Chương 27: Từ hầm dinh Gia Long đến nhà Mã Tuyên

Trung sĩ Mộc, thuộc thuỷ quân lục chiến cho biết ông cùng toán quân của ông là những người thứ nhất đặt chân lên thềm dinh Gia Long và sau đó, ông xuống hầm làm nhiệm vụ lục soát.

Hầm này như thế nào? Đây là nơi Tổng thống Diệm trong 7 tiếng đồng hồ của buổi chiều ngày 1 đã cùng ông Nhu ẩn trú và tính kế. Hầm hoàn thành ngày 28-10-1963 nằm phía sau dinh Gia Long, chiều dài 25 thước chạy từ cánh trái của dinh phía đường Pasteur đến cánh phải phía đường Công Lý. Hầm có hai cửa nhưng lại có 5 lối dẫn xuống hầm. Một lối thông với phòng ngủ của Tổng thống Diệm ở lầu hai, một lối khác ăn thông với căn phòng ông Nhu ở phía đường Pasteur. Bên trên hầm là sân cỏ sát sân quần vợt với hai trụ thông hơi có một cửa ra vào dành riêng cho lực lượng cận vệ. Cửa hầm bằng sắt dày. Hầm phân ra 2 khu, một dành cho Tổng thống Diệm, một dành cho ông Nhu. Về phía Tổng thống Diệm hầm được ngăn ra thành 3 phòng nhỏ: một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng tắm.

Nhưng từ khi nổ súng. Tổng thống Diệm xuống hầm thì tất cả bộ phận đầu não đều tập trung trong một căn phòng khách nhỏ hẹp của Tổng thống Diệm với một chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành và một chiếc tràng kỷ. Ông Nhu đi đi lại lại phía trên hành lang sâu hút của chiếc hầm… Từ khi nổ súng, ông Nhu vẫn đi như thế, đầu cúi thấp, từng bước chậm chạp.

Buổi chiều nặng nề trôi qua. Tổng thống Diệm chăm chú nghe lời nói của ông em: “Hừ hừ… Mỹ nó biểu làm thì làm… Mỹ nó cho mỗi đứa vài ngàn đô là xong”. Ông Nhu búng tàn thuốc, gương mặt nặng trĩu: “Đính, Mậu nó làm như rứa…”.

Tổng thống Diệm lặng thinh. Khoảng 6 giờ ông già Ân mang xuống hầm một tô cháo gà để Tổng thống Diệm lót lòng. Ông Tổng thống từ chối với một cử chỉ uể oải, chán nản tột cùng. Cuối cùng cầm thìa múc cháo nhưng như không còn đủ sức nuốt cho hết … Ông nhìn mọi người rồi bảo ông già Ân: “Múc vài tô nữa cho anh em ăn với “. Nhưng đây là tô cháo cuối cùng của đầu bếp dinh Gia Long.

Khoảng 7giờ, ông Nhu nói với ông Diệm: “Thôi mình đi”. Tổng thống quay lại hỏi: “Đi mô?”. Ông Nhu đáp nhát gừng: “Cứ đi rồi sẽ tính “. Tổng thống đứng lên nói: “Đi thì đi…”, Tổng thống Diệm sai ông già Ân lên lấy cặp da. Trung uý Sung thu xếp hành trang của ông Nhu.

Tổng thống Diệm nói với các sĩ quan tuỳ viên cùng bác sĩ Đinh Xuân Ninh và Trung tá Kỳ Quan Liêm: “Đi một đứa thôi. Đi nhiều không nên”. Tất cả mọi người có mặt đều có vợ con, riêng Đỗ Thọ thì còn độc thân. Đại uý Đỗ Thọ tình nguyện đi theo Tổng thống. Đại uý Thọ quay lại Đại uý Hoàn: “Hoàn ở lại. Tao độc thân đi theo Tổng thống nếu có chết cũng không sao”. Khi già Ân đem chiếc cặp xuống trao cho Tổng thống mọi người đứng vây quanh Tổng thống Diệm, nghẹn ngào. Tổng thống Diệm trao chiếc cặp da cho Hoàn, đôi mắt ông vẫn lơ đãng xa vời. Đỗ Thọ đỡ chiếc cặp da bước theo Tổng thống rời khỏi hầm dinh.

