Ba phút sự thật – Phùng Quán

Ba phút sự thật không phải chỉ ngắn ngủi để người đọc có thể đọc trong ba phút, cũng không xuề xoà hay tương đối như cái cách người ta vẫn hay nói đến sự thật. Ba phút sự thật – thật đến trần trụi, gai góc và đau lòng.

Trong sự thật ấy có một triết gia kỳ quặc, cô độc trong căn hộ bề bộn chỉ mải lo cho những vấn đề về con người và triết học mà quên béng đi thực tại, cũng quên luôn cả cơm áo gạo tiền hay danh vọng, địa vị. Đến nỗi cho đến lúc chết, hàng xóm của ông vẫn chẳng tin ông là người được truy điệu mà tivi đưa tin.

Trong sự thật ấy có một nhà thơ trong buổi kháng chiến nghèo khổ bộn bề đã đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, can đảm, quyết liệt chống lại hiểm hoạ tham nhũng tàn phá đất nước.

Trong sự thật ấy có một nhạc sĩ, người đã viết nên bản Quốc ca hùng tráng cho đất nước Việt Nam, nghiêng ngả trong cơn say giữa đời với hai vế mâu thuẫn “Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền.”

Ba phút Sự thật - Phùng Quán

Ba phút Sự thật – Phùng Quán

Những câu chuyện còn lại của Phùng Quán, có cái là thực tại, có cái là quá khứ nhưng đều khiến người đọc xót xa. Biết làm sao, một thời đã qua của đất nước với bao nhiêu đau thương, bao nhiêu cực đoan, bao nhiêu tàn nhẫn của những bước chân sai lầm. Chỉ tiếc đến khi người ta nhìn ra sai lầm ấy, người ta hối hả sửa chữa thì người còn người mất.

Cuộc đời Phùng Quán, cuộc đời những người bạn văn, bạn thơ của Phùng Quán hiện lên trong trang sách với tất cả thiếu thốn, nghèo khổ nhưng lại đầy trách nhiệm với công việc, với con đường mà mình đã chọn. Như triết gia Trần Đức Thảo lôi thôi nhếch nhác quần ống thấp ống cao vẫn nghiên cứu về “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người” cho đến khi chết. Hay như Nguyễn Hữu Đang – người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945, sống trong căn chòi rách nát và cố gắng tìm cách tập hợp lại những tài liệu chẳng rõ còn hay mất trong những ngày trọng đại của dân tộc.

Ba phút sự thật không dành cho ai muốn tìm đến những trang viết hào hùng trong sáng như Tuổi Thơ Dữ Dội, cũng sẽ không dành cho ai muốn tìm những “sự thật” để yêu hơn cuộc sống này. Phùng Quán viết bằng trải nghiệm của một đời lính, một đời văn – một đời vất vả. Thấp thoáng trong Ba phút sự thật có những khoảnh khắc của một thời thiếu niên trong sáng chỉ biết cống hiến hết mình cho cách mạng, nhưng rồi nó chỉ thoảng qua để làm nền cho những hồi ức buồn đến ám ảnh của chiến tranh – như chính Phùng Quán nói, Tuổi Thơ Dữ Dội là bản di chúc của ông.

Nhà thơ Tố Hữu đã nói ngay trong chương đầu tiên của Ba phút sự thật. “Thằng Quán nó dại… mà cậu cũng dại…” (nhà thơ Tố Hữu là cậu của nhà văn Phùng Quán). Thì đấy, “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Ba phút sự thật là tập di cảo, là những gì còn lại của một người tài hoa nhưng đã “lỡ dại” mà chọn nghiệp văn chương.

 

“Phùng Quán – Ba phút sự thật”, cuốn sách nhân tình và xúc động (Ngô Minh)

Ba phút sự thật

Xông đất nhà thơ Tố Hữu

Cuộc viếng thăm bất chợt nhà thơ Tố Hữu

Một thoáng Văn Cao

Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo

Hành trình cuối cùng của một triết gia

Hằng Nga thức dậy

Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập

Người bạn lính cùng tiểu đội

Người bạn lính cùng tiểu đội (2)

Bản hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt