấy không thọ được lâu dài. Nó chết yểu khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu. Người ta quay về con đường cũ, về lề lối cũ. Dân chủ là nguy hiểm chết người! Những người lãnh đạo nghĩ vậy. Các cuộc thăm dò dư luận thưa thớt dần, để rồi tắt ngấm.

Trong năm 1987, đã có nhưng lớp học của ngành tuyên huấn, hướng dẫn cách làm những cuộc điều tra dư luận: chọn đề tài điều tra, chọn đối tượng điều tra, làm phiếu hỏi và trả lời ghi nhận và thống kê kết quả, so sánh và đối chiếu với các cuộc thăm dò trước…

Nay tất cả đều bị gác lại. Vì quả thật các cuộc điều tra trong thực tế trở thành con dao hai lưỡi. Dư luận hoan nghênh những việc làm tốt và phản đối những chủ trương sai lầm. Đến nay, đảng cộng sản bị các cuộc điều tra thách đố nặng nề. Họ không dám “chơi” trò dân chủ ngay thật, với luật chơi công khai, có nhân dân và công luận làm trọng tài. Họ không thể chấp nhận những cuộc điều tra rộng lớn trong toàn xã hội về các chủ đề, như:

– Nhân dân có tín nhiệm sự lãnh đạo của đảng cộng sản không?

– Nhân dân có tin ở chủ nghĩa xã hội không? Nhân dân có tin ở chủ nghĩa Mác-Lênin không?

– Sở hữu ruộng đất nên là sở hữu tư nhân hay loàn dân? Những biện pháp chống tham nhũng hiện nay có hiệu quả không.

– Bầu cử quốc hội vừa qua đã thật tự do chưa? vân vân và vân vân…

Có thể khẳng định rằng nhân dân ta ở trong nước đang tận dụng những nhượng bộ về kinh tế của đảng cộng sản để bung ra làm ăn. Họ không hề biết ơn đảng, cũng chẳng khen ngợi đảng vì họ hiểu rằng đảng đã buộc phải trả lại cho dân quyền làm ăn chính đáng mà đảng đã tịch thu của dân mấy chục năm nay.

Mặt khác, đông đảo nhân dân hoàn toàn chưa hài lòng về hiện tình đất nước và đòi hỏi đảng đang ôm giữ độc quyền lãnh đạo phải nhượng bộ thêm nữa theo hướng tôn trọng quyền sở hữu tư nhân, xây dựng một nhà nước có đầy đủ pháp luật và pháp luật được tôn trọng, chấm dứt sự lộng hành của những người có quyền thế đang vơ vét, tàn phá tài sản xã hội và tài nguyên quốc gia. Phê phán sự lãnh đạo của đảng, chỉ trích sự kém cỏi, bất lực của giới cầm quyền đang là “mốt”, là thời thượng của xã hội ngày nay, diễn ra trên đường phố, trong các nhà hàng, trong mỗi gia đình và cả ở cơ quan… Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội mà đảng cộng sản vẫn còn cố tỏ ra sùng bái thì đã mất hết thiêng trước con mắt dân chúng. Nỗi sợ cường quyền của người dân cũng giảm đi trông thấy. Tất cả những hiện tượng ấy chứng tỏ thái độ chính trị của người dân đang chuyển biến theo hướng có tinh thần phê phán rõ rệt, theo hướng tự khẳng định quyền dân chủ của mình. Luận điểm cho rằng người dân chỉ lao vào làm ăn mà không quan tâm gì đến chính trị là một luận điểm sai với thực tế, mang ý đồ đánh lạc hướng dư luận. Chính vì quan tâm đến kinh tế, đến làm ăn mà người dân quan tâm đến chính trị vì họ hiểu rằng chỉ có một hiến pháp tiến bộ công nhận rõ ràng quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh ngay thật thì việc làm ăn mới bảo đảm bền vững, mọi tài nàng kinh doanh mới được thi thố theo nguyên tắc tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, chấm dứt tình hình đặc quyền đặc lợi vô lý hiện nay. Cứ để vậy rồi tự nhiên sẽ có dân chủ đầy đủ? Qua những cơn khủng hoảng dai dẳng, nặng nề về mọi mặt vừa qua của đất nước, những người lãnh đạo đảng cộng sản đã mở mắt và không còn kiêu ngạo tự phụ như trước nữa chăng?

