Chương 46

Tháng 8-2005, Hoàng Minh Chính, Hồng Ngọc và tôi đã điện thoại cho nhau ở Mỹ. Lúc ở nhà Đoàn Viết Hoạt gọi cho Chính, tôi chợt hình dung ra sân ga Bắc Kinh buổi sáng tôi tiễn đám Kỳ Vân, Hoàng Minh Chính đi học trường đảng Liên Xô. Tàu lăn bánh, Chính là người cuối cùng đứng trên bậc lên xuống cười toét và hô to với tôi một mình ở dưới ke: “Cấm yêu là thế chó nào. Vì dân chủ đấu tranh đi!” Tôi buồn nhìn con tàu đang bỏ tôi lại màl ao về chân trời dân chủ – kìa, Đại hội 20 vừa vạch tội bạo chúa Stalin xong.

Ồ, thế ra đã nửa thế kỷ. Và cũng lại ồ, thế ra đâu phải là chân trời dân chủ ở đó. 2006, ra Hà Nội, tôi đến Chính. Chính giơ tay lên nói như hô: Mình vừa thông báo ra khỏi Đảng Dân Chủ! Miệng cười toét. Mới tháng trước, Hoàng Minh Chính phone vào cho tôi, cũng tiếng cười này, hỏi Thọ (con rể anh) đã đưa tôi hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim chưa. Tôi nói có và sau đó chúng tôi chuyện quanh sự kiện Tổng khởi nghĩa. Trần Trọng Kim quả đã là một mầm độc lập như Sukarno hay ông Aung San, bố bà Aưng San Suu Kyi Miến Điện. Chắc là ăn năn việc phất cờ “Đại Đông Á thịnh vượng” với dân vùng nảy nên cuối cùng Nhật đã muốn giúp cho mấy nước ở đây độc lập thật. Đại bại rồi ra toà án binh đến nơi thì hỏi còn cấy bù nhìn, tay sai thuộc quốc như Việt Cộng chửi nữa để làm gì? Mà bộ trưởng chính phủ ấy sau cũng trong nội các Hồ Chí Minh gần hết! Bù nhìn tay sai mà được Việt cộng vời đến thế! Theo Tonnesson viết về Cách mạng Tháng tám thì Sukarno, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch từng gặp tổng tư lệnh quân Nhật ở Sài Gòn và Sukarno được Nhật cấp cho máy bay về nước nên ngày 17 tháng 8 Indonesia đã độc lập, sớm hơn Việt Nam hai ngày để nước này về sau diệt sạch sẽ cộng sản sở tại. Trước ngày 19-8, không muốn mang tiếng đem em bỏ chợ, tổng tư lệnh Nhật vào Huế gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim, nói: Nếu các vị yêu cầu, Nhật với 50.000 quân tinh nhuệ có thể dẹp Việt Minh trong vòng một đêm, Việt Minh có quá lắm là 5000 người còn súng ống lại càng quá ít. Nhưng hai ông này từ chối. “Tay sai mà thế ư?” Chính nói tiếp: Vậy thì đúng là vận nước đã đến và nếu Việt Minh, trong đó có mình, hợp tác với chính phủ Trần Trọng Kim cùng lập chính phủ thì hay bao nhiêu. Nên nhớ khi Việt Minh từ chối hợp tác, Trần Trọng Kim đã cảnh cáo rằng lịch sử sẽ phán xét. Thế là vị học giả này thay mặt cho hiền tài “biết trước nhất định có ngày cộng sản sẽ phải ra trình diện trước toà án lịch sử”. Tiên tri chưa? Lúc ấy Liên Xô chưa sụp nhá. Theo David Marr, trong lần công bố đầu tiên, chính phủ gồm mười vị toàn cộng sản, phải đến lần công bố thứ ba, cái lần mà Cụ Hồ nói chính phủ không phải là của Việt Minh và Cụ chỉ có một đảng Việt Nam thôi ấy, đến lần ấy cộng sản mới bớt đi mà thêm vào chính phủ năm trí thức ngoài đảng, trong có một người theo đạo Thiên Chúa. Biết là để cộng sản toàn phần thì dân sẽ cho về vườn nên phải độn thêm trí thức, nhân sĩ. Chính cười khơ khơ: Chả thế mà đảng phải vào bí mật tức là độn thổ! Cụ Kim viết giá như cụ cứ chống cự thì Việt Minh không làm gì nổi vì chính phủ của cụ được Nhật ủng hộ còn Việt Minh chỉ là lừa dối lôi kéo dân chúng đi theo thôi, nhưng cụ Kim từ chối, không muốn “cõng rắn cắn gà nhà”, “nồi da nấu thịt”… mình đọc rất cảm động. Rồi xấu hổ là chúng mình ít nhiều đều đã góp mồm vào công trình bịp dân, dối trá mà cụ Kim lên án.

