Chương 26

Tôi quen ba người dạy tiếng Anh và tôi muốn nói tới các anh như những người từng chịu hẩm hiu lúc đất nước sập cửa lại với thế giới, tiếng Anh bị miệt thị. Thật ra chả phải chỉ tiếng Anh mà là bất cứ tiếng nói của kẻ thù nào. Chị P. T. M., dạy tiếng Trung Quốc ở Đại học Sư phạm đã ngồi làm thường trực mãi ở cống trường cho tới khi Trung Quốc hết là thù mới lên truyền hình dạy lại. Ông Nghĩa dạy tiếng Trung Quốc ở Cao đẳng sư phạm Hà Nội thì đi làm bảo vệ. Khi đánh xét lại, các giáo viên tiếng Nga nghỉ dài dài. Đầu tiên nói tới Đặng Chấn Liêu. Cùng tội “xét lại”. Treo giò, mất chức chủ nhiệm khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm. Liêu cho hay hồi ấy chả ai thiết cái thứ tiếng phản động này. Nhiều phụ huynh thấy con “bị” phân vào khoa Anh ngữ đã kiện anh: “Gia đình tôi thành phần cốt cán lại thêm cơ sở cách mạng mà đi bắt con tôi học tiếng Anh là sai nguyên tắc!” Hoặc: “Con tôi thành tích học như thế sao lại đưa nó vào khoa tiếng Anh?” Liêu ở Pháp làm viên chức của Liên Hợp Quốc. Theo Cụ Hồ kêu gọi, anh về nước và bị Hoàng Văn Hoan nghi là tình báo Anh. Số là khi qua Thái hồi hương, anh gặp một người bạn nói đang hộ tống một lão thành cách mạng hiện thiếu áo rét. Liêu biếu luôn chiếc áo khoác len sang trọng, lông lạc đà. Người bạn hẹn Liêu sáng sau đến khách sạn để lão thành cách mạng cảm ơn và trò chuyện. Y hẹn đến. Lão thành cách mạng nằm quay mặt vào tường vờ ngủ. Người bạn cho biết vì vị này nghi Liêu tình báo Anh (ở Anh lâu quá!) Áo không làm gián điệp được nên lão thành nhận. Run rủi sao trong công việc Liêu hay gần gụi vị lão thành. Một lần anh theo Cụ Hồ đi các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Nam Tư, Chủ tịch Tito tự lái xe đưa Cụ Hồ và Hoàng Văn Hoan đi. Lái nhanh như gió, bất chấp đường núi, cua gấp tay áo. Sau lần thử gan mật dựng tóc gáy đầu tiên, Hoan bảo Cụ Hồ đừng đi xe Tito lái nữa. Cụ bảo: Chú sợ thì chú đi xe khác. Hoan đổi xe luôn. Phòng xa rủi Bác làm sao thì có người thay, Liêu nói. Một chiều 2 tháng 9, hình như 1977, đạp xe về cơ quan, tôi gặp Liêu đạp xe ngược lại. Mũ đi rừng trắng, ti-sớt trắng, giày te-nít trắng và bí tất trắng, Liêu vẫy tôi dừng lại. Chúng tôi ghếch chân chuyện trò dưới những hàng cờ tíu tít trong các tán lá xanh dọc con đường ven hồ chính thu. “Nhân ngày Độc lập long trọng, mình vừa gửi cho Phạm Văn Đồng cái thư. Cảm ơn thủ tướng mười năm trước đã chỉ thị cho Đại học Sư phạm tăng lương tôì và nay tôi vừa mới được vinh dự hưởng lương… nổ chậm, đùa với ông chứ không viết thế”, Liêu nói.

– Nổ bao nhiêu, tôi hỏi? – Tám đồng bọ. Thế là mười năm qua mỗi năm tăng tám hìu lương. Với Trung Quốc ông ấy lại xộp. Nhận chủ quyền biển đảo ngọt ghê.

– Ừ nhỉ! Nếu còn Liên Hợp Quốc thì nay làm gì?

Liêu cười cười.

– Có thể đại sứ không, tôi hỏi?

