Chương 39

Bùi Sơn, con trai Bùi Lâm, “người cộng sản Việt Nam thứ hai” – theo lời Hoàng Tùng, người thứ nhất là Nguyễn Ái Quốc – đến đưa tôi mấy bức ảnh sao chụp mấy trang số báo L’ Impartial ngày 4-5-1933 tường thuật tỉ mỉ các phiên toà Đề hình Sài Gòn xử mười mấy người cộng sản. Tờ báo, ở Thư viện Sài Gòn, vạch ra âm mưu xấu của chính quyền Pháp đem họ xử chung với hơn một trăm tên trộm cướp, mưu gây ấn tượng họ cũng chỉ là đám tội phạm hình sự tầm thường. Tôi trân trọng trách nhiệm của Bùi Sơn đối với lẽ phải và bố anh. Tôi thấy được đối tượng phản cảm của anh tuy anh không nói trắng ra và tôi không yêu cầu anh nói. Ở đây tôi kể lại chuyện này vì nó còn cho thấy hai điều đáng suy nghĩ. Tôi đã ngậm ngùi đọc mấy trang L’ Impartial. Có lẽ chả bằng chứng nào về một vụ án nào mà lại không rưng rưng một chính khí cảm nó khiến ta thấy xôn xao âm thanh và cuồng nộ. Một sợi giây nào đó vẫn nối liền lương tri và lẽ phải vào nhau. Đọc bài báo, tôi mới hiểu thảo nào trong Gửi Mẹ và Quốc hội, Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn – BT) viết: Chỉ xin Đảng cho báo chí được hưởng tự do đôi phần của thời Pháp đô hộ. Té ra ngay ở xứ thuộc địa, báo chí cũng có lúc tự do như ở bên Pháp. Và tự nhiên tôi cũng thầm hỏi tại sao những người như Phạm Hùng, Lê Văn Lương sống sót được nhờ dân chủ Pháp mà lại sợ dân chủ ở Việt Nam? Báo chí Sài Gòn tự do đưa tin, vụ xử mười mấy người cộng sản động sang tận Pháp, gây ra làn sóng phản đối rộng rãi và chế độ thực dân phải nhận là nó cũng biết sợ dân do đó mà Phạm Hùng, Lê Vãn Lương thoát án tử hình và tôi có cái để viết Trong xà lim án chém (rồi bị ăn cướp cơm chim: xoá tên ở tư cách tác giả, điều mà hình như lúc xử ông Hùng, ông Lương không xảy ra ở xứ thuộc địa?) Một nét lý thú: Chế độ thuộc địa Sài Gòn cũng luôn phủ nhận nó có tù chính trị. Chế độ đẹp như thế này làm sao lại bắt tù chính trị. Không, chúng là tù hình sự, phạm pháp, phá rối an ninh trật tự. Bản chất giai cấp khác nhau nhưng độc tài nên lại cho ra những quyết định giống nhau. Phiên toà đầu tiên xử đày Côn Đảo Tổng bí thư Ngô Gia Tự. Ở Côn Đảo, ông cùng Tô Chấn – lẽ ra là Lê Duẩn – làm bè vượt biến bị bão mất tích do đó mà sáu bảy chục năm sau khổ thân Lê Giản phải lọ mọ tìm ra bằng được hai nhân chứng để xin cho Tô Chấn cái bằng liệt sĩ. Giá như Lê Giản có tờ báo này nộp đảng! Các nhà cách mạng lúc ấy đâu mà biết rồi có ngày các ông sẽ phải lọt các thứ cổng quan mới được thừa nhận tư cách chính trị. Bắn chết cò Legrand, Lý Tự Trọng bị tử hình, nhờ đó tôi cộp được vào ông mấy trang Kiều của ai đó để lại, làm nổi lên nết bản sắc đậm đà dân tộc: nhà thơ lớn của dân tộc vào xà lim án chém đề huề lưng túi gió trăng cùng chàng thanh niên cộng sản vốn là liên lạc viên của Ung Văn Khiêm và theo Khiêm thì hủ tiếu nó ăn hết veo hai tô bự, “mình vẫn mua cho nó mà”, Khiêm bảo tôi. Bị cáo thứ 33, Ung Văn Khiêm, mở đầu phiên xử ngày thứ hai. Nhận đàng hoàng là cộng sản, như một vinh dự, nói “không tán thành hành vi bạo lực” (chắc là chỉ việc ám sát mà luật pháp thế giới gọi là khủng bố) nên ông đã thôi chức bí thư xứ. Ban đầu phản đối bạo lực, cuối đời lại tiếp tục ủng hộ “hoà bình” nên mang án “xét lại”, bị khai trừ đảng. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời ông có lẽ là từ chối bạo lực. Trong phiên thứ hai này, sau Ung Vãn Khiêm đến các bị cáo Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Ngô Đức Trì. Trừng nhận mình cộng sản nhưng “cộng sản Pháp” đã học ở Pháp, ở Liên Xô, “không đánh nước Pháp” vì ông “chủ trương cách mạng tư sản dân quyền”. Cũng sợi chi đỏ không tán thành bạo lực xuyên suốt đời này làm cho vị “giáo sư đỏ” ở Côn Đảo cuối cùng đeo án xét lại và cũng như Khiêm, bị khai trừ khỏi đảng. Ngô Đức Trì khai hết, khai hết. Bùi Sơn nói tập báo quý như thế này nhưng ngoài cháu duy nhất lục tìm ra, tuyệt nhiên không một đảng viên, cán bộ, sử gia nào mó đến. Nó sắp nát mục rồi. Chú ạ, cháu nghĩ họ chỉ cần bỏ số tiền mua bốn chiếc vỏ xe hơi họ đang xài bây giờ là đủ phục chế như mới tập chứng tích này. Bùi Sơn đến tôi nhiều lần. Nhờ tôi viết hồi ký cho bố anh. Ở đám ma bà Tề, tức bà Vũ Đình Huỳnh; bà Hải vợ Bùi Lâm lại nhờ tôi hồi ký giúp. Gia đình Bùi Lâm cho rằng tôi viết Bùi Lâm tốt hơn cả. Tôi thật tình không thể giúp. Tôi đang bận viết về tôi mà không nói ra được. Ngay trước mặt Bùi Sơn, tôi đã phôn nhờ Hữu Mai giúp Bùi Sơn viết “người cộng sản thứ hai của Việt Nam”. Hữu Mai nể tôi từ ngày tôi không đến nói về viết hồi ký ở Viện văn học vì, như tôi bảo anh, tôi không thích nói dối lấy lòng họ rằng người kể bảo sao thì anh nhà văn cứ bào hao ghi theo y quân lệnh. Nhưng Hữu Mai nói đang viết Lê Quang Đạo với tên sách đâu như là Người lữ hành cô đơn. Nghe Hữu Mai nói tôi chợt nhớ Mao đã bảo André Malraux rằng ông là người lữ hành cô đơn với một chiếc dù. Tài thật ông nào cũng dạy người phải rèn luyện tính quần chúng nhưng đều thích đi la mát lẻ! – Bố cháu đến nay vẫn chẳng gì hết, nhà cửa, huân chương, mọi thứ v.v…, Bùi Son nói. Có người bảo cháu xì tiền là xong. Rất đúng, chú ạ, đúng thật mà, cháu không bịa, nhiều lão thành cách mạng đã làm rồi, chú ơi. Nhưng phải đấm mõm để lấy vẻ vang thì bố cháu ở dưới kia nhắm mắt thế nào được? Mãi khi về làm Mặt trận rồi ông Phạm Thế Duyệt mới đến xin lỗi, thế nhưng xin lỗi rồi vẫn đâu lại đấy, như không. Hồi đỏ chi bộ chưa biết lợi dụng cơ hội kết nạp đảng viên mới để nặn tiền. Đáng nặn quá chứ! Anh vào đảng lúc bí mật thì sau này chắc chắn anh lên to và quyền cũng như lợi của anh chắc chắn lớn, tức là anh trúng quả to thì phải lại quả trước cho chúng tôi mới phải chứ? Đùa thôi. (Thật ra tôi nói thế vì trong cán bộ đã xì xào phổ biến về chế độ nộp tiền mua quan, kể cả uỷ viên Bộ chính trị). Này, cụ Hoan kết nạp Trường Chinh vào đảng vẫn ở bên dưới nhà cháu chứ? – Vâng, Sơn nói. Bố cháu, người cộng sản thứ hai, người kết nạp Tổng bí thư cứ chui rúc hoài trong các hộ chung cư còn ông Duyệt thì biệt thự ngay gần đó. Nhưng Sơn ơi, những tên xưa “xấu xa” như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… nay đều lên tên phố cả rồi. Ông Phụng nằm mãi trong số đen vì từng viết “chửi Nguyễn Ái Quốc” mà ông già Hải Anh trong Giông tố là ám chỉ Nguyễn Ái Quốc đó. Rồi chống đảng. Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm nữa, cũng đã lên phố. Yên tâm đi, đảng không lờ bố cháu mãi được đâu. Vấn đề sớm muộn thôi. Vớt đứa “xấu” nhưng chết rồi lên chỉ làm cho đảng thêm tiếng đoàn kết, trọng hiền tài. Vài ba lần Bùi Sơn thắc mắc không biết sao sau này ông Sáu Thọ rất hay hỏi thêm bố cháu về Cụ Hồ. Bố cháu đều bảo các điều tôi biết về Bác tôi đã nói hết với anh rồi. Tôi bỗng thầm nghĩ: A, thế ra vẫn sưu tầm tư liệu về Cụ Hồ. Và nhớ đến Nguyễn Trung Thành từng nói với Kiến Giang đầu những năm 80: Anh Sáu Thọ như trời như biển, anh ấy nắm cả hồ sơ lý lịch Bác. Chưa là Tổng bí thư nhưng có khác nào Tổng bí thư. Hồ sơ lý lịch càng dầy dấu vết thì bàn tay khống chế, thao túng bộ máy càng dễ tung hoành. Ta nắm tổ chấy các người rồi mà! Bùi Sơn hay buồn rầu nói tới tình bạn của bố anh với Bùi Công Trừng. Hai gia đình thân thiết lắm, con cái coi nhau như anh chị em ruột, hai nhà gần như ngày ngày gặp nhau. (Tôi đùa chẳng thế Tây đánh số tù hai người liền nhau, ra toà cũng lần lượt kẻ trước người sau). Thế rồi cuối đời hai ông lại ốm và nằm Việt-Xô cùng nhà A1. Nhưng không tìm nhau. Mỗi khi ở phòng bệnh bố cháu đi ra, cháu đều thấy bác Trừng nấp sau khe cửa nhòm. Sau mới hiểu là bác ấy muốn xem bệnh tình bố cháu qua vẻ mặt cháu. Hôm bố cháu chết, phớt hết, chỉ mình bác Trừng nhào sang, phục xuống giường ôm lấy bố cháu khóc ghê quá.

– Chắc nhớ lại từ những ngày ở Paris, ở Côn Đảo, tôi nói.

Bụng nghĩ Trừng yêu thương bạn thân thiết thời xưa như thế nhưng không chịu được những cái lăng nhăng của đảng. Ông là người phê bình Cụ Hồ đã lập ra quan hệ bác – cháu trong đảng cộng sản. Và báo trước “cứ môi môi răng răng lắm cớ ngày răng nó cắn đứt hết mồi”. Cũng từng phản đối chính sách lương thực là chính, học theo dĩ lương vi cương, lấy lương thực làm cương lĩnh của Trung Quốc. Theo ông, căn cứ thổ nhưỡng trồng cây công nghiệp mà xuất khẩu được lời nhiều gấp bội lúa rồi đem lãi ấy mà mua lương thực. Cái “lấy lương thực làm cương lĩnh” đã đẻ ra phong trào “không để người chết chiếm mất đất của người sống” ở Trung Quốc. Là sao? Là dọn sạch các bãi tha ma đi để lấy đất làm nông nghiệp. Là như ở ta phá đàn Nam Giao để lấy đất trồng sắn! Có thể hiểu là không để cho vết tích phong kiến chiếm mất đất nuôi dân. Giống Kỳ Vân và một số anh em xét lại, Trừng không tán thành hợp tác hoá nông nghiệp. Bùi Công Trừng lén mò sang khóc trộm Bùi Lâm được vì Ban tổ chức trung ương chưa hay. Bùi Công Trừng chết, Ban tổ chức trung ương có lệnh chỉ được làm tang ở trong phạm vi gia đình, cấm ngoại thuỷ không ai được dự. Đã có lúc tôi định bảo Bùi Sơn: Thế ra ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đã nói lên được một sự thật cộng sản “chớ nghe cộng sản nói, hãy xem cộng sản làm”. Nhưng không nói vì không muốn khoét sâu nỗi buồn của Bùi Sơn. Và cũng vì câu này thì nay ai cũng thuộc lòng hết cả rồi. Không biết chỉ có hoạ là giống ăn cơm chúa múa tối ngày. Nhân việc Bùi Sơn nhờ, tôi đã có mấy kết luận nhỏ. Đó là: 1. Báo chí thuộc địa được tự do bênh cộng sản. 2. Các đồng chí chí cốt luôn có khả năng biến thành phản bội, thù địch của nhau. 3. Và các lãnh đạo lớp đàn em, khi các vị Bùi Công Trừng, Bùi Lâm bí mật hoạt động thì dái mới bằng cái đầu đũa nhưng nay quyền to đến thế và lợi lớn đến mức choáng mất tầm nhìn nên đã quên đi tất cả. Ôi chao, đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, xoá bỏ giai cấp, giải phóng loài người nhưng chủ nghĩa chúng ta kiên định lập trường, không cho tội phạm Bùi Công Trừng ôm khóc Bùi Lâm.

Ba nhận xét trên kia khiến tôi đưa việc Bùi Son nhờ tôi viết hồi ký cho bố thành một chương ở đây. Tạm coi như chương nói đến chuyện đảng đền đáp, yêu thương các bậc lão thành cách mạng ra sao. Xin cộng nó với cái đoạn về toa- lét của Lê Giản mà tôi nói đến ở một chương khác.