Chương 2

Hàng tuần, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trưởng ban quốc tế kiêm phụ trách Thư viện đều đặn đến Thư viện nói tình hình. Một thời gian dài chỉ mấy vấn đề quẩn quanh mà nghe không nhàm bởi nó vẽ ra một đối nghịch giữa cái xấu hoành hành và sự kháng cự yếu ớt của Đảng. Chẳng hạn “bạn” (Khơ-me Đỏ) quấy rối như cơm bữa ở biên giới, “nhưng cứ yên tâm, anh Lê Duẩn vừa bí mật gặp đông chí Saloth Sar, tức Pol Pot, Tổng bí thư đảng bạn. Đồng chí nói sẽ trị những địa phương làm láo, còn đảng bạn cam kết trước sau vẫn nâng niu tình hữu nghị trong sáng, mẫu mực thuỷ chung Việt – Miên – Lào, nền tảng thắng lợi của ba nước anh em”. Lúc ấy tôi cũng nuốt phải miếng an thần do Tổng bí thư đứng ra bảo lĩnh này. (Thật ra cả Pol Pot lẫn “bạn” Sihanouk đều có thích gì ta!)

Sihanouk đã nói với Mỹ: Chúng tôi không muốn có bất cứ một người Việt Nam nào ở Campuchia, chúng tôi rất vui nếu các ông giúp chúng tôi đẩy được Việt Cộng ra khỏi đất nước. Nên hồi B52 Mỹ ném bom căn cứ ta ở Campuchia, Sihanouk họp báo nói: Người và trâu bò chúng tôi yên lành thì tố cáo gì?

Sau vụ “bạn” láo, đến nạn tham nhũng như ruồi ở ta. Nguyễn Hữu Chỉnh thuật lại lời “một anh” – giấu tên mà thường là Duẩn hay Sáu Thọ, Phạm Văn Đồng – nói: “chính quyền cộng sản mà tham nhũng nghiêm trọng đến mức này thì thật là đáng xấu hổ”. Cho nên Đảng chủ trương các báo, nhất là báo Nhân Dân sẽ phải ra vài ba bài xã luận sâu sắc, tiếp theo là một loạt bài lý luận chỉ ra rằng ở chế độ ta với cơ chế đảng lãnh đạo, quan hệ sàn xuất xã hội chủ nghĩa và ý thức phân biệt đúng sai hết sức sắc bén của dân thì không thế có đất nào cho tham nhũng nảy nở và hoành hành.

Quả nhiên ra Nghị quyết 228 chống tham nhũng.

Dân liền sắc bén, vè luôn:

Hai trăm hai tám chẳng dám đánh ai
Có đánh thì nhè đánh từ vai trở xuống…

Dân quê Bác đặt cho đường phố có trụ sở tình uỷ Nghệ Tĩnh là đường Cần Hai Hai Tám. Đồn rằng Bác báo mộng cho dân bầy choa xui gọi thế.

Một thời gian sau, toàn thế cán bộ, đảng viên học Nghị quyết trung ương lần thứ tư Khoá tư. Đến đây tình hình tham nhũng đã thành ai oán ngâm khúc như sau: 24 thứ trưởng – tức là từ vai – bị đình chỉ công tác vì tham nhũng, chín tướng từ trung tướng trở xuống – tức là từ vai – dính tham nhũng, 4.000 người cấp vụ, tất cả mọi thường vụ tinh uỷ đều bị, nay chỉ còn chờ rà soát xem có cá nhân nào không mắc phải mà thôi. Cuối cùng 90% đảng bộ xã tham nhũng. Lúc hoà bình vốn liếng có hơn 12 tỷ đô la, 3 tì vốn có, ba tỉ chiến lợi phẩm (bán vũ khỉ,) 3 tỉ vay mà chả làm nên được cái gì. “Vào túi chúng nó cả”.

– Là túi ai? Tôi hỏi.

Chỉnh lắc. Tôi lại hỏi:

– Nói ý thức phân biệt sai trái của dân sắc bén lắm mà dân lại không biết vào túi ai?