– Ô, mà có khi đại sứ ở Việt Nam. Chết, như thế thì lúc ấy Phạm Vãn Đồng lại tặng huy chương vì gì này nọ và cảm ơn đại sứ đã giúp Việt Nam. – Kèm một tranh sơn mài Chùa một cột treo ba ngày là vênh, Liêu đùa theo.

Tôi không thế quên một trưa đầu tháng 8-1967, ở chỗ Nguyễn Đức Thuận K15 về, tới giữa đường Thanh Niên, gặp Chấn Liêu đi xe máy Liên Xô ngược lên đê Yên Phụ, khéo là đến Mỹ Điền ở đầu dốc. Liêu giữ tay bảo tôi dừng. Rồi ghé tận tai, giọng thú vị: May quá, cái luận văn chống giáo điều của Mình Việt để ở nhà Phạm Viết không việc gì… (Nhưng rồi công an đã ngang đường bắt Ngọc Lan, vợ Viết và Lan đã phải nộp cái gọi là Cương lĩnh chống đảng). Một cái gì nghe như tình đồng đội thấy ở trong Khải hoàn môn của Erich Maria Remarque (nhà văn Đức – BT) Xưa có những tối Chấn Liêu, Minh Việt và tôi cùng đến nhà Phạm Viết hay nhà Vũ Đình Huỳnh, những buổi trò chuyện nhẹ nhàng mà ấn tượng sâu sắc. Bác sĩ bệnh viện Việt-Xô ngờ tôi xơ gan, Liêu một sáng chủ nhật dẫn tôi tới nhờ Tôn Thất Tùng khám giúp. Tùng nắn một lúc xong thoi một cái khá mạnh vào bụng tôi, đệm một câu chửi khá tục (vợ ông lắc đầu cuời), nói: Tốt, nhưng anh đừng bảo là tôi chửi chúng nó nhé. Tôi nhớ một câu Liêu nói: Chúng mình nhìn người bằng con mắt thân thiện vì chúng mình cảnh giác trước tiên với cái xấu ở trong bản thân; còn họ, tự nhận là cách mạng cao quý, họ luôn cảnh giác với người khác để kịp thời giáo dục, uốn nắn. Họ với chúng ta cơ bản ngược giò nhau, họ bắt buộc phải tự khẳng định vai trò lãnh đạo, dạy dỗ chúng ta. Cái mặc cảm ưu việt này tất dẫn tới đòi dân phải có mặc cảm tự ti với họ. Mặc cảm tự ti này là dấu hiệu dân tin tường đảng, yếu tố hàng dẫu của thắng lợi, khốn nạn thế đấy.

Sau 1975, Vũ Đình Huỳnh và Liêu vào Sài Gòn đã rủ nhau “đi dzô dzô nam”. Đang chuẩn bị thì Liêu ngã bệnh. Bụng to tướng, Vào nằm bệnh biện Việt-Xô. Tôi tới thăm. Liêu nhắm mắt ngủ. Vợ anh khoe hôm qua anh uống thang thuốc bắc đầu tiên, bụng xẹp ngay. Mừng quá, tôi xoa xoa trán anh. Anh mở mắt, cười như mếu và nước mắt từ từ chảy ra. Ngoài cửa số phòng bệnh, bên kia đường thấy sườn đê sông Hồng mới mọc, tôi thầm nghĩ hôm nào rủ Liêu dạo chơi. Nhưng hôm sau Liêu vĩnh biệt tất cả.

Người thứ hai là Mỹ Điền. Học ở Anh từ 1947-48. Liên hệ với Đảng cộng sản Anh nhưng không vào. Vào thì quá dễ: ở góc dưới mỗi tờ Công nhân Nhật báo (The Daily Worker) đều có in sẵn đơn gia nhập: chỉ cãn điền tên tuổi và ký vào ô đó rồi gửi cho toà soạn là anh đang lêu bêu liền hoá thành linh hôn của thợ thuyền Anh. Mỹ Điền lập Hội sinh viên yêu nước và là hội trưởng.

