Bài toán của “anh Nhân”

Hồi ấy, ở Việt Bắc, các thế chính trị của “anh Nhân”, tức ông Trường Chinh, còn khá là khiêm tốn. Vai trò của Đảng còn chưa sâu, chưa rộng. Trên báo Nhân Dân, trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt nam, rất hiếm hoi khi người ta nghe đến Trường Chinh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tên công khai của đảng khi đảng đã vào hoạt động bí mật từ cuối năm 1946. Vai trò của chính phủ kháng chiến là sâu và rộng. Tổ chức của chính phủ rất gọn, nhẹ. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng phần lớn là các chuyên gia, trí thức, trong đó số còn ở ngoài đảng, có thực quyền không phải là ít. Đó là các ông Phan Anh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Tạ Quang Bửu, Trịnh Văn Bính, Lê Đình Thám, Hoàng Minh Giám, Trần Duy Hưng, Phan Kế Toại, Lê Văn Hiến, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Trần Công Tường, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di…

Sự phân biệt giữa đảng viên với người ngoài đảng còn rất nhẹ nhàng. Trên đây chỉ có ông Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa được dư luận biết là đảng viên, nhưng được chọn dùng như là trí thức, chuyên gia.

Lúc ấy ở miền Nam cũng theo tinh thần giống như ở miền Bắc. Chính quyền mới ở Nam Bộ được tuyển chọn trong những trí thức yêu nước khá xuất sắc. Đó là ông Phạm Văn Bạch, Chủ tịch ủy ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, từng đậu tiến sĩ luật học và cử nhân văn khoa ở Pháp về; bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp y khoa Paris; giáo sư toán học Phạm Thiều; giáo sư văn học Ca Văn Thỉnh; giáo sư vật lý Đặng Minh Trứ được đào tạo ở Pháp; kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; nhà luật học Trần Công Tường; kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhật và kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích tốt nghiệp trường bách khoa Paris; kỹ sư công nghiệp Kha Vạng Cân; nhà luật học Phạm Ngọc Thuần (anh ruột của đại tá Phạm Ngọc Thảo); luật sư Thái Văn Lung… Ông Phan Văn Chương, đốc phủ sứ Sài Gòn nổi tiếng về am hiểu luật pháp và thanh liêm cũng tham gia chánh quyền mới. Trần Văn Giàu, một trí thức từng học và hoạt động ở Pháp, cũng từng là bạn học của Maurice Thorez (Pháp) và Broj Ti-to (Nam Tư) ở trường đào tạo cán bộ của Đệ Tam Quốc Tế ở Moscou, bị coi là “Việt Minh mới” và bị cánh “Việt Minh cũ của đảng cộng sản Đông Dương dèm pha và hạ thấp do tư tưởng bè phái và thành kiến. Họ chê trách Trần Văn Giàu đủ thứ: từ thành phần xuất thân địa chủ, không quan tâm đến số cán bộ cộng sản bị tù ở Côn Đảo để đưa về đất liền sớm, quá thân thiết với tướng Nguyễn Bình (nguyên là đảng viên Quốc Dân Đảng chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương). Ông Giàu còn bị lên án là có xu hướng thân Nhật khi chủ trương lập Thanh yên Tấn Phong (do ông Phạm Ngọc Thạch làm thủ lãnh chung và luật sư Thái Văn Lung là thủ lãnh ở Sài gòn-Gia Định). Ông không bị tù, từ nước ngoài về nên lẽ tất nhiên là bị những người cộng sản chuyên nghiệp ở trong nước dè chừng và không tín nhiệm…

Khi Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc Nam tiến với thế chẻ tre, hai nước cộng sản sắp lập được thế liên hoàn một giải, ai nấy đều phấn khởi. Người phấn chấn hơn cả, chắc hẳn là “anh Nhân”. Ai đã tiếp thu tư tưởng Mao sớm nhất, sâu nhất, rõ ràng nhất? Ai cũng biết ông Trường Chinh, mang bí danh “anh Nhân” hoặc anh “Thận” là người đọc kỹ Trì Cửu Chiến, Tân Dân Chủ Luận, hai tác phẩm vào loại kinh điển chủ nghĩa Mao, và viết ra cuốn Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi và Bàn về Dân Chủ Mới… Việt hóa cả nội dung và hình thức tư tưởng của Mao. Việc cóp-pi này quá là lộ liễu. Cứ theo y như Tàu, chia cuộc kháng chiến ra làm 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công. Về sau, không thể định rõ nổi là, ở Việt Nam, giai đoạn cầm cự bắt đầu từ bao giờ và từ thời gian nào thì sang giai đoạn tổng phản công? Cũng cần chỉ rõ cái tên Trường Chinh tất đã làm cho ông Mao và cận thần của ông ta gật gù khoái chí, vì cuộc vạn lý Trường Chinh là đặc sản Trung Hoa, là kỳ công của Đảng cộng sản Trung Quốc rút lui từ vùng Trung Nguyên lên phía Tây Bắc để bảo toàn lực lượng. Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương mang tên rất là “cộng sản Trung Quốc”, còn gì hơn nữa!