Chiếc xe loại Ford đậu sẵn ở sân cỏ. Tổng thống Diệm bước lên xe theo sau là ông Nhu và Đại uý Bằng, Đại uý Đỗ Thọ ngồi băng trước cạnh tài xế Tổng thống Diệm ngồi phía sau lưng tài xế và bên cạnh là ông Nhu. Xe rồ máy băng qua cửa nhỏ của dinh vào đường Pasteur rồi tiến vào sân sau toà Đô chánh, sau đó rẽ qua đường Lê Thánh Tôn chạy ngang qua rạp Rex, rẽ tay phải theo ngã đường Lê Lợi thẳng ra Chợ Lớn, chạy dọc theo đại lộ Trần Hưng Đạo. Ông Cao Xuân Vỹ bỏ đi không tháp tùng Tổng thống Diệm và khi xe sắp chuyển bánh ông Vỹ thấy ông Nhu và Tổng thống Diệm ngồi trên sàn xe coi bộ thê lương quá nên ông vào dinh lấy tạm tấm đệm mút để Tổng thống Diệm và ông Nhu ngồi tạm, nhưng khi mang nệm ra thì xe đã đi.

Trong dinh Gia Long lúc này chỉ còn duy nhất một mình ông Cao Xuân Vỹ là người có thẩm quyền quyết định. Ông không thể bỏ đi ngay vì phải ở lại đôn đốc một số công việc, nhất là lo việc ăn uống của anh em binh sĩ. Vì vậy, thay vì tháp tùng xe Tổng thống Diệm, ông trở lại dinh gọi điện thoại cho Trung tá Phước hiện đang có mặt tại khu Đại thế giới, báo cho Trung tá Phước biết là có hai người khách sắp đến. Đồng thời ông Vỹ cũng chỉ thị cho Trung tá Phước nếu xe của hai vị khách tới nơi sẽ cho thay xe khác và chính Trung tá Phước phải tự lái xe đưa hai nhân vật này đến tạm trú tại nhà Mã Tuyên và đợi ông ở đó, ông Vỹ sẽ đến.

Trước sau, anh em Tổng thống Diệm đã trở thành kẻ cô đơn trong cơn khói lửa, và phải lo liệu tất cả mọi chuyện. Bộ trưởng phụ tá Quốc phòng cũng như Bộ trưởng Nội vụ không còn một liên lạc nào với vị lãnh tụ “anh minh” của họ.

Khoảng 9 giờ đêm hôm đó, Trung tá Phước đưa hai anh em Tổng thống Diệm đến tạm trú tại nhà Mã Tuyên cùng với mấy tuỳ viên trên cùng một chiếc xe Land Rover. Sau khi ra một số chỉ thị cần thiết, Trung tá Phước trở về bản doanh của Thanh niên Cộng hoà (đặt tại khu thế giới). Từ lúc đó trên lầu hai nhà Mã Tuyên chỉ còn Tổng thống Diệm, ông Nhu và Đại uý Thọ. Riêng Đại uý Bằng khi theo Tổng thống Diệm đến Đại thế giới thì được Tổng thống Diệm cho tự ý lo liệu. Một lát sau khi ông Cao Xuân Vỹ đến nhà Mã Tuyên trong ít phút sau đã thảo luận với hai anh em Tổng thống Diệm và lãnh chỉ thị cuối cùng.