Sau Điện Biên Phủ về nước, anh theo Ung Văn Khiêm, thứ trưởng ngoại giao đến chào bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Trong chuyện trò, Đồng dặn Khiêm chú ý để Mỹ Điền sinh hoạt chi bộ. Nhưng rồi chả ai nhắc tới, có lẽ thấy anh không bập. Sớm ngán thế cuộc, bắt đầu từ đọc báo cáo mật của Khrushchev trên báo Le Monde, Mỹ Điền trở thành một trong hai ba trung tâm lan, yến, kỳ hoa dị vật ở Hà Nội những năm 60, khi thú chơi này bị coi là “tư sản, đồi truỵ” rồi bị cấm. Minh hoạ đúng cho câu thơ của Bertolt Brecht “Thời thế gì / Mà nói đến cỏ cây”. Cũng như đã phạm vào tội ác. Hết chiến tranh về ngay Nam, cùng bác sĩ Dương Quỳnh Hoa tậu mỗi người năm nghìn mét vuông đất cạnh nhau ở Thảo Điền, sát sông Sài Gòn, đêm ngày nghe chuyện sóng. Đào ao mương, đắp đồi ụ, cất nhà sàn, sưu tập thân cây lũa anh rình vớt trên sông. Cả khu rừng thông thống không tường rào, không một viên gạch hòn ngói và toàn lối mòn giữa cỏ hoa. Trong không gian chăm chút hoang vu kiểu Anh này, hoa các màu trên mặt đất nom như một tấm toan không có khung của Monet (Claude Monet, Danh hoạ Pháp – BT). Nền bếp đất nện, mái bếp dừa nước. Anh từng có thời chăng lưới kín các ngọn cây thả chim, câu vắt qua lạch qua mương bằng tre, tay vịn là tre uốn xuống. Ngôi nhà sàn tựa vào quả đòi nhân tạo, Trên mái lấp lánh mấy mảng: pin mặt trời bạn bè bên Anh tặng. “Chả ai thích dùng tôi, Mỹ Điền nói… Đúng hơn là mình chẳng thích dùng mình cho ai”.

Tôi biết đằng sau câu này là cả một kinh lịch gập ghềnh. Anh thấy quá nhiều cái xấu – đối với trí thức – và mớ hành trang nặng mùi rác người ấy đã khiến anh chọn cho khu nhà cái tên Thanh Phong Các, Gác Gió Trong Xanh. Bây giờ anh thiền ít nhất mỗi ngày hai ba giờ. Sáng ra sông bơi ngửa “thuỷ thiền” có khi trôi xa hơn cây số. Tám mươi hơn tuổi đời. Nhưng Tết ta thể nào anh cũng xe buýt xe lam đến thăm gia đình Ung Văn Khiêm. Anh đã cho tôi hiểu rõ hơn Ung Văn Khiêm. Một lân, sau khi Khiêm “sinh hoạt đảng lại”, Mỹ Điền đưa mấy đại sứ cũ tới thăm cựu bộ trưởng ngoại giao, Khiêm đã nói: Lúc tôi khó khăn, đảng viên chỉ có anh Tô Ký và ngoài đảng thì vợ chồng anh Mỹ Điền thường ngày đến thăm tôi.

