Chương 51

Tôi muốn mời một người bạn một đời chiến trận có mặt ở đây. Chiến tranh miết ba chục năm, chả lẽ tiếng nói khá mạnh bạo và thẳng thắn của một người lính thực thụ lại không có được một chương trong cuốn sách này sao?

Người bạn đó là thượng tướng Vũ Lăng. Anh đã xuất hiện sớm từ đầu quyển sách này – anh bảo lúc sắp công đồn sợ có khi vãi đái ra và tôi mong cái sợ của con người ta không thuỷ phân hoá mà hoá ra thành sẹo sù sì đầy mặt thì có lẽ sẽ không có chiến tranh: Chả ai nói phét được về lòng dũng cảm của mình để dụ quần chúng cầm súng đi theo nữa.

Vũ Lăng và tôi quan hệ với nhau ở nhiều mặt. Ngoài việc tôi hay đi với lính tráng đánh nhau, còn có việc Trung đoàn Thù đô mà anh lúc ấy làm trung đoàn phó, là Con Nuôi của báo Sự ThậtHội nghiên cứu chủ nghĩa Mác; rồi Vũ Lăng lại anh em cọc chèo với Trần Châu, anh tôi cho nên hai chúng tôi càng dễ gần nhau hơn. Anh rể họ tôi, Lê Khôi tức Bình đã chốt đến cùng ở Bắc Bộ Phủ những ngày cuối tháng 12-1946 cho đến khi quân Pháp tràn vào mới rút ra. về đến mạn Hàng Dầu thì gặp Vũ Lăng ở Liên Khu I toan vào ứng cứu. Không gặp Bình có khi Vũ Lăng gay go nếu cứ thế kéo đến Bắc Bộ Phủ đã đầy lính Pháp.

Tôi muốn được nói ngược thời gian, tức là nói hết đoạn cuối đời của Vũ Lăng trước.

Một sáng khoáng giữa 1990, Vũ Lăng mời Hoàng Thế Dũng và tôi đến ăn trưa ở nhà anh tại Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Hoàng Thế Dũng từ 1947 đã là cựu chính uỷ của Trung đoàn Thủ Đô từng cùng với Vũ Lăng xông pha bao phen trận mạc, thắng có bại có bên nhau. Chính bữa sáng hôm ấy, Vũ Lăng nhắc lại một chuyện chả biết nên cười hay nên mếu của Trung đoàn Thủ Đô.

Sắp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và 2-9 khoảng 1948, trung đoàn thình lình được lệnh phải đánh một trận kỷ niệm hai ngày lễ lớn. Chả kịp chuẩn bị, trang đoàn chọn đánh bốt Pheo trên đường số 6 lên Hoà Bình. Thế là đánh văng tê. Đánh cả đêm, thương vong nhiều, cả ba tiểu đoàn trưởng đều hoặc chết hoặc bị thương. Cuối cùng hối hả rút. Trời đã sáng, xa xa tiếng xe tăng Pháp rì rì liến đến và máy bay “bà già” (máy bay trinh sát L-19 – BT) bắt đầu è. “Cậu nhớ không, Dũng? Cả trung đoàn cứ thế bỏ đường cái nhào vội xuống khe vực lòng suối. Bây giờ trong sử trung đoàn khéo mà lại có những trang ca ngợi chiến thắng ấy đấy. Đã lâu lắm rồi, Trần Đĩnh có nói một câu mình còn nhớ: Trâu bò ăn cỏ ra đạm, chúng ta hơn trâu bò vì ăn không nói có mà lại làm nảy ra được sức mạnh cách mạng phi thường.

Bữa ấy, sau đó, Vũ Lăng than chán lắm, muốn về hưu. Anh và Nguyên Hữu An, hai danh tướng đều “bị” về dạy học. Vũ Lăng ớn là chặng đường vừa mới xong, người ta vứt các anh liền, thay bằng những tướng tá mới. Sao ư? Người ta cần đưa lên đám mới “ít biết tổ chấy của người ta” và cũng dễ thu phục hơn để bảo vệ cho người ta dễ ăn không nói có.

Hồi chuẩn bị Đại hội 6 (1986), ở Đại hội đảng toàn quân Vũ Lăng đã phơi bày “ruột gan” – tức là lộ trận địa, tức là thân Giáp, trong một bài tham luận khá bộc trực. Anh càng cần bị gạt đi.

Tôi bảo Vũ Lăng: “Không hưu gì hết. Đất nước còn cân đến võ tướng như anh, như Nguyễn Hữu An… Nói như vậy, tôi nghĩ đến năm 1979. Chúng ta chỉ chú ý trước mặt, không nhìn đến “đại hậu phương” và đã bị nó nện cho một quả đó. Thôi, ông hãy về Đà Lạt chọn hai cậu thiếu uý, trung uý mới tốt nghiệp, kể cho họ các cái ông đã nói với tôi rồi tự tôi hay tôi nhờ một nhà văn khác – (tôi đã nghĩ đến Nguyễn Khải) viết lại thành hồi ký văn học cho ông”.

