Chương 48

Mỗi nghề đều có chuyên môn của nó. Cái chuyên môn quấn thuốc lá này nghe chừng hợp với hắn. Trước tiên là nhẹ nhàng. Và ở trong nhà. Không phải phơi mặt ra ngoài đường. Qua từng cân thuốc lá, hắn học tập, đi sâu vào nghề nghiệp. Và thấy thú vị. Thú vị vì kiếm được tiền là chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cái hay. Từ cách căng giấy trên bàn quấn, điều chỉnh điếu thuốc to, nhỏ tuỳ theo thời điểm khan thuốc hay ế thuốc, tới việc dùng hai bàn tay vặn vặn, tãi cả xếp giấy, tờ nọ so le tờ kia thành một hình van vát mà phết hồ, mỗi tờ giấy mỏng tang và nhỏ xíu chỉ dính một đường hồ nhỏ, thẳng như kẻ chỉ. Rồi bốc thuốc. Hắn đã đạt trình độ điêu luyện. Cho tay vào đống thuốc rứt một cái đưa lên bàn quấn là vừa một điếu thuốc. Không thừa. Không thiếu. Hắn quấn. Ngọc quấy hồ, ngồi cắt hai đầu điếu thuốc, xếp ra hộp. Cửa đóng kín mít. Ngọn đèn sáng… Căn phòng hoàn toàn yên lặng. ôi, hạnh phúc là như thế này đây! Ngày Noél năm ấy (thời đó còn nghỉ Noél) lũ trẻ về quê với ông bà, vợ chồng hắn phải ở lại làm mê mải vì có hai đám cưới đặt thuốc (do cô Miên nhận cho). Một nghìn điếu tất cả. Một ki-lô thuốc. Hắn quấn như máy. Chỉ nghe tiếng que hàn lăn trên bàn quấn. Và tiếng kéo lách cách của Ngọc cắt đầu điếu thuốc. Rồi Ngọc, áo bông xo ro, bịt khăn tu hú đi chợ mua tim gan lợn về xào. Như những ngày hắn có nhuận bút. Lũ trẻ về quê hết. Chỉ còn họ với nhau. ăn. Nhìn nhau. Giống như những ngày xưa. Hắn biết Ngọc đang hạnh phúc. Không kìm giữ được trong lòng, Ngọc bảo hắn lúc cơm xong, hai vợ chồng ngồi uống nước:

– Ước gì cứ như thế này mãi, anh nhỉ?

Hắn kéo Ngọc về phía hắn. Người Ngọc toả ra toàn mùi thuốc lá. Ngọc dụi dụi vào vai hắn. Im lặng. Chỉ có ngọn đèn toả sáng ấm áp trong căn phòng đóng kín các cửa tránh gió mùa và vợ chồng hắn.

Đây vừa là quá khứ trở về, vừa là khát vọng tương lai. Lẽ ra em không nên gắn bó với anh. Và cuộc đời em đã rẽ khác rồi. Rút cuộc anh chỉ là người đem đau khổ đến cho những người mình yêu quý. Bố mẹ, vợ con… Hắn vuốt tóc nàng và muốn nâng mật Ngọc lên mà nhìn vào gương mặt ấy, nhưng Ngọc cứ ép chặt vào vai hắn. Hắn hơi ngờ ngợ. Điều phỏng đoán của hắn là đúng: Khi lấy hai tay nâng đầu Ngọc dậy, hắn thấy gò má nàng đầm nước mắt. Ngọc vội lấy khăn lau mặt và nói như người có lỗi:

– Em đi rửa bát nhé. Anh cứ nghỉ một lát hãy cuộn.

