Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh có máu làm quan, chỉ cố chí leo lên cho được một cái ghế lãnh đạo thật cao. Hắn tin ở tướng số, ở tử vi. Đi đâu cũng xem giờ xuát hành và thắp hương khấn vái.

Một hôm, Trung Đức, nhà ở Tràng Tiền, mời Thỉnh và tôi đến nhậu. Hữu Thỉnh tự khoe tướng của mình rất tốt: “Em lông mày lưỡi mác, em còn lên” – Thỉnh vừa nói vừa chọc chọc ngón tay lên cao. Lúc ấy Thỉnh mới là uỷ viên chấp hành Hội nhà văn. Thỉnh xoay ra xem tướng tôi: “Anh cái nốt ruồi bên trái mũi. Nếu vào giữa sống mũi thì anh đi rồi. Nếu đầu mũi, anh đi ăn mày!” Thỉnh nói dứt khoát như thế.

Năm 1983, tôi và Thỉnh từ Hà Nội đi Hải Phòng dự cuộc hội thảo về Nguyên Hồng, nhân ngày giỗ của ông (Nguyên Hồng vốn là chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng). Đi đến chân cầu Phú Lương, Thỉnh cho đỗ xe, xuống thắp hương cho vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ một cách rất thành kính. Thắp hương hai chỗ: chỗ bị tai nạn và chỗ quàn tạm thi thể hai vợ chồng.

Từ ngày ấy, không biết có phải nhờ trời phật phù hộ không mà Thỉnh cứ lên vùn vụt. Từ uỷ viên chấp hành lên Tổng thư kí. Xuýt nữa vào nhà đỏ. Thực ra mẹo của Thỉnh là lấy lòng cả làng, nịnh tuốt. Đối với người già, Thỉnh tổ chức chúc thọ đầu năm, lập Hội nhà văn cao tuổi. Đối với bọn làm thơ đang chẳng có ai thèm đọc, hắn tổ chức Hội thơ xuân. Thỉnh đúng là một “Thiên tài hiếu hỷ” – Nguyễn Huy Thiệp nói đúng. Ai có cha già mẹ héo, ai ốm đau hay gặp tai nạn gì, Thỉnh đến ngay và có phong bì. Vừa rồi, họp đại hội nhà văn lần thứ 7, tôi bị ngã. Hôm sau Thỉnh đã đến thăm rồi.

Thỉnh có cách phát biểu ca ngợi người khác rất tâm huyết. Được khen một cách đầy tâm huyết, ai chả thích!

Nhớ một lần gặp tôi ở khách sạn nổi Hồ Tây – hôm ấy Hội Nhà văn có liên hoan gì đó. Thỉnh ôm lấy tôi, nói lớn: “Nhà phê bình nghệ sĩ!”. Những lời lẽ tâm huyết như thế, chắc Thỉnh ban phát cho nhiều người.

Từ Đại hội nhà văn lần thứ III, Thỉnh là uỷ viên cháp hành phụ trách công tác nhà văn trẻ. Anh thường mời tôi cùng đi bồi dưỡng những cây bút trẻ ở các nơi. Tôi để ý thấy Thỉnh rất chú ý mời các vị đàn anh trong đoàn lên tiếp các quan chức cấp tỉnh, còn mình thì giữ phận đàn em, rất khiêm tốn.

Một lần, tại Mộc Châu, tôi ở cùng phòng với Thỉnh. Có một cây bút trẻ đến đọc thơ cho Thỉnh nghe. Hai tay ngồi trên cái giường một, còn tôi ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì Thỉnh vỗ đùi nói lớn: “Tuyệt!”. Đối với một cây bút cấp tỉnh, cấp huyện, được một nhà thơ trung ương, uỷ viên chấp hành Hội, khen thơ mình như thế thì sướng quá rồi còn gì!