Chưa làm thì chết. Những ngày nằm chữa ung thư ở bệnh viện 108, Vũ Lăng rất vui mỗi khi Hoàng Thế Dũng và tôi đến thăm. Những ngày ấy tôi chợt nhận thấy mặt Vũ Lăng rất giống diễn viên điện ảnh Harrison Ford và tôi vơ vẩn ngỡ đâu như tôi có buôn thêm lên vì lẽ đó. Bây giờ anh đã thành người thiên cổ. Đến thắp hương vĩnh biệt Vũ Lăng, tôi viết vào số tang – thay mặt cả Trần Châu và Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Thế Dũng, toàn tội đồ của đảng – là tiếc anh không lưu lại được nhiều điều thiết yếu cho ký ức chung của đất nước.

Đầu 2000, vợ anh, Hoàng Việt Hoa bảo tôi cô sắp ra một quyển bạn bè nhớ về Vũ Lăng, cô mời tôi góp phần. Tôi cảm ơn nói: Tôi không thể, vì nếu viết thì tôi sẽ viết những sự thật của Vũ Lăng mà đảng không thích.

Năm 2005, Hoàng Việt Hoa tặng tôi quyển Thượng ttrớng Vũ Lăng – Từ một quyết tử quân vừa xuất bản. Tô cảm động thấy Hoa đã đưa mấy lời tôi ghi sổ tang vào quyển sách, thấy như qua đó tôi đã trò chuyện với Vũ Lăng.

Đúng là Vũ Lăng đã nói với tôi những điều không thể hồi ký theo kiểu đảng ta lãnh đạo tuyệt vời.

Kiểu ăn không nói có.

Dưới đây tóm tắt những chuyện Vũ Lăng đã nói với tôi trong nhiều dịp.

Ngày 5-7-1967, Nguyễn Chí Thanh đột quị. Ngày 28 bắt bốn “xét lại” đầu tiên. Không bắt ngay tắp lự thì Bắc Kinh lại hậm họe: Tại sao đại diện của phái tả chết mà đại diện của phái hữu vẫn nguyên? Tháng 9, tướng Giáp “đột bệnh” phải đi “đột dưỡng bệnh” tại Hungaria. Cả Cụ Hồ. Rồi bắt “xét lại” đợt hai. Rồi đợt ba.

“Hôm trước, Vũ Lăng nói, giao ban ở Bộ Tổng mình còn gặp Lê Trọng Nghĩa, hôm sau đến thì nghe nó bị bắt! Mình đã chợn. Là favori, – cưng của tướng Giáp khéo mình cũng “bị sờ gáy mất”.

Nhưng Văn Tiến Dũng vừa thay Giáp đã gọi Vũ Lăng đến giao cho một việc mà Dũng ra lệnh hẳn hoi là “chỉ ba người, anh Duẩn, tôi và anh biết. Không ai được phép hỏi anh việc này và anh càng không được phép lộ ra với ai, nếu có người thứ tư biết thì anh dứt khoát phải ra toà án binh!”

– Việc gì ghê thế? Vũ Lăng nói tiếp. À, được lệnh lên kế hoạch đánh vào Sài Gòn, tạm gọi là Ngôi sao năm cánh. Chợn quá, nghe mà bụng nghĩ thế là cho phăng teo kế hoạch của tướng Giáp rồi! Giáp chỉ cho đánh Tây nguyên thôi. Lê Trọng Nghĩa chuẩn bị, bọn mình có loáng thoáng mà. Mình thú thật với tướng Dũng là mình mù đặc địa thế Sài Gòn. Dũng bảo sang hỏi Trần Văn Trà sắp lên máy bay đi Campuchia về B. Khó chịu bị quấy rầy bất chợt, Trà cứ đay làm gì mà lúc tôi đang quá bận ông lại đến hỏi dấm dớ. Nói dối quanh rồi Lăng cũng lấy được vài nét địa lý sơ sơ với rất nhiều Bà nghe cứ na ná Bà Đen, Bà Điểm, Bà Chiếu, Bà Quẹo… Bà Lớn tuốt, chỉ thiếu Bà Lang Trọc. Bà Lang Trọc là cái tên quen thuộc của Hà Nội hồi những năm 40.

Vũ Lăng cười nhếch mép: Tôi hỏi ông chuẩn bị chiến trường như thế thì liệu có khác gì ngày bọn này đánh Pheo rồi thua chạy bán sống bán chết không hả?