– Ông nhớ vai trò giáo sư Hoàng Xuân Hãn trước sau tổng khởi nghĩa chứ? Từng bị Việt Minh từ chối cộng tác lo toan việc nước với Trần Trọng Kim nhưng ông vui lòng tham gia chính phủ của Việt Minh. Thừa biết Trần Trọng Kim đã nói lịch sử sẽ phán xét Việt Minh, thừa thấy lịch sử ngày càng có thêm tang chứng để phán xét nhưng cuối đời vì dân tộc, quốc gia ông vẫn gửi tặng Nhà nước hơn 10 tấn sách báo với ba đề nghị: Tặng không, mở cửa tự do cho tất cả thanh thiếu niên dang học hành, và có đầy đủ thiết bị chống ẩm, chống mốc. Hà Nội nghèo không đủ điều kiện trông coi bảo quản quà tặng?

– Chính là tại lập trường địch ta không muốn dây vào với trí thức.

Hà, con gái cả Chính cho tôi biết sau lần thứ hai tù ta, Chính đã vất hết sách Lê-nin.

***

… 10 giờ đêm hôm ấy, cháu Đào Lan Hương mời tôi xuống. “Hai ông công an đến xem hộ khẩu nhưng chưa gặp được chú nên cứ ngồi lại”. Tôi gặp hai người nói:

– Chào anh khu vực, chào anh A25.

– Sao bác bảo tôi A25, anh trung niên thường phục nói. Tôi rất quen A25. Tiếp xúc thường xuyên mà… 2002, anh Tuấn A25 có mời tôi gặp cục trưởng Khổng Minh Dụ nhưng lôi kiếu. Tôi và ông Lê Kim Phùng đã chuyện trò thẳng thắn, đã hiểu hết nhau cả rồi, gặp cũng chỉ thế thôi. Còn sáng nay đến ông Chính, tôi đã chờ các anh tới. Các anh biết tôi quá rõ nên khuya khoắt vẫn chú ý trông nom, đúng chứ? A, vậy xin hỏi, nếu ra Hà Nội mà tôi không thăm ông Hoàng Minh Chính thì chả lẽ hoá ra các anh lâu nay vẫn theo dõi một cha quân tử dỏm hay sao?

Thế là A25 và chống đảng bắt tay nhau giải tán.

Rất khuya, lên sân thượng tôi chột dạ nhận ra một cái hồ gần sân bay Bạch Mai, cạnh đường Trần Điền. Như một mảnh gương hắt sáng rồi bỗng thành một sàn diễn lung linh. Bất chợt đầu óc tôi nhảy sang hồi ký Vũ Kỳ. Đêm ấy trên máy bay có thể Cụ đã thấy ánh nước của cái hồ kia, mảng nước lưu giữ nhiều chi tiết lịch sử hoá thạch. Vâng, đúng thế! Rồi nó có thể sẽ cho sự thật lóe lên. Chẳng hạn cho thấy ánh mắt Cụ Hồ dời bỏ những đèn hiệu đặt lệch mà quay sang nhìn nó như nhìn vào một điểm thân thiết cuối cùng để giã từ khi máy bay chúc xuống. Lúc máy bay lìa trời sao thiên thu cùng chuỗi đèn hiệu đặt sai để rúc vào bóng đêm sẽ là cõi vĩnh hằng kia, không biết Cụ Hồ nghĩ sao về đảng yêu dấu của Cụ? Có thể Cụ lại nhớ đến lúc cụ còn bé mẹ dặn khi sợ, con hãy niệm Nam mô…