Ở Vĩnh Phúc, có anh giáo viên dạy chuyên văn tên là Khoái biết Thỉnh. Anh nói với tôi, Thỉnh nịnh cả vợ nhà văn địa phương. Đến thăm một nhà văn ở Vĩnh Yên, gặp vợ anh này, tự nhiên Thỉnh kêu to: “Ôi, Xuân Quỳnh!” – Chị này chẳng hiểu gì cả. Hoá ra Thỉnh khen chị ta xinh đẹp như Xuân Quỳnh.

Thỉnh thoảng Thỉnh lại điện cho những cây bút địa phương gửi bài đến để anh đăng trên báo trung ương. Đối với các cây bút tỉnh lẻ, được đăng bài trên báo trung ương là danh giá lắm!.

Nhưng có điều này thì Thỉnh lại cứng rắn hơn ai hết, nguyên tắc hơn ai hết: đừng đụng đến cái ghế của anh ta, đừng cản trở con đường thăng quan tiến chức của anh ta. Về mặt này Thỉnh sẵn sàng đổi trắng thay đen, trở mặt như bàn tay, thậm chí sẵn sàng làm những điều bậy bạ, vô nguyên tắc, sẵn sàng vất vỏ chân lý, đạo lý.

Trên kia tôi đã nói đến chuyến đi Hải Phòng với Thỉnh dự cuộc hội thảo về Nguyên Hồng. Lúc ấy Nguyên Ngọc bắt đầu bị cấp trên để ý. Lãnh đạo tỏ ra khó chịu về cái vai tổng biên tập báo Văn nghệ khá bất trị của anh, và muốn tìm người thay. Một trong những người được các vị nhắm tới là Hữu Thỉnh. Hôm ấy, cùng Thỉnh đi dạo trên hè phố Hải Phòng, Thỉnh nói với tôi dứt khoát: “Em với anh Nguyên Ngọc, đời nào em lại muối mặt ngồi vào chỗ anh ấy”. Vậy mà chỉ ít ngày sau, đã thấy Thỉnh nhận chức Tổng biên tập Văn nghệ. Con người này, đúng là không thể tin cậy được.

Thỉnh ngang nhiên bợ đỡ Mai Quốc Liên và Trần Mạnh Hảo, vì biết cấp trên đang tin dùng hai tay này. Mặt khác đó là những kẻ rất hung hăng và to mồm, biết cách nịnh trên nạt dưới, rất có thể gây khó dễ cho Thỉnh. Thỉnh còn cho Văn nghệ trẻ đăng nhiều bài rất nhảm nhí của Hoàng Xuân Tuyền, vu cáo những người biên soạn sách giáo khoa, vì thấy xu thế đánh vào ngành giáo dục đang được trên khuyến khích. Nhớ hồi Bộ giáo dục chủ trương biên soạn hai bộ sách giáo khoa môn văn PTHT (sách cải cách giáo dục) và bị lãnh đạo cho là có vấn đề. Chính Thỉnh, trong quốc hội, đã gào lên như là phẫn nộ lắm: “Một nước thống nhất, sao lại hai bộ sách giáo khoa?” – ý nói có một âm mưu chính trị muốn chia rẽ đất nước. Không biết Thỉnh có tìm hiểu gì không, nhưng điều chắc chắn là hắn thấy chiều hướng quốc hội (tất nhiên cũng là chiều hướng của Đảng) như thế, nên tập tức tỏ thái độ hưởng ứng kịp thời.

Thỉnh ra sức che chắn cho Trương Vĩnh Tuấn (phụ trách Văn nghệ trẻ) vì Tuấn rất cần cho Thỉnh, tuy Tuấn là thằng cha láo lếu, mất dạy (hình như thằng cha này xoay tiền rất giỏi). Hắn phát biểu như một thằng điên khùng: “Tôi căm thù những người viết sách giáo khoa” – Hắn nói thẳng với cô Hoàng Hoà Bình như thế, khi Bình đề nghị hắn giải thích về những bài xuyên tạc sách giáo khoa trên Văn nghệ trẻ. Những chuyện như thế nếu có ai gặp Thỉnh trực tiếp phê phán thì Thỉnh lại tìm cách xuê xoa, nói là đi vắng, không biết, và hứa sẽ “xử lý”.