– Ông xem phim Chiến tranh và Hoà Bình của Nga có thấy họ cố cho Kutuzov lờ phờ ghê không? À, theo tôi chính là họ muốn chống lại cái kiểu nhiệt tình duy ý chí thối của khối anh chỉ đạo quân sự.

Sau bữa học mót vội vã địa hình trận địa chính đó, Vũ Lăng đêm đêm đến Bộ Tổng ở điện Kính Thiên buông rèm xuống lên phương án Tổng tiến công Tổng nồi dậy.

Tôi nói: Lê Trọng Nghĩa kể lại với tôi thì căn cứ báo cáo của Nghĩa về chỗ yếu nhất của địch là Tây Nguyên, Giáp đã lên phương án đánh vào đó song đến cuộc họp Bộ chính trị duyệt phương án mà Nghĩa dự như các cuộc họp khác xưa nay của Bộ chính trị (Giáp họp Bộ chính trị thường kéo cục trưởng tình báo theo để kịp thời cung cấp tin tức và đôi lần Nghĩa cảm thấy ông Duẩn nhìn mình với con mắt thắc mắc “Sao cái anh này lại hay đến ngồi ở đây?”) Duẩn đã cho phăng teo.

Theo lời Nghĩa kể, Duẩn nói nơi địch yếu nhất không phải là Tây nguyên mà Sài Gòn. Vì sao? Vì ở Sài Gòn ta có Anh Hai tức là dân, còn địch thì không. Duẩn nói ông không thạo quân sự nhưng thạo chính trị cho nên nắm chắc tình hình Anh Hai do đó nhìn ra chỗ mạnh cơ bản của ta ở Anh Hai đông thời cũng là chỗ yếu chí mạng của địch, ông tin rằng chỉ cần quân chủ lực ta nổ súng là lập tức ở giữa Sài Gòn ầm ầm nối lên mười tiểu đoàn Anh Hai ngay.

Tôi nói: Trước Tết Mậu Thân một thời gian, chính tai tôi nghe Hợp, đại tá của Binh đoàn 559, bảo: “Anh Thanh vừa điện ra đòi gửi gấp ngay vào các kinh nghiệm tiếp quàn thành phố kia kìa. Trần Đĩnh ạ, lúc tớ nói với cậu đây khéo trong kia họ giải phóng bu nó Sài Gòn mất rồi. Mới là tướng nguỵ lật Diệm mà dân còn đổ ra trắng đường. Sài Gòn để hưởng ứng thì nay cách mạng về dân đổ ra đường phải bằng lũ”. Thấy rõ Duẩn và Nguyễn Chí Thanh cùng một tư duy tả khuynh duy ý chí. Không thích Giáp, Duẩn đã hay kiếm dịp đè Giáp, huống chi nay biết Bắc Kinh muốn hê Giáp thì nhân dịp Duẩn phải tỏ cho Bắc Kinh thấy ông đã phối hợp nhịp nhàng với ông anh.

Vũ Lăng gật gù: Thì bứng Giáp đi dưỡng bệnh ở Hung (Hungaria – BT) đó.

– Lê Trọng Nghĩa cũng kể rằng Cụ Hồ vừa được triệu gấp ở Bắc Kinh về để họp hội nghị này, nghe Anh Ba cả quyết Anh Hai Sài Gòn ủng hộ cách mạng dữ như vậy, ông Cụ đã hỏi thêm về Anh Hai thì bị Tố Hữu ngắt lời luôn, Bác chữa bệnh xa nước lâu ngày, tình hình phát triển, nhiều cái Bác không biết rồi, ý là thôi đi, Bác hỏi làm gì. Nghĩa kể lại chi tiết này còn lè lưỡi: ông nhà thơ quên béng mất, “Người là Cha, là Bác, là Anh… Người ngồi đó với cây chì đỏ, Chỉ đường đi từng bước từng giờ…” Ở đây có chuyện chiếc máy bay đêm đưa Cụ ở Nam Ninh về đến sân bay Bạch Mai thì phát hiện đèn hiệu đặt lệch 15 độ, hồi ký Vũ Kỳ mà chắc ông có đọc, đã kể tường tận lại vụ ông Cụ chỉ còn cách cái chết có một sợi tóc. Thế là lần ấy ông Cụ có ba đại sự: một sự cố mấp mé cái chết, một câu hỏi bị gạt, một góc bàn để dự họp và đến khi Tổng tiến công – Tổng nổi dậy thì một cái buồng vắng lặng ở Bắc Kinh để Vũ Kỳ và ông Cụ tự dò các đài phát thanh, cũng theo hôi ký Vũ Kỳ. Về lý do đánh Tết Mậu Thân, theo ông, tôi hỏi Vũ Lăng, thì là vì duy ý chí chủ quan khinh địch hay trong sâu kín còn có ý gì khác? (Vũ Lãng nhíu lông mày). Tôi thì ngờ rằng ở sau mong muốn cố giành thắng lợi quan trọng trong Tết Mậu Thân, Duẩn còn có tính toán không thể thổ lộ là đưa nhanh đất nước thoát khỏi cái thể hiểm nghèo: Đại hậu phương đang Cách mạng văn hoá loạn như nội chiến mà chẳng biết rồi sẽ còn tan hoang đến đâu. Đánh một trận nổi đình đám để nếu thắng dứt thì còn gì bằng, còn không cũng có thể sẽ làm cho Mỹ nản chí mà xuống xề đàm phán, như vậy Duẩn sẽ không mang tiếng “bỏ cuộc”. Ai ngờ chiến lược bị đánh sập rồi mà Mỹ lại “lên xề” xốc tới. Bảy năm gian nan nữa. Mà ở đây chí cần biết làm tính cộng trừ thôi là thấy ngay sai đúng.