Chỉnh cười nửa bí hiểm nửa châm biếm.

Đấy là năm 1977. Năm 1985, được đề bạt thành “quốc nạn” và “giặc nội xâm”, tham nhũng xuất hiện trên biểu ngữ dọc các đường phố. Còn 20 năm sau, thế kỷ 21, thì ở trong top 20 nước tham nhũng nhất thế giới. “Nội xâm” đã thành “quốc nhục”, cố nhiên chỉ nhục cho những ai có tổ quốc và biết nhục. Ronald Moreau viết trên Newsweek ngày 2-5- 2005: “Đe doạ lớn nhất hiện nay đối với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là tham nhũng”. Vì tham nhũng Việt Nam mất 2 tỉ đô la trong 10 tỉ đồ la đầu tư mỗi năm. Một nhà ngoại giao phương Tây nói: “Bất cứ ai hễ đã là một ai đó ở nước này thì đều tham nhũng”. Việt Nam bét hạng về minh bạch – cái gì cũng là bí mật phải giấu – cho nên thành thánh địa của tham nhũng.

***

Trở lại năm 1977, ở Thư viện tờ báo, hàng tuần tôi nghe Chỉnh phổ biến tình hình.

Lúc ấy đảng vừa đổi tiền, dân ngã ngửa ra là mình đã bị Nhà nước móc túi xơi không vô tội vạ món tư hữu còm.

Theo Nguyễn Hữu Chỉnh, thủ đô nghèo nhất: Chỉ có ba nhà đổi tới 10.000 đồng. (Chú thích: đồng rưỡi một sủi cảo Hàng Giầy tức là nhà giàu nhất xoi được khoảng 6666 bát!) Trong 3 nhà Vương Khải, Thạch Sùng Hà Nội thì một đạp xế lô. Về số tiền đổi tuyệt đối, Hà Nội thua Hải Phòng, Nghệ An. Chỗ này dân giải thích: Hài Phòng giàu vì là trùm buôn lậu, Nghệ An quê Bác thì chúa thằn lằn buôn thuốc phiện, ma tuý. Hà Nội bét, chỉ có ba nhà đổi 10.000 đồng là vì nó sát Trung ương, được mật báo sớm nên đã tráo hết tiền ra thành hàng hoá, vàng bạc.

Tiếp sau đổi tiền đến Nghị quyết 08-NQ/TW về công tác của Hà Nội, mục đích là phải mau chóng lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phân phối lưu thông, tiếp tục cải tạo và sắp xếp lại các thành phân kinh tể phi xã hội chủ nghĩa. Một cao trào “quản lý hành chính” – tên mật là Z30 – nổ ra rẫm trời Hà Nội ngày 3-5-1983 nhằm đánh sập bọn “giàu bất chính”, tịch thu nhà cửa tài sản của chúng, cắm chắc lại ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đã chớm lung lay. Muốn biết bất chính hay không cứ xem có ba thứ ti vi, tủ lạnh, Honda hay không, có là “khám ngay nhà cho tao”. Nhà hai tầng mới xây cứ việc lấy.

Trong số “tư sản mới” bị tước trắng nhà có phở Thuốc Bắc, phở Hải Bằng, phở Cường (trong hai năm mà phở Cường tậu ngôi nhà 11.000 đồng) và một Vua Lốp. Khám nhà Thái Văn Như, phố Hàng Khoai tìm ra hơn hai chục nghìn đồng không đổi. Giấu trồng đồng Ngọc Lũ trong thùng mùn cưa, Nguyễn Đình Chúc buôn đồ cổ có 7 xe đạp phần lớn là Peugeot, 2 ti vi, 2 tủ lạnh. Hà Nội đã lục soát 225 hộ phần lớn là thương nghiệp. Có nhà những 3 máy dệt len, 3 máy khâu, 2 máy bơm mỡ (nguồn thu nhập lớn: bơm mỡ một xe hơi giá những 10 đồng). Nguyễn Thị Nhị, kế toán trưởng cửa hàng ăn uống Chợ Mơ tàng trữ 3 kg mì bột, 70 kg mì sợi, 2 va li vải, 1 bao bột nở, 20 kg đường, 6 xe đạp, 5 tivi và một sổ tiết kiệm 12.000 đồng. Báo vạch trần: “Đời sống tội lỗi của chúng (bọn nhà giàu) là có toa lét lát đá hoa, nuôi chó béc-giê, có Honda, tivi…”