Hắn không nghỉ. Hắn cuộn. Hắn lấy một điếu thuốc phế phẩm (làm hàng săng, chết bó chiếu) ra hút. Và gại giấy phết hồ…

Có rất nhiều loại giấy, cũng như có rất nhiều loại thuốc. Thuốc Lạng Sơn. Thuốc Hà Bắc. Sợi nâu. Sợi vàng. Giấy có gân ngang. Giấy không có gân. Giấy mậu dịch là tốt nhất. Gân nổi. Rất rõ. Hắn nói về loại giấy “vua chiến trường” ấy là gân cốt nổi lên ầm ầm. Điếu thuốc đẹp. Giao dễ. Nhưng đắt. Nói theo cách nói của các giám đốc bây giờ là giá thành đội lên. Khó giao. Phổ biến là giấy Trung Quốc. Giấy Hồng Đăng là loại giấy kém nhất. Không có gân. Tàn đen cứ ôm lấy điếu thuốc. Kông chịu tan vụn đi. Giấy Sơn Thuỷ tốt hơn. Có gân. Trắng. Tuy còn lâu mới bằng giấy cuốn những điếu Tam Thanh, Nhị Thanh, Trường Sơn, Hoàn Kiếm… (những điếu này vạch gân ngang điếu thuốc rõ làm sao. Và trắng. Trắng như trứng gà bóc. Kỹ thuật cuộn thuốc bao gồm mấy công đoạn.

Thứ nhất là sao thuốc. Hắn đặt cái chậu nhôm hoặc mâm nhôm lên trên bếp dầu vặn nhỏ lửa, cho thuốc vào đảo. Đảo bằng tay. Lấy tay ấn nắm thuốc xuống đáy chậu hoặc mâm, vét cho hết thuốc vụn đọng ở dưới lật lên phía trên, kẻo thuốc cháy. Thuốc mua về thường bị ẩm. (Cho nặng cân, lại dễ nén, dễ giấu, không bị vụn gẫy). Khi sao, hơi thuốc bốc đầy nhà nồng nặc. Rồi phun rượu hoà lẫn với nước cam thảo, nhưng căn bản phải có ít đường hoá học, cho ngọt môi, ngọt khói và ngọt lưỡi. Hắn không gọi là sao tẩm. Hắn nói với Bình là Aromatiser. Thuốc đã aromatisé ủ hôm trước, hôm sau mở ra mùi như mùi nho. Đúng “gout Virginia!”

Khó khăn nhất trong việc cuộn thuốc không phải là sản xuất mà là tiêu thụ. Hàng nước nào cũng có thuốc lá cuộn cả rồi. Như bố hắn nói “Đố nào vào ngàm ấy cả rồi”. Ôi! Lòng người cha già thương con xót cháu chỉ nói được có vậy, khi thằng Hiệp mang thuốc lá về làng giao cho mấy bà bán quà vặt ở đầu chợ mà cũng khó khăn. Ông thương hắn, thương thằng cháu trai còn bé mà đã phải nai ra kiếm sống. Hắn mang túi thuốc đi lang thang ngoài phố, rụt rè và đỏ mặt hỏi các chủ hàng nước. Cái khổ là hàng nước nào cũng có vài thanh niên rỗi việc ngồi lê la. Họ cứ nhìn cả vào hắn. Mà nào có bán được cho cam. Người ta lắc đầu. Người ta bảo còn, và đã có chỗ lấy rồi.

Bình phải đi với hắn. Đến những hàng nước Bình quen. Cũng không hơn. Bình lại rủ hắn vào quán cà- phê quen thuộc ngày xưa. Ông bà chủ quán nhìn hắn. hình như muốn hỏi điều gì, lại thôi. Hắn ngồi uống cà -phê. Ông chủ quán kéo ghế ngồi bên. Và khi Bình nói về công việc hắn làm, ông sốt sắng:

– Để tôi giao họ một ít. Mấy bà bán nước quanh đây này. Họ vẫn lấy đấy.