Vũ Lăng gật gật đầu không nói.

Như thông lệ làm gì cũng thắng, ta đã hết sức ca ngợi đại thắng Tết Mậu Thân. Trong Báo cáo chính trị Đại hội 4 (1976), Lê Duẩn nói nó đã “làm sập chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ”. Hãy xem: chiến lược này bắt đầu tháng 5-1965, ba năm sau, 1968 nó bị sập.

Sập tức là sụp, là quỵ, là hết hơi, đúng không? Ấy thế mà sập rồi Mỹ vẫn buộc ta phải ác chiến thêm bảy năm nữa, từ 1968 đến 1975, dài gấp đôi cái thời gian ba năm ta bỏ ra đề làm cho nó sập. Đúng là chiến thắng của ta dựa phần lớn vào một một phép cộng hết sức đặc biệt cũng như vào sự vận động ngộ nghĩnh của chiến tranh ở Việt Nam.

Sập mà còn đánh trả ác ôn lâu và dữ thế chứ!

Nên thế giới đánh giá Việt Cộng thua to ở Tổng tấn công Mậu Thân là chí lý.

Ở phía Hà Nội, đầu những năm 1980, trong một hội nghị Trần Độ công khai nói đến thất bại của Tết Mậu Thân. Sau này anh bảo tôi anh đã thảo diễn văn cho Nguyễn Hữu Thọ sẽ đọc trên Đài phát thanh truyền hình Sài Gòn Tết Mậu Thân. Ta chiếm được đài nhưng không có mã khoá nên không phát được bài của Thọ. Cũng may – Trần Độ nói – chứ không thì hô to bao nhiêu ê mặt bấy nhiêu. Hai chân Tồng tiến công và Tổng nổi dậy cùng đi là tư tưởng quân sự cốt lõi của Duẩn, theo ông Duẩn, không tính tới cuộc khởi nghĩa của hàng chục tiểu đoàn Anh Hai là “phi cách mạng”.

– Nhưng rồi chính quân miền Bắc cũng đã đành phải “phi cách mạng”, nhảy lò cò suốt chiến dịch. Chả Anh Hai nào theo Việt Cộng giải phóng mà lại chạy đến trại Mỹ-nguỵ, tôi đùa.

Don Oberdorfer, nhà báo Mỹ, tác giả cuốn Tết! Điểm ngoặt trong chiến tranh Việt Nam (Têt! The Turning Point in the Vietnam War) in lần đầu năm 1971 và tái bàn năm 2001 cho rằng trận Mậu Thân 1968 có 58.375 Việt cộng bắc và nam đã bị chết. Dân chết 14.300 người, kể cả phụ nữ trẻ em. Đặc biệt tố cáo có hơn 2.500 dân, trong đó có một số giáo sĩ, linh mục Đức đã bị quân chiếm đóng Huế tàn sát ở Huế. Don Oberdorfer viết khá tỉ mỉ vụ thảm sát tai tiếng ghê rợn này.

Đảng tuyên truyền rùm beng cho thắng lợi Tết Mậu Thân. Lờ đi sự thật đau đớn là kế hoạch nổ súng bất ngờ của đảng đã lọt vào tay Mỹ. Sau này CIA Mỹ giải mật một tài liệu cho hay Mỹ biết chính xác ngày giờ quân Bắc vượt vĩ tuyến vào Nam nhưng tướng Creighton Abrams và đại sứ Bunker không báo cho Chính phủ Sài Gòn biết. Nixon đã khoái trá bảo Kissinger: Xong keo này sẽ có một bên nướng nhẵn hết quân. Theo tài liệu được giải mật này thì CIA cài được người vào Trung ương cục miền Nam (Cục R). Người ấy là ai thì Mỹ cố nhiên không giải mật.