Tổng kết cuộc đổi tiền cho hay nông dân quá ít tiền. 10% không có gì để đổi. Trong khi chủ nhiệm hợp tác xã ở Cổ Loa có 47.000 đồng. Thấm nhuần lời Bác dạy, dân đã tổng kết rất sớm: Xã viên làm việc bằng hai, Để cho chủ nhiệm mua đài, tậu xe. Xã viên làm việc bằng ba, Đế cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân.

Về các đối tượng chính trị thì Nhà thờ lớn Hà Nội đổi 73.000 đồng và Nhà thờ Cửa Bắc, 84.000 đồng. Một mình Cha Mai đổi 43.000 đồng. Đại sứ quán của bành trướng Bắc Kinh đổi 110.000 đồng. Nó huỷ tiền là cái chắc! Để giữ bí mật ngân sách mua tay chân và quấy rối. Sứ quán Liên Xô không ra Ngân hàng Ngoại thương mà đổi hơn 140.000 đồng tại quầy như dân, ông anh theo tác phong Lê-ni-nít thâm nhập cuộc sống bình đẳng như thế đấy. (Tôi đùa hỏi Chỉnh: “Trước Nghị quyết 9 ông cũng ca ngợi như thế thì phải?”}

“Kiểm tra hành chính” nghe đâu do Trần Quốc Hương thiết kế. Đánh phá bọn giàu “bất chính” này là tín hiệu cảnh cáo Sài Gòn, nơi mà người ta “vừa đặt chân lên Tân Sơn Nhất đã ngửi thấy “sặc mùi Nam Tư” – tức là kinh tế thị trường. Theo Ung Văn Khiêm thì Thành uỷ Sài Gòn nhất định phải tẩy đi hai tay chân của Sáu Thọ là Trần Quốc Hương và Mai Chí Thọ. Ra Hà Nội, Mười Hương bèn trả miếng Sài Gòn.

Nhân kiểm tra hành chính, xã luận báo Nhân Dân ca ngợi Hà Nội là ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Lại có bài bóng gió Sài Gòn theo tư bản. Hà Hoa bảo tôi chị ở Hà Nội vào đó công tác đã bị Nguyễn Văn Linh, Bí thư Sài Gòn chất vấn báo Nhân Dân ám chỉ ai đi theo đường tư bản đây?

Nguyễn Khắc Viện cũng gửi lên Duẩn đề cương chống xu hướng tư bản ở miền Nam. Theo Viện, nó có năm nhân tố thúc đẩy là đế quốc bên ngoài chưa từ bỏ mộng trở lại, tư sản mại bản trong nước, cán bộ thoái hoá sa đoạ và phần tử lưu manh, V. V.

Chắc có đọc sớ triệt mầm tư bản của Viện dâng, Trần Đức Thảo một bữa lẳng lặng đưa tôi một tờ báo Pháp cũ: Anh xem cái này! Bài báo Viện viết năm 1942-43 ở Paris ca ngợi chủ nghĩa quốc xã của Hitler. Viện giúp nhiều sinh viên Việt Nam lúc ấy mất học bổng của Pháp – Pháp đầu hàng Hitler mà – sang học Đức quốc xã. Hitler có cấp học bổng cho họ không thì tôi không biết.

Tóm lại cả nước khốn khổ vì cuộc ra quân đánh phá mầm mống chủ nghĩa tư bản để củng cố trận địa xã hội chủ nghĩa đang có dấu hiệu lung lay.