Không phải vậy! Chứng nào tật nấy. Tại một số cuộc họp ở Hà nội cũng như khi gặp một số Việt kiều ở Paris, những người lãnh đạo của đảng vẫn còn huênh hoang rằng, “đảng ta” đã tỏ ra vững vàng hơn đảng cộng sản Liên xô và đảng cộng sản Trung Quốc? Đảng Liên xô chỉ lo đổi mới về chính trì mà không lo đổi mới về kinh tế, cho nên sụp đổ tan hoang? Đảng Trung Quốc chỉ lo đổi mới về kinh tế, không chịu đổi mới về chính trị nên vấp phải vụ Thiên An Môn nguy hiểm! Vẫn còn có người ở trong nước cũng như ở ngoài nước tin ở luận điệu kiêu ngạo ấy. Thật ra Trung Quốc về mặt đổi mới về kinh tế đã đi trước Việt nam khá lâu và đạt được tốc độ phát triển cao suốt gần mười năm nay, và do bảo thủ về chính trị, nguy cơ rối loạn và suy sụp vần còn tiềm ẩn như những quả bom nổ chậm. Việt nam có đổi mới về chính trị hơn gì Trung Quốc đâu! Vẫn là một đảng chuyên quyền; vẫn là bầu cử kiểu “đảng chọn, dân bầu vẫn ôm giữ chủ nghĩa Mác- nin và chủ nghĩa xã hội (mà hình thù đang còn phải đi tìm?)

Còn Liên xô sau khi tan rã, đã trở thành một loạt nước có chủ quyền, đi vào xây dựng nền dân chủ đa nguyên, chấp nhận một số khó khăn nhưng là những khó khăn của phát triển, trên một mặt bằng khác hẳn trước về chất, sau khi chấm dứt một chế độ độc đoán, giáo điều và lạc hậu. Việt nam chưa vượt qua ngưỡng cửa ấy. Nước Nga mới được sự giúp đỡ to lớn của quốc tế (hơn 50 tỷ đô la) có điều kiện đánh thức tài nguyên hùng hậu, khôi phục nền sản xuất vốn đã khá cao.

Lại có người lập luận đổi mới kinh tế tất yếu tự nó sẽ dẫn đến đổi mới về chính trị. Không nên sốt ruột? Phải biết kiên nhẫn và chờ đợi! Có anh bạn trí thức Việt kiều trẻ, rất có tâm huyết, rất mực thương dân mình nghèo khổ, chủ trương hãy tập trung giúp cho đất nước về kinh tế đã, để Việt nam mình tăng gấp đôi giá trị sản lượng tính theo đầu người (từ 180 đô la năm 1990 lên chừng 400 đô la vào năm 2.000), từ lúc đó trở đi khi cuộc sống của nhân dân đã dễ chịu, vượt qua mức nghèo khổ rồi, thì hãy đòi hỏi dân chủ đa nguyên! Anh lập luận rằng, cơm áo trước, dân chủ sau, có no đủ rồi mới nên nghĩ đến chính trị, thiếu gạo thiếu thịt, đói rét, bụng đã đâu mà nghĩ đến dân chủ?. Tâm huyết và thiện chí ở đây trùng hợp với mong muốn của những người lãnh đạo đã mất hết liên hệ với nhân dân! Họ cũng chỉ mong có vậy để hòng kéo dài sự tồn tại với những quyền đặc lợi riêng tư! Lập luận ngây thơ về chính trị trùng hợp với những tính toán vụ lợi! Cả hai bên đêu không thấy hoặc che giấu mối quan hệ qua lại giữa chính trị và kinh tế, do đó không đổi mới tiếp, đủ liều lượng về chính trị thì kinh tế sẽ bị chững lại, những thành tựu kinh tế có nguy cơ bị triệt tiêu.

Cần nhận rõ những đổi mới về kinh tế bước đầu và một vài đổi mới có tính chất hình thức về chính trị vừa qua sở dĩ có được là do sức ép của thời cuộc và dư luận, cơ quan lãnh đạo của đảng buộc lòng, cực chẳng đã mà thực hiện một cách miễn cưỡng. Một số tiếng nói ngay thẳng, dũng cảm của một số nhân vật ở ngoài đảng cũng như của một số đảng viên hiểu biết đã tạo nên trên thực tế một thế lực đối lập mà những người lãnh đạo bảo thủ phải tính đến, buộc họ phải nhượng bộ.

