Nghi lễ một lời gấp sách

“NGÀN NĂM MÂY TRẮNG MÃI RONG BAY” (Bạch vân thiên tải không du du.)

Quanh Hồ Gươm có hơn 90 loại cây. Người Pháp đã dựng một sưu tập thực vật quý quanh vùng nước này. Tiếc không có biển đề tên từng loại. Trên rẻo đất trồi ra hồ, ở trước tòa Đốc lý cũ, có cây lộc vừng và từ đấy đến vùng vông hông Tháp Bút (mùa đông hàng chục cây vông rụng hết lá trông giống như quần thể điêu khắc Calder đổ bằng bê tông miêu tả các dạng tâm thế quằn quại đóng băng của bão) là mấy cây muồng hoa đào. Hoa lộc vừng đền miếu thâm u bao nhiêu, muồng hoa đào đài các, lộng lẫy bấy nhiêu. Tại rìa vuờn hoa Con Cóc, trông sang đầu hồi khách sạn Métropole, nơi trước kia là dẫy bếp lò cao chiều chiều thả mùi thịt, mùi bơ thơm lừng sang vườn hoa, các cụ hưu trí ngồi vườn hoa thường đùa là vừa đuợc Ban tổ chức trung ương cấp tem phiếu cho đặc cách đến hóng mùi bồi duỡng miễn phí từ xa (xa là vì phải giữ thể diện quốc gia), cũng có một cây muồng hoa đào, thân uốn vặn một thế đứng của vũ nữ Ấn Độ. Mỗi khi tán lá nó ngả xòa ra gánh trọng lượng con lũ hoa ào ào trổ rộ, tôi lại ngỡ trông thấy một sườn Phú Sĩ ngập cánh anh đào. Hay gò má geisha tranh cổ Nhật. Sau cơn bão số mấy một năm quá mắn bão, nó đổ. Cùng cây lá trắng trước trụ sở tù mù mang tên Đoàn Kết nhiều phần là của Đảng dân chủ. Màu hoa – là – lá này ngỡ đâu như mẫu mã prototype, – đơn bản vị của sắc tuyết. Hai cây muồng hoa đào và lá trắng luôn khiến tôi nghĩ tới bàn phấn mỹ nhân.

Một chiều tôi bắt gặp một sự kiện chắc một đời chỉ thấy một lần: cả một mùa hoa lộc vừng cùng lúc rủ nhau lìa đời, trút thả hơi thở mênh mang xuống trạt kín lấy một vạt hồ rộng. Những cánh hoa lộc vừng dập dờn, khe khẽ chao sóng nom ngỡ một rừng bướm xuân mê mải động tình. Thèm vớt được tấm thảm ren xao động này làm mảng trời riêng. Rồi lại thèm có cung sinh tử của loài hoa vượt chuẩn vương giả này. Ở nó, chết là sống tiếp một lần sống huy hoàng nữa. Rời bỏ chiều cao, cái sống này khoe lộ hết mình trên pha lê nước, đốt cháy đến quang tử cuối cùng, phô tông cuối cùng, nộp hết lửa vào lễ hội, giữ nguyên vẹn cho đến giây phút cuối cùng cái đẹp phơi phới nguyên bản. Tôi đã có diễm phúc ngắm mãi một nghiệp sống xú ve (sous – verre, dưới kính – BT), dan díu, bồng bềnh, nghiệp sống – tầng – phóng – thứ – hai mang chứa phần hồn, kiếp sống tác phẩm…

Hồ chiều như một sàn diễn vũ trụ. Tôi lại đuợc chiêm ngưỡng ngay sau đó tiền sử ra đời! Một con rùa đang nhích dần ra khỏi mặt hồ, leo thận trọng lên đảo tháp. Trước mắt tôi, Hồ Gươm bỗng êm ả, bỗng bát ngát mở ra cửa mình đàn bà. Mặt nước gợn trau là màng ối đang đau đáu, khoan thai tự xé bóc cho khởi nguyên mốc thếch, sợ sệt, lặng lẽ trình diện. Hai màu phẩm nhuộm hàng xén chợ quê (bạc hà và hồng hoàng của rượu chanh, rượu cam quốc doanh) rót loè loẹt từ biển hiệu Thủy tạ xuống mảng hè đầy que kem, tàn tích xa hoa một chiều chủ nhật người xương xẩu chen nhau đi để nhìn người gầy guộc. Nay vắng ngắt. Kéo lê thúng lom khom mót que kem để bán lại, những đứa trẻ chợt nom rỗng xẹp, nhẹ bỗng, như bằng cặn nê – ông gồm các xác thiêu thân nát vụn anh ánh phấn ngân nhũ.

Bên kia, từ trong ngõ tối và khai sặc sụa, hai người đàn bà trẻ rời nhà vệ sinh không đèn đóm thong thả qua đường. Vai tựa vai, họ như đặt ướm từng bước. Hai áo len đan, đỏ cà chua, những hình hoa hình trám giống những miếng cà rốt tỉa làm dưa góp đính lỏng lẻo vào nhau, hai quần phăng ống túm màu mastic, hai đôi guốc Sài Gòn bạc xám hoa lau, gót dẹt dài tựa một mỏ chim hạc – nhác thấy nét viền đen men theo rìa mỏ hay một mí mắt, còn thân guốc thì là cổ hạc khoan xuyên vào gió. Hai vùng mông tròn lẳn như hai đôi mặt âu yếm gù nhau. Thoáng một lằn âm điện ở cương vực thâm nghiêm của vương quốc sinh nở.

Ở đất nước này chỉ còn thiên nhiên và đàn bà tràn trề nghĩa! Miên man phát nghĩa.

Mới hôm qua, trên khúc rẽ đền bà Kiệu ra Cột đồng hồ, một xe máy chở một thiếu phụ lướt êm như trôi đi. Thường đầy ắp người và xe đạp để vón lại thành một dòng rác rến lừ đừ đặc sệt, lúc này con đường bỗng quang quẻ, bừng sáng, như dạo khúc tiền tấu dồn lối cho đại điển lễ mở màn. Người thiếu phụ khoan thai ngứa cổ lên dâng mặt cho lưỡi dao bén ngọt của gió. Gió liền tíu tít ập đến và những phôi cẩm thạch liền vun vút bay ra và các biến tấu của vũ khúc tóc liền cuồng vui vờn ôm lấy tòa nhan sắc mà con tạo đang đích thân chế tác từng chi tiết để đặt ra chuẩn đẹp của giống người. Người thiếu phụ quay lại: bức điêu khắc về sắc bất ba đào dị nịch nhân hiện ra toàn vẹn ở trước mắt tôi. Còn tôi, tượng kẻ mất hồn.

Ôi, Hà Nội quá nhiều Bích Câu. Chỉ thiếu kỳ ngộ nên đành hóa tượng.

Tối ấy, trước khi về nhà, tôi tạt qua chuồng công. Hay nhà nguyện của tôi. Ở đầu cành cây làm chỗ công đậu, thù lù một khối đen đúa. Một người ăn mày nào mới đem vật bất ly thân, cái bị rách của ông quàng vào đó.

Tôi bỗng thèm một bị ăn mày. Đựng cái đời tôi chiêu như thanh ti mà mộ đà như tuyết, cái đời đã nộp hết tô sống rẽ. Quyển sách này là cái bị ăn mày ấy? Thà thế! Còn hơn cái bọc da thối tha Trần Thái Tông khuyên từ bỏ trong Khóa hư lục.

Tôi rất yêu hai câu thơ của Ferdinand Pessoa:

Tất cả những gì tôi có là những gì tôi cảmĐẹp là bóng của các vì Thượng đế!

Nghĩ cái bị ăn mày là đời mình, chợt thấp thoáng thấy bóng các vị Thượng đế.

Xin thông cảm

Gồm nhiều chuyện, thường là kinh lịch của bản thân tôi, kể cả những điều tôi đọc, sách này được viết từ những năm 90 thế kỷ trước nhưng vì lý do khách quan tôi không thể cho ra mắt sớm do đó chắc chắn khó tránh khỏi những bất cập về diễn biến cùng ý nghĩa của những vấn đề tôi nhắc đến mà không thể bổ sung cập nhật — đòi hỏi này e có phần duy ý chí? Vả chăng không nhằm nghiên cứu — việc này hoàn toàn vượt quá bản lĩnh cùng mục đích viết văn học chủ yếu dựa vào cảm quan cá nhân của mình tôi — tôi không thể tra cứu rộng khắp và đầy đủ các sự kiện nói đến trong sách. Vậy xin bạn đọc thứ lỗi nếu có những thiếu sót ở bình diện thông tin vốn vượt khỏi tầm với tri thức chim cánh cụt cũn cỡn của tôi nhưng ở phía bạn đọc có mắt thiên lý vọng thì lại vô cùng cánh đại bằng quẩy gió đại ngàn.

Xin cảm ơn.
TRẦN ÐĨNH