Hắn như mở cờ…

Hôm sau hắn lên tiệm cà-phê theo lời hẹn, nhận tiền và đưa thêm thuốc. Cái nghề “giao hàng” (danh từ của thằng Dương) bao giờ cũng phải nhận tiền sau. Ông chủ tiệm cà-phê đưa hắn ra gặp bà hàng nước cạnh đó để!hai người trực tiếp!. Hắn đưa thuốc cho bà được mấy lần, thì một lần bà nhất định không chịu trả tiền trăm thuốc hắn giao hôm trước. Hẳn là bà quên. Bà quên, chứ bà không định ăn quỵt của hắn, ăn xít của hắn. Bà nhớ rành rành đã trả tiền cho hắn. Hắn đỏ mặt lên, thì thầm với bà:

– Chưa. Bà nhớ nhầm đấy. Bà đã đưa cho tôi đâu.

Thế là bà mất bình tĩnh. Vì hắn đã coi thường trí nhớ của bà, hắn định đòi tiền bà những hai lần. Bà thét lên:

– Tôi nói cho anh nhé. Tôi giả tiền nhà anh từ hôm qua rồi. Anh nhớ lại đi. Không ai thèm lấy của nhà anh mấy đồng bạc đâu.

– Anh ăn nói lạ nhỉ? Tôi đưa tiền cho anh ở chỗ này.

Những người thợ chữa xe đạp, đám khách đang ngồi uống nước, cô bán bánh bao quay nhìn vào hắn. Hắn muốn nói với bà: “Bà nhầm. Tôi nhớ. Tôi chỉ giao cho mỗi mình bà. Bà đưa, tôi nhớ. Không. Bà chưa đưa cho tôi”. Nhưng bà đâu có ý định nghe.

Bà tiếp tục:

– Nể ông cà-phê tôi lấy thuốc cho anh, chứ tôi vẫn có chỗ rồi. Ai ngờ lôi thôi thế này.

Hắn xách cái túi đựng thuốc lá cuộn, quay ra, cảm thấy mình là tên lừa đảo, là một thằng ăn cắp.

Đó là kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc sống bám lấy vỉa hè của hắn. Cùng với một kỷ niệm nữa: Thằng cháu Côn, con anh Chân có một tút thuốc Tam Thanh. Dạo ấy đang khan thuốc. Hắn vay, đem bán để có thêm tiền đưa Ngọc. Hắn mang ra vỉa hè. Hắn đòi 22 (đồng), tuy giá gốc có bốn đồng. Người ta giả 20, hắn đồng ý. Tút thuốc được chuyển qua tay mấy người, mỗi người mấy bao. Họ trả tiền chỉ có mười đồng. Hắn ngơ ngác và phẫn nộ:

– Trả lại thuốc cho tôi. Các bà mua bán kiểu gì đấy?

Thế là một cô bán hàng thét lên:

– Giá mậu dịch bốn đồng, người ta giả mười đồng, còn gì nữa? ăn gì mà ăn lắm thế? Cũng phải để mỗi người một tý chứ?

Một cô khác cong cớn chỉ vào mặt hắn:

– Trông mẽ cũng biết là được phân phối cơ quan đây. Bòn hàng nhà nước được thế, chứ còn được đến đâu nữa

Mọi người lại nhìn cả vào mặt hắn. Và những bao thuốc của hắn đã biến mất dưới những vỉ, những rổ rá… Hắn cúi mặt như người phạm pháp, như người ăn cắp bị bắt quả tang… Hắn lỉnh nhanh khỏi chỗ ấy, còn nghe tiếng dè bỉu sau lưng: “Lại quen ai ký giấy phân phối đây”, “lại moi được ở chỗ nào đây”…