Ông Vỹ được lệnh trở về bản doanh của Thanh niên Cộng hoà để lo điều động mọi việc. Kể từ đó mọi việc liên lạc đều qua dường dây điện thoại. Ông Vỹ có trở lại khu Đại thế giới một lần nữa để bàn thảo kế hoạch và lãnh thêm chỉ thị mới. Đây là lần sau chót ông Vỹ gặp mặt Tổng thống Diệm và vị lãnh tụ Thanh niên cộng hoà. Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 2 ông Cao Xuân Vỹ mất liên lạc với Tổng thống Diệm và ông Nhu. Tổng thống Diệm đến nhà Mã Tuyên là một sự tình cờ. Trước đó, ông Tổng thống đã khước từ đề nghị đưa ông và ông Nhu vào một tu viện trong Chợ Lớn. Tổng thống Diệm lắc đầu “Êm thì không nói làm chi. Nếu có sao sau này phiền luỵ đến các cha”. Do đó mà ông Vỹ và Trung tá Phước bắt buộc phải tạm thời dùng nhà Mã Tuyên làm “Dinh Tổng thống” cho qua đêm. Khi được Trung tá Phước báo tin, Mã Tuyên ra tận cửa đón chào anh em Tổng thống Diệm. Từ 9 giờ tối chiếc xe Dodge trang bị máy truyền tin hoạt động không ngừng vì ở đây thu lượng tin tức của dinh Gia Long và thành Cộng hoà cũng nhận chỉ thị của hai ông.

RUỘT THỊT

Được biết, theo kế hoạch đã bàn thảo, Tổng thống Diệm và ông Nhu mỗi người sẽ đi theo một ngã và cố tránh để không lọt vào tay phe đảo chính. Ông Nhu sẽ cải trang như một thường dân lao động và tìm cách ra khỏi Đô thành rồi theo lộ trình nào an ninh nhất, ông sẽ lên Cao nguyên. Tổng thống Diệm sẽ tạm lánh một nơi an toàn tại Sài Gòn. Sau đó, khi lên tới Cao nguyên, ông Nhu sẽ huy động lực lượng quân đội do tướng Nguyễn Khánh trực tiếp điều khiển và sẽ tiến về Sài Gòn phản công.

Về mặt chính trị, ông Nhu vẫn tin tưởng là ông đã nắm vững được cả “nội lực và ngoại diện” khả dĩ có thể giúp ông thắng thế không những đối với phe đảo chính mà kể cả Hoa Kỳ.

Ông Nhu đã trình bày cho Tổng thống Diệm biết nếu phe tướng lãnh bắt được Tổng thống, họ cũng không dám làm gì có thể nguy hại đến an ninh cá nhân của Tổng thống. Song chính ông Nhu cũng hiểu rằng nếu phe tướng lãnh bắt được ông, họ có thể thanh toán ông ngay không một chút ngần ngại. Hơn nữa, ông cũng biết rằng người Mỹ không ưa gì ông. Dù đã trình bày cặn kẽ “ai nên ở, ai nên đi” song Tổng thống Diệm vẫn cương quyết không cho em mình ra đi. “Tôi ở đâu thì chú ở đó, chết thì chết cả hai”. Chính vì tình thương ruột thịt nồng thắm như vậy nên ông Nhu không thể cưỡng lại lời ông anh và ngược lại, Tổng thống Diệm cũng không đành lòng để ông em ra đi một mình.

Cho đến sau này, giới thân cận nhất của Tổng thống Diệm cũng không hiểu nổi, từ một nguyên nhân tâm lý nào đã khiến Tổng thống Diệm tính sai như vậy khi ông cương quyết không để ông Nhu ra đi, và cũng khước từ luôn cả đề nghị để ông Nhu tự do định đoạt, còn Tổng thống Diệm tạm thời lánh vào một tu viện.

GIỜ THỨ 25

Một người như Nguyễn Khánh, vẫn bị ông Nhu nghi ngờ và không mấy tin tưởng. Song trọn đêm ngày 1 rạng ngày 2, tướng Khánh đã biểu lộ trọn vẹn lòng trung thành đối với Tổng thống Diệm và ông Nhu, cho nên không lấy làm lạ cho đến giờ phút cuối cùng khi biết được thành Cộng hoà và dinh Gia Long bị hạ và mất hết liên lạc với Tổng thống Diệm, tướng Khánh mới cam đành đánh công điện về ủng hộ quân đảo chính. Không những tướng Khánh đã xử sự như vậy mà nhiều tướng tá khác cũng giữ thái độ “chờ đợi” và chỉ đánh điện ủng hộ quân đảo chính khi biết chắc chắn chế độ đã sụp đổ. Nhiều đơn vị trưởng hoặc Tỉnh trưởng tuy được Đài Phát thanh nêu tên tuổi và ghi nhận là họ đã theo phe đảo chính song qua đường dây liên lạc với dinh Gia Long, họ vẫn cam kết trung thành, và sẵn sàng phản công chống lại phe đảo chính.