Cùng phấn chấn đặc biệt với ông Trường Chinh để đón chào “đảng cộng sản Trung Quốc vĩ đại” là các ông Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu… những cán bộ đảng chuyên nghiệp kỳ cựu, trưởng thành từ các nhà tù đế quốc, không được học tập văn hóa có hệ thống, không có một nghề chuyên môn nào ngoài cái nghề làm cách mạng. Cùng loại với số người trên là ông Lê Thanh Nghị ở Liên khu Ba, ông Hoàng Văn Hoan ở Liên khu Bốn, ông Nguyễn Duy Trinh ở Liên khu Nam, ông Lê Đức Thọ ở Nam bộ, ông Trần Quốc Hoàn ở vùng quanh thủ đô Hà nội, ông Đỗ Mười ở vùng đường số 5, ông Phạm Hùng ở Nam Bộ. Họ là những đại diện cho Trung ương ở các địa phương, làm công tác đảng chuyên nghiệp, không có nghề chuyên môn, cũng chỉ có nghề duy nhất là làm chính trị. Họ nhìn những người trí thức thật bằng những con mắt định kiến cố hữu của những người cách mạng vô sản chuyên nghiệp, nghĩa là theo con mắt của Mao. Trí thức đồng nghĩa với lập trường tiểu tư sản hoặc tư sản, đồng nghĩa với không vững vàng, hay giao động, họ luôn phải cải tạo, rèn luyện theo gương sáng của người cộng sản, nếu không, hiểu biết của họ không có giá trị bằng – xin lỗi các bạn, đây chính là chữ của Mao – cục phân? Vì phân còn có thể có ích bón ruộng, chứ trí thức dở hơi của các người thì chỉ có hại.

Do định kiến với giới trí thức, họ định kiến luôn đối với cả tri thức của nhân loại, khinh thị tri thức khoa học tự nhiên, tri thức kỹ thuật. Cái gốc của căn bệnh chủ quan, duy ý chí, coi chính trị là thống soái, chính trị quyết định tất cả, cứ đảng muốn làm mọi chuyện đều thành… bắt nguồn từ thái độ cơ bản ấy của những người hoạt động cách mạng vô sản chuyên nghiệp vốn không có học vấn có hệ thống.

Ông Nguyễn Khắc Viện có lần than vãn và nhận định: nền chuyên chính vô sản không đáng sợ bằng nền chuyên chính.. vô học, của những người vô học, khinh thường trí thức. Cũng cần nói thêm chính do không có học vấn thật sự nên họ áp dụng chuyên chính vô sản một cách máy móc và tác hại, đến độ Mác và Engels có sống lại cũng chỉ còn biết kêu trời một cách kinh hoàng? Có thể nói nhóm người sùng bái Mao Trạch Đông, làm cách mạng vô sản chuyên nghiệp đã tận lực vươn dậy “giành chính quyền” theo kiểu cách của họ, thông qua cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” và nhất là thông qua cuộc chỉnh đốn tổ chức tiếp theo đó. Họ có thế mạnh của cách mạng Trung Quốc đang toàn thắng, của đội ngũ cốvấn trung Quốc ào ạt xông sang, được họ sùng bái như những phái viên đặc biệt của Mao chủ tịch. Họ sớm nhận ra thời cơ thuận lợi. Sự chần chừ, không mặn mà của ông Hồ Chí Minh đối với cải cách ruộng đất không cản bước được họ. Họ thắng thế khi ở Đại Hội Đảng lần thứ 2, họ đưa được tư tưởng Mao vào điều lệ của Đảng, chính thức hóa, hợp pháp hóa lập trường của họ. Họ thực hiện một kiểu mi-ni “tạo phản” theo lời dạy của Mao, người mà họ bắt đầu coi cao hơn ông Hồ, có thế lực mạnh hơn ông Hồ, vì chính ông Hồ cũng ngợi ca hết lời Mao. Ở Đại hội đảng lần thứ 2, họ còn giành được thắng lợi lớn về tổ chức: Trung ương đảng và Bộ chính trị được bầu ở đại hội gồm phần lớn những nhà hoạt động cách mạng vô sản chuyên nghiệp, những đồ đệ trung thành tự nguyện của ông Mao.

Một bước ngoặt diễn ra mà ít ai nhận thấy rõ. Mao từng nói giành chính quyền là điều cơ bản nhất. Giai cấp nào, đảng nào, cho đến phe phái nào giành được chính quyền thì giai cấp ấy, đảng phái ấy, phe phái ấy sẽ có tất cả: quyền lực, quyền uy, chi phối tương lai, nắm hưởng đặc quyền, đặc lợi. ý đồ sâu xa của “anh Nhân” và những nhà cách mạng vô sản chuyên nghiệp được thực hiện: Các nhà trí thức kỹ thuật tham gia chính quyền, trong chính phủ kháng chiến và trong bộ máy từ trên xuống dưới bị thải loại dần, bị vô hiệu hóa, bị hạ xuống vai trò tượng trưng và trang trí. Những thực quyền họ từng sử đụng tuột dần khỏi họ. Các cuộc chỉnh huấn trong Cải cách ruộng đất đã bôi nhọ mặt mũi họ, xỉ vả, miệt thị họ, làm chính họ cũng mất hết tự tin, bị mặc cảm nặng nề về tội lỗi là đã do nền giáo dục đế quốc nhồi sọ… nhường chỗ cho những cán bộ xuất thân từ công nông, với đường lối tổ chức lấy công nông làm cốt cán. Bị thải loại khỏi quyền lực, họ rời chính quyền để nhận việc ở Đảng Dân Chủ, ở Đảng Xã Hội, hai đảng được “nói” là bình đẳng với Đảng Lao Động Việt nam trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt nam, nhưng trên thực tế chỉ là một tổ chức quần chúng loại hai của đảng. Nếu họ còn ở một vị trí chính quyền nào đó, dù là Bộ trưởng thì thực quyền cũng tuột khỏi tay họ, họ phải “hỏi”-thực tế là “xin” ý kiến của một vị Thứ trưởng là ủy viên trung ương đảng, là Bí thư đảng đoàn hoặc Bí thư đảng ủy, từ những chủ trương lớn cho đến những việc nhỏ nhất? Tình hình sau Cải cách ruộng đất là thế. Điều tệ hại này chưa bao giờ được công nhận là sai lầm để sửa chữa.

Bi kịch, nỗi đau của các ông Hoàng Minh Giám Bộ trưởng Văn hóa, Nghiêm Xuân Yêm Bộ trưởng Nông nghiệp, Nguyễn Vãn Huyên Bộ trưởng Giáo đục, Đặng Phúc Thông Bộ trưởng Giao Thông, Vũ Đình Tụng Bộ trưởng Y tế, Trần Đăng Khoa Bộ trưởng Thủy lợi, Phan Anh Bộ trưởng Ngoại thương, Tạ Quang Bửu Bộ trưởng Đại học, Phan Kế Toại Bộ trưởng Nội vụ không phải là bi kịch cá nhân. Không! Nó lớn hơn nhiều. Đó là bi kịch của cả một chế độ, một đất nước mất hết cái hồn dân tộc của chính mình; một đất nước buộc phải đặt cược tương lai ở những con người Tây, Tàu nào đó, các cụ râu ria nào đó, từ Mác, Engels đến Stalin, Mao Trạch Đông, trong tay những nhà cách mạng chuyên nghiệp miệt thị trí thức, thành quả trí tuệ của loài người. Không có ánh sáng quý báu nhất ấy, đất nước vẫn hành quân hoài trong tăm tối… và nhân dân thân yêu của chúng ta phải trả giá, phải hứng chịu tất cả.

Có thể nói đất nước một thời gian dài vừa qua nổi lên là anh hùng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, mặt khác lại bị nghiền nát bởi một nền chuyên chính vô sản theo kiểu Stalin và Mao Trạch Đông, một nền chuyên chính nếu không phải là “vô học” như ông Nguyễn Khắc Viện đặt ra một cách hóm hỉnh thì cũng là một nền chuyên chính rất thiếu học thức và văn hóa, một chính quyền mà những nhà trí thức chân chính – tài giỏi chẳng kém gì đồng nghiệp ở các nước láng giềng – chỉ ở vị trí chầu rìa, những kẻ sỹ lỡ làng, ôm hận cho mình, cho giới mình và cho đất nước bất hạnh của mình.