Một tối đi bộ với Minh Việt, Lê Đạt, tôi nói: Chủ nghĩa tư bản mà con gái giai cấp công nhân 14 tuổi không phải đánh đĩ nuôi em và bố mẹ, tôi ủng hộ; còn chủ nghĩa xã hội mà con gái giai cấp cóng nhân vú vừa gai gạo đã đứng đường đón khách cán bộ bán thân đổi lấy tem phiếu thì tôi phản đối.

Phạm Phú Bằng vừa kế cho tôi chuyện anh đến thăm nhà một chị làm điếm. Người rất tử tế, – Bằng nói. Bằng đến, thấy ba đứa trẻ gầy còm chơi dưới đất, ở một góc phòng ông bố chồng già ốm nằm đó. Cô gọi chồng ra. Mất sức lao động vì bị tai nạn lao động, tiền trợ cấp nuôi không đù miệng mình tôi, anh chồng nói với Bằng, câ nhà này biết mẹ chúng nó công tác ngoài giờ như thế nào cả.

Ông bố già yếu ớt nói:

– Dạ, cháu nó nói đúng, tôi xin chứng nhận ạ…

Tôi ân hận đã không hỏi Bằng sáu con mắt trẻ thơ lúc ấy nom ra sao.

***

Ở Thư viện toà báo, không được làm gì, tôi chỉ đọc sách báo. Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đang quá hay. Hơn cả Time, Newsweek, Le Nouvel Observateur, Le Point. v.v. tôi vốn quen thuộc.

Một cuộc càn quét sâu rộng tư tưởng Mao. Đặng Tiểu Bình, “Khroutchev thứ hai của Trung Quốc”, hạ bệ toàn bộ tư tưởng Mao bằng khẩu hiệu “thực tiễn là thước đo chân lý”. Những gì xưa này đảng coi là chân lý như lời dạy của Mao, như chủ nghĩa Mác – Lê nhưng làm cho đất nước đói nghèo, lạc hậu, huynh đệ tương tàn thì thiêng liêng đến đâu cũng vứt! Tôi hơi ghen với dân Trung Quốc. Ít nhất họ đã thấy được mặt mũi can phạm gây nên thảm trạng. Cùng với tư tưởng Mao, Đặng phá tan luôn bộ máy Mao. Nhân sự mới toàn là những nạn nhân của Mao, từ Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương… những người vẫn còn trên người vết gông cùm và kim ấn tội đồ “xét lại, phái hữu, đi đường lối tư bản”.

Với tôi, ấn tượng hết sức sâu sắc là Đặng mở phong trào chiêu tuyết, trả lại danh dự cho những người bị tù đày, bị hành hạ trong các vụ mà người Trung Quốc gọi là “án oan, án giả, án sai”.

Báo Trung Quốc ngày ngày đưa tin khôi phục danh dự và quyền lợi cho các nhà văn bị đánh chết hay tố tội. Triệu Thụ Lý sinh thời có bao nhiêu nhuận bút đều cúng đảng mà nay ngắc ngoải chờ chết không được phép vào bệnh viện; Lão Xá bị đánh chết rồi vứt ở ven một cái hồ. Người ta gọi vợ ông đến. Bà giơ tay toan lật tấm vải che mặt ông thì bị đẩy ra: Xem có phải giầy nó không thôi! – Dạ, phải. – Khiêng nó đi!

Hơn các văn nghệ sĩ khác, Tào Ngu được ở lại đơn vị quen thuộc của ông: gác cửa và lau chùi, quét dọn cái nhà hát vẫn diễn Lôi Vũ và Nhật Xuất. Đinh Linh hơn hai chục năm “cải tạo” mịt mù rồi được tha, rồi nằm hoài bệnh viện, rồi đi thăm Mỹ. Lúc ấy bên đó đảng bồi dưỡng cắn bộ cao cấp bằng cách cho sang chơi Hoa Kỳ (Việt Nam thì lão thành cách mạng được đến thăm quê hương Lê-nin). Cùng Ngải Thanh, nhà thơ nổi tiếng nhất nhì Trung Quốc cận đại, Hồ Phong, tù lưu cữu vì chống Mao Chủ tịch (và đầu độc Trần Dần thành Nhân văn được minh oan, ra làm cố vấn Bộ văn hoá, tiền bồi thường danh dự cùng lương truy lĩnh quá là nhiều.

