Chương 19

Sớm hôm sau, hắn ra Bến Nứa. Trong túi hắn rủng rỉnh tiền. Anh chị Diệu cho. Một xe ca đã đông người ngồi. Và ở bậc lên xuống người đứng vòng quanh anh ét.

Hắn sấn đến. Hắn lách vào. Nhiều người làm như hắn, tiền cầm sàn trên tay, nhưng anh ét không thèm nhận tiền của ai. Anh mắng những hành khách già bằng tuổi bố mẹ anh như mắng con anh vậy.

– Hết vé rồi. Khổ lắm nữa.

– Đã bảo. Không tin thì cứ đứng đến mai.

Mọi người tản ra, buồn rầu. Nhớ đến chuyến xe tù trại về đây, hắn rút tờ lệnh tha ra. Quên cả xấu hổ nhục nhã, hắn ấp úng.

– Báo cáo anh, tôi mới ở tù ra. Tôi mới được tha.., năm năm…

– Đã bảo là hết mà. Tù thì tù, nhưng cũng phải còn chỗ chứ!

Tuy anh ta nói thế nhưng hắn vẫn thấy có người lên xe. Sau này, khi đi buôn thuốc lá, hắn hoàn toàn hiểu bọn tài ét ấy. Chỉ cần đàng hoàng bước lên xe, không vé, ngồi vào ghế và khi người ét đeo kính râm, còn trẻ nhưng đã để ria mép đến, thì đưa cho anh ta gấp đôi, gấp ba số tiền vé với vẻ mặt thản nhiên, từng trải là được.

Hắn nuốt hận vì người ta cho hắn biết: Cả ngày hôm ấy chỉ có một chuyến ô-tô duy nhất. Tàu hỏa cũng không có. Hắn không bịa đâu. Hắn có thể nói rõ ngày hôm đó. Lấy ngày hắn được tha cộng thêm hai ngày nữa: Ngày 05-4-1973. Ngày hôm đó ở Hà Nội gặp những ai, nói chuyện những gì hắn không nhớ. Hắn chỉ nghĩ đến vợ con. Một ngày hôm ấy chắc chắn dài hơn bất kỳ một ngày tù nào khác.

Hắn giở bộ quần áo tù cho anh chị Diệu xem. Cái màu quần áo xám nhợt, lâm thâm mốc đen vì mồ hôi, chữ số đỏ trước ngực, sau lưng, dưới gối, cái màu ấy ở trong tù còn khả dĩ, chứ ở ngoài đời trông quá thể. Hắn mặc bộ quần áo ấy vào. Hắn đứng giữa nhà, cười hồn nhiên:

– Trong tù đúng là thế này đây, anh chị ạ.

Chị Diệu rơm rớm nước mắt, gắt lên.

– Thôi, chú cởi ra đi.

Anh Diệu lắc đầu:

– Trông sợ quá. Cứ như Jean Valjean đang ở trong nhà.

Chị Diệu thở dài:

– Khiếp. Trong ấy người nào người ấy đều như thế cả. Hàng nghìn người…

Hắn muốn nói với anh chị: Cái chính là cái vẻ mặt của những người tù cơ. ở đây em không còn bị tù nữa nên vẻ mặt em không đại diện cho ai cả…

Hắn nghĩ hắn đã có lại nụ cười, có lại sự phản xạ trên nét mặt. ít nhất là sau hai ngày tự do nó cũng linh hoạt hơn nét mặt ông Quân trực trại.

Hắn đã đúng. Nhưng hắn không ngờ xóa được nét mặt tù đâu phải dễ. Cái dấu ấn còn để lại lâu. Rất lâu. Nó in vào hắn cho đến tận cuối đời, cho đến lúc chết như đóng bằng sắt nung đỏ. Điều ấy thật đúng như vậy. Chẳng hạn như hắn luôn tự bảo mình là người không có tội, không việc gì phải xấu hổ với mọi người. ấy thế mà cái ý thức cùng đinh mạt hạng mà hắn luôn phủ nhận cứ tồn tại trong hắn, cái dáng người khép nép, ngồi đâu cũng cố thu nhỏ lại vĩnh viễn là dáng ngồi của hắn. Và cho đến tận những năm cuối đời, hắn còn phát hiện ra mình có một thói quen nữa: Thói quen gãi tai khi nói chuyện với người khác, dù bất cứ ai. Gãi tai cả khi nói chuyện với con mình. Thói quen kỳ cục ấy hình thành từ những tháng năm tù tội và định hình trong chuỗi ngày dằng dặc tiếp theo – những ngày hậu tù – mà hắn không hay. Ngay khi biết mình có thói quen buồn cười ấy, hắn vẫn không sao sửa được. Vẫn cứ là gãi tai trong khi đối thoại. Vẫn cứ là gãi tai ngay khi nói chuyện với con.