Trong cơ quan lãnh đạo của đảng chưa có một nhân vật nào nổi lên như là người chủ động đề xướng đường lối đổi mới, chưa có một ai có thể được coi là nhà kiến trúc của kế hoạch đổi mới cả? Ông Trường Chinh sau khi nhận chức quyền Tổng Bí Thư ban chấp hành trung ương đảng hồi cuối năm 1986, ở thời kỳ cuối đời mình, có tạo nên một niềm tin nào đó; sau đó ông Nguyễn văn Linh ở khoảng hai năm đáu trên cương vị tổng bí thư cũng tạo nên được một niềm tin, thế nhưng niềm tin ấy cũng sớm tàn lụi khi ông la cùng cơ quan lãnh đạo của đảng hoảng hốt quay về đường lối bảo thủ và giáo điều khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu tan vỡ. Từ đó họ trở nên bước cản tệ hại cho sự nghiệp đổi mới, phát triển, hồi sinh của đất nước. Họ đã bỏ qua những thời cơ quý báu để hòa nhập với thế giới. Chính cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ tuy chưa sôi nổi, hùng hậu, nhưng âm ỉ và bền bỉ, thông minh và gan góc đã tạo nên trên thực tế một thế lực dối lập, đại biểu cho một số đông nhân dân thầm lặng mong muốn đất nước đi vào con đường đổi mới thật sự, trong ổn định thật sự, tạo nên thế mới và lực mới trên con đường phát triển. Thế lực đối lập ấy còn tản mạn, đang tìm gọi nhau, tập họp lại, hợp tác trong và ngoài nước, được dư luận quốc tế hỗ trợ, chắc chắn sẽ có bước phát triển nhanh chóng và thuận lợi, phát huy tác dụng đối với sự chuyển biến đi lên của đất nước ta.

Thứ nhất: ngồi ỳ, thứ nhì: đồng ý. Đó là nhận xét châm biếm của một số nhà thức giả đối với giới cầm quyền bảo thủ trước giờ. Không có thực tài, họ đến được với chính quyền, liền ngồi lỳ ra đó, nằm lỳ ra đó, một bước không rời theo quan niệm làm quan suốt đời, và để ở lỳ được, cái gì họ cũng gật hết, cái gì cũng giơ tay tán thành, cũng đồng ý hết! Thế nhưng khi tình hình chuyển động, sức ỳ có nặng đến mấy cũng phải lung lay và xê dịch. Thế lực đối lập có sức mạnh của lương tri, của lẽ phải, hợp xu thế của thời đại, được giới học thức và cả xã hội biểu đồng tình thì ắt tạo nên sức mạnh để lay động và đẩy lùi lực lượng bảo thủ cản đường của đất nước. Mọi lập luận bảo thủ mang tính chất ngụy biện và áp đặt không thể đứng được lâu. Không thể đồng tình với thái độ buông xuôi, trông mong ở sự tự phát kiểu há miệng chờ sung. Không. Nhân dân ta đã mất quá nhiều thời gian rồi! Từ 1975 đến nay đã gần 20 năm. Nếu như từ hồi ấy, lãnh đạo đất nước biết chuyển thật sự sang một thời kỳ xây dựng mới, biết từ bỏ kiểu lãnh đạo trong chiến tranh mang nặng tệ duy ý chí, chủ quan, sau đó sớm biết từ bỏ chủ nghĩa Mác giáo điều thì đất nước ta đã hoàn toàn đổi khác, con đường phái triển đã mở rộng trước mắt, đâu có bế tắc, trầy trật, lạc hậu như hiện nay? Cái lỗi quả thật, cũng còn là ở những người trí thức tuy nhìn rõ tình hình mà không có dũng khí phát biểu, không biết tập họp nhau lại, tìm ra biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Bài học này thật sâu sắc, đau lòng và trở thành lời kêu gọi khẩn thiết cho mọi công dân hiểu biết hãy dấn thân cho nền dân chủ để cứu dân, cứu nước!