Những bài báo khiến tôi vừa đọc vừa cay mắt.

Sáng hôm đọc tin Hồ Phong nhận vô số kể tiền bồi thường danh dự, tôi đến Trần Dần. Giống thần hổ thờ trong xó tối, Dần dang ngồi lặng như tờ ở góc tường. “Này – tôi nói – cách mạng lẫn phản động Việt Nam đều nhất nhất học Trung Quốc, cậu học Hồ Phong đấy. Thế nhưng nay Hồ Phong được chiêu tuyết thì cậu lại không được cho học theo”.

– Quyết đánh cho nhân cách mất đến cả lai quần thì sao biết học cái tử tế? – Dần hỏi.

Trở lại sửa sai long trời lở đất của Đặng, về kinh tế, giai cấp tư sản bị cải tạo nói chung đều được bồi hoàn. Đại tư sản Vinh Nghị Nhân được mời ra làm một tổ chức tiền thân của Sở chứng khoán Thượng Hải. Khách sạn Ái Quần mười mấy tầng tôi đã ở tại Quảng Chân về lại tay con gái chủ cũ. Nhà nước đã chi 300 triệu nhân dân tệ để tu sửa nhung không đòi lại, coi là tiền thuê của gia đình bấy lâu. Lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu rằng Đặng có cho châu về Hợp Phố – nghĩa là sòng phẳng, minh bạch nhận sai xin sửa và công nhận quyền sở hữu tư nhân như thế giới yêu cầu – thì Hoa kiều cùng tư bản lớn nước ngoài mới tin cậy mà ào ạt rót đô la vào. Đặng có minh oan xoá án chính trị thì trí thức Hoa kiều mới răm rầm hiến kế góp tài.

Đúng là có một thứ cộng sản mang màu sắc Trung Quốc. Nghĩa là mượn quy luật kinh tế tư bản, riêng một góc trời, không đấu tranh giai cấp, không đàn đúm phe để đánh đế quốc tư bản mà trái lại còn dựa hết lòng vào chúng. Time đăng ảnh đường Bund Thượng Hải ban đêm đỏ rực chữ Coca Cola trên đỉnh một dẫy cột đèn dài dặc và chú thích Đông phương lại hồng. Đông phương hồng là bài hát ca ngợi Mao Trạch Đông. Coca Cola với âm Trung Quốc Khả Khẩu Khả Lạc (Hợp miệng thì được vui) đã đỏ chói chang sánh vai cùng hồng với Mao Trạch Đông luôn.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình mở một hội nghị trí thức toàn quốc. Mời hơn 80 giáo sư, nhà khoa học Mỹ gốc Hoa, nhiều người là chủ nhiệm khoa của các đại học Mỹ. Đặng lên tự phê bình cái sai căn bản của đảng là coi thường trí thức, từ nay sửa, coi trí thức là trong giai cấp công nhân, lãnh đạo đất nước. (Nhờ đó Việt Nam sẽ có tam tam chế mới là công – nông – trí! Và 2007 Bắc Kinh đề ra tam nông – nông nghiệp, nông thôn, nông dân – Việt Cộng cũng tam nông luôn. Nhưng tam tài của Pháp và tam vạch của Sài Gòn thì hê đứt!)