Tất nhiên sau khi đảo chính thành công Hội đồng Quân nhân đã đặc cách thăng thưởng cho nhiều tướng tá trong trường hợp kể trên. Và đó cũng là cái may cho ai vẫn giữ được lòng trung thành, đồng thời lại gặp vận “hên” do tình cờ của lịch sử.

Mỗi vị thăng thêm một lon, cũng như tướng Khánh được đặc ân thăng Trung tướng vì có công ơn đối với quân đảo chính…

Trong cuộc binh biến và thay chủ đổi ngôi nào mà không có những may rủi tình cờ cũng như oan khiên cừu hận.

Nếu tin là phận số do trời đã tiền định cho mỗi con người thì cái chết của hai anh em Tổng thống Diệm cũng do phận số vậy. Có thể nói như vậy vì biến cố 1-11-1963, anh em ông Diệm có nhiều yếu tố chiến thắng khác hẳn với biến cố 11-11-1960 lúc ấy đã có nhiều yếu tố khả bại. Những yếu tố khả ứng này gồm những yếu tố bên trong và bên ngoài. Kể từ đầu tháng 10, mỗi ngày một thuận lợi cho chế độ Diệm, mặc dầu áp lực phía Mỹ rất nặng nề. Cũng chỉ vì quá chủ quan và tin tưởng vào những yếu tố bên trong và bên ngoài này nên ông Nhu đã khinh xuất và “chơi” một canh bài quá bạo gan. Trong 9 năm chế độ, khi còn được Mỹ ủng hộ, cơ quan CIA đã giúp cho Tổng thống rất nhiều tin tức tình báo quan trọng. Bất cứ một âm mưu nào nhằm lật đổ chế độ mà CIA ủng hộ đều bị khám phá kịp thời… hoặc là chính CIA ra tay phá những âm mưu đó từ trong trứng nước. Song kể từ khi Đại tá Richarson (chỉ huy CIA toà Đại sứ Mỹ) bị gọi về nước, ta có thể coi từ lúc đó, chính quyền Ngô Đình Diệm không còn trông cậy vào sự cộng tác của CIA (mặt nổi toà Đại sứ Mỹ). Tuy vậy, Sài Gòn vẫn là trung tâm của nhiều tổ chức tình báo… Nhờ sự biến chuyển tốt đẹp về ngoại giao Pháp Việt đã giúp cho anh em Tổng thống Diệm có một số “bàn tay bí mật” cung cấp những tin tức quan trọng nhất quan hệ đến sự sống còn của chế độ. Nhưng lịch sử vẫn có những cái bất ngờ xoay chuyển cả đại cuộc. Nào ai có thể tiên liệu được cái bất ngờ của lịch sử. Tổng thống Diệm lưu lạc đến nhà Mã Tuyên, nào ông Nhu có thể ngờ sẽ xảy ra như vậy.

Cái bất ngờ, đã đưa người Hoa kiều Mã Tuyên đến một đoạn đường thê lương suốt 3 năm.

Vậy Hoa kiều Mã Tuyên là người như thế nào? Sau đảo chính Mã Tuyên được tô vẽ như hùm xám ở Chợ Lớn với gia tài lên đến hàng tỷ bạc. Sự thực có như thế không?

Mã Tuyên là nhà giàu có. Song gia tài của ông so với những người Hoa kiều giàu có khác không thấm vào đâu. Đối với giới này Mã Tuyên mới chỉ thuộc vào hàng trung lưu. Mã Tuyên đã sẵn có uy tín trong giới Hoa kiều từ trước năm 1954. Vào khoảng 1957-1958, Mã Tuyên không những là bang trưởng mà còn là Chủ tịch của 11 bang Hoa kiều. Không phải chỉ ở Sài Gòn – Chợ Lớn mà trên toàn quốc, Mã Tuyên thường được người Hoa gọi là Kiều lãnh. Chỉ một chức vụ quan trọng này, Mã Tuyên đã có một đời sống dư giả, sung túc và quyền thế, mà tập thể Hoa kiều đã dành cho ông trong tư thế lãnh tụ của họ.