Vừa ở Anh về, Mỹ Điền đi Cải cách ruộng đất ở Thái Bình. Mẹ anh trong Nam là địa chủ, một cán bộ trong đội anh bảo anh từ nay phải gọi mẹ là “con địa chủ”. Anh phản đối gay gắt thì chiều được lệnh về gấp Hà Nội. Đã chợn. Hoá ra được mời dạy tiếng Anh cho một số Thanh niên xung phong trung kiên – trong đó có Nguyễn Di Niên – để chuẩn bị tiếp xúc với uỷ ban Quốc tế Giám sát Đình chiến. Sau này làm bộ trưởng, Nguyễn Di Niên đã hứa sẽ thăm thày. Tết, một người của Bộ ngoại giao đến đưa cho Mỹ Điền quà biếu của bộ trưởng – một phong bì đựng một triệu đồng. Mỹ Điền tới bưu điện gửi bảo đảm trả lại nói tôi là người biết đủ, xin cảm ơn. (Thêm một chút: Bố mẹ anh đã được Chính quyền Ngô Đình Diệm cải cách điền địa, trưng mua với giá tử tế, gọi là truất hữu và không bị gọi là con này con nọ. Mẹ anh hoạt động bí mật ở Sài Gòn, giúp nhiều tiền cho Mặt trận Giải phóng, có khi bằng chính tiền ông Diệm mua lại ruộng đất của cụ). Sau khi Alvarez, phi công Mỹ bị bắn rơi đầu tiên ở vịnh Hạ Long, quân đội mời Mỹ Điền làm việc. Hứa đưa anh sang quân đội nhưng nhận mấy anh học trò của anh rồi thì người ta lờ. Có sao đâu, anh nói. Người ta từng mời tôi vào đảng để ra lại nước ngoài hoạt động nhưng tôi từ chối mà. Tôi không có hạp với thứ việc đó (À, trong bốn nữ sinh Đặng Chấn Liêu giới thiệu cho Cục tình báo lúc đó thì một người nay là viện trưởng Viện nghiên cứu tổng hợp của Tổng cục tình báo). Mấy bạn của Mỹ Điền ở Anh về làm bộ trưởng cho Sài Gòn. Có người hỏi thì anh nói xách cặp cho Cụ Hồ là thích rồi.

Đặng Chấn Liêu về khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm trong dịp đảng chuẩn bị đánh Mỹ. Quản không xuể, Liêu mời Mỹ Điền sang. Mỹ Điền sang thì nghe ngay mấy giáo viên do Trung Quốc đào tạo và đang nắm trọng trách ở trường nói trước tất cả các giáo sinh: 90% kiến thức của đám người được phương Tây đào tạo là sai, 10% còn lại thì là cố tình xuyên tạc.

Muốn bỏ đi ngay nhưng thương Chấn Liêu nặng gánh, Mỹ Điền ở lại. Gặp anh trong một buổi chiêu đãi quốc tế tất niên, Nguyễn Khánh Toàn bảo anh: Mấy cha cường hào nói bậy, anh giận là phải nhưng tôi xin anh ở lại và sẽ chỉ làm việc với tôi. Anh đáp: Thưa, chưa có chuyện giáo viên làm việc trực tiếp với bộ thứ trưởng bao giờ cả.

Mỹ Điền thỉnh thoảng lại kể cho tôi nghe về một nhân vật nào đỏ. Một lần anh hỏi tôi có biết Ngô Mạnh không? Tôi nói Ngô Mạnh như một quả núi sừng sững giấu mặt ở An toàn khu với các tác phẩm hàng ngày của ông ta là bản Ba Tê Giê viết tắt ba chữ TTTG tin tức thế giới, bản tin nhanh hình thành từ những ngày đầu kháng chiến theo chỉ dẫn của cụ Hồ. Rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, Quốc tế ngữ, làm việc cực kỳ chuyên cần, cắm chốt ngày đêm bên mấy cái máy thu thanh rồi tai nghe, tay tốc ký, thu lại đầy đủ gần như toàn bộ mạch đập của thế giới vào hai ba trang giấy toàn viết tắt tiếng Pháp cgvt alg là chính phủ Algeria, cbt achné à 30 kms N-E Hnoi là chiến đẩu ác liệt ở 30 cây số Đông Bắc Hà Nội, 13 sdts frs tués là 13 lính Pháp chết…) trình lên cho lãnh đạo cao nhất nắm hiểu, ông là người có nhiều độc giả nhất và độc giả cao sang nhất nước này. Nhưng bị vết đi lính cho Nhật. A, thế là ông biết khá rồi đấy, Mỹ Điền bảo tôi. Mạnh vốn là sĩ quan quân báo cao cấp của Nhật, có xe và lính bảo vệ cơ mà. Sau 1945, được Cụ Tôn đưa ra Bắc và làm việc ở văn phòng Phạm Văn Đồng, ở Paris, Đồng và Mạnh đã “tam cố thảo lư”, ba lần gặp Trần Đức Tliảo vận động về giúp nước. Khi Thảo qua Luân Đôn để về theo ngả Liên Xô, Trung Quốc, tôi đã đón tiếp và bố trí chỗ ăn ở mấy ngày. Rồi Thảo vè nước thành ra tên phản động, ông biết quá rõ đấy… Nhưng tồi muốn nói cái kết của Ngô Mạnh. Trước hết chuyện con chó của Ngô Mạnh chết. Chó chết thì hết chuyện chứ? Không! Con chó của Ngô Mạnh là của Bác Hồ cho. Bác yêu Mạnh mà. Mạnh giúp Bác thấy rõ thế giới mà. Chẳng may nó chết. Ngô Mạnh chôn cất chu đáo nhưng anh em trong cơ quan lại bật mồ nó lên để… nhựa mận. Ngô Mạnh cố nhiên không chịu. Tranh cãi tới tai Phạm Văn Đồng. Đồng ra lệnh chôn lại con chó xuống. Xem đấy, thủ tướng rất trọng hiền tài. Tài thật chứ! Năm 1964, ai là người báo trước Mỹ sẽ ném bom trả miếng ta đánh tàu Maddox để ta đề phòng trả đũa sớm được? Ngô Mạnh. Mạnh nghe đài Úc lúc 11 giờ trưa, khi các quan viên Bộ ngoại giao đã đũa bát kéo sang đầy nhà ãn ở Chu Văn An. Nhưng tài liền với tai ương một vần. Người ta nghi. Sao Mạnh biết sớm và chính xác thế? (Ai dám bênh anh mà nói chẳng qua nhờ ở cái múi giờ chênh nhau mà Mỹ lúc ấy hễ đánh thì đều báo trước?) Vậy thì hắn vẫn liên hệ với tình báo Nhật! Ngô Mạnh liền bị bật khỏi Bộ ngoại giao về Thông tấn xã.