Sau này một lần nói chuyện với khá đông cán bộ và Duẩn xưng mình, Duẩn xì ra hai điều Mao nói với Duẩn khi Duẩn đến Bắc Kinh báo cáo kế hoạch đánh một keo thắng ngay bằng tổng tiến công và tổng nổi dậy. Nghe xong ý đồ to lớn của Duẩn, Mao hỏi: “Cái chổi của đồng chí có đủ dài không?” Quên đi vụ Mao Chủ tịch sai quân hầu dọn cho Duẩn xem phim hoạt hình “Chú bé kiêu ngạo”, Duẩn kể lại rằng mình nghe mà ngạc nhiên quá! Sao Mao Chủ tịch lại thiếu ý chí chiến thắng như thế. Duẩn còn ngạc nhiên khi Duẩn báo cáo Tây Nguyên của chúng tôi là nơi địch yếu vì đất rộng người thưa thì Mao lại nói à, chúng tôi đưa vài triệu người sang đó mà hay đấy. Không hiểu bụng dạ Mao hoặc quá tin yêu Mao, Duẩn đã không nhận ra là Mao châm biếm quyết sách hiếm có của Bộ chính trị Việt Cộng. Mao sẵn sàng tỏ ý chả tin tẹo nào vào giấc mơ đại thắng của Duẩn. Đánh động cho anh em thấy cái chổi của chú em ngắn lắm. Thái độ khinh thị này càng lộ ra rõ nhất ở câu cho vài triệu dân Trung Quốc sang Tây Nguyên, ừ, mà nếu chú chọn chỉ đánh Tây nguyên mà thắng thì chúng anh có thể cho di dân dần sang được đấy.

Tôi còn sợ rộng ra là có khi nhờ một cái lõng hớ hênh nào đó ở Bắc Kinh mà CIA đã biết được kế hoạch Việt Cộng Tổng tiến công – Tổng nổi dậy…

Lê Trọng Nghĩa và Vũ Lăng cho tôi hay Tết Mậu Thân quá gay go, Giáp được cho về nước. Ở đây nên biết cuối 1967, Giáp đã xin cho về vì sức khỏe đã khá nhưng trong một cuộc họp Bộ chính trị, Sáu Thọ nói tưng tửng: “Thôi, anh ấy thì còn về làm gì nữa”.

Vũ Lăng khen Giáp: Tài là giê-nê-ran (general, tướng – BT) về cấm có hỏi tôi ở nhà vừa qua làm gì và sắp tới sẽ làm gì. Bơ đi y như hiểu rằng tôi đã nhận được lệnh cấm khẩu và giê-nê-ran tổng tư lệnh nên biết phận, đừng có mà tọc mạch chõ vào.

Tôi đùa: Giáp quen sống trong vòng vây hãm của Duẩn, Thanh, Thọ rồi. Mà khi Giáp đang tung hoành thì lại có người sống trong vây hãm của Giáp.

Theo Vũ Lăng, khoảng giữa 1968, ba ngày liền, Bộ chính trị bặt tin Ban chỉ huy mặt trận Khe Sanh gồm Cao Văn Khánh, Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai. Văn Tiến Dũng bảo Vũ Lăng tìm ai có thể vào xem xét rồi báo cáo gấp cho Bộ chính trị. Vũ Lăng nói tôi đi thì Dũng nói anh đang bị đau đôi đốt sống cơ mà. Vũ Lăng bảo ông ấy muốn mình đi nhưng nói thác ra như thế thôi.

Vũ Lăng lên xe đi một ngày một đêm. Liên tục thay xe. Ở trận địa Khe Sanh đất đá tơi vụn ra như cát bởi bom đạn. Lính bơ phờ ngồi gục đầu lên súng. Tới sở chỉ huy thấy trong hang Cao Văn Khánh co ro bên cỗ máy thu phát hỏng. Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai đã lánh đi nơi khác, Sở chỉ huy này cục trưởng tác chiến Lê Ngọc Hiền bố trí bị lộ, thám báo địch thường đến bắn phá, nổ mìn. Đêm, Lăng và Khánh leo núi đá tai mèo đi tìm hai tướng di tản và cuối cùng một báo cáo đã được gửi ra. Dũng bảo Vũ Lăng về. Vũ Lãng xin ở lại. “Về để chết bom ở dọc đường ấy à?”

Hồi ấy một tối tôi đến nhà Vũ Lăng đúng lúc anh đang bận chuẩn bị đi Khe Sanh. Đã có Hoàng Phong, báo Cứu Quốc ở đó, Hoàng Phong, là anh em cọc thèo với đám Vũ Lăng, Lưu Văn Lợi và Trần Châu anh ruột tôi. Một giường đầy thuốc men và các nhu yếu phẩm.