Nhận thấy đối nội của Đặng hay nhưng tôi vẫn có chút ngờ. Vì đối sách với Liên Xô của Đặng. Có thể hữu hảo với Mỹ – tốt lắm, tôi hoan nghênh – nhưng sao lại cứ phải công kích Liên Xô? Tôi không hiểu có làm thế Đặng mới triệt được nọc bạo lực truyền thống ở trong đảng ông, mới khiến thế giới tin rằng ông đích thực là thứ cộng sản văn minh, hoà nhã, không đấu tranh giai cấp, khác với “đế xã” Liên Xô và “tiểu bá” Việt Nam mà nay Bắc Kinh kịch liệt lên án hàng ngày. Tôi càng không hiểu ông chủ trương thu mình lại để chờ ngày đủ nanh vuốt sẽ vồ.

Vồ ai? Việt Nam đầu tiên. Đặng rất hận mà. Gặp phó tổng thống Mỹ Mondale cùng Richard Holbrooke, Đặng mách Mỹ cẩn thận với Việt Nam vì Việt Nam “bội bạc”, chúa thay thầy đối bạn. Đặng báo trước Tổng thống Jimmy Carter là sắp cho Việt Nam “bài học”. Carter đã can Trung Quốc đừng đánh Việt Nam, hay nhất là ép Việt Nam rút khỏi Campuchia chứ không xúi thêm vào để đục nước béo cò. Đặng chết, Holbrooke viết một hài về Đặng có nhắc đến chuyện này.

Khi Trung Quốc đánh sang sáu tỉnh biên giới, 1979, tôi ngờ ngợ có lẽ Bắc Kinh muốn qua đó thanh mình với Mỹ rằng Bắc Kinh không xui Hà Nội xé hiệp định Paris, vi phạm lời Mao cam kết ngừng can thiệp vào Đông Nam Á. Cho đến khi nghe Hoàng Tú nói thì tôi bắt đầu nhận ra vấn đề hơn.

Hoàng Tú kể với tôi rằng đang là đại sứ Việt Nam ở Cộng hoà Dân chủ Đức thì “giải phóng miền Nam” anh phải chiêu đãi mừng. Khi anh đến mời đại sứ Trung Quốc nâng cốc thì ông ta vờ không thấy, quay đi. Tú bèn đến mời đại sứ Bắc Triều Tiên, ông này trước khi quay đi còn gõ gót giầy đánh cốp như nhà binh vậy. Nghe nói đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội không dự chiêu đãi. Còn bắn tin các ông giải phóng nước người khác thì sao lại mừng nhỉ?

Thảo nào báo Việt Nam vẽ Đặng là chú lùn đội mũ cao bồi, đeo súng lục ổ quay “nịnh hót”, “bự đỡ” Mỹ. Không thấy Bắc Kinh nhận ra sớm rằng muốn giàu có là phải dựa vào Mỹ. Mỹ là khoa học hiện đại. Mỹ là một kho khôn, kho tiền, kho tài. Lúc ấy ai – cả tôi – tin là Mỹ sẽ giúp cho Trung Quốc vọt lên nhanh đến thế?

Nhờ Đảng ta bịt kín mít thông tin, dân không biết đổi mới đi hai chân là vở sáng tạo độc đáo của Đặng. Cũng không biết 1990, lãnh đạo Đảng sang Thành Đô đã đề nghị kẻ thù bị bêu vào Hiến Pháp (Hiến Pháp thời 1990 ghi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam – BT) cho sống lại thời hai anh em một lòng đánh “cọp giấy” hay là quay về vở phên giậu quen thuộc cũ để hy vọng giữ cái ghế đặc quyền của đảng được vững chắc.

Kiều Đệ, thương binh, trưởng thư viện, một hôm hỏi sao tôi lại nói môi răng là quan hệ thiên triều – hầu quốc.

– Đúng, tôi nói, thiên triều cần phên giậu che chắn, nay thì gọi là tiền đồn.

Anh nhìn tôi, bán tín bán nghi. Cuối cùng khẽ hỏi:

– Thế Nhật có là môi răng không?

– Có, cả Nhật, Cao Ly. Nhưng Nhật nó đi viện thẩm mỹ gắn lưỡi lê vào môi rồi quay lại xâm lược. Ta thì tưởng giữ được hàm răng đen là thắng nó rồi.