Đến lúc này, các đấng bề trên không màng đến nữa. Bác Hồ lặng lẽ gửi Mạnh một hộp xúc xích Tiệp. (Tôi hỏi Mỹ Điền: Là suất của Cụ hay Cụ lấy ở đâu?) Bác phải ý tứ chứ nhưng thời khan hiếm, một chút thịt là một chia tay hay hơn lời lẽ. Thông tấn xă không mặn mà với “gián điệp” dù là nghi vấn! Đặng Chấn Liêu bèn đón Mạnh về Đại học Sư phạm làm công đoàn. Quen một cơ sở thực phẩm quốc doanh gần hồ Thuyền Quang, Ngô Mạnh lo đều đặn lòng lợn, huyết heo cho giáo sinh trong khoa. Không giúp được trí tuệ thì giúp ruột phèo vậy. Về hưu, Ngô Mạnh vào Sài Gòn. Tình cờ chiếu X quang thấy phổi mờ hết, Mạnh bèn vào nằm ở Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân cũ – BT) nhưng người ta mắng anh lẻn vào Chủ nhật khi họ lơi lỏng thủ tục. Ngô Mạnh bảo con gái tìm Mỹ Điền. Hỏi han cụ thể, Mỹ Điền bảo Ngô Mạnh về nhà, đằng nào cũng chết nhưng đỡ bị mắng mỏ. Mỹ Điền hỏi tôi:

– Ông có biết trước khi Ngỏ Mạnh chết chừng mười ngày, hôm nào cũng có một cha cố đến giải tội, xức dầu thánh cho Ngô Mạnh không?

À, thì ra anh ta đi đạo. Khổ, cái thân đã làm cho Nhật mà lại phạm Gia Tô Giáo nữa thì ai người ta cho tham gia cứu nước? Đành bỏ đạo và giấu biệt. Theo đảng thỉ phải chịu xảy đàn tan nghé thôi. Tàn đời trở lại đạo, với Chúa. Không gửi cho Mạnh xúc xích Rô-ma, cũng không bới vết Mạnh đã theo cộng sản vô thần ra để trù, Chúa vẫn phái đại diện đến nâng dắt anh ở những bước xiêu vẹo cuối cùng. Nếu Chúa cảnh giác nghi anh là gián điệp cộng sản chui vào Nhà Chúa? Ở lớp chính huấn xác định lập trường giai cấp chống địa chủ năm 1953 mở cho trí thức và cán bộ cao cấp ở ATK an toàn khu, Cụ Hồ đến nói Đảng ta không có kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Tôi nghe mà hơi lạ tai. Ừ, sao Đảng lại có thể vắt chanh bỏ vỏ được. Thì ra Cụ đang nhằm nói với các trí thức cũ quen đọc sách báo của đế quốc phản động vu cáo chính sách cán bộ của đảng vô sản.