Vũ Lăng nom căng thẳng. Bỗng anh hỏi tôi: ông Đĩnh, tôi hỏi ông, Ông sợ gì tôi, nào, tôi hỏi ông?… ông sợ gì tôi mà ông không đến mặc dù tôi nhắn, tôi mời. Ông sợ tôi sợ các ông xét lại chứ gì? Tôi nói ông biết nhá, tôi đã nói với tất cả con rể và anh chị em nhà cô Hoa rằng Trần Châu là người tốt nhất trong chúng ta.

Ra đi có thể không về, phải chăng Vũ Lăng muốn có một lời kín đáo với Châu và tôi? Tôi lờ mờ thấy và im.

Vu Lăng đã đi tới hết chiến dịch. Hoa, vợ anh một hôm bảo tôi vừa qua cô có một giấc mơ sợ quá. Có một người quấn đầy vải trắng vén màn lên nhìn cô khẽ bảo: Anh đây, Vũ Lãng đây! Như một làn gió nhẹ rồi tan. Tôi ngỡ người tôi cũng sắp tan theo mất.

Vũ Lăng cho hay ở Khe Sanh anh không thể nằm yên trên mặt đất nửa phút. Người cứ nẩy tung, ông hiểu hoả lực Mỹ nó thế nào. Máy bay và pháo nó kinh hoàng. Đất mà bom, tên lửa, pháo làm tơi như cát bờ biển cơ mà. Nhưng pháo ta đâu có kém. Quả đạn bằng thằng con út Trần Châu đây này, (thằng bé được tôi đèo đến Vũ Lăng) phải cẩu lên nạp vào nòng. Pháo Liên Xô. Xe tăng Bắc cũng lần đầu tiên xuất trận ở đây. Rõ ràng là đối đầu giữa Mỹ và phe ta. Máu phe cũng có góp nhưng là đựng trong các bịch để truyền cho thương binh.

Nghe Vũ Lăng tôi chợt nhớ tới chuyện Hoa mơ thấy Vũ Lăng về gọi, người quấn đầy bông băng. Nhưng cố nhiên lúc ấy không ngờ Tổng thống Mỹ Obama sau này trong diễn văn nhậm chức tổng thống đã nhắc tới bốn chiến thắng oanh liệt trong lịch sử của quân đội Mỹ, trong đó có Khe Sanh.

Vũ Lăng cũng đã kể với tôi vài điều về chuyện đánh tàu Mỹ Maddox theo dõi đường mòn trên biển của ta. “Vụ này mình đã có biết qua qua nhưng đến khi nằm với Trần Quý Hai ở Khe Sanh thì mới hiểu đầy đủ. Hai trực Quân uỷ cả hai đêm ta đánh mà. Đêm đầu kỷ niệm thành lập Hải quân, ta cho ba tàu phóng lôi từ Ngọc Vừng ra nện thình lình thằng Maddox. Một ngư lôi ta phóng sạt boong tầu rồi nó mới biết, cho nên Quốc hội Mỹ xem lại màn hình chả thấy gì mới chửi Johnson bịa chuyện. Bọn này chết vì đầu óc lệ thuộc bằng chứng màn hình. Đêm thứ hai, ta cho hai tuần la ra, nhưng Mỹ đã đề phòng nên xáp lại. Quý Hai trực ban xin chỉ thị và được lệnh đánh. Hai tuần la của ta bị cả, Mỹ vớt được một số lính thuỷ ta. Đến năm nào đã thả trung uý Bảo về thì phải. Rồi Mỹ đánh tan ba căn cứ hải quân của ta ở Cát Bà, ở Lạch Trường, Sông Gianh và dưới Vinh, Bến Thuỷ. Được tiếng dũng cảm đánh trước tàu chiến Mỹ thì nướng sạch hải quân. Trung Quốc bèn trang bị lại cho hoàn toàn.

– Giá như lờ phờ như Kutuzov nhỉ, tôi đùa rồi bảo Vũ Lăng: Do đó, theo Nghĩa, đã phải đổi Bộ tư lệnh Hái quân ra thành Bộ tư lệnh Quảng Ninh rồi sau đó Johnson đe ném bom miền bắc. Trần Quý Hai giơ đầu chịu báng, bật khỏi Quân uỷ về binh chủng thì có lộ ra chuyện Duẩn lệnh đánh đêm thứ hai không?

Vũ Lăng lắc: Đến đây thôi, cả ông với tôi hãy tạnh đi, biết nữa mất chỏm đội mũ rơm chống bom bi!