Vào khoảng năm 1959, Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn được mật báo Mã Tuyên là một tổ chức kinh tài của Trung cộng và có liên hệ đến những hoạt động của Cộng sản tại Chợ Lớn. Nguồn tin mật báo này xuất phát từ đám “mã thầu dậu” rnà cơ quan an ninh dã sử dụng một thiểu số trong đám đó làm mật báo viên. Do đó, Mã Tuyên bị mời lên Tổng Nha để điều tra. Vì vụ tố cáo này Mã Tuyên luôn luôn bị đám “mã thầu dậu” quấy rầy và cơ quan an ninh cũng nhân cơ hội đó gây cho ông ta không biết bao nhiêu phiền phức khác. Vào khoảng năm 1960, Đại sứ Trần Văn Lắm gặp bác sĩ Tuyến có than thở là ông có mấy người bạn Hoa kiều bị công an quấy rầy không sao làm ăn nổi. Người thứ nhất là Hoa kiều Phú Lâm Anh chủ nhà hàng Mỹ Cảnh trước đây. Người thứ hai là Mã Tuyên, sống bằng nghề mại bản cho một ngân hàng. Đại sứ Trần Văn Lắm quả quyết rằng hai người này không phải là cán bộ kinh tài của Trung cộng. Qua sự giới thiệu của ông Đại sứ Trần Văn Lắm, bác sĩ Tuyến can thiệp ngay. Bác sĩ Tuyến cho gọi viên chánh sở cảnh sát đặc biệt đến để cho biết qua về hoàn cảnh của Mã Tuyên và Phú Lâm Anh.

Ông yêu cầu cảnh sát đặc biệt chấm dứt mọi phiền hà đối với hai Hoa kiều này. Có thể nói, từ đó Mã Tuyên mới có thể thảnh thơi làm ăn. Tuy bác sĩ Tuyến can thiệp cho Mã Tuyên song ông vẫn chưa hề gặp mặt Hoa kiều này. Riêng Phú Lâm Anh thì thỉnh thoảng ông Tuyến và Trần Văn Lắm có ghé qua nhà hàng của y.

Năm 1961 trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống, bác sĩ Tuyến có mời một số bang trưởng Hoa kiều đến văn phòng của ông để nói chuyện về cuộc bầu cử và yêu cầu cái bang trưởng dùng uy tín để vận động cho hên danh Ngô Đình Diệm – Nguyễn Ngọc Thơ. Đây là lần đầu tiên Mã Tuyên được gặp bác sĩ Tuyến và chỉ một lần đó cho đến ngày đảo chính.

Khi Thanh niên Cộng hoà được thành lập, ông Cao Xuân Vỹ làm Phó Tổng thủ lãnh Thanh niên Cộng hoà, Đô thành được trao cho Trung tá Phước (Phó Đô trưởng nội an) làm thủ lãnh, thì Mã Tuyên với tư cách đại diện của giới Hoa kiều Chợ Lớn nên đã được đề cử làm thủ lãnh của thanh niên Cộng hoà tại quận V.

Thân hình, khuôn mặt và đời sống ông ta tiêu biểu đầy đủ cho một dân Trung Hoa chính gốc. Ông có đến 4 vợ chính thức và trên 20 người con.

Mã Tuyên chưa hề gặp mặt ông Ngô Đình Nhu và kể cả Cao Xuân Vỹ, Phó Tổng thủ lãnh của Mã Tuyên. Mã Tuyên chỉ quen biết Trung tá Phước mà thôi. Thanh niên Cộng hoà là đoàn thể duy nhất mà ông ta tham dự.

Ông ta cũng chỉ được Tổng thống Diệm bắt tay vào những dịp Quốc khánh hay Tết Nguyên đán, khi cùng các phái đoàn Dân chính đến dinh chúc mừng Tổng thống và riêng Mã Tuyên với cương vị đại diện Hoa kiều.