Mỹ Điền kể một trí thức Trà Vinh học ở Pháp là Phạm Trung Tương, làm cò cảnh sát. Liên hệ với Việt Minh, lúc sắp tổng khởi nghĩa, Tương cho cảnh sát nghỉ ba ngày, súng ống để cả ở trong đồn rồi ông mở cửa cho Việt Minh vào chiếm ngọt sớt. Tham gia kháng chiến, ra Bắc tập kết rồi thất nghiệp vì lý lịch bẩn: cảnh sát trưởng của Pháp. Mỹ Điền nhờ Ung Văn Khiêm. Khiêm bảo đưa Tương về Nhà xuất bàn ngoại văn dịch sách cùng Phan Hiền. Sau 1975, về lại quê, không thẻ đảng bị địa phương thành kiến, cắt điện, sống tối om, bệnh viện từ chối chữa. Ba đào hết nước. Một hôm Ba Duẩn về Trà Vinh nói chuyện với trí thức. Trên bục nhìn xuống thấy một bộ mặt quen quen, Tổng bí thư bèn đi xuống rồi túm tay Tương nói với hội nghị: Người con ưu tú của miền Nam đây! Tối hôm ấy điện lập tức sáng trưng nhà Tương và hôm sau bệnh viện đến nói từ nay luôn có một phòng bệnh dành cho bác, bác muốn đến nằm lúc nào tuỳ. Ở ta để cho dân chủ khắp được có lẽ phải cân vài chục nghìn Tổng bí thư toả đi các nơi thu nhặt hiền tài bị bỏ xó vì không quen Tổng bí thư để cho nhà có điện. Mỹ Điền nay vẫn thắc mắc tại sao hai ông thày dạy văn anh rất yêu ở trường Pétrus Ký là Phạm Thiều và Nguyễn Văn Nho lại tự sát. Phạm Thiều đã là quan chức ngoại giao và rồi treo cổ chết. Nguyễn Văn Nho có bốn con trai: hai sĩ quan quân đội Cộng sản, hai sĩ quan quân đội Quốc gia nhưng ông mò ra Bắc sống với hai đứa con vinh quang. Chả hiểu sao rồi ông lên xe lửa, khi qua một cây cầu ở bắc Hà Nội, ông gieo mình xuống sông. Con “nguỵ” không ngăn được chân bố, con “cách mạng” không giữ nổi mạng bố. Lúc Trần Đức Thảo chăn bò trên Ba Vì, Mỹ Điền đã chính tai nghe Phạm Văn Đồng bảo bà Nhất, vợ Thảo: “Chị hãy chịu khó lên Ba Vì khuyên anh ấy gắng cải tạo tốt tư tưởng…” Tôi thầm hỏi sao không nghĩ vì cái gì mà ở Paris Thảo tốt để Đồng phải “tam cố thảo lư” thế rồi về nước đã có Đồng lại thêm Cụ Hồ nữa lại hoá ra xấu? Ở các nước chuyện Thào chăn bò báo chí nó bêu lên cho phải biết là xấu hổ. Xấu hổ quá chứ! Vô ơn, vắt cam bỏ vỏ. Chỉ cho ghi nhớ công lao bản thân Đảng thôi, kỷ niệm, học tập thì thòm, hết đợt này lại sang đợt khác, dân thở không kịp.

Một lần Mỹ Điền hỏi tôi có biết bà Frida Cook không? À, bà là đảng viên cộng sản Anh lâu năm, sang giúp ta đào tạo nhiều thày cô giáo. Sau 1975, bà sang lại ta, vào Sài Gòn, bảo tôi chỉ muốn xem một thứ hiếm; trại cải tạo. Đến cổng trại, gặp ngay một cụ già. Hỏi cụ sao vào đây? “Dạ, tôi là viên chức nguỵ”. Hỏi tuổi thì đáp ngoài 70. Bà Cook kêu lên: “Ôi, tôi nghe giới thiệu thì toàn những là ác ôn…!” Khi ta chiếm Campuchia, bà gửi trả lạí ta các thứ huân huy chương, bằng khen, mọi vinh quang Đảng và Nhà nước ta cho bà. “Tôi từ lâu đã ngửi thấy ở họ một cái gì…“, bà nói. Tôi bảo Mỹ Điền: Bà ấy không biết cả chục năm trước an ninh ta đã bảo với Ngọc Lan, vợ Phạm Viết rằng bà ấy là gián điệp Anh sang ta phá hoại, Nhà nước gắn huân chương cho mụ ấy cốt để che mắt và mò phá tuyến của mụ ấy.

Tôi nhiều lần bảo Mỹ Điền hãy viết một tập truyện như Sử ký Tư Mã Thiên về con đường đi từ tin yêu đến tỉnh ngộ và bị ruồng bỏ của trí thức hay con đường cam quít bị bội bạc, vắt cam bỏ vỏ. Mỹ Điền cười: Để làm gì? Họ sửa sai à? Họ sửa thì đã không phải là họ. Hỗn xược cộng sản mà, có coi ai ra gì đâu.

Gần đây, Mỹ Điền bảo tôi: Tôi đã ở trong quân đội Bình Xuyên sau Cách mạng tháng 8. Tôi cũng đã ở nội phủ cộng sản. Tôi thấy sao? Nội phủ phần lớn hoạn quan. Bình Xuyên thì dân anh chị. Phải công bằng mà nói là dân anh chị lại quân tử, nói là giữ lời. Hoạn quan thì không à nha. À, có cái này… dịch cho các ông lớn, đủ hết các ông lớn, tôi rất lạ là nhiều ông (có nói tên) cứ nói dăm ba hồi là lạc đề có chết không? (Tôi nói: “Xơ cứng động mạch não”).

Tháng 9-2009, Mỹ Điền chết. Trước đó mười lăm ngày tôi đến thì anh bảo ngay: Tôi đi mất đấy… Không ngờ đúng thế. Quá nhanh. Tôi đề vòng hoa phúng đặt ở chợ Bến Thành: “Lê Trọng Nghĩa, Phan Thế Vấn, Trần Đĩnh thương nhớ Mỹ Điền, người thích sống với cỏ hoa, sông nước và lặng lẽ”. Anh tâm nguyện làm những khu vườn giống hệt như lúc chưa có giống người trên quả đất này. Khấn ở bàn thờ anh xong, tôi ra vườn, cỏ cao ngang hông roi. Nhà sàn trên sông u ám… Tự nhiên tôi chợt thấy lại sương khói Tiền Đường – bọt nước vỡ tung dưng dưng dưới nắng – nhìn từ đỉnh tháp Lục Hoà.

Hè 1955, bị cấm yêu và phải “cắt đứt” với Hồng Linh, tôi đi chơi Thượng Hải, Hàng Châu, Tây Hồ, Thái Hồ… hết sức buồn, buồn đến mức tưởng nhắm mắt lại thì cả phần xác lẫn phần hồn tôi sẽ lìa thoát tất cả, rất nhẹ nhàng êm ả. Ở cửa sông Tiền Đường, tôi leo lên tới tầng tháp trên cùng, vắng âm u và hẹp, ngỡ sẽ được hưởng hết nỗi côi cút và nhìn thấy Hồng Linh lúc ấy đang nghỉ hè ở Bắc Đới Hà, Sơn Đông. Không ai hiểu nổi được mối liên quan quanh co kỳ lạ của cảm xúc. Trước khi Linh chết mấy tháng, ở xế chợ Bến Thành (tồi đặt vòng hoa cho Mỹ Điền ở đây) Mỹ Điền biếu Linh một lọ nước hoa. “Bạn bè bên Pháp vừa cho. Mẹ tôi, chị tôi đều chết ung thư, lúc ấy cần cái thứ này, tôi hiểu lắm, tôi…”