Theo Nghĩa kể với tôi thì mấy hôm xảy vụ Maddox, Lê Trọng Nghĩa trực ở Quân uỷ trung ương. Khi Maddox tiến đến hai tuần la của ta, người chỉ huy điện về xin ý kiển. Trần Quý Hai điện hỏi Duẩn, Duẩn bảo đánh! Vì sao Duẩn hăng thể, không rõ. Muốn chứng minh cho Mao thấy Duẩn quyết tâm đánh Mỹ ư? Nhưng không ngờ Bắc Kinh lại không thích ta đánh vượt mặt họ nên liền rút cố vấn không quân đang giúp xây dựng sân bay Kép về và đe không thể tiếp tục viện trợ. Do đó Cụ Hồ rất cáu. Đòi kỷ luật người ra lệnh đánh, ông Cụ và Giáp chất vấn, mọi người đổ cho Tố Hữu. Còn Văn Tiến Dũng bênh Duẩn thì nói: Đánh trước nó đã sao? Không đánh nó cũng đánh cơ mà!

Cần nói thêm: Quanh vụ Maddox đã có quá nhiều cách tường thuật, kể cả từ phía Mỹ. Ở đây tôi chỉ kể lại những gì Nghĩa và Vũ Lăng nói với tôi thôi!

Đòi kỷ luật người ra lệnh đánh, Cụ Hồ và Võ Nguyên Giáp có lẽ đã làm cho Lê Duẩn liên hệ lại vụ hai người từng huỷ thư Khroutchev gửi Giáp tỏ ý ngại Lê Duẩn lãnh đạo thì sẽ nổ chiến tranh lớn với Mỹ. Và giận bèn gọi giận.

Dân có nỗi oan của dân, lãnh tụ có nỗi oan của lãnh tụ. Ít ra giữa con người còn có chỗ bình đẳng ở các nỗi oan.

Bảy năm sau khi “đánh sập chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ”, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân đoàn Vũ Lăng đánh sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Sắp nổ súng thì được lệnh rút, nhường Bộ Tổng tham mưu cho sư 320 đánh. Văn Tiến Dũng muốn sư đoàn cũ từ thời chống Pháp của mình có dịp lập công lớn. Vũ Lăng từ chối: Chúng tôi không thể đánh nơi chúng tôi chưa nghiên cứu trận địa.

Đánh xong hai nơi, lính đóng tại Bộ Tổng tham mưu cấp báo lính 320 với xe tăng hộ tống đang kéo đến đòi lính quân đoàn 3 rút đi nhường chỗ này cho họ. Hai bên súng ống đã lăm lăm. Cuối cùng dàn hoà, nhường dãy nhà dưới cho 320.

“Xem phần ảnh trong Đại thắng mùa xuân, Vũ Lăng nói, có ảnh ông Dũng chống ba toong mà ông bảo nom như thống sứ Trung Kỳ đi bắn cọp ấy, ông thấy ảnh chụp Bộ Tổng tham mưu treo hai lá cờ chứ? Cờ to ở nhà chính là của quân đoàn tôi, cờ bé ở nhà ngang là của sư 320 con cưng của ông Dũng. Viết hồi ký về toàn bộ chiến thắng, ông ấy gạt Giáp, và ở một hiện trường thì định gạt tôi. Không ngờ lại tham quá đến thế. Toàn xí phần của người khác.

Năm 1959 tôi ở Bắc Kinh về, Vũ Lăng cho mượn báo cáo của tướng Catroux, nguyên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, nghiên cứu thất bại Điện Biên Phủ theo yêu cầu của Quốc hội Pháp. Catroux cho rằng Giáp, một “thiên tài nghi binh” đã lừa được Navarre lên Điện Biên để phá kế hoạch Việt Minh “đưa Lào ra khỏi khối Liên hiệp Pháp”. Navarre càng không biết thu đông năm ấy, Bắc Kinh gợi ý nên nhổ hết Lai Châu, chốt cuối cùng của đế quốc ở nam Trung Quốc do đó đã gợi ý đánh lên Tây Bắc. Chuyện “bạn” điều binh khiển tướng này của ta, Lê Trọng Nghĩa cho tôi biết.

Sau này hồi ký của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam cũng cho hay Vi Quốc Thanh đã đề ra hướng này với Quân uỷ trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Vũ Lăng nói ở Điện Biên Phủ, cái “hầm ngầm cố thủ” mà ta dùng cả hàng tạ thuốc nổ phá làm rạn núi ra kỳ thật chỉ là một hầm rượu tầm thường. Thì tôi sau đó theo Giê-nê-ran đi thị sát đã vào hầm rượu ấy mà. Hoảng báo đã tạo nên chiến công lãng phí lưu lại nghìn thu cho cháu con tấm tắc nức nở.