Thỉnh kết nạp hội viên hay tổ chức giải thưởng hàng năm của Hội cũng rất bừa bãi, cốt củng cố cho chắc cái ghế của mình. Thỉnh bầy ra cái trò bầu đi bầu lại giải thưởng Hồ Chí Minh một cách vô lối cho Hồ Phương và Hà Minh Đức. Tuy thừa biết Hồ Phương và Hà Minh Đức viết lách như thế nào, nhưng mặc, Thỉnh cứ tổ chức bầu đi bầu lại, cốt tỏ ra quan tâm tới quyền lợi của anh em. Nịnh trên, nịnh dưới – thực chất là lừa dối anh em bằng những lời đường mật, đó là đường lối chiến lược cơ bản của Thỉnh.

Nhưng xem chừng con đường hoan lộ của Thỉnh cũng chỉ đến thế thôi, tuy Thỉnh đã phải trả giá bằng biết bao công sức và mồ hôi của tâm não, cũng như… biết bao hương khói khấn vái Trời, đất, thần, Phật…

Cách đây dễ đến sáu, bẩy năm, trong một cuộc họp có mặt Thỉnh, Đỗ Chu nhìn tướng Thỉnh, nói với tôi: “Thỉnh trán hóp dần lên trên, không lên được nữa đâu!”. Không biết Thỉnh có thấy tướng mình như thế không?

***

Tôi viết xong bài về Hữu Thỉnh được ít lâu thì Nguyễn Văn Hạnh ở Sài Gòn ra đến chơi. Hạnh nói cũng vừa gặp Thỉnh. Anh hoàn toàn tán thành những nhận xét của tôi về Thỉnh, đặc biệt là những thủ đoạn lấy lòng tất cả mọi người và thói hứa hão, hứa đầu lưỡi, sau đó quên ngay.

Nhưng Hạnh có nói điều này khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Có lẽ những nhận xét của mình về Thỉnh có phần thiếu công bằng chăng?

So sánh Thỉnh với những ông Tổng thư ký tiền nhiệm xem., người ta dễ có ấn tượng Thỉnh thua kém, rất thua kém. Nhưng thử nghĩ mà xem, các ông Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm có gì hơn Thỉnh nào? Các vị đã làm được gì có ích cho đồng nghiệp của mình? Đã làm được gì để bảo vệ anh em những lúc bị quy chụp chính trị bừa bãi, thậm chí bị tù oan? Đã làm gì để giúp Hữu Loan trong những ngày khốn khổ ở Thanh Hoá? Đã làm gì để bênh vực Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán, Lê Đạt… trong vụ Nhân văn – Giai phẩm? Đã làm gì để cứu Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo, Trần Dần, Hoàng Cầm, và sau này Dương Thu Hương khỏi đi tù? Đã làm gì để giúp đỡ gia đình Nguyên Hồng trong những ngày đói khát ở Nhã Nam? Đã làm gì để bảo vệ danh dự cho Trần Độ, đến lúc chết vẫn còn bị vu cáo?…v.v…

Té ra tất cả, từ Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm đến Hữu Thỉnh đều là một lũ bù nhìn, đều vô tích sự như nhau cả thôi.

Nhưng riêng Hữu Thỉnh thì có điều này cũng nên tính công cho hắn chứ: Thỉnh quả có cố gắng tạo cơ sở vật chất cho Hội. Như gần đây hắn đổ khá nhiều tâm huyết vào việc xây dựng trụ sở mới, trại sáng tác mới của Hội và Bảo tàng nhà văn ở Quảng Bá. Tôi vừa lên xem, rất hoành tráng.

Các vị Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã làm được gì tương tự như thế chưa?

Vậy thì nếu so sánh, ai hơn ai?

Láng Hạ 10. 4. 2008