Dạo ấy hắn đã biết áp dụng cơ chế thị trường, biết cách tiếp thị sau một thời gian cuộn thuốc. Hắn thực hiện giảm giá, bán thấp hơn giá thị trường. Những cân thuốc đầu tiên không lấy lãi. Người ta giao bốn đồng (một trăm), hắn giao ba đồng rưỡi, ba đồng. Giấy Sơn Thủy đàng hoàng. Để nguyên khổ giấy cho điếu thuốc dài. Không xén ngắn như những người khác. Rồi lại nối giấy, cuốn những điếu dài gấp đôi mời những ông chủ quán. Bên mua, bên bán mỗi người một điếu thuốc lênh khênh trên miệng. Hắn đã chen được vào mấy hàng nước quanh nhà hắn. Hắn đạp xe về nông thôn, qua phà để mở rộng mối hàng. Cái lần giao hàng có cu Dương, hắn mua cho con hai hào củ ấu của bà hàng nước phố Kỳ Đồng. Đó là món quà đầu tiên hắn mua cho nó từ khi nó sinh ra, từ khi hắn đi tù về. Món quà đầu tiên thằng Dương nhận từ tay bố. Thằng bé mắt sáng lên, nhưng không cắn được vỏ ấu dày. Hắn phải lấy răng cắn hai đầi gai nhọn và tách sẵn cho con. Hai bố con ngồi vỉa hè, hắn uống nước chè chén và nhìn con ăn ấu”. Con chịu quá nhiều thiệt thòi so với các anh chị con, nhưng bố chỉ đền bù được có vậy thôi”. Hắn phủi phủi những vụn củ ấu trắng rơi trên áo bông thằng bé. Nó chẳng biết bố nghĩ gì. Nó thích được đi giao hàng. Có củ ấu cũng thích. Không có cũng thích. Nó thích được ngồi sau xe đạp, đi phố với bố. Cứ thấy bố lục thùng sàt tây lấy ra những bó thuốc đã cuộn cho vào túi, nó lại sán đến năn nỉ:

– Bố đi giao hàng đấy hở? Cho con đi với.

Chữ “giao hàng” thông dụng trong nhà là nhờ nó.

Công việc nghe chừng thuận lợi. Sau khi “đố đã vào ngàm! hắn mới nâng giá thuốc. Hắn chỉ cần năm nhà lấy thuốc thôi là mỗi ngày cũng được một, hai trăm thuốc. Đã thành quy luật, cứ gần Tết là khan thuốc. Lúc đó thả sức giao. Thả sức cuộn. Bình, Thao cũng cuộn. Sang nhà Thao cũng thấy Bình aromatiser, nghĩa là phun phì phì cả rượu cả nước bọt vào đám thuốc đã sao.

Thao bàn đi mua thuốc vụn của nhà máy thuốc lá Thăng Long độn vào giữa điếu thuốc. Và xén ngắn.

Thằng Hiệp cuộn thuốc tới khuya. Hắn phải thuê đóng thêm cầu (Giang không còn tự do để hắn nhờ nữa). Nó cuộn dẻo tay, nhanh hơn hắn. Nhưng thằng bé cố tình quấn lỏng để đỡ tốn thuốc. Ngọc phải lấy tăm nhồi thêm thuốc vào những điếu quá lỏng. Hắn giơ những điếu thuốc lỏng ấy lên không, soi soi một lúc và kết luận:

– Không khí thì nhiều mà thuốc thì ít.

Cả nhà cười vang. Đó là câu nói của những du kích Tây Ban Nha nói về điếu thuốc lá Robert Jordan mời họ trong tiểu thuyết của Hemingway.

– Chặt chặt tý nữa, Hiệp ạ.

Ngọc vừa cắt điếu thuốc vừa bảo nó. Nó cuộn tới khuya. Không có cả thì giờ học bài. Nó cuộn như vậy cho tới năm cấp ba. Hắn cũng không hiểu nó học vào lúc nào mà vẫn nhất nhì lớp. Lại là lớp chọn. Được đăng cả bài giải những bài toán khó trên báo “Toán học và tuổi trẻ “ ở Hà Nội. Không những thế báo còn đăng đề toán của nó nghĩ ra nữa. Có lẽ nó học trên đường đi tới trường. Như hắn hồi chống Pháp. Đến lớp nó ngáp. Ngáp nhiều. Cúi đầu ngáp để thầy cô không biết. Bạn bè bảo nó:

– Thằng này thiếu ô-xy.