Hoặc dễ xác định hơn là cứ xem ảnh hắn. Cứ xem những bức ảnh hắn chụp hai, ba mươi năm sau, vẻ u uất đau khổ lo lắng trên mặt hắn cứ hiện ra. Tấm ảnh chụp ở Đồ Sơn khi hắn đã được đi làm lại càng thảm thương. Hắn đứng trên sân sau khách sạn Vạn Hoa lộng gió và cao ngất. Nhìn ra bốn chung quanh. Nhìn về Hòn Dấu bao kỉ niệm. Đảo Hòn Dấu gắn với những năm tháng đẹp nhất của đời hắn. Hòn Dấu có đất có cây, có rừng rậm. Khoai lang Hòn Dấu ngon nổi tiếng. Luộc khoai, chủ khách ngồi ăn. Làm bùi nhùi soi thuốc bắt “cum cum”. Những con cua đá thấy ánh sáng, giương đôi mắt nằm im không động đậy Hắn cùng cả tổ khí tượng hải văn reo hò mỗi khi có một con “cum cum ” được bỏ vào thùng. Tuổi trẻ lúc đó là cùng chung lý tưởng. Lầ chan hòa cởi mở. Là tiếp nhận nhau vào một tập thể mà không dị ứng với một tế bào lạ. Anh chị em trên đảo cùng lớp tuổi hắn đón hắn như một người quen cũ. Cô cán bộ khí tượng hải văn tình nguyện ra đây sau một chuyện tình dang dở kéo hắn lên cái đài quan sát, giảng cho hắn cách ngắm máy đo sóng và hắn hiểu rằng những bản tin thời tiết hàng ngày hắn nghe trên đài ngắn gọn khô khan chính là bắt nguồn từ những hoạt dộng lặng lẽ của biết bao người như cô. Cô đưa cho hắn xem tập thơ cô làm trên đẫo, trong đó cô gọi con chim biển “Hãy dừng cánh trông, con người chiến thắng, phong ba bão bùng”.

Hắn như nhìn thấy rõ cô dắt bò, tài sản của cả tổ, đi dọc ruộng khoai lang và âu yếm nhìn nó gặm cỏ. Thấy cô từ khu nhà tắm đi lên, tay bưng nón quần áo ướt, tóc búi rất cao, áo phin nâu, ngả người leo dốc như đi ngược chiều gió thổi. Hắn như sống lại một tối xuống bến đón anh em dưới đài quan sát, gặp cả tổ đi lên. Đèn pin lập lòe giữa lối đi hẹp trong rừng cây trên đảo. Cô gái hải văn đi đầu, vai cô vắt biết bao quần áo của cánh thanh niên, như một cái giá lưu động. Theo sau là đám con trai quần đùi áo may-ô cười nói ồn ã. Nhìn đống quần áo đàn ông trên vai cô, tự nhiên hắn cảm thấy buồn buồn, gần như ghen tuông thất vọng…

Đâu rồi chàng phóng viên thuở ấy. Đâu rồi lớp người thuở ấy? Số phận ra sao rồi lớp thanh niên ấy? Liệu bao giờ sẽ có lại lớp thanh niên như thế nữa. Một lớp thanh niên mới tuyệt vời và vô tư làm sao, một lớp thanh niên có thể làm nên tất cả.

Một bàn tay đặt lên vai hắn. Hắn quay lại. Đồng chí thứ trưởng kiêm tổng giám đốc kéo hắn ra chụp ảnh màu bàng máy ảnh tự động Konica. Đồng chí thân tình trách hắn:

– Trời đất quỷ thần ơi! Tôi dưa ông ra nghỉ Đồ Sơn mà ông cứ buồn rười rượi. Tôi chán cho ông quá!

Hắn giật mình. Hắn đang thanh thản. Hắn có buồn đâu. Hắn chỉ đang nhớ lại một tí chút kỷ niệm. Thế mà người ngoài nhìn hắn buồn rười rượi. Thật không dễ gì xóa được cái dấu ấn nung đỏ trong tim ấy.