Buổi tối hôm 1-11 lần đầu tiên, gia đình Mã Tuyên được tiếp đón anh em Tổng thống Diệm. Liên hệ giữa Hoa kiều Mã Tuyên và chế độ Tổng thống Diệm trước sau chỉ đơn giản có thế.

Sau ngày đảo chính, Mã Tuyên bị bắt và được mô tả như tay kinh tài khét tiếng của chế độ Ngô Đình Diệm.

Ông ta còn bị tịch biên tài sản. Có điều đáng ghi nhận và cũng là điều đáng ca ngợi về tình đồng hương của giới Hoa kiều: Khi vật dụng gia sản của ông Mã Tuyên bị tịch thu và đem bán đấu giá, thì chính đồng hương của ông đã bỏ tiền túi ra mua và đem trả cho gia đình Mã Tuyên. Trong thời gian ông bị cầm tù thì chính đồng hương của ông đã tự động đóng góp kẻ ít người nhiều chu cấp cho vợ con ông. Đó cũng là số phận của mỗi con người. Giả thử nếu anh em Tổng thống Diệm không vào nhà Mã Tuyên ẩn náu một đêm thì chắc chắn Mã Tuyên không bị tù đày trong bốn năm trường, từ khám Chí Hoà đến Côn Đảo và Biên Hoà. Những người thuộc chế độ cũ cùng bị giam với Mã Tuyên đều ghi nhận, Mã Tuyên bị oan ức, song không hề oán thán và vẫn một lòng tử tế như xưa.

Có thể nói, Mã Tuyên chỉ có một cái tội của kẻ gặp cơn tai bay vạ gió. Giả thử nếu Mã Tuyên cam tâm phản bội biết đâu ông ta không trở thành một trong những người hùng của đảo chính? Ông ta chỉ cần cho vợ con đi cấp báo với phe đảo chính, tất nhiên hai anh em ông Diệm sẽ không còn phương thế nào để chống đỡ và anh em ông tất đã bị phe đảo chính bắt ngay vào đêm 1-11. Song gia đình Mã Tuyên đã không cam tâm làm như vậy. Ngược lại đã tiếp đón Tổng thống Diệm với tất cả lòng cung kính.

ĐÊM DÀI NHẤT

Mã Tuyên dành riêng một căn phòng trên lầu hai cho anh em Tổng thống Diệm, và tự tay ông ta làm mọi việc cung phụng hai vị thượng khách. Mã Tuyên cho vợ con xuống hết nhà dưới, không một ai được lai vãng lên lầu và chính Mã Tuyên cũng chỉ đóng vai trò phục dịch. Từ lúc hai anh em ông Diệm đến đây cho đến khi qua nhà thờ Cha Tam, Mã Tuyên đã thức trắng đêm để túc trực phục dịch.

Tuy nhiên ông ta không được hay biết gì hơn, nghe gì hơn ngoài mấy câu thăm hỏi của Tổng thống Diệm và ông Nhu. Vợ con Mã Tuyên cũng chỉ được một lần nhìn ra khuôn mặt và vóc dáng anh em Tổng thống Diệm, cả nhà đều giữ yên lặng cung kính đầy kinh ngạc.

Mặc dầu súng nổ lớn trong khắp Đô thành, Mã Tuyên cũng chỉ cảm thấy mơ hồ một điều gì đó có lẽ quan hệ lắm đang xảy ra.

Đêm ấy, tự tay Mã Tuyên pha từng bình trà nóng, thứ hảo hạng và tự tay ông bưng từ dưới nhà lên lầu với một sĩ quan tuỳ viên đem vào phòng cho hai anh em ông Tổng thống. Đêm ấy gia đình Mã Tuyên hoàn toàn lặng lẽ trong không khí của sự trang nghiêm, vì trước mắt họ và trong lòng họ, họ đang được sống trong khung cảnh thần thoại của xứ Trung Hoa cổ: Trong dó một anh dân thường đang sống yên vui với gia đình bỗng có một vị Hoàng đế xa giá đến nhà, chủ nhân vừa ngơ ngác vừa run rẩy hoang mang trước một tình cờ như một phép mầu nhiệm hay đúng hơn như là một giấc mơ.