Ở đây cũng nên nói điều này. Lê Trọng Nghĩa cho tôi biết khi Giáp đặt phương án đánh mới ở Điện Biên Phủ – tức là kéo pháo ra – là căn cứ vào báo cáo tình hình địch của Nghĩa. Nghe Nghĩa xong, Giáp đã dặn Nghĩa không được để lọt tin này vào tai cố vấn. Giáp còn dặn Nghĩa là bạn rất ngặt về giai cấp xuất thân cho nên căn giữ kín đáo gốc gác thành phần. Chính thời gian ấy bản thân Giáp cũng như Lê Trọng Nghĩa (đạo gốc), Hoàng Đạo Thuý (xì-cút Hướng đạo) đã bị bạn “rà soát” lý lịch. Bạn đã với tay xa cho đúng như cương vị phụ trách. Không chỉ góp ý về chiến đấu, bạn còn chỉ trỏ về nhân sự.

Ngay sau Chiến dịch biên giới (tháng 10-1950), trong hội nghị tổng kết kéo dài, nhiều tướng tá ta đã bất đồng về chỉ đạo chiến thuật với cố vấn Trung Quốc. Và Mao không ưa Giáp có lẽ từ ngày ấy, qua báo cáo của La Quý Ba.

Lại xin trở về Vũ Lăng. Sau này, khi than chán muốn về hưu, Vũ Lăng bảo tôi nếu không có các tướng lĩnh học nghệ thuật chiến tranh vả tác chiến thì với tư tưởng chỉ đạo chiến tranh của Duẩn, chúng ta cầm chắc ăn cám. Thật mà! Tư tưởng Lê Duẩn là chỉ có tiến công, cấm được nói đến phòng ngự. Tôi bảo Vũ Lăng: Nghĩa bảo tôi rằng: “Tướng Nguyễn Văn Vịnh và mình thảo báo cáo viết đối phirơng tiến công, tấn công đã bị Duẩn gọi đến sạc, tiến công, tấn công là của cách mạng, sao đem dùng cho Mỹ – nguỵ?”

Khốn nạn, Vũ Lăng nói, chán nản, đánh nhau mà không phòng thủ thì đúng là cho lật nhào toàn bộ lý luận quằn sự cổ kim đông tây! Nhưng Tố Hữu để ngay tư tưởng Lê Duẩn lên thành “thế ta là thế đứng trên đầu thù”. Lính tráng bọn mình, từ Giáp xuống đành đứng trên đầu thù mà phòng thủ chui vậy. Tôi cho ông hay một tai hoạ về không phòng thủ. Chỉ riêng tại khu vực thành cổ Quảng Trị, trận địa ác liệt nhất trong chiến tranh với Mỹ, ba trung đoàn bị xoá sổ riêng vì B52 rải thảm. Thấy ta ở Quảng Trị không có tuyến phòng thủ, Mỹ liền cho ngay các đơn vị sừng sỏ đến, cộng thêm B52. Gay quá, Giáp phải cử gấp Cao Văn Khánh vào. Tôi hỏi khẽ Khánh là giê-nê-ran nói sao. Khánh bảo giê-nê-ran dặn vào bảo anh em phòng thủ. Khánh vào lập phòng tuyến sông Thạch Hãn. Tan ngay. Lui về Cửa Việt, tan nốt. Hay đùa, tôi bảo Vũ Lăng: Kiểu này cũng khốn như đi đưởng buồn ị mà lại không có giấy chùi đây.

Kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, Võ Nguyên Giáp viết trên báo Nhân Dân ngày 14-4- 2005: “Do nhận thức không đúng, nên trong một thời gian dài, một số cán bộ cho rằng trong chiến tranh cách mạng chỉ có tiến công, phủ nhận phòng ngự. Thậm chí coi phòng ngự là điều cấm kỵ. (Tôi nhấn). Vì thể một sổ trận đánh bị thương vong”.

Giáp vẫn né tên Duẩn. Tại đởm lượng? Hay tại tôn trọng ý thức kỷ luật của đảng? Tôi chợt nghĩ, nghĩ khá daỉ dẳng, nỗi sợ cái uy Duẩn đã góp bao nhiêu phần vào tính thản kiên cường đánh Mỹ của Giáp?

Nhưng trước mắt tôi lại cứ hiện lên cái nét kỳ cục của hai thời cơ phát động chiến tranh: Để đánh Mỹ thì chống Liên Xô cho có thêm thù. Mở Tết Mậu Thân để giải phóng miền nam thì chọn lúc Đại hậu phương sắp Cách mạng văn hoá tanh bành.

Mao từng nói triết học chung quy là thằng khỏe đánh thằng yếu. Và tôi cứ nhớ đâu như Mao còn nói “đứa khỏe cũng là đứa khéo xui khéo dỗ”.