Cuối cùng Bùi Ý. Một dạo anh hay lượn hồ với tôi, tay xóc xóc chiếc lọ penicillin đựng ít nityroglycerin phòng cơn đau chắt từng đánh anh quỵ mê man mấy ngày. Tôi cho Bùi Ý mượn Nhà lễ của bố tôi (In My Father’s Court) của Isaac Bashevis Singer, nhà văn Mỹ gốc Do thái, giải Nobel như Saul Bellow. Mượn và anh khất lần. Tôi ngỡ anh đánh mất. Không! Anh thú thật: Tôi mê nhà văn này quá, anh cho tôí được giữ lâu lâu. Thế này… tôi lấy trong đó ra các khoá văn cho học trò tiếng Anh của tôi. Tôi hy vọng dùng ngôn ngữ mở ra cho chúng thấy được cái tinh tế của hồn người, cái chất yêu thương tràn ngập của con người. Nhưng anh đã quàng vai tôi nói khẽ: Mình giấu học sinh đây là nhà văn Mỹ. Đang ghét Mỹ mà lại cho học thằng Mỹ, lại là thằng Mỹ được Nobel ư? Tôi khó quên cái giọng Bùi Ý cố giữ thì thào một chiều lượn hồ. Anh kể chuyện một hôm em gái anh bị thương hàn phải vào bệnh viện Saint Paul. Anh điện báo cho bố anh làm quan ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Tan tầm chiều, bố anh lên xe về, Xe đến quãng đường sắt cắt đường số 5, dưới ga Như Quỳnh cầu Ghênh một tí, bố anh đang mơ màng ngủ chợt nghe tiếng gọi. Một người con gái quần áo trắng toát đứng vẫy vẫy ở ngay trước mũi xe. Cụ vội đập vai anh tài và anh ta giật mình vừa đủ kịp cho xe chúi xuống mấy thửa ruộng cạn ven đường, tránh sát sườn một đoàn xe lửa từ Hải Phòng lên rầm rầm lao qua. Tới bệnh viện, cụ hỏi ngay anh em chúng tôi: “Em mất rồi?” “Vâng”. “Em chết giờ ấy phút ấy?” “Vâng”. “Em cứu sống bố…“ Hình như bố tôi có kể chuyện này với Thạch Lam. Chuyện này tôi ít kể lại. Sợ. Mê tín dị đoan mà! Hồn con gái cứu bố này, quan lại này, rồi nằm nhà thương bà Xơ này. Này, bọn mình gọi hồn cụ mấy lần, cụ về đều nói đúng hết. Như cụ bảo chị cả nhà này hà tiện cúng ông bằng chân giò…

– Nhưng ông sợ gì, tôi hỏi?

– Sự cõi âm huyền bí luôn theo sát ta xem cái bụng dạ ta ăn ở tốt hay xấu. Sợ cõi dương gian ngày ngày thọc vào mọi xó xỉnh đời sống ta để xem bụng dạ ta tin nó ít hay nhiều. Thế đấy, thế giới chưa thấy chống môi trường sợ nhỉ…

– Thì đòi dân chủ, nhân quyền đấy, tôi nói.

Bùi Ý quàng vai tôi, một ngón tay khẽ nhấn vào chỗ xương vai tôi trồi lên. Một lúc khẽ nói: Ngày xưa ghét Trung Quốc mà tổ tiên cũng cấm dân dùng chữ Hán thì nay chúng ta nói năng sao? – Không nói hoa mà nói gioọc, mí mì ca lăng gioọc, không có hoa nào cả, tiếng Tày đấy… – Thế ghét Pháp mà cấm chủng đậu và tiêm phòng bệnh? – Thì dân mặt rỗ gioọc và chân khèo. Bại liệt cũng là chữ Tàu. Lần này vẫn chỗ xương vai ấy Bùi Ý nhấn khá mạnh, tôi như bị điện giật. Sau đó tôi theo anh về nhà lấy chồng sách anh nhờ tôi sắp vào Sài Gòn mang hộ vào cho anh của anh.